Pháp hội Phật vô động


altNhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống khiến cho tâm thức của chúng ta luôn bị xao động, và có khi đánh mất chính mình mà không hề hay biết. Để có được một thái độ sống thích hợp, một tâm thức an tịnh khi sống giữa cõi đời, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên tu tập quán chiếu về các pháp cũng như tâm thức của mình. Giáo lý của đức Phật đặt căn bản trên việc giải thoát khổ đau, đem lại niềm an lạc tự tâm cho chính mình và cho người bằng việc thực hành tu tập. Điều đó luôn được hiển bày trong tất cả các bộ kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, v.v… Trong kinh Đại Bảo Tích, đức Phật đã nói về phương thức tu tập nhằm đạt được an lạc qua việc giới thiệu về pháp hội “Phật Vô động” và Vô Động Như Lai. Ngài đề cập đến những vấn đề thường xảy ra trong cuộc sống và cách thức làm sao khi chúng ta đối mặt với những điều đó tâm không bị dao động.
“Phật Vô Động” phát xuất từ một Tỳ-kheo thanh tịnh vào thời đức Phật Quảng Mục trong thế giới Diệu Hỷ, và cũng là thế giới thiền định. Hình ảnh của đức Phật Vô Động nhắc nhở một điều rằng, người xuất gia học đạo trước tiên phải đầy đủ giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, luôn an trú trong chánh niệm tỉnh giác “Phản quan tự kỷ”, để từ đó đạt được nguồn an lạc và giải thoát.
Trong lộ trình tu tập giải thoát, hành giả phải trải qua quá trình kiểm nghiệm tâm, nhận chân rõ cuộc đời là vô thường, khổ đau và từ bỏ những ham muốn. Chúng ta phải trở về con đường thiền định của đức Thế Tôn, bởi vì nơi Ngài chân lý tối thượng đã bừng sáng. Và chính Ngài là nơi qui hướng cho chúng ta trong quá trình học pháp, hiểu pháp và hành pháp. Mỗi khi chúng ta quy hướng theo Ngài và tu tập theo những gì Ngài đã chỉ dạy, chúng ta chắc chắn sẽ có được nguồn an lạc, và nguồn an lạc này là một niềm vui vi diệu mà được kinh gọi là Diệu Hỷ. Tâm có diệu hỷ thì mới đạt đến chỗ vô động. Niềm vui đó là niềm vui thầm kín, là niềm hỉ lạc vô biên trong thiền định không lộ rõ bên ngoài.
Pháp hội “Phật Vô Động” là nhắc đến Tỳ-kheo lập hạnh vô động khi gặp đức Phật Quảng Mục. Quảng Mục tức là nói đến cái nhìn vào pháp giới, thấy từ hiện tượng này đến chiều sâu của sự vật và thấy sự tương quan tương duyên của tất cả các loài chúng sanh trong pháp giới. Còn Vô Động là không bị vọng tình chi phối, trước nghịch cảnh không nản lòng mà phải đầy đủ nghị lực và ý chí để vươn lên.
“Phật Vô Động” chính là tâm vô động, là nhận ra chân thật ngã, chân thật pháp. Vì chân thật pháp nằm trong thể tánh, nên khi dao động trong sanh diệt thì không thể học được pháp chân thật, thanh tịnh. Vì thế, muốn tâm được thanh tịnh, muốn trở thành vô động chúng ta luôn quán xét tâm mình, tự tại trước khen chê, được mất, thành bại, v.v… Cho nên, lời phát nguyện của Tỳ-kheo Vô Động là y cứ trên tinh thần “vị tha vô ngã”. Pháp hội Vô Động không đặt ra thời khóa nhất định, mà mọi lúc mọi nơi hành giả phải luôn  giữ tâm bất động, không cho nghiệp duyên dấy khởi, không bị phiền não chi phối và khi vọng tưởng khởi lên thì hành giả có thể nhận biết ngay. Cho nên Tỳ-kheo Vô Động phát hạnh nguyện rộng lớn: “Từ đây cho đến ngày chứng đạo phải giữ tâm như như bất động mới có thể đạt được quả vị Vô sanh.”
Ngoài ra, Phật Vô Động ứng dụng luật nghi để tự rèn luyện tâm mình trên tiến trình tu tập, đạt đến trí tuệ giải thoát. Bởi vì, khi trở thành bậc xuất thế không những nội tâm chứng đắc mà còn trang nghiêm pháp thân để cảm hóa lòng người. Và một điều tương tác dễ thấy rằng mỗi khi thân thanh tịnh thì trí tuệ tự nhiên hiển bày. Theo kinh Đại Bảo Tích thì giữa luật nghi và pháp hội Vô Động liên quan chặt chẽ với nhau. Phật Vô Động phát xuất từ một Tỳ-kheo thanh tịnh thời đức Phật Quảng Mục trong thế giới Diệu Hỷ, và có được tâm thanh tịnh là do giữ gìn giới luật trang nghiêm. Giới như vậy chính là nơi an trú yên ổn nhất của người học đạo. Nhờ sống trọn vẹn trong giới luật nên thoát khỏi triền phược khổ đau. Giới là phương tiện để người xuất gia gạn lọc mọi lậu hoặc, tiêu trừ phiền não đạt đến an lạc, hạnh phúc. Giới là mặt đất bằng phẳng để cây thiền định trụ vững và kết trái trí tuệ. Đặc biệt, thiền trong Phật Vô Động là tiến trình cải hóa, thanh lọc tâm nhiễm ô trở nên thanh tịnh, từ  si ám đến trong sáng, đạt đến tâm bất động tuyệt đối. Chơn tâm hiện khởi trong trạng thái toàn bích do tu tập thiền định mang lại. Tỳ-kheo Vô Động trong kinh Đại Bảo Tích nhờ trang nghiêm giới thế và tâm an trú mà được đức Phật ấn chứng, được đại chúng công nhận và được ma vương hộ trì. Điều đó cho chúng ta thấy sự phát tâm của bậc xuất gia học đạo cần phải đặt căn bản trên ba môn học giới, định, tuệ, như thế mới có thể hòa nhập thế giới thanh tịnh. Mỗi khi Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Và mỗi hành giả khi đạt đến tâm thanh tịnh rồi thì hạnh nguyện “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”  thành tựu viên mãn.
Pháp hội “Phật Vô Động” nhằm giới thiệu về Vô Động Như Lai, qua đó cũng chỉ bày phương cách tu tập cho mỗi hành giả trên bước đường tu và hành đạo. Đây là một trong những pháp hội quan trọng, đề cập đến những giáo lý rất cao siêu, nhưng không phải không mang tính thực tiễn. Qua pháp hội này, chúng ta có thể biết thêm về một pháp môn tu tập. Và đối với người xuất gia cũng như tại gia trong thời đại hiện nay, chúng ta phải biết vận dụng tâm vô động để có thể thực hành Bồ-tát đạo, nhờ vậy có thể giữ tâm tự tại trước mọi hoàn cảnh dù động hay tịnh.

 

Tuệ Giác