Đời sống tâm linh trong thời hiện đại - Phần 2

Không có sự tham muốn, ghen tỵ bởi vì tất cả mọi người đều là bạn bè bằng hữu hay đối tác, bạn luôn có tình cảm tốt với họ. Khi đó mọi người cũng dễ dàng đồng cảm chia sẻ với bạn. Bạn có thể chia sẻ tình yêu thương chân thật và những suy nghĩ tích cực với mọi người bởi vì bạn có được đời sống tâm linh trong chính bạn.

Chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến người khác

Nếu muốn, bạn có thể đem lại sự hòa hợp, hạnh phúc, sự hiểu biết và giác ngộ đến toàn bộ thế giới này. Mặc dù còn đang trên tiến trình đạt đến toàn giác để chia sẻ sự giác ngộ của mình nhưng ngay lúc này bạn hãy chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến người khác.

WTl.jpg

Rất nhiều người có vô số phẩm hạnh cao quý nên khi lân mẫn gần gũi họ, chúng ta có thể được ân hưởng những năng lượng an bình, hạnh phúc tuôn tràn từ nơi họ. Tuy nhiên, có những người lại lạnh lùng hay thậm chí rất lãnh đạm, bởi vậy khi tiếp xúc với họ bạn sẽ cảm thấy như tiếp xúc với đá, hay một thứ gì tương tự như vậy. Có thể bạn thấy phải miễn cưỡng khi có mặt ở đó bởi vì bạn đã hứa hoặc bởi một vài lý do tương tự như vậy. Lân mẫn tiếp xúc với họ không làm bạn cảm thấy ấm áp nhiệt thành chút nào bởi họ thiếu dũng khí, thậm chí không biết làm thế nào để yêu thương chính mình, bởi vì tâm họ đầy những tư tưởng tiêu cực nên chẳng có gì truyền cảm để chia sẻ cả. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy nặng nề, tiêu cực khi gần gũi họ.

Bạn thực sự cần biết làm thế nào để yêu thương chính bản thân mình, nhưng để làm được điều này, bạn phải biết làm cách nào có thể trải qua tiến trình cải thiện đời sống của mình. Muốn vậy, trước hết bạn phải biết giá trị và tầm quan trọng của đời sống này là như thế nào. Nếu bạn không biết được đời sống này là gì thì khi đó chắc chắn bạn sẽ không biết việc trải nghiệm tiến trình cải thiện đời sống của mình là quan trọng đến dường nào. Tuy nhiên, với nhiều người trong chúng ta, điều này lại không quan trọng chút nào, chúng ta không quan tâm tới việc tìm hiểu đời sống này là gì. Một vài người khá thông minh đã hỏi tôi: “Đời sống thực sự là gì?”. Bởi vì họ thực sự không tìm được câu trả lời nên họ không biết mình là ai, họ không biết họ đang đi đâu và đang làm điều gì. Mặc dù chúng ta vẫn đi dạo, chúng ta vẫn nói chuyện, chúng ta vẫn làm rất nhiều điều nhưng chúng ta chỉ giống như một con robot mà không có hiểu biết và đời sống tâm linh bên trong.

Hãy trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt tốt xấu

Tất thảy chúng ta không nên xét đoán đánh giá đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Tuy nhiên, chính chúng ta lại cứ phân biệt ta, người, tốt, xấu: “Đây là một người tốt, nhưng kia lại là một người xấu. Đây là cặp vợ chồng rất đẹp đôi nhưng kia thì lại không phải v.v…”. Chúng ta sống trong thế giới này mà cứ “sáng tạo” ra mọi thứ như vậy. Điều này cũng có thể tốt, nó có thể tạo ra một buổi nói chuyện rất thú vị và cũng có thể là một phần của đời sống, bởi vậy chúng ta cứ tiếp tục theo cách sống đó, nhưng thực sự nó chẳng mang lại một ý nghĩa gì cả. Như tôi đã luôn nhắc tới, chính thái độ phân biệt của chúng ta đã tạo ra một thứ gì là “tốt” hay “xấu”. Tôi có thể nói “Điều này là tốt”, nhưng người khác lại có thể không đồng ý. Như thế, có thể biến thành một cuộc tranh cãi mà chẳng đi đến đâu cả. Đây chính là phương thức mà chúng ta đang sống trên thế giới này. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống trong thế giới với một phương thức như vậy được nữa, chúng ta cần làm một cuộc cách mạng. Tôi cảm thấy rằng lối sống bắt chước như vậy cho đến giờ đã quá đủ nhàm chán rồi! Đó là lý do tại sao chúng ta hãy thực sự trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt mọi điều là tốt hay xấu. Đời sống của chúng ta có thể là tốt cũng có thể là xấu, nhưng sẽ không thành vấn đề nếu chúng ta không suy đoán đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Đó là lý do tại sao tôi không muốn dán nhãn mác cho mọi điều là “tốt” hay “xấu”. Nếu trong suốt buổi nói chuyện này, một vài bằng hữu của tôi có nói rằng một người nào đó là “rất tồi” khi ấy tôi sẽ luôn cảm thấy rằng chính những người bạn của mình mới là những người bất hạnh. Có thể một người nào đó đang làm những việc dường như rất xấu, thế nhưng ai có thể biết được việc anh ta đang thực sự làm gì, ai có thể thực sự biết được rằng những hành động của anh ta là tốt hay xấu? Ai thực sự có thể biết được điều này? Suy đoán là một việc làm rất tồi. Nhưng dù sao đi nữa, việc suy đoán phân biệt một điều gì là tốt hay xấu còn tốt hơn việc thực hành giáo điều tôn giáo.

wtm.jpg

Tôn giáo luôn cho rằng điều này là tốt hay điều kia là xấu. Cách nhìn này có thể hỗ trợ giúp đỡ bạn trong giai đoạn ban đầu nhưng nếu cố chấp thủ vào nó thì sẽ mang lại cho bạn vô số khó khăn, trở ngại. Bởi vậy cuộc sống giống như một chiếc hộp vuông: Không là không, có là có, tốt đẹp là tốt đẹp, xấu xa là xấu xa…đời sống có thể trở nên giáo điều cứng nhắc như vậy, có rất nhiều thứ mà bạn buộc phải tin. Nếu bạn coi Phật giáo là tôn giáo và bạn thấy rằng Đức Phật đã dạy một điều gì đó là tốt thì bạn sẽ phải tin tưởng rằng điều đó là tốt đẹp 100%. Nếu Đức Phật dạy điều đó là xấu thì điều đó sẽ trở nên là xấu 100%. Cách thức của bạn là như vậy! Bạn sẽ không suy xét quán chiếu tường tận về mọi điều, bạn không được phép làm điều đó! Tương tự như vậy, nếu là người Thiên Chúa giáo, bạn phải tin tưởng rằng Thiên Chúa giáo là tôn giáo duy nhất, khi đó bất cứ điều gì Chúa Jesus dạy đều trở thành chân lý tối thượng…mà bạn chẳng phải suy xét, quán chiếu tường tận và trải nghiệm về những điều đó. Đây chính là phương thức điển hình của tôn giáo khi đề cập tới vấn đề niềm tin tâm linh của mỗi người.

Đức Phật là thực tướng đời sống của chính bạn

Tuy nhiên chính Đức Phật đã dạy trong giáo lý kinh điển: “Nếu con coi Ta là Phật, con sẽ không bao giờ thấy được Phật. Nếu con lắng nghe giáo pháp của Ta mà coi là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt được chân Pháp”. Đây thực sự là một thông điệp vĩ đại, nhưng thật bất hạnh nhiều người lại ngộ nhận sai lầm chân lý này. Họ đang bỏ lỡ mất lời dạy của Đức Phật. Thậm chí họ có thể là những học giả lớn, hiểu biết rất nhiều giáo lý Phật pháp nhưng họ vẫn không thấu hiểu được lời khai thị này. Họ cứ coi Phật chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Không! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta không được coi Ngài là “Phật”. “Phật” ở trong chính bạn! Bạn phải thấu hiểu rằng Đức Phật chân chính là thực tướng đời sống của chính bạn. Đây là điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai thị và cũng chính là “Pháp” mà tôi đang đàm luận tới. Pháp chân thực chính là thực tại trong chính bạn. Pháp tự nhiên, chân thật và nền tảng đang diễn ra trong chính bạn và thế giới một cách tự nhiên. Thứ được gọi là “giáo pháp” ví như điều mà tôi đang đàm luận chỉ là sự hướng đạo mà thôi. Đây cũng chính là điều Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Nếu con cho rằng giáo pháp của Ta là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt chân Pháp”. Lý do là giáo pháp của Ngài chỉ là sự hướng đạo, tuy nhiên nếu bạn cho rằng giáo pháp đó là tối thượng thì sự chấp pháp này sẽ trở thành một chướng ngại, một rào cản lớn. Sự ngộ nhận sai lầm này sẽ ngăn cản bạn nhận ra được bản chất, chân lý của Pháp.

Theo tiếng Sanskrit, “Dharma” có nghĩa là “vạn pháp”. Bởi vậy bạn sẽ không bao giờ có được nhận thức chân thực về vạn pháp nếu bạn chỉ cố chấp vào những điều Đức Phật dạy. Nếu bạn cố gắng tạo ra một thứ gì đó ngoài giáo pháp của Ngài và sau đó trở nên bám chấp vào nó, bạn chỉ lãng phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ giác ngộ được chân lý. Đây cũng là một trở ngại mà Đức Phật đã từng chỉ dạy.

Trước hết bạn phải cải thiện tâm mình

Một cô gái trên đường có thể rất hấp dẫn, nhưng đối tượng xinh đẹp chưa chắc sẽ đem lại cho bạn sự hài lòng, sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc hay bất kỳ niềm hỷ lạc vững bền nào. Thậm chí chúng còn có thể mang lại cho bạn rất nhiều những phiền nhiễu. Đó là lý do tại sao nếu bạn thực sự mong muốn trưởng dưỡng, cải thiện đời sống thì trước hết bạn phải cải thiện tâm mình. Việc cải thiện, chuyển hóa tâm mình tức là thực sự bước vào dòng chảy của đời sống và bản chất của đời sống. Nếu bạn nhận thức được bản chất của đời sống (đó chính là tâm), bạn sẽ có thể cải thiện, trưởng dưỡng được chính mình. Khi đó, tâm bạn tự nhiên có thể chuyển hóa mà không cần phải dùng ngôn ngữ hay bất kỳ phương pháp gì.

Đối với môi trường bên ngoài, bạn có thể “tùy duyên bất biến”. Bạn có thể trang điểm, có thể mặc lịch sự, trang trọng một chút, bởi bạn phải tới tham dự buổi họp thương mại hay phải tới dự bữa tiệc. Bạn có thể phải mặc những trang phục lịch sự, đeo nhiều đồ trang sức, trang điểm và có một kiểu tóc đẹp. Điều này cũng được miễn là tâm bạn an bình và không cảm thấy phải so sánh, ghen tỵ với bất kỳ ai. Để hòa nhập với xã hội, bạn có thể quan tâm đôi chút tới hình thức bề ngoài của mình và khi đó bạn hãy vui vẻ, sẽ không thành vấn đề gì dù cho bất kỳ một ai khác có cao hơn, trông xinh đẹp hơn hay xấu hơn bạn. Đó thật không thành vấn đề với bạn. Bạn tới cuộc họp, hòa đồng với mọi người và hãy vui vẻ, hạnh phúc bởi vì đời sống đang ở trong chính bạn. Theo cách này, bạn sẽ biết làm sao để giải quyết những khúc mắc bế tắc trong đời sống, làm sao để cải thiện được đời sống, thế nên hạnh phúc có thể được tìm thấy trong chính bạn. Không có sự tham muốn, ghen tỵ bởi vì tất cả mọi người đều là bạn bè bằng hữu hay đối tác, bạn luôn có tình cảm tốt với họ. Khi đó mọi người cũng dễ dàng đồng cảm chia sẻ với bạn. Bạn có thể chia sẻ tình yêu thương chân thật và những suy nghĩ tích cực với mọi người bởi vì bạn có được đời sống tâm linh trong chính bạn. Đây là những gì chúng ta nên suy ngẫm và thực hành trong thời hiện đại này.

Gyalwang Drukpa đời thứ XII