Đêm Thu



http://ih3.redbubble.net/work.262737.11.flat,550x550,075,f.autumn-deer.jpg
Khi tiếng hát vút cao ấm áp, nồng nàn của Tuấn Ngọc cất lên, không gian lắng đọng và thời gian như ngừng lại. Tiếng lao xao, rì rào trong căn phòng với gần 600 người hiện diện chợt ngừng. Tất cả mọi người dường như muốn dành phút giây đang hiện hữu để thưởng thức trọn vẹn bài hát Tống Biệt Hành của Hoàng Quốc Bảo phổ từ thơ Tuệ Sỹ.

Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh

Bên ngoài, những vạt nắng mong manh của một chiều thu chưa thấy lá vàng rơi, đã tan loãng, nhạt nhòa trong bóng tối phũ đầy. Anh hỏi em làm gì? Những bước chân em có thảnh thơi. Có còn xa xót tội nghiệp cho đời lá sớm tàn phai trong những buổi chiều thu. Em quên nói cho anh nghe nơi em ở mùa thu đến chậm. Cho tới chiều nay trên những hàng cây vẫn còn thấy màu xanh. Em không để ý, nghe lời xôn xao của lá, chỉ vì những tiếng thì thầm lẫn lao xao của nhiều người nhắc em nhìn vào thực tại quanh mình.

Vẫn địa điểm quen thuộc là nhà hàng khang trang, ấm cúng thường chọn làm nơi tổ chức những buổi tiệc chay gây quỹ trong thành phố, bởi chủ nhân là người có đạo tâm. Vẫn nhiều khuôn mặt thân quen em thường gặp ở chùa. Khác chăng còn có thêm những người không lạ, không quen vãng lai nơi bãi đậu xe. Họ chợt đến, chợt đi sau khi để lại vài câu hỏi và lời xác quyết làm người được hỏi bàng hoàng, ngơ ngẩn. Em biết, rồi anh cũng sẽ ngẩn ngơ một thoáng như em, bởi có lời đối thoại mà như không đối thoại. Họ hỏi chỉ là mượn cớ, để tỏ lộ sự bất bình với người không cùng quan điểm với mình. Câu trả lời rất thật của em dường như không phải là câu mong muốn được nghe, để rồi những cụm từ ghán ghép, cáo buộc lần thứ nhất em nhận được trong đời từ những người hoàn toàn không biết, chẳng quen này. Sau một giây bối rối thoáng qua, em đáp lại bằng nụ cười cố hữu. Anh hỏi em có sợ mất đi duyên dáng, khi được đội lên đầu chiếc mũ kỳ khôi, ngộ nghĩnh hay không? Xin thưa rằng em vẫn an nhiên, bởi đã có điểm tựa an toàn là hải đảo của tự thân. Mình không tốt đẹp hơn do những lời khen. Cũng không xấu xa tệ hại vì những lời gán ghép, bâng quơ vô căn cứ. Em tiếp tục bước lên bậc thang bằng những bước nhẹ tênh. Có chút gì tội nghiệp khi nghĩ đến sợi dây nhiều gút mắt, trở thành con rắn dữ qua tin đồn, qua cái nhìn che phũ bởi hoài nghi.

Ngày cha mất em về thăm nhà cũ. Gia tài cha để lại cho em là những quyển kinh với màu giấy úa vàng, bởi nhang khói quyện vào qua những tháng năm dài. Em như chạm vào ngón tay gầy guộc của cha trên những trang kinh. Trong đó Quyển kinh Duy Ma Cật in hằn nhiều dấu vết. Từ đó em có cho mình thêm thói quen lần giở những trang kinh, để tìm xem chỗ vướng mắc là đâu mỗi khi nỗi muộn phiền xâm chiếm, bũa vây. Khi người anh xa gởi cho em đọc bài thơ. Em giật mình bởi chưa bao giờ kể mà sao trong bài thơ đó có mấy câu " Đứa em gái chưa gặp mặt. Thương anh trai như thương những trang kinh" (thơ LH). Anh đã biết những trang kinh em không dùng để đọc tụng, tôn thờ. Đó là ngọn hải đăng giúp cho em nhìn thấy đâu là phương hướng, bến bờ trong những khi mờ mịt, hoang mang giữa bóng đêm của hoài nghi, chán nản, lo âu. Để chiều nay, giữa những đợt sóng giận dữ, bất bình được hình thành từ lời đồn đại, vẽ vời. Từ sự suy đoán, luận bàn trong sân hận say sưa. Vậy mà gần 600 người con Phật vẫn tự tại, an nhiên từ khắp nơi hội tụ về đây, để tham dự buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác giả là Thầy Tuệ Sỹ.

Đêm nay, qua lời diễn giả của triết gia Phạm Công Thiện, em xúc động bồi hồi tưởng chừng như thấy được hình ảnh của hai vị thầy kính yêu luôn hiện diện trong em. Hai chú tiểu tuổi đời còn rất trẻ đã đứng trên bục giảng trong trường đại học. Đó là thầy trụ trì ngôi chùa em vẫn thường đi và thầy Tuệ Sỹ của ngày xưa. Trong thành phố quanh năm nắng ấm, thầy là cây đại thụ xum xuê cành lá. Là bóng mát an lành để cho hàng hàng lớp lớp phật tử tìm về nương tựa. Hai vị thầy- hai chú tiểu đồng tuổi, đồng thời, đồng tâm nguyện vào đời. Một người ở Huế, một người ở Saigon thuở đó. Đâu ngờ đêm nay, hai chú tiểu ngày xưa được đẩy lại gần nhau theo những ngọn bát phong.

Thầy là diễn giả cho quyển sách vào một thời điểm có vẻ "lạ kỳ" hơn bất cứ bao giờ, cho người viết và cho luôn diễn giả. Có chút gì chua xót trong em, anh có biết tại sao không? Giữa không khí ấm áp chan hoà đạo vị, khi được nghe từng vị thầy, triết gia và nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ nói về ý nghĩa uyên thâm của quyển kinh Duy Ma Cật- một vị Bồ Tát hiện thân vào đời, sống cùng với những buồn vui, khổ nạn của đời thường, đem trí tuệ của tâm đại bi, vô ngại, dẫn dắt chúng sanh áp dụng thực hành để đạt được sự bình đẳng, chân thật không hai, thoát ra ngoài bóng tối mê lầm bởi ích kỷ và chấp chặt. Không có câu hỏi nào đặt ra cho quyển sách phát hành, chỉ có những câu hỏi xuất phát từ nỗi hoang mang lẫn hoài nghi, về làn sóng ồ ạt của những người nhân danh này nọ, làm tổn thương xúc phạm đến các trưởng tử Như Lai, trong khi hoàn toàn không nắm rõ đâu là sự thật. Với hạnh vô uý của những người con Phật, thầy từ hoà làm sáng tỏ mọi điều, chỉ bao hàm trong những câu ngắn gọn nhưng đầy đủ. Kèm theo là lời nhắc nhỡ ân cần những điều Phật dạy dành cho hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia:

Đừng vội tin bất cứ điều gì,dù điều đó được hàng ngàn người tin tưởng, nghe theo
Đừng vội tin bất cứ điều gì , dù điều đó được xuất phát từ người có uy quyền
Đừng vội tin bất cứ điều gì, dù điều đó là chân lý từ ngàn xưa để lại.
Cũng đừng vội tin ta

Hãy thận trọng quán chiếu, gạn lọc tìm ra lẽ thật với tâm sáng suốt, tĩnh lặng để có câu giải đáp cho mình

Em ra về. Niềm an lạc lan đều trộn lẫn với dư âm của những bài hát, bài thơ trong thi tập Giấc mơ Trường Sơn, được quý thầy và các nghệ sĩ trình bày. Đêm thu ở đây không có hơi sương làm ướt lạnh đôi vai. Lòng em thật ấm khi nghĩ đến những người bạn đạo trong ban tổ chức. Với khuôn mặt dịu dàng, khả ái. Với nhân dáng mảnh mai, nhỏ bé mong manh. Các chị đã thể hiện trọn vẹn bi, trí, dũng của những người con Phật. Không chùn bước trước bao khó khăn, trở ngại vây quanh, kể cả những lời khuyên rất đổi chân thành: Đình lại buổi ra mắt sách để tránh những điều đáng tiếc xãy ra vì có nhiều lời đe dọa gởi đến phật tử trong chùa và cả bên ngoài.

Ra mắt quyển sách HTDMC, là một trong những chủ trương của nhóm Dharma Wheel Corporation: phát huy và yểm trợ việc hoằng pháp, lợi sanh, song song với lãnh vực văn hóa, giáo dục và từ thiện. Với 600 người hiện diện. Con số gần 40 ngàn đồng nhận được từ bữa tiệc chay, chưa kể số thu được từ CD Giấc mơ Trường Sơn và sách HTDMC, đã nói lên rằng: Khi ngọn đuốc chánh pháp được mồi lên, trí tuệ sẽ thắp sáng, xua tan bóng tối của sợ hãi, hoài nghi, tà kiến.

Em đang mỉm cười đây anh có biết không? Thêm một điện thư vừa nhận đêm nay. Tên em được tô vẽ, rao truyền bằng những lời gán ghép tội tình. Đồng chung số phận với một trăm mấy mươi người lên tiếng xin ngừng làm tổn thương, xúc phạm đến nhà sư gần một đời trãi dài trong bóng tối ngục tù., trong sự tỉnh mặc vô ngôn để chia sẻ nỗi khổ nhục đau thương cùng dân tộc, quê hương. Em chợt nghĩ đến câu chuyện về hai hạt lúa.

Đó là hai hạt lúa giống được chọn để gieo trồng cho vụ mùa sau. Hạt thứ nhất muốn giữ lại hết những dinh dưỡng mình đang có, bèn tìm nơi trú ngụ chứ không dại gì theo ra đồng để thân mình bị nát tan trong đất. Hạt thứ hai ngày đêm mong được gieo trồng. Thời gian trôi qua...Hạt lúa thứ nhất bị héo khô. Chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì. Nó chết dần mòn trong khô héo. Hạt lúa thứ hai chịu nát tan trong đất, nhưng từ thân nó mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó mang lại cho đời những hạt lúa mới tinh khôi.

Em nghĩ đến những vị Bồ Tát đi vào đời, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời những hoa trái của từ bi, nhẫn nhục, vị tha.
Hé mở khung cửa sổ, cho cơn gió đêm thu thổi bay đi những hạt bụi tỵ hiềm, phải quấy, hơn thua của thế nhân. Em đi vào giấc ngủ bằng bài thơ Tôi vẫn đợi, sau khi chắp tay nguyện cầu cho thế giới sống hoà bình. Cho Phật giáo Việt Nam hưng thịnh trường tồn. Cho mỗi người con Phật sẽ là một đóa hoa từ bi và trí tuệ ngát hương.

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối, hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp mây chiều

(Tôi vẫn đợi - thơ Tuệ Sỹ)

Quỳnh My