Giáo dục chỉ có quyền chấp nhận không có quyền chối bỏ !

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” - đằng sau sự lấp lánh, óng ánh của tấm huy chương bao giờ cũng có bóng dáng của những đổ vỡ, điêu linh nếu không muốn nói là chát đắng. Mấy ngày qua dư luận tỏ ra bức xúc vô cùng khi bài viết “Loại bỏ học sinh yếu vì bệnh thành tích” của tác giả Lưu Trang đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ Hai ngày 12-4-2010.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học là y như rằng báo chí lại “có việc để làm”, có cái để mà “giải phẫu” .

Giáo dục, hiểu một cách nôm na nhất theo nghĩa đen là nuôi và dạy. Cụ thể là nuôi dạy học sinh – con em chúng ta. Thế nhưng sự nuôi và dạy này đang có chiều hướng bị bỏ “đói” một cách không thương tiếc. Để trần tình với bàn dân thiên hạ các, nhà giáo dục đã gọi đó là quá trình sàng lọc, lựa chọn học sinh khá giỏi thành một khối, một tập đoàn đông đảo theo mô hình trường chuyên, lớp chọn. Và như vậy giáo dục mặc nhiên chỉ là một thứ xa xỉ dành cho những người giỏi, thông minh cái gì cũng biết, còn những học sinh căn cơ thấp kém, chậm lụt thì bị đẩy đi, đẩy lại giữa các trường chỉ còn biết ngậm ngùi sống chung với … dốt.

WGH.jpeg
Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tặng quà
tri ân Thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nma 20-11
(Ảnh: Linh Thuần)

Chức năng của giáo dục là phục vụ sự phát triển của xã hội. Mà nói đến phục vụ sự phát triển của xã hội thì tất cả mọi người đều phải được hưởng một nền giáo dục bình đẳng. Nền giáo dục này phải đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội và tạo ra những công dân cũng phải mang tính tích cực, bền vững. Bên cạnh việc đào tạo ra một đội ngũ có năng lực tự tin, có tính  sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú là tài nguyên của quốc gia thì nó còn mang trên mình nó trọng trách là phát triển những giá trị cá nhân, dạy con người ta biết tin yêu và hy vọng, biết căm thù cái xấu ác, biết trân trọng những tinh hoa nhân bản, nhân văn…. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” xem thế đủ biết sự nghiệp trồng người vô cùng vinh quang và cũng đầy thử thách, nghiệt ngã bởi lối mòn của tập quán, bởi chiều sâu hun hút của nếp gấp tư tưởng sáo mòn, sự tư duy cũ kỹ, lạc hậu…

Việc giáo dục học sinh mà chỉ cốt cho vừa lòng, đẹp ý một nhóm đối tượng, một giai tầng  nào đó thì quả thật những người cầm cân nảy mực cho nền giáo dục đó cần phải suy xét lại dưới nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, việc giáo dục là cả một quá trình con người ta cần phải học hỏi từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Nếu chỉ chủ quan cho rằng “một kỳ thi tốt nghiệp là quyết định cả cuộc đời” thì vô hình chung chúng ta đã tăng thêm áp lực, tạo sức ép tâm lý quá nặng nề đối với các em học sinh trung bình, yếu kém nếu chẳng may không thi đậu tốt nghiệp.

Thứ hai, quá trình giáo dục là quá trình tương tác lẫn nhau một cách tích cực, quá trình cân đối theo phương pháp hai chiều coi học sinh là đối tượng chính, là trung tâm của việc giáo dục. Việc loại bỏ các em học sinh yếu kém ra khỏi lớp có những nhân tố tích cực khiến các em đã yếu lại càng thêm yếu, vì chúng thiếu hẳn năng lực cạnh tranh, sự tư tin và niềm hy vọng. Làm như vậy thật chẳng khác nào việc loại bỏ những con cá ra khỏi môi trường nước.

Thứ ba, mỗi học sinh đều chịu sự giáo dục khác nhau từ gia đình và xung quanh. Vì thế, khi đến trường chúng cũng mang theo tất cả mọi phương pháp giáo dục khác nhau đó. Do vậy, giáo dục phải bao phủ toàn diện, mang tính kết cấu liên thông các giá trị, các loại kiến thức và năng lực khác nhau có như vậy mới tạo ra được những con người toàn diện. Nếu loại bỏ những em học sinh yếu kém ra khỏi hệ thống kết cấu liên thông đó thì chẳng khác nào chối bỏ những đứa con chẳng may khuyết tật do chính mình thai nghén ra sao?.

Thứ tư, giáo dục là đào tạo con người cho xã hội. Nếu giáo dục mà không thể đào tạo con người theo đúng nghĩa thì sự nghiệp giáo dục đó coi như đã thất bại. Vì sứ mạng giáo dục không có quyền chối bỏ mà chỉ có nhiệm vụ gắn liền, nâng đỡ và kích thích năng lực phát triển. Một người chỉ cần có tố chất tốt nếu được nuôi dạy đúng phương pháp, được sống trong tình yêu thương khích lệ, nâng đỡ của các thầy, cô giáo nhất định người đó sẽ thành nhân tài xuất chúng chuyện cô bé Lưu Diệc Đình của Trung Quốc từng được bốn trường Đại học hàng đầu của Mỹ tuyển chọn trong đó có trường Đại học Harvard một minh chứng [1].

WGHH.jpeg
Giáo dục có rất nhiều nhiệm vụ thiêng liêng
đối với tương lai thế hệ trẻ - ảnh: Tuổi Trẻ

Thứ năm, việc loại bỏ các em học sinh yếu kém ra khỏi một môi trường tích cực như vậy sẽ “giết” chết cảm xúc của các em, nó sẽ đưa đến thái độ chán chường, tâm lý hoang mang cùng hàng loạt phản ứng tiêu cực khác như căm hận những người giỏi hơn, co cụm tự ti với mọi người vì mặc cảm mình yếu kém…rất nguy hiểm cho việc phát triển nhân cách các em sau này. Tương lai các em sẽ ra sao nếu sớm bị loại khỏi môi trường giáo dục ? Các em sẽ phải đi lang thang vì chán học, vì học dốt, vì thấy mình kém cỏi, không nhận được sự tôn trọng ? làm như vậy có phải là giáo dục hay phi giáo dục?

Sở dĩ Đức Phật luôn được coi là một trong những nhà cải cách, nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại vì Đức Phật luôn dạy cho đồ chúng của mình rằng nhiệm vụ của giáo dục chỉ có quyền chấp nhận chứ không có quyền chối bỏ. Giáo dục trở nên cao quý không chỉ ở khả năng chuyển hóa vật chất mà nó trở nên cao quý khi nào nó chuyển hóa được trạng thái của tâm lý, hành vi cùng thái độ. Vì thế không có gì khó hiểu khi Phần Lan có được một nền giáo dục hiện đại thành công mà vẫn đậm đặc tính nhân bản, nhân văn vì: “Triết lý giáo dục của Phần Lan là mọi học sinh đều có thể đóng góp trong lớp và không em nào bị bỏ lại phía sau…” [2]

Để kết thúc những dòng ưu tư, trăn trở vốn đang nặng trĩu tâm tư xin được kể một câu chuyện có thật tại nước Nhật như sau: Một đệ tử của Thiền sư Bankei [3] có tính tham lam, đã nhiều lần ăn trộm đồ của chúng Tăng trong chùa. Mọi người rất bực mình và khó chịu liền đến bạch với Thiền sư và yêu cầu Thiền sư phải tẫn xuất vị Tăng có tính tham lam đó ra khỏi chùa nếu không họ sẽ bỏ đi hết. Thiền sư Bankei không lộ vẻ ngạc nhiên chỉ ôn tồn nói rằng: “Nếu ta đuổi anh ta đi, đến nơi khác anh ta cũng bị đuổi vì tội ăn cắp thì anh ta biết đi đâu?. Các ông là người trí các ông có thể hiểu việc mình làm vì thế các ông có thể ở đâu cũng được còn anh ta?. Nếu các ông muốn đi cứ ra đi để mình anh ta lại đây. Đồ chúng nghe xong, không ai bảo ai đều bước chân không nổi, nước mắt rơi chứa chan vì cảm động trước tấm lòng đầy bi mẫn của Thiền sư. Còn vị Tăng có tính tham lam nọ vì quá cảm phục trước nhân cách cao thượng của ân sư mình từ đó không bao giờ tái phạm” [4].

“Đại hải bất nhượng tiểu lưu - biển cả sở dĩ trở nên bao la, mênh mông vì nó không ngại thu nhân nước từ khắp các sông, ngòi, khe, lạch. Cũng vậy, giáo dục chỉ thực sự mang đúng ý nghĩa của giáo dục khi tự bản thân nó như một đầu tàu có thể chở theo nhiều toa tàu phía sau!

Linh Thuần

[1] Xem: Lưu Vệ Hoa & Trương Hân Vũ, Em phải đến Harvard học Kinh tế,NXBVHTT, HN, 2009. [2] Trích : H. Minh “Phần Lan - Bí quyết một nền giáo dục thành công”,Báo Tuổi Trẻ, số thứ Hai, 12- 04- 2010., [3] Thiền sư Bankei (1622-1693) là một Thiền sư nổi tiếng của Nhật thuộc phái thiền Lâm tế. Đương thời người đến tham vấn Ngài đủ các hạng người từ kiếm sĩ, thương nhân, công nhân, nông dân vv…cho đến cả trộm cướp nhưng Ngài đều giáo hóa thành công, vì vậy Ngài được Nhật hoàng phong tặng hiệu PhậtTrí Hoằng Tế Thiền Sư đúng như danh hạnh của Ngài [4] Xem: TN.Trí Hải, Tâm bất sinh, NXBTHTP.HCM.2005.