Biết chết để sống hạnh lạc.

Chắc chắn rằng không ít người rất ngại khi nhắc đến vấn đề nầy. Họ luôn tránh né chứ không bao giờ muốn trực diện với nó. Họ cho rằng thật là tiêu cực, bi quan khi đang sống mà lại cứ đề cặp đến đề tài nhạy cảm nầy làm gì. Đời người cũng đâu đến nỗi quá ngắn ngủi ít ra cũng “60 năm cuộc đời” hoặc người đời thường ca tụng “là trăm năm hạnh phúc”,  thật sự như Đức Phật nói cuộc đời con người chỉ vỏn vẹn trong hơi thở mà thôi. Khi còn thở ra, thở vào thì ta còn biết sự hiện hữu của ta trên đời nầy. Thật ra, đã có sống  thì phải có chết, có sinh khởi ắt phải có tận diệt. Khi chúng ta bắt đầu mở mắt trong tiếng khóc chào đời thì đồng nghĩa ta phải chấp nhận có một ngày ta sẽ mĩm cười giã từ cuộc đời thôi. Đó là qui luật sanh tử vậy!.

 

alt

….bắt đầu mở mắt trong tiếng khóc chào đời thì đồng nghĩa ta phải chấp nhận có một ngày ta sẽ mĩm cười giã từ cuộc đời thôi.

 

Chúng ta có tiêu cực hay bi quan không là do có thể ta chưa cảm nhận rõ chân lý nầy hoặc ta có cảm thụ được vấn đề nhưng ta lại có những thái độ hành xử hết sức sai lệch. Như khi ta hiểu rằng cái thân xác tứ đại giả tạm nầy một ngày nào đó sẽ không còn nữa nhưng ta luôn tiếc nối, bỏ bao nhiêu công sức tiền của để chăm chút, ta cho nó thỏa mãn bao nhiêu là dục vọng vật chất, ăn sung mặc sướng, chơi bời thoải thích… Muốn có được những thụ hưởng phù phiếm nầy ta phải tìm mưu bắt kế, phải bon chen giành giựt, để cầu lấy cái lợi về ta càng nhiều càng tốt, để kiếm nhiều tiền, nhiều của, chẳng biết thế nào là đủ… Chúng ta nghỉ rằng có như thế thì có nhiều hạnh phúc nhưng để rồi ta phải đương đầu với bao nhiêu sự mỏi mệt, căng thẳng có lúc đến chán chường. Chúng ta có biết rằng làm như thế là ta lại chất chồng thêm nghiệp báo cho đời sau không? Và những thứ mà ta giựt giành được đó có mang theo ta được không khi ta nhắm mắt lìa đời? Chắc hẳn là không rồi!

Có một câu chuyện kể về bà Dianne Perry, sinh trưởng tại Anh Quốc (người mà sau này trở thành Nữ tu Phật giáo nổi tiếng trên thế giới, đã trải qua 12 năm tu khổ hạnh nơi rặng Tuyết Sơn của Hymalaya), lúc mới 12 tuổi đã có lần thấy một người vô gia cư chết bên gầm cầu. Cảnh sát lục lọi cái xách rách nát của người chết ấy, chỉ thấy một cái bát, một cái muỗng và vài đồng xu. Hôm đó trở về nhà, tuy nhỏ tuổi mà cô bé Dianne Perry đã hỏi mẹ một câu đầy triết lý: “Mẹ ơi! Tại sao người ta chết đi không đem theo được gì cả? Hôm qua, con thấy một người chết bên gầm cầu, người ấy rất nghèo, chỉ có cái bát, cái muỗng và mấy đồng xu. Chỉ chừng ấy thôi mà khi chết, người ấy vẫn để lại không mang theo sao!?”. Bà mẹ của Dianne ngạc nhiên vì câu hỏi lạ lùng ấy và đã trả lời con: “Không con à!  Khi chết không ai đem theo được bất cứ cái gì. Dù là vua chúa, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn… một khi đã chết thì không đem theo của cải vật chất nào cả”.

Đúng vậy, cái tưởng của vô số người có suy nghĩ như trên trong thực tế nó không đem lại cho họ cái hạnh phúc đích thực. Nó chỉ là thứ hạnh phúc mỏng manh, chấp vá tạm bợ. Một thứ  hạnh phúc mà luôn pha lẫn đầy phiền não và khổ đau. Nó còn tạo thêm cái chướng ngại, sự nuối tiếc, giằng vặt làm ta khó khăn lìa bỏ thân xác nầy khi xuôi tay nhắm mắt!.

Vậy, ngay từ bây giờ, ngay lúc nhận chân được vấn đề, ta phải có thái độ sống thật tích cực. Chúng ta hãy biết sống một cách “thiểu dục tri túc”, biết ban bố, buông xả, đừng chấp chặt quá cái “Ta”, biết cũng cố lòng khoan dung, nhân hậu tức là ta đã biết tạo được cuộc sống hạnh lạc cho ta và cho mọi người xung quanh ta ngay trong kiếp sống nầy vậy!.

Nguyễn Chí Dũng