Rừng tăng thân

Tôi nhớ một bài thơ vỡ lòng được học hồi ấu thơ, một bài về Tre, về rừng Tre. Bài ấy có những câu làm tôi nhớ hoài như:

“Ở đâu tre cũng xanh tươi 
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”

Hay là:

“Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ, vẫn hát ru lá cành”

Hay là:

“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau hơn
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”

Còn nhiều câu thật hay, chắc em cũng nhớ.05. Thien hanh tai Xom Ha

Tăng thân mình cũng là một rừng cây. Em và tôi thuộc về tăng thân ấy cho nên em và tôi, mỗi người cũng là một thân cây. Em là cây Lê hay là cây Trầm? Em là cây Hồng Giòn hay là cây Vú Sữa? Em là cây Ngô Đồng hay là cây Hải Đường? Em là loài Sen hay là loài Hướng Dương? Và tôi, tôi là một cây Trà, nhưng chúng ta cùng có chung một thân, thân tăng.

Rừng cây tăng thân mình cũng đẹp không kém, có khi còn mầu nhiệm hơn. Đi dạo trong một rừng tre mênh mông quả là thú vị, phải không? Nhưng tôi chắc em sẽ ngạc nhiên và thỏa mãn hơn khi thấy mình đang rong chơi thong dong giữa một khu rừng nhiệt đới với nhiều loại cây, nhiều loại hoa và cũng có nhiều loài cầm thú đẹp đẽ khác nữa. Trong tăng thân mình cũng có những anh chị Cá, những anh chị Sư Tử, những anh chị Chim và có cả những loài cây quý khác như Sồi, Cẩm Lai, Xoan, Hồ Đào… Tôi không nhớ hết được. Vì vậy tôi nói rừng cây tăng thân thật mầu nhiệm, có khi còn mầu nhiệm hơn một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh nữa. Mà có bao giờ em thăm một khu rừng nhiệt đới chưa nhỉ? Nếu chưa, tôi nghĩ em nên cùng đại chúng đi thăm cho biết. Trung tâm của chúng ta tại Thái Lan nằm trong vành đai bảo hộ của một khu rừng nhiệt đới đấy. Đó là vườn quốc gia Khao Dai, một trong những rừng nhiệt đới lớn trên thế giới. Trong rừng nhiệt đới, sự sống thật là phong phú!

Đứng từ xa, có thể là từ trên một chóp núi, nhìn xuống một khu rừng nhiệt đới em sẽ chỉ thấy một màu xanh mênh mông thôi, màu của sự sống. Như người ta lên không gian và nhìn xuống trái đất này vậy, trái đất cũng chỉ có một màu xanh thôi. Vì vậy mà người ta gọi trái đất này là một hành tinh xanh. Và em biết đấy, nhờ những khu rừng nhiệt đới này mà hành tin này vẫn còn là hành tinh xanh.

Tôi thích những tán lá đan nhau kín mít như những bàn tay giữa cơn lạnh lọc hết cái nóng của mặt trời trong rừng nhiệt đới. Tôi thích những bụi cây chi chít đứng sát nhau giữ ẩm cho mặt đất làm nơi trú ngụ của bao loại côn trùng. Tôi thích lối mòn im mát dấu mình sau những khúc quanh sâu hun hút như muốn chơi trò cút bắt với kẻ đi rừng. Tôi thích những đám rong rêu cổ kính dán mình vào những thân cổ thụ tận tụy với sự sống. Nhưng phải thú thật là tôi rất thích chiêm ngưỡng và nương tựa nơi những thân cây khổng lồ trong rừng nhiệt đới. Thân cây to lớn và vươn lên cao ngất trên nền trời, cành lá xòe rộng thành những tán dù mát rượi che gió chở nắng cho ngàn cây phía dưới. Đó là những đại diện thật hùng tráng của rừng cây. Nhưng em đừng tưởng đó là những người anh lớn nhất của rừng cây nhé. Không đâu. Những thân cây cao lớn ấy có khi còn bằng tuổi con cháu của những đám dương xỉ thấp lè tè dưới gốc chúng đấy em ạ. Thật ra, trong rừng nhiệt đới, những người anh cả thường ở rất thấp, có khi là thấp nhất trong tất cả các loài cây. Tôi nghĩ, có khi chúng ta phải áp dụng bảng tính ngược chiều cho tuổi tác của những anh em trong rừng nhiệt đới đấy. Tôi cũng thắc mắc như em, rằng tại sao những người anh lại không vươn lên cao mà lại chịu thân phận thấp bé như vậy. Em biết không, một lần tôi hỏi và rừng cây đã cười tôi đấy. Cười nhạo thật chứ không phải là cười vui đâu. Cười nhạo và có một chút tội nghiệp. Nhưng sau đó rừng cây cũng tỏ vẻ tội nghiệp cho tôi, hẳn tôi lúc ấy nhìn ngố lắm, và cho tôi biết rằng loài cây này cao, loài cây kia thấp… là do trách nhiệm, khả năng và sự tự nguyện của chúng chứ không phải là vì chúng muốn đấu tranh với nhau đâu.

Tôi thật ngỡ ngàng trước tuệ giác của những loài cây, chúng là những nhà tổ chức xã hội tài ba và tận tụy phải không em. Nhờ nói chuyện với những loài cây trong rừng nhiệt đới mà tôi hiểu được rằng loài cây cao chót vót oai hùng mà tôi ngưỡng mộ đó đang thực hiện những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của rừng cây. Em cũng biết mà, khi gió bão sắp tới chúng phải báo hiệu cho cả rừng cây biết bằng cách lắc lư đôi vai cường tráng của mình, bằng cách rú lên những âm thanh vut vút từ cành lá của mình. Rồi khi gió bão ập đến thì nó phải oằn mình hứng lấy để che chắn cho những anh chị em của nó phía dưới. Tôi đã trú một cơn mưa bão bất thần trong rừng nhiệt đới dưới một gốc cây hiên ngang đó đấy em ạ. Khi ấy tôi tưởng là chỉ có gió nhẹ và chỉ có mưa nhẹ mà thôi nên tôi đã đi lang thang trong rừng. Đến khi tôi nghe tiếng oằn oại của cành lá trước gió bão hòa với tiếng thét của con thác dưới chân, tôi mới nhận ra rằng mình đang gặp hiểm nguy. Nhưng may thay, gốc cổ thụ này lớn như một căn phòng nhỏ và sẵn sàng mở lòng chở che tôi. Ngồi trong hốc cây, tôi cảm nhận được những thớ thịt đang gồng lên và quằn quại trong gió bão. Tôi thấy lòng mình thương quá những thân cây cao vút hiên ngang!

Em thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra cho rừng cây nếu như không có những người anh em to lớn ấy? Có thể gió bão sẽ quật ngã hết những thân cây yếu ớt, phải không? Chắc chắn em cũng như tôi, cũng hãnh diện về những thân cây oai hùng ấy. Nhưng em đừng tưởng là chúng có thể vững chãi hoài. Một lần trong rừng nhiệt đới, tôi đã ngậm ngùi trước một thân cây lớn chừng 8 người ôm nằm sóng soài bất động giữa những người anh em của mình. Tôi đã bước đến, nằm tựa vào thân cây oai hùng đó mà không nén nổi những tiếc thương. Nhìn quanh, tôi thấy những thân cây khác nhỏ hơn, bé hơn và có những loài rất bé cũng nằm bất động sóng soài bên cạnh người anh em của mình. Rừng cây nói với tôi rằng một cơn gió hung bạo đã vật ngã người anh em bất khuất ấy của họ. Và những người anh em nhỏ bé kia cũng đã nằm xuống theo người anh em của mình sau khi đã hết sức che chắn và đỡ đần cho người anh em to lớn ấy. Tôi không thể giấu được cảm xúc của mình khi nghe câu chuyện này đấy em ạ. Lúc đó tôi gần như đã bật khóc khi rừng cây chỉ cho tôi thấy những xác cây khác ngả nghiêng dập nát chung quanh. Thì ra những thân cây cũng sống với nhau đầy tình nghĩa phải không em?

Hôm ấy tôi đã không thể tiếp tục cuộc rong chơi của mình trong rừng nhiệt đới bởi vì hình ảnh của những người anh em ấy ám ảnh tôi. Tôi đã dành hết thời gian còn lại trong ngày để ngồi đó, ngồi thật yên bên cạnh những thân cây nghiêng ngả để cho bài học của phụng sự và hy sinh ấy thấm vào từng thớ thịt của mình. Rừng cây nói rằng người anh em to lớn ấy đã cố gắng nhiều lắm. Con gió hung hãn kia đã đến quá bất thần khi cả rừng cây đang ngủ, và người anh hùng ấy đã một mình chống chọi với kẻ hung hãn kia đến gần sáng để cho rừng cây yên giấc. Khi rừng cây thức dậy, ôi, rừng cây bàng hoàng thấy người anh em của mình thân thể rách nát, tả tơi. Những cánh tay ngày nào hiên ngang vươn cao che nắng chở gió bây giờ rũ xuống như những cánh chim bị gãy của con đại bàng sau trận ác chiến với sư tử. Thân hình mới hôm qua còn cuồn cuộn những cơ bắp lực sĩ giờ đây bầm dập và rướm máu. Những người anh em bên cạnh đã hết lòng săn sóc, vuốt ve và nâng niu như muốn tỏ lòng trân trọng, thương yêu và quý mến người anh em dũng cảm và can trường của mình. Nắng lên, mặt trời tưới xuống rừng xanh nguồn hơi ấm vô biên. Rừng cây nói với tôi rằng sau đó người anh em ấy đã bắt đầu phục hồi, đã có thể đưa đôi tay dù đầy thương tích của mình lên tiếp tục che ánh nắng khắc nghiệt ban trưa cho anh em của mình, đã có thể đùa chơi và hòa vào bài ca êm đềm buổi chiều khi muôn chim về tổ, đã có thể lắc lư hát ru cho rừng cây yên giấc khi đêm về. Và thế là rừng cây lại có một đêm yên giấc nữa. Nhưng khi ánh mặt trời đầu tiên thức ngàn cây vào buổi sáng thì ôi, cảnh tượng điêu tàn làm ngỡ ngàng cả rừng cây: Người anh em đầy thương tích của họ đã ngã xuống, nằm im lìm, bất động. Nhìn thân thể đồ sộ và hiên ngang của người anh em mình rừng cây không thể nào giữ được cảm xúc và thế là con thác và những con suối cũng hòa vào bài hát thiết tha não nùng ngập tràn thương tiếc của ngàn cây trong buổi sáng tang tóc ấy. Tôi đã không có mặt trong buổi sáng ấy, nếu có ở đó, tôi không tin rằng mình có thể không để lòng mình ngân theo nhịp điệu thiết tha trong tình tự tha thiết ấy của ngàn cây.

Mùa Đông rồi cũng qua, mùa Xuân đến mang theo sức sống tuôn tràn nơi rừng cây. Em đừng nghĩ rằng rừng cây chỉ biết buồn. Không, rừng cây sống tích cực lắm đấy. Tôi trở lại khu rừng một lần sau câu chuyện bi tráng về loài cây to lớn đó, và tôi đã thấy ngay ngôi mộ của người anh hùng này nảy lên không biết bao nhiêu là mầm xanh. Em có thấy mầu nhiệm không? Chúng khoe với tôi rằng chúng là sự tiếp nối của người anh hùng kia và chúng cũng sẽ lớn nhanh, vươn lên trời cao và tiếp tục cái chí nguyện của chúng  từ trong tiền kiếp. Vậy đấy, cho nên em cũng phải đồng ý với tôi rằng không phải những loài cây cao ngất kia là anh cả của rừng cây, là những kẻ nhiều quyền lực nhất trong rừng cây. Một lần tôi cũng hỏi rừng cây điều này, rằng ai là người có nhiều quyền lực nhất trong rừng cây. Em nhớ chuyện rừng cây cười nhạo tôi chứ? Nhưng lần này rừng cây không cười nhạo tôi nữa. Rừng cây cũng không tỏ vẻ tội nghiệp cho tôi nữa. Lần này tôi thấy rừng cây nhìn tôi ngạc nhiên, như ngỡ rằng tôi đến từ một cõi giới âm u chưa hề có ánh sáng của văn minh nào đấy. Sau đó rừng cây cười vang, tiếng cưới vang đến tận vách núi rồi dội về mang theo thêm cả tiếng cười của con thác hùng vỹ ở đấy. Tôi có cảm tưởng là những người bạn này đang trao đổi với nhau một thông điệp bí hiểm gì đó.

Cuối cùng rồi rừng cây cũng thầm thì nói cho tôi nghe cái thông điệp ấy trong khi con thác gầm gừ như phụ họa và tỏ bày sự đồng tình của mình với rừng cây. Rừng cây thật là một nơi chốn nhiệm mầu! Ở đây không có sống chết mà chỉ có tiếp nối và trao truyền, như câu chuyện của người anh hùng trong cái đêm bão bùng ấy. Rồi rừng cây nói tiếp với tôi rằng ở đây không ai biết cái gì gọi là quyền lực và không ai có khái niệm gì về kẻ lãnh đạo tối cao. Nhưng rừng cây cũng cho tôi biết rằng ở đây có một thứ như là lãnh đạo mà thực ra không phải lãnh đạo, như là làm chủ mà thật ra không có chủ nhân, đó là sự sống. Sự sống là chủ nhân của rừng cây, là lý tưởng của rừng cây và cũng là cái có nhiều quyền nhất ở rừng cây. Rừng cây nói với tôi nhiều lần câu này với tiếng gầm gừ và cái đầu gật gù của con thác: “Bạn nhỏ à, sự sống có quyền lực lớn nhất. Bạn nhỏ à, quyền sống được chia đều cho tất cả mọi loài”.

Em thấy đấy, rừng cây cho rằng tôi là một em bé! Mà so với những loài thảo mộc, tôi và em đâu khác gì những em bé? Thì ra là trong mắt rừng cây, những kẻ tự cho mình là người như tôi và em chỉ là những đứa em nhỏ!

Một lần khác tôi vào rừng giữa trưa. Những tàng cây cao đang lọc cái thứ ánh sáng nóng bức kia thành một vùng sáng xanh, trong như ngọc, phả xuống những tàng cây phía dưới làm cho khu rừng trở nên một khối pha lê màu xanh mát dịu. Tôi ngồi đó, trên một tảng đá, lòng thấy êm dịu như là đang ngồi trong lòng tăng thân sau một thời gian dài thiếu vắng. Nếu em đã từng thiếu vắng tăng thân một thời gian thật lâu, em đã thật sự thấy nhớ và thấy thiếu, bỗng nhiên em được trở lại tăng thân ngay lúc đại chúng đang uống trà im lặng trong một buổi thiền trà hạnh phúc thì em hẳn hiểu được tâm trạng của tôi. Tôi đã ngồi trên khối đá ấy như là đang ngồi trên bồ đoàn tọa cụ của mình vậy. Hạnh phúc? Em hỏi tôi có phải cảm giác đó không. Tôi xin thưa rằng không, hạnh phúc không phải là từ có thể diễn tả được cái tâm trạng đó. Có dịp, em giúp tôi một tính từ.

Lần ấy tôi đi dạo quanh một hồ nước giữa rừng. Tôi ngồi yên nhìn ra mặt hồ. Mặt hồ lóng lánh phản chiếu cái vùng ngọc trong xanh ấy và hắt lên những tán cây quanh hồ một bức tranh sống động. Tôi với mắt nhìn theo một thân cây nhỏ xíu buông mình xuống mặt hồ bằng những chùm hoa tím biếc. Thân cây nhỏ xíu, uốn mình quanh một vài thân cây khác rồi leo thẳng lên đến tận ngọn cây cao nhất kia. Từ trên ấy, chúng cũng buông xuống những chùm hoa tím biếc in bóng trên mặt hồ. Ôi, một thân cây yếu đuối thế kia làm sao mà vươn lên cao được đến thế! Tôi thấy ở rừng nhiệt đới nếp sống tương trợ, tương thân mới rõ ràng làm sao! Thầy tôi cũng dạy như vậy đấy, em nhớ mà. Tôi thấy cái thân cây cao lớn kia trở nên duyên dáng và sống động hơn khi chung sống an lành với cái dây leo bé nhỏ mong manh mà dẻo dai ấy. Nếu trong một khu rừng nhiệt đới mà thiếu những dây leo ấy thì thật là chán, phải không? Tôi thật ngưỡng mộ những dây leo! Em không thấy vậy sao? Chúng yếu đuối thật đấy, nhưng nhờ biết nương tựa vào anh em của mình, biết bỏ đi cái bản ngã của mình và biết chung sống hòa bình với người anh em của mình mà nó có thể vươn lên cao mà chơi đùa với mây xanh. Đó là những buổi sáng mùa Xuân, mây ham chơi kéo xuống thấp quấn quýt và quyến luyến với những ngọn cây đến trưa mới chịu trở về trời.

Những khi lòng mình thiếu vắng bình an, tôi cũng tập làm thân dây leo kia đấy em ạ. Tôi thở đều rồi bỗng thấy mình là một thân dây leo yếu đuối, vất vưởng giữa không gian. Cố vươn lên gần ánh mặt trời chỉ được một lúc rồi lại ngã vật xuống mặt đất. Bao lần cố vươn lên là bấy lần ngã quỵ xuống. Thương tích đầy mình, nghi kỵ đầy mình. Và trong lòng, những nỗi sợ hãi, hoang mang chen lẫn với những niềm tuyệt vọng, bất lực như làm cho cái thân mảnh dẻ, mong manh và yếu đuối ấy trở nên nặng nề thêm vạn lần đến nỗi nó không dám nghĩ rằng mình có thể vươn lên được nữa. Rồi tôi thấy một người anh em đến bên tôi như một vị cứu tinh. Mà chỉ tôi thấy vậy thôi, em đừng nghĩ rằng cái thân cây kia thấy nó là cứu tinh của sợi dây leo nhé. Nếu nghĩ vậy là em đã không hiểu được thông điệp của rừng cây rồi. Tôi cũng tập như sợi dây leo kia, khẽ khàng với tay ra làm quen rồi cũng đã nhận được sự nâng đỡ. Cây nào cũng yêu quý sự sống, vì vậy chúng cần nhau. Tôi, em và những người khác đều yêu chuộng sự tu tập vì vậy chúng ta cần nhau. Vậy thôi. Nếu em đã đọc những lời dạy của Ngài Quy Sơn thì em cũng sẽ như tôi, sẽ tin chắc rằng Ngài cũng là một người thường tham dự vào sự sống của rừng nhiệt đới.

Không biết đã bao nhiêu lần những người anh em của tôi đã đưa tôi lên cao khi tôi thấy mình là một dây leo. Nhưng cũng có không ít lần tôi không thừa hưởng được tình tương thân đó chỉ vì tôi tự ái, tự phụ và nhiều lúc tự hào nữa. Em biết đấy, tôi chưa thâm nhập được nguồn tuệ giác của rừng cây. Và em cũng biết rồi, một thân dây leo sà xuống trong một khu rừng sẽ trở thành lửa cho những kẻ đi picnic. Trở thành lửa cũng vui đấy, nhưng tôi không muốn, tôi muốn thành một thân cây thực thụ để sống thoải mái giữa rừng cây, tôi muốn làm một người tu thực thụ sống hạnh phúc và hài hòa giữa lòng tăng thân. Chắc em cũng đã chứng kiến nhiều anh chị em của mình đã biết mình thành củi hay thành lửa chỉ vì không nhận được thông điệp của rừng cây. Những lúc ấy, ai cũng buồn.

Trong rừng nhiệt đới, sự sống là kẻ có quyền tối hậu và tối cao. Một cá thể không có sự sống cho dù nằm đó cả ngàn năm cũng chỉ là một xác chết và sẽ trở thành thức ăn cho thời gian.

Trong tăng thân, sự sống cũng là người có quyền uy tối hậu và tối cao. Một cá thể, cho dù có ở đó trăm năm mà không có sự sống cũng sẽ trở thành cái rãnh khô cằn cho thời gian trôi qua và muôn đời vẫn sẽ cứ cằn khô.

Cho dù là cây Lê, là cây Trầm, là cây Hồng Giòn, là cây Vú Sữa, là cây Ngô Đồng, là cây Hải Đường, là hoa Sen, là hoa Hướng Dương hay là cây Trà thì chúng ta cũng đang chung sống trong cùng một rừng cây và vì vậy chúng ta chia nhau một nguồn sống. Hãy để cho nguồn sống ấy hướng dẫn tất cả chúng ta, hãy để cho nguồn sống ấy làm kẻ hướng dẫn trong mỗi chúng ta. Nguồn sống của rừng cây là ánh sáng, là nước, là hơi ấm, là đất, là gió... Chắc em không cho rằng n guồn sống của tăng thân cũng chỉ là những thứ ấy, và chắc em cũng biết rằng nguồn sống của tăng thân còn có thêm những yếu tố khác nữa, đó là chánh niệm, đó là uy nghi, đó là giới luật, đó là hòa hợp, đó là tinh cần, đó là lý tưởng... Em đang cười và cho rằng nó quá rắc rối. Tôi đồng ý, như vậy quả là quá dài dòng và rắc rối không thể nào nhớ được. Vậy tôi đọc cho em 4 câu kệ của Thầy:

“Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời”

Sự sống của rừng cây là màu xanh vì vậy người ta gọi là cây xanh, là hành tinh xanh.

Sự sống của tăng thân là đẹp, là vui, là giải thoát và là an lạc vì vậy người ta gọi người tu là đẹp, là vui, là giải thoát, là an lạc; là đoàn thể đẹp, là đoàn thể vui, là đoàn thể giải thoát và là đoàn thể an lạc.

Khi nào rừng còn xanh thì thân tăng còn đẹp, còn vui, còn giải thoát và còn an lạc.

Không có rừng, hẳn không ai còn gọi trái đất này là hành tinh xanh nữa và sẽ không còn sự sống. Không còn tăng thân, hẳn không ai gọi cuộc đời này là đẹp, là vui, là giải thoát là an lạc nữa và còn không sự sống?

Tăng thân là một rừng cây. Em và tôi thuộc về tăng thân ấy cho nên em và tôi, mỗi người cũng là một thân cây. Em là cây Lê hay là cây Trầm? Em là cây Hồng Giòn hay là cây Vú Sữa? Em là cây Ngô Đồng hay là cây Hải Đường? Em là loài Sen hay là loài Hướng Dương? Và tôi, tôi là một cây Trà, nhưng chúng ta cùng có chung một thân, thân tăng.

Thầy Trung Hải