Mẹ con thằng Hũ


altỞ thành phố biển này, khu Hai là nơi tập trung sinh sống của ngư dân. Nhà cửa lụp xụp, hẹp lép như hộp diêm, chen chúc nhau thòi ra thụt vô như đống hộp xếp hình của mấy đứa nhỏ mẫu giáo. Trong cái xóm ngổn ngang đó, nhà bà Bốn Dưỡng khiêm tốn nép sát vào một hốc nhỏ gần bãi cát, nghèo xác nghèo xơ.

Căn nhà xiêu vẹo xây từ hồi cha hồi ông, chỉ còn có một gian, trống huơ trống hoác là chỗ trú mưa trú nắng cho ba mẹ con. Thằng con đầu tên Đậu, ba mươi mấy tuổi nhưng bị tâm thần, suốt ngày đi ra đi vào chẳng làm ăn gì được. Có bữa còn nổi cơn vác cây rượt đánh mấy người trong xóm. Bà Bốn Dưỡng phải mua một sợi xích xích chân nó vào cái phản mục. Thằng con thứ hai là bà lượm ngoài đường về, bị dị tật bẩm sinh, hai chân ngắn cũn cỡn. Thoạt nhìn tưởng chừng chỉ có hai bàn chân dính liền vào xương chậu. Hai bàn chân của nó chỉ để trang điểm chứ chẳng làm tròn chức phận như muôn nghìn bàn chân khác. Một đêm mưa lạnh, bà bắt gặp nó bơi bơi, lết lết bằng hai tay trên mặt đường nhầy nhụa nước như một con cóc. Động lòng thương, bà chép miệng, nói mày về ở với má, có gì má con nuôi nhau. Thằng nhỏ không có tên, lúc trước người ta toàn gọi nó là thằng Cùi. Bà nói với nó, má đặt cho mày tên Hũ, mày với thằng anh mày ghép lại là Đậu Hũ để mong nhà mình ngày nào cũng có đậu hũ ăn. Cổ họng thằng Hũ cũng phát triển không bình thường, tiếng nói của nó nhỏ xíu, the thé, khào khào. Nó nói, con cám ơn má.

Thằng Hũ làm con bà mấy năm nay. Sáng sáng bà nhận vé số đi bán, thằng Hũ lết lết đi ăn xin. Một ngày hai má con kiếm được chừng hai chục, đủ nuôi ba miệng ăn.

Thằng Hũ  rất thương mẹ nuôi. Mỗi tối bà Bốn đi bán vé số về, nó lại bóp chân cho bà. Lòng bàn tay nó miết xuống mặt đường nhựa hoài nên chai cứng như đá. Nhưng bà lại thấy rất mềm mại và dễ chịu. Chỉ cần nó đụng cái lớp sần sùi ấy vào hai ống quyển bà là bao nhiêu nhức mỏi nắng gió của một ngày trời đều tiêu tan. Rồi bà xoa đầu nó, để má bắt chí cho con. Bắt được con nào, hai má con chia nhau cắn tách tách. Thằng Đậu ngồi ở phản, thấy bà âu yếm thằng Hũ thì ứ ứ é é. Bà nói với nó, rồi rồi, má cũng bắt chí cho con.

Một bữa ghe ông Hậu trúng cá, đem chia một ít cho bà con lối xóm. Nhà bà Bốn Dưỡng được phần ba con cá Kỳ Hà. Khuya về, bà với thằng Hũ vui như có hội. Cá Kỳ Hà đem luộc lên chấm nước mắm ớt là ngon hết biết. Bà tự nhủ như vậy rồi lụi cụi nhóm bếp, lụi cụi bắc nồi. Cái nồi đất sứt quai xưa giờ chỉ dùng để luộc đậu hũ và nấu cháo hoa lần đầu tiên vương mùi tanh của cá. Rồi bà tất tả cầm cái chén mẻ chạy qua nhà hàng xóm xin ớt xin mắm về đâm đâm giã giã.

Cá chín. Ba má con ngồi quây quần trên phản. Thằng Hũ vừa bóc lớp vảy dày, vừa ngấu nghiến phần thịt mặn mòi của con cá, nhe răng cười với bà Bốn, khào khào, ngon ghê  má ơi. Bà vừa gỡ cá đút cho thằng Đậu, vừa mút mút ngón tay, chửi yêu, tổ cha hai đứa bay, ăn gì mà hấp tấp dữ.

Chợt thằng Đậu nhai trúng miếng xương, ré lên é é. Bà chồm tới, biểu nhả ra má coi. Nó bưng miệng lắc đầu nguầy nguậy, nhất quyết không chịu nhả miếng ăn ngon. Bà banh miệng nó ra. Thằng Đậu nổi điên, tưởng mẹ giành ăn nên bưng bà lên liệng xuống đất cái bụp. Thằng Hũ sững người, nhào từ trên phản xuống đất, té lăn cù. Nhưng nó chẳng biết đau. Nó phải lết đến bên má nó. Bà Bốn quằn người lên hai cái rồi toàn thân giật giật, máu tai máu miệng trào ra. Hai mắt bà mở lờ đờ, không nói năng gì được. Thằng Hũ ôm chần lấy bà, vừa khóc vừa kêu, má ơi má đừng chết. Rồi một tay nó xốc nách bà, một tay lết lết ra ngoài. Miệng lải nhải, má ơi má ơi. Trên phản, thằng Đậu vớ lấy con cá, gặm gặm nhằn nhằn.

Kéo mẹ tới bệ cửa thì thằng Hũ kiệt sức. Nó đành bỏ bà Bốn nằm đó, lết ra ngoài hẻm tìm người giúp. Ngặt cái nhà nào cũng đóng cửa tối mù, nó lại không vói được tới bệ. Ở xóm biển, ai cũng xây cái bệ cửa thiệt cao để chống ngập nước. Giờ lại thành cái bờ kè ngăn cản sự cầu cứu của thằng Hũ. Nó cố kêu thật to, khóc thật to cho người ta nghe. Nhưng càng cố, tiếng cầu cứu của nó càng bị tắt lịm trong cái thanh quản méo mó trước khi kịp thoát ra ngoài. Những cánh cửa sắt trên cao vẫn im lìm tàn nhẫn. Tuyệt vọng, nó đập trán đập tay xuống đất như đang lên cơn điên dại. Rồi chợt nhớ má nó đang nằm thoi thóp trong nhà. Nó lại cố lết lết, bơi bơi.

Ra đến đường cái, nó nhào ra đường chặn đầu một chiếc xe máy. Tiếng bánh xe rít trên mặt đường rợn người. Người đàn ông lái xe sừng sộ văng tục rồi quát, mày điên hả. Thằng Hũ níu chân ông, dập đầu lạy như tế sao, ông ơi ông cứu má con. Nó nói chữ được chữ mất, lại thé thé. Người đàn ông không hiểu, hất chân một cái đá nó văng vào vệ đường, rồi rồ máy lao vụt đi.

May có bà bán trứng vịt lộn khuya bên kia đường biết nhà nó. Bà chạy sang đỡ nó dậy hỏi gì vậy cu. Nó cố nén không khóc, không nấc nữa, cẩn thận phát âm từng chữ một, cô cứu má con. Rồi lại òa lên.

Bà bán trứng vịt đoán chắc có chuyện, bèn chạy đi kêu cho nó một ông xe ôm. Thằng Hũ ngồi sau xe riết chặt má nó, khóc tu tu, má đừng chết má ơi, má đừng bỏ con má ơi.

Người ta đưa bà Bốn vô phòng cấp cứu. Thằng Hũ ở ngoài hành lang chờ. Nó ngồi bệt dưới đất, hai tay chống phía trước như con cóc. Một ông ngồi trên ghế băng gần đó kêu để tao bế mày lên đây ngồi. Nó lắc đầu, nói để con ngồi dưới đất, có gì má con kêu con lết vô cho nhanh.

Một lát, thằng Hũ mỏi tay quá, nằm còng queo ra sàn bệnh viện, mắt vẫn dán chặt vào cửa phòng cấp cứu.

Rồi bà  Bốn ở trong bước ra, cười với nó, nói, má  khỏe hẳn rồi, về thôi con.

Nó cũng cười thật tươi, lết lết theo bà. Nhưng lạ quá, bà đi càng ngày càng nhanh. Nó lết theo bà không kịp, té lăn quay, gọi má vang trời. Bà Bốn vẫn không quay lại.

Chợt có  người lay nó, ê ê, dậy.

Nó mở  mắt ra và bắt gặp gương mặt người đàn ông. Ổng hỏi, mày mơ cái gì mà la to dữ. Nó không trả lời, mắt vội vàng tìm về cửa phòng cấp cứu.

Ông đó nói với nó, người ta chuyển má mày xuống nhà xác từ hồi nào rồi. Nó lào thào, sao má con không kêu con dậy đi chung.

Người đàn ông chợt khựng lại. Ông phân vân không biết có nên cho nó hiểu nhà xác là nơi như thế nào không.

Nguyễn Trần Thiên Lộc, lớp Hán Nôm 2, ĐHKHXH&NV TP.HCM