Đường Phượng Bay

Ngôi nhà tôi ở nằm trong một con hẻm nhỏ - à không! Người ở đây gọi là kiệt -  ở đường Trần Nhân Tông. Nhà rất rộng, đầy những bức tranh lụa, tranh sơn dầu, có hai tầng, có ban công kiểu biệt thự Pháp, có vườn, có cau, có chuối, có hoa mai, hoa đào. Nói tóm lại là nó có tất cả những gì mà một người lao động bình thường ở Huế ao ước. Ấy vậy mà hình như những vị chủ nhân ở đây không ý thức được điều đó. Và tôi có vẻ cũng không ý thức được. (Tôi biết pháp môn sau Phong và Xuân mà! Tôi còn thất niệm nhiều lắm!) Tôi cũng mơ màng trước sự êm ấm của ngôi nhà. Những tiện nghi, những nhung lụa chỉ giữ chân tôi khi nghỉ ngơi hoặc nấu nướng. Thời gian còn lại tôi dành cho những chuyến đi. Và tôi đã đi rất nhiều, có khi dùng xe nhưng đi bộ nhiều hơn.

 

duong phuong bay

Ở Huế có một con đường rất đẹp, rất dài. Con đường màu xanh. Con đường mà tôi thường gọi là đường Phượng Bay. Và rất nhiều người thân cũng đồng ý với tôi như vậy. Phong và Xuân chắc cũng đã từng đi trên con đường này rồi . “Đường phượng bay mù không lối vào” của Trịnh Công Sơn. Tôi đã đi, đã ngồi ngắm Huế ở Phượng Bay. Nhiều lúc tôi đã muốn nằm xuống (nhưng như vậy thì có vẻ không được trang nghiêm lắm) để lắng nghe hơi thở của đất. Tôi muốn lắng nghe bước chân của các vị vua, các hoàng tử, các công chúa, của những người muôn năm cũ. Chắc là một người ngoài nào đó khi đọc những dòng này sẽ nghĩ rằng tôi không được bình thường? Vậy mà tôi phát hiện được rằng có rất nhiều người giống tôi trên con đường thơ mộng này.

Không gian tâm linh ở Huế đã ảnh hưởng rất rõ đến đời sống nơi đây. Đại đa số người dân hình như đều ăn, nói, đi, đứng rất nhẹ nhàng. Con trai cũng như con gái, người già cũng như trẻ nhỏ. Tất cả đều như thế. Những cô gái Huế rõ ràng là rất đẹp. Cái đẹp không những nằm ở hình thức bên ngoài mà còn là nằm trong từng cử chỉ, động tác. Những chuyến đi, lang thang, phiêu bạt khắp phố phường đã giúp cho tôi có một cái nhìn khá toàn cảnh cũng như chi tiết về Huế. Cái nghèo hiện hữu ở nơi đây. Có những nơi vẫn còn nghèo, còn khổ lắm. Nhưng tôi cũng nhận thấy sự ấm áp, lung linh của tình người. Cái vui, cái hạnh phúc cũng hiện hữu nơi đây. Những người bạn của tôi họ chấp nhận nếp sống thanh bạch đó, Phong và Xuân à! Họ chỉ muốn vừa đủ thôi. Vì vậy, họ không phải chạy quanh, không phải chen lấn. Ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, họ dừng đúng vạch vôi. Tôi đã từng rất xấu hổ vì đã hơn một lần dừng ở ngay lằn dành cho người đi bộ (một thói quen rất xấu do sống nhiều năm trong Sài Gòn). Rất hiếm khi có cảnh kẹt xe nếu có cũng chỉ là buổi sáng hoặc chiều kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Tôi còn thấy ở Huế những chậu lan, những loài hoa tôi chưa kịp nhớ tên được bài trí trong công viên ở Huế. Không thấy bóng dáng của người bảo vệ. Không có cảnh chen lấn, chụp giựt. Những bông hoa này là những bông hoa may mắn vì chúng sẽ nát như tương hoặc không được tự do hít thở khí trời như thế nếu ở những thành phố khác – những nơi có rất nhiều tấm bảng văn minh, lịch sự.

Do chính sách bảo tồn di tích, bảo tồn không gian cung điện chùa chiền nên trong thành nội không có những trung tâm thương mại, những căn nhà chọc trời. Những toà nhà biểu tượng của cái gọi là hùng cường, thịnh vượng ở các thành phố khác nếu đặt ở Huế thì sẽ không khác nào những con quái vật. Ở Huế bạn sẽ được nhìn trời, nhìn mây, nhìn mặt nhau. Không có nhiều khói bụi nên cũng ít ai mang khẩu trang lắm Phong à! Mùa xuân hiện hữu trên những bông hoa rực rỡ và cũng trên những đôi má hồng. Phong ở khắp nơi. Và Xuân cũng ở khắp nơi.

Hương đêm

Đôi mắt tôi đã thu nhận Phượng Bay, thu nhận Huế trong tấm áo nhung huyền bí. Đêm ở Huế là những đêm thơm. Khi bước những bước chân có ý thức, văng vẳng bên tai tôi những thanh âm sâu lắng, những tiếng hát đến từ miền tịch mịch. Phải chăng tôi đã nghe được cái vô thanh. Âm thanh của sự im lặng. The sound of silence.

“Bông hoa đời ngàn xưa tới nay
rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây”

Giai điệu của hai bài hát “Ngọc Lan” và “Dạ Lai Hương” từ đâu tràn về vỡ đê tâm hồn. Tôi thích nét nhạc của “Ngọc Lan” và thích lời của “Dạ Lai Hương”. Những tiếng hát cứ đến, cứ thoang thoảng như hương thơm của một loài hoa. Tôi lại đành phải mượn lời của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Phạm Duy để diễn tả lòng mình. Cả bức thư này cũng vậy. Tất cả cũng là sự vay mượn thôi. Đâu có cái gì của tôi đâu!

(Trong lá thơ tôi vẫn thường hay giới thiệu cho Phong và Xuân những bài thơ, bài nhạc. Đây không phải là sự phô bày kiến thức. Mong hai bạn nhớ lời tôi. Khi xưa thơ bé, chẳng phải Phong và Xuân vẫn thương chia nhau những viên kẹo ngọt và những chiếc bánh thơm đó sao? Tôi cũng như Phong và Xuân thôi. Tôi cũng là em bé năm xưa.)

“Đêm thơm không phải vì hoa mà bởi vì ta thiết tha tình yêu thái hoà
Đời vui như ong bay ngọt lên cây trái góp chung mật sống lâu dài
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!
Nhịp bàn tay, nhân gian ơi!”

Chúng ta không hát “Dạ Lai Hương” cho vui. Chúng ta không phải “tu văn nghệ”. Đây là sự thực tập. Đây là một bài thiền ca nên tôi cũng nhẹ bàn chân, nhịp bàn tay trên những nẻo đường của kinh thành Huế và thấy tình yêu đang hiện hữu khắp nơi. “Dạ Hương Hoa” là tên tiếng Hán của hoa thiên lý. Vậy là trong khu vườn hoa lá thi ca của tôi lại có thêm một bông hoa nữa. Thêm một bông hoa nhắc nhở còn bao nhiêu niềm vui bé nhỏ mà tôi vẫn hay thường lãng quên bên đường. Tôi đã có Hoa Thược Dược của Quách Thoại, Hoa Cam của Nguyễn Bính nay tôi lại có thêm Thiên Lý của Phạm Duy, Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước, Râm Bụt của cụ Nguyễn Trãi và còn nhiều, nhiều lắm. Chúng ta là Hội Những Người Trẻ Yêu Hoa phải không, Phong, Xuân?

À tôi vẫn chưa kể về sông Hương và những bài ca, món ăn Huế. Và… những kỳ quan ở Huế còn nhiều lắm chứ… Ba dấu chấm ấy xin dành cho hai bạn và cũng dành cho các công ty du lịch khám phá. Mong sao họ nương tay nhẹ chân với Huế của tôi!

***

Hạnh phúc

Phong và Xuân thương mến! Tôi thấm thía một điều rằng chỉ cần chúng ta dừng lại và nhìn mặt nhau thì đó cũng là một niềm hạnh phúc. Tôi không nói suông, không triết lý mà tôi đã nếm được điều đó. Khi chúng ta bớt đi những nhu cầu vật chất thì mình sẽ nhìn rõ mặt nhau và mình sẽ quan tâm nhau. Khi đang quên mình tận hưởng những ngày nắng đẹp đầu tiên trên đất Huế, có hai người đã gọi tên tôi, gọi tôi về hiện tại. Họ không gọi tôi vào để mua rau, mua nón, mua lồng đèn. Họ gọi tôi vào để tránh nắng.

“Sao đứng ngoài kia vậy con? Vào đây cho đỡ nắng?
“Anh ơi! Vào đây, sao lại đứng ngoài nắng vậy”

Tôi đã sống ở Sài Gòn 20 năm. Tôi nhớ rằng chưa có ai (hoàn toàn xa lạ) gọi tôi về như thế.

Tôi đã từng nấu cho Phong và Xuân ăn. Ở Huế, tôi cũng phải tự nấu ăn thôi. Tôi không nghĩ là sẽ có ai đó ăn chung một nồi cơm với mình. Thế mà, vô tình tôi lại gặp được một người bạn. Một người cũng nhất quyết là chỉ ăn rau, ăn quả, ăn ngũ cốc thôi. Chúng tôi không biết mình sẽ duy trì như thế được bao lâu. Chúng tôi chỉ biết rằng giây phút này là giây phút có thật. Mình được ăn cơm chung với nhau. Mình được nhìn mặt nhau. Vậy là đủ rồi! “Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi!”

Tôi có một thói quen là hay cám ơn mẹ tôi, bà tôi nếu được ăn cơm do họ nấu. Tôi thấy mẹ tôi, bà tôi những lúc như thế thì vui lắm. Tôi không biết niềm vui đó như thế nào. Nay thì tôi đã hiểu rồi. Tôi đã “qua cầu”. Phong và Xuân đã thử nấu cho ai đó ăn và người đó nói rằng: “Cảm ơn bạn vì chén cơm này” chưa? Hai bạn thử đi nhé. Riêng tôi thì sẽ không bao giờ quên được giọng nói nhẹ và đôi mắt trong của bạn tôi…..

Áo Trắng