Hiểu biết chơn thật là sự giải thoát


altI.  Ðại Cương

Giải thóat là xa lìa mọi sai lầm của các pháp của tâm thức, không bị xúc thọ ái ràng buộc."trong sự giải thoát là sự hiểu biết." Thật vậy, sự hiểu biết sáng suốt, là tuệ tri, là cái biết vô thời không, trong sát na hiện tiền. Khi hành giả tuệ tri  (biết của Trí) về lục căn, lục trần, hay lục thức, (Tâm thức) và không có thời gian, thì xúc, thọ, ái không có kẻ hở để khởi sanh. Như hành giả quán, " tuệ tri ' Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" thì dòng tâm thức ngừng chảy (vô thời không), tức là không suy nghĩ thêm quan niệm , hay tư tưởng gì về tâm thức đó. Khi xúc, thọ, ái không khởi sanh trong tâm, thì đoạn được thân kiến cũng như chúng không ràng buộc và gây ba độc, thì lúc ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có chấp thủ.

Phật giải rõ ràng pháp giải thoát, "Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng, yếm ly mũi, yếm ly các hương; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị; yếm ly thân, yếm ly các xúc; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái.

Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"(Kinh Sáu Xứ)

II.    Hiểu Biết Chân Thật Soi Sáng Sự Vô Minh

  • Vô Minh.

Trong Ðại Kinh Sáu Xứ, đầu tiên Phật giải về nhản căn sắc trần và nhãn thức theo thường tình. Chúng ta nhìn một vật thì không thấy không biết như chơn mắt, không thấy không biết như chơn các sắc, không thấy không biết như chơn nhãn thức vì chúng ta chưa hiểu được chơn mắt, chơn các sắc, và chơn nhãn thức như thế nào? Thật ra, Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là một khi nhìn một vật gì thì sử dụng một lần mà thôi. Nếu dùng tiếp hay kéo dài thời gian là một vật đó đã huyễn hóa hay mắt, sắc (vật), hay thấy (nhãn thức) không còn nguyên thủy sử dụng mà đã xài qua rồi, không còn mắt củ, vật đầu tiên, thấy nguyên sơ cũng bị xúc thọ ái lăn trôi theo thời gian mà có những khái niệm, nên mắt, sắc, thấy đã biến thể. Nói chung,  trong Trí (hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện  Trí Năng, Tình Năng và Hoạt Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình ảnh của chơn sắc từ chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc chạm dây thần kinh thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta không thấy không biết chơn cảm thọ như thường tình, mà có ái trước (ái đã có trong A Lại Da thức) đối với mắt (mắt lập lại), ái trước đối với các sắc (hình ảnh có sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn trong trong A-Lai-Da Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ , bất khổ bất lạc thọ mà ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi chúng ta nhận thức và quán sát vị ngọt, chấp vào ái trước (ký ức), rồi sự hệ lụy và say đắm nên năm thủ uẩn được tích trử trong tương lai. Ái ấy tái sanh, ưa thích ngũ dục. Thủ Hữu là tìm cầu và giữ lấy những thú vui và tham luyến, sanh thân ưu não, thân nhiệt não, và tâm khổ não. Nên tạo nên những cái có, chính những cái sở hữu này là những nghiệp. Cảm thọ thân khổ và tâm khổ.

Không thấy không biết như chơn lục căn, chơn lục trần và chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm cũng xãy ra tương tự như trên.Nói cách khác, không thấy không biết chơn lục căn, lục trần, lực thức là thể cách nhận thức sự vật một cách vô minh của tâm thức thường tình.

Ngu si phải sinh tử

Ngu Si hay Vô Minh: Avijja (p)—Avidya (skt) là không giác ngộ. Vô minh là đầu mối của sanh tử luân hồi, mắt xích thứ nhất hay mắt xích cuối cùng trong Thập Nhị Nhân Duyên. Cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Vô minh là si mê hay không giác ngộ, một trong ba ngọn lửa cần phải dập tắt trước khi bước chân vào Niết bàn. Đây là trạng thái sai lầm của tâm làm khởi dậy sự tin tưởng về bản ngã.

Những lời Phật dạy về “Vô Minh” trong Kinh Pháp Cú::

1)      Người ngu suốt đời gần gũi người trí vẫn chẳng hiểu gì Chánh pháp, ví như cái muỗng múc canh luôn mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của canh;

2)      Kẻ phàm phu không giác ngộ nên đi chung với cừu địch một đường. Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp đi đến khổ báo. (Dharmapada 66).

3)      Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhứt định phải chịu khổ đắng cay. (Dharmapada 69).

4)      Từ tháng này qua tháng khác, với món ăn bằng đầu ngọn cỏ Cô-sa (cỏ thơm), người ngu có thể lấy để nuôi sống, nhưng việc làm ấy không có giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy Chánh pháp. (Dharmapada 70).

 

5)      Kẻ ngu xuẫn thường hay muốn danh tiếng mà mình không xứng: chỗ ngồi cao trong Tăng chúng, oai quyền trong Tăng lữ, danh vọng giữa các gia tộc khác. (Dharmapada 73).

Vô mình cứ lặn ngụp trong sanh tử đều do ngu si mà ra

Vậy,

  • Tâm Thức cần phải được biết

Thật vậy, trước hết chúng ta cần hiểu rõ các đặc tính của Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức, từ đó mới có thể phát hiện những tri thức thiết thực cho mọi hành giả khao khát đến Phật học cũng như pháp hành một cách cụ thể mà thâm thúy.Theo HT. Thích Minh Châu dịch phần Tóm lược của kinh Sáu Xứ: " Thế Tôn nói như sau: -- Sáu nội xứ cần phải được biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải được biết. Sáu ái thân cần phải được biết." Đó là cốt tủy của kinh.

Sáu căn: Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý cần phải được biết, tức là sáu nhân cần thiết để tạo sự hòa hợp với sáu trần cần phải biết, là sáu duyên tức Sắc, Thinh, Hương Vị, Xúc, Pháp mà khởi lên sáu quả cần phải biết,tức sáu thức Nhãn thức, Nhĩ thức, Tĩ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức. Lục thức còn gọi là Tâm thức. Sự gặp gở ba pháp của căn, trần, thức là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến "Sáu ái thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Đây là sáu sáu thứ sáu.(Kinh Sáu Xứ) 

  • Hiểu Biết Chân Thật là Chơn Trí

Kế đến, Phật giải về nhản căn sắc trần và nhãn thức theo chơn trí. Chúng ta nhìn một vật thì thấy và biết như chơn mắt, thấy  biết như chơn các sắc, thấy biết như chơn nhãn thức vì chúng ta đã hiểu được chơn mắt, chơn các sắc, và chơn nhãn thức theo  thật tướng của chúng như đã trình bày trên. Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là một khi nhìn một vật gì thì sử dụng một lần mà thôi (vô thời gian). Nếu không kéo dài thời gian thì vật đó còn nguyên thủy: nó-là-nó tại đó và lúc đó, vô thời không hay mắt, sắc (vật), hay thấy (nhãn thức) vẫn còn chơn nguyên, thấy biết không bị xúc thọ ái lăn trôi theo thời gian mà có những khái niệm, nên mắt, sắc, thấy biết không thay đổi, cố định. Nói chung,  trong Trí (hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện  Trí Năng, Tình Năng và Hoạt Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình ảnh của chơn sắc từ chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc chạm dây thần kinh thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta thấy  biết chơn cảm thọ không có thời gian, nên không có ái trước (trong A Lại Da thức) đối với mắt  (mắt không lập lại), không có ái trước đối với các sắc (hình ảnh các sắc có sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn trong A-Lai-Da Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ , bất khổ bất lạc thọ mà không có ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi chúng ta nhận thức và quán sát vị ngọt, không chấp vào ái trước (ký ức), không có sự hệ lụy và say đắm nên năm thủ uẩn không được tích trử trong tương lai. Ái ấy không thể tái sanh, và không ưa thích ngũ dục. Không có Thủ Hữu thì lấy gì tìm cầu và giữ lấy những thú vui và tham luyến thì thân không ưu não, thân không nhiệt não, và tâm không khổ não. Nên thân tâm không thủ hữu gì cả. Cảm thọ thân và tâm không có ưu khổ, được an lạc.

Tóm lại, nếu thấy biết như chơn lục căn, chơn lục trần và chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm không xãy ra. Nói cách khác,  thấy biết chơn lục căn, lục trần, lực thức là thể cách nhận thức sự vật một cách sáng suốt vô thời không; đó cũng là sự nhận thức của chơn trí.

Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc (Ðại Kinh Sáu Xứ).

Cần nhớ, “Vô mình cứ lặn ngụp trong sanh tử đều do ngu si mà ra

Trí tuệ là căn bản để chuyển hóa ngu si

Đạo Phật là đạo giải thoát nói từ viễn cảnh cứu cánh, nhưng trên thực tế thì trí tuệ mới là pháp căn bản để chuyển hóa ngu si để Bồ Tát tu tập đến bờ giác ngộ. Từ sự giác ngộ, Bồ Tát mở ra đường sáng vượt khỏi đám mây mù của dòng tâm thức ngu si vốn che khuất bầu trời trí tuệ. Tâm thức là nhận thức sự vật (lục trần) bằng lục căn, nên lục thức hay tâm thức vô thường và biến dị. Sự vật được nhận thức chẳng qua là do duyên khởi hoặc giả danh, nên chúng chịu luật sanh diệt theo thời gian ngay cả nhận thức cảm thọ tưởng thức là những hành động liệt tri. Muốn vượt thoát khỏi sự ngu si ấy tất phải dùng trí năng soi sáng mọi biến đổi, vô thường của thọ, tưởng, và thức (nói chung là dòng tâm thức)  mà đến thế giới bất sanh bất diệt, trong sáng và thường hằng. Trí tuệ có khả năng trong sạch hóa mọi dòng tâm thức vẩn đục bằng cách hư không hóa mọi ngu muội trong tâm. Trong Đại Kinh Phương Quảng, Tôn giả Mahakotthita (Đại-Câu-hy-la) vấn đạo với Tôn giả Sariputta (Xá lợi Phất) do HT. Thích Minh Châu chuyển dịch từ tiếng Pali đã diễn đạt pháp rèn luyện trí tuệ rất căn bản và rõ ràng.

Bồ-tát phá vô minh bằng cách hằng nghe nhiều học rộng về Phật pháp, để trí tuệ càng ngày càng tăng trưởng.

 

III.      Hiểu Biết Phân Biệt Ðược Ðiều Thiện Ác

Đức Phật thiết lập 10 giới (10 điều thiện) nhằm nâng cao hơn nữa hành vi và tâm lý đạo đức của con người, 10 điều ấy được thiết lập trên cơ sở hành vi, ngôn ngữ và tâm ý.  

Hành vi gồm có:

Không sát sanh,

Không trộm cắp,

Không quan hệ tình dục phi pháp.

Ngôn ngữ gồm có :

Không nói dối,

Không nói hai lưỡi,

Không nói lời độc ác,

Không nói lời phù phiếm ba hoa.

Tâm ý gồm có :

Không tham lam,

Không sân hận,

Không si mê tà kiến.

10 giời điều này thực sự bước vào lộ trình của giải thoát, đây là giới căn bản cho cả tại gia và xuất gia, khác với năm giới là bước đầu chỉ quy định trong phạm vi, hành vi và ngôn ngữ là những biểu hiện đạo đức cụ thể gây hậu quả trực tiếp, tuy vậy vẫn chưa thể hiện được nguồn gốc, động cơ bên trong. Luật pháp của xã hội cũng chỉ giới hạn ở mức độ hành vi và ngôn ngữ mà thôi. Đức Phật dạy rằng, một người thực hành 10 điều bất thiện thì cuộc sống của họ là phi đạo đức, đồng thời không đạt được mục tiêu hạnh phúc: "Này các Tỳ kheo, sát sanh, lấy của không cho, tà hành trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận và tà kiến, đây gọi là phi pháp và phi mục đích" (Kinh Tăng Chi III). Ngài khuyên mọi người nên sống đúng theo 10 điều thiện, như vậy phù hợp với nguyên tắc đạo đức và quy luật của hạnh phúc.

Tóm lại, đaọ đức Phật giáo được xây dựng trên cơ sở giới luật và những giới luật ấy là những nguyên tắc nếu được tuân thủ sẽ đem đến hiệu quả chế ngự dục vọng bản năng, thiết lập các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên một cách hoà điệu; xa hơn nữa, có thể tịnh hóa tâm thức thoát ly các chướng ngại và ức chế tâm lý để sống một đời sống hạnh phúc chân thật. (Giới Luật- Cơ sở của  ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO. Thích Viên Giác)

Tàng Thức: Nơi Chứa Nghiệp Thức 

* Ý nghĩa của Nghiệp- Nghiệp là một trong các giáo lý căn bản của Phật giáo. Mọi việc khổ vui, ngọt bùi trong hiện tại của chúng ta đều do nghiệp của quá khứ và hiện tại chi phối. Hễ nghiệp lành thì được vui, nghiệp ác thì chịu khổ. Vậy nghiệp là gì? Nghiệp theo chữ Phạn là ‘karma’ có nghĩa là hành động và phản ứng, quá trình liên tục của nhân và quả. Luân lý hay hành động tốt xấu (tuy nhiên, từ ‘nghiệp’ luôn được hiểu theo nghĩa tật xấu của tâm hay là kết quả của hành động sai lầm trong quá khứ) xảy ra trong lúc sống, gây nên những quả báo tương ứng trong tương lai. Cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả tạo nên bởi hành động và tư tưởng của chúng ta trong tiền kiếp. Đời sống và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chúng ta trong quá khứ, và cũng thế các hành vi của chúng ta đời nay, sẽ hình thành cách hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Nghiệp có thể được gây tạo bởi thân, khẩu, hay ý; nghiệp có thể thiện, bất thiện, hay trung tính (không thiện không ác). Tất cả mọi loại nghiệp đều được chất chứa bởi A Lại Da và Mạt Na thức (hay gọi là Tàng Thức). Chúng sanh đã lên xuống tử sanh trong vô lượng kiếp nên nghiệp cũng vô biên vô lượng. Dù là loại nghiệp gì, không sớm thì muộn, đều sẽ có quả báo đi theo. Không một ai trên đời nầy có thể trốn chạy được quả báo: Như trên đã nói, nghiệp là sản phẩm của thân, khẩu, ý, như hạt giống được gieo trồng, còn quả báo là kết quả của nghiệp, như cây trái. Khi thân làm việc tốt, khẩu nói lời hay, ý nghĩ chuyện đẹp, thì nghiệp là hạt giống thiện. Ngược lại thì nghiệp là hạt giống ác. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Muốn sống một đời cao đẹp, các con phải từng ngày từng giờ cố gắng kiểm soát những hoạt động nơi thân khẩu ý chớ đừng để cho những hoạt động nầy làm hại cả ta lẫn người.”

* Nghiệp và quả báo -  Nghiệp và quả báo tương ứng không sai chạy. Giống lành sanh cây tốt quả ngon, trong khi giống xấu thì cây xấu quả tệ là chuyện tất nhiên. Như vậy, trừ khi nào chúng ta hiểu rõ ràng và hành trì tinh chuyên theo luật nhân quả hay nghiệp báo, chúng ta không thể nào kiểm soát hay kinh qua một cuộc sống như chúng ta ao ước đâu. Theo Phật Pháp thì không có thiên thần quỷ vật nào có thể áp đặt sức mạnh lên chúng ta, mà chúng ta có hoàn toàn tự do xây dựng cuộc sống theo cách mình muốn. Nếu chúng ta tích tụ thiện nghiệp, thì quả báo phải là hạnh phúc sướng vui, chứ không có ma quỷ nào có thể làm hại được chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta gây tạo ác nghiệp, dù có lạy lục van xin thì hậu quả vẫn phải là đắng cay đau khổ, không có trời nào có thể cứu lấy chúng ta.

Nghiệp đi vào tiềm thức như thế nào-: Khi chúng ta hành động, dù thiện hay ác, thì chính chúng ta chứng kiến rõ ràng những hành động ấy. Hình ảnh của những hành động nầy sẽ tự động in vào tiềm thức của chúng ta. Hạt giống của hành động hay nghiệp đã được gieo trồng ở đấy. Những hạt giống nầy đợi đến khi có đủ duyên hay điều kiện là nẩy mầm sanh cây trổ quả. Cũng như vậy, khi người nhận lãnh lấy hành động của ta làm, thì hạt giống của yêu thương hay thù hận cũng sẽ được gieo trồng trong tiềm thức của họ, khi có đủ duyên hay điều kiện là hạt giống ấy nẩy mầm sanh cây và trổ quả tương ứng.(TĐVATP)

Giải Thoát Nghiệp Thức. 

Làm thế nào để chúng ta triệt tiêu nghiệp? -  Đức Phật dạy nếu ai đó đem cho ta vật gì mà ta không lấy thì dĩ nhiên người đó phải mang về, có nghĩa là túi chúng ta không chứa đựng vật gì hết. Tương tự như vậy, nếu chúng ta hiểu rằng nghiệp là những gì chúng ta làm, phải cất chứa trong tiềm thức cho chúng ta mang qua kiếp khác, thì chúng ta từ chối không cất chứa nghiệp nữa. Khi túi tiềm thức trống rỗng không có gì, thì không có gì cho chúng ta mang vác. Như vậy làm gì có quả báo, làm gì có khổ đau phiền não. Như vậy thì cuộc sống cuộc tu của chúng ta là gì nếu không là đoạn tận luân hồi sanh tử và mục tiêu giải thoát rốt ráo được thành tựu. (TĐVATP)

 

  1. IV. Hiểu Biết Ðúng Giải Thoát Mọi Thực Tại Giả Lập

Hiểu biết chơn thật giải thoát mọi thưc tại giả lập (hay tri kiến) tức là tri thức đúng cái tri thức sai lầm của chủ khách, là giải thoát mọi phiền não nhân duyên chằng chịt, cũng là tự giác và giác tha.

Nhờ có lý trí (Tàng thức) mà con người hiểu biết được vạn vật và ngay cả tâm trí của mình. Khai ngộ là giải thoát lý trí ra khỏi kho chứa ràng buộc nó. Tri kiến là cái giả lập của sự hiểu biết. Cái Biết mới là thực, cái Bị Biết (Tri kiến) là không thực, là cái giả lập của cái thực. Giải thoát tri kiến có nghĩa là khôi phục lại cái thực tính của tri kiến, tức là sự hiểu biết chân thật hay là chân lý tối hậu.Vượt thoát khỏi đối tượng tìm đến tự tính của nó là đường về chân nguyên. Lột xác tri kiến giả lập để thể hiện tri thức thực sự tức là Tri thức đúng hay Hiểu biết chân thật. Vậy tri kiến như phương tiện hướng dẫn thực hiện.

Như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhận thấy được mặt trăng phải vượt thoát khỏi ngón tay, cũng như vậy, vượt thoát khỏi tri kiến mới nắm bắt được thực tại.

Thực tại là tự tánh của sự vật. Những hình ảnh của sự vật (thức) theo thời gian kết tựu (Tàng thức). Thời gian đi từ tự tánh của sự vật: Chơn không, Thực tại, Thực hữu. Thực chất là chân lý thì không biến đổi. Ðã là chân lý thì phải thường hằng, bất biến. Vì lẽ đó, cho nên ta có thể thấy lại trong thực tại bên ngoài cái ý niệm thời gian, mà ta biết một cách tuyệt đối. Ðó là ý niệm lại cái thực tại thì không còn là thực tại, dù trải qua một sát na, nó chỉ là một quá khứ. Tri kiến là tâm quá khứ. Chân thể là sự trở lùi của Sử tính Thời tính, vì thời tính là sử tính. Ấn tượng tri giác vận chuyển nối tiếp như một dòng sông chảy xiết. Dòng nước trôi chảy liên miên, những giọt nước không bao giờ lập lại, nhưng những giọt nước đều có hình ảnh giống nhau; do đó dù tự thể của chúng luôn luôn sai biệt, nhưng hình ảnh chúng không sai biệt.

Muốn dẹp bỏ tâm quá khứ là trở về giọt nước ban đầu của những giọt nước triền miên lưu chảy mà ta đang thấy, giảm trừ thời gian từ hiện tại đến đầu nguồn quả thật cũng là một giả vọng trong quá trình tư duy mà thôi.

Trở về nguồn của thực hữu, cái hiện đang là, cái hiện đang là đó, tức là không có tâm quá khứ vốn mang nhiều tri kiến nặng nề, làm cho tâm hồn vẫn đục, vọng tưởng triền miên không dứt. Ðó là ta mới giảm trừ thời gian. Còn điểm trở ngại nữa cái tâm không thì không còn trung gian của các căn nữa. Vượt khỏi ngũ giác quan của mình để nguyên vẹn cái tâm không trực nhận thực hữu. Là ta đã giảm trừ không gian và thời gian, là hai yếu tố làm chướng ngại cho cái tâm tự tại vậy. Tâm lúc bấy giờ thể nhập chốn tịch tĩnh y nhiên. Thực tại, thực hữu chính nó là nó mà tâm thể nhập ngay lúc ấy và tại ấy hiện tiền. Khi dùng văn ngôn để diễn tả cái ý chỉ thì thực hữu ấy không còn là hiện hữu nữa. Giải thoát tri kiến là tiến trình tri thức đúng về nhận thức sai lầm tri kiến giả lập, và giải thoát nó, để trở về thực thể tức là tự tính tuyệt đối của tri kiến hay là con đường giác ngộ. Vậy trong sự sống làm thế nào nắm bắt được chân lý tối hậu ấy? Ðó là lối dụng công, là phương pháp thiền, là cách giải tỏa những khắc khoải của con người trong hàng vạn thế kỷ trước khi đức Phật ra đời. Ánh sáng đuốc tuệ đã tỏa ra, đạo pháp tuyệt vời của đức Phật đã phổ biến khắp quần sanh. Chúng ta muốn nắm bắt chân lý tối hậu ấy, không gì bằng dùng những phương tiện tối ưu do đức Phật đưa ra; mà trong mọi cách, theo Phổ Nguyệt, chỉ có Trí rộng lớn vô cùng tận, tức là Trí Bát Nhã Cứu Cánh, mới có thể kham nhẫn tiến tới giác ngộ. Chúng ta cần triển khai Trí Bát Nhã để thể hiện đạo sống hàng ngày, bằng cách Thắp Sáng Hiện Hữu trong cái Tâm Bình Thường là ta đã giải thoát mọi tri kiến giả lập hầu trở về Chân Tính của vạn hữu. (Thực Tại và Chí Ðạo)

  1. V. Giác Ngộ Là Biết Gặp Thực Tướng Của Vạn Hữu

a). Giác Ngộ

Giác ngộ tức là giải thoát, chính là tri nhận thực tại một cách toàn diện không thêm không bớt, là vượt khỏi thời không, là thể nhập cõi vô cùng hằng hữu, vì hư không ảo tưởng và thời gian huyễn hóa làm ngăn cách thế giới hiện tượng và cõi vô cùng.

Sau khi nhận thức được rằng các đối tượng là những thực tại giả lập hay tùy thuộc, bậc trí giả thể nhập vào chân tâm, còn gọi là tri thức nguyên thủy, hay thực tại toàn diện. Lúc ấy người ta trực tiếp nhận thức rằng chân lý vốn vượt ngoài nhị nguyên tính, hay vượt khỏi thời không. Như đã trình bày, những sự vật trong thế giới hiện tượng không những do duyên khởi mà còn được nhận thức bằng nhị nguyên tính và được xem là thực tại giả lập huyễn hóa, phiền não hay là tạp nhiễm ngoại lai đã che mờ cái tâm vốn thanh tịnh tự bản tính. Các thực tại tương đối được kiến lập theo nhị nguyên tính không thật theo quan điểm cứu cánh có thể tiêu trừ bằng tu tâm một cách chính đáng. Sau khi những tạp nhiễm được tẩy sạch, bản tính thanh tịnh trong sáng của tâm được phục hồi.

Tâm thức được kiến tạo bằng nhị nguyên tính, trí phân biệt, giới hạn bởi các căn là tri kiến của chúng sanh vốn mang nhiều hệ lụy tạp nhiễm, phiền não, khổ đau, sanh tử luân hồi mà nguyên ủy là vô minh. Việc phân chia thiện và ác, khổ đau và hạnh phúc chỉ là ảo tưởng, giả lập huyễn hóa nhưng những tri thức vụn vặt này vẫn được ghi lại trong dòng tâm thức những chuỗi nghiệp duyên nhân quả mãi lăn trôi theo thời không.

Tri giác một đối tượng bình thường theo tiền ngũ căn là một nhận thức sai lầm vì tri giác đó còn nằm trong phạm vi thời không. Biết gặp Thực Tướng của vạn hữu là nhận thức vượt khỏi thời không như đã trình bày.. Như vậy Tri Thức Đúng cái Tri Thức sai lầm của tiền ngũ căn là Giác Ngộ (Biết Gặp) Thực Tướng của sự vật. Chân tâm được thể hiện bằng tánh giác hay trí vô phân biệt, vô giới hạn, bất biến trong cõi vô cùng hằng hữu, thanh tịnh tự bản tính tức thực tại toàn diện tuyệt đối, tri thức nguyên thủy hay chân lý tối hậu.(Khẳng Ðịnh Tính)

b). GiảI Thoát

Lập trường chủ yếu của giải thoát quan Phật giáo là vượt ra ngoài cõi Dục (Dục giới) Phật giáo không thừa nhận thế giới quan thần quyền lại cũng không thừa nhận cái “Ngã” cá nhân bất biến, mà chủ trương hết thảy đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, và sở cứ của nhân duyên là ý chí của chúng ta. Do đó, nếu muốn được giải thoát, con người phải cắt đứt mọi nhân duyên, nghĩa là diệt hết dục vọng của ý chí. Theo các học phái khác, giải thoát tức là đưa cái tiểu ngã của cá nhân trở về  với Đại ngã của một đấng sáng tạo ra vũ trụ. Nhưng Phật giáo vì không thừa nhận thần quyền, nên gọi giải thoát là Niết bàn, mà Niết bàn theo nghĩa đen là “dập tắt”, nghĩa là dập tắt hết dục vọng tồn tại và lấy đó làm lý tưởng cứu kính. Các kinh điển Đại thừa, nhất là kinh Bát Nhã, đặc biệt thuyết minh về điểm này và mệnh danh là “không”, “không không” rốt ráo là “không”. Đó là chân tướng của vũ trụ, và khi đã đạt được chân tướng ấy tức là đạt đến giải thoát, đến Niết bàn.( Ðại Thừa Tư Tưởng Luận) 

  1. VI. Kết Luận

Xuyên qua pháp học hiểu biết về tâm thức mà Phật đã giảng rõ ràng cần giải thoát mọi nhân duyên khởi  sanh, tức sự sanh diệt đã dứt. Dòng tâm thức luôn trôi chảy theo thời gian mà duyên theo xúc, thọ, ái gây ra thân kiến, ba độc. Ba pháp (căn+trần+thức) kết thành tâm thức vì chúng không có tự thể hay vô ngã, chúng thay đổi luôn, nên chúng dễ bị nhận thức sai lầm vì duyên xúc thọ và ái lôi cuốn theo thời gian từng sát na sanh diệt luôn không ngừng nghỉ. Phật đã dạy, đoạn diệt thân kiến, đoạn tận ba độc và các pháp hành những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy  đều là khổ.   Do bội xả (giải thoát bên trong) mà diệt tận các ái, không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện, là lúc phạm hạnh đã hoàn thành. Ngoài ra cần phải thực hành pháp giải thoát nữa mới rửa sạch mọi sai lầm của dòng tâm thức đang trôi chảy làm cho tâm thức không còn trở lui trạng thái vẩn đục nữa. Sự tu chứng cần phải trải qua nhiều cố gắng không ngừng nghỉ, giũ gìn giới luật nghiêm minh, đặc biệt ly dục và tránh những điều bất thiện. Phạm hạnh căn bản bước đầu tự nhìên là khó khăn lắm; ý chí tìm cầu giải thoát đợi người tu sĩ có cơ duyên hiểu biết chơn thật nắm bắt thành tựu vĩ đại này phải có nguyện lực lớn. Theo bước chân đi của đức Thế Tôn, bất cứ người cư sĩ hay tu sĩ có đủ phạm hạnh hiểu đúng hành đúng những pháp môn Phật dạy, thì dòng tâm thức được trong sạch hóa ắt phải vượt khỏi bản ngã ác pháp vô thường ưu khổ hay tiến xa hơn nữa là giải thoát dòng bộc lưu sanh tử. Mong mỏi chúng ta có đủ duyên phước để thành tựu quả vị không ngoài tầm tay chỉ e không có nguyện lực đủ lớn để kham nhẫn mà thôi.

Phổ Nguyệt


Tham khảo

Ðại Kinh Sáu Xứ và Kinh Sáu Xứ. HT. Thích Minh Châu Việt dich, đăng trên website Quảng Ðức, phần Kinh Ðiển: http://www.quangduc.com

Ðại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận.Kimura Taiken, Hán dịch Thích Diễn Bồi, Việt dịch Thích Quảng Ðộ, tr ch trong website Tạng Thư Phật Học: http://www.tangthuphathoc.net.

Ðiều Giác Ngộ 5. Kinh Bát Ðại Nhân Giác. Phổ Nguyệt, trích trong website Tạng Thư Phật Học.

Giới Luật - Cơ sở của  ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO. Thích Viên Giác trích trong website Thư Viện Hoa Sen: http://www.thuvienhoasen.org

Khẳng Ðịnh Tính. Phổ Nguyệt, trích trong website Tạng Thư Phật Học.

Thực Tại và Chí Ðạo. Phổ Nguyệt. Trích trong website Tạng Thư Phật Học.

Tự Ðiển Phật Hoc Việt Anh. (TÐPHVA). Thiện Phúc trích trong website Quảng Ðức