Sự Xuất Hiện Của Đức Thế Tôn


http://files.myopera.com/hoangkiem2/albums/680270/thumbs/lrg-3751-phat_thich_ca127-jpg.jpg_thumb.jpgTheo nhiều sử liệu về lịch sử Ấn Độ cho thấy rằng: trước thời Đức Thế Tôn xuất hiện đã có rất nhiều đạo giáo với những tư tưởng, triết học lẫn cả chính trị xã hội vô cùng phức tạp. Với Pháp điển Manu đã ấn định nhiều sinh hoạt bất công trong xã hội, con người được phân ra làm 4 giai cấp rõ rệt đó là Brahmana (Bà la môn) cùng Ksatriya (sát đế lợi) là giai cấp vua quan thống trị, nắm tất cả quyền hành trong xã hội. Hai giai cấp này luôn tỏ ra uy quyền để áp bức bóc lột và đe dọa, hành phạt 2 giai cấp còn lại đó là Váiya (phệ xá) và Sudra (thủ đà la). Những ai được sanh ra và lớn lên trong 2 giai cấp được coi là hạ tiện này thì bị xã hội khinh miệt và không được sự bảo hộ của luật pháp. Bốn giai cấp này theo chế độ thế tập , cha truyền con nối. Vì vậy, người dân nô lệ thì cứ đời đời làm nô lệ, tạo thành một xã hội bất công.

Sống dưới xã hội có thể chế như vậy, tư tưởng tôn giáo lại rối ren như thế, con người không còn tin tưởng vào chính sự nỗ lực của bản thân mình và cũng không có đâu để làm chổ nương tựa. Trong một hoàn cảnh bế tắc như thế, đức Phật lại xuất hiện như một vầng trăng sáng giữa bầu trời không có vì sao, làm tan đi bóng đêm dày đặc từ bao đời che phủ. Ngài không những là vị cứu tinh cho xã hội Ấn Độ thời bấy giờ mà là người vạch ra hướng đi mới cho nhân loại. Trong kinh Tăng Chi I, có đề cập như sau: “Một người, này các Tỳ kheo khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc Alahán chánh đẳng giác”(1). Quả thật sự xuất hiện của Đức Thế Tôn là sự xuất hiện của từ bi và trí tuệ, từ khi Đức Thế Tôn xuất hiện đã có những thay đổi lớn về chủ trương sinh hoạt hay là sự phân chia giai cấp của dân chúng Ấn Độ thời bấy giờ, có thể nói Ngài như một nhà cách mạng vĩ đại để thay đổi một chế độ. Chính Ngài đã chống lại hệ thống giai cấp hủ lậu, dạy sự bình đẳng nhân loại, đem đến cơ hội đồng đều cho tất cả, để tự vươn lên trong mọi nẻo đường đời. Ngài không chấp nhận trên hình tướng, dung sắc hay là trên danh tự ngữ ngôn đã đặt định cho mỗi giai cấp ở trong xã hội của bao đời truyền lại, mà Ngài đánh giá trên hành vi, trí tuệ thực chất của người đó. Như trong kinh Sonadanda (Trường bộ Kinh) có vị Bà la môn Sonadanda đến yết kiến Đức Thế Tôn và sau khi yết kiến xong được Ngài hỏi lại: “ Này Bà la môn, những vị Bà la môn phải đầy đủ bao nhiêu đức tính mới được gọi là Bà la môn”.

Rồi Bà la môn sonadanda trả lời:

Có năm đức tánh, những vị Bà-la-môn phải đầy đủ mới được gọi là Bà-la-môn và để có thể khi nói: "Tôi là Bà-la-môn ", lời nói ấy chơn chánh, không phải là lời nói dối. Thế nào là năm? Ở đây, này Tôn giả, người Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về Thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân. Vị ấy đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người, với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Vị ấy có đức hạnh, đức độ cao dày, đầy đủ giới hạnh cao dày. Và vị ấy là người học rộng, sáng suốt, là người đệ nhất hay đệ nhị trong những người cầm muỗng (để đổ bơ làm lễ tế thần). Này Tôn giả Gotama, đó là năm đức tánh, những vị Bà-la-môn phải đầy đủ mới được gọi là Bà-la-môn”.

Rồi Đức Thế Tôn hỏi tiếp: Này Bà-la-môn, trong năm đức tánh này, có thể bỏ qua một đức tánh nào, chỉ có bốn đức tánh thôi, mà vẫn có thể gọi là Bà-la-môn.

Thưa tôn giả Gotama, trong năm đức tánh này, chúng tôi có thể bỏ dung sắc; rồi Ngài hỏi tiếp lần hai, thì bỏ luôn chú thuật, lần ba thì bỏ thọ sanh, chỉ còn lại hai đức tánh đó là: trí tuệ và giới hạnh. Đức Thế Tôn hỏi tiếp: Này Bà-la-môn trong hai đức tánh ấy, có thể bỏ qua một đức tánh, và những người Bà-la-môn đầy đủ một đức tánh nào, để có thể khi nói: "Tôi là Bà môn", lời nói ấy là lời nói chơn chánh, không phải là lời nói dối.

Tôn giả Gotama, không thể được. Tôn giả Gotama, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời. Tôn giả Gotama, cũng như lấy bàn tay rửa bàn tay, lấy bàn chân để rửa bàn chân.(2)

Và cuối cùng Đức Thế Tôn đã xác nhận sự chọn lọc của Bà la môn Sonadanda là đúng. Qua đoạn kinh trên chúng ta thấy rằng khả năng nhiếp phục cũng như sự khéo léo của Đức Thế Tôn để sửa đổi những tập tục cổ hủ đương thời, quả thật là một điều khó làm, mà Ngài lại làm được.

Với tâm nguyện xuất hiện trên cuộc đời này là vì hạnh phúc cho chúng sanh và nhân loại, nên chủ trương của Ngài hay nói khác hơn là đạo Phật không giống như các đạo giáo khác là chủ trương có một giáo chủ hay thượng đế đầy uy quyền thưởng phạt, mà giáo chủ của Phật giáo luôn đề cao tính bình đẳng và nhân bản, lấy sự tinh tấn nỗ lực của con người làm gốc. Bởi vì Ngài cũng là một con người, cũng có cuộc sống như bao nhiêu người khác, nhưng có một điều khác hơn là Ngài luôn suy tư và tự đặt câu hỏi cho chính mình, đồng thời cũng để tìm một câu trả lời thích đáng về cuộc sống này, như trong kinh Thánh Cầu đức Phật có kể lại cho chư đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu"... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại cái bị ô nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn”(3). Chính nhờ sự quán sát thấy rõ được nguồn gốc của sự tiếp diễn sanh tử nên Ngài đã nỗ lực đạt quả vị Phật, sau 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề. Sự kiện trên đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo. Trong thế giới quan, chúng sanh được chia làm 6 cõi: Trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trong 6 cõi này thì Người là hội đủ nhân duyên nhất trong sự tu tập và dể dàng để đạt đến quả vị, vì hoàn cảnh tiếp ứng với cuộc sống vui buồn lẫn lộn, dễ dàng nhận thức được sự vô thường khổ đau và có khả năng khơi sáng trí tuệ nơi tấm thân không đầy một sãi tay này.

Chính sự đề cao về khả năng con người, cho nên trong suốt 45 năm hoằng dương chánh pháp, đi khắp các nơi trong xứ Ấn Độ đâu đâu cũng có dấu chân của Ngài. Đối với việc hóa độ chúng sanh, tiếp nhận tăng ni đoàn không có ranh giới, không có phân biệt. Bất kể màu da, chủng tộc và giai cấp, Ngài thành lập một hội chúng gồm cả nam và nữ, sống độc thân và dân chủ. Ngài rải tình thương vô biên xuống tất cả muôn loài ai nấy cũng đều như nhau, từ hạng người cùng đinh như gã gánh phân, thợ cạo tóc cho đến những người giàu sang phú quý, từ người thấp hèn đê tiện như gái giang hồ cho đến các bậc vua chúa đầy uy quyền, Ngài điều tiếp nhận tất cả, bởi vì Phật đạo ví như biển cả, nước dù ở đâu, như ở sông ở rạch, hoặc ở không trung, chảy vào biển rồi đồng hóa một màu; trong giáo hội cũng thế, dầu sang hèn, trí ngu gì, vào giáo hội rồi cũng coi nhau đồng một hạng. Và đức Thế tôn cũng đã từng tuyên bố: “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”, nói chung là những ai có duyên thì Ngài đều khuyên dạy để họ nhận thức được chân giá trị của cuộc sống và tự thăng hoa tâm hồn để đạt đến an vui hạnh phúc.

Chính Ngài đã dạy rằng, con người có thể đạt đến giải thoát và thanh tịnh bằng tự nỗ lực của bản thân mà không cần lệ thuộc vào một đấng thượng đế ngoại tại hay một giáo sĩ trung gian nào. Chính Ngài đã dạy thế giới vị kỉ này lý tưởng phụng sự cao cả và vô tư. Ngài tuyên bố rằng các cánh cửa đưa đến thành công đã mở cho tất cả mọi người trong mọi điều kiện, hoàn cảnh sống cao hay thấp, thánh hiền hay tội phạm, những ai muốn lật một trang mới và ước mong được hoàn thiện.

Để thanh minh mối quan hệ của mình với đệ tử và nhấn mạnh điểm quan trọng phải trông cậy vào chính mình và nỗ lực của cá nhân, đức Thế Tôn đã dạy rõ: “Các con phải tự nỗ lực, các đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư”(4).

Đức Phật là người chỉ đường, còn bổn phận chúng ta là noi theo con đường ấy mà đi. Theo lời dạy của Ngài, thì bất cứ ai cũng có thể cầu mong đạt đến viên mãn. Đức Phật không kết án loài người đều là những kẻ hèn hạ, trái lại Ngài còn khích lệ họ, bảo là tâm hồn họ vốn xưa nay thanh khiết. Để khuyến khích đệ tử trông cậy vào chính mình, Ngài đã dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn: “Các con hãy lấy mình làm hòn đảo, hãy lấy mình làm chỗ nương tựa, chớ tìm chỗ nương tựa nơi người khác”(5). Còn một điều quan trọng và đặc biệt nhất mà không có một tôn giáo nào có đó là vị giáo chủ của Phật giáo không độc quyền quả vị giác ngộ, bởi vì Ngài cho rằng ai cũng có thể đạt được như Ngài nếu có sự nổ lực tu tập của tự thân.Theo quan niệm của Ngài thì thế giới loài người không ác, nhưng bị mê lầm bởi vô minh. Thay vì làm cho các đệ tử thất vọng và chỉ riêng trạng thái cao siêu cho mình, Ngài khuyến khích và dẫn dắt họ noi theo Ngài, vì Phật tính vốn tiềm tàng trong mỗi chúng sanh. Điều này có thể tóm ý trong một câu: “Ta là Phật đã thành còn chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đây là nền tảng để hình thành tính nhân bản và bình đẳng một cách triệt để trong đạo đức luân lý Phật giáo.

Với ý chí sắt đá, trí tuệ sâu xa, tình thương rộng lớn, lòng từ bi vô hạn, đức phụng sự vô tư, sự từ bỏ thế tục có tính cách lịch sử, tinh khiết hoàn toàn, với những phương pháp hóa độ hết sức khéo léo và cuối cùng là sự thành công của Ngài. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho không ít người trên toàn cầu mà không hoan nghênh Đức Thế Tôn là vị Đạo Sư tối thượng vậy.

 

Chú thích

(1) ĐTKVN, Tăng Chi I-Chương I- Phẩm Một Người, HT Minh Châu Dg., TCCPHVN cơ sở II ấn hành, 1996,

(2) ĐTKVN, Trường Bộ Kinh, Sonadanda Kinh, HT Minh Châu Dg., Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2002, tr 214

(3) ĐTKVN, Trung Bộ Kinh I, Kinh Thánh Cầu, HT Minh Châu Dg., nxb tôn giáo hà nội, 2003, tr 366

(4) Ibid., Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn 16.

(5) Ibid.

 

Tk. Minh Viên