HOẰNG PHÁP VỚI THANH THIẾU NIÊN

alt

Trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, con người càng trở nên bận rộn mệt mỏi và chịu nhiều áp lực khi phải đối diện với những thách thức trở ngại và những cạnh tranh tất yếu mà cuộc sống mang lại, nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống cho chính mình. Vấn đề tư tưởng và đạo đức càng xuống cấp trầm trọng trước những làn sóng của nền văn minh vật chất trách nhiệm lại càng đặt nặng lên đôi vai của Tăng đoàn. Nếu chúng ta nhuần nhuyễn hơn nữa trên tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian”, chắc chắn Phật giáo sẽ góp thêm cho đời biết bao hương sắc thăng hoa. Trên tinh thần đó, người hoằng pháp phải làm thế nào để chia sẻ và trợ giúp cho mọi người, có một đời sống tinh thần thật tốt đẹp theo phương châm “Xiển dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh”. Vậy nhiệm vụ thiêng liêng của người hoằng pháp là đem chánh pháp của Đức Phật đi vào cuộc đời. Hoằng pháp có thể áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định cho mọi lứa tuổi, giới tính hay chủng tộc.

Với lứa tuổi thanh thiếu niên, một bộ phận không nhỏ hiện có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động. Họ không lễ phép với người lớn, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thiếu tình với bạn bè, quyến thuộc.

Một thực tế khá bức xúc gần đây mà chúng ta thường nghe nói đến là bạo lực học đường. Vì điểm, sinh viên đã đánh thầy giáo. Vì mâu thuẫn hết sức vụn vặt mà nhiều nhóm học sinh đánh nhau gây thương tích. Đã có những học sinh nam vì mâu thuẫn với bạn, đi học nhưng đem theo dao trong cặp để giết bạn mình. Đến khi mọi chuyện xảy ra, cả nhà trường và gia đình đều ngỡ ngàng. Bức xúc trước tình trạng này chúng ta càng phải lên án lối sống vô cảm của những người chứng kiến. Có em học sinh dửng dưng quay cảnh đánh nhau để tung lên mạng! Điều này nói lên rằng, công tác giáo dục, hoằng pháp là rất quan trọng. Thiết nghĩ, nếu các em đó được hướng dẫn kỹ năng sống tốt, có người lắng nghe để các em thổ lộ tâm tư tình cảm thì mọi chuyện đã không xảy ra theo hướng quá tiêu cực như thế! Tệ hơn, một số khác thích sống hưởng thụ, đam mê nếp sống nhục dục, ăn chơi trác táng, không lễ phép, không giữ gìn nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, cha ông. Đại bộ phận thanh thiếu niên không có ý niệm về tội – phước, nhân - quả. Không ý thức được lẽ sống ở đời.

Với truyền thống “Hộ quốc an dân”, Phật giáo không hề đứng ngoài những vấn nạn xã hội. Thực tế trong nhiều năm qua, Phật giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực để góp phần vào việc chặn đứng sự suy đồi đạo đức trong thanh thiếu niên như: Phật giáo đã tổ chức Gia đình Phật tử tại các chùa, các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các câu lạc bộ cho thanh thiếu niên…

Bởi vậy mà đề tài hoằng pháp với thanh thiếu niên là một ưu tư sâu đậm cho những ai quan tâm đến lứa tuổi này. Để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp với thanh thiếu niên, chúng ta phải có những chương trình sinh hoạt cụ thể, có tính linh hoạt và bất biến. Linh hoạt là sự thay đổi cho phù hợp với môi trường. Con người còn bất biến là trong bất cứ sự thay đổi điều chỉnh nào cũng giữ được mục đích của Phật pháp. Nhất là chương trình dành cho thanh thiếu niên, đây là một thành phần mà ít đươc quan tâm. Hiện tại thành phần tham dự các khóa tu hay tụng niệm thường là các vị ở độ tuổi trung và cao niên. Bởi họ đã ít nhiều trải nghiệm những khổ đau của cuộc sống, và mong muốn tìm cầu sự an lạc tâm linh. Phần lớn thành phần thanh thiếu niên chưa được quan tâm nhiều đến giá trị đạo đức tâm linh.

Chính vì thế mà chúng ta cần có một mô hình và chương trình truyền bá chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử, cung cấp cho họ những kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người theo tinh  thần Phật giáo. Mô hình này, đã được Ban hoằng pháp TW, Ban Hoằng Pháp Thành hội Phật giáo TP.HCM và chùa Hoằng Pháp tại Hóc Môn, TP.HCM, trong nhiều năm liền đã tổ chức các khóa học cho các em thanh thiếu niên Phật tử, có nhiều kết quả rất tốt, tạo được những tín hiệu đáng mừng cho sinh hoạt Phật giáo và trong giới trẻ hiện nay. Mô hình này cũng đã được một số các chùa thực hiện trong vài năm gần đây. Như vậy, vấn đề đặt ra cho chúng ta là những người hoằng pháp trong thời đại ngày hôm nay, làm thế nào để phát triển mô hình này mạnh hơn nữa, để thu hút giới trẻ quan tâm đến nền đạo đức tâm linh của phật giáo.

1. Hướng niềm tin cho giới trẻ

Nên thiết lập một niềm tin vững chải cho thế hệ trẻ là một yếu tố thiết thực cần phải thực hiện cấp thời. Bởi lẽ có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả. Chúng ta thấy rằng, tuy Phật giáo xem trọng đức tin, nhưng đức tin chỉ là một trong những vô vàn cửa ngõ để vào đạo. Trong đạo Phật nếu có niềm tin thôi cũng chưa đủ, để làm cho con người giải thoát khỏi khổ đau mà việc thực hành giáo pháp đưa tới giác ngộ giải thoát mới là điều thiết yếu của người theo đạo Phật. Giáo pháp của Đức Phật khuyên chúng ta “Hãy đến để thấy”. Đức Phật khuyên chúng ta hãy thực hành giáo pháp của ngài để thực nghiệm trạng thái an lạc giải thoát, chứ không phải đứng nhìn giáo pháp từ xa vời với một niềm tin vô bổ.

Các nhà hoằng pháp bằng sự sáng tạo của mình mà vận dụng để thiết lập cho thế hệ trẻ có một niềm tin vững chắc về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Để đạt được mục đích này, không có cách nào hữu hiệu hơn là cần có sự phối hợp của gia đình với nhà chùa. Trước tiên là chúng ta hãy khuyến khích gia đình các Phật tử nên quan tâm đưa con em mình đến chùa thường xuyên để huân tập đức tin tâm linh ngay từ khi chúng còn nhỏ hơn là chờ đến khi chúng lớn. Đừng chờ cho con em mình đến tuổi trưởng thành mới cho tìm hiểu giáo lý.  Như thế chúng ta vô tình đánh mất cơ hội tiếp nhận đời sống tâm linh của chúng và vô tình tạo cho thế giới vật dục bên ngoài xâm nhập. Một khi giới trẻ đã có thói quen vọng ngoại rồi thì gia đình sẽ ít có cơ hội thành công trong việc hướng dẫn chúng tu tập đạo đức tâm linh.

Hơn nữa nhà chùa cũng là nơi tạo một môi trường tốt cho các em trẻ sinh hoạt, bằng những buổi sinh hoạt kể chuyện Phật pháp, những bài ca vui tươi, cách cư xử với nhau… Khi những ấn tượng tốt ban đầu đã gieo vào cuộc đời tuổi trẻ thì chúng sẽ nhớ mãi, sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Còn rất nhiều phương cách ứng dụng trong quá trình hoằng pháp mà một vị giảng sư có thể sáng tạo ra. Nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng niềm tin và lối sống vững chải cho các thế hệ tương lai. Giới trẻ là những con người đang ở tuổi sung mãn, luôn muốn chứng minh mình có đủ khả năng để nghiên cứu tìm tòi, có đủ khả năng để tạo dựng cuộc sống của bản thân trong tương lai. Tuổi trẻ không muốn đi theo lối mòn mà luôn muốn khám phá bản thân và thế giới, muốn kiến tạo một cuộc sống mới. Vì vậy giới trẻ chỉ tin vào những gì mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại, mà không tin vào những gì mơ hồ huyền ảo. Đây cũng là tính chất thiết thực của Phật giáo.

2. Rèn luyện đạo đức cho giới trẻ

Giới trẻ luôn mãi mê chạy theo cuộc sống mà quên đi yếu tố đạo đức tâm linh. Đạo đức là nền tảng để xây dựng một con người, một khi nền tảng bị lung lay thì làm sao có thể kiến tạo được một con người rường cột cho xã hội? Một khi bị khủng hoảng, giới trẻ sẽ không còn nơi nương dựa vững chắc, đó chính là lý do hình thành những tệ nạn trong xã hội, tiêu cực trong cuộc sống. Do vậy, yêu cầu của Phật giáo là cần phải giáo dục cho giới trẻ có một trình độ hiểu biết tư duy phân biệt rõ, tốt xấu hư thực và có khả năng kiểm soát các hành vi của chính mình bằng những bài pháp sinh động, cụ thể và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Hiện nay, chúng ta thấy một số tuổi trẻ được lớn lên tại các đô thị phồn vinh, rồi bước vào xã hội với những học vị cao, có mức sống ổn định. Bên cạnh đó có một bộ phận tuổi trẻ ít khi trực tiếp sống với cuộc sống thiếu thốn cực khổ của các bạn khác ở những vùng quê xa xôi, thiếu đồng cảm về những khổ đau, thiếu luôn cả nhận thức về thực chất của sự sống. Cho nên đưa đạo Phật đến với tuổi trẻ, giúp cho các em tự tìm đường đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình. Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui khi theo đạo Phật, ứng dụng lời Phật dạy, luôn điều chỉnh hành vi và thái độ tiêu cực, để cho con người sống lạc quan và thấy rõ bản chất có ý nghĩa của cuộc đời, phải dũng mãnh không bi quan, không bao giờ có tư tưởng đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào trí tuệ và phương pháp rèn luyện của người hoằng pháp.

Ở đây không có vấn đề nhồi nhét những tín điều đức lý. Nghĩa là chúng ta không nói với tuổi trẻ không làm điều này không làm điều kia, tuổi trẻ có thể làm bất cứ điều gì mà họ tự thấy thích ứng với thời đại nhưng không cho tuổi trẻ bị lôi cuốn bởi những yếu tố độc hại của thời đại, không bị lệch hướng nhận thức bởi các phong trào thời thượng. Do đó, cần thiết lập một không gian an toàn và linh động. Đất nước cần tuổi trẻ để xây dựng, đạo pháp cũng cần tuổi trẻ để thể hiện bản hoài tiếp nối lợi sanh của mình. Giáo dục của đạo Phật không chỉ có mục đích chiêu dụ họ vào bốn bức tường nhà chùa để cách ly những phòng trà, hộp đêm, những môi trường cám dỗ sa đọa. Tuy nhiên cơ bản của Đạo Phật là phải rèn luyện đạo đức và trình độ nhận thức tâm linh.

3. Phương pháp giáo dục cho giới trẻ

Khi giới trẻ tìm đến Phật giáo, người hoằng pháp chúng ta có một vai trò thiết yếu không thể thiếu trong đời sống giới trẻ. Muốn vậy, chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ đó là hiểu rõ tâm tư tình cảm và nhu cầu của giới trẻ tùy từng độ tuổi và tuỳ theo căn cơ của các em. Như vậy, chúng ta cần phải thông thạo về tâm lý học và xã hội học. Vì sao? Vì tâm lý học sẽ giúp cho chúng ta  hiểu rỏ về những đặc tính tư tưởng của con người và bản chất cũng như cư xử tâm lý của mỗi cá nhân trong xã hội, hầu ứng dụng giáo lý thích hợp vào căn cơ trình độ của giới trẻ. Về mặt xã hội học sẽ giúp cho chúng ta hiểu được mối quan hệ của con người sống trong trần thế, đặc biệt là trong xã hội công nghiệp. Từ đó, chúng ta  có thể ứng xử đúng mức đối với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hôi. Một khi đã nắm rõ nhu cầu của giới trẻ rồi, bước tiếp theo chúng ta cần đưa ra nhiều loại hình sinh hoạt Phật giáo phong phú và đa dạng, cần dạy cho chúng các giáo lý căn bản của Phật giáo như: Luật nhân quả, luật luân hồi, nghiệp báo… Bên cạnh đó, thanh thiếu niên là lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa của hôn nhân, nên chúng ta cần tổ chức những buổi hội thảo về hạnh phúc gia đình cho các em tham dự, để cho các em nhận thức được gia đình chính là nền tảng xã hội.

Nhu cầu chung của thanh thiếu niên là học nhưng phải được chơi, do đó để giới trẻ đến chùa “Tu mà vẫn được chơi, chơi mà vẫn có tu”. Nên tổ chức những buổi tu học dã ngoại và cắm trại kết hợp với thi kiến thức Phật pháp… Trong Gia đình Phật tử, bộ môn Phật pháp là chính, nhưng luôn luôn được hỗ trợ bởi các môn học về hoạt động thanh niên, gồm có nhiều bộ môn như truyền tin, hội trại... là những bộ môn mà các em rất thích. Mô hình này nên mở rộng để thu hút giới trẻ. Một khi giới trẻ có ý niệm hướng về Phật pháp rồi, muốn tham gia các hoạt động của Phật giáo và muốn sống trong môi trường Phật giáo thì Tăng Ni chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn giới trẻ tu học. Điều này đòi hỏi chúng ta là những người có tâm huyết, phải trang bị đầy đủ những kiến thức Phật học lẫn thế học nhất là kiến thức về tâm lý của thanh thiếu niên, đồng thời biết sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông hiện đại như: vi tính, internet… Chúng sẽ bị dễ dàng cuốn hút từ những vị thầy năng động và chia sẻ những điều mà giới trẻ không thể thổ lộ cùng người thân trong gia đình. Hình ảnh cao đẹp này sẽ hướng các em đến chùa và sẽ là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy cho các em.

Một điều đặc biệt nữa là giáo dục cho những trẻ lang thang cơ nhỡ, hay những trẻ thuộc thành phần tệ nạn xã hội, nghiện ngập, buông thả… thì Tăng Ni chúng ta là những người có tấm lòng vị tha rộng mở, phải biết thấu hiểu lắng nghe và tha thứ cho những sai lầm của trẻ. Khi trẻ nhận được tình yêu thương không phân biệt và bắt đầu có niềm tin, thì dạy cho chúng có khả năng nhận thức, phân biệt rõ phải trái, thiện ác, tốt xấu… Sau khi trẻ đã có được nhận thức rồi điều quan trọng là chúng ta dạy cho chúng biết hướng thiện, sống đạo đức.

Hy vọng nghành Hoằng pháp sẽ đúc kết nhiều ý tưởng hay để ngày càng có nhiều thanh thiếu niên tìm về với Phật giáo, nhằm mục đích giúp những bạn trẻ thanh thiếu niên có hướng đi đúng cho bản thân và góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh./.

 

Sư cô Thích nữ Từ Thảo

Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Dương

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)