TUYÊN NGÔN PHẬT ĐẢN SANH


alt

Cách đây 2633 năm, vào ngày trăng tròn tháng tư, tại vườn ngự uyển Lâm-tỳ-ni (Lumbini), thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), "một Chúng Sanh duy nhất, một Con Người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại" (kinh Tăng nhất A-hàm).

Chúng Sanh duy nhất đó, Con Người phi thường đó chính là Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhārtha), con vua Tịnh Phạn (Śuddhodana) và hoàng hậu Ma-da (Mahā-māyā), Người sau này đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để xuất gia và trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh, Ngài là Phật, là Thế Tôn.

Lịch sử ghi nhận rằng, khi vừa Đản sanh, Đức Phật ngoan đồng đã đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen đở chân, đến bước thứ bảy thì dừng lại và tuyên ngôn rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” (Kinh Trường A-hàm).

Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553, chúng con thành kính khể thủ đấng Đại Từ Phụ, xin Ngài soi sáng cho chúng con được thâm nhập kinh tạng, để chúng con thấu hiểu được lời Ngài, để những điều chúng con sắp trình bày không làm “oan cho ba đời chư Phật” và cũng không “đồng với ma thuyết”!

1. Ý nghĩa xã hội

Xã hội Ấn Độ bấy giờ phân định thành bốn giai cấp: Bà-la-môn, Sát-lị, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Giai cấp dưới có bổn phận phục vụ giai cấp trên. Giai cấp Bà-la-môn còn chủ trương vật tư hữu của bốn giai cấp, mà theo đó, vật tư hữu của Bà-la-môn là sự khất thực, của Sát-lị là cung tên, của Phệ-xá là nông nghiệp, của Thủ-đà-la là lưỡi liềm và đòn gánh. Với sự phân định như vậy, quyền con người hoàn toàn bị tước đoạt, và giá trị con người không thể vượt qua giai cấp, dù cho họ có cố gắng đến đâu.

Đức Phật đản sanh, sau khi trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập, đã chứng nghiệm rằng không hề có cái phân định giai cấp phi lý đó, bởi “Ta (ngã) là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Phàm nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” (Tăng chi bộ kinh). Rõ ràng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng đã tạo. Cho nên, không ai cho mình hạnh phúc, cũng chẳng ai bắt mình khổ đau; hay nói cách khác, con người tự làm cho mình trở nên đáng được tôn quý, và cũng tự làm cho mình trở nên hạ tiện, mà không hề bị một ai có quyền năng ban phước hay giáng họa.

Từ đó chúng con hiểu tuyên ngôn của Ngài: Dù chúng sanh ở trên trời, hay chúng sanh ở dưới trời, chỉ có tự mình (duy ngã) làm cho mình trở nên tôn quý, chỉ có mình mới giúp mình thoát khỏi khổ đau sanh, già, bệnh, chết.

Đây là bản tuyên nhân quyền đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, đề cao vai trò cá nhân, khẳng định con người hoàn tự chủ, tự quyết giá trị đạo đức của chính mình thông qua hạnh nghiệp do mình gây tạo. Bằng tuyên ngôn này, Đức Phật đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh, đánh động những cái “TA” đang còn ngủ quên hay bị vấp vùi, bị an bài trong những giáo điều phi lý, những quy định bất công của xã hội, hãy nhìn lại giá trị đáng tôn, đáng kính của chính mình. Thật nhân bản thay!

2. Ý nghĩa tôn giáo

Trong kinh Đại Bát-niết-bàn, phẩm Như Lai Tánh, Đức Phật dạy: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được”.

Từ ý nghĩa của phẩm kinh này, chúng con hiểu tuyên ngôn của Ngài: “Trên trời hay dưới trời, chỉ có Phật tánh là tôn quý, (Phật tánh này) sẽ cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau sanh, già, bệnh, chết”.

Đức Phật từng khẳng định tất cả chúng sanh đều có đầy đủ phước đức và trí tuệ của Như Lai, tức đều có khả tính thành Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Cho dù chúng sanh bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, có khi sanh lên trời, có khi rơi xuống địa ngục, thì Phật tánh của chúng sanh vẫn còn nguyên vẹn, không tăng không giảm, không sanh không diệt. Vì vậy mà tất cả chúng sanh đều đáng được tôn kính bình đẳng như nhau.

Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, như viên minh châu nằm trong chéo áo, vậy mà chẳng nhận ra, đến nỗi vì miếng cơm manh áo phải tha hương cầu thực, lênh đênh theo dòng đời, trải qua đêm dài sanh tử, chịu vô lượng khổ đau. Thật đáng thương thay!

Thích Nguyên Hùng