Lần đầu ra mắt báu vật phương Đông

Phương Đông huyền bí hiện lên qua cuộc trưng bày Báu vật phương Đông tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với những cổ vật châu Á lưu giữ tại bảo tàng này nhưng chưa một lần ra mắt công chúng.

 

Phương Đông huyền bí hiện lên qua cuộc trưng bày Báu vật phương Đông tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với những cổ vật châu Á lưu giữ tại bảo tàng này nhưng chưa một lần ra mắt công chúng.

 

Những pho tượng Phật dát vàng của Thái Lan. Ảnh: Trần Thanh
Những pho tượng Phật dát vàng của Thái Lan. Ảnh: Trần Thanh.

Theo Bảo tàng Lịch sử VN, phương Đông nơi hiện hữu ba trong số bốn nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại (Lưỡng Hà, Trung Hoa và thung lũng sông Ấn) vẫn huyền bí đến tận ngày nay. Dù ngày càng nhiều cuộc hành trình về phương Đông nhằm khám phá nghiên cứu nhưng chưa thể giải mã hết những huyền bí về văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng ở châu Á.

Bảo tàng Lịch sử VN thừa hưởng những sưu tập cổ vật phương Đông từ bảo tàng Louis Finot trước đây, được bổ sung nhiều hiện vật quý hiếm. Tuy nhiên, chỉ 50 hiện vật của 9 quốc gia được chọn để trưng bày.

Với Việt nam, đó là chiếc trống đồng Sao Vàng cao 86cm, đường kính mặt 116cm, niên đại 2.000-2.500 năm. Mặt trống có 12 tia, 11 vành hoa văn gồm vạch thẳng song song, vòng tròn tiếp tuyến, người hóa trang lông chim, nhà sàn mái cong, ô trám lồng, hồi văn chữ S gấp khúc… Diềm ngoài đính 4 tượng cóc nổi ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống đúc nổi 6 hình thuyền, người hóa trang lông chim, chim chân cao mỏ dài và cá.

Trống có hai đôi quai kép trang trí nổi hoa văn hình bông lúa. Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn thuộc loại Heger I có kích thước lớn nhất trong bộ sưu tập trống Đông Sơn hiện biết ở VN. Các nhà khoa học VN khẳng định trống đồng là pho sử bằng hình tượng sống động, nhưng những ký hiệu, hình tượng của trống và cách thức sử dụng trống đến nay vẫn là bí ẩn dù giới nghiên cứu làm việc không ngừng nghỉ.

Ấn Độ - cái nôi của nền văn minh Ấn Hằng hiện lên qua tượng thần Shiva (thần Hủy diệt) thế kỷ 17, phù điêu Quan Âm bằng đá sa thạch và phù điêu đá chạm hình nữ thần sông Hằng thế kỷ 12 gần gũi với hệ phù điêu của vưn hóa Tây Tạng, Thái Lan, Campuchia, Champa… Giới khoa học cho rằng, chỉ qua ba hiện vật trên cũng có thể thấy sự dung hợp giữa các tôn giáo và tín ngưỡng ở Ấn Độ trong lịch sử.

Tất cả 9 quốc gia Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam đều tồn tại nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. Nhưng Phật giáo vẫn là dòng chảy dai dẳng và xuyên suốt ở phương Đông. Quốc gia nào cũng sở hữu những tượng Phật đẹp. Campuchia khoe tượng Phật đứng bằng gỗ chạm thế kỷ 19, Lào là nhóm tượng bằng đồng với tư thế Phật trỏ đất chứng minh.

Myanmar có tượng Phật ở ba tư thế ngồi, nằm và đứng đều bằng đồng. Đất nước chùa Vàng coi đạo Phật là quốc giáo không gây ngạc nhiên khi nhóm tượng của họ đều được mạ vàng, và tỏ ra công phu chi tiết: đầu tượng có mũ nhiều tầng, nhiều trang sức quấn quanh cổ, ngực và tà áo. Xen kẽ các băng trang trí nổi cánh sen, lá đề, chấm dải, cẩn đá quý màu đỏ và xanh.

Nhật Bản lại có tượng Phật 18 tay, đầu đội mũ ni trang trí nổi hình hồ lô đựng nước Cam lộ. Tượng và đế (tòa sen) rời nhau.

Không chỉ là những cổ vật tôn giáo tín ngưỡng, cuộc trưng bày còn làm rõ kỹ năng và trình độ văn minh của những chủ nhân phương Đông qua cách thức làm gốm, tạc đá, đúc đồng. Trung Quốc mạnh hơn cả, với bình gốm tô nhiều màu niên đại 5.000 năm, tượng lạc đà thời Đường, gối men xanh và trắng rạn tạo hình chú bé quỳ thời Tống, đỉnh đồng pháp lam thế kỷ 17 - 18, cùng nhóm cổ vật bằng đá ngọc gồm bát, ang, chén ngọc - những sản phẩm đá chạm tinh xảo và giá trị của đời Càn Long nhà Thanh.

TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN cho rằng, đây chỉ là bước đầu khai mở kho báu của phương Đông cổ đại. “Mỗi ngày, mở đầu của buổi bình minh, chúng ta đều nhận được ánh sáng huyền diệu của mặt trời mọc, đó là phương Đông. Còn rất nhiều bí ẩn từ quá khứ của phương Đông đang chờ gợi mở và giới thiệu trong những cuộc trưng bày tiếp theo”.

Trần Thanh (Tiền Phong)