Chỉ là một giấc mơ hoa

http://www2.vietbao.vn/images/vn75/tong-hop/75154645-31146_dep.jpg

“A, sắp đến giao thừa rồi! Nội, Nội, Nội cho con đốt pháo đón giao thừa năm nay nghen Nội!”

Luân, cậu em trai 11 tuổi của tôi, đang giật giật cánh tay ông nội và phụng phịu vòi vĩnh: “Mấy đứa bạn của con, đứa nào cũng được đốt pháo từ lâu rồi, chỉ có con là bị cấm thôi! Nội cho con năm nay nhen, nhen!!”
Ông nội tôi cười hiền hòa gật đầu nhưng lại đưa tay chỉ về phía mẹ tôi, vừa lúc đó mẹ tôi nghiêm sắc mặt:

- “Không được. Con còn nhỏ lắm, đốt pháo rất nguy hiểm. Để đó cho cậu con! (tức là cha tôi)”

Luân giậm chân bành bạch: “Con đốt được, con đốt được…”

Ông nội và cha tôi cười xòa hể hả:

-“Ừ thôi, năm nay cho cu cậu đốt đấy. Lớn tồng ngồng rồi mà còn mếu máo cái gì nữa! Chà, nhìn mấy đứa nhỏ mà thấy mình già hẳn đi rồi! Này cô con gái nhớn của tôi, sắp đến tuổi cập kê rồi đấy nhỉ?”

Chị tôi, đang ngồi chải tóc sau rèm, đỏ mặt quay lại nhìn cha mẹ tôi cười ý nhị. Chị tôi, năm nay tròn 16 tuổi, trông rất duyên dáng xinh tươi trong bộ quần áo lụa màu xanh ngọc điểm nhẹ mấy cánh hoa hồng nhỏ màu vàng nhạt. Chị có đôi mắt nhỏ thuôn dài, hai hàm răng trắng đều đặn với chiếc miệng nhỏ xinh xắn, hàng lông mày đậm nét như tô điểm thêm cho đôi mắt vẻ diễm ảo và cánh mũi thon thon. Nhìn từng góc cạnh thì chị tôi không phải là một thiên kiều bá mị nhưng tạo hóa khéo tạc nên những đường nét thanh tú trên con người chị tôi hài hòa với nhau thành một nét đẹp đặc thù của người con gái Việt Nam.

Còn tôi? Là một kiểu mẫu trái nghịch hẳn với người chị. Vốn là một con bé mập tròn từ thuở lọt lòng, tôi tròn trĩnh và nhìn thì cũng vui mắt như một trái trứng ngỗng biết di động. Chị tôi nhẹ nhàng, kín đáo, ý nhị bao nhiêu thì tôi như một cơn bão lửa sầm sập kéo tới bấy nhiêu. Tuy nhiên, đi đến đâu tôi cũng được mọi người hoan hỷ đón nhận vì tôi giúp họ có được những tràng cười thoải mái nhờ vào trái trứng ngỗng ngộ nghĩnh và nụ cười ruồi vô tội vạ của tôi.

Đoành đoành, tạch tạch, đì đùng... Tiếng pháo đêm giao thừa nổ giòn tan cộng với tiếng cười, tiếng vỗ tay của gia đình khiến hồn tôi lâng lâng khoan khoái như bay bổng vào…

Cộc cộc cộc…

Tiếng gõ cửa quá mạnh của bà chủ nhà làm tôi giật nẩy mình choàng tỉnh.

Ồ, hóa ra chỉ là một giấc mơ! Tôi vẫn còn ở Paris.

Vừa lúc lắc đầu cho tỉnh ngủ hẳn, tôi vừa lên tiếng cho bà ấy đỡ bận tâm vì ít khi nào tôi thiếp ngủ vào buổi chiều. Thiệt bực mình vì bà ta đã làm hỏng mất giấc mơ hoa của tôi.

Thừ người một lát như cố tìm lại dư ảnh trong ảo mộng tình thương gia đình, tôi cảm thấy nghèn nghẹn nơi buồng tim và hồn nhưng nhức nhói đau, chợt muốn khóc.

Đã mười năm xa quê hương, đã mười năm tôi không hưởng một cái Tết nào đúng nghĩa – nhưng thực ra thì có cái Tết tha hương nào đúng nghĩa đâu?

Đã bao năm lìa xa vùng cố quận
Vỗ cánh chim bay lạc hướng tâm linh
Ngoái nhìn lại quê hương chừ xa lạ
Dõi mắt trông một ảo ảnh thiên đường...

Cánh hạc thời gian vút qua nhanh quá! Mới đó mà thoắt đã mười năm. Tôi cũng không ngờ tôi đã rời xa Việt Nam và vẫn đang phiêu lưu những bước chân vô định cuối đời... Trung Đông, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và bây giờ là Pháp quốc.

Vùng đứng lên, khoác hờ chiếc áo lạnh, tôi lao nhanh ra cửa vừa nói vói lại với bà chủ nhà: ‘Je vais me promener un tour. Ne m’attendez pas!’ (Tôi đi dạo một vòng đây, đừng chờ tôi!)

Có lẽ bắt đầu quen với tánh khí thất thường của tôi, bà ấy chỉ gật đầu đáp nhẹ: ‘Ok, pas problème!’

Trời cuối Đông ở Paris thật buồn, buồn lắm. Tôi nghĩ có lẽ Đà Lạt cũng không buồn đến thế. Màu trời ảm đạm, xám xịt và làn sương mù giăng tỏa trên không trung, trên các tòa cao ốc như vây hãm dòng sống con người khiến mất dần sinh khí.

Bước ra khỏi toa xe điện ngầm (métro), tôi hướng chân về phía cây Cầu Mới trên dòng sông Seine. Gọi là Cầu Mới (Pont Neuf) nhưng thực ra nó đã cũ rồi, hơn 400 năm lịch sử, tuy nhiên đó là cây cầu xây bằng đá đầu tiên ở Paris nên ngày xưa người ta đặt tên nó là Cầu Mới. Cây Cầu Mới này chỉ có 7 nhịp, không dài như cầu Tràng Tiền trên dòng sông Hương – và sông Seine cũng không thơm tình quê như sông Hương núi Ngự.

Chiều nay, nước sông Seine chảy lặng lờ, không xiết mạnh như những ngày qua, nước sông đục không trong và mặt sông hình như có làn khói sóng ‘Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai...’

Vào mùa Đông, ít người qua lại trên cầu vì gió sông rít mạnh hơn ở dưới phố. Tôi bỗng chợt thèm một hơi thuốc cay cay đầu mũi, ngọt đắng đầu môi. Hai bên cầu, thành phố đã bắt đầu lên đèn. Những bóng đèn đường vàng ám như chìm trong ánh sáng muôn màu của các nhà hàng, quán cà phê, cửa tiệm... Đời sống cư dân ở Paris buổi tối bắt đầu nhộn nhịp hai bên bờ sông Seine.

Gió thổi mạnh. Rét. Lạnh của vũ trụ. Lạnh của tâm hồn.

Màn đêm đã choàng ôm lên vạn vật. Những chiếc tàu chở khách du ngoạn trên sông đã cập bến ngủ yên. Cách đây chỉ hơn một thế kỷ thôi, những con tàu trên sông Seine đều chạy bằng hơi nước. Người Pháp gọi chúng là ‘les bateaux-mouches.’ Trên bức tranh ‘Pont Neuf – Paris 1872’ của Monet (một họa sĩ nổi danh trường phái Ấn Tượng thế kỷ 19 của Pháp) có vẽ hình ảnh con tàu đang phì phò phun khói trắng cả một dòng sông. Ngày nay với những phát minh kỹ thuật tiên tiến, người ta đã thay thế bằng máy xăng dầu. Và Paris, qua những biến cố thăng trầm lịch sử, cũng đã mất đi phần nào những nét đẹp ngày xưa của một kinh thành ánh sáng.

Sông. Trong tôi tuôn chảy những dòng sông.

Không biết dòng sông Hàn Đà Nẵng giờ có thay đổi gì nhiều không nhỉ? Đã gần 38 năm rồi tôi xa Đà Nẵng, một tỉnh lỵ nhỏ miền Trung nhưng quan trọng với bến cảng trù phú nhất nhì miền Nam Việt Nam ngày xưa.

Dù tuổi thơ của tôi pha lẫn nhiều nước mắt tủi buồn của Mẹ, trong tôi vẫn đong đầy kỷ niệm nho nhỏ thân thương với tỉnh lỵ nhỏ này. Gia đình mẹ con tôi cư ngụ đường Yên Bái, đối diện trường Nữ Tiểu Học Đà Nẵng nhưng tôi lại đi học trường Tây – Lycée Blaise Pascal, một trường Pháp duy nhất tại Đà Nẵng.

Mỗi buổi sáng sớm, Mẹ và chị tôi luôn dẫn tôi đến trường học cách nhà hơn nửa giờ đi bộ. Ba mẹ con tôi hay đi dọc theo bờ sông Hàn và vui mắt ngắm nhìn những chiếc thuyền con chở cá hay những chiếc thuyền thúng tròn (loại thuyền đặc biệt miền Trung) ngược xuôi buôn bán trên sông. Bến sông Hàn ngày đó vui nhộn đông đúc lắm với các bạn hàng, con buôn tấp nập ồn ào cả một góc phố.

Đà Nẵng nổi tiếng với các loại cá tươi ngon vùng sông hay biển mặn nên hải sản là món ăn chính của cư dân Đà Nẵng. Cái gì cũng ăn với cá: xôi, cháo, cơm... cá nục, cá bống, cá cơm, cá thu, v.v... Tôi vẫn nhớ mãi món xôi đậu xanh với cá nục kho mặn của bà cụ bán xôi chợ Hàn. Thật tuyệt vời dù đó chỉ là món ăn của người nghèo bình dân. Mỗi buổi sáng sớm, hàng xôi của bà cụ ấy đông nghẹt với đủ thành phần: học sinh, công nhân, phu xe, ông thư ký hay bà nội trợ v.v... Tôi cũng góp mặt với họ trên từng cây số. Thật vui và ngon lắm khi ăn miếng xôi nếp mềm dẻo thơm mùi lúa chín quê hương và vị ngọt đậm đà béo ngậy của miếng cá tươi. Nhất là vào mùa Đông ở miền Trung, ngoài trời rét buốt căm căm hay mưa dầm cả hai, ba ngày liền thì không có gì thú vị hơn là ngồi chụm đầu lại với nhau bên bếp lửa hồng húp từng muỗng cháo cá nóng hổi hay xì xụp tô bún bò Huế đầy ớt đỏ cay xé...

Cái lạnh rét mướt miền Trung khác cái lạnh miền Bắc, và miền Nam thì hầu như không có mùa Đông. Có lẽ vì giá rét quá nên người dân miền Trung ăn ớt và hút thuốc (Cẩm Lệ) nhiều quá chăng?

Miên man theo dòng suy tưởng, tôi lạc bước thế nào từ sông Seine cho đến tận những đại lộ ở Paris (les grands boulevards à Paris). Gọi là đại lộ cho có vẻ vĩ đại oai phong vậy thôi chứ những con phố này chỉ như Sài Gòn là cùng, e rằng có vài đại lộ khác còn nhỏ bé chật hẹp hơn đường Trần Hưng Đạo quận I, Sài Gòn.

Có lẽ sau khi Hausmann, quận trưởng hạt Paris, cánh tay mặt đắc lực nhất của Napoléon I, và cũng là người dám cách tân Paris vào những năm giữa thế kỷ 19, đã giật sập hết những khu phố cũ kỹ nghèo nàn thì những con đường chính được phóng lớn ra. Đối với phố cũ Paris, những con đường này đều được gọi là ‘đại lộ’ cả – tuy nhiên so với đường phố ở Hoa Kỳ thì chúng chẳng thấm tháp vào đâu.

Sài Gòn, có lẽ đối với rất nhiều người, hai tiếng Sài Gòn đó chuyên chở bao hoài niệm mất mát vui buồn, nhưng thực sự trong hồn tôi cho đến giờ vẫn không có chỗ trống nào dành cho Sài Gòn dù tôi sanh ra và trưởng thành ở ngay tại Sài Gòn. Nếu không có chùa của Sư bà tôi ở Sài Gòn, 90 phần trăm tôi sẽ không ghé về thăm Sài Gòn nữa.

Tôi không thích Sài Gòn. Tôi không thích bộ mặt nham nhở của thành phố Sài Gòn ngày nay với những căn nhà đủ kiểu, không đồng đều, cái cao quá, cái thấp, cái lớn quá, cái nhỏ, cái nhô ra, cái thụt vào, và nhất là bụi bặm khói xe, tiếng động huyên náo ồn ào sáng đêm và những cảnh tượng chen lấn giành đường hay buôn bán xô bồ của Sài Gòn.

Đối với cá nhân tôi, Sài Gòn như là những cơn sốt cao độ hổn hển co giật liên hồi khiến người ta mất dần đi sức sống. Đi đến đâu, tôi cũng bắt gặp những đôi mắt láo liên nghi ngại dò xét, những bước chân vội vã xiêu vẹo, những khuôn mặt mệt mỏi thất thần và những hơi thở nặng mùi kim ngân tiền bạc... Ngay cả những chùa chiền, đền thờ, thánh đường bây giờ cũng xây dựng lên theo kiểu hiện đại khiến hồn tôi trĩu nặng quặn thắt.

Có lẽ Sài Gòn muốn biến thành một con rồng nằm thảm hại như con rồng Thái Lan chăng?

Theo tôi, dù đã cách tân lại rất nhiều cho kịp với đà tiến của thế giới văn minh, Paris vẫn còn giữ lại được nét đẹp riêng của nó, không bị biến chất như Sài Gòn. Có lẽ vì thế, Paris vẫn là ‘thành phố thu hút khách du lịch nhiều nhất thế giới.’ Ở Paris, người ta có thể hưởng thụ những tiện nghi xã hội đồng thời vẫn tìm về được cội nguồn lịch sử. Nếu ai muốn tìm hiểu nhiều về Paris thì nên tìm đọc ‘Paris, Capital of Modernity’ của David Harvey và ‘Seven Ages of Paris’ của Alistair Horne. Hai tác phẩm này trình bày rất rõ ràng cụ thể về căn nguyên lịch sử và kiến trúc xây dựng.

Khi đến Paris học và sau vài buổi tham quan thành phố này, tôi nhận thấy Hà Nội và Paris có nét giống nhau về kiến trúc xây dựng thế kỷ 19, nhất là khu phố cổ Hà Nội với 36 phố phường một thời nức tiếng. Những cửa tiệm nhỏ, những quầy hàng hoa trái, những căn nhà be bé chật hẹp, nhất là những mặt đường lát đá đen bóng không trải nhựa thoai thoải lấp loáng màu nước. Tôi đã ra thăm gia đình thân nhân của tôi ở Hà Nội, khu phố Mã Mây-Đào Duy Từ và khu phố Hàng Đường nên nhớ Hà Nội thật nhiều khi qua Paris.

Ở các khu phố cổ Hà Nội vẫn còn thấy những con hẻm nhỏ tối tăm, những mặt đường ướt át vì ngày xưa chưa có hầm cống tiện nghi nên người ta lát đá tảng và thoai thoải dốc để thoát nước thải. Nếu đã nói đến nước thải thì phải dám nhắc luôn đến hệ thống vệ sinh ở Hà Nội và Paris trước thế kỷ 20. Ai đã ra tham quan Hà Nội, sau năm 1975, chắc chắn đã ‘hưởng được cảm giác kinh khủng của cầu thùng’ miền Bắc. Dù tôi đã từng ‘anh hùng múc cống’ ở chùa Sư bà tôi nhưng thực sự ‘quán bất tịnh không nổi’ khi giáp mặt với cầu thùng ở chùa Vũ Thạch, Hà Nội. Vì thế khi tham quan cung điện lộng lẫy huy hoàng Versailles của vua Louis XIV ở Paris hay các cung điện Chambord, Chenonceaux, v.v... ở Vallée de Loire, tôi đã bật cười khi được biết ‘ngày xưa, trong tất cả cung điện hoàng gia Pháp, không hề có nhà vệ sinh, ngay cả ông hoàng bà chúa cũng vệ sinh ngoài đất như anh nông dân nòi mà thôi...’

Tuy thế, đó chỉ là một mặt yếu về tiện nghi văn minh mà thôi, tôi vẫn mong rằng Hà Nội sẽ còn giữ lại được cho riêng mình một chút hình bóng của 4000 năm văn hiến. Văn hóa, lịch sử Việt Nam với hồ Hoàn Kiếm, khu Văn Miếu, những ngôi chùa cổ kính như chùa Quảng Bá, chùa Hòe Nhai, v.v…
Ôi Việt Nam, đất nước tôi nghìn năm kiêu hùng lịch sử!

Mãi miên man suy nghĩ, tôi va phải vào một người đang hấp tấp bước vội ngang đường và tôi chợt đứng khựng lại trước một con hẻm nhỏ mang tên độc đáo ‘Le Moine (Tu sĩ)’ trên đường Saint-Denis (Thánh Denis).

Cái danh từ ‘Tu sĩ’ đó chợt vang lên trong tiềm thức tôi như một tiếng chuông thức tỉnh. Tôi nhớ đến câu kinh Bát Nhã ‘... Chư Phật viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn...’ mà Hòa thượng Từ Thông có giải thích rõ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm:

‘Chư Phật chứng đắc quả vị tối thượng Niết-bàn vì các Ngài đã dứt sạch, rũ bỏ được hoàn toàn những đảo điên trong mộng, và ngay cả những đảo điên khi thức. Còn chúng ta khi ngủ thì nằm mơ thấy vui thấy buồn, thấy đủ cảnh tượng năm này năm kia rồi khóc cười theo mộng – đó là những đảo điên trong lúc ngủ.

Khi thức giấc thì chúng ta cũng lăng xăng chạy theo những huyễn cảnh lục trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, thân xúc chạm, ý sanh khởi, v.v... và chúng ta đam mê thả mồi bắt bóng, xô xát tranh giành nhau vì những ảo vọng danh lợi thế gian – đó là chúng ta đảo điên trong lúc thức.

Vì thế chúng sanh cứ hụp lặn trôi nổi luân hồi mãi theo nghiệp lực chi phối.’

Ồ, đó là tôi đấy! Tôi đang đảo điên nhớ về quá khứ khi nằm mơ và ngay cả khi thức giấc, tôi cũng đảo điên thả hồn bay về ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam và còn bay tận qua phía chân trời Âu Mỹ.

Phì cười hể hả vì sự trực nghiệm câu kinh qua chính bản thân mình, tôi ‘bước thăng bằng quay về lại’ và gật gù chiêm nghiệm thêm: ‘Ừ, có mê thì mới có tỉnh, có tối thì mới có sáng, có sanh tử thì mới có giải thoát tịch diệt chứ...’

Cái này có thì cái kia có
Cái này sanh thì cái kia sanh
Cái này không thì cái kia không
Cái này diệt thì cái kia diệt.

Hay quá! Tuyệt vời quá! Đạo Phật tuyệt diệu đến thế!

Quày đầu lại là giã từ huyễn mộng.

Chỉ cần một động tác nhỏ thôi: ‘Quày đầu lại!’

 

Minh Tâm

 Tập San Pháp Luân 27