Đại sư Garchen Rinpoche viếng thăm chùa Tây Tạng tại Bình Dương

image

Đại sư Garchen Rinpoche thuộc dòng truyền thừa Drikung Kagyu đã tới thăm và trao đổi kinh nghiệm tu tập với các Phật tử hữu duyên tại Việt Nam từ ngày 23/5 tới 1/6/2010.

Đặc biệt Đại Sư Garchen Rinpoche, một vị tôn sư được Phật Giáo Tây Tạng tin là hiện thân của Bồ Tát Thánh Thiên, một đại thành tựu giả đã liên tục tái sinh từ thế kỷ 13 để hoằng Pháp, đã tới thăm một ngôi chùa tại Bình Dương, nơi có tên là Tây Tạng Tự để kỷ niệm Thiền Sư Nhẫn Tế (1889 – 1951), một trong những người đầu tiên đã lặn lội sang Tây Tạng thọ Pháp vào năm 1936.

Tại Tây Tạng Tự,  vào ngày 30/5/2010, Đại Sư Garchen Rinpoche đã được đưa đi viếng bảo tháp, chánh điện và được có dịp vấn an Hoà Thượng Tịch Chiếu, một bậc thầy chứng ngộ theo pháp môn Tổ Sư Thiền, hiện đã 99 tuổi; ngài là một trong những đệ tử tâm truyền của Thiền Sư Nhẫn Tế và là người kế thừa, có trách nhiệm hướng dẫn chúng tăng ni tại Tây Tạng Tự trong những năm vừa qua. Hòa Thượng Tịch Chiếu nay rất già yếu, nhất nhất cử động, việc làm, lời nói đều vô cùng khó khăn nhưng Hoà Thượng đã hoan hỉ ngồi trên chiếc xe lăn ra tiếp đón Garchen Rinpoche.  Ngay giây phút đầu tiên hai bậc tôn sư gặp nhau thì Đại Sư Garchen Rinpoche đã cúi xuống choàng khăn kata, cụng đầu và đặt một nụ hôn lên trán của Hoà Thượng Tịch Chiếu.

Đại Sư Garchen Rinpoche

Đại Sư Garchen Rinpoche viếng bảo tháp trên tầng thượng tại Tây Tạng Tự.

Một vị cư sĩ khác cũng kể lại rằng “Không khí buổi đón tiếp Đại Sư Garchen Rinpoche tại Tây Tạng Tự rất trang nghiêm và cảm động. Hơn 400 Phật Tử đã vân tập và xin Đại Sư Garchen gia hộ.”  Đại Sư Garchen Rinpoche đã chia sẻ với đại chúng những kinh nghiệm hành trì dựa trên tác phẩm “Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo” của ngài Ngulchu Thogme Zangpo.

Trước khi ra về, lời cuối cùng Đại Sư Garchen Rinpoche ban cho đại chúng như sau: “Tuy thân của tôi sẽ rời khỏi nơi đây nhưng tâm của tôi sẽ ở lại với các bạn và tình yêu thương của tôi cũng sẽ ở lại với các bạn. Tôi thật sự không có gì khác ngoài tình yêu thương rất chân thật dành cho tất cả các bạn và tất cả chúng sinh. Tôi mong rằng các bạn cũng sẽ phát khởi được một tình yêu thương như thế. Đó chính là điều mà tất cả chư Phật trong ba thời đã giảng dạy và mong muốn ở tất cả chúng ta.”

Đại Sư Garchen Rinpoche

Đại Sư Garchen Rinpoche choàng khăn và vấn an Hoà Thượng Tịch Chiếu tại Tây Tạng Tự.

Khi xưa, Thiền Sư Nhẫn Tế đã khởi hành đi Tây Tạng theo các vị Lạt Ma trong đoàn chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng khi họ quay trở về xứ. Đường đi gian khổ vất vả, đi hơn hai tháng mới đến xứ Bhutan, mất một tháng ở lại đây học hỏi ngôn ngữ, phong tục, chờ tuyết tan và đi thêm một tháng nữa mới đến thủ đô Lhasa.

Sau một trăm ngày tu học  ở Tây Tạng, Ngài được Nhiếp chính vương Reting Rinpoche của Tây Tạng ấn chứng sở đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh là Thubten Osall Lama. Thành tựu sở nguyện, ngày 30/6/1937 ngài về tới Sài Gòn và sau đó trùng tu ngôi cổ tự của phái Bửu Sơn Kỳ Hương thành Tây Tạng Tự,  thường được gọi là Chùa Tây Tạng, ở Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.

Đại Sư Garchen Rinpoche

Đại Sư Garchen Rinpoche (áo đỏ, ngồi giữa) chụp ảnh lưu niệm với chư Tăng trong Tây Tạng Tự. Trên bàn thờ có di ảnh của Cố Thiền Sư Nhẫn Tế, người đã sang Tây Tạng năm 1936 để cầu Pháp.

Theo khảo cứu (*) từ một vị cư sĩ hành trì theo Phật Giáo Tây Tạng từ nhiều năm qua, dựa trên quyển Nhật Ký của chính Thiền Sư Nhẫn Tế cùng với các chi tiết lịch sử khác, có một chi tiết ghi lại về một quan hệ  khá đặc biệt, trích như sau:  

“Khi Sư Ông Nhẫn Tế qua Tây Tạng vào năm 1936, Sư Ông đã tá túc tại gia trang của ngài Thừa Tướng Tsarong trong toàn bộ thời gian Sư Ông ở kinh thành Lhasa. Trong Nhật Ký, Sư Ông có miêu tả rất rõ về cơ ngơi này, từ kiến trúc căn nhà, phòng khách, vườn hoa, nhà bếp cho đến các căn phòng thiền và phòng thờ bên trong.  Nhất nhất đều trùng hợp với những hình ảnh và các miêu tả được thu thập từ các tư liệu hiện đại cũng như các tài liệu sách vở chính thống. Vị chủ nhân của gia trang này, người cho Sư Ông tá túc, là ngài Thừa Tướng Tsarong, chính là ông nội của Pháp Vương Drikung Chetsang Rinpoche, vị Tổ đời thứ 36 của giòng truyền thừa Drikung Kagyu.  Ngài Chetsang Rinpoche còn là một trong các vị bổn sư của đại sư Garchen Rinpoche trong đời này và nhiều đời kiếp trước. Thân phụ của ngài Chetsang Rinpoche vào năm 1936 cũng có mặt tại gia trang của Thừa Tướng Tsarong.” (*Khảo cứu chưa xuất bản).

 

Nguyên Giác