LỄ HỘI VĂN HÓA PHẬT GIÁO QUA CÁI NHÌN QUỐC TẾ

Nhìn về mảnh đất hình chữ S thân thương của dân tộc Việt Nam chúng ta, lẽ dĩ nhiên ai cũng biết có 54 dân tộc chung sống với một nền văn hoá Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Toàn bộ đã tạo nên một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, toàn thế giới đã từng biết đến, đã từng ca ngợi.
Truyền thống văn hoá của Việt Nam thật đáng tự hào, là một đất nước đã hình thành một nền văn minh, văn hoá có truyền thống lâu đời và có bản sắc riêng của nó trong giao lưu, hội nhập quốc tế. hiện nay, con người chúng ta đang hối hả đi đến tương lai bằng cách sử dụng những công cụ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất. Những thành tựu của khoa học - công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến vĩ đại. Điều nầy đã ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chính vì thế mà việc tìm hiểu những giá trị trong văn hóa truyền thống là có ý nghĩa quan trọng, để duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, những đóng góp nhân văn - nhân bản của Phật giáo có giá trị rất lớn trong nền văn hóa dân tộc cũng như tạo sức ảnh hưởng trên thế giới. Sự đóng góp ấy thể hiện qua nhiều lãnh vực như âm nhạc, điêu khắc, văn học nghệ thuật, lễ hội văn hóa v.v… trong phạm vi bài viết nầy, người viết chỉ đề cấp đến vấn đề lễ hội văn hóa qua cái nhìn quốc tế. Hay nói cụ thể hơn là nói về tầm ảnh hưởng của các lễ hội văn hóa Phật giáo đối với thế giới.
Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, không chỉ là những quan niệm triết học, mà thông qua kinh điển, nghi lễ, chùa chiền, các hình tượng thờ cúng, tổ chức các lễ hội v.v… đã tạo thành một lối sống đa dạng, phong phú, để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong đạo đức, tư tưởng, văn học của xã hội. Cho nên có thể nói, nghệ thuật Phật giáo tự bản thân là một hệ thống ổn định có nhiều thứ lớp, nhiều hình thức vật thể và phi vật thể. Tự bản thân nó tạo ra sắc thái văn hóa riêng.
Từ giá trị đó đã tạo nên tác động to lớn đối với thế giới.Đặc biệt, trong quan hệ, hiểu biết lẫn nhau giữa các nước đương nhiên phải có nhịp cầu văn hoá, nhiều lúc văn hoá còn là hình thức mở đầu cho mọi hoạt động, mọi lãnh vực.
Hiểu được tầm quan trọng ấy, Phật giáo chúng ta thường tổ chức các lễ hội văn hóa Phật giáo đặc thù, để mang đến cho mọi người một tầm nhìn thiết thực về sự hiện hữu của Phật giáo trong cuộc sống. Những lễ hội văn hóa chúng ta thường tổ chức bao gồm:
- Lễ hội triển lãm văn hóa phẩm Phật giáo
- Lễ hội trưng bày tranh thư Pháp
- Lễ hội Vu Lan
- Lễ hội Rằm tháng Giêng
- Lễ hội ẩm thực
- Lễ hội văn nghệ v.v…
Mỗi lễ hội đều mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng không ngoài mục đích là thể hiện nét văn hóa đặc thù của Phật giáo, thể hiện tình cảm, niềm tin tưởng hướng về Tam bảo. Đặc biệt là tạo một sức hút mãnh liệt đối với thế giới, mang đến cho bạn bè Phật giáo quốc tế một cái nhìn đầy thiện cảm và ấn tượng về Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, việc tổ chức các lễ hội, trong nước, thông thường chúng ta chỉ nghĩ đến vấn đề tạo sự quan tâm tìm hiểu của quần chúng nội tại. Nhưng chính việc làm nầy, chỉ cần một trang tin đăng lên mạng internet, một tờ báo gởi đến quần chúng, hay một thông tin ngắn qua tin tức đài truyền hình … thì đã vô tình tạo sức hút đối với thế giới. Thông qua những hình thức nầy mà thế giới có thể hiểu được Phật giáo, hiểu được thiên nhiên, con người Việt Nam, ẩm thực và văn hóa Việt Nam.
Với việc tổ chức các lễ hội văn hóa Phật giáo nầy, qua cái nhìn quốc tế, chúng ta có thể rút ra được những ý nghĩa sâu sắc, có giá trị như sau:
- Trong phạm vi quốc gia, nhưng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể tạo điều kiện cho bạn bè trên thế giới có dịp tìm hiểu về văn hóa Phật giáo.
- Giúp thế giới hiểu được Phật giáo là tạo niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần không nhỏ vào vấn đề quảng bá nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
- Các quốc gia hiểu được văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc cũng là dịp bày tỏ sự đoàn kết, hòa hợp giữa các nước.
- Các nước dù ở cách xa Việt nam nhưng có thể dễ dàng tìm hiểu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc qua một thông tin hiện đại nào đó, giúp rút ngắn thời gian, bớt lãng phí vật chất.
Nói chung, nhìn vào các loại hình nghệ thuật văn hóa Phật giáo ấy, chúng ta có quyền tự hào với thế giới về sự đa dạng và phong phú của nó. Bài viết này chỉ khái quát các loại hình, nhưng chỉ mới gọi tên chúng như một sự liệt kê. Giá trị mỹ học của từng lãnh vực liên quan với tư tưởng, triết lý của chúng mới là đề tài lớn. Nếu tìm hiểu được ngọn nguồn của từng lãnh vực ấy, sẽ cho ta một sự hiểu biết đúng đắn và chân xác về tác dụng của chúng đối với tâm hồn như thế nào.
Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng sâu đậm trong lòng các dân tộc Á Đông. Tác dụng của tôn giáo, chính yếu là đời sống tinh thần và Văn hóa biểu hiện được đời sống ấy. Do vậy, chỉ cần nhìn vào văn hóa, người khác có thể đánh giá được nét đẹp của đời sống các dân tộc Á Đông. Nghệ thuật là sự thể hiện cụ thể nhất giá trị văn hóa, cho nên việc tìm hiểu, bảo trì và phát huy nghệ thuật Phật giáo đối với hàng Phật tử trí thức là vô cùng quan trọng. Và việc tổ chức các lễ hội văn hóa Phật giáo sẽ tạo giá trị thiết thực đối với cuộc sống trong nước cũng như quốc tế. Bạn bè quốc tế nhìn vào việc trưng bày trong các lễ hội, có thể giúp họ mở mang tầm hiểu biết và tạo nên sự thân hữu, gắn kết giữa các nước với nhau.
Mong rằng mỗi chúng ta cùng nhìn về một hướng, về nét đẹp của nền văn hóa Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung. Từ đó cùng tạo nên nhịp cầu gắn kết giữa các quốc gia. Chỉ cần một hành động nhỏ như tổ chức lễ hội văn hóa Phật giáo trong nước cũng đã tạo được sức ảnh hưởng toàn cầu, góp phần không nhỏ trong việc duy trì nền hòa bình đất nước và thế giới.

Hạnh Tâm
Theo banhoangphaptw.com

alt