Phật giáo và giáo dục PG trong việc tăng trưởng Tổng hạnh phúc quốc gia

image

Bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến thì Tăng già có mặt, và qua gương tu tập và làm việc của họ, một mức độ cao hơn về đời sống đã đến với số đông dân chúng, nâng chất lượng sống lên những mức độ cao hơn, vượt khỏi đời sống đặt nền tảng trên giác quan thô thiển.

Dharmachari Lokamitra sinh năm 1947 ở Anh. Năm 1974, ông gia nhập Western Buddhist Order (WBO) của Sangharakshita, một Phật tử người Anh đã sống ở Ấn độ 20 năm cho đến 1964.

Từ năm 1978, Dharmachari Lokamitra về ở luôn tại Ấn độ, hướng dẫn các hoạt động của Trailokya Bauddha Mahasangha Sahayaka Gana (TBMSG), chi nhánh Ấn độ của Friends of the Western Buddhist Order. Những thành viên của Friends of the Western Buddhist Order quy y Phật, Pháp, Tăng và nguyện giữ mười giới của thân, miệng và ý.

Bất cứ  nơi nào Phật giáo truyền  đến thì Tăng già có  mặt, và qua gương tu tập và  làm việc của họ, một mức  độ cao hơn về đời sống đã đến với số đông dân chúng, nâng chất lượng sống lên những mức độ cao hơn, vượt khỏi đời sống đặt nền tảng trên giác quan thô thiển.

***

Mặc dù  trong thế giới tự do Tây phương, việc  đem tôn giáo vào giáo dục nói chung không được chấp nhận, những giá  trị giáo dục hiện  đại và những giá trị Phật Giáo gặp nhau ở nhiều điểm. Cả hai đều đồng ý không cố gắng tạo ảnh hưởng lên học sinh bằng bất cứ cách nào, không hạn hẹp họ bằng việc truyền bá, khuyến dụ sự mê tín.

Phật Giáo khuyến khích việc rèn luyện sự hiểu biết ở mọi trình độ để đưa đến sự vượt thoát khỏi những quan điểm sai lầm và không có chỗ cho giáo điều hiện diện. Trong Phật giáo, không có chỗ cho những hình thức ước định thuộc tâm lý hoặc những thứ ước định khác khóa kín tâm thức, không cho tâm thức rộng mở.

***

Những nguyên  lý nền tảng của Phật giáo không chỉ thích hợp cho thế giới Phật giáo; trong lĩnh vực thế tục và nhân đạo, những nguyên lý đó còn có thể được áp dụng cho thế giới rộng lớn hơn, nơi có quá nhiều sự bất ổn về đạo đức trong giáo dục. Mặt khác, gương mẫu là phương tiện tốt nhất để khuyến khích người khác.

Hy vọng rằng những quốc gia với truyền thống Phật giáo lâu đời sẽ coi trọng tài sản lớn lao của mình, tìm những con đường để làm phong phú nền giáo dục với những nguyên lý Phật giáo, và đặt ưu tiên cho giáo dục bằng nguồn tài nguyên có sẵn.

Tôi đã làm việc khoảng trên 25 năm ở Ấn độ, phần lớn trong cộng đồng những người mới quy y Phật giáo vào năm 1956 theo sự khuyến khích của Tiến sĩ  B. R. Ambedkar. Những người nầy trước kia bị coi và  đối xử như những người không nên chạm đến (tiện dân) trong hệ thống giai cấp Ấn độ giáo.

Công việc của chúng tôi trước tiên là những sinh hoạt Phật Pháp, những lớp tham thiền, học hỏi Phật Pháp, thuyết giảng và nhập thất. Kết quả của việc tu tập là nhiều người thay đổi hoàn toàn tâm hồn và đời sống của họ.

Bên cạnh những sinh hoạt Phật Pháp dưới tên là Trailokya Bauddha Mahasangha, một số hoạt động xã hội cũng được khởi sự dưới tên Bahujan Hitaya. Những hoạt động xã hội gồm có nhà tập thể và những đề án về cộng đồng trong những khu nhà ổ chuột cũng như những công tác xoa dịu và khôi phục trong những vụ động đất.

Những hoạt động nầy đều được thực hiện bởi giới trẻ mà phần đông lớn lên với gia đình trong những căn phòng chật hẹp với tình trạng hết sức tồi tệ trong những khu ổ chuột, không có sự cải thiện về điều kiện vệ sinh, không có nước, và nhiều thứ bất tiện khác. Qua việc thực hành Phật Pháp, những người nầy đã biến đổi cuộc sống của họ, và bây giờ họ đang thực hiện những dự án giúp những người khác giống như vậy.

Tiến sĩ Ambedkar về với Phật giáo vào năm 1956 cùng với 500,000 người theo ông (con số nầy tiếp tục gia tăng và phỏng đoán gần đầy là khoảng trên 20,000,000). Ông thấy trong Phật giáo chẳng những khả năng nhổ tận gốc những vết thẹo tâm lý sâu xa, mà còn phát triển tính tích cực cao độ cho con người và xã hội.

Sinh ra trong giai cấp tiện dân, nhờ sự giúp đỡ của các hoàng thân tiến bộ, ông đã hoàn tất một nền học vấn cao ở nước ngoài, trở thành một trong những người có học vấn cao nhất Ấn độ trong những năm đầu của thế kỷ hai mươi.

Là một nhà kinh tế được coi trọng, một luật sư, và là một chính khách tài năng, ông đã thực hiện những cuộc cải cách xã hội đáng kể, đem lại lợi ích cho những người anh em thuộc giai cấp tiện dân của ông và những nhóm xã hội bị bạc đãi khác.

Tuy nhiên ông cảm thấy những thay đổi về đạo đức và tâm lý mà Phật giáo hứa hẹn còn quan trọng hơn và sẽ bảo đảm cho sự biển đổi xã hội mà ông đề ra. Chỉ từ những thay đổi nền tảng nhất trong quan điểm của cá nhân và xã hội, sự biến đổi xã hội mới thật sự được thành tựu. Ông từng tuyên bố: “Điều lớn lao nhất mà đức Phật đã làm là cho thế giới biết rằng thế giới không thể được cải thiện nếu không có sự cải thiện tâm thức con người và tâm thức thế giới.”

Điều nầy đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề về Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia. Theo cách suy nghĩ của Tiến sĩ Ambedkar, trừ phi một xã hội mạnh về đạo đức và tâm lý, những mặt khác về Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia sẽ bị đe dọa. Điều nầy thích hợp cho cả ngày nay khi chúng ta nhìn thấy sức mạnh của những mặt tiêu cực của sự toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu dùng, internet, quảng cáo, những phương tiện kết nối quốc tế, không một cái nào trong số đó có vẻ giảm bớt trong tương lai có thể thấy trước.

Sự nhận ra sức mạnh đạo đức và tâm lý đến từ Phật giáo có thể tìm thấy trong việc chính phủ hoàng gia Bhutan lấy làm chính sách về Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia.

Trong khi con đường chuyển hóa của Phật giáo coi như được thực hiện bởi cá nhân, lịch sử cũng chứng tỏ rằng tôn giáo nầy có một ảnh hưởng rất tích cực trên các nền văn hóa và xã hội mà nó  có sự hiện diện lâu dài. Ngày nay với sự tăng trưởng lớn lao về dân số và với việc toàn cầu hóa, sự việc nầy khó khăn hơn trước kia.

Do Đó, chúng ta cần tìm những phương pháp truyền đạt mới về những giá trị của giáo pháp đức Phật. Ngày nay, bất cứ cuộc thảo luận nào về giá trị đều tập trung vào giáo dục bao gồm hệ thống giáo dục công lập. Chúng ta cần khảo sát xem Phật giáo có thể ảnh hưởng và thấm nhập vào giáo dục hay không để chuẩn bị một cách có hiệu quả hơn cho cá nhân trong việc tiếp cận với những điều kiện của xã hội hiện đại, không giới hạn sự tự do của họ bằng những hình thức giáo điều hoặc những thiên hướng.

Bên cạnh đó, vấn đề còn nên được đặt ra là phương cách để trình bày Phật Pháp trong thế giới hiện đại, đặc biệt là cho giới trẻ; nó cần được trình bày không khăng khăng bám vào truyền thống, nhưng liên quan đến sự thể nghiệm của họ. Có nhiều người trẻ phản ứng lại những truyền thống tôn giáo địa phương khi họ tiếp xúc với thế giới hiên đại. Do đó, một đường lối dễ tiếp cận, nhưng không xóa bỏ sự phong phú của truyền thống, cần được khai triển cho giới trẻ.

Phật Giáo Và  Hạnh Phúc

Phần lớn con người tìm thấy hạnh phúc trong sự vừa ý của giác quan và bản ngã; loại hạnh phúc nầy phải đến từ những điều kiện được ưa thích từ  bên ngoài. Tâm thức hoạt động ở mức độ nầy chỉ là sự phản ứng, nó không đáp ứng bằng sự trọn vẹn nội tại hay sáng tạo, nhưng chỉ phản ứng một cách đui mù, máy móc và lặp lại những điều kiện ngoài sự kiểm soát của nó.

Vì sự thỏa mãn của nó tùy thuộc vào sự kích thích bên ngoài, tâm thức phản ứng là loại tâm thức yếu ớt, dễ bị ảnh hưởng và bị điều khiển. Nó có khuynh hướng nghiêng về cái thô lậu nhất của sự kích thích giác quan, đặc biệt là tình dục và bạo hành. Đó là lý do những phim ảnh loại nầy thường rất phổ cập. Luôn luôn bị những đối tượng của giác quan lôi kéo theo nhiều hướng khác nhau, nó luôn luôn thay đổi, không ổn định. Và do đó cảm giác hạnh phúc thuộc loại nầy chỉ hiện hữu một cách ngắn ngũi.

Loại hạnh phúc nầy được minh họa bằng vòng tròn thứ ba tính từ trung tâm của Bánh Xe Luân Hồi Tây Tạng (Bhava Chakra), diễn tả sự biến chuyển không ngừng nhưng không bao giờ tiến bộ của luân hồi hay đời sống trần tục. Đó là sáu cảnh giới hiện hữu tùy thuộc vào điều kiện. Đồng thời, nó cũng nói lên những trạng thái tâm thức trong cuộc sống nầy. Thú vật chỉ cho sự thụ hưởng những thú vui thô lậu như ăn uống, làm tình, ngủ và một đời sống bị thúc bách, không tự tại. Chúng đại biểu cho trạng thái tâm thức vô minh, không biết gì về ý nghĩa và niềm hạnh phúc cao thượng hơn của cuộc sống.

Cảnh giới ngạ quỉ (preta: quỉ đói) được diễn tả bằng những chúng sinh có bụng rất lớn, cổ dài và miệng rất nhỏ, không bao giờ được thỏa mãn trong sự ăn uống. Cảnh giới nầy cũng tiêu biểu cho trạng thái tâm thức phụ thuộc cùng cực, khao khát bịnh hoạn; dù có được bao nhiêu cũng không bao giờ thỏa mãn và luôn luôn khao khát có nhiều hơn. Đó là trạng thái nghiện ngập. Trong thật tế, người tiêu dùng trong thế giới hiện đại cũng có cùng tâm thức không bao gờ thỏa mãn nầy, họ chỉ vui thích một chút, và càng ngày càng bị dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn.

Trong cảnh giới A tu la, các vị A tu la đánh nhau với chư thiên  để tranh giành trái của cây đời sống, không nhận thấy rằng mặc dù những trái nầy rơi trong cõi trời nhưng rễ của cây bám trong cõi A tu la! Những vị  A tu la nghĩ rằng họ có thể nắm bắt được hạnh phúc bằng bạo lực và đấu tranh nhưng họ không bao giờ thành công.

Những chúng sinh trong cõi trời được diễn tả là có mọi thứ họ muốn chỉ bằng việc nghĩ đến. Họ say sưa với những thú vui tao nhã nhất, nhưng điều kiện của những thú vui nầy cũng là vô thường, và một ngày nào đó sẽ đổi thay.

Trung tâm của bánh xe có ba con vật là heo, gà và rắn, mỗi con cắn vào đuôi của con trước. Con heo bị dẫn đi bằng mũi không phải bằng mắt tượng trưng cho vô  minh hay vọng tưởng. Từ vô minh vọng tưởng, chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc phải đến từ bên ngoài, và do đó khởi lên tâm tham, đại biểu bằng con gà trống. Khi hạnh phúc bị ngăn trở thì sinh đau khổ, và chúng ta tìm cách diệt trừ khổ bằng sự tìm kiếm ở bên ngoài, từ đó sinh tâm ganh ghét, tượng trưng bằng con rắn. Ganh ghét thâu hẹp cái nhìn của chúng ta và làm tăng thêm vô minh.

Về mặt Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia, mức độ tâm thức nầy rõ  ràng là không thỏa mãn. Trong thực tế, mức độ tâm thức nầy là sự vui thỏa của phương tiện  đa quốc gia và quốc tế. Cả hai đều dựa vào quảng cáo, một nền kỹ nghệ lớn nhất trên thế giới, trước tiên là để bán sản phẩm và thứ hai là để tìm nguồn tài chính cho những chương trình của họ.

Những nhà quảng cáo hứa hẹn một sự vui thỏa tức thời và hấp dẫn qua cái mà họ cố gắng để bán, lôi cuốn trực tiếp giác quan và bản ngã, và cố gắng làm cho con người không sử dụng lý trí. Nhờ tiền của, họ có thể sử dụng nhiều phương tiện hiệu quả để thực hiện những chương trình làm cho những xã hội “chưa phát triển” hay “đang phát triển” khó lòng cưỡng lại.

Những nhà quảng cáo không muốn khuyến khích sự suy nghĩ khách quan (mặc dù một phần trong công việc của của họ có thể giả vờ), mà còn ngược lại. Và dĩ nhiên họ muốn tạo ra sự phụ thuộc mà họ thực hiện qua việc khuyến khích lòng tham, sự ngu si, tâm ganh tỵ, bất an, và tất cả những thứ cùng loại khác.

Họ phát đạt trên trạng thái tinh thần yếu đuối, phản xạ và phụ thuộc, cố gắng tạo ấn tượng vào tâm trí người tiêu dùng. Nếu những trạng thái tinh thần tiêu cực bị khuyến khích và nhồi sọ, và những trạng thái tích cực bị làm cho suy yếu, sức mạnh xã hội và văn hóa dùng để duy trì những mặt khác nội tại hơn của Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia sẽ bị xoi mòn. Điều nầy chắc chắn sẽ tiếp tay vào sự xuống cấp của môi trường, chênh lệch giàu nghèo, tách rời khỏi gốc rễ văn hóa, và làm giảm sự hưởng ứng xã hội của người công dân.

Tất cả những thứ đó sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc điều hành quốc gia. Môi trường, kinh tế, phúc lợi xã hội, văn hóa và chính sách điều hành quốc gia dù có tích cực cách mấy cũng khó chống lại sự tấn công vũ bão nầy.

Trên quan điểm Phật giáo, hạnh phúc dựa trên sự thỏa mãn của giác quan và bản ngã thật sự không phải là  hạnh phúc. Có thể có sự thỏa thích nhất thời, nhiều sự khổ hơn hàm chứa trong đó. Một loại hạnh phúc thật hơn phát khởi từ một đời sống khéo léo và trong sạch, có một lương tâm trong sáng, lòng độ lượng và giúp đỡ tha nhân, tình bằng hữu, và nỗ lực sáng tạo.

Có niềm vui tinh thần đến từ thiền quán để cuối cùng đưa đến giác ngộ, niềm hạnh phúc cao cả nhất mà con người có thể đạt được.

Đời sống của người Phật tử tiến bộ từ việc nhận thức rằng cuộc sống bị chi phối bởi điều kiện tự bản chất không thỏa mãn cho việc vĩnh viễn thoát khỏi khổ. Trạng thái thể nghiệm đó, giác ngộ, được nói đến như là một hạnh phúc tột cùng, một trạng thái an bình, tự do không giới hạn đối với mọi ràng buộc.

Trạng thái tâm thức đó không bao giờ bị lay động dù những điều kiện bên ngoài có bất như ý như thế nào. Con người càng tiến sâu vào hướng này thì tâm thức và sự hạnh phúc của người đó bớt tùy thuộc hơn vào những điều kiện bên ngoài và thái độ của người đó trở nên vững chắc và tích cực. Càng ít bị lôi kéo vào cơn lốc mà sức mạnh của lòng tham trong thế giới hiện đại kích thích, con người càng có nhiều khả năng hơn trong việc lựa chọn những gì có ích từ sự phát triển trong thế giới hiện đại và gạt bỏ những thứ không có ích.

Phật Giáo Và  Sự Nâng Cao Chất Lượng Đời Sống Xã Hội

Hiểu và thực hành Phật Pháp là việc của cá nhân. Tuy nhiên sự hiểu và hành nầy có mối liên hệ  và tầm ảnh hưởng đáng kể lên xã hội. Ảnh hưởng đó như chúng ta thấy đã đóng góp không nhỏ vào Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia.

Thực hành Phật Pháp đặt nền tảng trên sự nhận thức rằng cuộc sống của chúng ta có sự gắn bó không thể gỡ ra với những người khác. Sila hay Giới, điều đầu tiên trong ba môn học chính trên con đường Đạo, bao gồm việc cải đổi hành động và lời nói – cả hai thứ đó liên hệ trực tiếp đến người khác. Samadi hay Định bao gồm việc rèn luyện sự tỉnh thức và ứng xử nhu nhuyến đối với người khác như từ, bi, sự thông cảm, tinh thần bình đẳng. Prajna hay Huệ bao gồm việc thấy rằng rốt ráo không có sự khác biệt giữa mình và người; từ thể nghiệm nầy khởi lên một tình thương cao cả và giác ngộ.

Những người đi theo con đường tu tập nầy tạo nên Tăng già. Tiến sĩ  Ambedkar nhìn thấy Tăng già (theo ông Tăng già bao gồm những người tại gia) có vai trò trọng yếu trong vấn đề cải thiện xã hội. Với sự thực hành và rèn luyện những trạng thái tinh thần cao hơn và thiện xảo hơn một cách có hệ thống, họ đã có thể tạo dựng một xã hội kiểu mẫu, làm gương cho người khác cách sống một cuộc sống tốt đẹp nhất. Và thực tế đã chứng tỏ rằng cuộc sống cao thượng đó có thể thực hiện.

Quan tâm đến người khác, họ cũng đã có thể làm việc một cách có hiệu quả để nâng những người khác lên, cả về mặt xã hội cũng như tâm linh. Lịch sử đã xác nhận điều nầy. Bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến thì Tăng già có mặt, và qua gương tu tập và làm việc của họ, một mức độ cao hơn về đời sống đã đến với số đông dân chúng, nâng chất lượng sống lên những mức độ cao hơn, vượt khỏi đời sống đặt nền tảng trên giác quan thô thiển.

Mối quan tâm và  sự quan hệ đối với xã hội của Phật giáo  đã có từ những buổi đầu của tôn giáo nầy. Sau khi chấm dứt mùa An cư đầu tiên, đức Phật  đã cổ vũ những đệ tử đầu tiên của ngài  đi khắp nơi vì sự lợi ích và hạnh phúc cho số đông. Và ngài cũng khuyến khích họ đi một mình để có thể làm lợi được cho nhiều người nhất.

Bản thân ngài cũng là một tấm gương trong việc nầy. Trong suốt 35 năm, ngài không ngừng đến với những người mang nhiều nỗi đau khổ khác nhau. Ngài thường làm sáng tỏ những lời giảng dạy của ngài bằng những tấm gương trong những đời quá khứ khi ngài còn là Bồ tát, và những tấm gương nầy đã nở hoa để kết thành Phật Giáo Đại Thừa.

Trong khi đức Phật không nói nhiều về những vấn đề xã hội, có thể vì không có nhiều điều để nói trong thời buổi đó, những điều ngài nói ra đều có ý nghĩa lớn lao. Ngài phê bình thẳng thừng hệ thống giai cấp và một xã hội trong đó nguồn gốc sinh ra được coi trọng hơn đức hạnh, và ngài đã thiết lập một Tăng đoàn không bị ràng buộc vào giai cấp hay lãnh vực xã hội.

Một trong những điều quan trọng nhất trong Bát Chính Đạo, bài pháp nổi danh của ngài, là Chính Mạng. Với Chính Mạng, những người có bất cứ sinh kế nào tổn hại đến những chúng sinh khác đều không được khuyến khích. Danh sách ngài nêu ra thì ít, nhưng ngày nay với sự tăng nhanh các nghề nghiệp, nó sẽ rất dài.

Ngài còn nêu ra những bổn phận của vị Chuyển luân vương, vị vua (hay chính phủ) lý tưởng thực hành theo giáo pháp giác ngộ. Bổn phận của vị vua (hay chính phủ) đó là xiển dương đạo đức và khuyến khích người dân thực hành đạo đức. Nếu những giáo huấn về đạo đức, trong đó có việc tu sửa hành động và lời nói, được thực hành rộng rãi, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp và sẽ có sự hưởng ứng.

Mặc dù cũng có những thiếu sót, nói chung bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến, những giá trị văn minh, hòa bình và hòa hợp, tôn trọng nghệ thuật và cái đẹp, giáo dục, và giúp đỡ những người khốn cùng đều được khuyến khích. Cả trong những xã hội mà Phật giáo là tôn giáo vượt trội cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân chúng thực hành Phật Pháp một cách nghiêm túc, nhưng việc làm và tấm gương của Tăng già và vị vua Chuyển luân (nếu có) cũng có thể tạo ra kết quả tích cực trong cách cư xử và và điều kiện sinh hoạt xã hội, cũng như mở ra một con đường cho những giá trị cao cả hơn, thiện xảo hơn.

Phật Giáo Và  Nền Giáo Dục Hiện Đại


Ở Bhutan, nơi mà khái niệm Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia phát sinh, nguyên lý về Chuyển luân vương vẫn còn rất giá trị. Phật giáo là một truyền thống sống động được đại bộ phận trong xã hội kính trọng và tôn vinh. Thủ tướng Bhutan nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong viêc tiếp cận với khái niệm Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia của chính phủ hoàng gia Bhutan và đề cập đến nền giáo dục giác ngộ, một nền giáo dục thấm nhuần những giá trị Phật Giáo. (1)

Mặc dù ông không đề cập một cách chi tiết, điều nầy rất đáng chú ý và nên học hỏi đối với Phật tử ở khắp nơi trên thế giới, và cả cho những người không phải Phật tử quan tâm đến khái niệm Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia thấy được việc Phật Giáo có thể ảnh hưởng thế nào vào hệ thống giáo dục. Nếu những giá trị tích cực không được đưa vào hệ thống giáo dục một cách có ý thức, thì hầu như những giá trị tiêu cực của thế giới hiện đại sẽ thâm nhập vào, đặc biệt là trong lúc mà nền giáo dục của hầu hết các nơi trên thế giới đều có khuynh hướng đặt nền tảng trên những kiểu mẫu Tây phương, một thế giới trong đó đạo đức và tinh thần nói chung không được chú ý đến nhiều.

Mặc dù trong thế giới tự do Tây phương, việc đem tôn giáo vào giáo dục nói chung không được chấp nhận, những giá trị giáo dục hiện đại và những giá trị Phật Giáo gặp nhau ở nhiều điểm. Cả hai đều đồng ý không cố gắng tạo ảnh hưởng lên học sinh bằng bất cứ cách nào, không hạn hẹp họ bằng việc truyền bá, khuyến dụ sự mê tín.

Phật Giáo khuyến khích việc rèn luyện sự hiểu biết ở mọi trình độ để đưa đến sự vượt thoát khỏi những quan điểm sai lầm và không có chỗ cho giáo điều hiện diện. Trong Phật giáo, không có chỗ cho những hình thức ước định thuộc tâm lý hoặc những thứ ước định khác khóa kín tâm thức, không cho tâm thức rộng mở. Tính phóng khoáng nầy của Phật Giáo được đức Phật trình bày rõ cho những người Kalama:

"Hãy  đến đây, nầy quí vị  Kàlàma! Ðừng chấp nhận  điều gì chỉ bằng nghe nói. Ðừng chấp nhận điều gì  chỉ vì điều đó  được truyền từ xưa. Ðừng chấp nhận điều gì vì điều đó được đồn đại. Ðừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó hợp với các kinh điển của mình. Ðừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó được ước đoán như vậy. Ðừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó được coi là có lý. Ðừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó hợp với nhận thức của mình. Ðừng chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó có vẻ có thể chấp nhận. Ðừng chấp nhận điều gì vì nghĩ rằng vị ẩn sĩ là người được tôn kính.

Nhưng nầy quí vị Kàlàma, khi quí vị biết do chính mình - Những điều nầy không hợp đạo đức; những điều nầy đáng bị chê trách; những điều nầy bị các bậc hiền triết chê trách; những điều nầy khi thực hành sẽ gây nên tàn phá và phiền muộn, thì quí vị loại bỏ không chấp nhận. Và nầy quí vị Kàlàma, khi quí vị biết do chính mình - Những điều nầy hợp đạo đức; những điều nầy không bị chê trách; những điều nầy được các bậc hiền triết khen ngợi; những điều nầy khi thực hành sẽ tạo nên sự ích lợi và hạnh phúc, thì quí vị nên sống đúng theo chúng." (2)

Những hành vi đạo đức tích cực, đặc biệt là bất bạo động, ý nghĩa của Chính mạng, nhu nhuyến trong trao đổi, tôn trọng sự bình đẳng nền tảng của tất cả chúng sanh, tôn trọng người khác, tôn trọng quyền tự do quyết định và cách sống theo ý muốn, hiểu rõ giá trị của môi trường, tất cả những điều đó là bản chất của Phật Giáo, và tất cả đều có thể được truyền đạt qua giáo dục.

Vị thầy lý tưởng là một người bạn có kinh nghiệm và biết thương yêu quan tâm đến sự tốt đẹp toàn diện của người khác trên hết mọi thứ. Mặc dù là những giá trị Phật Giáo, những giá trị nầy có thể được truyền đạt một cách có hiệu quả mà không cần đề cập đến Phật Giáo, coi đó như những giá trị nhân bản; và một số vị thầy Phật Giáo đã thực hịện những kết nối nầy trên 50 năm qua.

Cùng lúc, giáo lý Phật Giáo không mâu thuẫn với khoa học và lý tính – Phật giáo khuyến khích lối suy nghĩ hợp lý và một thái độ có phê phán đối với cuộc sống nói chung. Giáo dục Phật Giáo cũng sẽ bao gồm những đánh giá phê phán đối với những điều tốt mà nền văn minh đem lại. Nó không có sự mâu thuẩn đối với sự phát triển tích cực như ở những tôn giáo khác. Do đó sẽ không lo lắng về việc Phật Giáo sẽ có ảnh hưởng ngược lại hay làm giới hạn giáo dục, như thấy ở những tôn giáo khác.

Với tất cả  những nghiên cứu có thể có cũng như lịch sử đã chứng minh, chúng ta không nghi ngờ gì về hiệu quả của giáo dục trong việc rèn luyện lối sống tích cực. Để có được hiệu quả tốt nhất nó cần những tài nguyên tốt nhất được đưa vào sử dụng. Những con người tốt nhất cần được đưa vào việc dạy và điều hành hệ thống giáo dục. Những phương pháp dạy dỗ thích đáng nhất cần được nghiên cứu đầy đủ và áp dụng. Những môi trường học hỏi thích hợp nhất cần được triển khai. Lớp học cần nhỏ. Chương trình cần cân xứng thích hợp. Trẻ con cần được quan tâm từng cá nhân, không chỉ trong tiến trình học tập, mà còn trong sự phát triển nhân cách.

Những giá trị Phật Giáo – cũng là những giá trị nhân bản - cần được thấm nhập vào toàn bộ kế hoạch học tập chứ không phải chỉ ở những bài học một hoặc hai giờ mỗi tuần. Rõ ràng để một chương trình như vậy có kết quả cần phải có cả ý chí và tài chánh. Nhưng phần thưởng cho cá nhân và xã hội sẽ rất lớn lao.

Truyền  Đạt Phật Pháp Trong Thế Giới Hiện Đại

Một vấn đề cần được đặt ra trong việc truyền đạt Phật Pháp qua hệ thống giáo dục là tìm những phương pháp trình bày để có thể tiếp cận đến những người được đào luyện trong nền giáo dục khoa học và chịu ảnh hưởng của những thế lực toàn cầu hóa và môi trường quốc tế. Trong những nước mà Phật Giáo có một lịch sử lâu dài, thế giới hiện đại và truyền thống Phật Giáo không có vẻ sống chung một cách dễ dàng.

Tôi đã tham dự một số hội nghị Phật Giáo ở phương Đông trong vòng 20 năm qua trong đó điệp khúc chung vẫn là “Làm thế nào để giới trẻ vẫn còn thích đến với Phật Giáo?” Và kết quả là những giải đáp rất hời hợt.

Những tiến trình tìm kiếm những đường lối mới để truyền đạt giáo pháp của đức Phật trong những điều kiện thay đổi của xã hội, văn hóa và địa lý đã khởi sự từ những ngày đầu của lịch sử Phật giáo, và tính sáng tạo vốn có của Phật Giáo đóng vai trò không nhỏ trong việc duy trì vị thế của nó cho đến ngày nay.

Ở đây tôi xin đề nghị một số đường lối trong việc truyền đạt giáo pháp của đức Phật trong thế giới hiện đại. Đúng hơn, tôi sẽ chú ý đến những lĩnh vực thăm dò và đầu tư có thể ích lợi cho tiến trình nầy.

Trong 50 năm vừa qua, Phật Giáo đã được truyền bá đến nhiều quốc gia Tây phương, nơi mà tất cả các truyền thống chính của Phật giáo ngày nay đều có mặt. Bên cạnh những vị thầy Đông phương đem Phật giáo vào Tây phương, có một số những vị thầy người Tây phương đáng kính như Sangharakshita và Lama Govinda, những người không những rất quen thuộc với truyền thống triết học và văn hóa Tây phương, mà cũng là những người thấm nhuần sâu xa giáo lý của nhiều trường phái Phật giáo của Á châu.

Cách các vị nầy hiểu và thực hành Phật Pháp đáng cho chúng ta khảo sát và có thể thích hợp cho những vấn đề của Phật tử Á châu trong thế giới đổi thay nhanh chóng ngày nay.

Ngoài những vị thầy đó, hiện nay còn có một khối lượng lớn về những kinh nghiệm tu tập của người Tây phương trong những điều kiện của người Tây phương.

Sự thật ngày nay Phật giáo đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp đáng chú ý; Phật tử Tây phương đang cố gắng làm sao đến với Giáo Pháp mà không dựa vào những vị thầy Đông phương, những vị đã xây dựng những sinh hoạt đầu tiên ở đó. Có nhiều điều đã đạt được từ ảnh hưởng qua lại với những nguời xuất thân trong các nền văn hóa Tây phương, những người đã tìm thấy trong Phật Giáo câu giải đáp cho những đòi hỏi tâm linh của họ - đây là một trong những lợi ích của ngôi làng toàn cầu.

Làm thế nào những người đó đã vươn lên, từ những nền văn hóa với những tập đoàn đa quốc gia và loại phương tiện mà chúng ta thấy xâm nhập vào châu Á ngày nay, để dấng thân toàn tâm toàn ý vào việc thực hành Phật Pháp?

Trong những quốc gia có truyền thống Phât Giáo lâu đời, thường khó phân biệt giữa Phật Giáo và văn hóa địa phương, chúng đã cùng song song phát triển. Nhưng trong thế giới thay đổi nhanh chóng, cái gì bị đồng hóa với nền văn hóa cổ xưa, dù tốt đẹp cách mấy, đều có thể bị coi là không thích hợp với thế giới hiện đại, và Phật giáo cũng không ngoại lệ.

Không những chỉ những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa địa phương, Phật Giáo như là con đường tâm linh cũng sẽ bị phai mờ nếu không bị chối bỏ. Vì vậy có thể cần đơn giản hóa cách giảng dạy và thực hành Phật Pháp và cố gắng làm cho nó vượt khỏi phạm vi văn hóa địa phương.

Nhiều vị Thầy Phật giáo Đông phương đến Tây phương đã làm như vậy – truyền đạt Giáo pháp của đức Phật ra ngoài phạm vi truyền thống nơi mà các ngài học hỏi. Các ngài đã phải phân biệt giữa cái gì là Giáo pháp và cái gì là phần được bồi vào, dù những cái đó có tích cực đến độ nào.

Giao lưu với những vị thầy đã dạy lâu ở Tây phương như vậy có thể có lợi ích lớn cho những nền văn hóa Phật giáo truyền thống đang gặp phải những khó khăn đối diện với những sự phát triển hiện đại.

Một số những phát triển đáng chú ý đã đến từ  sự giao lưu giữa những người Phật tử Đông phương và Tây phương trong những năm gần đây, tôi sẽ đề cập ba vấn đề. Trước tiên là  phong trào Phật giáo phụng sự xã hội.

Phong trào Phật giáo phụng sự xã hội cố gắng áp dụng những nguyên lý Phật giáo vào những vấn đề xã hội như môi trường, nhân quyền, nghèo đói, bất công, bóc lột, bạo động giữa các chủng tộc.

Những vị thầy Phật giáo Đông phương đã tạo những ảnh hưởng rất tích cực lên những nhà hoạt động xã hội Tây phương, nhiều người trong số nầy không còn chấp nhận sự hướng dẫn của nhà thờ Thiên chúa giáo. Cùng lúc, điều nầy đã giúp kích thích lại tính dấn thân trong Phật giáo Đông phương.

Thứ hai là có đầy đủ các tài liệu nghiên cứu và dịch thuật, phần lớn là do những hành giả Phật giáo chủ trương. Ngày nay, kinh văn của mọi truyền thống Phật giáo lớn đều có thể tìm thấy qua các bản dịch trên khắp thế giới, nhờ đó có nhiều người hơn được lợi lạc từ những bài học trong đó. Những đánh giá phê bình những văn bản nầy cũng có ích cho những người tu tập và sinh viên Phật học.

Một điển hình về việc Phật giáo Đông phương được kích thích bởi sự phát triển của Phật giáo ở Tây phương là sự quan tâm hơn đến pháp môn Thiền quán. Mặc dù phần lớn việc tu tập Thiền quán ở những nước Phật giáo có một truyền thống tu Thiền dài lâu không gián đoạn, chúng ta không nghi ngờ rằng việc phổ biến Thiền tập ở Tây phương đã là một phần tác nhân làm sống lại sự chú ý của những nước nầy về pháp môn Thiền quán.

Trong khi sự lưu tâm đầu tiên của người Tây phương có thể chỉ là tìm kiếm sự an ổn về mặt tâm lý và thoát khỏi stress, sự tìm kiếm đó thường dẫn họ đến với những lãnh vực khác của Giáo pháp môt cách nghiêm túc; và điều nầy dường như cũng đang xảy ra trong Phật giáo Đông phương.

Ngoài ra, việc mà  một số Phật tử Tây phương và tôi nhận thấy có ích là tìm đến với Tiến sĩ  Ambedkar, vị kiến trúc sư của Hiến pháp Ấn  độ, và quan trọng hơn là người đã cố gắng đem Phật giáo trở về với xứ Ấn độ, nơi mà nó được sinh ra.

Một trong những tác nhân chính để ông quyết định theo Phật giáo là thấy rằng Phật giáo nói với con người hiện đại nhiều hơn những tôn giáo khác. Điều nầy không chỉ quan trọng đối với một người có học như ông trong truyền thống tự do Tây phương, nhưng cũng đối với những người anh em thuộc giai cấp tiện dân của ông mà ông muốn họ gia nhập vào thế giới hiện đại.

Ông phải có một tôn giáo không làm phương hại những giá trị tự do, bình đẳng và những người huynh đệ yêu mến nhất của ông. Đối với ông, những điều đó rõ ràng có sẵn trong Phật giáo, và ông tuyên bố rằng ông học hỏi chúng không phải từ cuộc Cách mạng Pháp mà từ đức Phật. Ông muốn những người anh em của ông có thể chia sẻ với phần còn lại của nhân loại, một cơ hội mà họ, những người thuộc giai cấp tiện dân, chưa bao giờ có đươc. Để điều nầy có thể thành hiện thực, tôn giáo mà ông chọn cho họ cũng phải thích hợp nhất cho con người trong thế giới hiện đại. Ông viết:

(Đức Phật) đã dạy như một phần trong tôn giáo của ngài, về tự do xã hội, tự do tư tưởng, tự do kinh tế và tự do chính trị. Ngài đã dạy về bình đẳng, bình đẳng không chỉ giữa đàn ông với đàn ông, mà bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà. Khó tìm thấy một vị thầy tôn giáo nào có thể so sánh với đức Phật mà những lời dạy bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội của con người và giáo lý của ngài quả thật là hiện đại và sự quan tâm chính của ngài là giải phóng con người ngay trong đời sống và không hứa hẹn một thiên đàng sau khi chết.” (3)

Mặc dù Tiến sĩ Ambedkar không viết nhiều về Phật giáo và  mặc dù ông bận tâm với việc nhổ tận rễ chế độ giai cấp và tiện dân ở Ấn độ, những điều nầy không ngăn cản chúng ta nghiên cứu những tác phẩm của ông. Ông đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về Phật giáo trong thế giới hiện đại, và tư tưởng của ông, nếu nghiên cứu đầy đủ, có thể gợi ý cho chúng ta trong việc đi tìm phương pháp thực hành và truyền đạt Giáo pháp có hiệu quả trong ngôi làng toàn cầu.

Kết Luận

Phật giáo đã luôn luôn có ảnh hưởng sâu xa trên xã hội nó  được chấp nhận. Gần đây hơn đối với việc Tiến sĩ Ambedkar quy y Phật giáo, chính sách về Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia của chinh phủ hoàng gia Bhutan và sự quan tâm và phát triển Phật giáo ở Tây phương chứng minh rằng Giáo pháp của đức Phật vẫn còn sống động và sáng tạo về mặt xã hội cho đến ngày nay, sau khi được nói lần đầu 2500 năm về trước.

Nghiên cứu những đường lối để áp dụng những nguyên lý Phật giáo vào hệ thống giáo dục không những sẽ giúp việc giáo dục có hiệu quả hơn trong việc tạo nên những quan điểm xã hội tích cực, cho phép sử dụng những điều tốt nhất mà thế giới hiện đại cung cấp và loại trừ những thứ không có ích, mà còn cho phép con người sử dụng tốt nhất những tài nguyên khác như môi trường và sự điều hành tốt đất nước. Không phải là giáo dục không đựợc ảnh hưởng bởi Giáo pháp trong những quốc gia Phật giáo trong quá khứ.

Tuy nhiên, cho đến thời gian gần đây, giáo dục vẫn còn bị giới hạn trong một số khu vực dân chúng. Ngày nay, vì nền giáo dục phổ thông được chấp nhận khắp nơi, những lợi ích có thể có từ ảnh hưởng của Phật giáo trên giáo dục sẽ lớn lao hơn nhiều.

Những nguyên lý  nền tảng của Phật giáo không chỉ thích hợp cho thế  giới Phật giáo; trong lãnh vực thế tục và nhân  đạo, những nguyên lý đó còn có thể được  áp dụng cho thế giới rộng lớn hơn, nơi có quá  nhiều sự bất ổn về đạo đức trong giáo dục. Mặt khác, gương mẫu là phương tiện tốt nhất để khuyến khích người khác. Hy vọng rằng những quốc gia với truyền thống Phật giáo lâu đời sẽ coi trọng tài sản lớn lao của mình, tìm những con đường để làm phong phú nền giáo dục với những nguyên lý Phật giáo, và đặt ưu tiên cho giáo dục bằng nguồn tài nguyên có sẵn.

 

Dharmachari Lokamitra

Thị Giới (dịch)

Theo The Centrality of Buddhism and Education in Developing Gross National Happiness.

Chú  thích:

(1) Lyonpo Jigme Y. Thinley, Values and Development: Gross National Happiness in Gross National Happiness, p. 17-18, Centre For Bhutan Studies, 1999, Thimpu.

(2) Yết Lạp Ma Kinh (Kàlàma Sutta.)

(3) D.C. Ahir, Dr. Ambedkar on Buddhism, p 27-8, Peoples’ Education Society, 1982, Bombay.

 

Theo phattuvietnam.net