Ước mơ đầu tiên của mẹ, ước mơ đầu tiên của Thầy

Thệ Nhật Sơn, 08/03/10

Mừng ngày Thôi nôi gia đình Sen Vàng.
Mấy hôm nay trời có nắng ấm và hoa Thủy Tiên đã biểu hiện được một ít bên mé rừng sồi dọc theo con đường từ Xóm Thượng đi ra cổng Làng. Ngày nào sư anh cũng đi dạo trên con đường đó mấy bận để thưởng thức hoa Thủy Tiên và thở với bầu không khí trong lành.
Xóm Thượng nằm trên một cái đồi cao cho nên đứng từ cổng Làng nhìn xuống là cả một không gian thênh thang. Từ tầm nhìn đó mình có thể thưởng thức được rất nhiều thứ: nào là những cánh rừng sồi; những dãy đồi nối tiếp nhau gập ghềnh kéo dài cho đến khuất tầm mắt; lại có rất nhiều cánh đồng nho và những cánh đồng cỏ cũng bắt đầu có mầu xanh trở lại. Có nhiều buổi sáng sương mù kéo về thật nhiều và đứng từ chỗ đó nhìn xuống là cả một biển sương mênh mông, còn đến khi chiều về thì cảnh hoàng hôn thật là huy hoàng. Sư anh gọi đó là những khung trời tịnh độ. Bởi vì mình có rất nhiều bình an và hạnh phúc khi đứng ở đó. Sư anh nghĩ, sở dĩ mà nó đẹp là bởi vì nó có nhiều không gian. Cái gì mà có nhiều không gian thì tự nhiên cái đó trở nên đẹp. Cảnh vật mà có không gian thì cảnh vật đẹp; lòng người mà có không gian thì lòng người đẹp. Ở Việt Nam có câu ca dao là “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đời sống của người tu có khi gọi là “thanh bần”. Thanh có nghĩa là nhẹ nhàng, thảnh thơi, cũng có nghĩa là gọn gàng và không có phô trương; còn bần thì có nghĩa là nghèo, không sang trọng, biết đủ. Đời sống của mình tuy là bần nhưng vì có thanh nên tự nhiên nó đẹp. Cái thanh nó làm đẹp cho cái bần và cái bần nó giữ gìn cho cái thanh. Thanh và bần là hai phẩm chất của người tu, của một con người lương thiện. Nếu không có hai phẩm chất đó thì đời sống của người tu ít đẹp hơn. Sống có tri túc mình sẽ làm cho cái thanh mãi là thanh mà sẽ không phải là tục; và một khi có nhiều tự do và thảnh thơi ở trong lòng rồi thì dù nghèo mà vẫn vui vẫn tươi cười được. Dù là người nghèo hay người giàu có, ai cũng có thể sống nếp sống thanh bần được.
Sáng nay, các cây Sen Vàng ở Làng có một ngày đi chơi với nhau để ăn mừng ngày Thôi nôi. Trong suốt một năm qua các sư em đã gìn giữ được tâm bồ đề và đã cắm rễ được vào trong đời sống của tăng thân, đó là một tin vui. Tin vui đó đáng được ăn mừng lắm chứ phải không các sư em. Trong gia đình Sen Trắng có một sư chú người Pháp, rất dễ thương tên  là Pháp Liên và trong trong lần ăn mừng Thôi nôi của gia đình thì sư chú có chia sẻ một điều mà làm cho ai cũng thấy vui. Sư chú  nói: Con nhìn lại và con thấy là con đã tu được một  năm. Chỉ có chừng đó thôi mà ai cũng vui cũng mừng cho sư chú.


alt Các sư em Sen Vàng ở Việt Nam thì chắc là sư em nào cũng đã biết đến cái nôi và lúc còn là em bé thì thế nào cũng đã được mẹ ru ngủ trên chiếc nôi đó; còn sư út Pháp Triển chắc là không rồi vì sư út được sinh ra trên đất Mỹ. Chiếc nôi là một chiếc giường con dùng để ru cho em bé ngủ. Nó được làm bằng tre hay bằng mây. Bốn góc nôi có bốn sợi dây cột lại với nhau và treo hổng khỏi mặt đất với cây tre hay gỗ gác trên trần nhà qua một sợi dây nối với bốn sợi dây kia. Ban đêm thì bé được ngủ với mẹ còn ban ngày thì bé được ngủ ở trong nôi. Trong những lúc mẹ vắng nhà thì công việc chăm em được dành cho chị hay anh của bé. Có khi bé được anh  hay chị cõng đi chơi và khi nào bé buồn ngủ thì bé được anh hay chị bỏ vào trong chiếc nôi và ru cho ngủ. Ru cho em bé ngủ không chỉ bằng tay không thôi mà còn bằng lời hát nữa. Hò ru con hay là hò ru em. Lời của những bài hát này là những bài ca dao, tục ngữ rất gần gũi với người dân quê Việt Nam. Nó không dài lắm, đủ để một em bé tám chín tuổi nghe mẹ hát thì có thể học thuộc và sau đó có thể ru cho em mỗi khi mẹ vắng nhà. Vì vậy mà không lạ gì khi các sư em thấy các sư chú và các sư cô Việt Nam mỗi khi đi ngủ thì vẫn thích mở chiết máy CD để nghe tụng kinh hay nhạc thiền để dễ ngủ. Có khi trong một gia đình mà các anh chị em được ngủ cùng một chiết nôi. Bởi vì sau một năm thì em bé không nằm nôi nữa và chiết nôi được gác trên trần nhà và đến khi nào mẹ sanh em bé thì chiếc nôi được lấy xuống, lau chùi cho sạch và dùng tiếp. Thường thì mẹ mình sanh em bé sau mình khoảng chừng ba hoặc bốn năm và lúc đó thì mình còn nhỏ lắm. Vì vậy mà thỉnh thoảng mình cũng xin mẹ cho mình vào ngồi chơi trong chiếc nôi đó. Được ngồi vào trong chiếc nôi và đung đưa cho nó chạy từ bên này qua bên kia đó là một cái gì hết sức vui, hết sức là mầu nhiệm. Có khi em mình nó khóc ré lên vì nghĩ rằng mình giành nôi của nó, cho nên buộc lòng mẹ phải bồng mình ra, những lúc đó mình không vui tý nào.

Sau một năm thì em bé đã lớn lên được một chút rồi, lúc này bé có thể nằm ngủ mà không cần ai ru cho mình. Bé có thể nằm ngủ một mình trên giường của mẹ. Sau một năm thì bé bắt đầu tập đi, tập nói và tập chơi với những thứ xung quanh. Đây là thời gian mà bé đem lại cho gia đình rất nhiều hạnh phúc. Các sư em hãy nghĩ đến cái ngày mà mình bước đi được những bước chân đầu tiên đi. Chỉ mới đi được vài bước thôi mà mình đã làm cho cả gia đình tràn ngập hạnh phúc rồi. Huống nữa là mình còn làm được  nhiều điều mầu nhiệm khác nữa. Trong khi tập cho mình đi mẹ và bố chỉ ước ao có một điều là mong sao cho con mình sẽ đi được. Chỉ có chừng đó thôi, bố mẹ không ước mơ gì cao xa hết và qua tháng ngày mình đã đem lại cho bố mẹ rất nhiều hạnh phúc vì mình đã có thể tự đi một mình được rồi. Vì vậy mà cái ước mơ đầu tiên của ba và mẹ  mình là mong sao cho mình đi được vững vàng trên đôi chân của chính mình. Đây không chỉ là ước mơ đầu tiên của ba mẹ mình thôi mà của tất cả các bậc làm cha làm mẹ khác nữa, dù bây giờ cho đến mãi về sau này. Mình đã làm cho cha mẹ hạnh phúc, mình đã làm cho cái ước mơ đầu tiên đó của bố và mẹ mình trở thành hiện thực. Đó là cái ước mơ đầu tiên nhưng cũng là ước mơ sâu sắc nhất của bố mẹ mình.

Các sư em biết không! Khi đã được xuất gia và trở thành học trò của Thầy rồi thì Thầy cũng có cái ước mơ đó. Bất cứ lúc nào và ở đâu thì Thầy cũng dạy cho anh em mình là hãy đi cho có hạnh phúc, đi cho vững chãi, thảnh thơi. Bởi vì Thầy biết khi mà anh chị em mình đi mà có hạnh phúc thì mình giữ gìn và chăm sóc đời sống tu của mình dễ hơn. Trong khóa tu xuất sĩ vừa rồi, trong một bài giảng Thầy đã nói là nếu muốn dễ thương với Thầy thì chỉ cần làm hai việc đó là nắm lấy hơi thở và đi thiền hành cho đàng hoàng. Bố mẹ  đã cho mình đôi chân để mình đi vào cuộc sống nhưng Thầy đã cho mình đôi chân của Thầy để mình có thể đi vào đời sống của người tu đích thực. Bố mẹ mình đã rất hạnh phúc khi thấy mình bước đi được những bước chân đầu đời và Thầy cũng vậy. Thầy đã nhiều lần nói rằng là Thầy sẽ rất hạnh phúc khi thấy mình đi mà có sự vững chãi và thảnh thơi.

Khi các sư em tròn được một tuổi tức là các sư em đã bước được một bước vững chãi trên con đường tu và điều đó làm cho cả tăng thân hạnh phúc. Mỗi ngày mà mình biết đi bằng đôi chân của Thầy thì mình có cơ hội để tham dự vào đời sống của người xuất gia đích thực và mỗi ngày mình cũng đang thực hiện cái ước mơ đầu tiên đó của Thầy, của mẹ và cả Bụt nữa.

Thương chúc các sư em ngày mỗi khôn lớn qua mỗi bước chân và hơi thở của mình.

 

Sư anh Xóm Thượng

(langmai.org)