Mỗi Lời Là Châu Ngọc

'Mỗi lời là châu ngọc, mỗi lời là gấm thêu' [14] nghĩa là lời nói của ta quý như châu như ngọc và đẹp như gấm như thêu.  Lời nói là biểu hiện của suy tư, tình cảm và tâm ý.  Lời nói dễ thương, đẹp đẽ và tin yêu thì tâm tư, tình cảm cũng dễ thương, đẹp đẽ và tin yêu.  Lời nói độc ác, thô bạo và trách móc thì tâm tư, tình cảm cũng thế.  Lời nói là cửa ngõ của tâm hồn, là nốt nhạc của thương yêu.  Do đó làm sáng vườn tâm hữu hiệu nhất là làm sạch ngôn ngữ.  Mỗi khi đánh răng, ta thực tập:

''Đánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm'' [15]

Miệng thơm lời chánh ngữ là sự thực tập nói năng.  Chánh ngữ chính là ái ngữ, tức là lời nói dễ thương.  Ngôn ngữ ta phải nhẹ nhàng, từ hòa và khéo léo.  Nói được như thế, hoa từ bi sẽ nở trong vườn tâm của ta.  Tu tập mười năm mà lời nói vẫn nặng nề đầy trách móc, hờn giận, tỵ hiềm thì ta biết rằng sự tu tập của ta vẫn chưa tiến bộ và có thể đang xuống dốc.  Lời nói nóng nảy, hung dữ và độc ác chứa đựng chất liệu độc tài, sân hận, tự ái có thể làm cho người khác đau khổ da diết, mất hết niềm tự tin, an vui và hy vọng.  Bởi thế, ta hãy cẩn thận lắm về lời nói.  Ta hãy lắng nghe cho được chủ ý và bản chất của lời nói.  Lời nói ngọt ngào, dễ thương, xây dựng không thể nào phát xuất từ sự la mắng, hằn học, dữ dằn.  Do đó trước khi nói, ta hãy ngừng lại vài giây để thở mà xem xét lại lời nói của ta.  Ta hãy lắng nghe cho được âm thanh và cường độ của lời nói, bởi vì nó diễn tả trung thật bản tính, tâm ý và tình cảm của ta.  Suy nghĩ ấy, lời nói ấy có đem lợi ích cho ta và cho người hay không?  Lời nói này có hằn học lắm hay không?  Cường độ lời nói này sao mạnh quá đi!  Tại sao thế?  À!  Thì ra ta đang nóng giận, đang bất an.  Lời nói này có bị thúc đẩy bởi ý muốn trách móc hay không?  Ta phải biết cho rõ năng lực thúc đẩy ở sau lời nói.  Đó là tất cả bí quyết của sự thực tập về nghệ thuật nói năng.

Nếu lời nói xuất phát từ lòng thương yêu, ý muốn nâng đỡ, chăm sóc thì ta hãy nói lên.  Nếu lời nói chứa đựng chất liệu xây dựng hạnh phúc, hài hòa và tin yêu thì ta hãy cứ nói.  Làm được như thế, từ từ ta sẽ kiểm soát được lời nói và rà được đường đi nước bước của suy tư và tâm ý.

Hướng dẫn cho em, ta phải có khả năng lắng nghe được giọng nói của mình.  Cường độ và âm thanh của giọng nói có nhẹ nhàng hay không?  Lời nói có chân thật hay không?  Hay là ta nghĩ một đường nói một nẻo.  Cha dạy dỗ con bằng tất cả sự bình tỉnh, thương yêu và sáng suốt...  Ngôn ngữ thương yêu xây dựng thương yêu, ngôn ngữ la mắng trách móc tạo ra giận hờn.  Bởi thế ca dao bình dân mới có câu:

''Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.'' [16]

Lựa lời chính là nghệ thuật truyền thông, là tu tập ái ngữ.  Do đó ta phải có khả năng lựa lời để nói với người thương.  Muốn làm được như thế, ta nên tập thở.  Hơi thở ý thức có công năng soi sáng, gìn giữ tâm ý thì lời nói của ta mới dễ thương.

‘‘Thở vào tâm tỉnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời’’[17]

Có lúc ta không biết ta đang nói gì?  Trong tình trạng bất an, ta nói tùm lum, nói không hở miệng, nói đủ thứ chuyện và những lời nói ấy không đem lại tin yêu, xây dựng gì cả mà chỉ tạo ra sự nghi kỵ, thị phi, hiểu lầm...  Ta hoàn toàn không nắm được chủ quyền trong lời nói.  Ta bị nô lệ bởi những lực lượng bên trong.  Ta cảm thấy bơ vơ, trống trải, giận hờn nên nói ra những điều gây đau khổ cho những người thân thương.  Đệ tử của ta cũng là con của ta.  Đệ tử của ta là sự tiếp nối của ta.  Mạch nguồn tâm linh, đạo pháp có thành tựu hay không đều do công phu thực tập lời nói thương yêu và xây dựng.  Phải nói sao để xây dựng niềm tin yêu nơi em ta, con ta và đệ tử ta.  Lời nói giúp cho họ lớn lên mà đừng làm cho họ đau khổ và tuyệt vọng.  Lúc nghiêm lúc dễ, khi mềm khi cứng, khi nhỏ nhẹ khi mạnh mẽ chứ không phải lúc nào cũng nghiêm khắc, lúc nào cũng la rầy thì người khác sẽ ngán lắm.  Đôi khi cách dạy của ta do tập khí thúc đẩy.  Ta cảm thấy chướng tai, gai mắt, khó chịu, bực mình nên ta lên tiếng, và tiếng nói ấy thường phát xuất từ sự bất an, nóng giận và quyền hành.

Có bà mẹ kia rất thương con. Bà muốn mấy đứa con của bà học giỏi, nên bà thường hay nhắc nhở chúng làm bài. Nhưng tiếng nói của bà rất lớn. Bà nói giống như bà nạt nộ vậy. Cả mấy đứa nhỏ đều sợ bà. Mỗi khi mẹ nạt nộ, tụi nó dẹp games để đi làm bài. Nhưng đến khi đứa đầu tới tuổi thành niên, nó thường hay phản kháng trở lại mẹ bằng cách giận dữ, liều lĩnh và lì lợm. Nó còn nói: “Mẹ không biết tiếng Anh.” Từ nhỏ, nó đã có mặc cảm rằng nó không ra gì, và ba mẹ không thương nó, cho nên nó chán học. Nó thích đi học, nhưng nó chẳng học hành gì được. Cộng với tính lười biếng và ham chơi games, xem phim hoạt hình, do đó càng lớn nó càng mất kiến thức căn bản. Đến năm 18 tuổi, đang học chương trình lớp 12, nhưng nó rớt hơn một nửa số lớp kể từ lớp 9. Nhà trường gửi báo cáo cho bà biết là con bà học sa sút quá, và nó sẽ không ra trường trung học năm nay. Do thế, bà càng bực mình và nóng giận hơn, vì vậy bà càng hay la rầy, phàn nàn về nó. Nó càng mang nặng mặc cảm tự ti. Nó càng liều và có khuynh hướng muốn trốn nhà đi chơi. Nó không muốn về nhà, bởi nó không thích nghe mẹ than phiền. Vì thế, hai mẹ con thường có vấn đề với nhau.

Cho nên lời nói rất là quan trọng. Ta phải biết cách nói và lắng nghe âm điệu của giọng nói. Bởi vì người khác nghe tiếng nói của ta có thể có thêm niềm tự tin hoặc mặc cảm chán nản, mất hết hứng thú trong đời sống.

Ông giáo sư Masaru Emoto đã thí nghiệm về tiếng nói ảnh hưởng trên nước. Ông dùng một ly nước từ dòng sông bị ô nhiễm cho học sinh cầu nguyện. Học sinh nói lời dễ thương như cám ơn nước, nước là nguồn sống mầu nhiệm… Sau khi cầu nguyện, ông cho ly nước đong đá trở lại, rồi dùng máy layer chụp tấm hình các nguyên tử nước. Lạ thay, các nguyên tử nước ấy đẹp như một bông hoa hay một ngôi sao. Theo thí nghiệm, hễ nước trong lành thì nguyên tử nước lành lặn, có hình dáng như ngôi sao hoặc một bông hoa, và nước bị ô nhiễm thì nguyên tử nước vỡ ra từng mảnh hoặc là méo mó. Như vậy, nước cũng bị ảnh hưởng bởi lời nói, huống hồ là con người. Vì vậy, muốn con cái khỏe mạnh, học giỏi, dễ thương, cha mẹ phải biết dùng ngôn ngữ từ ái, nhẹ nhàng để hướng dẫn và dạy dỗ. Con cái như thế nào đều tùy thuộc nghệ thuật xây dựng của cha mẹ. Hiện giờ, Lang đang làm trụ trì và là sư anh lớn tại tu viện Rừng Phong, nên Lang luôn luôn cẩn trọng trong lời nói.

Không biết gì về lời nói, thì ta cũng không biết gì về suy tư, tình cảm và tâm ý.  Câu nói ấy đối với em thúc đẩy bằng lực lượng nào?   Có lúc lời nói phát xuất từ sự tự ái, sự bực tức và cơn nóng nảy nên lời nói của ta thật là hung dữ.  Ta thật sự không phải đang nói mà đang la hét, bắt nạt em.  Tự ái bởi vì em không lắng nghe nên ta muốn trừng phạt nó.  Người nhỏ cũng vậy, khi nói ra lời nào, ta hãy biết lời nói ấy thúc đẩy từ đau khổ hay không?  Ta có nhiều đau khổ quá nên lời nói của ta thật là khó nghe, thật là chua chát.  Ai nghe cũng cảm thấy tê tái hết cả lòng.

Long là đứa con cưng của bố mẹ. Nó muốn gì được nấy. Bố mẹ bận công việc, nên giáo phó Long cho các trò chơi điện tử và ti vi. Ngày nào Long cũng đốt rất nhiều thì giờ trong các trò chơi chém giết, bắn sung và phim ảnh bạo động. Tới năm 16 tuổi, Long học hành quá bê tha. Nhà trường gửi giấy về báo với phu huynh là Long không chịu học, mà thường chơi games trong lớp. Lúc ấy, ba mẹ Long mới bắt đầu khuyên răn con. Nhưng thật là bất ngờ, Long phản kháng lại ba mẹ bằng sự sân hận chưa từng có. Bao nhiêu năm ông bà thương yêu cưng chiều nó; bây giờ bị con đối xử tệ bạc nên cả hai ông bà đều đau khổ đến tuyệt vọng. Con mình trước đây đâu có hư như vậy. Đó là lỗi lầm của ai? Long chỉ là nạn nhân của những trò chơi chém giết, hận thù vì thế lời nói của nó chứa đầy chất hận thù. Thế thôi.

Những lúc như thế, ta phải đóng lại tất cả cánh cửa giác quan.  Ta tập thở để cho an tâm trở lại và chiếu ý thức vào lời nói, thì ta mới có khả năng thay đổi ngôn ngữ.  Ta làm cho ngôn ngữ thơm tho như những bông hoa tươi thắm, đẹp như gấm như thêu.  Ai lắng nghe cũng cảm thấy đẹp lòng, ưng ý.

 

14] thơ Sư Ông Làng Mai

[15] thơ Sư Ông Làng Mai

[16] Ca dao Việt Nam

[17] Từng Bước Nở Hoa Sen

 

Chân Pháp Đăng 

Trích Món quà nào cho con

Theo phusaonline.free

hoa sen9.jpg