Làng Mây

27. Khong gian thenh thangNếu quá hiểu một người, một nơi thì tình thương sẽ đến thôi. Đúng không, Phong, Xuân? Tình Yêu luôn có cách diễn đạt của nó. Chúng ta không cần phải khôn khéo, không cần phải gượng ép, giả tạo. Tình yêu đến rất tự nhiên, rất hồn nhiên….

Trong cuốn sổ tay của tôi, có một bài thơ diễn tả đúng tâm trạng của chúng ta. Hai người bạn với nhau khi chia tay thì hỏi rằng. “Anh đi đâu?”. Người ra đi trả lời rằng. “Vì có nhiều phiền muộn trong lòng. Tôi muốn đi về phía núi Chung Nam. Mà tại sao lại phải hỏi rằng tôi đi đâu? Chúng ta cũng như những đám mây trắng thôi. Không đi đâu cũng không cần đến.” Đó là bài thơ “Tống biệt” của Vương Duy. Tôi đã đọc cho Phong và Xuân rồi đúng không?

“Tôi đi đâu và đến từ đâu
Bạn ơi! Xin đừng hỏi
Mây vẫn bay trên đầu”

Có một ngôi làng ở trời Âu. Nơi đó có rất nhiều mây. Có một đám mây rất lớn, rất vững chãi. Tôi gọi là Mây Ông. Những năm 2005, 2007, 2008, Mây Ông cùng với các Mây Cha, Mây Mẹ…. đã vượt trùng dương bay về đất Á. Sau chuyến đi, đã có rất nhiều Mây Con, Mây Cháu ra đời trên mảnh đất quê hương. Ngôi làng ấy đã có một lần đổi tên. Ngôi làng ấy có hai tên. Nhưng trong thâm tâm, tôi thích gọi nơi chốn ấy – nơi tôi chưa bao giờ bước chân đến – theo cách của tôi. Phong và Xuân đã đoán được rồi, phải không? Vâng tôi luôn trìu mến thầm gọi hai tiếng: Làng Mây hay Đạo Tràng Vân Thôn. Và tôi rất hài lòng giữ cái tên ấy trong tim mình. “Em giữ cho riêng em biết”.

Cuộc đời luôn có hai mặt: có nhiều niềm vui nhưng cũng không thiếu những nỗi buồn. Tôi nghe, tôi thấy, tôi biết rất nhiều những thông tin, những đánh giá về Làng Mây. Họ nói với nhau Làng Mây như thế này như thế kia. Tôi đã gặp những cô, những chú, những anh, những chị như vậy. Và đây là một trong những câu chuyện giữa tôi và họ. Tôi muốn thuật lại cho Phong và Xuân.

**
Làng Mây hả? Tôi biết quá mà. Đến đâu thì gieo sầu đến đấy.

Chú có thể cho con nói được không?

…..

Con công nhận những điều chú nói. Cô chú nói rất đúng.

Vậy thì có gì để bàn nữa đâu?

Cô chú cho con nói một chút. Con muốn bổ sung thêm ý của cô chú. Cô chú cũng là người nông dân mà. Gốc gác của con, của tất cả những người Việt Nam cũng chính là người nông dân. Tổ tiên ta ngày xưa ai cũng đều mặc áo nâu cả. Người của Làng Mây cũng là những người mặc áo nâu. Họ ngưỡng mộ cuộc đời của người thôn quê chân lắm tay bùn nên họ cũng chọn màu áo nâu sồng. Họ muốn giống như cô chú đó thôi.

Vậy sao? À.. Ừm.. Nói tiếp đi… Con nói tiếp đi.

Dạ, thưa cô chú. Những người mặc áo nâu của Làng Mây đi đến đâu cũng đều nói lên một thông điệp rằng: Cuộc đời có rất nhiều đau khổ. Đó là một sự thật. Họ đến đâu cũng muốn nhắc nhở một điều rằng: sầu hay khổ là những sự thật. Và họ còn nói rằng:Vui hay sướng cũng là những sự thật. Cho nên chúng ta không quay lưng với khổ đau. Chúng ta tận hưởng niềm hạnh phúc trong cuộc đời và chuyển hoá những phiền muộn. Không những thế những người của Làng Mây đã hướng dẫn cho con cách thức để hoá giải những khó khăn trong cuộc sống… Và………

***

Phong và Xuân biết không? Tôi rất muốn có một kết thúc có hậu cho câu chuyện trên. Nhưng sự thật thì hai cô chú đó đã không hiểu. Mình thấy thương lắm những con người như vậy. Họ giống như là cái ly nhỏ khi mà nước đổ vào quá nhiều vượt quá khả năng dung chứa của cái ly. Nước tràn. Họ không chịu được. Họ không cho tôi nói tiếp. Họ có thể biết cách dùng những vật có dung tích lớn hơn để chứa nước. Họ biết cách “thay ly”. Nhưng với tâm hồn và với trái tim thì họ không thể làm được….

Có thể rằng những hoa trái mà Làng Mây hiến tặng cũng giống như trái sầu riêng. Người ta nói mình gieo sầu thì phải mình gặt trái sầu thôi. Trái sầu riêng có hình thù rất lạ. Nó không giống như bất cứ một loại cây ăn trái trên mảnh đất hình chữ S này. Trái Sầu của Làng Mây cũng vậy. Vì nó mới lạ nên không ai dám ăn. Phong và Xuân thì rất liều, rất dũng cảm. Hai bạn đã ăn và chắc chắn khi ăn rồi thì hai bạn sẽ thấy trái Sầu của Làng Mây cũng ngon lắm chứ. Đó là những kinh nghiệm thực tế. Đó là sự từng trải. Tôi thầm cầu mong cho tất cả những ai – những người đang chống đối, đang sợ hãi, những người bị trái Sầu rơi trúng đầu – sẽ được ăn như hai bạn. Tôi thầm cầu mong họ nếm được vị ngọt thơm của trái Sầu. Thầm cầu mong mười phương trăng sao chứng minh.


Thấy sang bắt quàng làm họ

Đã rất nhiều lần trong lá thư này, Phong và Xuân thấy tôi cứ hay “Làng Mây của tôi” rồi lại “Thầy của tôi”. Người ngoài mà đọc được lá thư này chắc chắn sẽ nói tình trạng của tôi là “thấy sang bắt quàng làm họ.”

Tôi biết là Thầy Làng Mây không có vẻ gì sang lắm. Làng Mây rất đẹp nhưng so với những nơi khác thì cũng đâu có sang. Nhưng quả thật là tôi “bắt quàng làm họ”. Đó là sự thật. Thầy hình như thích được gọi là “Thầy” hơn là những danh xưng khác. Cả Phong và Xuân đều là con cháu của Thầy. Một cách chính thức. Hai bạn là những Tâm của Thầy. Xuân thì đã sang Làng rồi. Phong thì đã gặp Thầy không biết bao nhiêu lần…

Tôi chưa bao giờ gặp Thầy hay sang Làng. Tôi cũng chưa được thọ giới. Đúng là tôi “thấy sang bắt quàng làm họ thật”. Câu tục ngữ ấy có nghĩa không đẹp lắm. Tôi chỉ bàn đến cách nghĩ của tôi thôi. Tôi muốn bàn đến ý nghĩa tốt – vì tôi thích nghĩ tốt về mọi thứ Xuân à!

Ngày xưa khi chứng kiến hiện thực của đất nước, những chàng trai trẻ rất nhức nhối và đau xót. Họ không chấp nhận tình trạng đói khổ bị áp bức. Họ muốn được nói lên ước mơ của mình, muốn được sống tự do. Và họ đi vào đoàn thể. Họ nghĩ rằng con đường tranh đấu, chống lại giặc Hán là con đường thoát khổ. Đối với những người thanh niên đó, được sống, được chiến đấu là một niềm vinh dự. Họ thấy như thế là “sang”. Ai cũng ao ước ngày hoà bình, trở về. Ai cũng ao ước được đặt lại tên họ. Ai cũng muốn mình được mang họ của vị tướng lãnh đang chỉ huy mình. Ai cũng mong được mang họ Lý, họ Trần. Phong và Xuân thấy đó, ngày xưa là như thế. Lịch sử là như thế. Đây không phải là chuyện giả tưởng. Đây là sự thật. Như vậy chuyện tôi “thấy sang bắt quàng làm họ” cũng đâu có gì phải xấu hổ phải không Xuân? Tôi cũng bắt chước tiền nhân thôi. Bạn đừng cười nhé! Trong chiều sâu tâm thức, tôi cũng đã tự xem mình là cùng họ với Thầy. Họ Sakya. Tôi liều như vậy đấy! Mà thật ra mình cũng đâu cần phải nói nhiều như vậy! Tôi và Phong, Xuân chúng ta cũng đã mang họ Lý, họ Trần, họ Sakya rồi, phải không?

Ông cha ta ngày trước còn khắc lên da thịt mình hai chữ “Sát Thát”. Chuyện những người trẻ khắc chữ, khắc hình lên da thịt mình bây giờ cũng đâu có gì mới đâu phải không Phong? Cũng chỉ là sự tiếp nối thôi. Và họ ưa thích chuyện này lắm. Họ tiếp nối dữ lắm. Họ khắc lên rất nhiều. Họ khắc rồng, rắn, súng, dao…

Họ khắc những chữ như : “Xả láng cuộc đời”, “Quên tình phụ nghĩa”, “Chết là hết”… Tôi may mắn chưa có một hình, chữ nào trên người. Nhưng ai mà biết được ngày mai. Những cạm bẫy, những người xấu rất nhiều. Nếu tôi không may rơi vào trong vòng tay của họ. Tôi trở thành “anh chị”  - trong trường hợp xấu nhất – tôi sẽ khắc “Sát Thát”. Tôi không bao giờ quên hai chữ đó. Phong và Xuân nhớ nhé! Không bao giờ quên. Chết cũng không quên.

Những ngày ở Huế thật sự là những ngày đời tôi thay đổi 3600. Càng thực tập đạo Bụt tôi càng cắm rễ sâu vào hồn thiêng dân tộc. Tôi càng yêu đất nước tôi da diết. Tôi yêu mẹ tôi, yêu tổ tiên tôi. Bụt đã làm thức dậy trong tôi hai tiếng “Đại Việt”. Hai tiếng “Sát Thát”. Mong Xuân đừng hiểu lầm! Tôi không muốn giết ai ở đây hết. Tôi không muốn loại trừ người nào hết. Tôi chỉ muốn nhắc cho chính tôi, cho Phong và Xuân và tất nhiên cho những người đang hành nghề chạm khắc trên thân thể người khác.

Muôn đời “Sát Thát”.

Trong những giờ phút này, những năm đầu của thế kỷ 21, thời đại của “Kinh Tế Tri Thức”, tôi thấy “Sát Thát” không bao giờ là tiếng vọng về của quá khứ.

Người Trung Quốc đã có những hành động không đẹp với đất nước tôi. Với ông tôi, cha tôi. Đặc biệt là với chị tôi, em tôi. Tôi không bao giờ quên những điều ấy. Đất nước Trung Quốc cũng có những người bạn dễ thương như nhà thơ Vương Duy. Nhưng máu của ông cha tôi đã đổ. Điều đó là sự thật. Tôi luôn nhắc nhở tôi về điều ấy. Xin Xuân nhớ cho tôi! Tôi không kêu gọi. Lá thư này không phải là sự kêu gọi. Tôi không muốn giết người. “Kẻ thù ta không phải là người”. Tôi đã được dạy như thế. Tôi cũng đã từng lập đi lập lại như thế. Như một con vẹt. Tôi cũng đã từng nhai đi nhai lại như thế. Như một con bò. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu. Cái hiểu đến sau khi tôi đã lạy. Lạy hết lòng hết dạ hết mình ở Linh Mụ. Khi thực tập thiền lạy ở đó tôi cảm nhận khi đứng lên có một con rồng trong tôi. Tôi đang bước như một con voi chúa. Từ khi đi giật lùi ra khỏi chánh điện, tôi đã là một con người khác. Tôi muốn chém, muốn giết. “Thát” ở đây chính là những khối u mê, những khối hận thù, sự tham đắm trong lòng. Tôi cũng muốn được như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt. Cưỡi trên lưng voi, tay cầm gươm Tuệ quyết giết cho hết, chém cho hết, chặt đứt cho hết tất cả những kỳ thị, phân biệt, những giáo điều, thói đạo đức giả, những hèn hạ, bỉ ổi trong cuộc đời. Mặt trận của tôi là mặt trận tư tưởng. Chiến trường của tôi chiến trường trong tâm.

Nếu Phong và Xuân đến Huế và muốn tìm, muốn khắc “Sát Thát”. Tôi có một địa chỉ cho hai bạn.

15 Lê Lợi – Thành phố Huế
ĐT: 054.3837477 – 054.3834800

Đó là Trung Tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng. Lê Bá Đảng là ai? Đứng trước những tác phẩm của ông tôi thấy mình quá nhỏ bé. Tôi thấy mình chỉ có thể ngưỡng vọng. Tôi chưa bao giờ gặp Lê Bá Đảng. Nhưng tôi đã thấy, đã xem, đã mở to hai mắt cũng như mở hết lòng mình chứ tôi không nhắm, không khép hờ. Và tôi đã thấy “Sát Thát”, đã thấy Bụt trong tranh của ông. Và tôi chỉ muốn làm một chuyện thôi. Một chuyện khi mà người ta cảm thấy mọi lời nói, mọi ngôn ngữ là vô nghĩa. Tôi sụp lạy cúi đầu.

 

 Áo Trắng