Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - phần 2

IV. PHÁT MINH TRÍ TUỆ VÔ SƯ:

Chính bằng công phu chân thật hành Thiền, ngài đã thể nhập chân Thiền, mở sáng “trí tuệ vô sư”, thế gian khó bì kịp. Trong bài Xuân Vãn, Ngài đã bày tỏ:   Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

***

Thuở bé đâu từng rõ sắc không,
Xuân về rộn rã nức trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Ngồi lặng nhìn xem rụng cánh hồng.

Lúc chưa hiểu đạo, còn bị ngoại cảnh chi phối, nên mỗi độ xuân về lòng Ngài cũng bị động theo cảnh xuân, không làm chủ được. Nhưng bây giờ, Ngài đã nhận ra Chúa xuân tức là ông chủ chân thật muôn đời, hay nói theo nhà Thiền là “Bộ mặt thật xưa nay” của chính mình, là con người bất sinh bất diệt từ vô thủy. Giờ đây Ngài có thể giải đáp chính xác cho câu hỏi: “Cái gì là ta?”, không còn nghi ngờ, cuộc sống bây giờ mới thật sự có chủ. Điều này chứng tỏ Ngài xuất gia là thực tu, thực ngộ, xứng đáng là bậc Thiên Nhân Sư, thầy của trời người.
 


V. SÁNG LẬP THIỀN PHÁI TRÚC LÂM:

Bằng sự chứng ngộ Thiền lý sâu xa, Ngài dùng ánh sáng chân thật đó, dung hợp ba dòng thiền đã có trước đó thành dòng Thiền Trúc Lâm, mở ra phong trào học Phật mới.

Lấy tông chỉ Thiền Tông “Giáo Ngoại Biệt Truyền, Bất Lập Văn Tự, Trực Chỉ Nhân Tâm, Kiến Tánh Thành Phật” làm chủ đạo, Ngài linh động kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển những lời kinh chết trong sách vỡ thành những bài kinh sống nơi người, chứng minh cho Tâm Thiền sáng ngời không có gì sai khác. Kinh đâu có lỗi gì? Lỗi do người chấp kinh. Thiền đâu có gì sai khác? Sai do người phân biệt. Kinh từ miệng Phật nói, Thiền là tâm Phật vốn chẳng phải là hai! Chính tinh thần đó,các thiền viện của hệ Trúc Lâm do Hòa thượng Thiền sư Thầy chúng tôi đang hướng dẫn, vẫn đang áp dụng.

Bởi người tu Thiền đã sáng tâm thì đọc kinh sẽ hiểu rõ ý nghĩa sâu xa ngoài câu lời, do đó càng giảng linh động sáng tạo, giúp người nghe dễ thâm nhập hơn. Bởi vậy, Thiền sư Pháp Loa giảng nhiều lần kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh thuộc giáo lý viên đốn cao siêu, mà người đến nghe rất đông, cũng nói lên trình độ của người học Phật thời đó rất cao. Như pháp hội giảng kinh năm 1322 tại chùa Báo Ân có trên 1000 người đi nghe. Buổi giảng nào ít người cũng có khoảng năm, sáu trăm người.

Xét kỹ, tông chỉ Thiền tông rất thực tế và gần gũi với con người, lấy “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, nhằm đánh thức mỗi người tự sống vươn lên. Vì tâm mình mà mình không biết, vậy lo biết cái gì ở đâu xa? Thành Phật là thành ngay trong tâm tánh mình đây thôi, không phải thành ở trên núi cao, trên cõi trời xa xôi, chỉ cần mình xoay lại chính mình, thì ngay đó là bờ mé: “Hồi đầu thị ngạn”. Đó là lấy con người làm gốc, là tôn trọng con người, nâng cao giá trị con người, cũng là lý bình đẳng với tất cả, vậy sao không khai thát?

Đúng là thiền tông chỉ thẳng “Ngay đây, lúc này, người này thôi”, rất hiện thực không có gì xa xôi, mập mờ hẹn lại kiếp nào khác. Như lời khai thị của Trúc Lâm Điều Ngự trong buổi đại tham ngày 9 tháng giêng nhuận năm Bính Ngọ 1306 tại liêu Kỳ Lân: “Ngày tháng dễ trôi qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà không rõ việc bát, việc muỗng?”.

Nghĩa là mình sống hằng ngày cầm muỗng, cầm thìa, ăn cơm, ăn cháo nhưng tại sao lại không biết cái gì đang hiện hữu trong đó? Chỉ lo nhớ bát, đũa, cơm, cháo mà quên mất nguồn sống phát ra những việc đó! Thiền tông nhắc nhở đánh thức người mê khiến tỉnh ngộ trở lại chỗ này! Chính đó là mạch sống của Phật pháp. Cho nên dù trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, nhưng ý Thiền vẫn không mất, vì còn có con người, còn có tâm thì còn có Thiền! Kinh sách, ngữ lục có thể đốt cháy hư hoại, nhưng cái này làm sao đốt? Làm sao hoại? Đây cũng chính là linh hồn của Yên Tử vậy. Bằng chứng là những tác phẩm tinh yếu về Thiền của Trúc Lâm Điều Ngự như: Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ ngày nay không còn, song tinh thần Thiền của Ngài vẫn còn đây, sức sống này vẫn đang trỗi dậy!

“Yên Tử non cao, Chư Tổ Mồi Đèn
Truyền Tâm Ấn.
Trúc Lâm Rừng Vắng, Điều Ngự Nối Đuốc
Lập Tông Phong.”

VI. DÒNG TRUYỀN YÊN TỬ:

1. Đối với Thiền phái Trúc Lâm thì Trúc Lâm Điều Ngự-Trần Nhân Tông là đệ nhất Tổ, nhưng tính theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử phải kể từ Thiền sư Hiện Quang là Tổ ban đầu. Sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi thành Hoa Yên như ngày nay. Vốn là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu, dòng Vô Ngôn Thông, nhưng tỏ ngộ nơi Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả.

2. Thiền sư Viên Chứng, cũng gọi là Quốc Sư Trúc Lâm, người đã từng đón tiếp vua Trần Thái Tông tìm lên Yên Tử năm 1236.

3. Quốc sư Đại Đăng, người đã tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa tại Kinh đô Thăng Long và là thầy của vua Trần Thánh Tông .

4. Thiền sư Tiêu Dao, là thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi Đại Sư Phúc Đường, vì Sư ở Tinh Xá Phúc Đường mà Thượng Sĩ Tuệ Trung có bài thơ tựa “Thượng Phúc Đường Tiêu Dao Thiền Sư”.

5. Thiền sư Huệ Tuệ, theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang cho là Sư vốn làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.

6. Trúc Lâm Đại Đầu đà-Trần Nhân Tông, theo hệ thống truyền thừa của Yên Tử, Ngài thuộc hàng thứ 6, nhưng là người khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm của Đại Việt nên là Sơ Tổ.

Theo sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục của Hòa Thượng Phúc Điền, hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được tiếp nối qua các vị sau:

7. Tổ Sư Pháp Loa.
8. Tổ Sư Huyền Quang .
9. Quốc Sư An Tâm.
10. Quốc Sư Phù Vân. ( Hiệu Tĩnh Lự )
11. Quốc Sư Vô Trước.
12. Quốc Sư Quốc Nhất.
13. Tổ Sư Viên Minh.
14. Tổ Sư Đạo Huệ.
15. Tổ Sư Viên Ngộ.
16. Quốc Sư Tổng Trì.
17. Quốc Sư Khuê Thám.
18. Quốc Sư Sơn Đằng.
19. Đại Sư Hương Sơn.
20. Quốc Sư Trí Dung.
21. Tổ Sư Tuệ Quang.
22. Tổ Sư Chân Trú.
23. Đại Sư Vô Phiền.

Danh sách này được Thiền sư Tuệ Nhãn lược dẫn trong phần đầu của bia ký tháp Giao Quang thờ Thiền sư Tính Đường hiệu Tuệ Cự ngay bên phải cổng Chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử: “Núi Yên Tử từ Sơ Tổ Hiện Quang đến Trúc Lâm Viên Chứng trải qua tới Trần triều Tam Tổ, lần lượt tiếp nối nhau, danh chép truyền đăng phần nhiều khó nêu ra hết. Trong lý ẩn hiện đến Tổ Sư Tuệ Quang trung hưng rộng lớn, Phật pháp thịnh hành, danh lam thánh cảnh, Tuệ Nguyệt sáng mãi, Tuệ Đăng chiếu khắp cho đến Tuệ Cự…”

Trong đây ghi rõ Thiền sư Hiện Quang là Sơ Tổ của Yên Tử, Quốc Sư Trúc Lâm hiệu Viên Chứng rõ ràng, Tổ Sư Tuệ Quang trung hưng Yên Tử, Thiền sư Tuệ Nguyệt thầy của Thiền sư Chân Nguyên tiếp sáng luôn và Thiền sư Tuệ Đăng tức Ngài Chân Nguyên hiện còn tháp đá tôn thờ ở sau nhà Tổ của Thiền viện làm cho dòng Thiền chiếu khắp.

Cứ theo danh sách này, sau Tổ Sư Huyền Quang có tới 8 vị Quốc Sư, thì biết rằng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử vẫn được truyền thừa luôn chứ không phải chìm mất. Về đời thứ ba Thiền Phái Trúc Lâm, ngoài Tam Tổ Huyền Quang, theo bia tháp Viên Thông thờ Tổ Sư Pháp Loa ở Thanh Mai, phần cuối có kể ra hai vị tiếp nối đời thứ ba là Tông Huyền và Kim Sơn, nguyên văn: “Trúc Lâm Đệ Tam Đại Tự Pháp Trụ Trì Tông Huyền, Kim Sơn tấu tuyên”.

Tuy nhiên danh sách tên tuổi là phần biểu hiện bên ngoài, chính “tâm thiền” mới là mạch sống thật. Dù ẩn, dù hiện, dù thăng dù trầm hễ còn có người tỏ sáng được tâm Thiền, là còn tiếp nối được mạch sống Tổ Tông.

VI. CHỨNG NGỘ THIỀN LÝ, LÀM CHỦ SINH TỬ:

Đối với đạo Phật nói chung, và Thiền tông nói riêng, luôn nhấn mạnh phải hiểu và hành tương ứng, nên có câu: “ Hạnh giải tương ưng danh vi viết Tổ”. Vậy “Tổ” không phải ở cái tên, ở danh xưng, mà phải thực sự tỏ hiểu và chứng nghiệm chân Thiền ngay nội tâm mình. Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà đã hội đủ hai điều đó. Về trí tuệ tỏ hiểu Thiền tông của Ngài rất sâu. Như đoạn Tăng hỏi:
- Khi muôn dặm mưa tạnh thì thế nào?
Ngài đáp:
- Mưa tầm tã.
Hỏi:
- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?
Đáp:
- Trăng vằng vặc.

Đã là “Muôn dặm mưa tạnh” tức trời trong không vết mây che thì sao ông còn động niệm khởi hỏi ? Đó tức là mưa tầm tã rồi chứ gì. Còn “Muôn dặm mây che kín”, thì sao ông còn có thể biết hỏi được đây ? Vậy là nó vẫn sáng tỏ rõ ràng, ông lại chẳng ngộ ! Nên Ngài đáp : “Trăng vằng vặc”. Đây là Ngài ứng dụng theo tinh thần Lục Tổ dạy về 36 phép đối rất là tuyệt diệu . Lục Tổ dạy : “ Nếu có người hỏi nghĩa với ông, hỏi Có thì đem Không đáp, hỏi Không thì đem Có đáp, hỏi Phàm thì đem Thánh đáp, hỏi Thánh thì đem Phàm đáp, hai đường làm nhân cho nhau, sanh nghĩa trung đạo”. Thì ở đây hỏi mưa tạnh, Ngài đáp “ mưa tầm tã” ; hỏi mây che kín, Ngài đáp “ trăng vằng vặc”, nếu không phải bậc đã sáng tâm khó nói được quá khéo như vậy. Chính hiện nay nhiều người nghiên cứu về Ngài cũng chưa hiểu hết được Ngài, đôi khi lại hiểu theo thức tình suy tư của mình thành nghiêng lệch. Bởi đối với nhà Thiền: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai” và “Ông vừa cúi đầu trầm ngâm là đã đi xa ngoài ba ngàn dặm rồi”. Sử Thiền sư Pháp Loa kể lại, một hôm Sư trình cả ba bài tụng cho Điều Ngự, đều bị Ngài gạt bỏ hết. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, trông thấy bông đèn tàn rụng xuống, chợt đại ngộ. Đến đây đem trình Điều Ngự mới được ấn chứng.

Chúng ta nên nhớ, trước đó Sư đã qua hai lần tỏ sáng : một lần nhân đọc kinh Hải Nhãn (có thể kinh Lăng Nghiêm) đến bảy chỗ hỏi tâm và đoạn thí dụ khách trần mà có tỉnh; lần khác, lúc Điều Ngự thượng đường, Sư ra thưa hỏi liền được tỉnh. Vậy mà đến lúc trình kệ này vẫn chưa được ấn chứng. Vì có ý làm kệ trình ra kiến giải thế này thế nọ, cũng là cái vay mượn từ bên ngoài, chưa phải của báu nhà mình. Cho nên Điều Ngự dạy phải quay lại tự tham cứu, đến khi thấy bông đèn tàn rụng mới chợt đại ngộ, không qua ý thức suy nghĩ. Cũng cho thấy, trí tuệ của Điều Ngự là siêu việt như thế nào, và cách huấn luyện để tìm người kế thừa của Ngài quả là rất kỹ. Đúng như lời Cổ Đức nói : “Nguồn sâu thì dòng dài”, do đó mà mạch sống ấy đến ngày nay vẫn truyền bất tuyệt.

Rồi đến khi sắp tịch, tức đến lúc cận kề bờ sinh tử, càng cho thấy sức sống thiền nơi Ngài quá vững chãi :
“Giữa đêm mồng 1 tháng 11 năm 1308, Ngài hỏi Bảo Sát :
- Hiện giờ là giờ gì?
Bảo Sát bạch:
- Giờ Tý.
Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói :
- Đến giờ ta đi.
Bảo Sát hỏi:
- Tôn đức đi đâu?
Ngài nói kệ đáp:

Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền
Nào có đến đi gì.
***
(Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền.
Hà khứ lai chi hữu dã).

Bảo Sát hỏi :
- Chỉ như khi chẳng sinh chẳng diệt là thế nào ?
Ngài liền nhằm ngay miệng Bảo Sát tát cho một cái, bảo :
- Chớ nói mớ.
Nói xong, Ngài nằm nghiêng bên phải như sư tử, lặng lẽ mà tịch”.

Như vậy, với Ngài không thấy có chết, có sống, sống chết chỉ là cái hình hài giả tạm này thôi, còn chính Ngài chưa từng có sống chết, đến đi. Chỗ này con mắt phàm tình thế gian làm sao thấy được, hiểu được ? Nếu Ngài không có thực tu, thực chứng, thực hành công phu sâu thì khó được như vậy.

Lại nguyên là một vị hoàng đế tiếng tăm vang lừng như thế, mà khi tịch sẵn sàng tịch nơi vắng vẻ với vị thị giả bên cạnh và di chúc hoả thiêu ngay, không đợi người đến làm lễ to cho nổi tiếng, không vì danh. Tuy nhiên nhân quả vẫn theo nhau, khi vua Anh Tông thỉnh xá lợi về kinh “ lúc làm lễ sắp đưa linh cửu về chôn ở lăng Quy Đức, giờ đã đến mà quan liêu, dân chúng đứng chật khắp cung điện.Tể tướng cầm roi xua đuổi, rốt cuộc không thể mở đường. Vua cho gọi Chi hầu chánh chưởng Trịnh Trọng Tử đến bảo :

- Linh cữu sắp đưa đi mà dân chúng đầy nghẽn như thế thì làm thế nào? Trọng Tử lập tức đến đền Thiên Trì gọi quân Hải Khẩu và Hổ Dực (quân của Trọng Tử trông coi) đến ngồi la liệt trong thềm, sai hát mấy câu Khúc Long Ngâm. Mọi người ngạc nhiên kéo nhau đến xem, cung điện mới giản người, bèn rước về lăng Quy Đức”. ( Trích Toàn Tập Trần Nhân Tông ).

Cho thấy lòng người quá mến mộ Ngài. Quả lành không cầu mà tự đến!

VII. TÓM KẾT :

Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông, một con người quá nổi bật ở nhiều mặt, một nhân cách quá sáng ngời : Nói về lãnh đạo, là một nhà lãnh đạo tài ba, về chính trị là một nhà chính trị xuất chúng, về văn hóa là nhà văn hóa lớn, về tôn giáo là nhà tôn giáo tuyệt vời….Do đó, để nhận định về Ngài, chúng ta khó có thể nhận định toàn vẹn được, nếu đứng trên một chủ kiến, một khía cạnh. Và hơn thế nữa, Ngài lại là hành giả trong pháp xuất thế, một bậc Tổ sư của nhà Thiền thì càng không thể lấy theo ý thức tư duy bình thường mà hiểu được Ngài, phải là người trong cuộc với nhau mới thấu hiểu được nhau, như kinh Pháp Hoa nói : “Chỉ Phật với Phật mới biết”.

Yên Tử được gắn liền với tên tuổi của Ngài, với dòng Thiền do Ngài mở lối, là một đại nhân duyên không phải tầm thường cần được tôn trọng và phải tôn trọng.

Phật giáo nói chung, con đường Thiền nói riêng, là con đường luôn sáng tạo, phù hợp với tinh thần phát triển ở các thời đại. Câu nói nổi tiếng trong nhà Thiền là “Thấy bằng thầy là kém thầy nửa đức, thấy vượt hơn thầy mới kham nhận truyền trao”, không cho đứng dừng một chỗ hay chặn đứng bước tiến của người.

Tóm lại, Trúc Lâm Điều Ngự-Trần Nhân Tông là bậc tôn kính đối với tất cả con cháu chúng ta, và tinh thần của Ngài cần được phát huy đúng mức, nhắc nhỡ cho con em chúng ta và con cháu mai sau phải luôn nhớ cội nguồn, phải biết trân quí, giữ gìn gia sản quí báu của Tổ tiên, chính đó là nền tảng xây dựng đất nước vững bền.

Thượng tọa Thích Thông Phương