Kho mộc bản kinh phật: Ứng viên Di sản tư liệu thế giới

TP - Hồ sơ mộc kinh trình UNESCO công nhận 'Di sản tư liệu' trong chương trình 'Ký ức thời gian thế giới' đã qua vòng I, đang hồi hộp chờ kết quả thẩm định của các chuyên gia vòng tiếp theo.

Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu kho mộc bản kinh phật
Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giới thiệu kho mộc bản kinh phật.

Được sư tổ thiền phái Trúc Lâm là Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông xây dựng thành thiền viện từ cuối thế kỷ 13, chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang) lưu giữ một di sản văn hóa đặc biệt quý giá: Kho mộc bản kinh phật do các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm cho san khắc.

Lịch sử thiền phái Trúc Lâm cho hay: Từ những năm đầu thế kỷ 14, sư tổ đệ nhị của thiền phái đã cho san khắc nhiều bộ kinh luật tại chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ việc truyền giảng, lưu hành giáo lý. Sau, chính sách “hoại thư” của nhà Minh khiến các mộc bản này bị hủy hoại vào đầu thế kỷ 15. Cuối thế kỷ 16, các sư tổ chùa Vĩnh Nghiêm tiếp tục cho san khắc một số mộc kinh song hầu hết cũng bị thất lạc, chỉ còn lưu giữ một số ít. Phải đến những năm giữa thế kỷ 18 (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ 20, các bản mộc kinh mới được san khắc nhiều.

Mộc bản kinh phật thực chất là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho san khắc. Tỉnh Bắc Giang kiểm kê, kho mộc kinh hiện còn hơn 3.000 bản lẻ thuộc các thể loại: kinh, luật giới, trước tác nhà phật, sách thuốc… được san khắc nhiều đợt. Đây là bộ sưu tập mộc bản kinh sách phật duy nhất hiện còn được lưu giữ về thiền phái Trúc Lâm - một trong những thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

 

Kho mộc kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn 3.050 bản. Một số mộc kinh được phục chế bằng chất liệu phù hợp, có hình thức tương đồng với bản gốc để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách và nhà nghiên cứu.

Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: “ Kho bảo vật này chứa đựng lượng thông tin đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm. Cả lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Đan xen là các bản khắc về luật giới, sách thuốc. Các bài phú, kệ, nhật ký trong kho bảo vật này còn là trước tác của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hóa”.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, các mộc bản này do nghệ nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương khắc thành nhiều đợt, vật liệu là gỗ thị, hầu hết được khai thác ngay tại vườn chùa. Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm. Chữ khắc ngược (âm bản), khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi và được đóng, sử dụng theo truyền thống người phương Đông (đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới).

Do đã qua nhiều lần in ấn nên các ván in đều ngả màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Phần lớn ván in được khắc trên hai mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, mỗi ván khắc còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bởi nét hoa văn độc đáo.

Kho mộc kinh là nguồn sử liệu quý giá về quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm.

Phương Nguyên (Theo tienphong)