Tình người nơi xứ lạnh

 

Đi Đà Lạt nhé, đi một lần cho biết! Tiếng cô em cùng lớp cổ động cuộc đi. Tôi phân vân không biết có nên đi hay không? Không đi, có lẽ cả đời sẽ chẳng biết Đà Lạt, còn đi thì… biết bao vấn đề cá nhân cần giải quyết. Nhưng cuối cùng trước tấm chân tình ân cần của các thành viên trong lớp, tôi quyết định đi một lần cho biết xứ hoa đào.

Theo thông báo của trường, chuyếùn Đà Lạt lần này sẽ do thầy chủ nhiệm làm trưởng đoàn hướng đạo. Chúng tôi sẽ đi và ở lại Đà Lạt bốn hôm (từ ngày 19 đến ngày 22). Buổi khuya 19 thật là hồi hộp!

5h15, xe chúng tôi bắt đầu rời thành phố hướng thẳng về xa lộ Biên Hòa. Xe lướt nhanh trong ánh đèn mờ ảo, bỏ lại sau lưng những tiếng nhạc hững hờ của chốn phồøn hoa đô thị nhưng lại âm thầm mang theo trong tôi niềm háo hức đợi chờ miền đất lạ.

6h, 7h đồng hồ nhích dần lên theo ánh bình minh buổi sớm, ngoại thành Đà Lạt, trực thuộc tỉnh Lâm Đồøng đã bắt đầu hiện ra. Một màu xanh biếc trải dài vô tận với đồi núi chập chùng ngoạn mục, những đường cong uốn lượn nên thơ, hun hút bên lề những hố sâu thăm thẳm. Thật là một phong cảnh hữu tình thơ mộng!

Đà Lạt vào những ngày trọng thu, khí trời se se lạnh, lác đác vài cơn mưa bụi, càng tăng thêm vẻ u huyền tịch mặc của thành phố ngàn thông. Thiên nhiên nơi Đà Lạt chẳng những ưu đãi cho loài hoa, cho cỏ cây mà còn cho cả con người… Đến với Đà Lạt, ta nghe cõi lòng rộng mở; bao nhiêu nỗi muộn phiền, những suy tư trong cuộc sống dường như tan biến vào cảnh đẹp hoang sơ nguyên thủy. Từ lâu, tôi đã được nghe danh thành phố sương mù. Lần này được tận mắt nhìn, mới thấy quả “danh bất hư truyền”. Song, nếu chỉ dừng lại ở phong cảnh đẹp thì có lẽ Đà Lạt sẽ nhạt phai dần theo năm tháng. Điều đáng nói chuyến đi lần này đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất, đóù là tình người nơi xứù lạnh.

Nói thật lòng, nghe có vẻ ngây ngô nhưng quả thực tôi từng nghĩ, ở xứ lạnh hẳn con người cũng sẽ “lạnh”. Song rõ ràng không phải thế, thiên nhiên lạnh nhưng con người thì “ấm” vô cùng. Hơi ấm ấy bắt đầu được tỏa ra khi xe chúng tôi dừng lại trước nhà thầy Nguyên Hiền, một căn nhà nho nhỏ ở ngoại ô thành phố. Đây ánh mắt thân thiện, nụ cười cởi mở của chủ nhân, kia những chung trà nóng chuyền tay qua gió lạnh, đặc biệt những ly chè ngọt lịm đã được chuẩn bị chu đáo từ sáng sớm, khiến cho chúng tôi cảm động vô cùng. Một cảm giác mới về người Đà Lạt đã tạo cho tôi niềm hứng khởi trong chuyến du hành hôm ấy.

Rời nhà thầy Hiền, xe tiếp tục hành trình vào lãnh vực Đại Ninh, nơi thuở nào bước chân của bậc cao tăng Thiền Tâm còn lưu dấu. Đại Ninh ngời sáng trong ánh nắng ban trưa, ấp áp trong nụ cười hồn hậu của Hòa thượng Tâm Thanh, viện chủ chùa Vĩnh Minh, một ngôi chùa khá công phu về nghệ thuật chạm trổ mà vẫn đậm chất thiền, phảng phất nét đẹp liêu trai miền rừng núi. Bữa cơm đạm bạc với những món ăn miền sơn dã, không cầu kỳ, không sơn hào hải vị nhưng cách bày trí trang trọng, qua đó tôi thầm nhận ra trong ấy chứa đựng một tình cảm chân thành, một tấm lòng hiếu khách khó quên. Và thâm tình ấy được tiếp tục trải rộng ra trên từng mỗi chặng đường, những trú xứ nơi đoàn chúng tôi dừng chân tạm nghỉ. Trong đó có cả tấm lòng ưu ái, sự nhiệt tình của ni sư Kim Liên, dù khá bận rộn với công việc quy hoạch xây dựng, nhưng ni sư vẫn ân cần hướng dẫn đoàn, tham quan khu đồi đang quy hoạch dở dang và tận tâm khoản đãi bữa ăn chiều thịnh soạn bên dòng thác Boonggo.

Đại Ninh hoàng hôn với cơn mưa không hẹn trước. 5h30 chiều, chúng tôi rời thác Boonggo mà các bạn gọi đùa là thác Bong-gân, đến chỗ Sư Bà Hải Triều Âm thì trời đã sẫm màu. Từng giọt mưa thu lất phất hòa với gió heo may lành lạnh, đường sá vắng tênh, một vài ngôi tịnh thất thấp thoáng giữa rừng cây. Tôi muốn thở vài câu thơ đùa với sương mù nhưng phía trước đã vang lên rộn rã tiếng niệm A Di Đà Phật. Không biết ông trời muốn thử lòng người hay Đại Ninh, vùng đất thiêng, muốn điểm tô thêm vẻ huyền bí mà hôm ấy vùng này lại cúp điện. Nhiều ngọn nến được thắp lên khắp cả giảng đường, ánh nến lung linh như cười trước những gương mặt đang xuýt xoa vì lạnh. Không gian chợt ấm dần lên khi Sư Bà xuất hiện. Năm nay dù Sư Bà đã cao niên, thời gian đã làm phai nét đẹp thời thanh xuân nhưng từ dáng đi, cử chỉ vẫn tỏa ra một cái gì sâu thẳúûm đáng kính vô vàn. Nhìn sư bà thành kính đảnh lễ chư tăng trẻ tuổi, tôi chợt nghe niềm xúc động dâng trào. Ôi! Một cách đảnh lễ thể hiện đầy lòng vô ngã, từ tốn khiêm cung, trọn đầy Bát kỉnh pháp mà có lẽ cả đời, tôi không sao thực hiện nổi!

Bóng đêm phủ trùm, mưa vẫn rơi lất phất, chúng tôi từ giã Sư Bà ra về trong tiếng niêïm Phật giòn tan của quý cô thay lời đưa tiễn. Đêm Đại Ninh dừng chân nơi trú xứ Vĩnh Minh, sau mươi phút lắng nghe Thầy viện chủ tâm tình, chúng tôi đi vào giấc ngủ êm đềm, khi đó nơi nhà trùø ánh đèn còn tỏa sáng, tiếng chân người vẫn nhộn nhịp tới lui, lo bữa điểm tâm ngày mai cho chúng tôi.

7h sáng ngày 20, từ giã Đại Ninh trong ánh nắng ban mai ngọt ngào tình tu sĩ, đoàn tiếp tục cuộc0 hành trình đến Trúc Lâm. Đến nơi Sư ông đã về Thường Chiếu. Thế la, đoàn chỉ tham quan xung quanh thiền viện một lát rồi hạ thuyền sang đảo Nam Qua. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyên Hiền, cả đoàn đã cùng nhau chơi trò đố vui trong căn nhà dã chiến, giữa rừng cây xào xạc tiếng thông reo. Bữa ăn trưa dã ngoại được bày ra trên những chiếc bàn gỗ đơn sơ trong không khí nhộn nhịp, đậm tình pháp lữ.

Rời đảo Nam Qua vào lúc trời ngả bóng, mưa chiều sắp phủ xuống rừng cây, chúng tôi bắt đầu chính thức khởi hành bước vào trung tâm thành phố. Màu xanh của rừng thông đã được thay bằng những sắc màu rực rỡ của đô thị, của những mái nhà tối tân hiện đại, của những vườn hoa mơn mởn khoe mình. Ra khỏi dinh Bảo Đại, đoàn lên đường, xe lượn qua hồ Xuân Hương, đỗ lại trước cổng chùa Quán Âm cách thành phố ba cây số.

Đêm Đà Lạt lạnh hơn ở Đại Ninh, ấy thế mà tình người ở đây vẫn không “lạnh” tí nào. Thầy trụ trì đi vắng, thầy tri sự hãy còn rất trẻ, nhân sự trong tu viện lại ít. Vậy mà suốt hai đêm 20 – 21, chúng tôi ở lại, dân số khá đông nhưng từng bữa ăn đến chốn ngủ đều được quý thầy và quý sư cô quan tâm chu đáo, thể hiện trọn vẹn ân tình giữa những người tu sĩ với nhau. Nếu Đà Lạt làm chúng tôi mệt lữ với đỉnh Liang Biang cao ngất ngưỡng hay buồn hiu hắt với hồ Than Thở đầy rong thì sự tiếp đón nồng nhiệt của quý thầy, quý ni sư ở đây đã sưởi ấm lòng chúng tôi suốt chặng đường dài mệt mỏi.

Quên làm sao được bàn tay nhẹ nhàng, lời cầu chúc an lành, hòa nhã êm dịu của Sư ông chùa Linh Sơn, trị sự tỉnh Lâm Đồng. Với vóc người nhỏ nhắn nhưng không kém phần linh hoạt, dù tuổi đã ngoài 80 Sư ông vẫn vui vẻ xoa đầu hết cả đoàn chúng tôi trong ánh mắt trìu mến thân tình. Quên làm sao được thâm tình của ni sư chùa Phước Huệ, một bữa ăn chiều ấn tượng trong ngôi tu viện còn đang xây cất dở dang. Nhớ tiếng Đại Hồng Chung nơi chùa Linh Phước hôm nào, kết thúc ba ngày tham quan ngắn ngủi.

Thành phố ngàn thông đã lùi khuất dần theo không gian, du khách quay về chốn Sài thành hoa lệ nhưng lòng vẫn vương mang hơi lạnh heo may của rừng núi sương mù, vẫn vương mang theo hơi ấm tình người, tấm lòng hiếu khách, sự bình dị thân thương của quý thầy, quý sư cô nơi đó. Có phải chăng vì thế mà xuân nào nếu có dịp du ngoạn, là mọi người đều chọn Đà Lạt làm nơi khai vị đầu năm? Riêng tôi, trong chuyến đi lần này cảm thấy như mình đã trưởng thành hơn về cách sống và ý nghĩ.

Xin cảm ơn thành phố mộng mơ, cảm ơn vùng đất thiêng Đại Ninh huyền bí từng chở che un đúc những bậc kỳ nhân Phật giáo. Xin cảm ơn tất cả quý sư hữu đồng hành đã cho tôi một chuyến đi đầy bổ ích về tình pháp lữ và cả tri thức thế gian.

 

TN.Tắc Phú

(Tập san Suối Nguồn 14 - TVHQ)