Mái chùa rêu

Sau tiếng đập thùng thùng vào hông xe của người lơ, chiếc xe đò Sàigòn – Thủ Dầu Một ngừng lại thả tôi xuống ngay trước cửa chợ Búng. Trời đầy nắng. Nhìn quanh một lượt, chợ đông người, bên kia đường là khoảng đường nhựa làm bến xe khu vực rộng lớn gồm nhiều tiệm ăn và tiệm bán hàng hóa. Đối diện với cổng chợ là quán cơm xã hội cất trên bờ sông như một nhà thủy tạ. Không thấy ai quen. Một hai tiếng hỏi: “Về đâu chú em?”. Tôi khoát tay lắc đầu. Đi bộ tiếp một đoạn về hướng rạp hát, tôi hỏi thăm nhà trọ. Sau cùng, một Dì, về sau tôi gọi là Dì Năm cho tôi ở. Từ ngoài lộ đi vào khoảng 50 mét, con đường đất rộng và mát, hai bên đầy cây cối trong vườn, tôi xách túi đồ theo chân Dì bước vào sân một ngôi nhà. Khoảng sân khá rộng bao quanh ngôi nhà gạch gồm một nhà chính và một gian bên cạnh. Gian này, phía trước kê một bàn tiếp khách và một bộ ván. Phía trong là một phòng ngủ và đi thẳng ra phía sau là nhà bếp và vườn sau. Dì Năm nói tôi ngủ ở bộ ván. Tôi dạ và cám ơn Dì. Tôi hỏi để đưa tiền trọ, Dì Năm nói chừng nào ở xong đưa tiền cho Dì cũng được rồi Dì đi vô nhà trong lấy ra cho tôi chiếc chiếu, một cái mền và một cái gối rồi đặt ở đầu bộ ván. Dì nói: “Có lu nước rửa mặt sau vườn. Con nghỉ ngơi đi. Dì ra chợ” Tôi lại dạ rồi đặt túi xách lên bộ ván, mở túi lấy khăn mặt vắt lên vai, lấy mấy cuốn sách và vở học bỏ lên bàn rồi kéo phẹc mơ tuya lại và đẩy túi xách vào góc. Phía hiên sau nhà có lu nước mưa và cái ca bằng nhôm. Tôi mở nắp lu lấy ca múc nước rửa mặt. Nước mát rượi khiến tôi tỉnh táo. Tôi lại xối nước cho ướt sũng chiếc khăn, vắt kiệt rồi lau mặt. Vài chú gà con chạy theo gà mẹ kiếm ăn bên hông nhà bếp. Thỉnh thoảng lại chạy vụt sang phía vườn cây.

Buổi trưa đầy nắng và yên ả, chỉ có tiếng chim ríu rít nho nhỏ trong tàn lá ngoài vườn. Tôi không cảm thấy đói bụng. Bây giờ là 1 giờ trưa, tôi mới rời xa thành phố có 3 tiếng đồng hồ. Trước đó, mẹ tôi bắt tôi ăn thật no rồi mới cho đi. Tôi đi thi Tú Tài Nông Lâm Súc. Tôi có hẹn với đám bạn lên đây nhưng lúc xuống xe không thấy đứa nào. Chắc tụi nó chưa lên tới hay đã ở trọ nhà khác. Tôi cảm thấy hơi buồn nếu phải ở một mình.

Cầm cuốn vở, tôi bước ra hiên trước nhà và nhìn ra sân. Một bàn thờ thiên và rất nhiều chậu hoa đủ màu, vườn bên cạnh mát rượi với nhiều cây ăn trái. Ngay sát hiên là hai cây đu đủ cao bằng mái nhà và trái đeo đầy. Chỉ cần bắc cái ghế đẩu là có thể hái được ngay, tôi nghĩ thầm. Quan sát cây cối trong vườn một lúc, tôi ngồi xuống vừa mở vở ra học ôn thì một tiếng “bộp” trên lá khô làm tôi giật bắn người. Một con rắn lục vừa rơi từ trên cây đu đủ xuống, ngóc cổ cao lên hướng về phía tôi. Phản xạ tự nhiên tôi chống tay đẩy chân lùi về phía sau. Con rắn cũng lẹ làng xoay hướng trườn nhanh trên những chiếc lá trên nền đất vào sâu trong vườn. Sau giây lát, tôi bật cười vì sự hoảng hốt của mình và cũng vì thầm “khen” cho sự quan sát của dân thành phố. Con rắn lục nằm ẩn trên cành lá đu đủ và tiệp màu sắc đến độ tôi không nhận ra. Cuộc chào đón đầu tiên “lạ lẫm” của vùng cây trái Chợ Búng, Bình Dương và những con người tôi gặp đã khiến tôi yêu mến vùng đất này mãi về sau. Tôi đứng dậy, bước vào nhà, nằm dài trên bộ ván mát rượi, mở vở ra đọc rồi thiếp ngủ trong ánh nắng lung linh bên cửa sổ.

Buổi chiều tôi đi ra quán cơm xã hội để ăn cơm. Thật may mắn, tôi gặp lại đám bạn cũng ra đó. Cả đám mừng rỡ hỏi thăm tôi vì chỉ có mình tôi là ở riêng một chỗ. Tụi nó hỏi tôi ở đâu, tôi trả lời. Tụi nó rủ tôi đến ở chung. Thằng Tính nói,”Tụi tao đang ở trong chùa gần đây nè! Mày vô ở với tụi tao cho vui mà không tốn tiền.” Tôi hỏi, “Làm sao mày biết mà xin được vậy?” “Sự cụ trụ trì là Ông Bác, anh của Ông Nội tao.” Tôi kêu lên, “Trời ơi! Sướng quá. Ăn cơm xong tao về nói với Dì Năm rồi vô ở với tụi mày.”

Quán cơm xã hội ở Chợ Búng bán cơm ngày hai bữa cho mọi người với giá rẻ. Người ăn thường là người dân lao động, bán hàng dạo, chạy xe lôi, xe xích lô, người lỡ đường và những học sinh nơi xa tới như tụi tôi. Như tên gọi của quán mang ý nghĩa giúp đỡ người nghèo nhưng mỗi bữa cũng chỉ có khoảng một trăm phần ăn nên người ăn phải đến đúng giờ ăn, nếu không thì hết. Bữa ăn có đủ ba món: tô canh nhỏ, đĩa rau muống xào tóp mỡ hoặc bầu xào tôm khô hoặc đĩa rau sống có đủ loại rau thơm và món măn, thường là cá kho, tuy không nhiều nhưng mọi người có thể ăn no vì nhiều cơm. Cơm được nấu bằng gạo đỏ hay gạo lứt. Mỗi người được múc cho một đĩa cơm đầy ụ. Nếu hết phần thức ăn cố định, mọi người có thể chan nước mắm pha sẵn trong lọ hoặc xịt nước tương chai để sẵn trên bàn.

Ăn xong, cả đám kéo nhau qua nhà Dì Năm. Tôi thưa chuyện với Dì rồi xin phép đi với đám bạn. Tôi hỏi tiền trọ. Dì năm khoát tay rồi nói, “Con mới ở có bữa trưa, Dì Năm không lấy tiền đâu. Vô ở với bạn cho vui. Dì chúc mấy đứa thi cử đậu hết.” Tôi và đám bạn đồng thanh cám ơn Dì rồi kéo nhau đi. Chúng tôi lại đi ngang qua cửa chợ, len vào lối đi trong chợ, cúi đầu đi dưới những tấm bạt che của các gian hàng rồi đi ra một con đường nhựa bên hông chợ về phía những lò gốm rồi rẽ vào con hẻm nhỏ. Một ngôi chùa với chiếc cổng nhỏ thấp hiện ra. Ngôi chùa xưa cũ kỹ được cây cối cao lớn bao quanh tạo nên cảnh yên tĩnh. Chùa hình như đã lâu lắm không được tu bổ, lớp vôi trắng quét trên các cột tường đã phai mờ nhợt nhạt. Lá rụng đầy trên các lớp mái ngói đen đúa, rêu phong mọc từng mảng lớn. Xi măng của bậc tam cấp và lối đi trên hàng hiên quanh chùa cũng vỡ tróc ra từng miếng lớn ở nhiều chỗ, lòi lớp gạch thẻ xây bên trong. Bạn tôi kéo tôi băng qua một khoảng sân rộng bên trái rồi bước vào hậu trai của chùa. Hậu trai bao gồm một chái bếp nhỏ kê mấy cái bếp than sát lối ra vào, có một bàn gỗ dài là nơi dùng bữa của Sự cụ Trụ trì và hai sa di đệ tử - Chú Thiện Trí và Chú Thiện Tâm, nhưng hiện chỉ có chú Thiện Trí ở chùa còn chú Thiện Tâm thì đang theo lớp Phật học ở Sàigon, vài tháng nữa mới về. Hai chiếc phản rộng kê sát cửa sổ. Bước lên phía trên một chút là chỗ ngủ của các sa di kê nhiều giường đơn. Tôi chào Sự cụ và xin phép được ở lại chùa với các bạn. Thầy gật đầu vui vẻ và nói: “Con cứ ở lại.” Sư cụ đã ngoài 70 tuổi, người nhỏ thó nhưng trông khỏe mạnh. Gương mặt thầy luôn tươi cười và hiền hậu. Chú Thiện Trí kém chúng tôi vài tuổi, người trông rắn rỏi khỏe mạnh cũng hay cười và ít nói. Trong chùa hiện cũng có một bà vãi già, hàng năm cứ đến khoảng mùa hè lại đến chùa làm công quả. Thằng Tính gọi là Bà Bảy nên chúng tôi cũng gọi theo. Nó nói Bà cũng có họ hàng với nó và Thầy Trụ trì. Đám bạn tôi ngủ trên hai bộ ván. Tôi xin phép lên gian nhà trên ngủ một mình trên chiếc giường đơn. Chúng tôi nói chuyện, đùa giỡn với nhau một lúc rồi đi ngủ sớm. Tôi vẫn thường ngủ xa nhà vì thường cùng các bạn hướng đạo sinh khác đi cắm trại xa. Nhưng đêm nay là đêm đầu tiên tôi ngủ trong một ngôi chùa cổ. Một sự yên tĩnh tuyệt đối vây quanh, tôi nằm nghĩ về gia đình, cha mẹ và anh chị em; nghĩ về cuộc thi quan trọng đối với cuộc đời mình sắp tới. Chiến tranh đã rất khốc liệt, lệnh tổng động viên đã ban hành, Nếu thi trượt tôi sẽ phải lên đường nhập ngũ. Năm 1972, một số bạn học của tôi không hội đủ điều kiện để được hoãn dịch vì ly do học vấn đã phải nhập ngũ khi chỉ mới 17 tuổi. Có đứa, sau 3 tháng huấn luyện tại quân trường Quang Trung chưa về phép thăm gia đình đã được đưa ngay về miền Tây nhận đơn vị và hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên tại Chương Thiện khi vừa chính thức là người lính. Mùa hè năm ấy được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa. Cả nước là một lò lửa hừng hực nóng. Lò lửa chiến tranh “đốt” biết bao nhiêu sinh mạng thanh niên. Trên con đường Lê văn Duyệt tôi vẫn thường đi học vẫn thường thấy những chiếc xe quân đội GMC chở những chiếc quan tài phủ cờ Tổ quốc. Cả lớp tôi dồn dập nhận hung tin. Các bạn gái vào lớp học chỉ biết ngồi khóc, còn mấy thằng con trai thì mất phương hướng, ngơ ngác không biết lúc nào sẽ đến lượt mình nhập ngũ. Bài nhạc “Bài ca học trò” tôi đã cùng bạn bè từng hát vang như thương cho quê hương đau khổ vì cuộc chiến tương tàn, thương cho những thanh niên như chúng tôi phải cố gắng học để giữ mình không bị quăng vào lò lửa chiến tranh. Cha tôi lo lắng đến bạc đầu còn mẹ tôi chỉ biết cầu nguyện cho con được bình an. Đôi lúc tôi cảm thấy chán nản và muốn đăng lính. Tôi thích màu áo Thủy quân Lục chiến.

Ngày kia mới là ngày thi đầu tiên. Buổi sáng hôm sau chúng tôi lên trường Nông Lâm Súc Binh Dương, nơi chúng tôi sẽ thi, xem danh sách phòng thi để hôm sau không bị bở ngỡ. Từ chợ chúng tôi đi bộ lên trường thi, đi ngang qua những ruộng lúa rộng bao la. Những cây lúa đã cao hơn khoảng 3 tấc, cứng cáp và xanh mởn. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, đồng lúa lượn như làn sóng trông rất đẹp mắt. Trong nhóm có thằng Lê cũng cùng phòng thi với tôi Hai đứa biết thế đều vui vẻ. Trường Nông Lâm Súc Bình Dương nằm kế bên trường trung học Trịnh Hoài Đức cả hai ngôi trường đều đẹp, sân trường có nhiều cây xanh. Những cây phượng đã trổ đầy hoa màu đỏ tươi làm sân trường sáng lên.

Buổi chiều, khi tôi thức dậy sau giấc ngủ trưa thấy sự cụ đang nấu ăn ở chái bếp gần cửa ra vào. Tôi đến chào thầy và hỏi thầy nấu món gì. Thầy cười tươi và nói: “Ngày mai các con đi thi. Hôm nay Thầy nấu cho các con ăn. Nhớ ngày mai ráng làm bài cho tốt nghe.” Tôi nói: “Thầy thương chúng con quá. Thầy nấu canh gì vậy?” “ Thầy nấu canh chua bắp chuối với lá vang.” Tôi mở nắp chiếc nồi kế bên “Ồ! Thầy kho mít non với đậu hủ. Ngon qúa.” Chúng tôi được ăn bữa cơm với món canh chua giản dị nhưng ngon không thể diễn tả được. Đứa nào đứa nấy ăn no cành hông mà vẫn còn muốn ăn thêm. Thầy nhìn chúng tôi ăn với nụ cười phúc hậu.

Ngày thi đầu tiên đã xong, đứa nào cũng nói làm bài được. Khi ra khỏi phòng thi trời đã muộn, quán cơm xã hội không còn cơm. Chúng tôi vội vàng vào chợ mua thức ăn về nấu bữa cơm chiều. Gạo thì thằng Tính đã mang theo một bao to đủ cho cả bọn ăn trong mấy ngày thi. Ăn cơm xong thì trời đã tối lắm. Trăng thượng tuần bắt đầu lên lấp ló sau cành lá. Ánh trăng chiếu xuống sân qua cành lá rung động, qua những đám mây bay ngang che khuất khi tỏ khi mờ. Thằng Lê có nhiệm vụ rửa bát gần lu nước ngoài sân. Cả đám còn lại chúng tôi ngồi uống nước, đứa ngồi ở bàn ăn, đứa ngối trên bộ ván. Đột nhiên có tiếng thằng Lê hét lên: “Ma! Ma!” rồi tiếng bát chén ngã chạm nhau. Chúng tôi chạy ra cửa thấy thằng Lê chạy vào mặt hớt hải chỉ ra phía cổng chùa. Tôi nhìn thấy một bóng trắng đang tiến về gần chúng tôi. Khi đến chỗ có ánh sáng chiếu ra từ cửa sổ, cả đám nhìn ra đó chỉ là người đàn ông uống rượu say, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng không cài khuy, chân bước xiêu vẹo, miệng lảm nhảm không thành tiếng thì chợt hiểu. Thằng Lê khi chợt nhìn ra cổng thấy bóng trắng bay phất phới, tai nghe tiếng rên, lại gặp lúc mây che ánh trăng nên cảnh vật tối lại tưởng là ma nên hốt hoảng hét lên. Người đàn ông đi ngang chỗ chúng tôi đang đứng nhìn bèn giơ tay chỉ chỏ, miệng lảm nhảm rồi lảo đảo khuất vào lối đi sau chùa, nơi đi ngang một nghĩa địa. Cả bọn chúng tôi cười vang còn thằng Lê thì mắc cỡ vì sự nhút nhát của mình. Nó vội vàng chạy ra thu dọn nồi niêu bát chén vào.

Tối hôm ấy, ma trở thành chủ đề của mọi câu chuyện kể. Phải đến lúc bà Bảy nhắc đi ngủ mai còn đi thi, cả đám mới ngưng nói và lục tục đi ngủ. Tôi vẫn ngồi ở bàn ăn, dưới ngọn đèn túyp, đối diện với bà và cuốn vở bài học trước mặt. Bà đang khâu vá quần áo của thầy trò sự cụ. Mỗi mùa hè bà lại lên chùa, mang theo vài bộ quần áo mới may cho sư cụ và các chú sa di, gạo, muối, tương, chao . . . rồi bà ở lại vài tháng để quét dọn, nấu ăn, phụ việc trong chùa. Rồi hè năm sau bà lại lên chùa. Cứ thế đã mười mấy năm rồi. Bà hỏi tôi:”Sao con không đi ngủ đi?” Tôi trả lời “Con chưa buồn ngủ.” Chúng tôi yên lặng và mỗi người theo đuổi công việc riêng. Tôi chậm rãi lật từng trang vở, đọc lướt qua các tựa bài và các phần chính. Đêm rất yên lặng. Bà Bảy vẫn cặm cụi vá áo. Đầu óc tôi bỗng sáng suốt lạ thường. Mỗi khi một tựa bài được nhìn đọc là trong đầu tôi hiện lên rõ từng câu từng chữ đã học. Tôi thích thú với điều kỳ diệu đến với mình và xoa tay trong cái lạnh dịu của đêm khuya. Tôi đọc gần hết cuốn vở hiệu Cyclo máy 200 trang của môn học sáng mai sẽ thi. Bà Bảy ngước mắt lên nhìn tôi mỉm cười. Một lúc sau, bà xếp áo bỏ vào chiếc rổ khâu rồi đứng dậy. Bà nói:”Con đừng thức khuya quá nhé! Đi ngủ sớm cho mai tỉnh táo.” Tôi dạ và tiếp tục đọc. Đêm rất khuya. Tôi nhìn quanh. Mọi người đã ngủ hết, chỉ có tôi ngồi lặng lẽ đọc sách một mình dưới vùng ánh sáng trắng. Đột nhiên có tiếng “È è” rất to phát ra từ phía cửa ra vào. Tôi giật bắn người, tóc gáy dựng đứng, trống ngực đập thình thình. Tôi nhìn chăm chăm vào cánh cửa tưởng như có ai sắp sửa xô mạnh bước vào. Vừa lúc ấy, có tiếng: “Tắc! kè! Tắc! kè!” buông thả. Tôi thở hắt ra nhẹ nhõm. Tôi lắng nghe và đếm được 14 tiếng kêu như thế, Ban đầu to rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Thông thường tôi chỉ nghe tiếng tắc kè kêu ngoài vườn và chỉ năm ba tiếng. Nếu kêu nhiều như thế chắc hẳn là con tắc kè này lớn lắm. Tôi bước lại gần cửa thấy hai con tắc kè rất to đang nằm ở góc tường trên bếp. Từ lúc đó trở đi tôi không còn tinh thần ôn bài nữa bèn tắt đèn và bước vào giường ngủ.

Thức khuya thế nhưng tôi vẫn dậy sớm và thấy mình rất khỏe khoắn. Sau khi đánh răng rửa mặt tôi nhẹ bước về phía chánh điện. Tôi bước xuống phía dưới ngước mắt nhìn lên ngắm nhìn mặt Đức Phật rồi qùy xuống chắp tay làm lễ. Tôi niệm thầm danh hiệu “Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật” ba lần rồi cầu nguyện chư Phật phù hộ cho tôi đầu óc luôn sáng suốt để làm bài thi tốt. Sau khi cầu nguyện tôi lại ngước lên nhìn Đức Phật rồi lạy ba lạy. Tôi cũng bước sang hai bàn thờ hai bên thờ Phật Bà Quán Thế Âm và Đức Địa tạng Vương Bồ tát cầu nguyện, lạy rồi ra dựa tường quan sát. Chú Thiện Trí đang đọc kinh. Chú mặc bộ áo lễ rộng, dường như hơi ngắn và cũ. Mỗi khi chú đứng lên quỳ xuống lạy, dáng điệu nhịp nhàng, chiếc áo đong đưa trông thật hay. Có tiếng chuông vang. Tôi nhìn thấy bà Bảy đang ngồi bên giá thỉnh chuông. Tiếng chuông ngân vang nhè nhẹ, tiếng mõ đều đều, tiếng chú sa di đọc kinh như ngân nga khiến lòng mình lắng lại. Tôi chìm đắm trong khung cảnh huyền ảo như thế và chỉ sực tỉnh khi chú Thiện Trí đi ngang qua, chắp tay và mỉm cười chào. Tôi quay trở lại bếp, các bạn tôi đã dậy hết và đang sửa soạn tập sách. Tôi thay quần áo, cầm cặp sách. Cả bọn bước ra khỏi cổng chùa trong màn sương sớm. Lòng phấn chấn bước vào ngày thi thứ nhì.

Buổi chiều khi tan buổi thi, cả bọn lại đi chợ về chùa nấu ăn. Khi về đến chùa, gặp chú Thiện Trí tôi chào chú rồi hỏi thăm sư cụ. Chú Thiện Trí nói Thầy không khỏe và đang nằm trong phòng. Tôi vội vàng đi đến phòng Thầy ở chái phía bên kia để hỏi thăm. Thấy tôi bước vào Thầy mỉm cười. Tôi hỏi ngay Thầy đau như thế nào? Thầy mỉm cười nói: ”Thầy có đau gì đâu. Thầy chỉ hơi nhức đầu. Sáng nay Thầy ra sau vườn cuốc đất để trồng rau, vận động cho khỏe người. Có lẽ Thầy bị cảm nắng.” Tôi nói: “Để con lấy thuốc cho Thầy uống. Thầy ăn cháo nghe” Thầy nói: “Bà Bảy nấu cháo rồi. Để chút nữa Thầy ăn rồi uống thuốc luôn. Thầy lớn tuổi rồi nên dễ mệt thôi. Thầy cám ơn con.”

Buổi tối, tôi lại ngồi ôn bài và nhìn hình ảnh Bà Bảy nhỏ bé cặm cụi ngồi khâu vá áo, thỉnh thoảng Bà lại đưa tay sửa lại mắt kiếng. Tôi còn một ngày thi nữa là kết thúc. Hai ngày thi vừa qua tôi làm bài khá tốt. Tôi nhớ lại buổi thi ban sáng. Khi nhận đề thi tôi không khỏi mừng rỡ vì đó chính là những phần tôi đã đọc trong giây phút sáng suốt trong đêm khuya. Những giòng chữ hiện rõ mồn một trong đầu và tuôn chảy ra giấy. Tôi miệt mài viết như sợ chúng sẽ biến mất. Môn thi kế tiếp là môn Toán. Tôi không lo lắng lắm vì tôi cũng khá trong môn này. Tôi nhanh chóng hoàn thành bài thi mà vẫn còn dư thời gian để đọc kiểm tra từng con số lại. Tôi nhìn quanh phòng và bắt gặp ánh mắt cầu cứu của thằng Lê ngồi cách tôi một lối đi và phía trên một bàn. Tôi biết cho bạn xem bài là vi phạm nội quy phòng thi và nguy hiểm cho chính bài thi của mình, nhưng tôi cũng tội nghiệp bạn. Thằng Lê ra hiệu đang bí câu hỏi số 3. Tôi nhìn quanh xem có Giám thị nào không. Hai thầy giám thị đang trò chuyện phía cửa và nhìn ra phía ngoài. Tôi lấy mảnh giấy, viết vội cách giải. Nhìn ra phía cửa lần nữa rồi đẩy miếng giấy ra mép bàn phía lối đi bên bàn thằng Lê rồi nhanh chóng đứng dậy ra khỏi bàn phía lối đi bên kia. Vừa lúc ấy, một Thầy giám thị quay lại đi về phía tôi. Tôi hồi hộp nhìn rồi lên tiếng: “Thầy cho em nộp bài.”. Thầy quay lại bàn giáo viên, đưa tờ giấy ký tên của các thí sinh rồi cầm bài thi của tôi. Thầy để sang một bên và lấy cây thước dằn lên. Tôi ký‎ tên rồi bước nhanh ra khỏi pḥng thi không dám quay đầu nhìn lại. Lúc cả bọn gặp nhau ngoài cổng trường, tôi chi hất đầu ra dấu hỏi thằng Lê để các bạn khác không biết chuyện. Thằng Lê gật đầu. Lúc sau, hai thằng đi gần nhau, tôi nói nhỏ: “Tao tưởng Thầy Giám thị bắt gặp.” Nó nói: “Tự nhiên lúc đó tao lại quên.” Tôi gật đầu: “Ừ! Thỉnh thoảng tao cũng hay quên bất tử, có ai nhắc thì lại nhớ ra ngay.” Nó nói: ”Cám ơn mày.”. Tôi vỗ vai nó thân thiện.

Giữa khuya tôi chợt thức giấc. Hình như có tiếng động thịch thịch bên hông chùa. Tôi nhẹ nhàng ngồi dậy rồi vén màn bước ra nghe ngóng. Chỗ tôi ngủ nhìn quanh cũng rất tối, chỉ có một hai ngọn đèn dầu nhỏ ở phía các bàn thờ xa xa. Ngôi chùa cũ, chung quanh nhiều cây cối, phía sau lại là một nghĩa địa nên rất hoang vắng. Đêm tĩnh mịch, tiếng động nghe khá rõ, dường như có tiếng bước chân dẫm trên lá. Chỗ cửa sổ nhìn ra sân thì các bạn tôi đã mắc mùng ngủ, không nhìn ra được. Tôi bước lên phía đầu giường, một phía đi về hướng chánh điện còn một phía bước ra một cánh cửa khác cũng bước ra ngoài sân. Chúng tôi không đi vào hậu trai bằng cánh cửa này. Cánh cửa không khóa như thường lệ. Tôi khẽ đẩy cửa bước ra ngoài nhìn và lấy làm ngạc nhiên thích thú. Ngoài sân, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chú Thiện Trí đang luyện võ. Chú mặc chiếc quần rộng, cởi trần đang đi quyền, những cú đấm, cú đá thật mạnh mẽ. Năm 13 tuổi, tôi và chú em họ rất thích võ thuật nên đã lén gia đình đi học võ Vovinam. Thấy ai tập võ là tôi luôn chú ý. Chú Thiện Trí hẳn luyện tập đã lâu nên bài quyền đi thuần thục nhanh nhẹn. Máu võ thuật dâng trào, tôi chăm chú nhìn bộ tấn gọn gàng, ngọn cước nhanh thẳng hay cú rùn thấp người xoay hướng và tung quả đấm thẳng mạnh mẽ và thầm khen ngợi. Khi trở về thế đứng nghiêm kết thúc bài quyền, chú thả lỏng hai cánh tay rồi bước nhẹ điều hòa hơi thở. Nhìn thấy tôi, chú hơi khựng lại rồi mỉm cười. Tôi nói: “Chú đi quyền đẹp lắm!”. Chú Thiện Trí đưa tay vuốt chiếc đầu trọc đang mướt mồ hôi, cười nói: “Huynh cũng biết võ?”. “Tôi rất thích và có tập Vovinam khi còn nhỏ nhưng không được bao lâu. Gia đình bắt tôi tập trung vào việc học hành. Ai dạy huynh vậy?”. “Tôi tập cũng từ khi còn rất nhỏ với một võ sư trong làng trước khi xuất gia. Bây giờ chỉ tự luyện tập cho khỏe mạnh.” Tôi nói” Dưới ánh trăng, một chú tiểu luyện võ, trông cứ như là Thiếu Lâm tăng.” Chú Thiện Trí cười vui vẻ: “Huynh nhớ truyện kiếm hiệp của Kim Dung rồi.” Gió lành lạnh, trăng đã chếch nghiêng về phía sau chùa, tôi chào chú Thiện Trí rồi về giường ngủ lại.

Ngày thứ ba, chúng tôi thi thực hành. Tôi mắc một lỗi nhỏ khi trả lời về phương pháp làm luống trồng các loại dây leo. Tôi tự an ủi mình học ở thành phố nên phần thực hành không giỏi bằng các bạn học ở dưới tỉnh cũng phải. Tuy nhiên tôi hài lòng với các bài thi và tin tưởng mình sẽ đậu. Chiều hôm ấy, chúng tôi rủ nhau ra tiệm ăn bì bún, một món ăn đặc trưng của Chợ Búng, Lái Thiêu. Buổi tối, Bà Bảy nấu và đãi chúng tôi một nồi chè đậu xanh. Thằng Tính nói: “Bà Bảy muốn tụi mình thi đậu hết”. Cả bọn cười vui tin tưởng. Chúng tôi chia sẻ với nhau những suy nghĩ về tương lai. Đứa muốn học thành Kỹ sư ngành Canh nông hay Mục súc hay Công thôn. Đứa thì lo lắng nếu không đậu kỳ thi Tú tài này thì sẽ đi lính hay về quê làm ruộng. Một điều chắc chắn là ngày mai chia tay chúng tôi sẽ ít có dịp gặp nhau. Mấy đứa hỏi địa chỉ nhà nhau hẹn có dịp ghé thăm.

Sáng hôm sau, chúng tôi thu dọn đồ đạc rồi cùng đến phòng Sư trụ trì chào ra về. Thầy vui vẻ chúc chúng tôi đi đường bình an. Chúng tôi cũng chào Bà Bảy và chú Thiện Trí rồi kéo nhau đi ra cổng. Tôi bắt tay chú Thiện Trí thật chặt biểu lộ mối thiện cảm. Tuy chỉ sống có vài ngày ngắn ngủi nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy quyến luyến ngôi chùa nhiều tình thân ái. Thầy Trụ trì đứng trên thềm nhìn chúng tôi chia tay nhau với nụ cười an nhiên. Chú Thiện Trí còn trẻ mà thái độ cũng rất tự tại hay tâm hồn tôi quá đa cảm. Sự gặp nhau của chúng tôi dưới mái chùa này cũng là một sự duyên hợp. Có hợp phải có tan. Khi đủ duyên thì lại hợp. Cuộc thi là một chặng đường đời nhắc rằng chúng tôi đã trưởng thành. Thành công hay thất bại chúng tôi cũng phải sẵn sàng cho những yêu cầu của xã hội. Mỗi người trong chúng tôi sẽ có con đường đi của mình. Chúng tôi sẽ là những viên chức đóng góp vào sự phát triển của xã hôi hay sẽ là những chiến sĩ cầm súng bảo vệ quê hương. Những kỷ niệm nhỏ trong những ngày vừa qua sẽ không bao giờ quên. Trên lối đi ra đường cái có vũng nước nhỏ, vài con vịt tơ sục mỏ tìm kiếm thức ăn nghe xoạp xoạp. Tôi ngoái đầu chào tạm biệt mái chùa rêu.

 

Đức Hùng – Lê Khánh Long

Viết thảo 1974 tại Sàigòn, Việt Nam.    

Viết lại 2010 tại Vancouver, Washington – USA

Theo phusaonline