Ý nghĩa nhu hòa - nhẫn nhục - trụ pháp không và mở tháp Đa bảo

Ba pháp ấn mà Phật dạy trong phẩm thứ 10 rất quan trọng: lên tòa Như Lai là an trụ pháp Không, nhu hòa nhẫn nhục là hạnh và phát tâm đại từ bi; đó là cốt lõi của hành giả Pháp Hoa. Và nếu thành tựu được Tam pháp ấn, thì ai gần người này, tâm cũng được an và thấy hằng sa chư Phật.

Thấm nhuần yếu nghĩa này, khi tôi gần ai mà thấy không an là tôi tránh xa, dù đó là thầy tu. Còn gần người mà mình cảm thấy an thì nên thân cận họ để cùng tu.

Việc tu hành rất gian nan, khổ cực, chúng ta phải nhu hòa và nhẫn nhục, khi bị đánh chửi, phá hại; nhưng vượt được khó khăn này, tháp Đa Bảo sẽ hiện ra cho chúng ta, là đã tới Bảo sở, đã vượt 500 do tuần đường hiểm. Còn kẹt trong 500 do tuần đường hiểm và kẹt thân tứ đại ngũ uẩn, còn bị đủ thứ chuyện hành hạ.

Có thân tứ đại thì phải bị sanh, già, bệnh, chết bức bách không ít; nhưng không có thân, không làm được gì cả, lấy gì làm đạo. Nhiều người hiểu lầm thấy có thân khổ quá, nên tự hủy hoại thân; nhưng bỏ thân này rồi làm hồn ma, làm sao tu được, chỉ còn làm được một việc nhỏ là báo mộng mà thôi. Hồn ma phải chờ con cháu ngủ mê và xuất thần thì mới báo được, vì lúc đó hồn của con cháu và hồn ma mới gặp nhau.

Chúng ta quý trọng thân vật chất này, nhưng phải chuyển đổi thân vật chất. Khi thực hiện được Tam pháp ấn trong phẩm Pháp sư thứ 10, thì chuyển đổi ngũ uẩn thân thành ngũ phần Pháp thân. Bấy giờ cũng thân này, trước bị đánh chửi, nhưng nay được kính trọng, đó là sự khác nhau giữa nghiệp thân và Pháp thân.

Trước khi thành Phật, thái tử Sĩ Đạt Ta mang thân người và thành Phật, Ngài vẫn có thân đó, nhưng thân Sa môn Cù Đàm thì đói khát, còn thân Phật là thân toàn năng.

Đầu tiên, chúng ta chuyển hóa thân thành ngũ phần tâm hương. Chúng ta có thân, nhưng chưa có tâm. Vì vậy, từ tâm trần tục đổi thành tâm Sa môn, từ tâm trần tục đổi thành tâm của người tu hành. Người tu phải có cái tâm, không có tâm giống như người nấu cát muốn thành cơm.

Chúng ta phải có tâm trước, cho nên người tu đòi hỏi phải phát tâm Bồ đề. Theo Đại thừa, Tăng tục đồng nhau, vì lấy phát Bồ đề tâm làm chính. Người có phát Bồ đề tâm là người tu; không phát Bồ đề tâm coi là không tu, dù mặc áo tu là thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo. Còn cư sĩ thân chưa xuất gia, nhưng tâm đã vào đạo.

Chúng ta lấy tâm hương, tức hương đức hạnh là chính, dù xuất gia hay tại gia, ngày nay gọi là người tốt thì đi tu hay ở nhà cũng tốt. Họ có tâm thương người, cứu đời, nhưng cách làm khác nhau mà tâm giống nhau, gọi chung là người đức hạnh.

Trước tiên, chúng ta dâng cúng giới đức cho Phật, thì giới đức của Phật sẽ truyền cho ta, cho nên chúng ta thọ giới từ Phật. Phật ban cho chúng ta Tam tụ tịnh giới là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới. Nhận được nhiếp luật nghi giới của Phật, ta trở thành người đạo đức ở trần gian. Người tu nhận được giới của Phật khác với người chưa nhận được giới của Phật. Nhận được giới của Phật thành người đức hạnh có thể thay Phật làm đạo.

Trong Ngũ phần tâm hương gồm giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát và giải thoát tri kiến hương, thì phần một là giới đức, người đời và ngoại đạo cũng có được, nhưng bốn phần sau là định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến thì đệ tử Phật mới có.

Khi chúng ta thành tựu Tam pháp ấn là nhà Như Lai, áo Như Lai và tòa Như Lai, tháp Đa Bảo hiện ra cho chúng ta. Vì vậy, trên bước đường tu của chúng ta, bao giờ tháp Đa Bảo hiện ra, biết mình đã chí đạo; còn chưa có tháp Đa Bảo là chúng ta chưa tới được với đạo.

500 do tuần đường hiểm, chúng ta phải vượt được là vượt sắc, thọ, tưởng, hành và thức xong, thì bên kia cửa Không là tháp Đa Bảo hay Bảo sở; cho nên kinh Pháp Hoa nói tháp Đa Bảo trụ giữa hư không, nghĩa là thế giới tâm linh mới có tháp Đa Bảo của người tu đúng pháp, hoặc tới Bảo sở, hay kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lô Giá Na lâu các.

Tháp Đa Bảo hiện ra nói lên yếu lý là cổ kim bất nhị, nghĩa là cổ Phật Đa Bảo và Phật hiện tại Thích Ca Mâu Ni là một. Tháp Đa Bảo tiêu biểu cho tất cả những gì quý giá nhất đều hiện trước mặt, đều có sẵn cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải đi cho tới nơi sẽ có tất cả những gì quý báu nhất. Phổ Hiền Bồ tát nhắc chúng ta rằng những gì mạng chung còn đem theo được thì nên tích cực tu hành. Cái gì qua cửa Không sử dụng được, nên mang theo, chắc chắn cơm áo gạo tiền và cả chùa nữa đều phải bỏ lại khi qua cửa Không. Tuy là cửa Không, nhưng mang theo bất cứ thứ gì cũng không qua được. "Cửa không cài, cửa pháp vô môn", không có cửa, không có then cài, nhưng vô không được. Vô chỗ này là tới Bảo sở rồi, thấy tháp Đa Bảo rồi. Cũng như vô chùa, ai vô cũng được, nhưng tu cho ra hồn thì không phải ai cũng được.

Tu nhị thừa được giải thoát, vào giải thoát môn, thì có rất nhiều người được, nhưng sử dụng được pháp Như Lai, chỉ có Bồ tát của Pháp Hoa là Bồ tát nhứt thừa. Còn Bồ tát tam thừa mới ra khỏi sinh tử, chỉ cởi ngưu xa. Bồ tát nhứt thừa từ cửa Không trở lại cuộc đời, kinh gọi là ngự trên đại bạch ngưu xa để vãng hoàn tam giới. Lên xe nhứt thừa mới mọc được hai cánh tay, Bồ tát nhứt thừa mới lấy được của báu trong tháp Đa Bảo.

Trong kinh Pháp Hoa nói rằng tất cả Bồ tát đông như vi trần chỉ thấy tháp Đa Bảo, nhưng không mở được cửa tháp, huống chi là vào được tháp để lấy của báu. Chỉ có Phật Thích Ca mở tháp Đa Bảo được và ngồi chung tòa với Phật Đa Bảo trong tháp Đa Bảo; nói cách khác, chỉ có Phật Thích Ca mới sử dụng đầy đủ tất cả pháp.

Chúng ta thấy tất cả giáo chủ ở thế gian chết rồi mới hiển Thánh. Duy nhất Phật Thích Ca khi còn sanh tiền giáo hóa độ sanh mà không ai hại được Ngài và tất cả thành phần xã hội từ vua chúa cho đến thường dân đều quy ngưỡng Phật. Các vị Thánh khác nếu được vua ủng hộ thì bị quần chúng tẩy chay, coi là công cụ của chính quyền; hay ngược lại, những nhà truyền giáo được quần chúng ủng hộ thì bị vua chúa xử tử, vì sợ có ảnh hưởng mạnh hơn vua.

Đức Phật Thích Ca mở tháp Đa Bảo, ngồi trong tháp và sử dụng tất cả của báu quý giá trong tháp. Phật nói muốn mở tháp, phải tập trung phân thân; không tập trung phân thân thì không mở tháp được, đó là yếu chỉ của kinh.

Vì chúng sinh có tâm tưởng, có nghiệp thức, có nhu cầu khác nhau, cho nên Đức Phật ở các pháp hội phải thuyết pháp sai biệt, nhưng đều nhằm mang an lạc cho chư Thiên và loài người. Vì vậy, không có pháp cố định, phải có pháp sai biệt, mà sai biệt thì phải có phân thân.

Cho nên, phân thân giáo hóa pháp sai biệt là phương tiện, không thực. Vì Phật dạy pháp phải tùy thời là tùy lúc, ví dụ như đất nước chúng ta có thời kỳ trước giải phóng, thời kỳ sau giải phóng và thời kỳ đổi mới. Và pháp cũng thay đổi tùy theo quốc độ, chẳng hạn người Thái Lan không thể tu theo pháp của người Việt Nam, hay hoằng pháp ở Mỹ khác với ở Nhật, v.v…

Đức Phật Thích Ca phân thân khắp mười phương thuyết pháp, Ngài phải nói pháp sai biệt thích ứng với từng quốc độ khác nhau, nên các pháp đó không phải là chân lý; nhưng tháp Đa Bảo là chân lý. Tuy nhiên, chân lý này cũng không rời thực tế được, cho nên muốn mở tháp phải tập trung phân thân lại. Để diễn tả yếu nghĩa này, Phật dạy trong kinh Duy Ma rằng muốn hiểu Phật pháp, phải tìm hiểu trong 94 ngoại đạo, mà muốn hiểu 94 ngoại đạo thì phải hiểu nhu cầu của chúng sinh.

 

 

HT. Thích Trí Quảng

(Bài giảng chùa Kim Sơn ngày 16-2-2011)
 

Mặc áo Như Lai, chúng ta tu nhẫn nhục trước và tu hạnh nhu hòa sau, hoặc ngược lại, thực hiện hạnh nhu hòa trước, tu nhẫn nhục sau, tùy từng người có khác nhau. Thực hiện hạnh nhu hòa trước là tìm những lời lẽ ôn hòa, nhẹ nhàng nhất khi giao tiếp với người. Tuy nhiên, khi chúng ta đối xử với người bằng lời lẽ ôn hòa nhất và tâm chúng ta cũng hòa hợp với người, nhưng họ vẫn không vừa lòng, vì túc nghiệp của chúng ta còn, nên túc nghiệp của ta đụng với nghiệp của người, trở thành chống đối nhau, trong khi ở thật tướng các pháp thì không có chống đối gì cả.

Túc nghiệp là nghiệp đời trước đã tạo, như ta đã từng gây khó khăn cho người trong kiếp quá khứ, nên nay gặp lại họ, nghiệp này nổi lên. Trên bước đường tu, quán sát sẽ thấy có người quý trọng mình, nhưng cũng có người chúng ta hòa hợp với họ mà họ cũng không chấp nhận; đó là tiền nghiệp. Ngay chính Đức Phật đã thành Phật mà cũng có nghiệp, gọi là Phật ở Niết bàn mà còn mang 8 nghiệp. Điều này cần hiểu cho đúng.

Đương nhiên hết nghiệp mới thành Phật được. Vì vậy, đừng hiểu lầm về việc Phật có nghiệp. Thật sự Phật không có nghiệp, nhưng Ngài phải thị hiện nghiệp để giáo hóa chúng sinh; nếu không làm như vậy, mọi người sẽ nghĩ rằng chỉ có Phật mới thành Phật được, còn tất cả chúng sinh không thể làm như Phật được.

Ta và chúng sinh thọ nghiệp, nghĩa là đã tạo nghiệp rồi, nên phải nhận lãnh quả báo. Còn Phật không tạo nghiệp, nên Ngài không thọ nghiệp, nhưng Phật thị hiện nghiệp để làm gương giáo hóa mọi người.

Khi ta nghe lời Phật dạy, nhu hòa với tất cả mọi người, nhưng có một số người ta đã hòa hợp với họ mà họ vẫn chống ta. Trong trường hợp này, chúng ta không có cách gì khác hơn là phải vui lòng chấp nhận sự chống phá của họ và coi điều đó là chúng ta trả nghiệp. Nhờ chấp nhận trả nghiệp quá khứ như vậy, chúng ta lại tự rèn luyện được tâm mình nhẫn nhục, tức chấp nhận và chịu đựng tất cả những gì mà thiên hạ đổ trút lên ta.

Khi chấp nhận trả nghiệp cũ, Phật dạy chúng ta quán sát tất cả các pháp đều Không, ta Không, người cũng Không, nên việc thọ quả báo cũng Không. Vì chân linh của ta và chân linh của người không bao giờ chống nhau; nhưng vì nghiệp của ta và nghiệp của người khởi lên, nên hiện ra tướng chống nhau.

Quán tất cả đều Không là ý nghĩa lên tòa Như Lai. Đầu tiên là quán Ngũ uẩn giai không, nghĩa là thân của người, thân của ta và những thành tố tạo nên vũ trụ đều Không. Người tu phải an trụ pháp Không mới yên ổn được, vì không bị kẹt trong ngũ uẩn. Ta trụ Không thì nằm ngoài ngũ uẩn, cho nên ngũ uẩn của ta và ngũ uẩn của người đều không có. Khi tâm chúng ta kẹt vật là nghiệp. Tâm chúng ta ngoài vật là giải thoát.

Vì vậy, chúng ta tập pháp này bằng cách không nghe, nhiếp tâm lại thì họ có chửi mắng, mình cũng không nghe. Đức Phật cũng thị hiện pháp này, chúng ta còn nhớ khi có người đứng chửi Phật suốt cả ngày, Ngài vẫn an nhiên và trả lời rằng món quà mà họ đem tặng cho Phật, Ngài không nhận thì món quà trở về họ. Họ chửi, lỗ tai ta nghe âm thanh, là có nhĩ thức, vì ta không bị điếc, nhưng tâm ta không nghe; nói cách khác, ta không để ý đến lời của họ, ta không có ý thức, nên không biết. Còn nếu chúng ta để ý vào lời chửi mắng là ta đã nghe bằng tâm, thì ta đã đi vào nghiệp, nên nghiệp khởi lên liền.

Hai người cãi nhau, chúng ta thấy bằng mắt vì có mắt, chúng ta có nghe, vì có lỗ tai, nhưng không biết họ nói gì, vì không nghe bằng tâm, không thấy bằng tâm. Và ngược lại , chúng ta không nghe mà nghe là nghe bằng tâm và không thấy bằng mắt, nhưng thấy bằng tâm, gọi là lục căn hỗ dụng. Các Thiền sư đều nghe và thấy bằng tâm, mà tâm thì đồng nhau, nên một người ở ở Tokyo và một người ở thành phố Hồ Chí Minh cũng nghe được nhau. Thực tế chúng ta thấy có người mà chúng ta thương, dù họ ở cách xa vạn dặm, nhưng vì thương họ, nên chúng ta thấy được họ bằng tâm, không phải bằng mắt. Thấy bằng tâm là thấy bằng chiêm bao. Riêng tôi, trên bước đường tu thường thấy Phật trong giấc mơ, tâm tôi thương kính Phật và tâm luôn niệm Phật. Nhưng có bạn đồng tu nói với tôi rằng ban ngày họ niệm Phật tụng kinh, nhưng tối ngủ họ lại thấy đi đánh giặc, hoặc một thầy khác ngủ thấy đi chài lưới.

Theo tôi, đó là tiền nghiệp của các thầy này, vì tiềm thức còn lưu lại nghiệp đời trước là chài lưới, nên ngủ không thấy bằng mắt, nhưng tâm thấy. Thầy tu thấy đi đánh giặc, vì quá khứ ông từng làm tướng, hay làm quân lính ra chiến trường và những việc này còn lưu giữ trong tâm.

Đức Phật khuyên ta lên tòa Như Lai là quán Ngũ uẩn giai không, để thấy hoàn toàn trống không, chúng ta được giải thoát thật sự. Mọi hiện tượng trên cuộc đời này thuộc thế giới vật chất, chúng ta xa rời, thế giới tâm linh mới hiện ra. Thế giới tâm có hai phần là vọng tâm và chơn tâm. Vọng tâm là khi ngủ thấy săn bắn, chài lưới, hay thấy Phật cũng là vọng thức, là nghiệp, vì chẳng qua nhiều đời chúng ta tu hành, nên hình ảnh Phật được huân tập trong tâm mình. Vì vậy, Phật dạy chúng ta phải quán Không, nghĩa là tất cả việc thiện hay ác trong tiềm thức chúng ta đều phải xả hết. Bước đầu, chúng ta tu thiện, bỏ ác, nhưng muốn giải thoát cũng phải bỏ luôn cả việc thiện mới nhập Không môn được.

Nhập Không môn thì ngủ cũng như thức, thức và ngủ giống nhau. Khi nhập Không môn gọi là Thiền, nên cả tuần không ngủ cũng không sao, hay ngược lại, ngủ cả tháng cũng không sao, vì đã nhập Không môn. Chúng ta chưa vào cửa Thiền được, nên tối ngủ, sáng thức; nhưng vào cửa Không thì không còn đặt vấn đề ngủ hay thức, vì ngủ và thức đối với hành giả đều giống nhau. Cả tháng ngủ, nhưng thật sự là Thiền, vì đối với Thiền sư, Thiền thay cho ngủ, nên họ ngủ mà không mê, vẫn biết rõ mọi việc, là đã vào cửa Không.

Và trụ pháp Không, được giải thoát hoàn toàn, thì từ Không này mới có tình thương chúng sinh, vì thấy chúng sinh còn bị ràng buộc trong ảo ảnh, ràng buộc trong vọng thức, ràng buộc trong khổ đau; cho nên hành giả thương nhân gian mà sanh lại thế gian này, gọi là vào nhà Như Lai, tức khởi tâm đại từ bi, hay phát tâm Bồ đề mà hiện lại cuộc đời mang ngũ ấm thân.

Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta có hai phần, phần một là vào cửa Không, tức nhập định, rồi phát tâm Bồ đề và phần hai là xả định, giáo hóa chúng sinh. Như vậy chúng ta có một phần sống trong định và một phần sống với mọi người.

Tu hành đi ngược dòng về bản thể và từ bản thể đi vào cuộc đời, thì dễ được chúng sinh thương quý; vì từ Niết bàn khởi tâm đại bi thương chúng sinh mà trở lại cuộc đời, nên họ nhìn thấy tướng giải thoát và tướng thánh thiện của hành giả, họ dễ kính trọng. Còn ta sống trên cuộc đời mãi, không vào định, thì ta và người chỉ khác nhau cái áo, ta mặc áo tu, người đời mặc áo thế gian. Vì vậy, bằng mọi cách phải vào cửa Không, giải thoát môn và từ Không mà khởi tâm đại bi trở lại cuộc đời. Nếu thực tu thực chứng sẽ thấy rõ lý này. Tổ Thiên Thai khi còn làm cách mạng muốn thuyết phục người thì gặp khó khăn vô cùng, nên Ngài bị thất bại nhiều lần. Bấy giờ, Ngài nghe tiếng chuông chùa, thức tỉnh, quy y và phát tâm tu, hết lòng tu, mới đạt được đỉnh cao và phát tâm đại bi, Ngài trở lại cuộc đời, liền có sức thuyết phục nhiều người một cách kỳ diệu. Yếu chỉ của kinh là vậy, thực chất của việc tu hành là vậy.

Ai cũng tu, nhưng kết quả không giống nhau, vì người đã vào thế giới Không rồi phát tâm trở lại trần thế, khác với người lăn lộn trên cuộc đời này, phiền não càng sanh và quả báo càng lớn hơn. Quý vị nên nhớ rằng chúng ta chưa giải thoát hoàn toàn, chưa là Phật, nên theo kinh nghiệm riêng tôi, khi phát tâm đại bi làm Phật sự luôn mong được sự hộ niệm của Phật để chúng ta làm thay Phật. Nhưng khi thấy tâm mình bất an là thân và tâm đã rớt vô trần lao, tức bị đọa rồi, thì phải ngừng ngay việc để giữ tâm thanh tịnh.

Tổ dạy rằng nhập trần lao, nhưng phải bất xả pháp giới. Nếu ta quên đường về, thì "Tình ái si mê, tù trong lục đạo, trăm dây phiền não, nghiệp báo không cùng". Vì vậy, phải ngưng trần lao, để trở về bản thể, trở về Cực lạc, trở về Niết bàn, tâm chúng ta sẽ hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát. Và bấy giờ khởi tâm thương nhân gian thì phát tâm Bồ đề trở lại. Trong đời chúng ta, biết bao nhiêu lần phát tâm Bồ đề, biết bao nhiêu lần bị đọa trong sanh tử phải tu lại.

.