Tpt1, VII. Niệm xứ phân tích

VII. NIỆM XỨ PHÂN TÍCH (SATIPATTHĀNAVIBHAṄGO)

1/ NIỆM XỨ PHÂN TÍCH THEO KINH (Suttantabhājanīyaṃ)

431) BỐN NIỆM XỨ (1):

Nơi đây vị Tỳ kheo sống năng quán thân đối với thân nội phần, sống năng quán thân đối với thân ngoại phần, sống năng quán thân đối với thân nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

Sống năng quán thọ đối với các thọ nội phần, sống năng quán thọ đối với các thọ ngoại phần, sống năng quán thọ đối với các thọ nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

Sống năng quán tâm đối với các tâm nội phần, sống năng quán tâm đối với các tâm ngoại phần, sống năng quán tâm đối với các tâm nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

Sống năng quán pháp đối với các pháp nội phần, sống năng quán pháp đối với các pháp ngoại phần, sống năng quán pháp đối với các pháp nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

XIỂN MINH QUÁN THÂN (Kāyānupassanāniddeso)

432) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THÂN ÐỐI VỚI THÂN NỘI PHẦN LÀ SAO (2)?

Nơi đây, vị Tỳ kheo quán tưởng thân bên trong từ bàn chân trở lên, từ ngọn tóc trở xuống, có da bao bọc, chứa đầy những thể bất tịnh diệt: Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mạng mỡ, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu. Vị ấy áp dụng, tu tập làm cho sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó; vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào thân ngoại phần.

433) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THÂN ÐỐI VỚI THÂN NGOẠI PHẦN LÀ SAO (3)?

Nơi đây, vị Tỳ kheo quán tưởng thân bên ngoài từ bàn chân trở lên, từ ngọn tóc trở xuống, có da bao bọc, chứa đầy những thể bất tịnh dị biệt; trong thân của họ có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mạng mỡ, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm cho sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó; vị ấy sau khi đã áp dụng tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào thân nội ngoại phần.

434) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THÂN VỚI THÂN NỘI NGOẠI PHẦN LÀ SAO (4)?

Nơi đây, vị Tỳ kheo quán tưởng thân bên trong và bên ngoài; từ gót chân trở lên, từ ngọn tóc trở xuống, có da bao bọc chứa đầy những thể bất tịnh dị biệt: trong thân có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mạng mỡ, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu. Như vậy là vị Tỳ kheo sống năng quán thân đối với thân nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm diệt trừ tham ưu ở đời.

435) NÓI RẰNG BẬC: "NĂNG QUÁN (5)", Ở ÐÂY SỰ NĂNG QUÁN LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự hiểu biết, hiểu rõ ... (trùng) ... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là sự năng quán. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự năng quán này, bởi lẽ ấy mới gọi là BẬC NĂNG QUÁN.

436) NÓI RẰNG "SỐNG (6)" TỨC LÀ cử động, xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ, bởi lẽ ấy gọi là SỐNG.

437) NÓI RẰNG BẬC "NHIỆT TÂM (7)", Ở ÐÂY SỰ NHIỆT TÂM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự cần cố thuộc về tâm ... (trùng) ... chánh tinh tấn. Ðây gọi là sự nhiệt tâm. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự nhiệt tâm này, bởi lẽ ấy mới gọi là BẬC NHIỆT TÂM.

438) NÓI RẰNG: "BẬC TỈNH GIÁC (8), Ở ÐÂY, SỰ TỈNH GIÁC LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự hiểu biết, hiểu rõ ... (trùng) ... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là sự tỉnh giác. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự tỉnh giác này, bởi lẽ ấy mới gọi là BẬC TỈNH GIÁC.

439) NÓI RẰNG BẬC: "ỨC NIỆM (9)" Ở ÐÂY, SỰ ỨC NIỆM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự nhớ đến, sự tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm. Ðây gọi là sự ức niệm. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự ức niệm này. Bởi lẽ ấy mới gọi là BẬC ỨC NIỆM.

440) NÓI RẰNG: "DIỆT TRỪ THAM ƯU Ở ÐỜI (10)", Ở ÐÂY "ÐỜI (11)" LÀ THẾ NÀO?

Ðời chính là thân này, hay đời là năm thủ uẩn. Ðây gọi là đời.

Ở ÐÂY, THAM (12) LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm ... (trùng) ... tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham.

Ở ÐÂY ƯU (13) LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự bất an, thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm, trạng thái của cảm thọ bất an, khó chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an, khó chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

Tham này và ưu này là như thế, bị hạn chế trong đời này, bị tẩy trừ, yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt, bởi lẽ ấy được nói rằng "diệt trừ tham ưu ở đời".

(DỨT XIỂN MINH QUÁN THÂN)

XIỂN MINH QUÁN THỌ (Vedanānupassanāniddeso)

441) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THỌ ÐỐI VỚI CÁC THỌ NỘI PHẦN LÀ SAO (14)?

Nơi đây, vị Tỳ kheo khi đang cảm giác lạc thọ, biết rõ là ta đang cảm giác lạc thọ; khi đang cảm giác khổ thọ, biết rõ là ta đang cảm giác khổ thọ, khi đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ, biết rõ là ta đang cảm giác phi khổ phi lac thọ, khi đang cảm giác lạc thọ thuộc về vật chất, biết rõ là ta đang cảm giác lạc thọ thuộc về vật chất; hoặc khi đang cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rõ là ta đang cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất; khi đang cảm giác khổ thọ thuộc về vật chất, biết rõ là ta đang cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, hoặc khi đang cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất thì biết rõ là ta đang cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất; khi đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ là ta đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất; hoặc khi đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất thì biết rõ là ta đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác ấn tướng đó, mới chú tâm vào các thọ ngoại phần.

442) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THỌ ÐỐI VỚI CÁC THỌ NGOẠI PHẦN LÀ SAO (15)?

Ở đây, vị Tỳ kheo khi người khác cảm giác lạc thọ, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác lạc thọ; khi người khác cảm giác khổ thọ, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác khổ thọ; khi người khác đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ; khi người khác cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác lạc thọ thuộc vật chất; hoặc khi người khác đang cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất; khi người khác đang cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác khổ thọ thuộc vật chất; hoặc khi người khác đang cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất; khi người khác cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất; hoặc khi người khác cảm giác phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ là họ đang cảm giác phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác (16) theo ấn tướng đó, vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác ấn tướng đó, mới chú tâm vào các thọ ngoại phần.

443) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THỌ ÐỐI VỚI CÁC THỌ NỘI NGOẠI PHẦN LÀ SAO (17)?

Ở đây, vị Tỳ kheo biết rõ lạc thọ là lạc thọ, biết rõ khổ thọ là khổ thọ, biết rõ phi khổ phi lạc thọ là phi khổ phi lạc thọ; biết rõ lạc thọ thuộc vật chất là lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ lạc thọ không thuộc vật chất là lạc thọ không thuộc vật chất; biết rõ khổ thọ thuộc vật chất là khổ thọ thuộc vật chất, biết rõ khổ thọ không thuộc vật chất là khổ thọ không thuộc vật chất; biết rõ phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất là phi khổ phi lạc thọ thuộc vật chất; biết rõ phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất là phi khổ phi lạc thọ không thuộc vật chất. Như vậy là vị Tỳ kheo sống năng quán thọ đối với các thọ nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

444) NÓI RẰNG: "BẬC NĂNG QUÁN" ... (trùng) ... NÓI RẰNG: "SỐNG" ... (trùng) ... NÓI RẰNG BẬC "NHIỆT TÂM" ... (trùng) ... NÓI RẰNG BẬC "TỈNH GIÁC" ... (trùng) ... NÓI RẰNG BẬC "ỨC NIỆM" ... (trùng) ... "NÓI RẰNG "DIỆT TRỪ THAM ƯU Ở ÐỜI"

Ở ÐÂY, ÐỜI LÀ THẾ NÀO?

Ðời chính là cảm thọ này, hay đời là năm thủ uẩn. Ðây gọi là đời.

Ở ÐÂY, THAM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm ... (trùng) ... tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham.

Ở ÐÂY, ƯU LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự bất an thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm, trạng thái của cảm thọ bất an khó chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an khó chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

Tham này và ưu này là như thế, bị hạn chế trong đời này, bị tẩy trừ, yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; bởi lẽ ấy được nói rằng: "diệt trừ tham ưu ở đời".

(DỨT XIỂN MINH QUÁN THỌ)

XIỂN MINH QUÁN TÂM (Cittānupassanāniddeso)

445) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN TÂM ÐỐI VỚI TÂM NỘI PHẦN LÀ SAO (18)?

Ở đây, vị Tỳ kheo tâm có tham, biết rõ là tâm ta có tham; hay tâm ly tham biết rõ là tâm ta ly tham; tâm có sân biết rõ là tâm ta có sân; tâm có ly sân hay biết rõ là tâm ta ly sân, tâm có si biết rõ là tâm ta có si; hay tâm ly si biết rõ là tâm ta ly si; tâm hôn trầm biết rõ là tâm ta hôn trầm; hay tâm phóng dật biết rõ là tâm ta phóng dật; tâm đáo đại biết rõ là tâm ta đáo đại; tâm không đáo đại biết rõ là tâm ta không đáo đại, tâm hữu thượng biết rõ là tâm ta hữu thượng; hay tâm vô thượng biết rõ là tâm ta vô thượng; tâm định tĩnh biết rõ là tâm ta định tĩnh; hay tâm không định tĩnh biết rõ là tâm ta không định tĩnh; tâm giải thoát biết rõ là tâm ta giải thoát; hay tâm chưa giải thoát biết rõ là tâm ta chưa giải thoát. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào tâm ngoại phần.

446) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN TÂM VỚI TÂM NGOẠI PHẦN LÀ SAO (19)?

Ở đây, tâm của người khác có tham vị Tỳ kheo biết rõ là tâm của người này có tham, hay tâm của người khác có ly tham vị ấy biết rõ là tâm của người này ly tham; tâm của người khác có sân vị ấy biết rõ là tâm của người này có sân, hay tâm của người khác có ly sân vị ấy biết rõ là tâm của người này ly sân; tâm của người khác có si vị ấy biết rõ là tâm của người này có si, hay tâm của người khác có ly si vị ấy biết rõ là tâm của người này ly si; tâm của người khác hôn trầm vị ấy biết rõ là tâm của người này hôn trầm; tâm của người khác phóng dật vị ấy biết rõ là tâm của người này phóng dật; tâm của người khác đáo đại vị ấy biết rõ là tâm của người này đáo đại, hay tâm của người khác không đáo đại vị ấy biết rõ là tâm của người này không đáo đại; tâm của người khác hữu thuợng vị ấy biết rõ là tâm của người này hữu thuợng; tâm của người khác vô thượng vị ấy biết rõ là tâm của người này vô thượng, tâm của người khác định tĩnh vị ấy biết rõ là tâm của người này định tĩnh; hay tâm của người khác không định tĩnh vị ấy biết rõ là tâm của người này không định tĩnh; tâm của người khác giải thoát vị ấy biết rõ là tâm của người này giải thoát; hay tâm của người khác chưa giải thoát. Vị ấy biết rõ là tâm của người này chưa giải thoát. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó; vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào tâm nội ngoại phần.

447) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN TÂM ÐỐI VỚI TÂM NỘI NGOẠI PHẦN LÀ SAO (20)?

Ở đây, vị Tỳ kheo biết rõ tâm có tham là tâm có tham, biết rõ tâm ly tham là tâm ly tham, biết rõ tâm có sân là tâm có sân, biết rõ tâm ly sân là tâm ly sân, biết rõ tâm có si là tâm có si, biết rõ tâm ly si là tâm ly si, biết rõ tâm hôn trầm là tâm hôn trầm, biết rõ tâm phóng dật là tâm phóng dật, biết rõ tâm đáo đại là tâm đáo đại, biết rõ tâm không đáo đại là tâm không đáo đại, biết rõ tâm hữu thượng là tâm hữu thượng, biết rõ tâm vô thượng là tâm vô thượng, biết rõ tâm định tĩnh là tâm định tĩnh, biết rõ tâm không định tĩnh là tâm không định tĩnh, biết rõ tâm giải thoát là tâm giải thoát, biết rõ tâm chưa giải thoát là tâm chưa giải thoát. Như vậy là vị Tỳ kheo sống năng quán tâm với tâm nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

448) NÓI RẰNG: BẬC "NĂNG QUÁN" ... (trùng) ... NÓI RẰNG: "SỐNG" ... (trùng) ... NÓI RẰNG BẬC "NHIỆT TÂM" ... (trùng) ... NÓI RẰNG: BẬC "TỈNH GIÁC" ... (trùng) ... NÓI RẰNG: BẬC "ỨC NIỆM" ... (trùng) ... NÓI RẰNG: "DIỆT TRỪ THAM ƯU Ở ÐỜI".

Ở ÐÂY, ÐỜI LÀ THẾ NÀO?

Ðời chính là tâm này, hay đời là năm thủ uẩn. Ðây gọi là đời.

Ở ÐÂY, THAM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm ... (trùng) ... tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham.

Ở ÐÂY, ƯU LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự bất an thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm, trạng thái của cảm thọ bất an khó chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an, khó chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

Tham này và ưu này là như thế, bị hạn chế trong đời này, bị tẩy trừ, yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt, bởi lẽ ấy được nói rằng: "Diệt trừ tham ưu ở đời".

(DỨT XIỂN MINH QUÁN TÂM)

XIỂN MINH QUÁN PHÁP (Dhammānupassanāniddeso)

449) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN PHÁP ÐỐI VỚI CÁC PHÁP NỘI PHẦN LÀ SAO (21)?

Ở đây, vị Tỳ kheo nội tâm có dục vọng vị ấy biết rõ là nội tâm ta có dục vọng, nội tâm không có dục vọng vị ấy biết rõ là nội tâm ta không có dục vọng; sự sanh khởi dục vọng chưa sanh khởi như thế nào vị ấy biết rõ thế ấy, sự đoạn trừ dục vọng đã sanh khởi như thế nào vị ấy biết rõ thế ấy, khi dục vọng đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào vị ấy biết rõ thế ấy.

Nội tâm có sân độc ... (trùng) ... nội tâm có hôn thụy ... (trùng) ... nội tâm có trạo hối ... (trùng) ... nội tâm có hoài nghi vị ấy biết rõ là nội tâm ta có hoài nghi, nội tâm không có hoài nghi vị ấy biết rõ là nội tâm ta không có hoài nghi; sự sanh khởi hoài nghi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự đoạn trừ hoài nghi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; khi hoài nghi đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy.

Nội tâm có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là nội tâm ta có niệm giác chi; Nội tâm không có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là nội tâm ta không có niệm giác chi; sự sanh khởi niệm giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; sự bổ túc phát triển niệm giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy.

Nội tâm có trạch pháp giác chi ... (trùng) ... nội tâm có cần giác chi ... (trùng) ... nội tâm có hỷ giác chi ... (trùng) ... nội tâm có tịnh giác chi ... (trùng) ... nội tâm có định giác chi ... (trùng) ... nội tâm có xả giác chi, vị ấy biết rõ là nội tâm ta có xả giác chi; nội tâm không có xả giác chi, vị ấy biết rõ là nội tâm ta không có xả giác chi; sự sanh khởi xả giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; sự bổ túc phát triển xả giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy.

Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó; vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào các pháp ngoại phần.

450) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN PHÁP ÐỐI VỚI CÁC PHÁP NGOẠI PHẦN LÀ SAO (22)?

Ở đây, vị Tỳ kheo đối với người khác có dục vọng, vị ấy biết rõ là người này có dục vọng; đối với người khác không có dục vọng, vị ấy biết rõ là người này không có dục vọng; sự sanh khởi dục vọng chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; sự đoạn trừ dục vọng đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; khi dục vọng đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy.

Ðối với người khác có sân độc ... (trùng) ... đối với người khác có hôn thụy ... (trùng) ... đối với người khác có trạo hối ... (trùng) ... đối với người khác có hoài nghi, vị ấy biết rõ là người này có hoài nghi; đối với người khác không có hoài nghi, vị ấy biết rõ là người này không có hoài nghi; sự sanh khởi hoài nghi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự đoạn trừ hoài nghi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; khi hoài nghi đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy.

Ðối với người khác có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là người này có niệm giác chi; đối với người khác không có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là người này không có niệm giác chi; sự sanh khởi niệm giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; sự bổ túc phát triển niệm giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy.

Ðối với người khác có trạch pháp giác chi ... (trùng) ... đối với người khác có cần giác chi ... (trùng) ... đối với người khác có hỷ giác chi ... (trùng) ... đối với người khác có tịnh giác chi ... (trùng) ... đối với người khác có định giác chi ... (trùng) ... đối với người khác có xả giác chi, vị ấy biết rõ là người này có xả giác chi; đối với người khác không có xả giác chi, vị ấy biết rõ là người này không có xả giác chi; sự sanh khởi xả giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy; sự bổ túc phát triển xả giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy. Vị ấy áp dụng, tu tập, làm sung mãn, nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, vị ấy sau khi đã áp dụng, tu tập, làm sung mãn nhận định chuẩn xác theo ấn tướng đó, mới chú tâm vào các pháp nội ngoại phần.

451) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN PHÁP ÐỐI VỚI CÁC PHÁP NỘI NGOẠI PHẦN LÀ SAO (23)?

Ở đây, vị Tỳ kheo đang có dục vọng biết rõ là có dục vọng, không có dục vọng vị ấy biết rõ là không có dục vọng, sự sanh khởi dục vọng chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự đoạn trừ dục vọng đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; khi dục vọng đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy. Ðang có sân độc ... (trùng) ... đang có hôn thụy ... (trùng) ... đang có trạo hối ... (trùng) ... đang có hoài nghi, vị ấy biết rõ là có hoài nghi; không có hoài nghi, vị ấy biết rõ là không có hoài nghi; sự sanh khởi hoài nghi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự đoạn trừ hoài nghi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; khi hoài nghi đã trừ sẽ không sanh trong tương lai như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy.

Ðang có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là có niệm giác chi; không có niệm giác chi, vị ấy biết rõ là không có niệm giác chi; sự sanh khởi niệm giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự bổ túc phát triển niệm giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy.

Ðang có trạch pháp giác chi ... (trùng) ... Ðang có cần giác chi ... (trùng) ... Ðang có hỷ giác chi ... (trùng) ... Ðang có tịnh giác chi ... (trùng) ... Ðang có định giác chi ... (trùng) ... Ðang có xả giác chi, vị ấy biết rõ là có xả giác chi; không có xả giác chi, vị ấy biết rõ là không có xả giác chi; sự sanh khởi xả giác chi chưa sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy; sự bổ túc phát triển xả giác chi đã sanh khởi như thế nào, vị ấy biết rõ thế ấy.

Như vầy là vị Tỳ kheo sống năng quán pháp đối với các pháp nội ngoại phần, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời.

452) NÓI RẰNG: "BẬC NĂNG QUÁN" Ở ÐÂY SỰ NĂNG QUÁN LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự hiểu biết, hiểu rõ ... (trùng) ... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là sự năng quán, vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự năng quán này, bởi lẽ ấy mới gọi là bậc năng quán.

453) NÓI RẰNG "SỐNG", tức là cử động, xử sự, trông nom, duy trì, sinh sống, hành động, trú ngụ, bởi lẽ ấy gọi là sống.

454) NÓI RẰNG: "BẬC NHIỆT TÂM". Ở ÐÂY SỰ NHIỆT TÂM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự cần cố thuộc về tâm ... (trùng) ... chánh tinh tấn. Ðây gọi là sự nhiệt tâm. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự nhiệt tâm này, bởi lẽ ấy mới gọi là bậc nhiệt tâm.

455) NÓI RẰNG: "BẬC TỈNH GIÁC". Ở ÐÂY SỰ TỈNH GIÁC LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự hiểu biết, hiểu rõ ... (trùng) ... vô si, trạch pháp, chánh kiến. Ðây gọi là sự tỉnh giác. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự tỉnh giác này, bởi lẽ ấy mới gọi là bậc tỉnh giác.

456) NÓI RẰNG: "BẬC ỨC NIỆM". Ở ÐÂY, SỰ ỨC NIỆM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự nhớ đến, sự tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm. Ðây gọi là sự ức niệm. Vị dự nhập, biến nhập, dự đáo, mãn đáo, dự đắc, hoàn đắc, thành đạt với sự ức niệm này, bởi lẽ ấy mới gọi là bậc ức niệm.

457) NÓI RẰNG: "DIỆT TRỪ THAM ƯU Ở ÐỜI".

Ở ÐÂY, ÐỜI LÀ THẾ NÀO?

Ðời chính là các pháp đó, hay đời là năm thủ uẩn. Ðây gọi là đời.

Ở ÐÂY, THAM LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự tham luyến, tham đắm ... (trùng) ... tham đắm của tâm. Ðây gọi là tham.

Ở ÐÂY, ƯU LÀ THẾ NÀO?

Cái chi là sự bất an thuộc về tâm, sự khó chịu thuộc về tâm, trạng thái của cảm thọ bất an khó chịu sanh từ tâm xúc, sự cảm giác bất an khó chịu sanh từ tâm xúc. Ðây gọi là ưu.

Tham này và ưu này là như thế, bị hạn chế trong đời này, bị tẩy trừ, yên lặng, vắng lặng, tịnh chỉ, dập tắt, diệt tắt, đình chỉ, cấm chỉ, kiệt quệ, tàn rụi, tận diệt; bởi lẽ ấy được nói rằng: "Diệt trừ tham ưu ở đời".

(DỨT XIỂN MINH QUÁN PHÁP)

(DỨT PHẦN PHÂN TÍCH THEO KINH)

2/ NIỆM XỨ PHÂN THEO VI DIỆU PHÁP (ABHIDHAMMABHĀJANĪYAM)

458) BỐN NIỆM XỨ là nơi đây, vị Tỳ kheo sống năng quán thân đối với thân; sống năng quán thọ đối với các thọ; sống năng quán tâm đối với tâm; sống năng quán pháp đối với các pháp.

459) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THÂN ÐỐI VỚI THÂN LÀ SAO?

Ở đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì, năng quán thân đối với thân; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THỌ ÐỐI VỚI CÁC THỌ LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì, năng quán thọ đối với các thọ; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN TÂM ÐỐI VỚI TÂM LÀ SAO?

Ở đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì, năng quán tâm đối với tâm; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN PHÁP ÐỐI VỚI CÁC PHÁP LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì, năng quán pháp đối với pháp; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

Ở ÐÂY, NIỆM XỨ LÀ THẾ NÀO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì, năng quán pháp trong các pháp; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

460) BỐN NIỆM XỨ: Nơi đây, vị Tỳ kheo sống năng quán thân đối với thân; vị Tỳ kheo sống năng quán thọ đối với các thọ; sống năng quán tâm đối với tâm; vị Tỳ kheo sống năng quán pháp đối với các pháp.

461) VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THÂN ÐỐI VỚI THÂN LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì; trong khi ấy có xúc ... (trùng) ... có bất phóng dật. Ðây là các pháp thiện. Do sự tạo tác tu tiến thiền thiện Siêu thế đó, nên bậc ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú Sơ thiền Không tánh, hành nan đắc trì, năng quán thân đối với thân thành tựu quả; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN THỌ ÐỐI VỚI CÁC THỌ LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập Thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì; trong khi ấy có xúc ... (trùng) ... có bất phóng dật. Ðây là các pháp thiện. Do sự tạo tác tu tiến thiền thiện Siêu thế đó, nên bậc ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú Sơ thiền Không tánh, hành nan đắc trì năng quán thọ đối với các thọ, thành tựu quả trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN TÂM ÐỐI VỚI TÂM LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập Thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì; trong khi ấy có xúc ... (trùng) ... có bất phóng dật. Ðây là các pháp thiện. Do sự tạo tác tu tiến thiền thiện Siêu thế đó, nên bậc ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú Sơ thiền Không tánh, hành nan đắc trì; năng quán tâm đối với tâm, thành tựu quả, trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

VỊ TỲ KHEO SỐNG NĂNG QUÁN PHÁP ÐỐI VỚI CÁC PHÁP LÀ SAO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập Thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì; trong khi ấy có xúc ... (trùng) ... có bất phóng dật. Ðây là các pháp thiện. Do sự tạo tác tu tiến thiền thiện Siêu thế đó, nên bậc ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú Sơ thiền Không tánh, hành nan đắc trì, năng quán pháp đối với các pháp, thành tựu quả; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

Ở ÐÂY, NIỆM XỨ LÀ THẾ NÀO?

Nơi đây, khi nào vị Tỳ kheo tu tập Thiền Siêu Thế, pháp dẫn xuất, nhân tịch diệt, để đoạn trừ thiên kiến, đạt đến đệ nhất địa vức, ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú sơ thiền, hành nan đắc trì; trong khi ấy có xúc ... (trùng) ... có bất phóng dật. Ðây là các pháp thiện. Do sự tạo tác tu tiến thiền thiện Siêu thế đó, nên bậc ly các dục ... (trùng) ... chứng và trú Sơ thiền Không tánh, hành nan đắc trì, năng quán pháp đối với các pháp, thành tựu quả; trong khi ấy có chi là sự ức niệm, tùy niệm ... (trùng) ... chánh niệm, niệm giác chi, chi đạo, liên quan đạo. Ðây gọi là niệm xứ; các pháp còn lại là tương ưng niệm xứ.

(DỨT PHẦN PHÂN THEO VI DIỆU PHÁP)

3/ PHẦN VẤN ÐÁP (Pañhāpucchakam)

462) BỐN NIỆM XỨ: Nơi đây, vị Tỳ kheo sống năng quán thân đối với thân, nhiệt tâm tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời; sống năng quán thọ đối với các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm diệt trừ tham ưu ở đời; sống năng quán tâm đối với tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, để diệt trừ tham ưu ở đời; sống năng quán pháp đối với các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, ức niệm, diệt trừ tham ưu ở đời. Ðối với bốn niệm xứ có BAO NHIÊU LÀ THIỆN? CÓ BAO NHIÊU LÀ BẤT THIỆN? CÓ BAO NHIÊU LÀ VÔ KÝ? ... (trùng) ... CÓ BAO NHIÊU LÀ HỮU TRANH? CÓ BAO NHIÊU LÀ VÔ TRANH?

463) (BỐN NIỆM XỨ) có thể là thiện, có thể là vô ký.

(Bốn niệm xứ) có thể là tương ưng lạc thọ, có thể là tương ưng phi khổ phi lạc thọ.

(Bốn niệm xứ) có thể là dị thục, có thể là di thục nhân.

(Bốn niệm xứ) là phi thành do thủ phi cảnh thủ.

(Bốn niệm xứ) là phi phiền toái phi cảnh phiền não.

(Bốn niệm xứ) có thể là hữu tầm hữu tứ, có thể là vô tầm hữu tứ, có thể là vô tầm vô tứ.

(Bốn niệm xứ) có thể là câu hành hỷ, có thể là câu hành lạc, có thể là câu hành xả.

(Bốn niệm xứ) là không đáng do kiến đạo tiến đạo đoạn trừ.

(Bốn niệm xứ) là phi hữu nhân đáng do kiến đạo tiến đạo đoạn trừ.

(Bốn niệm xứ) có thể là nhân tịch diệt, có thể là phi nhân tích tập phi nhân tịch diệt.

(Bốn niệm xứ) có thể là hữu học, có thể là vô học.

(Bốn niệm xứ) là vô lượng

(Bốn niệm xứ) là biết cảnh vô lượng.

(Bốn niệm xứ) là tinh lương.

(Bốn niệm xứ) có thể là cố định phần chánh, có thể là phi cố định.

(Bốn niệm xứ) là có đạo thành cảnh, có thể có đạo thành nhân, có thể có đạo thành trưởng; có thể không nên nói là có đạo thành nhân hay có đạo thành trưởng.

(Bốn niệm xứ) có thể là sinh tồn, có thể là vị sinh tồn, có thể là chuẩn sanh.

(Bốn niệm xứ) có thể là quá khứ, có thể là vị lai, có thể là hiện tại.

(Bốn niệm xứ) không nên nói là biết cảnh quá khứ hay biết cảnh vị lai hay biết cảnh hiện tại.

(Bốn niệm xứ) có thể là nội phần, có thể là ngoại phần, có thể là nội ngoại phần.

(Bốn niệm xứ) là biết cảnh nội ngoại phần.

(Bốn niệm xứ) là vô kiến vô đối chiếu.

464) (BỐN NIỆM XỨ) là phi nhân, là hữu nhân, là tương ưng nhân, không nên nói là nhân hữu nhân mà là hữu nhân phi nhân, không nên nói là nhân tương ưng nhân mà là tương ưng nhân phi nhân. Là phi nhân hữu nhân.

(Bốn niệm xứ) là hữu duyên, là hữu vi là vô kiến. Là vô đối chiếu. Là phi sắc. Là Siêu thế. Là đáng vài tâm biết, không đáng vài tâm biết.

(Bốn niệm xứ) là phi lậu. Là phi cảnh lậu. Là bất tương ưng lậu, không nên nói là lậu cảnh lậu, hay cảnh lậu phi lậu, không nên nói là lậu tương ưng lậu, hay tương ưng lậu phi lậu. Là bất tương ưng lậu phi cảnh lậu.

(Bốn niệm xứ) là phi triền ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi phược ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi bộc ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi phối ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi cái ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi khinh thị ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là hữu tri cảnh. Là phi tâm. Là sở hữu tâm. Là tương ưng tâm. Là hòa với tâm. Là có tâm sở sanh. Là đồng hiện hữu với tâm. Là tùy chuyển với tâm. Là hòa tâm tâm sở sanh. Là hòa tâm tâm sở sanh đồng hiện hữu với tâm. Là hòa tâm tâm sở sanh tùy chuyển với tâm. Là ngoại phần. Là phi y sinh. Là phi do thủ.

(Bốn niệm xứ) là phi thủ ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là phi phiền não ... (trùng) ...

(Bốn niệm xứ) là không đáng do kiến đạo đoạn trừ. Là không đáng do tiến đạo đoạn trừ. Là phi hữu nhân đáng do kiến đạo đoạn trừ. Là phi hữu nhân đáng do tiến đạo đoạn trừ. Có thể là hữu tầm, có thể là vô tầm. Có thể là hữu tứ, có thể là vô tứ. Có thể là hữu hỷ, có thể là vô hỷ. Có thể là câu hành hỷ, có thể phi câu hành hỷ. Có thể là câu hành lạc, có thể là phi câu hành lạc. Có thể là câu hành xả, có thể là phi câu hành xả. Là phi dục giới, là phi sắc giới, là phi vô sắc giới. Là phi hệ thuộc. Có thể là pháp dẫn xuất, có thể là phi dẫn xuất. Có thể là cố định, có thể là phi cố định. Là vô thượng. Là vô tranh.

(DỨT PHẦN VẤN ÐÁP)

(TRỌN VẸN NIỆM XỨ PHÂN TÍCH)

CHÚ THÍCH 7

1) Cattāre satipatthānā.

2) Ajjhattam kāye kāyānupassī.

3) Bahiddhā kāye kāyānupassī.

4) Ajjhattabahiddhā kāye kāyānupassī.

5) Anupassī.

6) Ātāpi.

7) Viharati.

8) Sampajāno.

9) Satimā.

10) Vineyya loke abhijjhādomanassam.

11) Loka.

12) Abhijjhā.

13) Domanassa.

14) Ajjhattam vedanāsu vedanānupassī.

15) Bahiddhā vedanāsu vedanānupassī.

16) Svavatthita.

17) Ajjhattabahiddhā Vedanāsu Vedanānupassi.

18) Ajjhattam citte cittānupassī.

19) Bahiddhā citte cittānupassī.

20) Ajjhattabahiddhā citte cittānupassī.

21) Ajjhattam dhammesu dhammānupassī.

22) Bahiddhā dhammesu dhammānupassī.

23) Ajjhattabahiddhā dhammesu dhammānupassī.