Biểu Tượng Tín Ngưỡng Dân Gian Chùa Đọi

Đạo Phật vào nước ta ngay từ những năm đầu công nguyên. Người Việt cổ gặp gỡ Phật ở tinh thần bình đẳng bác ái, cứu khổ, cứu nạn, mặt khác lại bản địa hóa Phật theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, để Phật trở về đời sống thực. Vua Lý Nhân Tông (Vua thứ tư thời Lý) đã tích cực truyền bá đạo Phật trong sự kết hợp hài hòa như vậy.

Tháp Sùng Thiện Diên Linh do ông đích thân cho xây dựng (1118-1122) là biểu tượng thiêng liêng về Phật, nhưng ý nghĩa tên gọi của nó lại thể hiện sự sùng ái, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh tháp, ông để lại nhiều di vật, văn vật mang biểu tượng dân gian bản địa, hàm chứa nhiều ý nghĩa vừa sâu xa vừa hiện thực.

Biểu tượng chim: Một di vật ở chùa Đọi gây được sự chú ý của nhiều người là tượng "đầu người mình chim", di sản văn hóa của người Chăm (người Chăm gọi là chim thần Kinari). Tượng có bộ mặt giống con người hiện thực, thể hiện sự trầm tư, vẻ đẹp dịu dàng nhưng lại rất rạng rỡ, phảng phất hình bóng của người Chăm với chiếc khăn quấn đầu rủ từ thái dương xuống vai. Có thể biểu tượng chim thần Kinari được người Chăm lấy từ môtíp chim thần Guruda trong thần thoại Ấn Độ và đã bản địa hóa nó về nội dung, cách tân về nghệ thuật.

Biểu Tượng Tín Ngưỡng Dân Gian Chùa Đọi

Lại Phi Hùng

Đạo Phật vào nước ta ngay từ những năm đầu công nguyên. Người Việt cổ gặp gỡ Phật ở tinh thần bình đẳng bác ái, cứu khổ, cứu nạn, mặt khác lại bản địa hóa Phật theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, để Phật trở về đời sống thực. Vua Lý Nhân Tông (Vua thứ tư thời Lý) đã tích cực truyền bá đạo Phật trong sự kết hợp hài hòa như vậy.

Tháp Sùng Thiện Diên Linh do ông đích thân cho xây dựng (1118-1122) là biểu tượng thiêng liêng về Phật, nhưng ý nghĩa tên gọi của nó lại thể hiện sự sùng ái, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh tháp, ông để lại nhiều di vật, văn vật mang biểu tượng dân gian bản địa, hàm chứa nhiều ý nghĩa vừa sâu xa vừa hiện thực.

Biểu tượng rồng: Được chạm khắc xung quanh và trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, trên vách tháp cũng chạm khắc nhiều mảng rồng ổ. Rổng biểu tượng tín ngưỡng của các cư dân canh tác lúa nước, ẩn dụ sự cầu mong mưa thuận gió hoà để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên trán bia chạm hai con rồng đối xứng, chầu vào hàng chữ Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (Tháp bia Sùng Thiện Diên Linh - nước Đại Việt, triều vua Lý thứ tư). Rồng còn được dùng làm vật trang trí trên gạch đất nung: thân hình tròn trịa với nhiều khúc uốn lượn, chân dài và nhỏ dần về phía đuôi, vừa có dáng dấp của một con rắn, vừa có hình thù của cá sấu. Hình rồng còn thô sơ như vậy là do tái hiện tín ngưỡng của cư dân Việt cổ sống ở đồng bằng sông nước với tục thờ rắn và cá sấu, lấy các loài thuỷ tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các dân tộc người Việt cổ) kể rằng, Lạc Long Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là từ một loài rắn hóa thân mà thành. Rắn + cá sấu theo trí tưởng tượng dân gian được trừu tượng hóa, dần trở thành hình tượng rồng, để rồi, rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo càng thể hiện thế bậc uy quyền phong kiến của nó.

Khắc rồng vào bia Sùng Thiện Diên Linh ghi hiệu triều đại mình giữa nơi thờ Phật, phải chăng Lý Nhân Tông có ý tưởng đưa tín ngưỡng dân gian - đặc điểm cơ bản của bản sắc văn hóa dân tộc lúc đó-vào việc truyền bá đạo Phật; để kết hợp giữa vương quyền và thần quyền nhằm củng cố và xây dựng Nhà nước phong kiến tự chủ của mình, làm hưng thịnh dân tộc, thực hiện giấc mơ rồng vàng của Lý Thái Tổ ngay từ buổi rời đô về Thăng Long để mở ra kỷ nguyên với nền văn hóa Đại Việt - Thăng Long rực rỡ.

Biểu tượng chim: Một di vật ở chùa Đọi gây được sự chú ý của nhiều người là tượng "đầu người mình chim", di sản văn hóa của người Chăm (người Chăm gọi là chim thần Kinari). Tượng có bộ mặt giống con người hiện thực, thể hiện sự trầm tư, vẻ đẹp dịu dàng nhưng lại rất rạng rỡ, phảng phất hình bóng của người Chăm với chiếc khăn quấn đầu rủ từ thái dương xuống vai. Có thể biểu tượng chim thần Kinari được người Chăm lấy từ môtíp chim thần Guruda trong thần thoại Ấn Độ và đã bản địa hóa nó về nội dung, cách tân về nghệ thuật.

Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học và văn hóa dân gian thì trước khi đạo Phật cùng văn hóa Ấn Độ du nhập vào Đông Nam Á, các cư dân ở đây (kể cả người Việt - Mường cổ, người Chăm cũng như nhiều tộc người khác cư trú ở vùng rừng núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên ở nước ta) đã có tín ngưỡng khá phổ biến là tục thờ chim, chim trở thành vật tổ. Trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường (cùng gốc với người Việt cổ) thì chim Tùng - chim trống, chim Tót-chim mái (có dị bản gọi là chim Ấy, chim Ứa) là vị tổ sinh ra người Mường, người Việt, người Dao… Bà Âu Cơ trong huyền thoại họ Hồng Bàng là nhân vật hóa thân từ nòi tiên (chim) trong tục thờ chim của người Lạc Việt.

Như vậy tượng "đầu người mình chim" được các vua Lý đem từ Chiêm Thành về và chạm khắc trên các cột trong kiến trúc là do có sự tương đồng về tín ngưỡng dân gian giữa người Việt và người Chăm trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á thời viễn cổ.

So sánh biểu tượng chim thần Guruda trong thần thoại Ấn Độ, trong việc thờ Phật với biểu tượng chim trong tín ngưỡng của các tộc người ở Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng thì thấy: Chim thần Guruda trong thần thoại Ấn Độ là vật cưỡi của thần Vinus (thần huỷ diệt), lúc thì mang hình dáng loài chim, lúc thì đầu chim, nửa dưới có chân giống người, là kẻ thù của thần rắn. Cả chim thần và rắn thần ở đây trước, sau vẫn là "vị thần", không có gốc gác gì liên quan đến sự hình thành các tộc người. Trong việc thờ Phật, Guruda biểu tượng cho sức mạnh Phật pháp, phò Phật về cõi hư vô, tịch diệt. Chim theo tín ngưỡng dân gian của các tộc người cư trú trên rừng núi nước ta bởi được coi là vật tổ nên biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở. Theo quan niệm lưỡng hợp, lưỡng phân của người Việt cổ thì, chim và rắn tuy khác nòi nhưng lại có thể hỗn mang với nhau. Vì vậy, huyền tích về Âu Cơ - vị tổ của các cư dân sống trên rừng núi hôn phối với Lạc Long Quân - vị tổ của các cư dân sống ở đồng bằng sông nước, là âm hợp dương để sinh 100 trứng, nở ra 100 người con trai và sau đó lại phân chia: 50 con theo mẹ (âm) lên rừng núi (dương), 50 con theo cha (dương) xuống đồng bằng (âm) (1).

Thời Lý, tín ngưỡng này chỉ gặp gỡ quan niệm của Phật ở chỗ đều coi loài vật gần gũi với loài người, có thể hóa kiếp thành nhau trong vòng chuyển hóa luân hồi. Vì thế mà các vua Lý đã đem tượng "đầu người mình chim" vào chùa (ở một số chùa nước ta thời Lý - Trần thường trang trí nơi bệ đá Phật ngự bốn góc có bốn chim thần Guruda nâng Phật bay lên).

Biểu tượng rùa vàng: Phần đầu bia Sùng Thiện Diên Linh dành đoạn ngắn giảng giải về "cái diệu thể huyền tịch" và lịch sử đạo Phật. Phần chủ yếu còn lại ca ngợi công lao, tài trí của vua Lý Nhân Tông, đặc biệt là tài thiết chế các mô hình kiến trúc: "… Gặp lúc trung du cảnh đẹp, muôn việc nghỉ ngơi thì vua vận dụng "sự kỳ diệu của mưu thần" vào việc chế thuyền ngự nguy nga, to đẹp như cảnh thần tiên trên bể, chế tạo mô hình rối nước rùa vàng mà mọi cảnh đều sinh động như người gỗ đánh chuông, đài sen 7 tầng có bánh xe chuyển động…".

Đoạn văn miêu tả trên đã cường điệu tài trí của vua Lý Nhân Tông trong sự vận dụng "sự kỳ diệu của mưu thần". Vậy mưu thần ở đâu, do ai phò giúp? Có phải ở nơi Phật?

Trong tín ngưỡng của một số tộc người cư trú ở vùng núi nước ta thời viễn cổ có tục thờ thần rùa. Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường cho biết, nhân vật có tài thiết kế, xây dựng chính là thần rùa vàng. Thần rùa vàng giúp con người dựng ngôi nhà theo kiểu cấu trúc giống cái mai của mình, nguyên vật liệu thì có gỗ để làm kèo cột, luồng nứa làm sàn nhà, còn lá tranh làm mái. Ở Rùa, theo tư duy về vũ trụ của người Việt cổ, đã hợp đủ các yếu tố âm dương (vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước, vừa cứng lại vừa mềm, vừa động lại vừa tĩnh) nên ẩn dụ về sự kết cấu vững bền, về sức sinh sôi, về trường tồn. Vì thế, nhà nước Văn Lang chuyển thành nhà nước Âu Cơ ở trình độ tổ chức cao hơn là do tộc người có tục thờ rùa (có thể là các tộc Tày - Thái) đã dung hợp với con cháu của bà Âu Cơ (chim) và ông Lạc Long Quân (rắn - rồng). Vua Thục Phán - An Dương Vương có nguồn gốc từ tộc người thờ thần rùa nên ông mới có được "sự kỳ diệu của mưu thần" trong việc xây loa thành và chế tạo nỏ thần (nói khác đi là trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước Âu Lạc).

Nếu như chuyện họ Hồng Bàng giải thích nguồn gốc dân tộc, thì chuyện rùa vàng đề cập đến nhiều vấn đề trọng yếu trong nghiệp dựng nước và giữ nước trên tất cả các mặt văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao… của người đứng đầu đất nước đối với vận mệnh của quốc gia.

Nhà Lý mở ra kỷ nguyên Đại Việt nhưng vẫn dựa vào văn học dân gian (văn hóa dân gian nói chung) làm nền tảng tinh thần để củng cố quốc gia độc lập, tự chủ của mình. Phải chăng bài học rùa vàng lúc nào cũng có trong ý thức của các vua Lý: "sự kỳ diệu của mưu thần" mà văn bia Sùng Thiện Diên Linh nhắc tới chắc có sự liên tưởng đến câu chuyện rùa vàng? Và tài trí của Lý Nhân Tông trong thiết chế các mô hình kiến trúc (xây dựng đất nước) được ví như sự kỳ diệu trong việc xây thành Cổ Loa và chế tạo nỏ thần của vua An Dương Vương xưa kia.

Trở về với rối nước rùa vàng thời Lý, mà văn bia đã miêu tả, ta dường như thấy "… Lòng sóng rung rinh. Rùa vàng nổi lên đội ba quả núi. Nước chảy nhịp nhàng, rùa nở phô vảy đẹp, chuyển động bốn chân và nhe răng, trợn mắt phun nước biểu diễn, điệu sáng sủa trên mặt nước tràn đầy. Động này, cửa nọ tranh nhau mở, xuất hiện nhiều thiên thần nhuần nhị, nét mặt thanh tân, há đâu phải vẻ đẹp người dương thế. Tay nhỏ nhắn mềm mại múa điệu hồi phong, mắt nhìn mây biếc và ca khúc vân hội. Chim phượng có sừng hợp nhau thành đôi. Tất cả đều múa phô diễn". Rối nước là sản phẩm văn hóa dân gian của người Việt canh tác lúa nước, là sinh hoạt văn hóa phổ biến trong hội hè ở các làng quê sau những vụ mùa bội thu. Nghệ thuật này được Lý Nhân Tông phát triển, ông cho chế tạo mô hình rối nước rùa vàng làm trò diễn trong cung đình, nơi thiêng liêng Phật ở như chùa Đọi. Lý Nhân Tông tuy đi theo đạo Phật nhưng không phải để hướng về cõi niết bàn cực lạc hư vô mà tìm về thú vui đời thực. Đó là biểu hiện ý nguyện của cư dân nông nghiệp nước ta đã có từ xa xưa, luôn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân cường vật thịnh. Điều đó cũng giải thích rằng: bên cạnh việc đưa đất nước thành quốc gia Phật giáo, Lý Nhân Tông rất chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp (nghề trồng lúa nước và trồng dâu nuôi tằm), biến nước Đại Việt thành một quốc gia văn minh nông nghiệp thuở ấy.

Qua phân tích ý nghĩa một số biểu tượng tín ngưỡng dân gian còn lưu lại trong các di vật ở chùa Đọi, có thể khẳng định rằng: thời Lý, tín ngưỡng dân gian thấm sâu vào mọi thiết chế xã hội, làm cho vua, dân, Phật gần nhau và Phật giáo được dân gian hóa, được biểu hiện ra thành ước vọng về cuộc sống hiện thực tốt đẹp.

Qua đây, chúng ta thấy Lý Nhân Tông thực sự tiêu biểu cho các ông vua phong kiến Việt Nam trong lịch sử biết tiếp thu có chọn lọc văn hóa - tư tưởng nước ngoài để làm giàu cho văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

1. Xin xem Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

Trích Văn Hoá Nghệ Thuật