Kinh thuyết như vậy

Nguyên bản: Pali

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu

KINH TIỂU BỘ

KINH THUYẾT NHƯ VẬY

Lời giới thiệu

Tập Itivuttaka: “Kinh thuyết như vậy”, thuộc Bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh) gồm có 112 kinh với các bài kệ, chia thành 4 chương, chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, chương bốn pháp. Như vậy là một sự phân loại các đề tài theo pháp số, như kiểu tập Tăng Chi Bộ Kinh. Sở dĩ được gọi là “Itivuttaka : Thuyết như vậy”, là vì phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu: “Đây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe”, và được kết luận với câu: “Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe”. Có một số kinh ở chặng giữa không có các câu mở đầu và câu kết như thế này, nhưng đến các kinh cuối lại được ghi trở lại.

Theo truyền thống, như đã được ghi trong tập sở được xem là của tôn giả Dhammapàla, Khujjuttarà một nữ cư sĩ, thường đi nghe Thế Tôn thuyết pháp cho chúng tỷ kheo, nàng ngồi sau lưng một bức màn trở thành một bậc đa văn, nghe nhiều, giỏi về chánh pháp và giỏi về trí tuệ. Nàng được nội cung của vua Udena yêu cầu nói lại những điều đã được nghe và sau khi nghe, học thuộc lòng những điều đã được nghe. Nàng được Thế Tôn khen và gọi là đa văn đệ nhất. Theo truyền thông, chính là tập Itivuttaka này, nàng đã được nghe và truyền tụng lại. Tập sớ có ghi rằng chúng tỷ kheo cũng học thuộc lòng tập kinh này, và chính tôn giả Ananda đã đọc lại bộ kinh này, trong kỳ kiết tập thứ nhất ở Ràjagaha (Vương xá). Các kinh ở chương bốn pháp dài hơn và không có kinh Hán tạng tương đương và được xem là ghi chép về sau, một số kinh trong tập này được tìm thấy trong tập Tăng Chi Bộ Kinh và Puggala-pannatti (Theo sự chú giải của bản dịch Anh văn).

Về phương diện nội dung tập Itivuttaka không đề cập tới đời sống đức Phật, đời sống các đại đệ tử của đức Phật như chúng ta được thấy trong tập Udàna. Tập này chú trọng nhiều hơn đến phần giáo lý căn bản, định nghĩa những pháp số, phân loại theo bốn chương một pháp, hai pháp, ba pháp, bốn pháp. Nói một cách khác. Một số đề tài đã được lựa chọn, định nghĩa, giải thích 1 cách ngắn gọn để các đệ tử có thể tìm hiểu, học thuộc lòng và nắm giữ được phần căn bản trong giáo lý của đức Phật. Như vậy, giải thích được truyền thống, xem rằng chính Khujjuttarà, nghe được những lời Thế Tôn dạy, nhớ lấy rồi thuyết lại cho các đệ tử khác, nhờ vậy tập nầy được lưu truyền.

Kinh “Phật thuyết như vậy”, xuất xứ từ kinh Tạng Pàli là kinh thuộc kinh điển Thượng Tọa Bộ, trung thành gìn giữ lời dạy của đức Phật.

Trước hết, kinh này không đề cập đến Abhidhamma (Thắng Pháp). không đề cập đến các chuyện tiền thân (Jàtaka) và như vậy kinh này không thuộc về văn học Abhidhamma, và văn học Jàtaka, hai văn học này chỉ được bắt nguồn, kết thành trong giai đoạn thứ hai là giai đoạn các học phái, từ khoảng 300 năm đến 100 năm trước kỷ nguyên. Kinh này không nằm trong giai đoạn thứ hai là giai đoạn các học phái, từ khoảng 300 năm đến 100 năm trước kỷ nguyên. Kinh này không nằm trong gia đoạn phát triển thứ ba là thời hưng khởi của đại thừa (100 năm trước kỷ nguyên đến 100 năm sau kỷ nguyên). Như vậy kinh này nằm trong giai đoạn đạo Phật nguyên thủy khoảng 450 năm đến 350 năm trước kỷ nguyên khi lời dạy của đức Phật chưa bị pha trộn, xen lẫn bởi những phát triển về sau. Sự kiện này được phần nội dung của kinh này chứng minh như chúng ta sẽ rõ sau này, và cũng được xác định theo truyền thống, vì kinh này được nữ cư sĩ Khujjuttarà đích thân nghe đức Phật rồi về thuyết giảng lại để được học hỏi ghi nhớ và truyền lại cho đến ngày nay.

Nói về đức Phật hiện tại và rộng hơn nữa, nói về Như Lai (Tathagata), chúng ta sẽ thấy đức Phật chưa được thần thánh hóa, chưa dùng thần thông để hóa độ chúng sanh.

Như Lai được diễn tả như một bực đã giác ngộ thế giới, “Thế giới tập khởi, thế giới đoạn diệt, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.”

“Này các tỷ kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các tỷ kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh Đẳng Giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các tỷ kheo, Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các tỷ kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai đã tu tập.”

“Cái gì này các tỷ kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn chư Thiên và loài người được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các tỷ kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết bàn, không có dư y, trong thời gian ấy điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên, tất cả là như vậy, không có khác được, do vậy được gọi là Như Lai.”

Này các tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy; vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi Như Lai.”

“Này các tỷ kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người. Như Lai là bậc chiến thắng, không bị chiến bại. toàn trí, toàn kiến, được tự tại, do vậy được gọi là Như Lai (kinh số 112, trang 85).”

Hình ảnh Như Lai là vậy, hình ảnh Thế Tôn không có khác hơn, ở đây Thế Tôn tượng trưng cho Pháp và những ai thấy Pháp, người ấy mới gần Thế Tôn, như kinh số 92, trang 67 nêu rõ:

“Này các tỷ kheo, nếu một tỷ kheo nắm lấy viền áo Tăng già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy không thấy pháp. Do không thấy pháp nên không thấy Ta. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo sống xa đến 100 do tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tỉnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy thấy pháp. Do thấy pháp nên thấy Ta”. Trong kinh số 100, trang 75, chính Đức Phật tự  tả mình như sau: “Này các tỷ kheo, Ta là Ba la môn, người được đến yêu cầu (yàcayogo), tay luôn luôn thanh tịnh (payatapàni) mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị (Bhisakko) y sĩ giải phẫu (sallakatta). Các ngươi thật là con của Ta (arasà) từ miệng sanh, từ pháp sanh, từ pháp tạo thành, thừa tự pháp, không thừa tự tài vật!” Đức Phật tự xưng là y sĩ chữa trị (bhisakkà), tự xưng là y sĩ giải phẫu (sallakatta). Ngài xem các đệ tử như con của Ngài, từ miệng sanh, từ pháp sanh, là những con cháu thừa tự pháp, đâu đâu cũng thấy vai trò trọng yếu của chánh pháp, vì đức Phật là tượng trưng cho Pháp, tự miệng mình thuyết pháp độ chúng sanh. Rõ hơn nữa là tự xác nhận hai loại thuyết pháp của đức Phật, như kinh số 35, trang 24 đã nêu rõ: “Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A la hán, chánh đẳng giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? Hãy thấy Ác là ác. Đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly! Đây là thuyết pháp thứ hai!”

Đức Phật đã là đức Phật nguyên thủy, thời mục đích của sự tu hành, sự cứu cánh của Phạm hạnh và mục tiêu giải thoát giác ngộ là những mục tiêu trung thành với giáo pháp chánh thống nguyên thủy.

Mục đích của đạo Phật là giải quyết vấn đề sanh lão bệnh tử, tức là chấm dứt sự đau khổ cho con người. Và đoạn kinh sau này xác chứng rằng sự đau khổ có thể được chấm dứt và trạng thái đau khổ được chấm dứt là Niết bàn. Dưới đây là định nghĩa của Niết bàn ấy trong kinh số 44, trang 28:

“ Này các tỷ kheo, có hai Niết bàn giới này. Thế nào là hai... Niết bàn giới có dư y và Niết bàn giới không dư y. Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn giới có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại. Ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý, vì rằng tự ngã không có thương hại nên cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các tỷ kheo, đây gọi là Niết bàn có dư y. Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn không có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu”. Một kinh nữa, kinh số 43, trang 27 xác nhận sự hiện diện của trạng thái giải thoát này, ngay trong đời hiện tại, có mặt trên quả đất này: “Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra,  Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời ở đây không có thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra” Ở đây, có hai nhận xét quan trọng. Đức Phật khi nhập Niết bàn có dư y ở Kusinàra, không phải là mất hẳn, tiêu diệt hoàn toàn, vì như vậy là  theo thuyết đoạn diệt đạo Phật không chấp nhận. Ở đây, tham sân si không còn, lạc thọ khổ thọ không khởi lên, nhưng mọi cảm thọ đều lắng dịu, mát lạnh, thanh lương. Nhận xét quan trọng thứ hai là sự đau khổ có thể đoạn diệt ngay trong đời sống hiện tại với những vị đã chứng quả A la hán. Và dầu chưa chứng được quả A la hán, nếu hành trì theo lời Phật dạy, thời có thể đoạn trừ dần dần các sự khổ đau.

Vấn đề quan trọng thứ hai, mục đích giải thoát và giác ngộ là những pháp môn giúp người tu hành đạt đến mục đích đoạn tận khổ đau. Chúng ta sẽ thấy pháp môn tuy nhiều, nhưng không bao giờ ra ngoài pháp môn giới định tuệ, pháp môn duy nhấn để đưa người hành trì đoạn tận khổ đau.

“Này các tỷ kheo, một tỷ khao có giới tốt lành (kalyàmasìlo) có  pháp tốt lành, có tuệ tốt lành, được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo”.

“Này các tỷ kheo, một tỷ kheo có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (Kevalì). Này các tỷ kheo, thế nào là giới tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổ Pàtimokkha đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có giới tốt lành. Và thế nào là có pháp tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, ỷ kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập bảy pháp giác chi. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có pháp tốt lành. Và thế nào là tuệ tốt lành? Ở đây này các tỷ kheo, tỷ kheo do diệt trừ các lậu

hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các tỷ kheo là tỷ kheo có tuệ tốt lành. Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt  lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (Kevalì) (Kinh số 97 trang 70.)”

Cũng theo chiều hướng trên, ba hình ảnh được phát họa diễn tả ba hạng người, tùy theo mức độ đối trị được với dục và hữu; “Này các tỷ kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các tỷ kheo, nhưng còn bị trói buộc bở trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là những bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc (kinh 97 trang 70).”

Tiếp theo là một số phương pháp tu học, một nếp sống đưa đến hai quả! Chánh tri hay nếu có dư y thời được quả bất lai, những quả cao nhất trong con đường tu hành, nghĩa là đoạn tận được khổ đau.

“Này các tỷ kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật, thiền tịnh, thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngô nhà trốn (kinh số 45 trang 29).”

“Này các tỷ kheo, hãy an trú vào lợi ích của học tập cho trí tuệ tối thượng, cho lỏi cây giải thoát, cho niệm được tăng trưởng ... (kinh số 46 trang 39).”

“Này các tỷ kheo, tỷ kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác thiền định, hoan hỷ, tín thanh và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện (Kinh số 47 trang 30)...”

Những vị thực hành theo pháp môn này thời có hy vọng đoạn trừ được khổ đau.

Đức Phật còn dạy tỷ kheo làm thế nào để đối trị 3 cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ: “Này các tỷ kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ, khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên, bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng, này các tỷ kheo, tỷ kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường. Này các tỷ kheo, tỷ kheo này gọi là bậc Thánh, đã chân chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải tỏa kiết sử, đã chân chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.” (kinh số 53 trang 35)

“Này các tỷ kheo, cần phải quán sát một cách như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoạn trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội tâm, không chấp thủ không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh, tập khởi của khổ về sanh già chết trong tương lai” (kinh số 94 trang 69).

Này các tỷ kheo, những Sa môn hay Bà la môn nào không như thật quán tri đây là khổ tập, không như thật quán tri đây là khổ diệt, không như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt, những Sa môn Bà la môn ấy, này các tỷ kheo, không được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn. Và các vị tôn giả ấy ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú  mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh. Những Sa môn hay Bà la môn nào, này các tỷ kheo, như thật quán tri đây là khổ diệt, như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt, thời, này các tỷ kheo, các Sa môn hay Bà la môn ấy được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn và các vị tôn giả ấy, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh” (kinh số 103 trang 77).

Hoàn thành một dịch phẩm và in thành sách bao giờ cũng có sự đóng góp và giúp sức của nhiều người. Kinh Tập này ra mắt đọc giả và quí Phật tử cũng không ngoài thông lệ trên.

Vì thế, mà ở đây chúng tôi xin cám ơn Uy Ban Nhân dân Thành phố, Sở Văn hóa thông tin Thành phố, Mặt trận Tổ quốc cũng như ban Văn Xã Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép chúng tôi mua giấy và in thành sách.

Đặc biệt, chúng tôi xin cám ơn Bà Hoàng Xuân Hãn cùng với bạn hữu của Bà đã phát tâm cúng dường thêm giấy trắng để in thêm một số Kinh bằng giấy đẹp.

Chúng tôi cũng xin cám ơn Thượng Tọa Thích Thiện Châu và một số Phật tử Việt kiều tại Pháp cũng như ở nước ngoài đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều để chúng tôi sớm hoàn thành sở nguyện phiên dịch Kinh điển từ Pàli ra Việt ngữ của mình.

Chúng tôi xin cám ơn Ban Giám Đốc Xí nghiệp In Tập Thể số 1 và anh em Công nhân đã hoàn thành tác phẩm này đúng thời hạn.

Chúng tôi hoan hỷ tán thán quí Đại Đức Thích Chơn Thiện, Thích Trung Hậu, Ni cô Thích Nữ Huệ Hạnh trong Ban Tu Thư cùng Quí Phật tử và thân hữu Viện Phật Học Vạn Hạnh đã ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều cho chúng tôi trong sự nghiệp phiên dịch Kinh điển này.

Đối với tất cả quí vị Phật tử trong hay ngoài nước, dầu trực tiếp hay gián tiếp, cổ động và đóng góp vào sự nghiệp in Kinh, chúng tôi xin chân thành cám ơn và xin hồi hướng công đức.

Dịch xong Mùa Vu Lan, rằng tháng bảy năm Mậu Ngọ 1978

Phật lịch 2522

Đã duyệt và in thành sách 1982. Phật lịch 2526

TT. THÍCH MINH CHÂU

VIỆN TRƯỞNG VIỆN PHẬT HỌC VẠN HẠNH

716 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP, Hồ Chí Minh.
 

TẬP KINH: KINH THUYẾT NHƯ VẬY

CHƯƠNG I: TẬP MỘT PHÁP.

PHẨM I

(I) (EK.I, 1) (It 1)

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm (Patibhogo) cho các ngươi không có đi đến lại (tái sanh). Thế nào là một pháp? Tham, này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ ! Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa.  Ở đây, điều này được nói đến”.

“Với tham bị tham đắm, ([1])                  

Chúng sanh đi ác thú

Bậc thiền quán, chánh trí                      

Từ bỏ tham ái ấy

Từ bỏ, không bao giờ                           

Trở lại tại đời này!”

“Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”

(II) (EK. I,2) (It.1)

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các ngươi không đi đến lại (tái sanh). Thế nào là một pháp?  Sân, này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

Với Sân bị sân hận([2])    

Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh tri          

Từ bỏ sân hận ấy.

Từ bỏ, không bao giờ,  

Trở lại tại đời này.”

“ Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(III) (EK.I,3) (It.2)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được  bậc A la hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại (tái sanh). Thế nào là một pháp?  Si, này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

 

 

“Với si bị si mê ([3])                     Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh trí           Từ bỏ si mê ấy

Từ bỏ, không bao giờ                Trở lại tại đời này.”

“Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(IV) (EK.I,4) (I.t2)

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được Bậc A la hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến (tái sanh). Thế nào là một pháp? Phẫn nộ, này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Với Phẫn nộ phẫn uất ([4])         Chúng sanh đi ác thú

Bậc thiền quán, chánh trí           Từ bỏ phẫn nộ ấy

Từ bỏ, không bao giờ                Trở lại tại đời này”.

“Đây là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(V) (EK.I,5) (It.3)

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến (tái sanh). Thế nào là một pháp? Gièm pha (makkha) ([5]), này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Với gièm pha, gièm người

Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh trí

Từ bỏ gièm pha ấy,

Từ bỏ, không bao giờ

Trở lại tại đời này”.

“Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe”.

(VI) (EK. I,6) (It.3)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến (tái sanh). Thế nào là một pháp?  Mạn (màna), này các tỷ kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không có đi đến lại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“Với kiêu mạn kiêu căng([6])

   Chúng sanh đi ác thú

Bậc thiền quán, chánh trí,

   Từ bỏ kiêu mạn ấy,

Từ bỏ, không bao giờ

   Trở lại tại đời này”.

“Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(VII) (IK.I,7) (It. 3)          

 

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri, không liễu tri tất cả ([7]), ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không thể diệt được khổ đau. Này các tỷ kheo, ai thắng tri, liễu tri tất cả, ở đây tâm ly tham từ bỏ, có thể diệt được khổ đau. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Ai hiểu, rõ biết được

Tất cả là tất cả,

Đối với tất cả chỗ,

Không có sự tham đắm,

Vị như vậy chắc chắn

Liễu tri được tất cả,

Và có thể vượt qua ([8])

Tất cả mọi đau khổ”.

“Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(VIII) (E.K.I,8) (It.4)

“Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri không liễu tri mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các tỷ kheo, ai thắng trí liễu tri mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến”.

“ Người bị mạn chi phối,

Do bị mạn trói buộc,

Nên hoan hỷ sanh hữu,

Do không liễu tri mạn,

Nên đi đến tái sanh.

   Những ai đoạn diệt mạn,

Giải thoát, mạn hoại diệt,

Chúng thắng mạn trói buộc

Chúng vượt qua nhiếp phục

Tất cả mọi đau khổ”.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

(IX) (E.K.I,9) (It.5)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri không liễu tri tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các tỷ kheo, ai thắng tri liễu tri tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến”.

“Với tham, bị tham đắm

Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán chánh tri.

Từ bỏ tham ái ấy,

Từ bỏ, không bao giờ,

Trở lại tại đời này”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(X) (E.K.I.10) (It.5)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri không liễu tri sân, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các tỷ kheo, ai thắng tri liễu tri sân, ở đây, tâm ly tham, từ  bỏ, có thể diệt được khổ đau. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến:”

“Với sân, bị sân hận

Chúng sanh đi ác thú

Bậc thiền quán, chánh tri,

Từ bỏ sân hận ấy

Từ bỏ, không bao giờ

Trở lại tại đời này”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

PHẨM II

(XI) (E.K. II, 1) (It,6)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri, không liễu tri si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ kheo, ai thắng tri liễu tri si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau. Thế tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“Với si, bị si mê,                        Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh tri,          Từ bỏ si mê ấy.

Từ bỏ, không bao giờ,   Trở lại tại đời này.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XII) (E.K. II,2) (It.7)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng trí không liễu trí phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ kheo, ai thắng tri liễu tri phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau. Thế tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“Với phẫn nộ phẫn uất, Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh tri,          Từ bỏ phẫn nộ ấy.

Từ bỏ, không bao giờ,   Trở lại tại đời này”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XIII) (E.K.II,3) (It.7)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, ai không thắng tri không liễu tri gièm pha (makkha), ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ kheo, ai thắng tri liễu tri gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Với gièm pha gièm người,                   Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh trí,                      Từ bỏ gièm pha ấy,

Từ bỏ không bao giờ,                            Trở lại tại đời này”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XIV) (E.K. II,4) (It.7)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, Ta không thấy một triền cái nào khác, do bị bao trùm bởi triền cái ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển. Này các tỷ kheo, tức là vô minh triền cái. Này các tỷ kheo, bị bao trùm bởi vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Không có một pháp khác,                    Quần sanh bị bao phủ,

Ngày đêm chạy lưu chuyển,                  Như bao phủ bởi si.

Và ai đoạn diệt si,                                  Đâm thủng ([9]) khối u ám,

Chúng không lưu chuyển nữa.  Trong chúng, nhân([10]) không còn”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XV) (E.K.II,5) (It.8)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, Ta không thấy một kiết sử nào khác, do bị cột bởi kiết sử ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển, này các tỷ kheo tức là ái kiết sử. Này các tỷ kheo, bị cột với ái kiết sử, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài lưu chuyển. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“Người có ái làm bạn,   Thời gian dài, lưu chuyển,

Không vượt được lưu chuyển Sanh Hữu vậy hay khác.

Ai biết nguy hiểm này,  Biết ái tác thành khổ,

Bỏ ái, không chấp trước            Tỷ kheo giữ chánh niệm,

(Bỏ gia đình), xuất gia   (Sống nếp sống như vậy). ([11])”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XVI) (E.K.II,6) (It.9)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, với vị tỷ kheo hữu học (sekha), tâm chưa thành tựu (appa ttamàna)([12]) đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách (yogakkema), sau khi làm thành nội chi phần (ajjhattikam anganti karitvà ) ([13]). Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các tỷ kheo tức là lý như tác ý (yoniso manasikàro). Này các Tỷ kheo, vị tỷ kheo tác như lý tác ý từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“Vị tỷ kheo hữu học,                 Hành như lý tác ý,

Không một pháp nào khác,       Nhiều lợi ích như vậy.

Để đạt cho bằng được,  Lợi ích thật tối thượng.

 

 

 

Vị tỷ kheo như lý,                     Tinh tấn và tinh cần,([14])

Có thể thành đạt được,  Sự đoạn diệt khổ đau!”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XVII) (E.K.II,7) (It.10)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, với vị tỷ kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành ngoại chi phần, (bàhiram angam katvà) Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các tỷ kheo, tức là làm bạn với thiện, (Kalyànamittatà). Này các tỷ kheo, vị tỷ kheo làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Tỷ kheo làm bạn thiện,            Tôn kính ([15]) và kính trọng

Làm theo những lời nói,            Của bạn bè thân hữu,

Tỉnh giác và chánh niệm            Vị ấy sẽ tuần tự,

Đạt được sự hoại diệt,   Tất cả mọi kiết sử.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XVIII) (E.K.II,8) (It.10)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại bất hạnh cho nhiều người, đem lại bất lợi cho nhiều chúng, đem lại không lợi ích cho nhiều người, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Thế nào là một pháp? Phá hòa hợp tăng. Này các tỷ kheo, khi chúng tăng bị phá hoại, thời có những tranh luận  với nhau, có những mắng nhiếc lẫn nhau, có những ngăn cách lẫn nhau (parikkhepà) ([16]), có những từ bỏ lẫn nhau (pariccajanà). Ở tại đấy, những người không hòa hợp (appasannà) không đi đến hòa hợp và những người có hòa hợp, sự nhất trí đi đến đời khác. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Bị rơi vào đạo xứ,                    Bị rơi vào địa ngục,

Trú đến trọn cả kiếp,                  Người phá hòa hợp Tăng.

Ưa thích phá hòa hợp,   An trú trên phi pháp,

Rơi rớt, vượt ra khỏi ([17])           An ổn khỏi khổ ách;

Kẻ phá sự hòa hợp                    Của tăng chúng hòa hợp,

Bị nung nấu trọn kiếp,   Trong cảnh giới địa ngục.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XIX) (E.K.II,9) (It.11)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại không lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho Chư thiên và loài người. Thế nào là một Pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các tỷ kheo, khi Chư tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến :"

“Hạnh phúc là chúng Tăng,                   Được sống trong hòa hợp

Giúp đỡ, ưa hòa hợp,                            Thích hòa hợp, trú pháp,

Không rơi rớt vượt khỏi                        An ổn khỏi khổ ách.

Kẻ tạo được hòa hợp,                            Giữa Tăng chúng (tỷ kheo),

Trọn kiếp được an vui,              Trong cảnh giới Chư thiên”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XX) (E.K.II,11) (It. 12)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Ở đây, này các tỷ kheo, với tâm của Ta([18]), Ta rõ biết tâm của một người ác ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng ([19]) người này bị quăng vào địa ngục. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, vì tâm người ấy ác ý. Này các tỷ kheo, vì nhân tâm ác ý, như vậy ở đây một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi ác, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Biết được tâm ác ý                 Của hạng người ở đời,

Đức Phật giữa tỷ kheo  Đã nói ý nghĩa này.

Chính trong thời gian này,        Người ấy bị mạng chung,

Sẽ bị sanh địa ngục,                   Vì tâm nó ác độc.

Tùy theo lấy những gì,  Tương xứng bị quăng xuống ([20])

Như vậy được tương xứng.      Do nhân tâm ác ý

Chúng sanh đi ác thú”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

PHẨM III.

(XXI) E.K.III) (It,13)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Ở đây, này các tỷ kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người thiện ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng, người này được sanh lên thiên giới. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, vì tâm người ấy thiện ý. Này các tỷ kheo,  vì nhân tâm thiện ý (pasannacittam), như vậy ở đây, một số người hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:"

 

“Biết được tâm thiện ý  Của hạng người ở đời,

Đức Phật giữa tỷ kheo, Đã nói ý nghĩa này,

Chính trong thời gian này,        Người ấy bị mạng chung,

Người ấy sẽ được sanh, Lên thiên giới (thiện thú)

Vì tâm có thiện ý                       Tùy theo lấy những gì,

Tương xứng được lãnh thọ,      Như vậy được tương xứng.

Do nhân tâm thiện ý.                 Chúng sanh đi thiện thú.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXII) (E.K.III,2) (It.14)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, chớ có sợ hãi các công đức (punnàni)([21]) Này các tỷ kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc (subha), cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các tỷ kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp và hoại kiếp ([22]). Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm (Abhassara); Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên ([23]). Tại đấy Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, Bậc nhìn thấy tất cả ([24]), bậc có quyền lực (vasavattì). Này các tỷ kheo, ba mươi sáu lần, ta đã là Thiên chủ Đế Thích (Sakka). Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp Vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ (janapadatthàvariyapatto), bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương (kovàdo pade sa-rajjassa). Này các tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào? Mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy”. Rồi này các tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Đây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự (dànassa, damassa sannamassa)” Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

 

 

 

 

 

“ Hãy để cho vị ấy                     Học tập về công đức,

Công đức là lạc căn ([25]) Tối thượng trong tương lai([26])

Hãy tu tập bố thí                       Sống nếp sống an tịnh,

Và tu tập từ tâm

Sau khi đã tu tập,                       Các pháp này như vậy,

Tức là cả ba pháp                       Khiến an lạc sanh khởi.

Bậc hiền trí được sanh   Trong thế giới an lạc,

Thế giới không sân hận.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXIII) (E.K.III,3) (It.16)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Có một pháp, này các tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại hai lợi ích, an trú ngay hiện tại và lợi ích cho tương lai. Thế nào là một pháp? Không phóng dật trong các Thiện pháp. Này các tỷ kheo, đây là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại được hai lợi ích, an trú ngay trong hiện tại và lợi ích cho tương. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”:

“Bậc hiền trí tán thán    Không phóng dật hành thiện,

Bậc hiền không phóng dật        Đem lại hai lợi ích,

Lợi ích ngay đời này                 Và lợi ích tương lai,

Nên trí do thắng tri                    Chứng đắc ([27]) được lợi ích

Nên được gọi bậc trí”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

 

(XXIV) (E.K.III,4) (It.17)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Các xương của một người ([28]), này các tỷ kheo, chạy dài, lưu chuyển có thể lớn như một đồi xương,  một chồng xương, một đống xương (Atthikan-kalo, atthipunjo, atthiràsi), như núi Venpulla này, nếu có người thâu người lượm xương lại (samharako), gìn giữ  chúng ( sambhatan), không làm chúng hủy hoại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến":

“Chồng chất như xương người Chỉ sống có một kiếp,

Chất đống bằng hòn núi                        Bậc Đại sĩ nói vậy

Đống xương ấy được nói                      Lớn như Vepulla,

Phía Bắc núi Linh Thứu,                       Thành núi (Giribbaja) Magadha

Người thấy bốn sự thật,                        Với chân chánh trí tuệ

Khổ và khổ tập khởi,                 Sẽ vượt qua đau khổ ([29])
Con đường thánh tám ngành, Dẫn đến khổ tịnh chỉ,

Người ấy phải luân chuyển       Tối đa là bảy lần,

Là vị đoạn tận khổ,                    Đoạn diệt mọi kiết sử,”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXV) (E.K.III,5) (It. 18)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Phàm một người nào (puripuggala) đã vi phạm (atìtassa) một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào nó không làm được, Thế nào là một pháp? Này các Tỷ kheo, tức là rõ biết mà nói láo (sampajànamusavado) Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến":

([30]) “ Người nào ([31]) đã nói láo, Là vi phạm một pháp

Không kể đến đời sau ([32] ),                    Không ác gì không làm”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

 

(XXVI) (EK. III,6) (It.18)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, nếu các  chúng sanh có thể biết như Ta đã biết, quả dị thục của sự san sẽ bố thí, chúng sẽ không thụ hưởng nếu chúng không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh (pariyàdàya) tâm của chúng và an trú. Dầu là miếng cuối cùng (carimo alopo) của chúng, dầu là miếng ăn tối hậu (carimam kabalam),  chúng sẽ không thọ hưởng nếu chúng không san sẽ,  khi có người nhận của chúng. Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu các chúng sanh không biết như Ta đã biết quả dị thục của san sẽ bố thí chúng sẽ thọ hưởng, không có bố thí, và uế nhiễm xan tham ám ảnh tâm của chúng và an trú. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Nếu các hàng chúng sanh        Có thể biết như vậy

Như bậc Đại ẩn sĩ,                     Đã nói, tuyên bố lên,

Quả dị thục lớn thay,                Của san sẻ bố thí!

Nhiếp phục uế xan tham,           Với tâm thật thanh tịnh

Đúng thời chúng bố thí,            Đối với các Thánh nhân

Tại đây bố thí vậy,                     Có quả thật to lớn.

Cho nhiều các thức ăn,  Kính lễ người đáng kính        

Từ đây xả, từ bỏ,                       Địa vị làm con người,

Các người làm bố thí                 Được đi đến cõi Trời

Chúng đi đến cõi Trời    Tại đấy chúng hoan hỷ

Với mọi điều sở thích,   Chúng thọ hưởng  như ý ([33])

 

Vị không có xan tham,  Được thọ hưởng (đầy đủ)

Quả dị thục của chúng, Nhờ san sẻ bố thí!”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXVII) (EK. III,7) (It.19)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sanh y ([34] ) (opadhikàni), tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng (những nghiệp sự ấy), chói sáng (bhàsati), bừng sáng (tapati) và rực sáng (virocati). Này các tỷ kheo, ví như ánh sáng của chùm sao, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng ([35] ). Anh sáng của mặt trăng vượt qua ánh sáng của chùm sao chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các tỷ kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Này các tỷ kheo, ví như vào tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, trên bầu trời thanh tịnh, các mây được quét sách, mặt trời mọc lên trên bầu trời, phá tan mọi tối tăm ở hư không, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các tỷ kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Ví như này các tỷ kheo, vào tháng cuối mùa mưa, vào tiết mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên trời không, quét sách mọi tối tăm trên trời vươn thẳng lên trời, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các tỷ kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Ví như này các tỷ kheo, khi đêm đã gần tàn, sao mai chói sáng ([36] ), bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các tỷ kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:"

“ Ai tu tập từ tâm,                     Không phóng dật chánh niệm

Các kiết sử giảm thiểu,  Nhờ thấy sanh y diệt

Nếu tâm không độc ác,  Đối với một hữu tình

Với từ tâm như vậy,                  Vị ấy là bậc Thiện,

Với tâm tư từ mẫn                     Đối  tất cả hữu tình,

Bậc Thánh tự tác thành,            Công đức thật vô lượng.

Ai chiến thắng quả đất  Đầy dẫy những hữu tình,

Bậc vua chúa chơn chánh          Như các vị tiên nhân ([37])

Tổ chức khắp mọi nơi    Đủ các loại tế đàn([38])

Lễ tế đàn với ngựa,                   Lễ tế đàn với người,

Quăng cọc, rượu chiến thắng, Lễ chốt cửa dẹp lại ([39])

Chúng không tác thành được, Một phần thứ mười sáu,

Với người khéo tu tập   Tâm ý (thật) từ mẫn.

Như ánh sáng mặt trăng            Thắng sáng mọi vị sao!

Ai không có giết hại,                 Không khiến người giết hại ([40])

Không có chinh phục người      Không khiến người chinh phục ([41])

Với tâm tư từ mẫn                     Đối với mọi chúng sanh,

Vị ấy không hận thù                  Đối với bất cứ ai”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

CHƯƠNG HAI: TẬP HAI PHÁP

PHẨM I.

(XXVIII) (Duk, I,1) (It.22)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn, (savighàtam), có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú ([42] ). Thế nào là hai? Không hộ trì các căn và không tiết độ trong ăn uống. Này các tỷ kheo. tỷ kheo, đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

  

 

 

 

“Mắt, tai, mũi và lưỡii,  Kể cả thân và ý,

Những cửa này ở đây,   Tỷ kheo không hộ trì.

An uống không tiết độ, Đau khổ về thân thể.

Căn căn không hộ trì,    Đau khổ về tâm tư.

Vị ấy phải thọ lãnh,                   Những đau khổ như vậy,

Thân thể bị thiêu đốt,    Tâm tư bị thiêu đốt

Dầu là đêm hay ngày,    An trú khổ như vậy!”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXIX) (Duk. I,2) (It,23)  khuỳnh

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, tỷ kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú. Thế nào là hai? Hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống. Này các tỷ kheo, tỷ kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại, an trú  an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Mắt, tai, mũi và lưỡi,   Kể cả thân và ý,

Những cửa này ở đây,   Tỷ kheo khéo hộ trì.

An uống có tiết độ,                    Các căn có hộ trì.

An lạc về thân thể,                    An lạc về tâm tư,

Vị ấy được thọ lãnh,                  Những an lạc như vậy,

Thân không bị thiêu đốt,           Tâm không bị thiêu đốt,

Dầu là đêm hay ngày     ,           An trú lạc như vậy.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

  

(XXX) (Duk. I,3) (It,24)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có hai pháp này làm cho nung nấu (Tapanìya([43]). Thế nào là hai?  Ở đây, này các tỷ kheo, có người không làm điều lành, không làm thiện, không che chở người sợ hãi (akatabhìrutàno) ([44] ) làm điều ác, ngoan cố trong việc làm (Katatthaddho ([45] ),  làm điều không thiện (Katakibbiso). Người ấy bị nung nấu bởi ý nghĩ: “Ta không làm điều lành”, nung nấu bởi ý nghĩ: “Ta đã làm điều ác”. Này các tỷ kheo, hai pháp này làm cho nung nấu. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Làm xong thân ác hạnh,         Hay nói các lời ác,

Làm xong ý ác hạnh,                 Hay bất cứ gì khác,

Có liên hệ lỗi lầm ([46])

Không làm các nghiệp lành.                  Làm các điều bất thiện,

Khi thân hoại mạng chung,                   Người có ác trí tuệ.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXI) (Duk. I,4 (It,25)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có hai pháp, không làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các tỷ kheo, có người làm điều lành, làm điều thiện, che chở người sợ hãi, không làm điều ác, không ngoan cố trong việc làm, làm điều thiện. Người ấy không bị nung nấu, vì nghĩ rằng: “Ta đã làm điều lành”, không bị nung nấu  vì nghĩ rằng “Ta không không làm điều ác. Này các tỷ kheo, hai pháp này không làm cho nung nấu. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Từ bỏ thân làm ác                   Hay nói các lời ác,

Từ bỏ ý ác lành,             Hay bất cứ gì khác,

Có liên hệ lỗi lầm.

Không làm các nghiệp ác,         Làm nhiều điều thiện sự,

Khi thân hoại mạng chung,       Người có thiện trí tuệ.

Được sanh lên cõi đời.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXII) (Duk. I,5) (It. 26)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, đầy đủ hai pháp một người, như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục. Thế nào là hai? Ac giới và ác kiến. Này các tỷ kheo, đầy đủ hai pháp này, một người, như vậy tương vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Người nào được thành tựu,                Đầy đủ hai pháp này,

Đầy đủ với ác giới,                                Và đầy đủ ác kiến,

Khi thân hoại mạng chung                    Người có ác trí tuệ,

Người ấy phải bị sanh,              Vào cảnh giới địa ngục”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXIII) (Duk. I,6) (It, 26)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Đầy đủ hai pháp, này các tỷ kheo, một người, như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện (bhadpakasìlam) ([47]) và kiến hiền thiện. Đầy đủ hai pháp này, này các tỷ kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Người nào được thành tựu.                Đầy đủ hai pháp này

Đầy đủ giới hiền thiện,              Đầy đủ kiến hiền thiện,

 

Khi thân hoại mạng chung,                   Người có chánh trí tuệ,

Người ấy sẽ được sanh,             Vào cảnh giới cõi trời”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXIV) (Duk. I,7) (It, 27)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, tỷ kheo không có nhiệt tình (anàtàpì), không có sợ hãi (anottappì), không có thể chứng được Chánh giác, không có thể chứng được Niết bàn, không có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Này các tỷ kheo, tỷ kheo có nhiệt tình, có sợ hãi, có thể chứng được giác ngộ, có thể chứng được Niết bàn, có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Người không có nhiệt tình,                Không có biết sợ hãi,

Biếng nhác, không tin cần,                    Nhiều hôn trầm thụy miên,

Không biết đến xấu hổ,             Không có lòng tôn kính ([48])

Vị tỷ kheo như vậy,                               Không có thể  đạt tới

Tối thượng Chánh đẳng giác.

Ai giữ được chánh niệm,                       Thông minh, tu thiền định, ([49])

Nhiệt tình, biết sợ hại,               Và không có phóng dật

Sau khi chặt đứt được               Kiết sử sanh và già,

Ở đây có thể đạt                                    Chánh đẳng giác vô thượng”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXV) (Duk. I,8) (It.28)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, Phạm hạnh được sống ([50]), không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng (janalapanattham), vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng ([51]), nghĩ rằng: “ Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các tỷ kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích chế ngự và vì mục đích đoạn tận (samvara-pahàna). Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này đã được nghe”.

 

 

 

 

 

 

“Với mục đích chế ngự,                        Với mục đích đoạn tận,

Không kể người nói gì ([52]),                   Thế Tôn đã thuyết giảng,

Về nếp sống Phạm hạnh.                       Một nếp sống đưa đến,

Thể nhập vào Niết Bàn.

Đường này là con đường                      Được các bậc Đại nhân ([53])

Được các Đại ẩn sĩ ([54]   )                       Noi theo và thực hiện ([55])

Và những ai dấn bước,              Chính trên con đường ấy,

Như đức Phật đã dạy,                           Sẽ làm khổ lắng dịu,

Và thực hành làm đúng             Như  lời Đạo sư dạy”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXVI) (Duk. I,9) (It.26)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, Phạm hạnh được sống không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: “Mong rằng quần chúng biết đến ta”. Này các tỷ kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích thắng tri (abhinnattham). Vì mục đích liễu tri ( parinn-attham ca). Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Với mục đích thắng tri,                       Với mục đích liễu tri

Không kể người nói gì,             Thế Tôn đã thuyết giảng,

Về nếp sống Phạm hạnh,                       Một nếp sống đưa đến

Thể nhập vào Niết bàn.

Đừng này là con đường             Được các bậc Đại nhân,

Được các Đại ẩn sĩ,                               Noi theo và thực hiện

Và những ai dấn bước               Chính trên con đường ấy,

Như  đức Phật đã dạy,              Sẽ làm khổ lắng dịu,

Và thực hành làm đúng             Như lời Đạo sư dạy”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXVII) (Duk.  I10) (It 372)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Đầy đủ hai pháp, này các tỷ kheo, tỷ kheo ngay trong hiện tại an trú với nhiều lạc hỷ ([56]), như lý nỗ lực (yoniso àraddho) để diệt tận các lậu hoặc. Thế nào là hai? Với sự hứng khởi (samvejanena) đối với những trường hợp đáng phấn khởi (samvejanìyesu thànesu), và như lý tinh cần (yoniso padhànena) đối với phấn khởi. Thành hai pháp này, này các tỷ kheo, tỷ kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ,  như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Bậc có trí phấn khởi               Trường hợp đáng phấn khởi,

Vị tỷ kheo nhiệt tình                             Thông minh và cẩn trọng,

Quán xuyến nhìn sự vật                        Với trí tuệ Bát nhã.

Nhiệt tình trú như vậy               Sống đời sống an tịnh,

Không bồng bột hăng say                     Chú lực tâm tịnh chỉ,

Có thể đạt chứng được              Đoạn diệt các khổ đau!          

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

PHẨM II

(XXXVIII) (Duk. II, 1) (It.31)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo. Với Như Lai, Bậc A la hán, Chánh đẳng giác hai tầm tứ (vitakkà) được hành trì (samudàcaranti) nhiều; an ổn (khemo) và tầm tứ ẩn dật (vitakko paviveko). Này các tỷ kheo, Như Lai ưa thích không làm hại, thích thú không làm hại (abyàbajjharato). Với Như Lai ấy, này các tỷ kheo ưa thích không làm hại này, thích thú không làm hại này, tầm tư này được hành trì nhiều: “Với cử chỉ uy nghi này (imàyariyàya) Ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật. (Tasam và thàvaram và).” Này các tỷ kheo, Như Lai ưa thích ẩn dật, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các tỷ kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các tỷ kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật này, tầm tứ này được hành trì nhiều!  Phàm có bất thiện gì, đã được đoạn tận. Do vậy, này các tỷ kheo, các ngươi hãy an trú, hân hoan trong không  làm hại, thích thú trong không làm hại. Này các tỷ kheo, với các ngươi an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều: “Với cử chỉ uy nghi này, chúng ta không làm hại một ai, dầu là loại động vật hay không động vật.” Này các tỷ kheo, hãy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật. Này các tỷ kheo, với các ngươi an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều!” Còn có gì bất thei65n, còn có gì chưa đoạn tận, còn có gì chúng ta từ bỏ! Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Như Lai, bậc giác ngộ,            Bậc có thể nhẫn nại,

Những gì mà người khác,          Không có thể nhẫn nại([57])

Hai tầm tứ, vị ấy                        Hành trì và thực hiện.

Trước hết được nói đến([58])        Là an ổn tầm tứ

Thứ đến là ẩn dật                       Thứ hai được trình bày.

Phá tan màn hắc ám,                  Đã đến bờ bên kia,

 

Bậc Đại sĩ đạt được,                  Quyền lực ([59]) không lậu hoạc

Đạt thân mạng tối hậu ([60])         Trong ái diệt, giải thoát.

Vị ẩn sĩ như vậy,                       Chắc mang thân tối hậu.

Ta nói rằng vị ấy                        Từ bỏ được Kiêu mạn, ([61])

Thoát khỏi được già lão,            Đạt được bờ bên kia.

Như đứng trên tảng đá  Trên đỉnh núi đầu non.

Đưa mắt nhìn xung quanh,        Quần chúng (dưới chân mình),

Cũng vậy Ngài Thiện tuệ ([62]) Leo lên lầu chánh pháp ([63])

Biến nhãn không sầu muộn,      Nhìn xuống đám quần sanh,

Bị ưu tư sầu khổ,                       Bị sanh già áp bưc”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XXXIX) (Duk II,2) (It.33)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Có hai loại thuyết pháp (Dhammadesanà), của Như Lai, bậc A la hán Chánh đẳng giác, cái này tiếp nối cái kia (Pariyàyena) ([64]). Thế nào là hai? “Hãy thấy ác là ác”, đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây “hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly”, đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A la hán Chánh Đẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Với Như Lai, Phật đà Từ mẫn mọi chúng sanh,

Hãy thấy lời thuyết giảng          Tuần tự pháp theo pháp ([65])

Hai pháp được trình bày.           Một là hãy nhìn rõ,

Pháp ác là pháp ác                     Và chính tại ở đây,

Từ bỏ không tham đắm.            Từ đây, không tham đắm.

Hãy làm cho an tịnh,                 Mọi khổ đau (phiền não)”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XL) (Duk. II) (It.34)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo ([66]) là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các tỷ kheo, minh đi trước làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi (hirottapam). Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:"

 

“ Phàm có ác thú gì,                  Đời này và đời sau,

Tất cả do vô minh,                     Làm gốc, làm cội rễ.

Dục tham được cất chứa,          Vì rằng kẻ ác dục,

Không xấu hổ, không kính,       Từ đó nó khởi ác ([67])

Do vậy, đi đoạ xứ.                     Vậy nên hãy từ bỏ,

Dục ([68]) tham và vô minh,         Muốn minh được sanh khởi.

Tỷ kheo cần từ bỏ,                     Tất cả mọi ác thú”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLI) (Duk. II.4) (I.35).

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, những chúng sanh nào bị thối đọa (parihìna) khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy là khéo thối đọa (suparihìnà): Ngay trong hiện tại, chúng an trú trong đau khổ, với tàn hại, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung chờ đợi là ác thú. Này các tỷ kheo, những chúng sanh nào không bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy không có thối đọa. Ngay trong hiện tại, chúng an trú trong an lạc, không có tàn hại, không có ưu não, không có nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:"

“Thối đọa khỏi trí tuệ,   Hãy nhìn xem, thế giới,

Với hàng ngũ chư Thiên            An trú trong danh sắc,

Nghĩ rằng: “Đây sự thật”.

Nhưng thù thắng ở đời, Lại chính là trí tuệ,

Chính tuệ dắt dẫn đến,  Thể nhập được Niết bàn ([69]),

Và chơn chánh quán tri,            Sự hoại diệt sanh hữu.

Chư thiên và loài người,            Hoan hỷ được chiêm ngưỡng.

Chư Phật chánh đẳng giác         Những bậc giữ chánh niệm.

Đầy đủ với trí tuệ                      Mang thân này cuối cùng”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

 

  

 

 

 

 

 

(XLII) (Duk II, 5) (It. 36)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có hai pháp trắng này che cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi, (Hiri, ottappa). Này các tỷ kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sư phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ (màtacchà), vợ của anh em của mẹ (matulàní) hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân (sambhedam) ([70]), như các loài dê cừa, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng. Vì rằng: này các tỷ kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ. hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đang được kính trọng. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Với những ai không có,           Xấu hổ và sợ hãi,

Liên tục và thường xuyên,        Chúng đi xuống ([71]) bào thai,

Dựa trên gốc tinh dịch ([72]),       Chúng đi đến sanh tử.

Với những ai chánh trú,            Xấu hổ và sợ hại.

Liên tục và thường xuyên,        Vững trú trên Phạm hạnh,

Chúng được sư an tịnh, Tái sanh được diệt tận.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLIII) (Duk. II,6) (It.37)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra (asankhatam). Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời ở đây không thể trình bày được sự xuấng ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì, này các tỷ kheo, có cái khôngsanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Có cái sanh, hiện hữu ([73]),      Cái khởi lên, làm ra,

Hữu vi, không thường hằng,     Tác thành ra già chết,

Một ổ của bệnh hoạn ([74]),          Mỏng manh, dòn, dễ vỡ ([75]),

Nhờ đồ ăn nuôi dưỡng ([76]),       Nên mới được hiện hữu([77])

Vậy ấy thật không đủ,   Để hoan hỷ ưa thích

Thật có cái xuất ly,                    Ra khỏi được cái ấy([78])

Thật có vượt lý luận ([79])            Thường hằng, không sanh khởi.

Không có cái khởi lên   Con đường không cấu uế,

Không đưa đến sầu muộn          Đoạn diệt các pháp khổ

Sự tịnh chỉ mọi hành ([80])           An lạc (thật tịnh lạc).”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

 

(XLIV) (Duk. III,7) (It. 38)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có hai Niết bàn giới này (Nihbànadhàtuyo). Thế nào là hai? Niết bàn giới có dư y và Niết bàn giới không dư y. Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn giới có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích (anuppattasadattho), hữu kiết sử đã diệt (parikkhìnàbhavasam yojano), đã giải thoág nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại ( avighàtattà) ([81]) cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các tỷ kheo, đây gọi là Niết bàn có dư y. Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn giới không có dư y ? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống ([82]), đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu ([83]). Này các tỷ kheo, đây gọi là Niết bàn không có dư y. Này các tỷ kheo, có hai Niết bàn giới này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Hai Niết bàn giới này,            Được vị có pháp nhãn

Trình bày (và thuyết giảng)       Không y tựa như vậy ([84])

Một loại Niết bàn giới,  Ở đây, thuộc hiện tại

Còn có các dư y,                       Nuôi dưỡng hữu ([85]) bị diệt (?)

Không dư y Niết bàn                Lại thuộc về tương lai,

Với vị đạt giới này,                   Mọi hữu diệt hoàn toàn

Những ai với chánh trí, Biết con đường vô vi,

Tâm tư được giải thoát  Nuôi dưỡng hữu bị diệt

 

Những ai chứng đạt được         Gốc lõi của các pháp([86])

 Hoan hỷ trong diệt tận,            Những vị ấy như vậy,

Đã từ bỏ (hoàn toàn)                 Tất cả mọi sanh hữu”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLV) (Duk. II,8) (It.39)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật thiền tịnh (patisallanàmà): thích thú ẩn thiền tịnh, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ (ceto samatham), không gián đoạn thiền định (aniràkata0jjhànà: từ  niràkaroti), thành tựu quán trí (vipassanàya samannàgatà), hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống (brùhetà sunàgàrànam) ([87]). Này các tỷ kheo sống ưa muốn ẩn dật thiền tịnh, thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán trí, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống, thời  được chờ đợi là một trong hai quả này, ngay trong hiện tại được chánh trí ([88]), hay nếu có dư y, được quả Bất lai. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Những ai tâm an tịnh,             Thông minh và thận trọng ([89])

Chánh niệm tu thiền định          Quán nhìn ([90]) pháp chơn chánh,

Không chờ đợi ham muốn ([91]) Đối với các loại dục.

Ưa muốn không phóng dật,       Sống an tịnh có mặt ([92])

Thấy được sự sợ hãi,                 Trong (nếp sống) phóng dật,

Chúng không bị thối đọa,          Chúng đến gần Niết bàn”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

 (XLVI) (Duk. II, 9) (It.40).

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, hãy an trú cho lợi ích của học tập ([93]), cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát (vimuttìsàrà: tinh ba của giải thoát) cho niệm được tăng tượng (satàdhipateyyà). Này các tỷ kheo, an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi câ giải thoát, cho niệm được tăng thượng, thời được chờ đợi là một trong hai quả này. Được chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất  lai. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“bậc hữu học viên mãn ([94])        Không còn bị thối đọa([95])

Đạt tối thượng trí tuệ,   Thấy sanh được diệt tận.

Ta nói chắc chắn rằng,   An sĩ Mâu ni ấy,

Mang sắc thân cuối cùng,          Đã từ bỏ kiêu mạn ([96])

Đã vượt qua bờ kia                   Thoát khỏi sự già yếu.

Do vậy hãy luôn luôn,   Vui trong thiền, thiền định,

Nhiệt tâm (và nỗ lực)                Thấy sanh được diệt tận,

Hỡi này các tỷ kheo,                 Hãy nhiếp phục ma quân,

Tu tập vượt qua được                Thoát khỏi sự già chết.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLVII) (Duk. II,10) (It.41)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, tỷ kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành (vippasanno), và ở đây quán tri đúng thời (kàlavipassi) trong các pháp thiện. Này các tỷ kheo, với tỷ kheo sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, quán trí đúng thời trong các pháp thiện, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: Được chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất lai. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Hỡi các bậc cảnh giác,            Hãy lắng nghe điều này,

Những ai còn nằm ngủ, Hãy thức dậy tỉnh thức.

Thức tỉnh là tốt hơn                   Hơn kẻ đang nằm ngủ

Đối với người thức tỉnh            Không có sự sợ hãi.

Người thức tỉnh, thức giấc,       Chánh niệm và tỉnh giác,

Thiền định, tâm hoan hỷ,           (Nhiệt tình) đầy tính thành,

Chơn chánh biết thời giờ          Thắng quán đến chánh pháp,

Đạt được sự nhất tâm,   Quét sạch mọi tăm tối.

Do vậy hãy tu tập                      Thức tỉnh và nhiệt tình

Vị tỷ kheo thông minh. Thận trọng, chứng cảnh thiền,

Chặt đứt các kiết sử,                 Trói buộc sanh với già,

Chính tại ở đời này,                   Chứng Chánh giác vô thượng.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLVIII) (Duk. II.11) (It. 42)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo có hai hạng người bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục nếu chúng không đoạn tận lỗi lầm của chúng ( idam appahàya). Thế nào là hai? Ai sống phi Phạm hạnh lại tự cho sống Phạm hạnh. Ai đối với người sống Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh, lại buộc tội chỉ trích (anuddhamseti) là phi Phạm hạnh không có căn cứ (amùlakena). Này các tỷ kheo, hai hạng người này bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục, nếu chúng không đoạn tận lỗi lầm của chúng. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Ai nói lời không chơn,            Rơi vào cõi địa ngục,

Ai sau khi đã làm,                      Lại nói tôi không làm,

Cả hai sau khi chết,                   Đều đồng đẳng như nahu,

Chúng đều là những người        Làm các nghiệp hạ liệt ([97]),

thuộc về cảnh đời sau ([98])

Lại có rất nhiều người   Tuy mang áo cà sa,

Chúng không có chế ngự,         Đối với các pháp ác,

Do chúng làm nghiệp ác,           Chúng phải sanh địa ngục ([99])

Tốt hơn đối với chúng   Là nuốt cục sắt tròn,

Cháy đỏ như đống lửa.

Còn hơn kẻ ác giới                    Không biết có chế ngự,

Nếu có ăn dùng gì,                    Các món ăn quốc độ.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(XLIX) (Duk. It, 12) (It.43)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, chư Thiên và loài người bị xâm chiếm (pariyutthità) ([100]) bới hai tà kiến, một số người chấp chặt (oliganti) ([101]), một số người đi quá trớn (alidhàvanti) ([102]), một số người có mắt thấy được. Này các tỷ kheo, thế nào là một số người chấp chặt. Này các tỷ kheo, có chư Thiên và loài người ưa muốn sanh hữu, khi các pháp đoạn diệt sanh hữu được giảng cho chúng, tâm chúng không có phấn khởi, (pakkhandati), không có tín thành, không có an trú, không có bị lôi cuốn (nàdhimuccati). Như vậy, này các tỷ kheo, một số người chấp chặt. Và này các tỷ kheo, thế nào là một số người đi quá trớn? Nhưng có một số người lo âu, xấu hổ, nhàm chán (attiyamànà, haràyamàna, jigucchamànà) với sanh hữu, hoan hỷ, phi sanh hữu (vibhava) ([103]). Chúng nói: “Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này ([104]) bị chặt đức (ucchijjati), bị hoại  diệt (vinassati), không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực (santam), là thù thắng (panìtam), là chân thật (yathàvan) ([105]). Như vậy này các tỷ kheo, một số người đi quá trớn. Và này các tỷ kheo, thế nào là một số có mắt được thấy? Ở đây tỷ kheo thấy sự sanh hữu là sanh hữu (bhùtambhùtato), sau khi thấy sự sanh hữu là sanh hữu, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt. Như vậy này các tỷ kheo, những người có mắt thấy. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến : “

“ Những ai đã thấy được,          Sanh hữu là sanh hữu,

Thấy được sự vượt qua,            Của sự sanh hữu ấy.

Những vị ấy giải thoát   Đối như thật hiện hữu

Vì nhờ đoạn diệt được, Tham ái đối sanh hữu.

Nếu vị ấy liễu tri,                       Sanh hữu (là sanh hữu),

Vị ấy ly tham ái,                        Đối với chính sanh hữu,

Sẽ không còn đi đến,                 Sanh đi rồi sanh lại.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

CHƯƠNG BA : TẬP BA PHÁP

PHẨM I

(L) (Tik, I, 1) (It.45)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện; Sân là căn bản bất thiện; Si là căn bản bất thiện. Này các tỷ kheo, có ba căn bản bất thiện này. "Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

“ Tham, sân, si làm hại,  Người có tâm ác độc,

Chúng tự mình hiện hữu,          Như giả từ lõi, vỏ.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LI) (Tik. I,2) (It. 45)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba giới này. Thế nào là ba? Sắc giới, vô sắc giới, diệt giới (Nirodhadhàtu). Này các tỷ kheo, có ba giới này. "Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

“ Ai liễu tri sắc giới ([106]),           Không an trú vô sắc,

Những ai được giải thoát          Đối với đoạn diệt giới,

Các chúng sanh như vậy,          Xả ly được thần chết,

Với thân ([107]), cảm giác được,   Bất tử, không sanh y,

Xả ly, từ bỏ hẳn,                        Sanh y đưa đến hữu,

Sau khi tự chứng được, Không còn có lậu hoặc,

Bậc Chánh đẳng chánh giác,     Thuyết pháp con đường chánh

Không có gì sầu muộn,  ( Trong sạch) không cấu uế.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LII) (Tik. I,3) (It. 46)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba cảm thọ ([108]) này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.. Này cáa tỷ kheo, có ba cảm thọ này.”

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Định tĩnh và tỉnh giác,             Chánh niệm đệ tử Phật

Quán tri các cảm thọ,                Và hiện hữu các thọ.

Tại đấy, tâm  được diệt,            Con  đường đưa đến diệt,

Tỷ kheo nhờ diệt thọ,    Không ham muốn, tịch tịnh.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LIII) (Tik. I,4) (It. 47)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, có ba cảm thọ này . Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các tỷ kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các tỷ kheo, tỷ kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất  khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các tỷ kheo, tỷ kheo này gọi là bậc Thánh (Ariyo) đã chơn chánh thấy (sanamaddaso) đã chặt đứt ái, đã giải tỏa kiết sử, đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau. “

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Ai thấy lạc là khổ                    Thấy khổ là mũi tên,

Thấy bất khổ bất lạc                  Thọ ấy là vô thường.

Tỷ kheo ấy thật sự,                    Đã thấy thật chơn chánh.

Chính tại ở nơi đây,                   Từ đâý được giải thoát.

Thành tựu được thắng trí ([109])   Bậc ẩn sĩ an tịnh,

Chắc chắn đã vượt qua  Các ách nạn trói buộc ([110])

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LIV) (Tik. I.5) (It. 48)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba tầm cầu này ([111]). Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các tỷ kheo, có ba tầm cầu này.”

“Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Định tĩnh và tỉnh giác,            Chánh niệm đệ tử Phật,

Quán tri các tầm cầu,                 Và hiện hữu tầm cầu.

Ở đây, tâm ấy diệt,                    Và con đường đến diệt.

Tỷ kheo do diệt tận,                  Các loại tầm cầu ấy,

Không còn có ước muốn ([112])    Được lắng dịu tịch tịnh([113])”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LV) (Tik, I,6) (It. 48)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các tỷ kheo có ba tầm cầu này.”

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Dục và hữu tầm cầu    Cùng Phạm hạnh tầm cầu,

Nếu chấp trước nắm giữ,           Chính đây là sự thật,

Như vậy là chất chứa,   Đủ mọi loại kiết xứ.

Với ai không ham muốn,           Đối với các loại tham,

Vị ấy được giải thoát,    Nhờ diệt được khát ái.

Tầm cấu được từ bỏ,                 Kiến xứ được nhổ lên.

Tỷ kheo do diệt tận,                  Các loại tầm cầu ấy ,

Không còn có mong cầu ([114] )   Không còn có nghi hoặc.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LVI) (Tik. I,7) (It.49)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các tỷ kheo, có ba lậu hoặc này.”

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Định tĩnh và tỉnh giác, Chánh niệm đệ tử Phật,

Quán tri các lậu hoặc                 Và hiện hữu lậu hoặc.

Ở đây tâm được diệt,                Và con đường đến diệt,

Tỷ kheo đã diệt tận,                   Các loại lậu hoặc ấy,

Không còn có ước muốn           Được láng dịu, tịch tịnh”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

( LVII) (Tik. I, 8) (It. 49)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“ Này các tỷ kheo, có ba loại lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Này các tỷ kheo, có ba lậu hoặc này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Ai đoạn trừ dục lậu,    Ly tham thoát vô minh,

Hữu lậu được đoạn trừ, Giải thoát khỏi sanh y,

Mang cái thân cuối cùng,          Dẹp tan cỗ xe ma([115])

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

( LVIII) (Tik. I, 9) (It. 50)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba khát ái này ([116]). Thế nào là ba? Dục ái, hữu ái, phi hữa ái. Này các tỷ kheo, có ba khát ái này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Trói buộc bởi ái triền, Tâm ưu hữu, phi hữu,

Bị ma triền trói buộc,                 Chúng sanh ấy không được

An ổn khỏi ách nạn.                  Chúng sanh đi luân chuyển,

Đến sanh rồi đến chết.

Những ai đoạn được ái, Ly ái hữu, phi hữu,

Chúng đến bờ bên kia,  Trong thế giới (hiện tại).

Chúng đã chứng đạt được         Các lậu hoặc đoạn tận.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LIX) (Tik, I, 10) (It. 50)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“ Thành tựu với ba pháp, này các tỷ kheo, vị tỷ khao vượt qua được thế lực của Ac ma, và chói sáng như mặt trời. Thế nào là ba? Ở đây, này các tỷ kheo, vị tỷ kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn. Thành tựu với ba pháp này, này các tỷ kheo, vị tỷ kheo vượt qua được thế lực của Ac ma, và chói sáng như mặt trời.”

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Giới định và trí tuệ,    Với ai khéo tu tập,

Vị ấy vượt qua khỏi                  Thế lực của ác ma,

Và chói sáng (rực sáng) Như mặt trời (chói sáng).

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

PHẨM II

(LX) (Tik, II, 1) (It.51)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, có ba phước nghiệp sự này (punnakiriya vatthùni). Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp sự do tu tập tác thành. Này các tỷ kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Hãy để cho người ấy,             Học tập làm công đức,

Hướng dẫn đến tương lai ([117])   Đem lại căn an lạc.

Hãy tu tập bố thí,          Tập sở hành an tịnh,

Và tu tập từ tâm            Tu xong ba pháp ấy,

Những pháp khởi lạc thọ.          Bậc hiền trí được sanh,

Tại thế giới an lạc,                     Không (phiền nạo) hận thù” ([118])

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

. (LXI) (Tik. II,2) (It.52)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. “

Này các tỷ kheo, có ba con mắt này ([119]). Thế nào là ba? Mắt thị, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các tỷ kheo có ba loại mắt thế này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Mắt thịt, mắt chư Thiên,         Vô thượng mắt trí tuệ,

Có ba loại mắt ấy                       Được bậc vô thượng nhân,

Đã tuyên bố (trình bày).           

Sanh khởi của mắt thịt, Con đường mắt chư Thiên.

Từ đấy, trí khởi  lên.                  Tuệ nhãn là tối thượng.

Ai chứng được mắt ấy,  Giải thoát mọi đau khổ”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXII) (Tik. II,3) (It.53)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba căn này ([120]) Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn (anannàtannassà-mìtindriyam) Tri căn (annindriyam), cụ tri căn (annàtavindriyam). (Căn: “Tôi sẽ biết điều chưa được biết”; căn về sự biết; căn của người đã biết). Này các tỷ kheo, có ba loại căn này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Vị hữu học học tập,                 Đi theo con đường thắng,

Ở trong sự diệt tận,                   Trí thứ  nhất khởi lên ([121])

Từ đấy không gián đoạn ([122])     (Tiếp theo) là chơn trí ([123])

Chính từ chơn trí ấy                  (Đạt được) sự giải thoát.

Chắc chắn vị như vậy    Là vị có chánh trí ([124])

Giải thoát ta bất động,   Nhờ diệt hữu kiết sử.

Vị đầy đủ các căn                      Chắc chán được an tịnh.

Và ưa thích con đường, Đưa đến sự an tịnh.

Mang thân thể cuối cùng.          Sau khi đánh bại được

Ac Ma với con voi ([125])             Nó cởi (khi lâm trận).”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXIII) (Tip. II,4) (It. 53)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba thời gian này. Thế nào là ba? Thời gian quá khứ, thời gian tương lai, thời gian hiện tại. Này các tỷ kheo, có ba thời gian này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến :

“ Chúng sanh cần tưởng đến ([126])          Những gì được tuyên bố ([127])

An trú thật vững vàng,              Trên điều được tuyên bố,

Nếu không có liễu tri,                Điều đáng được tuyên bố,

Chúng đi đến ách nạn,   Dưới ách của thần chết.

Nếu đã liễu tri được,                  Điều đáng được tuyên bố,

Vị ấy không nghĩ đến    Điều đã được nói lên,

Chính nhờ có tâm ý                   Giải thoát được cảm giác,

Về con đường an tịnh                Vô thượng (không gì hơn).

Ai thật được đầy đủ,                 Về điều đáng tuyên bố,

(Tự mình) được an tịnh,            Ưa thích đường an tịnh,

Sống bình tỉnh tính toán ([128])  An trú trên chánh pháp,

Vị ấy vượt tên gọi ([129]),             Thành đạt được trí tuệ”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXIV) (Tik. II,5) (It. 54)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe. Này các tỷ kheo, có ba ác hành này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Làm ác hạnh về thân,  Làm ác hạnh về lời,

Làm ác hạnh về ý,                     Và bất cứ hạnh gì,

Đều được gọi hạnh ác ([130])

Không làm nghiệp  lành nào,     Làm nhiều nghiệp không thiện

Khi thân hoại mạng chung.                   Với trí tuệ hạ liệt,

Vị ấy phải sanh vào,                              Trong cảnh giới địa ngục.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXV) (Tik. II,6) (It.55)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, có ba thiện hành này. Thế nào là ba? Thân thiện hành, ngữ thiện hành, ý thiện hành. Này các tỷ kheo, có ba thiện hành này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Từ bỏ thân làm ác,      Từ bỏ lời nói ác,

Từ bỏ ý nghĩa ác,           Và bất cứ hạnh gì,

Được gọi là hạnh ác.

Không làm các điều ác, Làm nhiều những hạnh lành,

Khi thân hoại mạng chung,       Với trí tuệ thù thắng,

Vị ấy được sanh lên,                  Trong cảnh giới chư Thiên.”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXVI) (Tik. II,7) (It. 55)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“Này các tỷ kheo, có ba thanh tịnh (soceyyàni) ([131]) này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời thanh tịnh, ý thanh tịnh. Này các tỷ kheo, có ba thanh tịnh này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Thân và lời thanh tịnh,            Và ý cũng thanh tịnh,

Không có các lậu hoặc, Đầy đủ sự thanh tịnh,

Vị như vậy được gọi                 “ Đã từ bỏ tất cả”

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXVII) (Tik. II,8) (It. 56)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“ Này các tỷ kheo, có ba trầm lặng này (moneyyàni) ([132]). Thế nào là ba? Thân trầm lặng, lời trầm lặng, ý trầm lặng. Này các tỷ kheo, có ba trầm lặng này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“Thân và lời trầm lặng,  Và ý cũng trầm lặng,

Không có các lậu hoặc, Đầy đủ với trầm lặng,

Của bậc chân ẩn sĩ,                    Được tên gọi là vị,

Đã tắm sạch điều ác ([133]

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXVIII) (Tik. II,9) (It. 56)

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe.

“ Này các tỷ kheo, với ai tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các tỷ kheo, người ấy được gọi là người bị trói buộc với Ac ma. (bandhamàrassa), bị bẩy lước của Ac ma bao trùm (patimukkassa màra-pàso), bị làm theo ý Ac ma muốn. Này các tỷ kheo, với ai tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, Này các tỷ kheo, người ấy được gọi là người không trói buộc với Ac ma, được thoát khỏi (omukkassa) bẩy lưới của Ac ma, không bị làm theo Ac ma muốn. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến".

“ Với ai đã từ bỏ, ([134])               Tham, sân và vô minh,

Vị ấy được gọi là                       “ Đã tu tập tự ngã “ ([135])

“ Đã trở thành Phạm Thiên”      “ Bậc Như Lai, Phật Đà”,

“Bậc đã vượt qua được,            Hận thù và sợ hãi”,

Bậc đaọn tận tất cả”                  Được gọi danh như vậy”.

"Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe".

(LXIX) (Tik, 11,10) (It, 57)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe)

“ Với tỷ kheo hay tỷ kheo ni ([136]), này các tỷ kheo, tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các tỷ kheo, vị ấy được gọi là chưa vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm (savicim), với nước xoáy (sàvattam), Này các tỷ kheo, với tỷ kheo hay tỷ kheo ni nào, tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, này các tỷ kheo, vị ấy được gọi là : “ Đã vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài la sát, đã vượt qua bờ kia là vị Bà la môn đã đứng trên đất liền .” Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.”

“ Với ai đã từ bỏ,                                   Tham, sanh và vô minh.

Vị ấy được gọi là:                                  “ Đã vượt qua biển này.

Với cá mập, Dạ xoa.                              Với sóng biển hãi hùng.

Rất khó được vượt qua .                       Là vị vượt ác triền ([137])

Đã từ bỏ thần chết,                                Không còn có sanh y,

Đã từ bỏ đau khổ,                                  Không còn có tái sanh.

Đã đi đến mục đích,                               Không thể ước lượng được ([138])

Ta nói rằng vị ấy,                                   Làm Ma Vương ai ám”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe “.

PHẨM III

( LXX) (Tik, III) (It, 58)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“ Ta đã thấy, này các tỷ kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các tỷ kheo, sau khi không nghe một Sa môn hay Bà la môn nào khác nói lên , Ta nói lên lời nói ấy:” Này các tỷ kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung chúng phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Và này các tỷ kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra (viditam), nên Ta tuyên bố rằng :” Này các tỷ kheo,Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghi ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chúng, chúng phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.” Thế Tôn đã nói lên ý nghĩ này. Ở đây, điều này đã được nói đến:”

“ Dẫn ý vào đường tà                            Nói những lời tà ngữ,

Với thân làm nghiệp tà,                                     Người ở đời làm vậy.

Ít nghe, (ít học hỏi)                                Không làm các công đức,

Ở đây sống trong đời,                Với sanh mạng ít oi.

Khi thân hoại mạng chung                    Người ấy với liệt tuệ,

Bị sanh vào địa ngục.”

“Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe “.

(LXXI) (Tik, III, 2) (It, 59)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“ Ta đã thấy, này các tỷ kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu nói lời thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các tỷ kheo, sau khi không nghe một Sa môn hay Bà la môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói ấy: “Này các tỷ kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện , thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Và này các tỷ kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tụ mình thấy, tự mình tìm ra, nên tuyên bố rằng :” Này các tỷ kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩ nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng sanh vào thiện thú.Thiên giới, cõi đời này “. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“ Dẫn ý vào đường chánh,                                Nói những lời chánh ngữ,

Với thân làm nghiệp chánh,                              Người ở đời làm vậy.

Nghe nhiều ( học hỏi nhiều )                 Làm các việc công đức,

Ở đây sống trong đời,                            Với sanh mạng ít oi,

Khi thân hoại mạng chung                                Người ấy với trí tuệ,

Người ấy ( làm như vậy),                                  Được sanh lên cõi trời”.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

( LXXII) (Tik, III, 3) (It, 61)

Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“Này các tỷ kheo, có ba xuất ly giới này (nissaraniyo) ([139]) Thế nào là ba? Sự xuất ly này khỏi các dục, tức là viễn ly (nekkhamma). Sự xuất ly này khỏi các sắc, tức là vô sắc, sự đoạn diệt cái gì được hiện hữu, được làm ra (sankhatam) được duyên khởi, là sự xuất ly cái ấy. Này các tỷ kheo, có ba xuất ly giới này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:”

“ Biết được xuất ly dục,                                    Vượt qua được các sắc,

Tịnh chỉ tất cả hành                                           Luôn luôn cảm nhiệt tình,

Tỷ kheo ấy thấy chánh,                                     Từ đấy, chính ở đây,

Vị ấy được giải thoát,                            Thắng trí được viên thành,

Sống nếp sống an tịnh.                          Vị ấy sống như vậy,

Thật sự là ẩn sĩ,                                      Đã được khỏi các ách.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

(LXXIII) (Tik, III, 4) (It, 61).

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“Này các tỷ kheo, các pháp vô sắc an tịnh tốt hơn các sắc pháp; đoạn diệt (nirodha) an tịnh tốt hơn các pháp vô sắc. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩ này. Ở đây, điều này được nói đến :”

“ Chúng sanh đi đến sắc,                                   Có chúng trú vô sắc,

Không quán tri đoạn diệt,                                 Chúng đi đến tái sanh.

Những ai liễu tri sắc,                                         Không an trú vô sắc.

Chính trong sự đoạn diệt,                                  Chúng đạt được giải thoát,

Với thân cảm xúc được,                                    Bất tử không sanh y,

Sanh y được xả ly,                                             Chúng được , không lậu hoặc

Vị Chánh đẳng Chánh giác ,                             Thuyết giảng về con đường.

Con đường không sầu muộn,                Con đường không cấu uế”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

(LXXIV) (Tik, III,5 ) (It, 62)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe :”

“Này các tỷ kheo, có ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba ? Ưu sanh (atijàto), tùy sanh (anujàto), liệt sanh (avajàto). và này các tỷ kheo. Thế nào là ưu sanh? Ở đây, này các tỷ kheo, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con của chúng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu nấu, giữ giới, theo pháp lành. Như vậy, này các tỷ kheo, người con ấy được ưu sanh. Và này các tỷ kheo, thế nào là con trai tùy sanh? Ở đây này các tỷ kheo, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục , từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Người con trai của chúng cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo , từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Như vậy này các tỷ kheo, là người con tùy sanh. Và này các tỷ kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, này các tỷ kheo, cha mẹ của người con trai này quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Và người con của chúng không quy y Phật, không uy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, ác giới, theo ác pháp. Như vậy này các tỷ kheo, là người con liệt sanh. Này các tỷ kheo, có ba hạng con trai này có mặt xuất hiện ở đời. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến “.

“ Bậc hiền trí ước muốn,                                   Con trai ưu , tùy sanh,

Không ước muốn liệt sanh,                               Một gánh nặng gia đình ([140])

Đời có những con này,                          Trở thành nam cư sĩ,

Sống đầy đủ tín giới,                                         Biết nghe lời người khác ([141])

Xa lìa sự xan tham ;                                           Những người con như vậy.

Như trăng thoát đám mây,                                Chói sáng giữa hội chúng.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

( LXXV) (Tik, III, 6) ( It. 64).

 “ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“Này các tỷ kheo, có ba hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như hạn hán ( anutthikasamo), người như chỉ mưa trong địa phương (padesavassi), và người như mưa đỗ xuống khắp tất cả”.

“ Và này các tỷ kheo, thế nào là người như mưa hạn hán? Ở đây, này các tỷ kheo, có người không bố thí cho tất cả mọi người, không cho đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc cho Sa môn, Bà la môn, cho các người ăn xin nghèo khổ khốn cùng ([142]). Này các tỷ kheo, hạng người như vậy như hạn hán không mưa. Và này các tỷ kheo, thế nào là hạng người như chỉ mưa trong địa phương? Ở đây, này các tỷ kheo, có hạng người có bố thí cho một số người, nhưng không bố thí cho một số người . Dầu số người đó là Sa môn, Bà la môn hay các người ăn xin nghèo khổ, khốn cùng. Không bố thí đồ ăn đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương , dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc. Này các tỷ kheo, hạng người như vậy là hạng người như mưa chỉ trong địa phương. Và này các tỷ kheo, thế nào là hạng người như mưa đỗ xuống khắp tất cả? Ở đây, này các tỷ kheo, có hạng người cho tất cả mọi người, cho đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc, cho các người Sa môn, Bà la môn cho các người ăn xin nghèo khổ khốn cùng. Này các tỷ kheo, có ba hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“ Không cho hạng Sa môn,                               Không cho Bà la môn,

Không cho kẻ khốn cùng,                                 Không cho người ăn xin ([143])

Không san sẻ cho người                                    Những đồ thâu hoạch được.

Như đồ ăn, đồ uống                               Cùng các vật thực khác.

Hạng ấy thật giống như                         Hạn hán không mưa móc,

Hạng người ấy được gọi,                      Là hạng người hạ liệt ([144])

Không cho một hạng người,                 Chỉ lựa cho ([145]) một số

Hạng ấy được hiền trí                Gọi là những hạng người,

Chỉ mưa tại địa phương                         ( Không mưa tại chỗ khác ).

Hạng người mưa bố thí ([146])                  Cùng khắp tất cả chỗ,

Có lòng thương từ mẫu,                        Đối mọi loại hữu tình,

Với tâm thật hoan hỷ,               Tung vải cho cùng khắp,

Hãy cho ! Hãy cho nữa”.                       Vị ấy luôn nói vậy.

Như mây giông gầm thét ([147])               Chớp sáng ([148]) mưa đỗ xuống,

Tràn ngập chỗ đất cao,              Tràn đầy chỗ đất trũng,

Chảy tràn với nước ngập.                      Cũng vậy ở đời này,

Có một số hạng người,              Hạng người giống như vậy.

Thâu hoạch được đúng pháp,    Tài sản do nỗ lực.

Với đồ ăn đồ uống                                 Vị ấy chơn chánh đãi,

Những chúng sanh khốn cùng.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

(LXXVI) (Tik, III, 7) (It, 67)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“ Do hy vọng (patthayamàno) được ba lạc này, bậc hiền trí hộ trì giới, Thế nào là ba? “ Mong rằng lời tán thán sẽ đến với Ta”, bậc hiền trí hộ trì giới. “ Mong rằng, tài sản sẽ khởi lên cho Ta”, bậc hiền trì hộ trì giới . “ Mong rằng khi thân hoại mạng chung. Ta sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này “, bậc hiền trí hộ trì giới. Này các tỷ kheo, do hy vọng được ba lạc này, bậc hiền trí hộ trì giới, Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến”.

“ Bậc trí hộ trì giới                                Hy vọng được ba lạc,

Được khen, được tài sản,                      Đời sau sống hoan hỷ,

Trong cảnh giới chư Thiên.

Nếu  không làm điều ác,                        Nhưng theo kẻ làm ác.

Nó bị nghi làm ác,                                 Với nó, tiếng xấu tăng.

Giống như người làm bạn                     Giống như người làm theo ,

Nó giống như người ấy                         Nó giống người cộng trú.

Người theo, người được theo, Xúc chạm, được xúc chạm,

Như cây tên nhiễm độc ([149])                              Nhiễm bó tên chưa nhiễm ([150]).

Bậc trí vì sợ nhiễm,                                           Nên không bạn kẻ ác.

Với ngọc cỏ Kusa,                                             Dùng gói đồ cá thúi,

Kusa bay mùi thúi,                                            Cũng vậy, gần kẻ ngu.

Còn người dùng ngọn lá,                                  Gói hương Ta ga ra,

Ngọn lá bay múi thơm                           Cũng vậy, gần bậc Trí.

Do vậy, nhờ nghĩ đến                            Cái giỏ bằng là ấy ([151]) ?

Biết được những cái gì.                                     Sẽ rơi vào tự mình ([152])

Bậc hiền trí không theo,                                    Những hạng người bất thiện.

Chỉ biết làm bạn thân,                           Những người lành hiền thiện.

Những kẻ ác, bất thiện,                                     Dắt dẫn đến địa ngục,

Còn những kẻ tốt lành,                          Đạt đến cảnh thiện thù.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

( LXXVII) (Tik, III, 8) ( It, 69)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“Này các tỷ kheo, thân này bị hủy hoại ([153]), thức bị lụn tàn (viràgadhamman ) ([154]), tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Thế tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến”.

“ Biết thân bị hủy hoại, ([155])                              Còn thức bị lụn tàn ([156])

Thấy sợ trong sanh y,                            Hiểu được ([157]) sanh và chết.

Sau khi chứng đạt được,                                   Sự an tịnh tối thượng,

Tự ngã được tụ tập,                                           Chỉ còn đợi thời gian”.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

(LXXVIII) (Tik, III, 9) (It, 69)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“ Này các tỷ kheo, các chúng sanh tùy theo giới ( Dhàtuso), giao thân (samsandanti) chung dòng (sameti) với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ (hinàdhimuttikà) giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Các chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng. Này các tỷ kheo, trong thời gian quá khứ, các chúng sanh tùy theo giới đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng. Này các tỷ kheo, trong thời tương lai, các chúng sanh tùy theo giới, sẽ giao thân, sẽ chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng hướng hạ sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng. Này các tỷ kheo, hiện nay cũng vậy, trong thời hiện tại, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“ Rừng dục ([158]) được sanh lên,                                    Chính do sự cộng trú,

Rừng dục được chặt đứt,                                              Chính nhờ không cộng trú,

Như leo tấm gỗ nhỏ,                                                      Bị chìm dưới sông lớn,

Cũng vậy, nếu đi đến,                                        Với kẻ lười, biếng nhác,

Bậc sống đời tốt lành,                                       Rồi cũng bị chìm luôn.

Do vậy hãy tránh xa,                                         Kẻ lười không tinh tấn,

Hãy chung sống cộng trú,                                             Với bậc Thánh viễn ly,

Với những bậc tinh cần                                     Sống trong cảnh thiền định,

Với những vị thường xuyên,                                         Siêng năng và cần mẫn”.

 

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe”.

( LXXIX) (Tik, III, 10) (It, 71)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe .”

“Này các tỷ kheo, có ba pháp này đưa đến tổn giảm (parihànàya) cho tỷ kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo hữu học ưa thích công việc, thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc: ưa thích nói chuyện ; ưa thích nằm ngủ, thích thú nằm ngủ, đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các tỷ kheo, có ba pháp này đưa đến sự tổn giảm cho tỷ kheo hữu học “.

“Này các tỷ kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho tỷ kheo hữu học . Thế nào là ba? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo hữu học không ưa thích công việc, không thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không đam mê ưa thích nói chuyện ; không ưa thích nằm ngủ, không thích thú nằm ngủ, không đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các tỷ kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho tỷ kheo hữu học. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“ Tỷ kheo thích công việc                                  Thích thú trong nói chuyện,

Và ưa thích nằm ngủ,                            Sống giao động trạo cử;

Vị tỷ kheo như vậy                                            Không thể nào chứng ngộ,

Chứng Bồ đề tối thượng.

Do vậy, đối vị ấy                                               Cần phải ít công việc,

Phải ít sự nằm ngủ,                                            Không được có tháo động,

Vị tỷ kheo như vậy,                                           Mới có thể chứng được,

Chứng tốn thượng Bồ Đề”.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe “.

 

Phần IV

(LXXX) (Til, IV, 1) (It.72)

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến , đã được bậc A la hán nói đến , và tôi đã được nghe :”

“ Này các tỷ kheo , có ba tầm tư bất thiện này . Thế nào là ba ? Tầm  tư liên hệ đến tự đề cao mình ( Anavannattipasamyutto )([159]) ; tầm tư liên hệ đến lợi dưỡng , cung kính , danh vọng ; tầm tư liên hệ đến lo lắng cho người khác (paranuddayatàpàtisamyyutto) ([160]) .Này các tỷ kheo , có ba tầm tư bất thiện này . Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này . Ở đây , điều này được nói đến “.

“ Ai có sự liên hệ ,                                Tự đề cao chính mình,

Liên hệ đến lợi dưỡng               Cung kính và tôn trọng,

Ai ưa thích , vui thích ,              Làm thân , làm bạn hữu ,

Những vị ấy đứng xa ,               Diệt tận các kiết hữu,

Ai từ bỏ con cái ,                                   Từ bỏ các loài vật ,

Từ bỏ các lễ cưới ([161])                            Bỏ cất chứa tài sản ([162])

Tỷ kheo ấy có thể                                  Chứng Bồ Đề vô thượng “

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến , và tôi đã được nghe “ ([163])

(LXXXI) (Tik, IV,2) (It.73)                    

“ Này các tỷ kheo , ta đã thấy các chúng sanh ([164]) , bị cung kính (sakkàra) chinh phục , bị tâm cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú . đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh bị không cung kính chinh phục , tâm bị không cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú ,đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh khi tâm bị chinh phục , bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung lính , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú, đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ khoe , sau khi nghe một Sa môn , hay Bà La môn nào khác nói lên , Ta nói lên lời nói ấy :” Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh , bị cung kính chinh phục , tâm bị cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đoạ xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh , khi bị không cung kính chinh phục , tâm bị không cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh khi bị chinh phục , tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đọa xứ , địa ngục . Và này các tỷ kheo , vì rằng ta tự mình biết , tự mình thấy , tự mình tìm ra (vidita) , nên ta tuyên bố rằng :” Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh , khi bị cung kính chinh phục , tâm bị cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh , khi bị không cung kính chinh phục , tâm bị không cung kính xâm chiếm , sau khi thân hoại mạng chung , bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đọa xứ , địa ngục . Này các tỷ kheo , Ta đã thấy các chúng sanh , khi bị chinh phục , tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính , sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ , ác thú , đọa xứ , địa ngục “.

“ Ai khi được cung kính,                                   Khi không được cung kính.

Trong cả hai trường hợp.                                   Tâm định không lay chuyển

Sống hạnh không phóng dật ([165])                      Tâm thường nhập thiền tư

Với tâm tưởng tế nhị                                         Chánh quán các sở kiến,

Ưa thích chấp thủ diệt                           Được gọi bậc chân nhân “.

 

(LXXXII) (Tik. IV, 3) (It. 75)

“ Này các tỷ kheo , giữa chư Thiên , có ba tiếng chư Thiên này ([166]) thỉnh thoảng được vang lên ( niccharanti) tùy theo được khởi lên (samayam upàdàya ) ([167]) . Thế nào là ba ? Này các Tỷ kheo , khi nào bậc thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa , nghĩ đến xuất gia , từ bỏ gia đình , sống không gia đình , trong khi ấy , này các tỷ kheo , tiếng chư Thiên được vang lên : “ Vị Thánh đệ tử này nghĩ đến chiến đấu với Ác ma “ . Này các tỷ kheo , đây là tiếng chư Thiên  thứ nhất , thỉnh thoảng được vang giữa chư Thiên , tùy thời được khởi lên . Lại nữa , này các tỷ kheo , khi nào bậc Thánh đệ tử sống chuyên tâm tu tập về bảy Bồ đề phần , trong khi ấy , này các tỷ kheo , tiếng chư Thiên được vang lên :” Vị Thánh đệ tử này chiến đấu với Ác ma !” Này các tỷ kheo , đây là tiếng chư Thiên thứ hai , thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên , tùy thời được khởi lên . Lại nữa , này các tỷ kheo , khi nào bậc Thánh đệ tử , với sự diệt tận các lậu hoặc , ngay trong hiện tại , tự mình với thắng trí chứng ngộ , chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát , tuệ giải thoát ; trong khi ấy , này các tỷ kheo , tiếng chư Thiên vang lên :”Vị Thánh đệ tử này đã chiến thắng trong chiến trận . Đứng đầu trong chiến trận , sau khi chiến thắng , vị ấy an trú “ . Này các tỷ kheo , đây là tiếng chư Thiên thứ ba, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên , tùy thời được khởi lên . Này các tỷ kheo , giữa chư Thiên có tiếng chư Thiên này , thỉnh thoảng được vang lên , tùy thời được khởi lên “.

“ Thấy đệ tử chánh giác             Chiến thắng trong chiến trận,

Chư Thiên cũng đảnh lễ,                       (Bậc vĩ đại như vậy)

Bậc trí tuệ chín muồi ([168])

“Chúng tôi đảnh lễ Ngài .                      Người được luyện thuần thục,

Vì Ngài đã chiến thắng.             Trận đánh rất khó thắng

Ngài đã chiến thắng được                     Quân đội của thần chết,

Không còn trở ngại gì,              Nhờ giải thoát của Ngài.

Như vậy các Thiên nhân,                       Đảnh lễ vị như vậy,

Vị đạt được mục đích ([169])                     Chắc chắn các Thiên nhân,

Đảnh lễ trong vị ấy                                Pháp gì giúp thoát được,

Khỏi thần chết chi phối, ([170])

(LXXXIII) (Tik. IV, 4 ) (It. 76)

Tướng chết chư Thiên .

“ Này các tỷ kheo, khi nào một Thiên nhân mệnh chung từ bỏ thân Chư Thiên, có năm tướng xuất hiện ra trước :” Các vòng hoa héo úa (milàyanti) ; áo quần bị uế nhiễm ; mồ hôi chảy ra từ nách; thân sắc trở thành xấu xí ; Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi Chư thiên”.Này các tỷ kheo , Chư thiên sau khi biết :” Thiên tử này mệnh chung”, nói ba lời để cỗ cũ (anumpdati): “ Từ đây , hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành , hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy khéo an trú”. Được nghe nói vậy, một tỷ kheo bạch Thế Tôn :” Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là đi đến cõi lành của Chư thiên ? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của Chư Thiên ? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là khéo an trú của Chư thiên?” -” Này các tỷ kheo, được địa vị làm người (manussttam) được gọi là đi đến cõi lành của Chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các tỷ kheo , đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của Chư Thiên . Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, kiên trì, không bị làm tan nát ( asamhàriya) ([171]) bởi Sa môn , Bà la môn , Thiên nhân, Ác ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời . Đây được gọi là khéo an trú của Chư thiên “.

“ Khi nào vị Thiên nhân,                                   Từ bỏ thân Chư thiên.

Vì thọ mạng đã hết                                            Ba tiếng được thốt lên ,

Do Chư thiên an ủi,                                           Cỗ võ ([172]), khiến hoan hỷ .

Từ đây này hiền giả,                                          Hãy đi đến cõi lành,

Cộng trú với loài người,                                    Khi đã được làm người

Trong chánh pháp vị diệu,                                 Hãy lấy được lòng tin,

Lòng tin ấy vô thượng,                         Hiền giã hãy thâm nhập,

Vào trong lòng tin ấy,                           An trú thành gốc rễ,

Cho đến trọn sanh mạng,                                   không bị làm tan nát,

Trong diệu pháp khéo giảng.

Từ bỏ thân làm ác,                                             Từ bỏ lời nói ác,

Từ bỏ ý nghĩ ác,                                     Và mọi hành động khác,

Được xem là thuộc ác.

Thân làm các hạnh lành,                                    Làm nhiều lời nói lành,

Sau khi ý nghĩ lành,                                           Vô lượng , không sanh y.

Rồi làm các công đức                            Cho sanh y đời sau ([173])

Làm xong nhiều công đức                                 Với bố thí rộng rãi,

Rồi an trú người khác,                           Bị tử vong chi phối,

Trong đời sống Phạm hạnh,                               Trong chánh pháp vi diệu.

Với lòng từ mẫn này,                            Chư thiên khi biết được.

Một thiên nhân mệnh chung,                             Liền nói lời cỗ võ.

“ Thiên nhân hãy đến đây                                  Hãy đến lại nhiều lần!”

 

(LXXXIV) (Tik, IV, 5) (It. 78)

“ Có ba hạng người này xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích. Vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư thiên và loài người. Thế nào là ba ? Ở đây, này các tỷ kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, đầy đủ minh đức hạnh đức, khéo vượt qua, hiểu biết thế gian, bậc Vô thượng, điều ngự những ai đáng được điều ngự, bậc Thầy Chư thiên và loài người, Phật, Thế Tôn. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các tỷ kheo, đây làhạng người thứ nhất xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời. vì lợi ích , vì hạnh phúc, vì an lạc, cho Chư thiên và loài người . Lại nữa này các tỷ kheo, đệ tử của bậc Đạo sư ấy, bậc A la hán, các lậu hoặc đã đoạn tận , Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích của mình đã đạt được , hữu kiết sử đã đoạn tận , đã giải thoát nhờ chánh trí. Vị ấy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các tỷ kheo, đây là hạnh người thứ hai xuất hiện ở đời, xuất hiện đem hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người . Lại nữa, này các tỷ kheo, đệ tử bậc Đạo sư ấy là bậc hữu học, đang đi trên con đường, vị nghe nhiều, giới cấm được gìn giữ ( silavatùpapanno). Vị ấy cũng thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các tỷ kheo, đây là hạnh người thứ ba xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Này các tỷ kheo, có ba hạng người xuất hiện ở đời, xuất hiện đem hạnh phúc cho nhiều người , an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.

“ Bậc Đạo sư ở đời,                                           Đại ẩn sĩ thứ nhất.

Tiếp nối theo vị ấy                                             Là đệ tử Đạo sư,

Đã tu tập tự ngã,                                               Tiếp đến bậc hữu học.

Đang đi trên con đường                                    Bậc nghe nhiều học nhiều.

Bậc giới cấm đầy đủ.

Ba vị tối thượng này,                                        Giữa chư Thiên loài người.

Bậc tác thành hào quang,                                  Bậc tuyên bố chánh pháp ([174])

Mở toang ([175]) của bất tử,                                  Đã giúp đỡ nhiều người.

Thoát ly khỏi ách nạn.

Những ai tùy bước theo,                                   Con đường khéo thuyết giảng.

Bởi bậc vô thượng sĩ.                                        Bậc cầm đầu lữ hành,

Vị ấy tại đời này,                                               Chấm dứt mọi khổ đau,

Những vị không phóng dật,                              Trong giáo lý Thiện Thệ ! “

 

(LXXXV) (Tik, IV, 6) (It, 80)

“ Này các tỷ kheo, hãy sống tùy quân bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niêm hơi thở vô hơi thở ra. Đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; Hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành. Này các tỷ kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới (subhaya dhatuya) được đoạn trừ. Khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tầm hướng ngoại (bàhiràvitakkasayà), dự phần vào tổn hại không có . Khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh được trừ diệt, minh được khởi lên”.

“ Quán bất tịnh trên thân,                                  Niệm thở vô thở ra.

Tịnh chỉ tất cả hành,                                          Thường nhiệt tâm, chánh kiến,

Vị tỷ kheo như vậy,                                           Đã thấy rất chơn chánh,

Từ đấy ở nơi đây,                                              Vị ấy được giải thoát,

Thắng trí được thành tựu,                                 Lắng dịu thật an tịnh,

Vị ẩn sĩ như vậy,                                               Chắc vượt khỏi ách nạn”.

 

(LXXXVI) (Tik, IV, 7) (It, 81)   

“ Với vị tỷ kheo hành trì tùy pháp ([176]) đúng pháp đây là cách thức đúng đắn để giải thoát (veyyàkaranàya) những chữ: “ Thực hành tùy pháp đúng pháp”. Khi vị ấy nói, vị ấy nói đúng pháp không phải phi pháp ; Khi vị ấy suy tư, vị ấy suy tư với suy tư đúng pháp, không phải suy tư phi pháp. Do từ bỏ hai điều ấy, vị ấy trù xá, chánh niệm tỉnh giác”.

“ Thích pháp , hân hoan pháp,               Suy tư trên chánh pháp.

Tỷ kheo tùy niệm pháp,                         Chánh pháp không tổn giảm.

Khi đi hoặc khi đứng.                                        Khi ngồi hoặc khi nằm ([177])

Nội tâm được chế ngự ([178])                               Vị ấy đạt an tịnh”.

 

(LXXXVII) (Tik. IV, 8) (It. 82)

 

“ Này các tỷ kheo, có 3 tầm bất thiện này, các thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn. Thế nào là ba? Này các tỷ kheo, dục tầm (Kàmavitakka) tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn. Này các tỷ kheo, sân tầm ( vyàpadavitakko) tán thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến mê đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn. Này các tỷ kheo , hại tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn . Này các tỷ kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tách thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn. Này các tỷ kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí huệ, không dự vào phần tổn hại, đưa đến Niết bàn. Thế nào là ba? An ổn (nekkhamma) tầm, này các tỷ kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tách thành trí, làm tăng trưởng trí huệ, không dự phần làm tổn hại, đưa đến Niết bàn. vô sân tầm, này các tỷ kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí huệ, không dự phần vào tổn hại đưa đến Niết bàn. Vô hại tầm, này các tỷ kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí. làm tăng trưởng trí huệ, không dự phần vào tổn hại , đưa đến Niết bàn. Này các tỷ kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tách thành trí, làm tăng trưởng trí huệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết bàn.”

“ Hãy suy tư, suy tầm,               Ba tầm thuộc chánh thiện.

Đối ba tư duy ác                                    Hãy từ bỏ, lánh xa.

Vị ấy chắc chế ngự,                               Hành tướng các tư duy,

Như cơn mưa dẹp sạch, ([179])                 Các bụi bậm chất chứa.

Vị ấy thật chắc chắn                              An tịnh tầm với tâm.

Ở đây vị ấy đạt,                         Con đường an tịnh đạo”.

(LXXXVIII) (Tik, Iv, 9) (It, 83) 

“ Này các tỷ kheo, có ba nội uế, nội thù (antarà amittà) này, nội đối thủ (antarà sapattà), nội sát nhân (vadhaka), nội thù địch này (paccatthiko) .Thế nào là ba? Tham, này các tỷ kheo . là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Sân, này các tỷ kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Si, này các tỷ kheo, là nôi uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Này các tỷ kheo, có ba nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này.”

“ Tham sanh ra bất hạnh                        Tham làm tâm giao động ([180])

Tham chính là sợ hãi                              Sanh ra từ bên trong .

Loài người không rõ biết                       Loại tham (đặc biệt) ấy.

Người tham không biết rõ                     Đâu chính là lợi ích,

Người tham không thấy được   Đâu chính là chánh pháp.

Mù lòa và tối tăm                                  Sẽ xuất hiện , có mặt,

Ở nơi một người nào ,               Có tham cùng chung sống.

Ai đoạn trừ được tham,             Không tham vật đáng tham,

Với ai tham đoạn trừ                             Như giọt nước là sen.

Sân sanh ra bất hạnh,                 Sân làm tâm giao động,

Sân chính là sợ hãi,                                Sanh ra từ bên trong,

Loài người không rõ biết,                      Lòng sân (đặt biệt) ấy.

Người sân không thấy được,                 Đâu chính là chánh pháp,

Mù lòa và tối tăm,                                 Sẽ xuất hiện , có mặt

Ở nơi sân người nào,                             Có sân cùng chung sống.

Ai đoạn trừ được sân,                            Không sân việc đáng sân.

Với ai, sân đoạn trừ,                              Như quả cây Ta là ([181])

Được chặt đứt khỏi cành (?) ([182])

Si sanh ra bất hạnh,                               Si sanh tâm giao động.

Si chính là sợ hãi,                                  Sanh ra từ bên trong,

Loài người không rõ biết,                      Lòng ai (đặt biệt) ấy.

Người si không rõ biết,             Đâu chính là lợi ích.

Người si không thấy được                    Đâu chính là chánh pháp,

Mù lòa và tối tăm                                  Sẽ xuất hiện, có mặt,

Ở nơi một người nào,                            Có si cùng chung sống.

Ai đoạn trừ được si,                              Không si việc đáng si,

Vị ấy quét sạch được,                Tất cả mọi si ám,

Như mặt trời mọc lên,               Quét sạch mọi tăm tối.”

(LXXXIX) (Tik, IV, 10) (It. 85) 

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe.”

“ Này các tỷ kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây, không thể cứu chữa (atekiccho) ([183]) .Thế nào là ba ? Bị chinh phục bởi ác dục (Papicchatàya) tâm bị ác dục xâm chiếm . Devadatta bị rơi vào đọa xứ,  bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây , không thể cứu chữa. Bị chinh phục bởi ác bằng hữu, với tâm ác bằng hữu xâm chiếm. Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào Địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Dầu cho còn có những thượng pháp cần phải làm ( uttarikaraniye) , do đạt được những chứng đắc đặc biệt ( visesàdhigamena) . nhưng chỉ có giá trị tầm thường (oramattakena), Devadatta đã dừng lại giữa đường (antarà vosànam àpàdì). Này các tỷ kheo, bị  chinh phục bởi ba phi diệu pháp này, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

“ Người khởi lên ác dục,                                   Không được sanh đời này.

Hãy biết nhờ điểm này,                         Sanh thù người ác dục.

Ta được nghe như sau                           Về Đê va đát ta:

“ Được biết là hiều trí,                           Được nhận ([184]) có tu ngã,

Nó đứng, được chói sáng                                  Chói sáng với danh vọng.

Tự xem mình bằng Ngài ([185])

Đuổi theo, đi theo, thực hiện.

Với bốn cửa đóng chặt,                         Đầy đủ những sợ hãi.

Chắc chắn ai xâm phạm,                                    Vị không có ác tâm,

Vị không làm điều ác,                            Phải cảm xúc ác ấy,

Vì tâm bị uế nhiễm,                                           Không có biết tôn trọng.

Ai nghĩ làm ô nhiễm,                                         Toàn cả bể đại dương,

Với các ghè đựng đầy                           Đầy cả với thuốc độc.

Không thể ô nhiễm được,                                  Vì Đại dương quá lớn.

Cũng vậy đối Như Lai                           Ai lấy lời làm hại,

Vị đường đi chơn chánh,                                   Vị có tâm an tịnh,

Lời nói không dùng tới                         (Bậc chứng ngộ ) như vậy.

Bậc trí cần làm bạn                                            Với một người như vậy.

Cần phải gần thân cận                           Với người được như vậy,

Tỷ kheo cùng đi theo                                         Một tuyến đường người ấy

Vị ấy sẽ đạt đến                                     Sự đoạn diệt khổ đau.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe “

 

 

Phẩm V

 

(XC) (Tik V, 1) (It. 87)    

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe ([186])  không có sắc, có tưởng, không có tưởng, hay không có tưởng , không không có tưởng. Như Lai được xem là tối thượng đối với chúng, tức là bậc A la hán, Chánh đẳng Chánh giác. Này các tỷ kheo, nhưng ai có lòng tin thành với Đức Phật, những vị ấy có lòng tin thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tin thành nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng”.

“ Này các tỷ kheo, so sánh các pháp hữu vi hay vô vi, ly tham ( viràgo) được xem là tối thượng đối với chúng. Tức là kiên mạn nhiếp phục ( madanimmaddano) khát ái chế ngự, chấp nhận được nhổ lên (àlaya). Lưu chuyển cắt đức, ái diệt, ly tham, đoạn diệt. Niết bàn. Này các tỷ kheo, những ai có lòng tín thành nơi ly tham , những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng ; với những ai có lòng tin nơi tối thượng , quả dị thục là quả tối thượng.”

“ Này các tỷ kheo, so sánh Tăng chúng hay hội chúng, Tăng chúng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng , tức là bốn đôi, tám vị ([187]). Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chấp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các tỷ kheo, những ai có lòng tín thành nơi tăng chúng, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng. Này các tỷ kheo có ba quả dị thục là quả tối thượng lòng tín thành tối thượng này . Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.”

“ Những ai có lòng tin,              Lòng tin nơi tối thượng,

Chính là sự rõ biết,                                Biết chánh pháp tối thượng.

Những ai có lòng tin,                             Nơi đức Phật tối thượng,

Bậc vô thượng xứng đáng,                    Xứng đáng được cúng dường.

Những ai có lòng tin,                             Nơi chánh pháp tối thượng,

Những pháp rời bỏ tham,                      An tịnh, thật tịnh lạc.

Những ai có lòng tin,                             Nơi tăng chúng tối thượng.

Những ruộng phước công đức, Vô thượng không gì hơn.

Những ai đã bố thí,                                Với đối tượng tối thượng.

Công đức được tăng tưởng,                  Tăng trưởng đến tối thượng.

Thọ mạng được tối thượng.                  Dung sắc cũng tối thượng,

Danh vọng, tiếng đồn tốt,                     An lạc và sức mạnh.

Bậc trí có bố thí.                                    Bố thí vị tối thượng,

Vị định tĩnh , thiền định,                       Trong chánh pháp tối thượng,           

Chư thiên hay loài người.                      Đạt được sự tối thượng.

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe”.

(XCI) (Tik. V, 2) (It. 89)

 

“Này các tỷ kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống , tức là đi bát khất thực (piundolyam) ; Này các tỷ kheo. danh từ nhiếc mắng (abhilàlàyam) ([188]) , ở trong đời là nói rằng :” Ngươi là kẻ đi bát, với bát cần tay, người đi khắp mọi nơi” . Tuy vậy chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng (atthavasikà), vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy (làm nghề ấy) vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi, không phải vì mất nghề nuôi sống ( àjivikà pakatà) ; nhưng vì nghĩ rằng: “ Nay Ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy (dukkhàbhikinuà). bị khổ chinh phục (dukkhaparetà) . Rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày”. Này các tỷ kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái ( abhijjhàlù) trong các dục, với lòng tham sắc xảo (tibbasàràgo) , với tâm sân hận (vyàpannacitto), ý tư duy nhiễm ác (padutthamanasankappo), thất niệm, không tỉnh giác , không định tỉnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại (kàkatindriyp). Này các tỷ kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lấm phân, không hoàn thành (pharati), được mục đích làm que củi (katthattham) ở trong làng hay ở trong rừng . Này các tỷ kheo. Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa môn hạnh.”

“ Tài sản ở gia đình                                            Được đoạn tận từ nhỏ.

Nhưng khó dự phần được                                 Mục đích Sa môn hạnh,

Tự đưa đến tổn hại ([189])                         Và đưa đến tán loạn.

Giống que lửa thiêu xác,                                   Đi đến chỗ loại vong.

Tốt hơn nuốt ([190]) hòn sắt,                                 Chảy đỏ, một cục lửa.

Nếu kẻ hành ác giới                                           Ăn đồ ăn quốc độ,

Không biết có chế ngự ([191])

(XCII) (Tik, V, 3) (It. 90)

“ Này các tỷ kheo, nếu một tỷ kheo nắm lấy viền áo Tăng già lê (Sanghàtikanne) đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại , vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy không thấy pháp. Do không thấy pháp nên không thấy Ta. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo sống xa đến 100 do tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tỉnh nhất tâm , các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy thấy pháp. Do thấy pháp nên thấy Ta.”

“ Nếu có thể bước theo,                                    Nhưng nhiều dục ([192]) bực phiền.

Hãy xem người như vậy,                                   Thật là xa, rất xa.

Xa giữa người ái dục ([193])                                 Và người không ái dục,

Xa giữa người lắng dịu ([194])                              Và người đã trừ ái.

Xa giữa người tham ái,                          Với người đã trừ ái.

Sau khi thắng tri pháp.                          Bậc hiền trí biết pháp.

Như ao không gió thổi,                         Không giao động ([195]) tịnh chỉ.

Hãy xem người như vậy,                                   Thật là gần rất gần.

Gần giữa người không ái,                                  Với người không có ái ;

Gần giữa người lắng dịu                                   Với người được lắng dịu,

Gần giữa người không tham,                Với người trừ tham ái .”

 

(XCIII) (Tik. V. 4) (It. 92)

“ Này các tỷ kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba ? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các tỷ kheo, có ba loại lửa này .”

Lửa tham đốt cháy người,                                 Say mê trong các dục,

Còn lửa sân đốt cháy,                            Những người có sân hận,

Những người giết, sát hại,                                 Các loại có sanh mạng.

Còn lửa si đốt cháy,                                           Những kẻ bị mê muội.

Những kẻ không tinh luyện                               Trong giáo pháp bậc Thánh.

Do không được biết rõ,                         Các loại lửa như vậy,

Nên loài người ưa thích,                                    Vui thích với có thân.

Chúng làm cảnh địa ngục,                                 Được lớn mạnh tăng trưởng,

Kể cả giới bàng sanh                             Chỗ sanh xứ súc vật,

Cùng với A tu la,                                               Với cảnh giới quỷ đói,

Chúng không được thoát khỏi,             Trói buộc của Ác ma.

Nhưng ai ngày và đêm,                         Chú tâm vào, chuyện học.

Học những lời giảng dạy,                                  Bậc Chánh đẳng chánh giác.

Chúng làm cho lắng dịu                                    Ngọn lửa của lòng tham ,

Luôn luôn ý thức được                          Tánh bất tịnh ( sự vật).

Với lòng thương, từ mẫn,                                 Những hạng người tối thượng.

Làm lắng dịu, chỉ tịnh,                          Ngọn lửa của sân hận.

Còn ngọn lửa si mê                                            Với tri tuệ dập tắt.

Trí tuệ này đưa đến                                            Thể nhập vào (chân lý)           

Bậc thận trọng sáng suốt,                                  Ngày đêm làm lắng dịu,

Các loại lửa như vậy,                                         Không có biết mệt mỏi ([196])

Chúng làm cho lắng dịu,                                   Không một chút dư tàn,

Những bậc Thánh đã thấy                                 Bậc trí tuệ hiểu biết,

Là những bậc hiền trí                            Thấy được nhờ chánh trí

Do chúng thắng tri được                                   Sự diệt tận của sanh,

Nên chúng không đi đến,                                  Sanh đi rồi sanh lại.”

 

(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)

 

“Này các tỷ kheo, tỷ kheo cần phải quán sát (upaparikkhato) một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần, không có tán loạn (avikkhittam) , không có tản rộng ( avisatam ) , tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố ([197]) , sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh già chết trong tương lai .”

“ Tỷ kheo đã đoạn tận,                          Cả bảy loại trói buộc ([198])

Đã chấm dứt sợi dây,                            Vòng sanh tử luân chuyển.

Đã đoạn tận chận đứng,                                    Vị ấy không tái sanh.”

 

(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)

“ Này các tỷ kheo, có ba sanh khởi của dục ([199]) .Thế nào là ba ? Dục đối với sự vật hiện tại; sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra ( nimmànararatino ) ; sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra ( paranimmitavasavattino) . Này các tỷ kheo, có ba sanh khởi này của dục.”

“ Những ai có lòng dục                                     Đối sự vật hiện tại

Và các loại chư Thiên                            Chi phối các sự vật ([200])

Do người khác tạo ra                                         Chư Thiên ưa thích thú

Đối sự vật mình tạo ;                                         Cùng các chúng sanh khác.

Thọ dụng các loại dục.

Thái độ người hiền tri,                           Đối thọ dụng các dục,

Trong đời này đời khác ([201])                              Từ bỏ tất cả dục,

Dầu thuộc về chư Thiên                                    Và dục thuộc loài người.

Những ai được chặt đứt,                                   Giòng nước khó vượt qua

Sự say đắm sự vật,                                            Thân ái và tốt đẹp ([202])

Chúng làm cho lắng dịu                                    Không có vật dư thừa,

Chúng vượt qua đau khổ,                                  Không còn chút dư tàn,

Những bậc Thánh đã thấy,                                Bậc trí huệ hiểu biết,

Là những bậc hiền trí                                        Thấy được nhờ chánh trí.

Do chúng thắng tri được                                   Sự diệt tận của sanh,

Nên chúng không đi đến                                   Sanh đi rồi sanh lại.”

 

( XCVI ) (Tik. V, 7) ( It.5 )

“ Này các tỷ kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại ( àgàmi) , đi đến lại có mặt ở đây (itthattam). Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục. Này các tỷ kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt tại đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc .”

Những ai bị nhiếp phục                                     Bởi trói buộc của dục.

Bởi trói buộc của hữu,                           Bởi trói buộc cả hai,

Chúng sanh ấy đi đến                            Luân chuyển trong luân hồi.

Chúng đi đến sanh tử.

Những ai đoạn tận dục,                                     Nhưng chưa đạt thành được,

Sự diệt tận lậu hoặc.                                          Chúng còn bị nhiếp phục.

Bởi trói buộc của hữu                                        Chúng được gọi Bất lai.

Những ai chặt đứt được                                    Mọi nghi hoặc phân vân ([203])

Đoạn tận được kiêu mạn,                                  Đoạn tận được tái sanh.

Chắc chắn trong đời này,                                  Chúng đi đến bờ kia,

Vì chúng đã đạt tới,                                           Sự đoạn diệt lậu hoặc.”

 

(XCVII) (Tik. V, 8) (It. 96)         

“ Này các tỷ kheo, một tỷ kheo, có giới tốt lành (kalyànasillo) , có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo (kevali). ([204]) Này , này các tỷ kheo , thế nào là giới tốt lành? Ở đây này các tỷ kheo, vị tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha , đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt , chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy này các tỷ kheo, là vị tỷ kheo có giới tốt lành. Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo , vị tỷ kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập bảy pháp giác chi. Như vậy, này các tỷ kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành. Và thế nào là tuệ tốt lành ? Ở đây , này các tỷ kheo, vị tỷ kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các tỷ kheo, là vị tỷ kheo có tuệ tốt lành . Như vậy , một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo (kevali).

“ Ai với thân, với lời,                            Với ý, không làm ác,

Vị ấy giới tốt lành,                                Được gọi là tỷ kheo,

Có được lòng xấu hỗ.                            Ai, pháp khéo tu tập,

Những pháp giúp đạt đến,                     Chứng được quả Bồ đề,

Vị ấy pháp tốt lành,                               Được gọi là tỷ kheo,

Không có dục trào ra ([205])                                

Ai quán tri đau khổ,                               Ở đây, diệt trừ khổ,

Vị ấy tuệ tốt lành,                                  Được gọi là tỷ kheo,

Không có các lậu hoặc.

Đầy đủ những pháp ấy,                         Thoát khỏi sự phiền muộn ([206])

Chặt đứt mọi nghi ngờ,             Không luyến ái tham đắm ([207])

Mọi sự vật ở đời,                                   Vị ấy được xưng gọi,

Vị đoạn tận tất cả.

(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)

“ Này các tỷ kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp . Này các tỷ kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí pháp. Này các tỷ kheo, có hai sự phân phát này (sam-vibhàgo): Phân phát tài vật và phân phát pháp. Đây là phân phát tối thượng trong hai loại phân này, tức là phân phát pháp. Này các tỷ kheo, có hai loại nhiêu ích này (anuggaha), nhiêu ích tài vật và nhiêu ích pháp. Này các tỷ kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích pháp”.

“ Điều được gọi bố thí,              Thù thắng và vô thượng,

Và sự phân phát nào.                             Được Thế Tôn tán thán,

Với tâm tư tín thành,                             Trong ruộng phước tối thượng,

Bậc trí rõ biết vậy,                                 Ai lại không cúng dường ([208])

Ai làm được cả hai,                               Nói lên và lóng nghe,

Với tâm tư tịnh tín                                Trong lời dạy Thiện Thệ,

Lợi ích ấy của chúng                             Là tối thắng thanh tịnh,

Những ai không phóng dật,                  Trong lời dạy Thiện Thệ.”

(XCIX) (Tik, V, 10) (It, 98)

“ Điều này đã được Thế tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe”.

“ Này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà la môn có được ba minh (tevijjam) ([209]) , một cách đúng pháp , không phải người nào khác được gọi vậy, chỉ vì nó bập bẹ nói lên ( nànnam lapitalàpanamottena) ([210]) . Và này các tỷ kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà la môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì nó bập bẹ nói lên. Ở đây, này các tỷ kheo, vị tỷ kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều loại kiếp , nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng :” Tại chỗ kia ta có tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia , Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy Ta có tên như thế này , giòng họ như thế này , giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này , tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây. “ Như vậy tỷ kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Đây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt ; Vô minh diệt, minh sanh ; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật,  nhiệt tâm, tinh cần.”

“ Lại nữa này các tỷ kheo , tỷ kheo với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng , chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến , tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chúng, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẻ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh , đều do hạnh nghiệp của chúng . Đây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt ; vô minh diệt, minh sanh’ tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.”

“ Lại nữa, này các tỷ kheo, tỷ kheo, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lận tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh ; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà la môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy, chỉ vì nó bập bẹ nói lên.”

Thế Tôn đã nói lên y nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến :”

“ Ai biết được đời trước                                    Với Thiên giới đọa xứ,

Người ấy, Ta tuyên bố,                         Là vị Bà la môn.

Chớ không phải ai khác,                                    Chỉ mở miệng bập bẹ.

Ai biết được đời trước,                         Thấy Thiên giới, đọa xứ.

Vị ấy đạt sanh diệt,                                           Thật là bậc ẩn sĩ.

Đã thành tựu thắng trí.

Ba minh này thành tựu,                         Là Phạm chí ba minh.

Ta gọi vị như vậy,                                              Chính là bậc Ba minh,

Chớ không phải ai khác.                                    Nói lên lời bập bé!”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói lên và tôi đã được nghe.”

 

CHƯƠNG BỐN : TẬP BỐN PHÁP

Phẩm một : I

(C) (Cat. I) (Ti. 101)        

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến, và tôi đã được nghe .”

“ Này các tỷ kheo, Ta là Bà la môn, người đến yêu cầu ( yàcayogo?) , tay luôn luôn thanh tịnh (payatapàni) ([211]), mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị (bhisakko) y sĩ giải phẫu (sallakatto). Các ngươi thật là con của Ta (arasà) từ miệng sanh, từ pháp sanh, từ pháp tạo thành, thừa tự pháp, không thừa tự tài vật. Này các tỷ kheo, có hai loại bố thí ([212]) . Bố thí tài vật và bố thí pháp. Này các tỷ kheo, đây là tối thượng trong hai bố thí này, tức là bố thí pháp. Này các tỷ kheo , có hai loại phân phát này (samvibhàga), phân phát tài vật và phân phát pháp . Này các tỷ kheo, đây là tối thượng trong hai phân phát này, tức là phân phát pháp. Này các tỷ kheo, có hai nhiêu ích này (anuggahà) nhiêu ích tài vật và nhiêu ách pháp . Này các tỷ kheo, đây là tối thượng trong hai nhiêu ích này, tức là nhiêu ích pháp. Này các tỷ kheo, có hai loại tế tự này (yàgà). Tế tự tài vật và tế tự pháp. Này các tỷ kheo, đây là tối thượng trong hai tế tự này, tức là tế tự pháp. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.”

“ Ai tế tự chánh pháp,                           Tế tự , không xan tham,

Như Lai có lòng từ,                                           Đối tất cả sinh vật,

Bậc tối thắng như vậy                           Giữa chư Thiên loài người,

Chúng sanh kinh đảnh lễ,                                  Vị đã vượt qua được

Vượt qua giòng sanh hữu,                                 Đến được bờ bên kia.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe .”

(CI) (Cat. 2) (It. 102) ([213])

Này các tỷ kheo, có bốn pháp này không ít oi (appàni) dễ được, và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn ? Trong các loại y, này các tỷ kheo, y phấn tảo ( lượm từ đống rác) là ít oi, dễ được và không phạm lỗi. Trong các loại để ăn, này các tỷ kheo, đi khất thực từng miếng (pindiyàlopo) là ít oi dễ được và không có phạm lỗi. Trong các sàng tọa, này các tỷ kheo, gốc cây là ít oi , dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các tỷ kheo, nước tiểu hôi (pùti-mutta) là ít oi, dễ được, không có phạm lỗi. Này các tỷ kheo , có bốn loại ít oi dễ được, không có phạm lỗi này. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo biết đủ , với các loại ít oi dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một chi phần Sa môn hạnh của vị ấy.”

“ Biết đủ với sự vật,                              Ít oi dễ tìm được.

Lại không có phạm lỗi.              Tâm không bị phiền nhiễu, ([214])

Về vấn đề sàng tọa,                               Y áo và ăn uống;

Tâm không bị lo lắng ([215])                      Về phương hướng phải đi

Các pháp được tuyên bố,                      Thuận lợi Sa môn hạnh

Chúng được có đầy đủ,             Với tỷ kheo biết đủ,

Với vị không phóng dật.”

(CII) (Cat. 3) (It. 103)

“ Này các tỷ kheo, Ta thuyết sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các tỷ kheo, cho người biết gì, cho người thấy gì, là sự diệt tận các lậu hoặc? Này các tỷ kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: “ Đây là khổ”, là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các tỷ kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: “ Đây là khổ tập” , là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các tỷ kheo, cho người biết, cho người thấy rằng”.

“ Đây là khổ diệt”, là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các tỷ kheo, cho người biết, cho người thấy rằng : “ Đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy, này các tỷ kheo, cho người biết, cho người thấy, là sự diệt các lậu hoặc”.

“ Vị hữu học học tập                                         Hành trì đường chánh trực,

Trong diệt tận ác pháp                           Là trí ([216]) bậc thứ nhất.

Tiếp đến là chánh trí                                          (Chánh trí này ) vô thượng.

Tiếp theo chánh trí ấy                            Chính là sự giải thoát,

Giải thoát trí vô thượng.                                   Trong diệt tận , trí khôn

Với các loại vô thượng.                                     Được đoạn tận ở đây.

Không phải kẻ biếng nhác,                                Kẻ ngu, không biết gì,

Có thể chứng ngộ được                                     Niết bàn ( vô thượng) này,

Sự giải thoát hoàn toàn                         Tất cả mọi trói buộc!”

(CIII) (Cat. 4) (It. 104) ([217])

“ Này các tỷ kheo, những Sa môn hay Bà la môn nào không như thật quán tri : “ Đây là khổ”, không như thật quán tri : “ Đây là khổ tập “ , không như thật quán trí : “ Đây là khổ diệt “, không như thật quán tri : “ Đây là con đường đưa đến khổ diệt”

“ Những Sa môn, Bà la môn ấy, này các tỷ kheo, không được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hàng Sa môn ; hay là Bà la môn trong các Bà la môn. Và các vị tôn giả ấy, ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng tri, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh . Những Sa môn hay Bà la môn nào, này các tỷ kheo, như thật quán tri: “ Đây là khổ” như thật quán tri :” Đây là khổ tập.” Như thật quán tri :”Đây là khổ diệt”, như thật quán tri:” Đây là con đường đưa đến khổ diệt “, thời này các tỷ kheo, các Sa môn hay Bà la môn ấy được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hàng Sa môn, hay Bà la môn trong các hàng Bà la môn. Và các vị tôn giả ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh này hay mục đích Bà la môn hạnh.”

“ Những ai không quán tri,                                Khổ và khổ hiện hữu,

Ở đấy, khổ hoàn toàn                            Được đoạn tận, không dư.

Và không biết đường ấy                                    Đưa đến chỉ tịnh khổ,

Những vị ấy không có                           Tâm và tuệ giải thoát

Chúng không thể chấm dứt ,                 Phải đi đến sanh già

Những vị nào quán tri                           Khổ và khổ tập khởi,

Ở đấy, khổ hoàn toàn                            Được đoạn tận không dư.

Rõ biết con đường ấy                                        Đưa đến chỉ tịnh khổ

Tâm giải thoát thành tựu                                   Và cả tuệ giải thoát

Chúng có thể chấm dứt,                                    Không đi đến sanh già.”

(CIV) (Cat. 5) (It. 106) ([218])

“ Này các tỷ kheo, những tỷ kheo nào đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, những vị giáo giới (ovàdakà) , những vị giảng dạy (vinnàpakà), những vị tuyên bố, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, những bậc xứng đáng thuyết minh diệu pháp (alam-samakkhàtaro) ([219]) , Này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng. chỉ thấy các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy ; này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nghe các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy ; này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ đi đến yết kiến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy ; này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thân cận ( Payirùsanam ) các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy ; này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nhớ nghĩ đến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy ; Này các tỷ kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ tùy theo các vị như vậy xuất gia là lợi ích nhiều cho các tỷ kheo ấy. Vì cớ sao ?”

“ Này các tỷ kheo, khi phục vụ, chia xẻ, thân cận những tỷ kheo như vậy, thời giờ uẩn chưa được đầy đủ đi đến được ta tập đầy đủ ; định uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, tuệ uẩn chưa được đầy đủ đi đến tu tập đầy đủ, giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, đi đến được tu tập đầy đủ, giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ. Này các tỷ kheo, những tỷ kheo như vậy được gọi là những bậc Đạo sư, được gọi là những cầm đầu đoàn lữ hành, được gọi là những vị đã từ bỏ những nguyên nhân tác hại (rananjahà) ([220]) được gọi là những quét sạch tối tăm , gọi là những vị tác thành minh ( àloka), được gọi là những vị tác thành quang (obhàsa); được gọi là những vị tác thành ánh sáng (pajjotara) ; được gọi là những vị cầm bó đuốc ; được gọi là những vị phóng quang (pabhabkarà) ; được gọi là những bậc Thánh ; được gọi là những người có mắt .”

“ Đây là căn cứ địa ([221])                                     Những vị phóng hào quang

Chính nhờ hiểu biết vậy                                    Tức là, đối tự ngã,

Những vị có tu tập                                            Là những bậc hiền thánh

Sống đúng theo chánh pháp.                             Chúng chói sáng diệu pháp

Chúng nói lên diệu pháp ([222])                            Chúng phóng được hào quang.

Là những bậc có tri                                           Tác thành ra ánh sáng.

Chúng là người có mắt,                         Chúng từ bỏ nguyên nhân.

Tạo ra điều tác hại ([223])                          Bậc tri với chánh tri,

Nghe lời dạy vị ấy,                                            Do thắng tri sanh diệt,

Không đi đến tái sanh.”

(CV) (Cat. 6) (It. 109) ([224])

“ Này các tỷ kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái, ở đây ái sanh khởi lên cho tỷ kheo. Thế nào là bốn ? Do nhân y áo. Này các tỷ kheo, ái sanh khởi cho tỷ kheo. Do nhân đồ ăn khất thực, này các tỷ kheo, ái sanh khởi cho tỷ kheo. Do nhân sàng tọa, này các tỷ kheo . Do nhân sanh hữu, không sanh hữu, này các tỷ kheo, ái sanh khởi cho tỷ kheo. Này các tỷ kheo , có bốn sự sanh khởi này của ái. Ở đây ái sanh khởi lên cho tỷ kheo.”

“ Người có ái làm bạn,                          Được luân hồi dài dài .

Nó không vượt luân hồi,                                   Đời này qua đời khác.

Do biết nguy hại vậy,                            Ái tác thành ra khổ.

Không còn có khát ái,                           Không còn có chấp trước .([225])

Vị tỷ kheo chánh niệm                          Du hành (khắp đó đấy).”

(CVI) (Cat. 7) (It. 109) ([226])

“ Những gia đình nào, này các tỷ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên , những gia đình nào, này các tỷ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào , này các tỷ kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, nhưng gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.”

“ Phạm Thiên này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha . Các đạo sư thời xưa, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các tỷ kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn (àpàdakà), dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời (lokassa dassetàro).”

Mẹ cha gọi Phạm Thiên,                                    Bậc Đạo sư thời trước,

Xứng đáng để con cháu                                     Nuôi dưỡng và cúng dường.

Do vậy, bậc hiền triết                            Đảnh lễ và tôn trọng,

Dâng đồ ăn đồ uống                                          Vải mặc và giường nằm,

Thoa bóp (cả thân mình)                                    Tắm rửa cả chân tay

Với sở hành như vậy,                            Đối với mẹ và cha,

Đời này người hiền khen,                                  Đời sau hưởng Thiên lạc.”

“ Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.”

(CVII) (Cat. 8) (It. 111)

“ Này các tỷ kheo, các Bà la môn gia chủ rất có lợi ích cho các người, chính chúng đã sắp đặt y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh cho các ngươi. Này các tỷ kheo, các ngươi cũng rất có lợi ích cho các người Bà la môn gia chủ, vì các ngươi thuyết pháp cho chúng, pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Như vậy, này các tỷ kheo, Phạm hạnh này được sống, do tương duyên với nhau, với mục đích vượt qua giòng nước mạnh, đoạn tận khổ đau.”.

“ Có nhà và không nhà                          Cả hai nương tựa nhau,

Chứng đạt được diệu pháp ([227])                        Ách an ổn vô thượng.

Từ các vị có nhà                                                Vị không nhà nhận được ([228])

Y áo, các vật dụng ([229])                                     Giường nằm và chỗ ngồi

Nhờ vậy tránh khỏi được                                  Các nguy hiểm nhọc nhằn ([230])

Các vi trú gia đình                                             Ước mong mến gia đình

Nương tựa bậc Thiện Thệ,                                Lòng tin bậc Ứng Cúng

Lòng tin Thánh trí tuệ                           Chúng tu tập thiền định.

Ở đây, hành trì pháp                                          Con đường đến cõi lành,

Hân hoan trong thiền giới                                 Chúng sống được hoan hỷ.

Như điều chúng mong muốn ([231])

(CVIII) (Cat. 9) (It. 112)

“ Này các tỷ kheo , những tỷ kheo nào lừa đảo ngoan cố, lắm mồm, lắm miệng (lapa), buông thả hỗn hào vô lễ (unnalà) không định tỉnh, này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy không phải ( đệ tử ) của Ta, này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy rời khởi pháp luật này; và này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy không đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong pháp luật này. Và này các tỷ kheo, các tỷ kheo nào không  lừa đảo , không lắm mồm, lắm miệng, nghiêm trang ( Dhìra), không ngoan cố, khéo định tĩnh; này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy là đệ tử của Ta; này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy không rơi khỏi pháp luật này ; và này các tỷ kheo, các tỷ kheo ấy đi đến tăng trưởng , tăng thịnh, tăng rộng trong pháp luật này.”

“ Lừa đảo và ngoan cố,                                     Lắm mồm và buông thả

Hỗn hào không định tĩnh,                                  Những hạng người như vậy

Không lớn mạnh trong pháp,                Được bậc Chánh giác giảng.

Không lừa đảo lắm mồm                                   Nghiêm trang và bình tĩnh ([232])          

Không ngoan cố , khéo định                             Chúng lớn mạnh trong pháp,

Được bậc Chánh giác giảng”

(CIX) (Cat. 10) (It.113)

“ Này các tỷ kheo, ví như có người bị giòng sông cuốn trôi ( ovuyheyya) ([233]) giòng sông đẹp đẽ, dễ thương (sàta). Có người có mắt, đứng trên bờ thấy nó, nói rằng : “ Này người kia, tuy ngươi bị cuốn trôi bởi giòng sông đẹp đẽ dễ thương nhưng ở dưới kia có một cái hồ, đầy sóng và nước xoáy, đầy cá sấu (sagahà) và quỷ Dạ xoa ; nếu người đến chỗ ấy, người đi đến chết, hay đau khổ gần như chết. Rồi người ấy, sau khi nghe tiếng của người kia, liền với tay và với chân, bơi ngược giòng, này các tỷ kheo Ta ví dụ này là để giải thích ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa là như sau : “ Giòng sông này các tỷ kheo là đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái dễ thương, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Cái hồ ở dưới, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với năm hạ phần kiết sử. Với sóng, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với phẫn nộ, ưu não . Với nước xoáy, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng. Với cá sấu, với quỷ dạ xoa, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa với đàn bà; ngược giòng, này các tỷ kheo, là đồng nghĩa xuất ly; Tinh tấn với tay với chân là đồng nghĩa tinh cầu  tinh tấn . Người có mắt đứng trên bờ sông, này các tỷ kheo, là Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác.”

“ Cùng với sự đau khổ,                                     Hãy từ bỏ các dục

Mong cầu trong tương lai,                                 An ổn khỏi khổ ách

Chơn chánh hiểu biết rõ,                                   Tâm khéo được giải thoát,

Tại đây, ở tại đấy ([234])                                        Cảm xúc được giải thoát,

Vị ấy đạt hiểu biết,                                            Phạm hạnh được thành tựu

Đến tận cùng thế giới,                           Đến được bờ bên kia.

Vị ấy được gọi vậy”.

(CX) (Cat. 11) (It. 115) ([235])

“ Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm. Nếu tỷ kheo chấp nhận, (adhivàseti) ([236]) không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến không hiện hữu, này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường bằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang đứng ...khi đang ngồi...khi đang nằm thức, khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm. Nếu tỷ kheo chấp nhập , không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu, này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang nằm thức, có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường bằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.”

“ Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu tỷ kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang đi có sở hành như vậy. Vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường bằng tinh cần tinh tấn, siêng năng . Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang ngồi...Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang nằm thức khởi lên dục tầm , sân tầm hay hại tầm. Nếu tỷ kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.”

“ Khi đến hoặc khi đứng                                   Khi ngồi hay khi nằm

Khởi lên ác tâm tư                                             Liên hệ đến gia đình.

Thực hành theo ác đạo                          Mờ ám bởi si mê,

Vị tỷ kheo như vậy,                                           Không chứng vô thượng giác.

Ai khi đi, khi đứng.                                           Khi ngồi hay khi nằm.

Tập trung được ([237]) tâm tư                               Ưa thích tầm chỉ tịnh.

Vị tỷ kheo như vậy,                                           Chứng được vô thượng giác.”

(CXI) (Cat. 12) (5 It. 118) ([238])

“ Này các tỷ kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãy trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp . Đã sống đầy đủ giới, này các tỷ kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa? Nếu tỷ kheo trong khi đi, tham sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ  bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tỉnh nhất tâm. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo trong khi đi sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có sợ hãi liên tục thường hằng tinh tấn, siêng năng. Nếu tỷ kheo trong khi đứng...Nếu tỷ kheo trong khi ngồi...Nếu tỷ kheo trong khi nằm, thức, tham được trừ bỏ, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm. thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tỉnh, nhất tâm. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo trong khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người nhiệt tâm, có sợ hãi, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng.”

“ Đi đứng biết tự chế ([239])                                 Ngồi ([240]) nằm biết tự chế.

Tỷ kheo biết tự chế,                                           Khi co tay, duỗi tay.

Phía trên, ngang, cùng khắp                              Xa cho đến cùng tột

Bất cứ sanh thú nào                                           Ở tại thế giới này

Khéo quán sát sanh diệt,                                   Của tất cả pháp uẩn,

Sống như vậy nhiệt tâm                                    Tâm chỉ tịnh, đúng pháp

Tâm an tịnh, không động,                                  Thường xuyên chuyên học tập.

Liên tục, thường siêng năng                              Tỷ kheo được gọi vậy.”

(CXII) (Cat. 13) (It. 121) ([241])

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được Bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe. “Này các tỷ kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy (visannuto) đối với đời. Này các tỷ kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các tỷ kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh đẳng giác; Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các tỷ kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.”

“ Cái gì này các tỷ kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng (mutam), được thức trí, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các tỷ kheo , từ đêm Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết bàn ([242]) không có dư ý trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên (nipdisati) tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy được gọi là Như Lai.”

“ Này các tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi Như Lai.”

“ Này các tỷ kheo, trong toàn thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư thiên và loài người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn trí, toàn kiến (anna datthu daso) ([243]) , đại tự tại ( vassavatti), do vậy được gọi là Như Lai. Thế tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến”:

“ Thắng tri mọi thế giới                                     Mọi thế giới như thật,

Ly hệ mọi thế giới,                                            Không  giống ([244]) mọi thế giới.

Thắng tất cả, bậc trí                                           Giải thoát mọi buộc ràng.

Cảm thọ tối thắng tịnh,                                     Niết bàn, không sơ hãi.

Vị này đoạn lậu hoặc,                            Bậc giác ngộ trí giả.

Không giao động nhiễu loạn,                Nghi ngờ được chặt đứt,

Đạt diệt tận mọi nghiệp                                     Giải thoát diệt sanh y

Là Thế Tôn, là Phật                                           Bậc sư tử vô thượng,

Trong thế giới thiên giới                                    Chuyển bánh xe Phạm luân.

Như vậy loài Trời người,                                   Đến quy y Đức Phật

Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,                                    Vĩ đại không sanh hữu ([245])

Điều phục, bậc tối thượng                     Trong người được điều phục

An tịnh, bậc ẩn sĩ,                                  Những người được an tịnh.

Giải thoát bậc tối thượng,                     Những người được giải thoát

Vượt qua bậc tối thắng,                        Những người được vượt qua.

Như vậy chúng lễ Ngài                         Vĩ đại, không sanh hữu,

Thiên giới, thế giới này,                        Không ai được bằng Ngài.”

“ Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe .”

 

Tỷ kheo Thích Minh Châu

Viện Trưởng Viện Phật học Vạn Hạnh

716 Võ Di Nguy , Phú Nhuận _ TP Hồ Chí Minh.

 

 

 

   MỤC LỤC ([246])

4. Kinh Phật Thuyết Như Vậy

Trang

Lời nói đầu

Chương một : Tập một pháp

Phẩm I

1. (EkI, 1) It, 1 : Tham

2. (EkI, 2) It, 1 : Sân

3. (EkI, 3) It, 2 :Si

4. (EkI, 4) It, 2 : Phẫn nộ

5. (EkI, 5) It, 3 : Gièm pha

6. (EkI, 6) It, 3 : Mạn

7. (EkI, 7) It, 3 : Không thắng trí, liễu trí tất cả, không ly tham, không từ bỏ, không thể diệt được khổ. Và ngược lại .

8. (EkI, 8) It, 4 : Không thắng tri, liễu tri Mạn, không ly tham không từ bỏ không thể diệt khổ đau. Và ngược lại.

9. (EkI, 9) It, 5 : Không liễu tri Tham... không thể diệt được đau khổ. Và ngược lại.

10. (EkI, 10) It, 5 :Không liễu tri Sân. Không thể diệt được đau khổ. Và ngược lại

Phẩm II

11. (EkII,1) It, 6 : Không liễu tri Si... không diệt được khổ đau. Và ngược lại.

12. (EkII,2) It, 7 :Không liễu tri phẫn nộ...không thể diệt được đau khổ. Và ngược lại

13. (EkII, 3) It, 7 :Không liễu tri gièm pha...( như trên).

14. (EkII,4) It, 7 : Do vô minh triền cái chứng sanh bị luân hồi dài dài

15. (EkII,5) It, 8 :Do ái kiết sử, chúng sanh bị luân hồi dài dài

16. (EkII,6) It, 9 : Định nghĩa hữu học. Nếu hành như lý tác ý thiện, từ bỏ bất thiện, được lợi ích vô thượng.

17. (EkII,7) It, 10 : Định nghĩa hữu học. Nên làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, được lợi ích vô thượng

18. (EkII,8) It, 10 : Phá hòa hợp Tăng đem lại bất hạnh lâu dài cho chư Thiên và loài người.

19. (EkII,9) It, 11 : Sự hòa hợp chúng Tăng đem lại bất hạnh lâu dài cho chư Thiên và loài người

20. (EkII,10) It, 12 : Một số loài hữu tình vì tâm ác ý, nên sau khi chết đọa ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Phẩm III

21. (EkIII, 1) It, 13 : Một số chúng sanh được sanh Thiên giới vì Tâm thiện ý.

22. (EkIII, 2) It, 14 : Định nghĩa công đức. Ngài khuyên nên bố thí và tu tập từ tâm để an lạc được sanh khởi.

23. (EkIII, 3) It, 16 : Tu tập không phóng dật đem đến 2 lợi ích ngay trong đời này và đời sau.

24. (EkIII, 4) It, 17 : Nếu tính 1 kiếp thì xương của một người có thể chất thành núi. Do vậy phải tu tập Tứ đế sẽ vượt qua đau khổ .

25. (EkIII, 5) It, 18 : Ai đã từng nói láo thì không tội ác gì không làm.

26. (EkIII, 6) It, 18 : Bố thí đúng pháp và không có xan tham có quả dị thục lớn lao.

27. (EkIII, 7) It, 19 : Nếu có phước nghiệp nào đưa đến sanh y cũng không bằng tu tập từ tâm, phước ấy chỉ bằng 1/6 của tu tập từ tâm.

 Chương hai : Tập Hai Pháp

Phẩm I

28. ( Duk.I,1) It,22 : không phòng hộ các căn và tiết độ trong ăn uống, sau khi chết được chờ đợi là ác thú.

29. ( Duk.I,2) It,33 : Phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, ngay trong hiện tại được an lạc, sau khi chết được sanh thiện thú .

30. ( Duk.I,3) It,24 : Không làm điều lành, không che chở người sợ hãi. Làm điều ác, ngoan cố trong việc làn điều ác, bị sanh vào địa ngục.

31. ( Duk.I,4) It,25 : Làm lành, làm thiện, che chở người sợ hãi được sanh cõi trời.

32. ( Duk.I,5) It,26 : Ác giới và ác kiến, tương xứng bị quăng vào địa ngục.

33. ( Duk.I,6) It,26 : Giới hiền thiện và kiến hiền thiện sanh lên Thiên giới.

34. ( Duk.I,7) It,27 : Không có nhiệt tình, không có sợ hãi, không thể chứng Niết bàn. Có nhiệt tình có sợ hãi có thể chứng Niết bàn.

35. ( Duk.I,8) It,28 : Phạm hạnh chơn chánh, không vì mục đích lừa dối, nịnh hót, lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng mong họ biết đến ta, mà vì mục đích chế ngự, đoạn tận.

36. ( Duk.I,9) It,29 : Sống phạm hạnh không vị mục đích lừa dối, nịnh hót...Mong họ biết ta, mà vì mục đích Thắng tri, liễu tri.

37. ( Duk.I,10) It,30 : Với sự phấn khởi đối với trường hợp đáng phấn khởi và như  lý tinh cần đối với phấn khởi .

Phẩm II

38. ( Duk.I,1) It,31 : An ổn tâm tứ và ẩn dật tầm tứ.

39. ( Duk.II,2 ) It,33 : Có hai loại thuyết pháp : Hãy nhìn rõ ác pháp là ác pháp. Sau khi nhìn rõ, hãy từ bỏ, nhàm chán, thoát ly.

40. ( Duk.II,3 ) It,34 :Do vô minh làm đạt các pháp bất thiện, tiếp theo là không sợ hãi không xấu hổ.

41. ( Duk.II,4 ) It,35 : Chúng sanh vào thối đọa khỏi trí tuệ, ngay trong hiện tại bị đau khổ. Sau khi chết chờ đợi là ác thú. Trái lại không thối đọa khỏi Thánh trí tuệ...Sau khi chết được chờ đợi là thiện thú.

42. ( Duk.II,5 ) It,36 : Có 2 pháp trắng cho đời. Xấu hổ và sợ hãi. Vì thế mới có sự kính trọng mẹ, chị em, vợ bạn, vợ của thầy...

43. ( Duk.II,6 ) It,36 : Nếu có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời không thể trình bày được sự xuất ly. Vì có cái sanh, hiện hữu, tác thành, làm ra, nên mới có sự trình bày sự xuất ly khỏi chúng.

44. ( Duk.II,7 ) It,38 : Có 2 Niết bàn giới: Có dư y và không có dư y. Định nghĩa 2 loại trên.

45. ( Duk.II,8 ) It,39 :Hãy sống ưa muốn thiền định ẩn dật, thành tựu quán trí, hành trì phạm hạnh thì được chờ đợi 1 trong hai quả: Hiện tại được chánh trí, nếu có dư y được quả Bất lai.

46. ( Duk.II,9 ) It,40 :Hãy an trú cho được lợi ích về học tập, trí tuệ, tinh hoa của giải thoát, cho niệm được tăng thượng. Ngay trong hiện tại được chánh trí, khi chết nếu có dư y được quả Bất lai.

47. ( Duk.II,10 ) It,41 : Sống phải cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tính thành và quán tri đúng thời trong các pháp thiện. Ngay trong hiện tại được chánh trí. Khi chết nếu có dư y được quả Bất lai.

48. ( Duk.II,11) It,42 : Có hai hạng bị đọa, sa vào địa ngục, nếu không đoạn lỗi lầm. Người sống phạm hạnh cho là không hạnh, chỉ trích. Trái lại, người sống phi hạnh cho là phạm hạnh, tán thán.

49. ( Duk.II,12 ) It,43 : Chư thiên và loài người bị xâm chiếm bởi 2 tà kiến. Một số người chấp chặt, 1 số người đi quá trớn . Định nghĩa 2 loại trên.

Chương Ba : Tập Ba Pháp

Phẩm I

50. (Tik I,1) It,45 : Tham , sân, si là căn bản của bất thiện.

51. (Tik I,2) It,45 : Có 3 giới : Sắc giới, vô sắc giới và diệt giới.

52. (Tik I,3) It,46 : Có 3 cảm thọ : Lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ.

53. (Tik I,4) It,47 : Lạc thọ cần xem như khổ. Khổ thọ  xem như mũi tên. Bất lạc bất khổ thọ cần xem như vô thường.

54. (Tik I,5) It,48 : Có 3 tầm cầu : Dục tầm, hữu tầm và phạm hạnh tầm cầu.

55. (Tik I,6) It,48 : Ý nghĩa 3 tầm.

56. (Tik I,7) It,49 : Có lậu hoặc này : Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

57. (Tik I,8) It,49 : Ý nghĩa 3 dục.

58. (Tik I,9) It,50 : Có 3 dục : Dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

59. (Tik I,10) It,50 : Thành tựu 3 pháp này thì vượt qua được thế lực Ác ma, chói sáng như mặt trời . Thành tựu vô học giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn.

Phẩm II

60. (Tik II,1) It,51 : Có 3 phước nghiệp này: Do bố thí, giới, tu tập tác thành.

61. (Tik II,2) It,52 : Có 3 con mắt : mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ.

62. (Tik II,3) It,53 : Có 3 căn : Vị tri đương căn, tri căn, cụ tri căn .

63. (Tik II,4) It,53 : Có 3 thời gian : Thời gian quá khứ, tương lai, hiện tại.

64. (Tik II,5) It,54 : Có 3 ác hành : Thân, ngữ, ý ác hành.

65. (Tik II,6) It,55 :Có 3 thiện hành : Thân, ngữ, ý thiện hành.

66. (Tik II,7) It,56 : Có 3 thanh tịnh : Thân, lời, ý, thanh tịnh.

67. (Tik II,8) It,56 : Có 3 trầm lặng : Thân, lời, ý trầm lặng.

68. (Tik II,9) It,56 : Với ai chưa đoạn tận Tham sân si được gọi là bị trói buộc, bị lưới bẫy, bị làm theo ý Ác ma ... Ai đoạn tận tham sân si được gọi là thoát khỏi lưới của Ác ma.

69. (Tik II,10) It,57: Tỷ kheo chưa đoạn tận Tham sân si được gọi là chưa vượt qua đại dương với sóng biển, sóng ngầm, nước xoáy, cá mặt, các loài la sát. Trái lại đoạn tận tham sân si thì vượt qua tất cả.

Phẩm III

70. (Tik III,1) It,58 : Ai với thân lời ý nghĩa ác, chỉ trích các bậc Thánh có tà kiến. Sau khi chết bị đọa địa ngục.

71. (Tik III,2) It,59 : Với ái, thân lời ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh có chánh kiến. Sau khi chết được sanh Thiên giới.

72. (Tik III,3) It,61 : Có 3 xuất ly giới : Xuất ly khỏi các dục, các sắc, xuất ly cái hiện hữu, được làm ra, được duyên khởi.

73. (Tik III,4) It,61 : Các pháp vô sắc an tịnh tốt hơn các sắc pháp, đoạn diệt an tịnh tốt hơn các pháp vô sắc.

74. (Tik III,5) It,62 : Có 3 hạng con trai xuất hiện ở đời : Ưu sanh, tùy sanh, diệt sanh. Định nghĩa 3 loại trên.

75. (Tik III,6) It,64 : Có 3 hạng người xuất hiện ở đời : Hạng như hạn hán , hạng chỉ mưu trong địa phương và hạng như mưu đổ khắp tất cả.

76. (Tik III,8) It,69 : Do hy vọngđược 3 loại lạc. Mong rằng lời tán thán sẽ đem đến với ta, mong rằng tài sản sẽ tới với ta, mong rằng khi chết sẽ sanh Thiên thú, Thiên giới, cõi đời này.

77. (Tik III,8) It,69 : Thân sẽ hủy hoại, thức tàn lụn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại.

78. (Tik III,9) It,69 : Các chúng sanh tùy theo giới giao thân, chung dòng với các chúng sanh. Hướng hạ thân hướng hạ, hướng thượng thân hướng thượng.

79. (Tik III,10) It,71 : 3 pháp đưa đến tổn giảm cho tỷ kheo hữu học. Ưa thích, thích thú, đam mê; Công việc, nói chuyện, nằm ngủ.

Phẩm IV

80. (Tik IV,1) It,72 : Có 3 tầm tứ bất thiện này : Tầm tứ liên hệ đến tự đề cao mình, lo lắng cho người khác, lợi dưỡng cung kính, danh vọng.

81. (Tik IV,2) It,73 : Các chúng sanh bị cung kính và danh vọng chinh phục, khi chết bị đọa địa ngục.

82. (Tik IV,3) It,75 : Giữa chư Thiên, có tiếng chư Thiên này vang lên : các tỷ kheo cạo râu xuất gia tu học giới định tuệ. Chuyên tâm tu 7 bồ đề phần, tỷ kheo chứng vô lậu tâm giải thoát tuệ giải thoát thì chư Thiên vang lên tiếng : Vị Thánh đệ tử này sẽ chiến đấu với Ác ma.

83. (Tik IV,4) It,76 : Khi 1 thiên nhân mệnh chung có 5 tường xuất hiện : Vòng hoa héo úa, quần áo bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi của chư Thiên.

84. (Tik IV,6) It,78 : Có 3 hạng người này xuất hiện đem hạnh phúc cho mọi người: Như Lai, A la hán, các vị hữu học.

85. (Tik IV,6) It,80 : Quán thân trên thân.

86. (Tik IV,7) It,81 : Quán pháp trên pháp.

87. (Tik IV,8) It,83 : Có 3 tầm bất thiện không đưa đến Niết Bàn : Dục, sân, hại tầm.

88. (Tik IV,9) It,83 : Nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch : Đó là tham , sân, si.

89. (Tik IV,10) It,83 : Devadatta rơi vào địa ngục vì 3 phi diệu pháp.

Phẩm V

90. (Tik V,1) It,87 : 3 tín thành tối thượng. So với chúng sanh , Như lai tối thượng, so với pháp hữu và vô vi, ly tham được gọi tối thượng, so với hội chúng, chư Tăng Như lai là tối thượng.

91. (Tik V,2) It,89 : Đi bát.

92. (Tik V,3) It,90 : Vị tỷ kheo gần Ta nhưng tâm nhiễm ác cũng coi như xa Ta và Ta cũng xa vị ấy.

93. (Tik V,4) It,92 : Có 3 loại lửa : Tham sân si.

94. (Tik V,5) It,93 : Quán như thế nào để thức không tán loạn.

95. (Tik V,6) It,94 : Có 3 sanh khởi của dục : Dục đối vật hiện tại, thích thú đối với vật mình tạo ra, chấp nhận sự vật do người khác làm ra.

96. (Tik V,7) It,96 : Bị trói buộc bởi dục và hữu có mặt ở đây. Chế ngự dục nhưng bị trói buộc hữu là hạng bất lai. Chế ngự dục và hữu là hạng A la hán.

97. (Tik V,8) It,96 : Vị được gọi là hoàn hảo khi giới, pháp và tuệ tốt lành. Định nghĩa 3 loại trên.

98. (Tik V,9) It,98 : Có 2 loại bố thí: Tài thí và pháp thí. Pháp thí là vô thượng.

99. (Tik V,10) It,98 : Tỷ kheo được 3 minh đúng pháp.

Chương Bốn

Phẩm I

100. (Cat 1) It,101 : Có hai loại bố thí, tài và pháp thí. Pháp thí vô thượng.

101. (Cat 2) It,102 : Có 4 pháp ít oi, để được không phạm lỗi : Y phấn tảo lượm từ đống rác, khất thực từng miếng, trong các loại sàng tọa, gốc cây là ít oi, trong các loại dược phẩm nước tiểu là ít oi.

102. (Cat 3) It,103 : Thuyết pháp để diệt tận lậu hoặc cho người biết, người thấy, chứ không phải người không biết không thấy. Định nghĩa.

103. (Cat 5) It,104 : Những tỷ kheo quán 4 đế được gọi là Sa môn, không quán 4 đế không phải là Sa môn.

104. (Cat 5) It,106 : Ai đầy đủ giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đáng được thân cận học tập...sẽ được nhiều lợi ích.

105. (Cat 6) It,109 : Có 4 sự sanh khởi của ái. Do nhân y áo, sàng tọa, sanh hữu và không sanh khởi.

106. (Cat 7) It,109 : Công cha mẹ ngang Phạm thiên, Đạo sư thời xưa, đáng được cúng dường.

107. (Cat 8) It,111 : Bà la môn giúp ích cho các người và ngược lại.

108. (Cat 9) It,112 : Tỷ kheo nào lừa đảo, ngoan cố, lắm mồm lắm miệng, buông thả, hỗn láo, vô lễ, không định tỉnh, không phải đệ tử của Ta. Ngược lại, thuộc đệ tử của Ta.

109. (Cat 10) It,113 : Dòng sông đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái= 6 nội xứ. Hồ=5 hạ phần kiết sử. Sóng= phẩn nộ. Nước xoáy= năm dục trưởng dưỡng. Cá xấu, quỷ dạ xoa= đàn bà. Ngược dòng = xuất ly. Tinh tấn với tay = Tinh cần tinh tấn. Người có mắt đi trên bờ = Như Lai.

110. (Cat 11) It,115: Khi đi đứng nằm ngồi, tỷ kheo khởi lên sân hại tầm, chấp nhận không từ bỏ gọi là biếng nhác. Và ngược lại gọi siêng năng tinh tấn.

111. (Cat 12 It,115: Chế ngự với bổn Patimokha.

112. (Cat 113) It,121: Định nghĩa thế nào là Như Lai



[1] Luddhàse

[2] Dutàsthe, từ động từ  động từ dussati.

[3] Mùlhàse, mùlha, từ muyhàty.

[4] Kuddhàse, từkujjhati.

[5] Makkha: Thường dịch là giả dối. Tập sớ giải thích là bôi nhọ giới đức của người khác. Makkhàse, từ Makkhati, bôi nhọ.

[6] Mettàse: Từ Majjhati

[7] S. iv, 205. Tattha virajjati. Tập sớ giải thích “Tất cả” ở đây có nghĩa là Sakkàya-dhammà (các căn, các trần và thức). Tập Points of gontroversy 85 N. nói rằng: “Trong các tập Nikàya tất cả chỉ cho tất cả sự gì có thể cảm giác được”.

[8] Upaccagà

[9] Padàlayum.

[10] Hetu.

[11] Xem A. ii, 10 và dưới đây IV,6.

[12] Apatta-mànaso: Vị chưa chứng quả A la hán (Tập sớ: Si.i, 229)

[13] Ajjhattikam anganti karitvà : S.v. 101.I, 16. Tập sớ giải thích: Niyakajjhatta. Sankhàte ajjhatte bhavam ajjhattikam.

[14] Padaham.

[15] Sapatisso

[16] parikkhepà: làm bức tường xung quanh, do giai cấp .v.v... (tập sớ)

[17] Dhamsati

[18] catasà ceto paricca. Với tâm (của ta) rõ biết tâm của người

[19] Xem A.i, 105; ii, 19 Yathàbhatam Abhatam: Đem lại. Ahatam: chịu ảnh hưởng. Hatam: Đem lại, hay mang đi.

[20] Đoạn này hình như thiếu một câu. Tập Nettipakaranà rõ ràng hơn.

[21] Punnàni. Các việc làm đem quả báo tốt đẹp cho đời sau.

[22] Sanvatta-vivattakappe: Tăng kiếp và hoại kiếp.

[23] Sunnam Brahma-vimànam upapajjàmi: xem D.i, 17. Thế giới này bắt đầu kiếp Tăng, lầu đài Phạm Thiên hiện ra nhưng trống không. Rồi một số chúng sanh, do mạng sống đã hết, hay do công đức không còn nên từ Quang Am Thiên sanh vào lầu đài Phạm Thiên trông không này.

[24] Annadatthu-dasa: Bậc nhìn thấy tất cả. Nghĩa là “Hãy để sự gì sẽ xảy ra” hay “không kể đến điều gì được thấy”.

[25] Nguyên bản là Sukhindriya. Cần sữa lại Sukkhudrayam (udrayam: kết quả). Sukhasamuddaye. Cần sửa lại là sukhasamudraye.

[26] Àyataggam.

[27] Atthàbhisamayà

[28] Xem S.ii, 185

[29] Dhp. 190.1

[30] Xem Dhp. 176.

[31] Jantu: nara, satta, puggala (Tập sớ)

[32] Vitinna-paralokassa.

[33] Kàma-kàmino. Xem A.i, 153 ii 63

[34] Xem S.i, 233. Punna-pekhàna Pàninam karotam opadhikam punnam. Làm các thei65n hành để được tái sanh.

[35] Xem S.i, 65; iii. 156. Av22 với ví dụ tiếp theo

[36] Osadhi- tarakà, sao thuốc tiên.

[37] Ràjisayo: các ẩn sĩ vua chúa như Ràma. Tập sớ các vua chúa chơn chánh như các ẩn sĩ.

[38]  Ye... yajamànànupariyayà (quá khứ anuparigacchati). Xem S.i, 124: Sn, 447. Tập sớ giải thích là vicarimsu.

[39] Xem các loại tế đàn Si, 76, A.ii, 42

[40] Xem Si, 116.

[41] . Jàpaye là khiến cho Jayati (chiến thắng)

[42] Ai, 203

[43] Taparùya. Xem A.i, 49

[44] Akata- bhùruttano A. ii, 174

[45] Nguyên bản và bản Tích Lan: Katatthaddho.

[46] Dosasannitam.

[47] Bhaddaka, may mắn, hiền thiện Dhp. 119-120

[48] Anàdaro

[49] Nipaka jhàyì: A.i, 150,165. Người trong khi tu thiền phân biệt, hiểu biết một cách thông minh. Những thận trọng nhận xét của một người tu thiền . A. iii,24.

[50] Xem Aii, 26, nói lên 4 mục đích sống Phạm hạnh. M.i, 465.

[51] S.ii, 226.

[52] Anìtiha: Sn 954 (Tự dạy cho mình, không nghe từ người khác. Tập sớ giải thích là paccatam veditabbo vinnuhì ti.

[53] Maha’tehi.

[54] Mahasino.

[55] Anuyàto

[56] Sukha-somaassa. D.ii, 214. Somanassa được xem là tốt hơn.

[57] Asayha sahim: Tập sớ giải thích một số hành động đặc tánh của đức Phật, không thể tin người ngoài biết được.

[58] Udìrito.

[59] Vasimam.

[60] Vessantara: Nguyên bản là Vissantara từ chữ Visama, visa với nghĩa giữa các loài hữu tình. Tập sớ giải thích là Vessantara, và chỉ cho tiền thân cuối cùng của đức Phật, khi Ngài là Thái tử Vessantara (Tu Đại Noa).

[61] Nguyên bản là Mànam, Hình như không hợp với đoạn này. Tập sớ ghi là Màram: Kilesa màram

[62] Sumedha: Sundara panno.

[63] Xem Dhp. 28. S.i, 137

[64] Pariyàyena: Tiếp theo, tiếp tục, bởi một phương pháp. Tập sớ: Vàrena.

[65] Pariyàya vacanam. Tập sớ: Pariyàyena, kathanam, desaham.

[66] Anvad-eva: Có khi viết Anud-eve. Tiếp theo

[67] Pasavati.

[68] Chandam.

[69] Đoạn này có đoạn tương đương trong tập Nettipakàrana như sau: Pannà hi setthà lokasmim, Yàya nibhànagàminì, yàya sammappajànàti, jàti-marana sankkhayam. Nguyên bản chép là Nibbedhagàminì. Nibbeddha: Nhập vào, đâm thủng vào, nhìn sâu vào

[70] Sambheda: Xáo trộn lẫn nhau, lộn xộn, ô nhiễm, loạn luân

[71] Vokkantà: Đi xuống. Okkantà

[72] Sukka-mùlà: Gốc trên tinh dịch: Jàyana-miyamasabhàvattà (Tập sớ).

[73] Các câu kệ này rất quan trọng, có liên hệ đến. Dhp. 147-148, M.ii,67 Câu cuối cùng giống Dhp. 368.

[74] Roganìlam.

[75] Pabhamgunam.

[76] Àharanetti.

[77] Pabhanam.

[78] Tassa.

[79] Chữ Santam có nghĩa là an tịnh, cũng có nghĩa là cái thật có (từ chỗ sat).

[80] Sankhar’upasamo

[81] Avighàtattà nguyên bản. tập sớ: Avigatattà

[82] Ohita-bhàro Đã đặt gánh nặng xuống, gánh nặng có ba: Uẩn, phiền não, hành

[83] S.ii,83; iii 126; iv, 213; v.319.

[84] Dàdim: Chỉ cho Như Lai.

[85] Bhavanetti: Sự  dắt  dẫn đến tái sanh, sự nuôi dưỡng cho tái sanh

[86] Dhammsàra: Gốc lõi của pháp. xem Dhp. 12.

[87] Dhp. 285 santimaggam brùhaya: Hãy tu đạo an tịnh.

[88] Anna: Tuyên bố về giác ngộ

[89] Nipakà.

[90] Vipassanti.

[91] Anapekkhino.

[92] Santa

[93]  Những vấn đề này được đề cập A.ii, 243.

[94] Paripunna-sekha: Asekha: Tập sớ: bậc hữu học viên mãn tức là bậc vô học.

[95] ,Apahànadhamma: Tánh không có thối đọa, bất động (akuppa).

[96] Màna-jaham, ở Duk. II, I và tập sớ, Màra-jaham,

[97] Nihinakammà.

[98] Parattha

[99] Xem Bài kệ Dhp. 306-8

[100] . Ditthi- gatehi pariyutthità: Các tà kiến như thế giới là thường còn (Tập sớ).

[101] Olìyanti: Nghĩa là chấp chặt những tà kiến hay chế chống với chú Atidhàvanti. Xem Ud. vi, 8.

[102] . Atidhàvanti. Xem S.iii, 103. Ud. vi, 8.

[103]  Vibhava: Phi hữu. S.v 320.

[104] Nguyên bản là Attha. Bản Tích Lan là Satto: tập sớ là Attà

[105] . Yathàvam.

[106] Bài kệ này được tìm thấy ở Sn. 754. Nguyên bản chép Asanthità có chỗ đọc là Susanthità.

[107] Kàyena: Tập sớ chỉ chỗ cả nàma-kàyena

[108]  Kinh này đưọc tìm thấy ở S.iv. 204

[109]  Abhinnà-vóito Xem S.i, 167, 175. Tập sớ:  chalabhinnàya páiyoito katakicco.

[110]  Yogàtigo. Xem các bài kệ ở III, iii, .

[111]  Esanà : Xem S. v, 54

[112] Nicchàto.

[113] . Nìcchàto parinibbuto.

[114]  Niràso

[115]  Sa  vàhanam. Xem S.ii, : Mà ra được xem là đi trên cỗ xe.

[116] Tanhà :Xem S.v. 57

[117] Àyataggam.

[118] Abyapajjham.

[119] Thường nói đến bốn, theo thứ tự như sau: Nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, tuệ nhãn.

[120] Indriyàni: các căn với nghĩa là sức mạnh (àdhipateya). Xem S.v,203 với nghĩa là phương pháp (nàya). Ở đây, ba căn này liên hệ đến tương lai, hiện tại, quá khứ. như được nói trong kinh tiếp. Về căn thứ ba, tập sớ giải thích như sau: “Căn của vị đã biết được (annàtàvim), đối với bốn sự thật, đã thành tựu những gì cần phải làm.

[121]  Xem chương IV, kinh 4. Hai câu kệ đầu được tìm thấy ở A.i, 231.

[122] . Anantarà: Không gián đoạn. Ở chương IV, kinh 6, nguyên bản chép là Anttarà.

[123] . Annam.

[124] Nànàm.

[125] Savàhanam

[126] Nửa bài kệ tìm được ở S.i, 11. Đức Phật trả lời một Thiên tử hỏi về thời gian.

[127]  Akkheyyàni; Điều nói được bởi danh từ.

[128]  Sankhayasevì: Sn. 749. Tập sớ: Paccave kkhivà... Nànena sevamàno

[129] Sankham nopeti.

[130] Dossasannitam.

[131] Soceyyani: Suci-bhàva (Tập sớ). A.i, 270. S.i, 78.

[132] Moneyyàni: muni-bhàva. Xem A.i, 273. D.iii, 220

[133] Ninhata- papakam: Khìnàsavam  (Tập sớ: Các lậu hoặc đã đoạn)

[134] Các bài kệ này phần lớn được tìm thấy ở S.iv, 158

[135] Bhavitta’annataran. Xem IV, 10, đoạn sau. Tập sớ giải thích là Bhàvita-kàya-sila-citts.

[136] ) Lần đầu tiên, trong tập này tỷ kheo ni được nói đến.

[137] ) Sanga: Có 5: Tham, sân, si, mạn, kiến.

[138] ) Nguyên bản là samànam ( giống như) , Tập sớ giải thích là pamànam.

[139] ) Nissaraniyà-dhàtuya: Giới xuất ly. Xem D.iii, 239. A.iii, 245, 290.

[140] ) Kulagandano: có chữ viết Kulaganthano ( nghĩa là gánh nặng, gút. Tập sớ giải thích là Kulacchedako.

[141] ) Vadannu : Tập sớ giải thích là biết lời nói của người khác.

[142] ) Kapaniddhika-vanibbaka: Ăn xin, khốn cùng; kẻ ăn xin.

[143] ) Kapaniddhika-vanibbaka: Ăn xin, khốn cùng: kẻ ăn xin ,

[144] ) Purisàdhama: hạng hạ liệt. Xem Dhp. 78

[145] ) Pavecchati.

[146] ) Subbikka-vaco: Được tiếng là hay bố thí. Nhưng tập sớ lại giải thích : Sudhikkha-vassi nghĩa là mưa bố thí.

[147] ) Thanayitvà...

[148] ) Gajjayitvà.

[149] ) Đọc là diddho với bản Tích Lan , thế cho chữ duttho của nguyên bản.

[150] ) Đọc là alìttam bản Tích Lan đọc là alittam.

[151] ) Đọc là Patta-putass’ess, theo bản Tích Lan và Tập sớ. Xem S. v, 439 (?)

[152] ) Đọc là Sampakam (phala0nipphattam) theo bản Tích Lan và Tập sớ khác với Sampàtam của nguyên bản.

[153] ) Bản Tích Lan và tập sớ đọc bhiduràyam : bhe-dans-sila. Xem các bài kệ S-i, 131.

[154] ) Viràga-dhamman: Palujjans-dhamman ( Tập sớ).

[155] ) Bhindantam. Bản Tích Lan : Viràgikam.

[156] ) Viràgunam .

[157] ) Ajjhagà.

[158] ) Vanatho.

[159] ) An- avannatti : Xem Ai , 254 ; ii,40 ; iv , I, Nghĩa là không , không khen . Muốn người ta nói tốt đến mình .

[160][160]) Parànuddayatà : Tập sớ giải thích là thèm muốn liên hệ với xã hội “ lo lắng đến người khác “ , hợp lý hơn . Có cảm tình với người khác .

[161] ) Nguyên bản chép là Vivàsa. Bản Tích Lan và Tập sớ chép Vivàhe : àvàhe, nói đến lễ cưới đưa cô dâu đi ,

[162] ) Sangahàni : Sanga-hàni . Tập Vin.iii, 135 giải thích là : Độc lập và từ bỏ trói buộc (vivàso và sanga-hàni).

[163] ) Bắt đầu từ đây , câu mở đầu và câu kết luận được bỏ đi , chỉ ghi vào kinh 1 và kinh 10 của mỗi phẩm .

[164] ) Xem S I , 232 .

[165] ) Nguyên bản và tập Samyutta chéo là appmàdavihàrino. Bản Tích Lan và Tập sớ chép là appmàtta-vihàrino, và được giải thích là  Arabà.

[166] ) Devasaddà : Piti-samudàhàta. (Tập sớ) . Lời nói hỷ lạc.

[167] ) Samayam upàdàya : Paticca . Tập sớ.

[168] ) Vìtasàradam, S.iii, 91. Vigata-sàrajjam. (Tập sớ). Có thể có nghĩa là không phải mới, không phải không kinh nghiệm.

[169] ) Patta-mnàasam : Khìnàsavam. M.i, 4 ; S.ii, 29 ; v, 327.

[170] ) Maccu-vasam :Sn 1.100.

[171] ) Asanhàriyà : Xem S. V, 219,

[172] ) Anumodatam.

[173] ) Opadhikam.

[174] ) Udìrayantà.

[175] ) Nguyên bản là Apàvunanti. Bản Tích Lan là Apàpuranti. Tập sớ giải thích Dvàram là Ariyamaggam ( Thánh Đạo)

[176] ) Anudhamma : anucchavika-patitrùpa-sabhàva hay anuloma-dhamma, Tập sớ.

[177] ) Anudhamma : anucchavika-patirùpa-sabhàva hay anuloma-dhamma, Tập sớ.

[178] ) Xem S. v, 118, Sn. 193.

[179] ) Samùhatam: quá khứ phân từ samùhsnati.

[180] ) Pakopano .

[181] ) Nàvabujjhati.

[182] ) Tàlapakka.

[183] ) Atekiccho: A-tekiccho từ tikiccha, có thể chữa lành.

[184] ) Sammato: Quá khứ phân từ Sammannati : Được  Xem, được tôn kính, được lựa chọn, được có quyền được chấp nhận.

[185][185][185] ) Nguyên bản Pamàda_m_anucinno àpajja nam, Vin. Asajjanam Tathàgatam. Tập sớ: Sàmànam _ Anucinno àsajja nam. Tự cho bằng đức Phật . Asajjana : chống đối, nhiếc mắng. Anucino : Anucarti.

“ Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe ()

[186] ) Kinh này đã được tìm thấy ở A,ii, 34, nhưng nói đến 4 pháp và thêm Tám chánh đạo. A, iii, 35, cộng thêm các đức hạnh của bận Thánh làm thành 5 pháp.

[187] ) Dụ lưu , Nhất lai, Bất lai, A la hán, 4 Đạo và 4 Quả thành tám.

[188] ) Kinh này không có các bài kệ, tương đương với kinh S.iii, 92. Pindola: Người đi khất thực.

[189] ) Paridhamsamàno.

[190] ) Bhutto.

[191] ) 3 câu kệ cuối, xem Dhp. 308, và kinh này, tại II, II, xi.

[192] ) Vighatava.

[193] ) Ejànugo.

[194] ) Nibbuto : lắng dịu, nguội lạnh, đã khát .

[195] ) Anejo.

[196] ) Tandita : Mệt mỏi, biếng nhác.

[197] ) Xem. M.iii. S.iii, 14.

[198] ) Tập sớ giải thích 7 trói buộc là Ai , kiến, mạn, phẫn nộ, vô minh, phiền não, ác hạnh. Cũng giải thích là 7 tùy miên : Tham, sân , kiến, nghi mạn, hữu ái và vô minh .

[199] ) Xem D.iii, 218.

[200] ) Xem S.i, 133.

[201] ) Itthabhà annattbabhàvam.

[202] ) Piyalùpasàtagadhiam.

[203] ) Xem A.ii, 2.

[204] ) Xem A, V, 16.

[205] ) Anussada: Không có dục nổi lên, đầy ứ chảy ra ngoài.

[206] ) Anigha : (a nìgha ) , tập sớ giải thích là không có đau khổ (niddukha) . S. v. 57 nói đến ba nìgha, tức là tham, sân , si .

[207] ) Asita: Tanhà-ditthi. nissayànam abhàvitattà anissitta.

[208] ) Yajetha.

[209] ) Vị Bà la môn ba minh được nói đến ở A. I 165, và D, I, 81.

[210] ) Lapita-làpa, có thể chỉ cho những người đọc chú.

[211] ) Payata-pàni : S. v, 35, 392 ; A. I. 150; A.i. 226; được giải thích là parisuddha-hattho. Tập sớ.

[212] ) Như trên III, v , 9

[213] ) Xem kinh A. ii. 27.

[214] ) Vighato.

[215] ) Patihannati.

[216] ) Nànam.

[217] ) Kinh này và các bài kệ được tìm thấy ở S.v 433.

[218] ) S. v, 67, 162.

[219] ) Alam samakkàtàro; Aparihàpetvà.

[220] ) Ranam jahà: S.i. 52, từ bỏ uế nhiễm.

[221] ) Thànam.

[222] ) S.ii. 28. Bhàsaye jotaye dhammam.

[223] ) Rananjha.

[224] ) Các kệ tìm thấy ở A.ii, 10. It. I, II, 5.

[225] ) Anadano.

[226] ) Kinh này có ở S.ii, 132.

[227] ) Aràdhayanti .

[228] ) Paticchati.

[229] ) Paccayam.

[230] ) Patassaya.

[231] )Kàma-kèmino.

[232] ) Singì _ traì với chũ Dhìrà là nghiêm nghị.

[233] ) Ovuyhayya Ovuyhati.

[234] ) Tattha, tattha, do duyên quả này hay quả kia. Tập sớ.

[235] ) Xem A.ii, 13.

[236] ) Adhicàceti.

[237] ) Sameti

[238] ) Xem A.ii, 15.

[239] ) Yatara.

[240] ) Aeehe.

[241] ) Xem A.ii, 24

[242] ) Anupàdisesaya nibbàna-dhàtuyà. Ở A.ii, không có.

[243] ) Annadathudaso : thấy chắc chắn, thấy tất cả.

[244] ) Anupamo.

[245] ) Vitasaradam..

[246] )  Phần tóm tắt mục lục này do tỷ kheo Trung Hậu thực hiện,