Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động VI

"Giả như người nước ta không ghi lại những sự việc của Lê Hoàn (hoàng đế Đại Hành) và chúng ta phải nghiên cứu qua tư liệu của người Trung Quốc, thì một đoán án đương nhiên phải xảy ra, đó là Lê Hoàn không xưng đế xưng vương hay đặt quốc hiệu lập xã tắc gì hết, ngược lại chỉ là một tiết độ sứ, một quan chức của nhà Tống" (thiền sư Lê Mạnh Thát).

Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động
01:29:25, 05/03/2008
Hoàng Hải Vân

(Tiếp theo Thanh Niên thứ hai 4.3.2008)

"Giả như người nước ta không ghi lại những sự việc của Lê Hoàn (hoàng đế Đại Hành) và chúng ta phải nghiên cứu qua tư liệu của người Trung Quốc, thì một đoán án đương nhiên phải xảy ra, đó là Lê Hoàn không xưng đế xưng vương hay đặt quốc hiệu lập xã tắc gì hết, ngược lại chỉ là một tiết độ sứ, một quan chức của nhà Tống" (thiền sư Lê Mạnh Thát).

Sỹ Nhiếp là ai?

Có thể có ai đó trong giới sử học "ý kiến ra ý kiến vào" về những phát hiện của giáo sư Lê Mạnh Thát mà chúng tôi đang giới thiệu một phần hết sức tóm lược. Mong rằng những người quan tâm có thể tìm đọc các công trình của ông để trao đổi học thuật. Chúng tôi xin lưu ý, những gì mà chúng tôi giới thiệu ở đây, giáo sư Lê Mạnh Thát đã công bố từ cách đây trên dưới 40 năm, nay được in lại trong hai bộ Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam (tập 1) và Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 1), đều do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành năm 2006, ngoài sách Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta mà chúng tôi đã dẫn. Trong những công trình này, mỗi một vấn đề đưa ra ông đều dẫn kèm theo tất cả các tài liệu có liên quan bằng những ngôn ngữ gốc. Những tài liệu đó được ông giới thiệu cụ thể, chỉ rõ số trang, số tờ, nơi ấn hành hoặc lưu trữ, nếu ai nghi ngờ thì có thể tra tận gốc, bằng tiếng Việt, chữ Hán cổ và chữ Trung Quốc hiện nay, cùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, chữ Phạn cổ...

Ông dẫn việc nhà Tống với Lê Hoàn như trên để nói rằng những sử liệu từ Trung Quốc là "không hoàn toàn đáng tin cậy", ví dụ như chính sử Trung Quốc ghi nhiều thứ sử Giao Châu (nước ta) nhưng thực tế những người đó chỉ được "phong khống" chứ chưa bao giờ bước chân qua nước ta. Việc nghiên cứu lịch sử nước nhà phải sử dụng tất cả những tài liệu của tổ tiên ta để lại, rồi đối chiếu với chính sử Trung Quốc để thẩm định, xác minh tìm ra sự thật. Cho nên, mỗi một cuộc truy tìm, mỗi một phát hiện được tài liệu của tổ tiên đều khiến cho lịch sử nước nhà trở nên sáng rõ.

Ông bảo nói "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu" như lời bài hát của Trịnh Công Sơn là cách nói đau buồn mà không chính xác. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta từ sau khi cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại chưa bao giờ ngưng nghỉ. Bởi chưa đầy 60 năm sau, cuộc khởi nghĩa Tượng Lâm lần thứ nhất đã nổ ra vào năm 100, dẫn tới việc người anh hùng Khu Liên lập khu tự do vào năm 138, làm hậu phương cho các cuộc khởi nghĩa về sau, cho đến thời Chu Phù, Sỹ Nhiếp. Thực chất trong hơn 150 năm bị các thái thú Trung Quốc đến đô hộ, chúng ta "mất nước chứ không mất hạnh", nghĩa là dân tộc vẫn còn, nền văn hóa dân tộc được xây dựng từ thời Hùng Vương vẫn được bảo tồn và phát triển. Sự quật cường của dân tộc chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận: "Trưởng lại đặt ra, tuy có cũng như không".

Có một nhân vật lạ lùng trong lịch sử nước ta, đó là Sỹ Nhiếp. Cả sử Trung Quốc và sử ta đều nói ông là thái thú Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Tuy là một "thái thú" đến cai trị, nhưng các sử gia Việt Nam đều dành những lời lẽ mến mộ khi nói về Sỹ Nhiếp. Lê Văn Hưu viết: "Sỹ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến thịnh một thời". Ngô Sỹ Liên cũng vậy. Trần Trọng Kim thì viết: "Sỹ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm mộ công đức, mới gọi tên là Sỹ Vương". Khi nhân dân gọi Sỹ Nhiếp là "Sỹ Vương", tức là vua của mình, còn có lý do nào nữa không?

Phần trước chúng tôi có nêu sự "nổi giận" của giáo sư Lê Mạnh Thát khi trích lời Ngô Sỹ Liên "Nước ta hiểu thi thơ, tập Lễ Nhạc thành ra nước văn hiến, bắt đầu từ Sỹ Vương", cần nói rõ là ông bất bình với việc cho rằng nước ta hiểu thi thơ, tập Lễ Nhạc mới thành ra nước văn hiến, chứ hoàn toàn không xem thường Sỹ Nhiếp. Cũng như Trần Trọng Kim viết: "Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sỹ Nhiếp. Cái ý kiến ấy có lẽ không phải" (Việt Nam sử lược).

Đưa ra nhiều tài liệu dẫn chứng, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng, trong thực tế chính quyền Sỹ Nhiếp (từ 187), cũng như trước đó là Chu Phù (khoảng 180), là "chính quyền Việt Nam độc lập". Sử Trung Quốc chép rõ Chu Phù "vứt điển huấn tiền thánh, bỏ pháp luật Hán gia". Còn đối với Sỹ Nhiếp, sử Trung Quốc (Ngô chí) viết rằng: "(Sỹ Nhiếp) tổ tiên vốn người Mấn Dương nước Lỗ, đến loạn Vương Mãng tỵ nạn Giao Châu, tới Nhiếp là sáu đời". Ông cho rằng một người có tổ tiên 6 đời ở Việt Nam thì đã "Việt Nam hóa", trở thành người Việt Nam rồi. Cũng theo Ngô chí: "Sỹ phủ quân (Sỹ Nhiếp) của Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lại thành công về chính trị, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, những bọn lệ thuộc đều được nhờ ân"; "Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm tướng một châu, riêng ở vạn lý, uy tôn vô thượng. Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xuy, xe ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát đốt hương, thường có mấy mươi. Thê thiếp đi xe màn, tử đệ theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy Đà cũng không đủ hơn". Từ tài liệu trên, theo giáo sư Lê Mạnh Thát: "Sỹ Nhiếp dẫu được đào tạo trong khuôn mẫu Trung Quốc, đã có những hành vi xa lạ với phong tục tập quán Trung Quốc. Nói rõ ra, ông đã được Việt hóa. Việc Ngô chí so sánh Sỹ Nhiếp với Triệu Đà cho thấy nền cai trị nước ta thời bấy giờ độc lập tới mức nào. Thực tế có thể nói chính quyền độc lập đầu tiên sau chính quyền Hai Bà Trưng là chính quyền Chu Phù - Sỹ Nhiếp". Theo ông, dưới thời Sỹ Nhiếp, nước ta đã có một nền nông nghiệp rất phát triển. "Lúa Giao Chỉ mùa hè chín, nông dân một năm trồng hai lần" (theo Kinh Dương dĩ nam dị vật chí). "Một năm tám lứa kén tằm đến từ Nhật Nam" (Văn tuyển 5 tờ 9b4). "Nhiếp mỗi khi sai sứ đến Quyền đều dâng tạp hương, vải mỏng thường tới số ngàn. Món quý minh châu, sò lớn, lưu ly, lông thú, đồi mồi, sừng tê, ngà voi, các thứ vật lạ quả kỳ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không đưa đến" (Ngô chí 4 tờ 8b1-3 nói về những cống vật mà Sỹ Nhiếp gửi đến Tôn Quyền).

Giáo sư Lê Mạnh Thát dẫn giải tiếp: Sau khi Sỹ Nhiếp chết (226), lúc ấy Tôn Quyền đã chiếm cứ phía Nam Trung Quốc để tranh hùng với Tào Tháo và Lưu Bị, nên nhân cái chết của Sỹ Nhiếp tiến hành thôn tính nước ta, lúc đó "là một nước độc lập dựa trên điển huấn và pháp luật của người Việt". Con Sỹ Nhiếp là Sỹ Huy nối nghiệp cha, chống lại Tôn Quyền, tuy nhiên do mất cảnh giác, nên đã thất bại, Sỹ Huy bị bắt và bị giết, Tôn Quyền chiếm nước ta. Nhưng do bị chống đối quyết liệt, nền cai trị của Tôn Quyền không bền vững và không lâu dài, vì chỉ 18 năm sau, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng anh là Triệu Quốc Đạt nổi lên khởi nghĩa giành lại chính quyền.

Về sự kiện Bà Triệu khởi nghĩa, giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng đây là cuộc "khởi nghĩa thành công". Ông viết: "Tôn Quyền sai Lục Dận làm An nam hiệu úy và thương thảo với quân khởi nghĩa bằng ấn tín và tiền của. Đây là lối đánh dẹp khá lạ kỳ, hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc đối với nước ta. Và cuối cùng Lục Dận cũng có thể báo cáo là đã "dẹp yên được giặc Giao Chỉ" và được phong làm thứ sử Giao Châu. Nhưng châu trị của Giao Châu lần này không phải ở nước ta, mà phải ở Quảng Châu, vì nó ngó ra biển (lâm hải), như bài biểu của Hoa Thạch trong Ngô chí tờ 10b3 đã ghi nhận. Nói cách khác, nước ta từ năm 248 tiếp tục là một nước độc lập và Bà Triệu tiếp tục đứng đầu đất nước, cho đến khi Tôn Hựu sai Đặng Tuân (Ngụy chí 4 tờ 27a3 viết là Đặng Cú) đến Giao Chỉ vào năm 257, ra lịnh cho thái thú Giao Chỉ bắt dân đưa lên Kiến Nghiệp làm lính. Và như Thiên Nam ngữ lục đã ghi nhận là Bà Triệu đã bị tử trận trong một cuộc chiến đấu với chính Đặng Tuân sau khi đã tiêu diệt Lục Dận (...). Những mô tả này (trong Thiên Nam ngữ lục) hoàn toàn phù hợp với tư liệu của Ngụy chí 4 tờ 27a2-27b5, đặc biệt là tờ chiếu năm Hàm Hi thứ nhất (264) của Tào Hoán..." (Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, trang 385-386)...

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân