Phật giáo trong thế kỷ mới

Trong quy trình đóng góp vào việc phác thảo định hướng to lớn và lâu dài, không có gì là không quan trọng dù đó là ý kiến cụ thể về một vấn đề thực dụng, cũng không có  gì là không đáng nói hoặc không được nói dù đó là cuộc mổ xẻ khắc nghiệt để nhận diện những con sư tử trùng nội sinh, để giải phóng ra khỏi gông cùm thì trước hết phải nhìn cho rõ cái gông cùm, và càng phải nhìn lại chính mình một cách nghìn lần rõ ràng hơn. Một cái nhìn triệt để toàn diện và tích cực.

MỤC LỤC TRỌN QUYỂN TẬP I

Phần Một

 

Tổng Quan

Phật giáo trong thế kỷ mới

Phật giáo Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ 21

Phật giáo sinh lộ cho nhân loại

Những vấn đề trước mắt đối với Phật giáo Việt Nam

Phật giáo Việt Nam Thế kỷ XXI

Những đại pháp nạn của Phật giáo Việt Nam

Phần Hai

Giáo Dục Và Đào Tạo

Vai trò của giáo dục trong hướng phát triển của Phật giáo

Một Số Nhận Định Về Việc Giáo Dục Và Đào Tạo Tăng Ni

Sự Huấn Luyện Tu Sĩ Tây Phương

Dịch Tụng Giảng Kinh Và Tiến Hành Nghi Lễ Phật Giáo Bằng Tiếng Việt

Sự Đóng Góp Của Người Cư Sĩ Phật Tử Trong Công Cuộc Phát Triển Phật Giáo

Đạo Phật Có Thể Đem Lại Những Gì Cho Giáo Dục Ngày Nay

Phần Ba

Xã Hội Và Nhân Văn

Sự Gắn Bó Giữa Phật Giáo Và Dân Tộc Việt Nam Nhìn Ở Góc Độ Văn Học

Đạo Phật Có Thể Đem Lại Những Gì Cho Giáo Dục Ngày Nay

Sự Gắn Bó Giữa Phật Giáo Và Dân Tộc Việt Nam Nhìn Ở Góc Độ Văn Học

Kinh Tế Phật Giáo   

Đạo Phật Đối Với Vấn Đề Phát Triển Lâu Bền Và Bảo Vệ Môi Trường

Phần Bốn

Dân Tộc và Tôn giáo

Ta với ta

Phật Giáo Việt Nam Và Vấn Đề Gìn Giữ Và Phát Huy Nền Văn Hóa Dân Tộc


 

PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI

PHẬT LỊCH 2540 - GIAO ĐIỂM

HOA KỲ 1996

Tuyển tập 1


Với các bài viết của Minh Chi - Huyền Cương – Võ Đình Cường – Thích Trung Đạo – Thích nữ Karuna Dharma – Bùi Mộng Hùng - Trần Tuấn Mẫn – Đào Nguyên - Trần Chung Ngọc - Hồng Ngọc - Quán Như – Lý Nguyên Quân – Lê Văn Tâm – Cao Huy Thuần – Thích Chơn Thiện – Tinh Tiến.

* * *

In lần thứ nhất tại California, Hoa Kỳ, tháng 12/1996.

Trách nhiệm thực hiện: Tôn Thất Duy, Tâm Hòa, Thanh Nguyên, Hoàng Phấn, Trung Phong.

Phụ trách biên tập: Trần Văn Chi, Phan Mạnh Lương, Đặng Phương, Hồng Quang, Đỗ Hữu Tài.

* * *

Sửa bản vi tính lần 2, tháng 8/2004: Nguyên Định.

 ****************

PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1

********

Dẫn Nhập :

Từ nhiều năm nay, cuộc sống hiện thực của những người con Phật tại nước ngoài hầu như lúc nào cũng bắt họ phải đối diện với một số vấn đề nhân văn phức tạp: Làm thế nào để vận dụng được những lời Phật dạy vào cuộc sống trong một mội trường văn hóa xa lạ với truyền thống của họ? Tại sao những xã hội Tây phương cực kỳ tiến bộ về trình độ khoa học kỹ thuật lại bắt đầu khước từ những giá trị tâm linh nội sinh và lâu đời để quay tìm tới các nguồn đạo học Đông phương? Phật giáo Việt nam, như một bộ phận khăng khít của dân tộc, phải chuyển hóa như thế nào để bước nhịp nhàng với những chuyển đổi sâu rộng hiện nay của đất nước và thời đại? Những lực vận động nào sẽ định hình và định tính các định chế Phật giáo Việt Nam trong tương lai qua sứ mạng hoằng dương Chánh pháp? Và còn nhiều nữa, những vấn nạn lớn và nhỏ, những quan tâm gần và xa, những âu lo có cơ sở hoặc thuần cảm tính. Biểu hiện lên mặt nỗi là những lời cảnh giác và dự báo, những công trình nghiên cứu và lý luận, những buổi hội thảo và mạn đàm, những nỗ lực vận động và tổ chức… của cả ở trong lẫn ngoài nước, từ cả giới xuất gia lẫn tại gia, do cả ba Tông phái lớn tại Việt Nam là Thiền, Mật và Tịnh. Tất cả, nhiều lúc tích cực nhưng không phải không có lúc thật tiêu cực, đan kết và chồng chéo lên nhau như một bức tranh vạn hoa nhiều màu sắc và hình khối, để làm rõ nét một xu thế chung: Đã đến lúc phải nhìn lại chính mình trước tấm gương lạnh lùng và trung thực của sự thật. Đã đến lúc phải biết phân biệt để củng cố cái gì là bất biến và phát huy cái nào là tùy duyên. Bằng trí tuệ Bát Nhã và bằng tâm nguyện Bồ Tát.

      Do đó, trong quá trình thực hiện

      Tuyển tập Đối Thoại Với Giáo Hoàng Gioan-Phao Lồ II

      (http://www.giaodiemonline.com/sach_detail.php?sachid=81 )

      để làm sáng tỏ một số ngộ nhận và đính chính những sai lầm của vị chủ chiên Thiên Chúa giáo La Mã về đạo Phật, Giao Điểm cũng đã lấy quyết định song song hình thành một diễn đàn chung dưới hình thức những tuyển tập liên hoàn, không phải như một phản ứng tự phê tự kiểm, mà để liên tục và có hệ thống, trình bày những vấn đề của chính tôn giáo mình, trong mục đích đóng góp vào nổ lực truy tìm một định hướng khế lý và khế cơ, khả thể và khả dụng, cho đường lối phát triển Phật giáo trước thế kỷ mới.

      Lẽ dĩ nhiên, trong quy trình đóng góp vào việc phác thảo định hướng to lớn và lâu dài đó, không có gì là không quan trọng dù đó là ý kiến cụ thể về một vấn đề thực dụng, cũng không có gì là không đáng nói hoặc không được nói dù đó là cuộc mổ xẽ khắc nghiệt để nhận diện những con sư tử trùng nội sinh. Muốn minh Tâm thì phải kiến Tánh, để giải phóng ra khỏi gông cùm thì trước hết phải nhìn cho rõ cái gông cùm, và càng phải nhìn lại chính mình một cách nghìn lần rõ ràng hơn. Một cái nhìn triệt để toàn diện và tích cực.

      Và cũng lẽ dĩ nhiên, định hướng đó phải nằm trong tọa độ đủ lớn cho cả nhân loại, vì biển khổ thì không ngừng lại trước các biên giới thiên nhiên hay chủng tộc, nhưng cũng phải vừa đủ nhỏ cho từng chúng sinh để mỗi người có thể tự mình thắp đuốc mà một mình đáo bỉ ngạn. Đâu đó giữa hai tọa độ nầy là một đạo Phật Việt Nam trong lòng một tổ quốc Việt Nam, mà quá trình lớn dậy của hai thực thể này đã là một gắn bó tương thông và hòa hài, nương dựa và bất khã phân ly, từ lúc bắt đầu cùng hiện diện đã hai nghìn năm nay cho đến một thiên niên mới đang trải dài trước mắt. Cho nên nội dung của những đóng góp vào nỗ lực định hướng này cũng đã, tự thân và chủ yếu, xuất sinh từ những gốc rễ văn hóa và lịch sử đặc thù Việt Nam. Nghĩa là mang bản sắc Việt Nam và tương ứng với hiện thực Việt Nam. Một hiện thực có cả một dân tộc, trong đó có Phật giáo Việt Nam, đang tự mình từng bước chủ động thoát ra khỏi chu kỳ ngoại thuộc và chậm tiến, để lẫm liệt chấp nhận và quyền biến giải quyết các thách thức sinh tử của thời đại.

      Để cung ứng điều kiện trình bày cho những đóng góp có nội dung liên hệ đến một định hướng như thế, công việc hình thành một diễn đàn đáng lẻ phải quy mô hơn và hùng hậu hơn. Cần nhiều công sức và phương tiện hơn. Nhưng Giao Điểm, với những giới hạn và khó khăn mà ai cũng biết, vẫn đứng ra nhận lãnh công việc nầy như viên đá lót đường cho cả đoàn người đi tới. Chỉ bằng tấm lòng sắt son với dân tộc, và niềm tin vững chắc vào Chánh pháp.

      Từ cuối xuân năm 1996, lúc bắt đầu phổ biến Lá Thư Ngỏ và các Chủ Đề Gợi Ý để kêu gọi sự đóng góp vào Tuyển Tập 1, Giao Điểm đã nhận được những đáp ứng rất thuận lợi cả ở trong lẫn ngoài nước, thậm chí có bài viết gửi đến cho chúng tôi chỉ trong vòng hai tuần lễ sau đó. Tuy nhiên, cũng có những thân hữu đến nay vẫn chưa thấy hồi âm như đã hứa. Có nhiều lý do giải thích sự ngần ngại nầy nhưng đáng nói hơn cả, nên do đó cần làm rõ ra ở đây, là vì hai lý do sau:

•    Thứ nhất là lý do nhận diện. Nhiều Phật tử trong nước không biết, hoặc chưa hiểu, chủ trương và đường lối của Giao Điểm như thế nào nên chưa muốn có quan hệ với một hoạt động ngoài nước, dù quan hệ đó chỉ là những tư duy dưới hình thức một bài viết. Còn tại hải ngoại vì một số xuyên tạc và ngộ nhận, Giao Điểm cũng đã không được biết rõ như thật là nó, nên hợp tác với Tuyển tập sẽ tạo ra một số phiền lụy cho cá nhân người viết bài. Chúng tôi xin nhân dịp nầy để xác định cho rõ điều đã thể hiện rõ ràng trên Tạp chí Giao Điểm, nhất là các số gần đây, và qua các hoạt động nhân đạo và giáo dục y tế từ 5 năm qua của Giao Điểm Foundation ở trong nước, là với tư cách của những Phật tử Việt Nam, chúng tôi chỉ muốn quan tâm chia xẻ và đóng góp vào những thao thức, những thăng trầm, những cơ hội và thách thức mà cả dân tộc 77 triệu người trong và ngoài nước đang kinh qua. Để từ đó góp phần xây dựng một đạo Phật có thêm người tu và hành đúng Chánh pháp trong một nước Việt Nam có dân giàu, có nước mạnh, có một đời sống có văn hóa, trong một xã hội có văn minh.

•    Thứ hai là lý do thái độ. Một số thân hữu phân vân không biết phải “nhìn lại mình” như thế nào để tránh gây thêm những rạn nứt, những khó khăn, những đau đớn vốn dĩ đã ít nhiều hiện diện và huấn tập từ lâu. Đó là một thái độ thật sự đáng tôn trọng nhưng e rằng có thể chỉ sẽ làm trầm trọng thêm một căn bệnh vốn đã bước qua thời kỳ trầm trọng rồi. Người Mỹ có câu “Muốn làm trứng ôm-lét thì không thể không đập vỡ cái vỏ”. Huống gì điều chúng ta đang làm không phải là đập một cái vỏ, vốn chỉ là một phương tiện thiện xão, mà là với thành tâm và thiện ý, góp sức lau chùi cho sạch những bụi bặm oan nghiệt để cái trứng lại thật sự trở thành cái trứng mà thôi. Nhưng đạo Phật không phải trứng mà cũng chẳng phải vỏ, vì để tiếp tục ví von, thì đạo Phật phải như một viên kim cương bất hoại, càng chùi bụi thì ánh sáng càng óng ánh, chứ ai đập vỡ được nó bao giờ.

 Ngoài ra, là một phần tử rất nhỏ trong cộng đồng dân tộc, nhưng nhờ sự trong sáng trong công việc và lương thiện trong tình ý, nên Giao Điểm có được cơ duyên tiếp cận trực tiếp với cả trạng huống trong nước lẫn tình hình trên thế giới, do vậy, ở một giới hạn nào đó, chứng nghiệm, cảm nhận và đối chiếu được những thay đổi sâu rộng trong định hướng học thuật và hành xử văn hóa tại nước ngoài mà độc giả trong nước có thể chưa trực tiếp cảm nhận cụ thể được. Chúng tôi muốn đề cập đến cuộc phản tỉnh tư duy sâu sắc và rộng lớn của giới trí thức Tây phương trước sự phá sản các giá trị tôn giáo truyền thống, và thái độ khước từ những ước lệ đạo đức xã hội mà họ đang sống. Cuộc phản tỉnh đó cũng có liên hệ đến tình hình khai thác và hủy diệt không giới hạn những dự trữ cuối cùng của tài nguyên thiên nhiên trên quả địa cầu này. Điều đáng nói là chảy xuyên suốt cuộc phản tỉnh về nhận thức này, nội dung lời dạy của Đức Phật và triết lý hành động của Phật giáo đã được thành phần trí thức phương Tây vận dụng một cách sinh động và có hiệu quả.

       Điều xin thưa cuối cùng là dù đã cố gắng tối đa, Tuyển tập 1 nầy chắc chắn cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết cả về hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt sau khi đọc hết, quí vị độc giả dù không tinh ý cũng sẽ thấy ba điều:

•    Thứ nhất là chúng tôi không có một bố cục chặt chẽ và nhất định, dù có vẽ như Giáo dục và Đào tạo Tăng Ni là chủ điểm nổi bật nhất. Điều đó thật ra chỉ là một sự phù hợp đầy thuận duyên giữa ý định biên tập ban đầu của chúng tôi và buổi Hội thảo về Hướng phát triển Phật giáo Việt Nam tại Thiền viện Trúc Lâm ở Pháp vào tháng 9 năm 1996 vừa qua, mà vài bài phát biểu hôm đó đã được trích đăng lại trong Tuyển tập này. Và cũng chính điều đó đã tạo ra tiền lệ cho một nguyên tắc chọn bài là chúng tôi sẽ mạo muội đăng lại một số bài giá trị và hợp đề đã phổ biến (kể cả phổ biến trên tạp chí Giao Điểm), nếu thời gian và không gian cách trở không cho phép chúng tôi liên lạc với tác giả để xin chấp thuận.

•    Thứ hai là qua nội dung và ngôn từ, độc giả cũng thấy được số bài viết của tác giả trong nước gần bằng với số ngoài nước, dù điều kiện liên lạc khó khăn và dù hoàn cảnh sáng tác khác nhau. Sự quan tâm đầy nhiệt tình và thái độ rất tích cực đó đã là một khích lệ lớn lao cho ban thực hiện Tuyển tập, và là một khẳng định rất hùng hồn về chủ trương đúng đắn mà Giao Điểm đang nổ lực thực hiện.

•    Thứ ba là tuy Tuyển tập 1 có chia ra bốn chủ điểm khác biệt, các bài viết vẫn không đan kết được với nhau như một tổng thể nhất quán, dù tự thân mỗi bài viết đều có giá trị nội tại của nó. Thậm chí lại có những bài tiếp cận vấn đề từ những tư thế đối nghịch nhau, dùng những phương pháp luận xung khắc nhau, và đưa đến những giải pháp khác biệt nhau. Điều này không làm cho chúng tôi ngại ngùng. Lại càng không làm cho chúng tôi nhân danh một bài này để loại trừ một bài khác. Vì chủ đề của Tuyển tập vốn phức tạp, không có những cách nhìn dễ dàng và không có những giải pháp tiền chế, và vì chúng ta vốn được Phật dạy về lý Duyên sinh, cái này có là vì cái kia có.

Tuy nhiên, nếu Tuyển tập này, với những giới hạn nhất định do chính Giao Điểm tự mình tạo ra đó, mà gây được một hứng khởi và một niềm tin nơi bạn đọc, cũng như nơi những người viết, cho sự ra đời nối tiếp của các Tuyển tập sau; và nếu từ những nổ lực trí tuệ khiêm nhường này mà Phật Tử Việt Nam vận dụng được chút nào để đóng góp cho quá trình chuyển hóa của Phật Giáo Việt Nam trước thềm thế kỷ mới, thì quả thật điều đó đã vượt quá tâm nguyện của chúng tôi.

GIAO ĐIỂM

Hoa Kỳ, tháng 12 năm 1996

* * * * * *
 
THƯ NGỎ
KÍNH BẠCH CHƯ TÔN ĐỨC
KÍNH THƯA QUÍ THIỆN HỮU TRI THỨC
 

      Do tác động trực tiếp của những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và công nghệ, và đặc biệt do phong trào phản tỉnh trí thức để đối trị với cuộc khủng hoảng nhân văn toàn cầu hiện nay đang tàn phá không những môi sinh của con người, mà cả những kỷ cương đạo đức nền móng nhất của chính con người, các giá trị và tín điều tôn giáo của nhân loại đã và đang được nghiêm chỉnh thẩm định lại một cách triệt để.

      Trong cuộc thẩm định cần thiết và quyết liệt đó, trong khi các tôn giáo đang ngự trị một cách áp đảo và lâu dài trên cuộc sống Tây phương bị phê phán vì tính bất tương ứng với các nhu cầu tâm linh, và tình trạng tụt hậu so với trình độ tiến bộ tư duy của thời đại, thì Phật giáo bỗng xuất hiện như một biệt lệ. Các nhà tư tưởng lớn của nhân loại, đặc biệt những vị xuất sinh từ chính các xã hội Tây phương nầy, như nhà toán học Blaise Pascal, triết gia Bertrand Russel, nhà phân tâm học Graham Howe… lại đã đánh giá rất cao khả năng giải phóng con người và xây dựng xã hội của Phật giáo, mà tiêu biểu cho các danh nhân lỗi lạc nói trên là nhà Vật lý học Mỹ gốc Do Thái Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết Tương đối và là người được giải thưởng Nobel Vật lý về Quang Điện (Photoelectric) năm 1921. Là khuôn mặt lớn nhất của khoa học tự nhiên trong thế kỷ thứ 20, lại lấy Khoa học, vốn là sức mạnh và niềm tự hào của văn minh phương Tây, để so sánh, ông đã nhận định về Phật giáo như sau:

       Nếu có một tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải duyệt xét lại hầu cập nhật hóa với những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những đã bao gồm cả khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa. (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific findings. Buddhism needs no surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science).

      Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, cần ý thức và nhìn nhận rằng lối sống đạo của Phật tử và cách truyền đạo của Phật giáo, đặt biệt là Phật giáo Việt Nam, đang gặp một số giới hạn nhất định. Do đó, việc cập nhật hóa phương pháp truyền đạo, cách thế sống đạo, là một nhu cầu bức thiết. Để, ở trong nước, Phật giáo có thể đóng góp năng động hơn vào đời sống đạo lý và văn hóa của dân tộc, và Phật tử có thể góp phần hữu hiệu hơn vào sứ mệnh làm cho dân giàu nước mạnh mà thời đại Lý Trần đã được Dân tộc chứng nhận và Lịch sử chứng nghiệm. Còn ở ngoài nước, Phật giáo có thể phát huy được tối đa khả năng đóng góp của mình vào nỗ lực chung của nhân loại, nhằm đối trị những cuộc khủng hoảng, mà cấp thiết nhất là khủng hoảng đạo lý và tư tưởng, mà nhân loại đang cay đắng kinh qua.

      Trong niềm thao thức đó, và với tất cả tâm thành thiện chí, Tạp chí Giao Điểm thỉnh cầu chư Tôn Đức và hàng Thiện hữu tri thức trong nước cũng như khắp thế giới, góp ý của mình dưới hình thức những bài viết về chủ đề:

PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI.

      Chúng tôi xin mạo muội đề nghị nội dung và mục đích bài viết nên có tính xây dựng, thực tiễn và khả thi. Phương pháp luận được sử dụng trong bài giảng Tứ Diệu Đế để mô tả và phân tích hiện thực, truy tìm và giải bày nguyên nhân, định hướng và đề nghị phương thức giải quyết, là một quy trình mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng được. Lẽ dĩ nhiên đề nghị đó chỉ có tính gợi ý mà thôi, quý vị có toàn quyền chọn lựa cách thế trình bày nào thích hợp nhất.

      Tạp chí Giao Điểm dự định sẽ tổ chức, nếu hoàn cảnh cho phép, một (hay nhiều) buổi mạn đàm hoặc hội thảo về chủ đề nói trên vào mùa hè năm 1996. Ngoài ra, những bài tham luận cũng sẽ dự trù được in thành một Tuyển tập để phổ biến rộng rãi.

      Với định hướng đa diện hóa và đa phương hóa các quan hệ với bên ngoài, Việt Nam đang là nơi giao lưu của các luồng tư tưởng và học thuật trên thế giới. Đi chung với những trào lưu nhân bản và khai phóng, cũng có không ít những luồng văn hóa, những nguồn tôn giáo lỗi thời và nguy hại, ngụy trang dưới những hình thức văn minh và tiến bộ, tuôn tràn vào đất nước chúng ta, và đặt dân tộc trước vấn nạn phải nhận diện và chọn lựa cho đúng con đường Hiện đại hóa mà không Tây phương hóa.

      Do đó, hơn lúc nào hết, đạo Phật Việt Nam lại càng có vai trò và nhiệm vụ quan trọng hơn đối với sinh mệnh và tương lai của Dân tộc. Với đặc tính nhân bản và khai phóng, chức năng làm phên dậu văn hóa để thừa kế có sáng tạo, tiếp thu có chọn lọc của đạo Phật Việt Nam lại càng cần phải được khai dụng tối đa. Chúng tôi tha thiết mong cầu được sự khuyến khích và hưởng ứng thiết thực của chư Tôn Đức và quý Thiện hữu tri thức trong cũng như ngoài nước, để nổ lực nầy chóng thành tựu.

California, ngày 15 tháng 2 năm 1996

Thay mặt Ban chủ trương Tạp chí Giao Điểm

Kính thư,

Hồng Quang

***

TUYỂN TẬP

PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI

CÁC CHỦ ĐỀ GỢI Ý (Các chủ đề này chỉ là gợi ý, nhưng không phải là mục lục chính thức. thienminh)
I.    TỔNG QUAN

1.    Giáo lý đức Phật và những yếu tính của thời đại.

2.    Phật Giáo và cuộc khủng hoảng của thế giới hiện nay.

3.    Một cái nhìn lịch sử của Phật Giáo Việt Nam trong sinh mệnh dân tộc

4.    Bản sắc đặc thù của Phật Giáo Việt Nam.

5.    Phật Giáo Nhật Bản và cuộc canh tân xứ sở: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo.

II.    NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1.    Vài suy nghĩ về giáo lý, giáo chế và giáo hội.

2.    Hiện tình Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước; triển vọng và cơ hội.

3.    Những đề nghị cụ thể để Phật Giáo Việt Nam có đủ tầm vóc bước vào thời đại mới.

4.    Phương pháp truyền đạo và những phương tiện truyền thông hiện đại.

5.    Những đề nghị cụ thể để Gia Đình Phật Tử (GĐPT) đáp ứng được những nhu cầu của tuổi trẻ trong thời đại mới.

6.    Phật Giáo Việt Nam: chỗ đứng và nhiệm vụ đối với dân tộc.

7.    Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo thế giới.

III.    NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ ĐỂ HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1.    Tụng kinh, giảng kinh và hiểu kinh bằng ngôn ngữ thời đại.

2.    Giáo lý đức Phật và tri thức khoa học.

3.    Vận dụng giáo lý vào đời sống văn minh.

4.    Đường hướng và phương pháp đào tạo tăng ni trong thời đại mới.

5.    Hình ảnh, phong thái và tầm cỡ của vị trú trì, giảng sư trong thời đại mới.

6.    Những đề nghị cụ thể cho một buổi lễ Phật Giáo mang tính thời đại.

7.    Chức năng của một cư sĩ thời đại.

8.    Mẫu người mà Phật Giáo đào tạo cho thời đại mới.

IV.    NHỮNG VẤN ĐỀ NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1.    Phật Giáo và chính trị.

2.    Phật Giáo và sự phát triển kinh tế.

3.    Phật Giáo và vấn đề giáo dục và y tế.

4.    Phật Giáo và vấn đề ô nhiễm môi sinh.

5.    Phật Giáo và vấn đề phạm pháp và các tệ đoan xã hội.

6.    Phật Giáo và các vấn đề kiến trúc, hội họa, điêu khắc, sáng tác, âm nhạc và văn nghệ.

7.    Phật Giáo nên có hay không có một tổ chức chặt chẽ như các tôn giáo Tây Phương.

8.    Ý kiến về hai dòng tu: Thanh Tịnh xuất gia và Xuất Thế tại gia.

9.    Phật Giáo và các tôn giáo khác.

V.    CÁC VẤN ĐẾ KHÁC:

Tùy sáng kiến của quý vị.