Thành tâm đến chùa, đừng phí phạm bằng cách đốt vàng mã

Luật nhân quả của Phật giáo nói rất rõ. Làm điều gì xấu mình không thể “đỡ” lại bằng việc đi chùa thường xuyên để cúng tiền, vàng mã. Người giàu cúng 1 triệu cũng có phúc ngang như người nghèo cúng 1 đồng. Mình đến lễ Phật nên với thành tâm của mình, làm theo lời Phật dạy là ăn hiền ở lành. Đa số người đến chùa đều xin tài lộc, may mắn, xin “phong bì”, qua thuế, công an trót lọt… Đức Phật không bao giờ phù hộ những điều như thế.

Thành tâm đến chùa, đừng phí phạm bằng cách đốt vàng mã


Xuân Anh


PV: Theo thượng tọa, mê tín nghĩa là gì?

Nghĩa là những điều không đúng mà mình cứ u mê làm theo. Chưa biết đúng sai ra sao mà đã nghe thầy bói phán là mê tín.

PV: Tại sao khi đi chùa mọi người phải mang theo lễ tiền, vàng mã? Phải chăng khi mong một điều phúc, họ phải đổi tiền thật lấy tiền giả dâng lên cho Phật để có được điều phúc đó, thưa thượng tọa?

Đạo Phật không có chuyện đi đến chùa phải mua vàng lễ. Ngày xưa Đức Phật là Thái tử, con vua thì thiếu gì vàng bạc? Thế mà Ngài bỏ cung vàng điện bạc để vào trong rừng, ngồi thiền, đắc đạo, cứu độ chúng sinh. Việc đốt vàng mã ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trước đây, vua chúa khi băng hà đều chôn theo các cung tần mỹ nữ để xuống âm phủ hầu hạ họ. Từ đó, người ta làm các người giả để thay thế - hình nhân thế mạng. Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi Phật giáo Trung Hoa, cho nên những tín ngưỡng cũng ảnh hưởng từ đó. Việc đốt vàng mã thời nay đang bị lạm dụng quá nhiều.

PV: Biết là tiền giấy không mua được điều phúc, nhưng người ta vẫn cứ đốt?

Tôi cứ nói thế này: Khi các cô đi lấy chồng. Đến ngày giỗ cụ kị, ông bà, mẹ chồng nói: Con ra chợ mua vàng mã, quần áo để cúng cụ. Nếu cô nói: cái này mê tín dị đoan con không mua đâu, thì chắc chắn mẹ chồng sẽ phật ý.

PV: Nhưng tục đốt vàng mã vốn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu nghĩa đối với những người sinh ra mình của nhiều dân tộc Đông Nam Á. Đặc biệt ở Việt Nam, không nhà nào là không có bàn thờ. Bản chất của nó là từ niềm tin người sống cũng như người chết trong một gia đình đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong khi, đi chùa là thể hiện niềm tin với một tôn giáo. Không thể so sánh việc đốt vàng mã tại gia với đốt vàng mã ở chùa.

Mặt khác, trước bất kỳ cổng chùa nào cũng bày bán la liệt đồ vàng mã, xâu tiền, hoa cúng vàng bạc, thậm chí cả hình nhân thế mạng. Nhà chùa cũng dành riêng một góc để đốt vàng mã. Phải chăng nhà chùa đã gián tiếp ủng hộ việc đốt vàng mã, thưa thượng tọa?

Nếu nói ra thì rất khó. Nhà chùa không thể riêng mình diệt tận gốc được. Bởi vì sao? Là phải do bên phụ trách Văn hóa cấm triệt để không cho bán hàng bán vàng mã. Cấm từ nơi sản xuất và nơi bán. Nhưng bên phụ trách Văn hóa không nói gì. Thành ra mỗi một người lên chùa lại mang theo bó hương, vàng mã, hoa quả, áo quần, hình nhân…

Chúng tôi cũng rất bức xúc với chuyện này. Chúng tôi có nhiều buổi thuyết giảng với các Phật tử, thậm chí viết những quyển sách phát không cho họ. Nhưng đâu lại vào đấy thôi. Vì đến khi đến chùa họ lại mua lễ. Các cụ già Phật tử còn hiểu được. Nhưng những người buôn bán và thanh niên trẻ thì mua nhiều lễ lắm. Có lễ dày tới 15 cm. Mỗi khi đốt khói bay lên dày đặc, ô nhiễm môi trường. Mọi người hít thở là thấy không khí nặng nề lắm rồi.

Nhưng nhà chùa không làm cách nào được. Chẳng lẽ họ đến đây mang theo lễ mình lại từ? Mình không có chỗ đốt để nó bay lung tung cũng không được. Nơi để đốt thực chất dùng đốt những tờ sớ đơn giản. Ai không biết khấn thì nhờ nhà chùa viết cho tờ sớ. Còn vàng mã, ngoài cổng họ vẫn bán thì chúng tôi biết làm sao? Không thể cấm người ta được.

PV: Thưa thượng tọa, những buổi thuyết trình khuyên Phật tử hạn chế mê tín dị đoan, điển hình là đốt vàng mã đã có từ lâu chưa, hay mới trong vài năm gần đây?

Chúng tôi nói từ lâu rồi. Nhưng thật ra chỉ có những người đã quy Phật mới đến nghe giảng. Tại sao lấy tiền thật để mua tiền giả rồi đem đốt đi? Tôi tính thế này: đi lễ người 3 lễ, người 7 lễ, người 9 lễ. Nếu cộng số tiền đấy lại đi làm công đức thì không nhỏ. Mình mua từ ngoài kia đặt vào ban thờ Phật, Phật cũng chẳng làm chứng cho.

PV: Theo thượng tọa tại sao hiện tượng mê tín lẽ ra trong xã hội càng văn minh càng giảm đi thì thực tế ngày càng bị lạm dụng và lan rộng, không chỉ ở những người văn hóa thấp mà còn ở nhiều người tri thức, thậm chí cả các quan chức?

Luật nhân quả của Phật giáo nói rất rõ. Làm điều gì xấu mình không thể “đỡ” lại bằng việc đi chùa thường xuyên để cúng tiền, vàng mã. Người giàu cúng 1 triệu cũng có phúc ngang như người nghèo cúng 1 đồng.

Mình đến lễ Phật nên với thành tâm của mình, làm theo lời Phật dạy là ăn hiền ở lành. Đa số người đến chùa đều xin tài lộc, may mắn, xin “phong bì”, qua thuế, công an trót lọt… Đức Phật không bao giờ phù hộ những điều như thế. Hàng năm tại Đền Bà chúa Kho không biết bao cán bộ lên đấy, đầu năm vay, cuối năm trả. Mấy năm nay vì bị báo chí “soi” nên đi xe công lên, họ đổi từ biển xanh sang biển trắng.

PV: Giáo lý của đạo Phật khuyên dạy con người bớt mê tín như thế nào, thưa thượng tọa?

Cái này phải tự giác thôi. Con người muốn hiểu biết thì phải tự học. Phật giáo chỉ hướng cho con người có hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Phật ở trong tâm, tâm ở trong Phật. Trước hết, bố mẹ là Phật trong nhà. Thế mà cứ để bố mẹ nằm ốm còng queo mà lên lễ chùa thì không có tác dụng gì.

PV: Đức tin của giới trẻ đi chùa bây giờ có gì khác so với thế hệ trước?

Tôi nghĩ, đức tin của các cụ ngày xưa nó khác nhiều. Các cụ xưa đi chùa tin tuyệt đối. Bây giờ tôi hoang mang không biết họ có tin hay không nữa, chỉ thấy họ lên chùa rất đông. Lớp trẻ bây giờ hầu như chỉ có việc gì cần như xin lộc, xin thi đỗ đại học, xin có người yêu mới đến lễ chùa. Đi nhiều cũng thành thói quen.

Đi lễ có nhiều loại người. Có những người quy Phật, cũng có những doanh nghiệp hay những người làm ăn thất bại, thậm chí là trộm cắp đến lễ... Lớp trẻ bây giờ dù hiện đại đến mấy cũng phải cần có tâm linh.

PV: Đến chùa để xin cho mình, ví như xin làm ăn phát đạt, trốn thuế, nhiều quan lộc, sống lâu, ít tai ương…, nghĩa là bản thân người đến xin đã mang trong mình cái “sân” (tham). Thưa thượng tọa, đạo Phật có phù hộ cho con người những thứ mong muốn ích kỷ ấy không?

Là do cái tâm của mình. Mình biết sợ như thế thì phải làm những điều thiện, việc tốt. Tâm mình an lành thì mọi việc sẽ an lành. Đó là cái đạo Phật muốn hướng tới cho chúng sinh.

Chúng tôi ngồi ở phòng trực lễ này là nghe đủ mọi thứ chuyện. Không thiếu chuyện gì. Chuyện cúng lễ, bói toán, con cái hư hỏng, vợ chồng cãi vã, bỏ nhau…Nhiều khi thầy chùa chẳng khác gì một bác sĩ tâm lý. Xem ngày làm nhà cũng nhờ đến ông sư, động thổ cũng ông sư, cúng hoàn long mạch cũng thế.

PV: Những hình thức cúng bái trên có gần với mê tín? Và như thế là đi ngược với giáo lý của đạo Phật?

Ở nước mình trước đây không có nhiều hình thức cúng bái. Nhà sư chủ yếu tụng bài kinh cầu an, phép an tâm cho mọi người.

PV: Trong trường hợp có một Phật tử đến nhờ thầy giúp làm lễ động thổ, họ nghe lời thầy bói mua lễ tới 20, 30 chục triệu đồng để đốt. Thượng tọa sẽ khuyên người ta những gì để người ta bỏ ý định đó?

Cái tiền ấy là do ông thầy bói phán. Đốt vàng mã thì vô tác dụng. Không cần phải mua quá nhiều như thế.

PV: Thực sự họ có nghe không?

Họ nghe hay không là quyền của họ.

PV: Thưa thượng tọa, sao các thầy chùa không từ chối việc cúng bái khi một Phật tử chi quá tốn kém cho việc đốt vàng mã?

Khuyên cũng có cái khó. Mình phải ở tâm lý của họ mới hiểu được. Chẳng hạn như chuyện chết “trùng” – chết hàng loạt những người có họ hàng trong thời gian ngắn, kể cả gia đình nghèo cũng sẵn sàng bỏ ra hàng triệu để làm lễ để tính mạng người thân họ được an toàn – ít ra họ yên tâm là thế. Những nhà giàu còn bỏ ra hàng trăm triệu.

PV: Bản thân thượng tọa có hay đi cúng không?

Không tôi không đi cúng.

PV: Nhân Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc (Vesak) diễn ra ở Việt Nam, thượng tọa có lời nào nhắn nhủ đối với Phật tử?

Nhân ngày Đại lễ Phật đản, chúng tôi muốn nói với các Phật tử rằng: chúng ta là là những người theo Phật, tin vào Phật thì đừng tin vào những điều mà Phật không dạy. Chỉ cần sống lương thiện, an bình, có hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, dạy dỗ con cái trở thành những người tốt trong xã hội…đấy là những điều mà Đức Phật mong muốn.

PV: Xin cảm ơn thượng tọa!