Đừng để chữ Thiện chỉ nằm trong tâm

Công việc chăm sóc những đứa trẻ kia thật vất vả, vậy điều gì đã giúp cho sư thầy Thích Đàm Dược, sư bác Thích Thanh Khuê và những người sống trong chùa Ngòi vượt qua? Sư bác trả lời tôi: “Sư thầy vẫn dạy chúng tôi là người tu hành không phải chỉ hằng ngày ngồi tụng kinh, chiêm nghiệm giáo lý của đạo Phật mà phải biết mang những gì tốt đẹp của kinh Phật giúp ích cho đời. Là những con người hướng thiện không chỉ đơn giản là tâm ta hướng thiện mà phải để cho chữ Thiện kia thành hành động…”

“Đừng để chữ Thiện chỉ nằm trong tâm …”

Ngọc Cương

Tôi quyết định đến thăm chùa Ngòi (Lương Tài – Bắc Ninh) nằm cách Hà Nội gần 50 km chỉ qua một lần đọc trên mạng thấy thông tin rằng ở đây có chăm sóc gần 50 trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam. Thật lòng mà nói tôi đã đến thăm rất nhiều ngôi chùa nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nào là chùa Bồ Đề ở Long Biên- Hà Nội, nào là chùa Đại Cương ở Kim Bảng- Hà Nam… Nhưng đến với chùa Ngòi, cảm giác của tôi không bị trùng lặp với những lần thăm những ngôi chùa đó. Những lần trước tôi thường có những cảm thông với những đứa trẻ có số phận hẩm hiu bị cha mẹ bỏ rơi phải nương nhờ cửa Phật. Còn đến với chùa Ngòi tôi lại có cảm giác giận buồn cho những số phận bất hạnh của những đứa trẻ mang trong mình chất độc đi-ô-xin. Chúng là những nạn nhân của chiến tranh. Tôi buồn cho những đứa bé bị mọi người nhìn bằng con mắt là chúng là những đứa trẻ tật nguyền. Tôi giận bởi lẽ tại sao chúng lại phải náu mình nơi cửa Phật? Tại sao cha mẹ chúng không đủ điều kiện để chăm sóc chúng? Vậy cộng đồng đâu, xã hội đâu…? Những câu hỏi này luôn hiện hữu trong đầu của tôi mà chưa có câu trả lời.

Cửa Phật từ bi - Nơi đến của những thiên thần bất hạnh


Dưới chân đức Phật, các em đang có một cuộc sống gần với đời thường hơn. - Ảnh: Ngọc Cương

Sinh ra trên đời ai mà chẳng muốn mình xinh đẹp, ai chẳng muốn mình thông minh hơn người. Nhưng những đứa trẻ tôi gặp ở chùa Ngòi không dám mơ dù chỉ là những điều rất đỗi bình thường. Mà có xét cho cùng chúng cũng không có những ước mơ và cũng không thể ước mơ. Đơn giản chúng là những đứa trẻ mang trong mình chất độc màu da cam. Khổ thân cho chúng - những đứa trẻ bị gia đình cho là người thừa, bị xã hội nhìn bằng con mắt là những kẻ tật nguyền. Chúng không có bạn bè cũng chẳng thể đến trường. Chúng sống một cách vô định không có phương hướng. Những đứa trẻ này giống như những con thuyền đã mất hoàn toàn phương hướng không thể điều khiển suy nghĩ của mình. Trên thế gian này có bao nhiêu người hiểu cho nỗi đau của chúng?

Hôm nay tôi đến chùa cũng có chút không may do không gặp được sư thầy trụ trì Thích Đàm Dược. Chỉ có sư bác Thích Thanh Khuê ở nhà trông coi việc chùa và chăm sóc lũ trẻ. Sư bác giải thích cho sự vắng mặt của sư thầy: “Hôm nay sư thầy về thăm quê ở Nam Định. Phải đến 2 năm nay rồi sư thầy mới về thăm quê cũng chỉ do bận rộn với công việc của chùa và chăm lo cho lũ trẻ”.

Bước đến cổng chùa tôi có cảm nhận rất khác lạ so với những gì tôi thường gặp ở những ngôi chùa khác. Sự yên tĩnh, phẳng lặng ở chùa Ngòi đã mất đi hoàn toàn thay vào đó là những âm thanh náo nhiệt như ở một trường mầm non nào đó. Nhưng cái cảm giác khác lạ đó chỉ hiện ra trong đầu tôi chưa nổi 2 giây. Bởi lẽ ở đây có đến gần 50 trẻ em thì ồn ào cũng đúng thôi.

Tôi đi đến căn nhà ngang ngay khi bước vào chùa, nơi phát ra âm thanh của tiếng đàn oóc-gan với bản nhạc Ba là ngọn nến lung linh của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Xin lược trích đoạn nhạc ấy bằng lời: “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. La là lá la la…Thắp sáng một gia đình…”. Đoạn nhạc rất trong trẻo, chuẩn xác về nhịp điệu tôi cứ ngỡ đó là của một người chơi đàn chuyên nghiệp nào đó đang biểu diễn. Nhưng tôi đã nhầm vì đó là tiếng đàn của một em nhỏ sống trong chùa. Đi sâu vào trong nhìn thấy hai em nhỏ khuôn mặt ngây ngô thường thấy của những đứa trẻ có đi-ô-xin trong người đang chăm chú tập đàn. Tôi không biết chơi đàn nên khi nhìn thấy hai em nhỏ này đánh bản nhạc trên mà tôi thấy rất khâm phục. Chúng thật giỏi.

Câu chuyện của tôi và sư bác Thích Thanh Khuê bắt đầu bằng câu nói đầy tự hào của sư bác về hai đứa trẻ chơi đàn: “Hai đứa nhỏ đứa thì chơi đàn giỏi đứa thì hát hay. Thỉnh thoảng chúng lại biểu diễn cho cả chùa xem…”. Sư bác cũng giải thích thêm: “Đây là hai đứa trẻ sống lâu nhất ở đây. Chúng vào chùa cách đây đã gần 6 năm rồi. Sống ở trong chùa lâu nên bây giờ rất ít khi chúng về nhà, mặc dù gia đình chỉ ở xã bên”. Cũng qua lời giới thiệu của sư bác thì đây cũng là hai đứa trẻ có thể làm chủ được những suy nghĩ của mình. Còn tất cả những đứa bé khác sống trong chùa đều hành động theo bản năng.


Tay đàn số 1 của chùa và giọng ca vàng đang luyện tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới. - Ảnh: Ngọc Cương

Qua sư bác được biết nhà chùa nhận nuôi trẻ cách đây gần 6 năm. Ban đầu chỉ vài cháu ở những làng quanh vùng đến sư thầy khám bệnh miễn phí. Sau đó sư thầy giữ lại vài cháu ở lại để điều trị. Và cũng từ đây mà trẻ em ở các nơi tìm đến chùa Ngòi để gửi gắm số phận. Ban đầu chỉ là những em trong huyện Lương Tài, sau đó là cả tỉnh Bắc Ninh. Tiếng lành đồn xa, những đứa trẻ ở tỉnh khác bắt đầu tìm đến đây, từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn đến xa hơn là Lai Châu, Quảng Bình…

Sư bác bùi ngùi nói: “Những đứa trẻ này sống trong chùa tuy đến từ những vùng miền khác nhau nhưng chúng đều có hoàn cảnh chung là gia đình rất nghèo và đều mang trong mình chất độc chết người”. Câu nói của sư bác làm cho không khí câu chuyện trở nên trĩu nặng hơn. Nhưng nó sớm bị phá tan bởi sự “làm phiền” của một em nhỏ. Em bé chạy vào chỗ tôi đang ngồi bám vào vai tôi và nói: “Chú ơi! Chú cho cháu về nhà nhé. Cháu nhớ mẹ cháu lắm…”. Tôi biết câu nói này được nói bởi một em bé không thể điều khiển được suy nghĩ của mình. Nhưng đó là chút ít phần “khôn” của em hoặc là giây phút hiếm hoi bộ não của em hoạt động đúng nhiệm vụ của mình. Tôi quay ra nhìn em bé và dỗ dành: “Được rồi tí nữa chú sẽ cho cháu về thăm bố mẹ cháu nhé”. Câu nói của tôi làm cho đứa bé kia có vẻ rất mừng rỡ và chạy đi chỗ khác. Sư bác Thanh Khuê nhìn theo những đứa bé đó mà nói với giọng buồn rầu: “Con bé này tên Lan. Nhà nó tít trên Lai Châu. Mới vào chùa ở được gần nửa năm này. Khổ thân! Thi thoảng cô bé lại đòi về nhà như vậy đấy. Bố mẹ nó thì do nhà xa lại nghèo khổ nên từ khi mang con đến gửi ở chùa đến này cũng chưa một lần thăm nom…”.

Tôi và sư bác cùng nhìn về phía sân giữa của chùa chỗ bọn trẻ đang chơi đùa. Không khí khá ồn ào, náo động bởi những tiếng cười đùa không tròn vành của những đứa trẻ bất hạnh. Nhìn chúng rất hồn nhiên vui tươi nhưng tôi vẫn không bớt đi tâm trạng đau buồn. Bởi lẽ đáng ra những đứa trẻ kia lúc này phải được cắp sách đến trường như bất cứ đứa trẻ bình thường nào. Đáng ra chúng phải được hưởng sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Nhưng cuộc sống là vậy, nó luôn có sự bất công và những đứa trẻ kia do chúng có số phận bất hạnh nên phải gánh chịu những bất công đó. Nhìn vào những đứa trẻ, sư bác cũng không giấu nổi tâm trạng của mình mặc dù ngày nào chúng cũng quanh quẩn ở bên: “Khổ thân quá! Có những đứa đã mười tám đôi mươi mà cư xử như những đứa trẻ lên ba lên bốn. Ở đây phải đến 90% cháu không thể điều khiển được suy nghĩ và hành động của mình do chất độc tác động vào não bộ. Chỉ số ít các cháu bị ảnh hưởng ở chân tay là còn có thể ý thức được. Như thằng bé Việt ở Quảng Bình nhiều lúc cứ tự xé nát quần áo của mình ra rồi sau đó lại kêu khóc đòi bố mẹ. Nhiều khi trông coi bọn trẻ này cũng thấy mệt lắm….”. Tôi thấu hiểu được những suy nghĩ của sư bác vì trông những đứa trẻ bình thường đã vất vả, huống chi là những đứa trẻ bị dị tật.

Tôi và sư bác đang ngồi miên man câu chuyện về những đứa trẻ thì tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn cơm trưa đã đến. Tuy đã được dạy bảo rất kỹ là nghe thấy tiếng kẻng là phải về ăn cơm. Nhưng có rất nhiều em nhỏ cũng không thể ý thức được điều này chỉ đến khi các sư tiểu ra tận nơi gọi thì chúng mới biết rằng đã đến giờ ăn cơm….

Hãy biến chữ Thiện thành hành động, đừng để nó chỉ nằm trong suy nghĩ…


Bữa cơm chay trong chùa. - Ảnh: Ngọc Cương

Trưa hôm đó tôi xin chùa một bữa cơm chay. Mâm cơm thật đạm bạc với những món ăn thực vật nhưng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Hôm đó các em nhỏ ở đây cũng ăn cơm chay nhưng đó chỉ vào những ngày lẻ còn “vào những ngày chẵn nhà chùa sẽ mua những thức ăn mặn cho các cháu. Chúng đang trong thời kỳ phát triển nếu chỉ ăn chay sẽ không đủ chất dinh dưỡng” - sư bác giải thích. Lời giải thích của sư bác lại làm cho tôi thấy khó hiểu. Trong cái thời buổi giá cả tăng nhanh như bão thế này việc nuôi dưỡng cho gần 50 đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản. Vậy nhà chùa đã làm cách gì để có thể nuôi các em trong hơn nửa thập kỷ qua? “Có vài em khi cha mẹ mang đến gửi chùa cũng gửi thêm một số tiền nho nhỏ để thêm thắt với nhà chùa. Còn phần lớn là đến ở không. Tiền thì do những nhà hảo tâm ở khắp nơi đến cho. Rồi tiền sư thầy đi lễ ở các nơi. Bóp chắt một số khoản chi tiêu khác rồi nó cũng đủ”, sư bác giải thích.

Cũng theo lời sư bác thì “việc chăm sóc lũ trẻ này không phải đơn giản là cho chúng ăn no, mặc đủ mà nhà chùa còn lên lịch cho các em uống thuốc. Có đứa thì uống thuốc nam, đứa thì thuốc Tây, cũng có đứa thì được sư thầy cho điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu. Rồi những đứa mà có khả năng một chút thì sư thầy sẽ cho học nghề may. Mai sau có trở về gia đình cũng có thể kiếm sống phụ giúp cha mẹ”.

Sau bữa cơm, sư bác dẫn tôi đi thăm lớp học nghề của chùa. “Lớp học này không chỉ dạy cho các cháu sống ở trong chùa mà người ở ngoài cũng có thể xin vào học. Đây là lớp học từ thiện nên miễn phí hoàn toàn. Tiền thuê thầy dạy sẽ do nhà chùa chi trả” - sư bác giới thiệu. Thấy sư bác nói vậy tôi liền hỏi lại: “Liệu việc dạy học cho các cháu có hiệu quả không khi nhiều cháu ở đây còn không thể làm chủ được hành động của mình?” “Cũng phải bảo ban dần dần cho từng đứa. Có thể chúng không thể tiếp thu nhanh như những người bình thường nhưng cứ dạy mãi sẽ tạo ra cho chúng một thói quen. Mình không chỉ nuôi chúng mà phải tính đến tương lai của chúng nữa. Vì chúng không thể ở mãi trong chùa được mà đến một lúc nào đó những đứa trẻ sẽ trở về nhà. Nếu có một cái nghề trong tay, cuộc sống của chúng sẽ bớt phụ thuộc hơn. Gia đình sẽ bớt đi gánh nặng…”.
 
Nếu như những kế hoạch sư bác nói mà trở thành sự thật thì thật là tuyệt vời cho những đứa trẻ kia, cho gia đình chúng và cả cộng đồng. Những đứa trẻ kia tìm đến chùa Ngòi để tìm lại sự sống cho mình, tìm lại những gì chúng đã mất. Và nhà chùa cũng đang dần dần kéo chúng lại gần cuộc sống đời thường hơn.

Từ lúc tôi bắt đầu vào câu chuyện đến lúc tôi chuẩn bị ra về đã có rất nhiều dòng suy nghĩ xuất hiện trong tôi. Nhưng có lẽ dòng suy nghĩ mạnh mẽ nhất là sự cảm nhận về những câu nói của sư bác. Mỗi câu nói đều xuất phát từ một tấm lòng hướng thiện, một người con nương nhờ nơi cửa Phật. Công việc chăm sóc những đứa trẻ kia thật vất vả, vậy điều gì đã giúp cho sư thầy Thích Đàm Dược, sư bác Thích Thanh Khuê và những người sống trong chùa Ngòi vượt qua? Tôi hỏi sư bác Thanh Khuê. Sư bác trả lời tôi: “Sư thầy vẫn dạy chúng tôi là người tu hành không phải chỉ hằng ngày ngồi tụng kinh, chiêm nghiệm giáo lý của đạo Phật mà phải biết mang những gì tốt đẹp của kinh Phật giúp ích cho đời. Là những con người hướng thiện không chỉ đơn giản là tâm ta hướng thiện mà phải để cho chữ Thiện kia thành hành động…”.

Từng ấy câu nói đã khiến tôi hiểu được tất cả. Tôi biết chắc chắn rằng nếu như những đứa trẻ kia khỏe mạnh và khôn ngoan như những đứa trẻ khác chúng sẽ không vào trong chùa để gửi gắm cuộc sống của mình. Gia đình của 50 em nhỏ kia nếu như không lâm vào cảnh nghèo khổ chắc chắn họ sẽ không dứt lòng rời xa đứa con của mình. Trên đất nước hình chữ S này có biết bao ngôi chùa nhận nuôi trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, mồ côi, lang thang cơ nhỡ… Chẳng lẽ xã hội ta không thể làm gì để giúp chúng? Tại sao xã hội càng phát triển hơn lại có nhiều hơn trẻ em tìm đến các ngôi chùa để gửi gắm thân phận của mình….?

Ngọc Cương