Khủng hoảng xã hội Ấn Độ thời tiền Phật giáo và những vấn đề của thế giới ngày nay

Xã hội Ấn Độ vào những thập niên đầu của thế kỷ thứ VI trước công nguyên được đánh dấu bằng một sự khủng hoảng trầm trọng trong lãnh vực triết học-tôn giáo. Sự  sinh khởi và phát triển nhanh chóng của sáu mươi hai học thuyết triết học và tôn giáo của xã hội đương thời[1] đã tạo nên một bức tranh hổn loạn về niềm tin.

 

Nghiêm trọng hơn thế nữa, tất cả các học thuyết ấy đều cho rằng giáo thuyết của họ mới là chân lý[2], những thứ còn lại là tà kiến, không đáng tin. Để củng cố cho sự tồn tại và phát triển chủ thuyết, mọi phương tiện xấu tốt đều được giới lãnh đạo tôn giáo tận dụng để bành trướng giáo thuyết của mình. Nhằm chiếm thế thượng phong, làm chủ diễn đàn tôn giáo hòng nắm lấy quyền lực, thu phục tín đồ, sở hữu lợi danh, người ta tìm cách để bôi nhọ, châm biếm, công kích lẫn nhau. Họ không từ bỏ bất cứ hành động nào để đạt mục đích, thậm chí những đụng độ đẫm máu về tôn giáo cũng đã từng xảy ra. Nói khác đi, người Ấn Độ đang đứng trước một tình huống tiến thối lưỡng nan trong việc lựa chọn cho chính mình một lối đi, bởi vì hầu hết những học thuyết đương thời không tạo cho họ một cảm giác bình an, không thực sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh cũng như lý tưởng sống của họ. Đây là nguyên nhân chính đưa đến một sự khủng hoảng mang tính toàn diện đối với xã hội Ấn Độ, bởi lẽ đặc tính của tất cả các nền văn minh Đông Tây chính là sự biểu lộ về tôn giáo của nó và văn minh được quyết định bởi phẩm chất tôn giáo mà nó dựa vào[3].

Tương tự như thế, con người của thế kỷ 21 cũng đang đối diện một tình huống lịch sử tương tự khi mà niềm tin vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chủ nghĩa dân tộc… đã không lấp đầy được khoảng trống tâm linh do việc suy thoái niềm tin vào các tôn giáo truyền thống gây ra.[4] Quả thật, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, thế giới này dường như bị thu hẹp lại. Với phương tiện di chuyển hiện đại, con người của hai đầu quả đất có thể liên kết với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng cũng chính từ đây, mâu thuẫn và xung đột bắt đầu khởi sinh khi những hệ tư tưởng, văn hóa tôn giáo tiếp cận nhau.

Khuynh hướng cực đoan xem “chủ nghĩa”, “tôi là”, “của tôi”, “…” là tối thượng, là duy nhất chính là nguyên nhân tạo ra sự đối đầu hiện nay. Bước theo vết xe cũ của Ấn Độ ngày xưa, các tôn giáo, hệ tử tưởng, các nền văn hóa khác nhau đang tận lực chứng minh tính ưu việt của mình. Khát vọng trở thành “cái giá trị nhất”, “cái thiêng liêng nhất”, “cái tốt đẹp nhất” “cái đáng tôn kính, đáng tôn thờ nhất…” đã tạo ra một không khí đối đầu giữa những khuynh hướng này, thay vì đối thoại. Bi thảm hơn nữa, thay vì là chủ nhân của mọi thứ, kể cả thần thánh, lẫn trời đất, con người đã trở thành nạn nhân, nô lệ cho khát vọng của chính mình.

Tuy nhiên, khi một nền triết học hay tôn giáo nào đó không còn đáp ứng được nguyện vọng của con người, những người chủ xướng phải tìm kiếm một hệ tư tưởng mới phù hợp với tiêu chí và quyền lợi của mình. Đỉnh cao của nỗ lực tâm linh siêu việt của Ấn Độ là sự xuất hiện của Đức Phật và trí tuệ toàn giác của Ngài. Hệ thống giáo lý nhân bản do Ngài tu chứng và tuyên thuyết đã trở thành giải pháp tối ưu cho một xã hội đang đối mặt với chiến tranh, phân hóa và hận thù. Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật vẫn luôn song hành với con người. Càng ngày con đường sống này càng trở thành nhu cầu thật sự của nhân loại, đặc biệt con người của thế giới ngày nay, khi mà hình ảnh của xã hội Ấn Độ rối loạn trước sự xuất hiện của Đức Phật đang ngày càng in đậm cuộc sống của con người đương thời. Trong hoàn cảnh này, Nietzche cho rằng Phật giáo chính là giải pháp khả thi cho một nền văn minh mòn mõi[5]. Trong khi ấy, theo một số ý kiến khác, thời đại của chúng ta đang cần một tôn giáo có thể vượt lên trên các điểm bất đồng của Đông và Tây, nối kết nhân loại thành một khối thống nhất, giúp cho xã hội Âu Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang xảy ra và giúp cho xã hội phương Đông vượt qua đói nghèo[6]. Elbert Einstein nhận xét Phật giáo chính là giải pháp khả thi để giải quyết những vấn nạn này[7].

Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi muốn phân tích một vài điểm trọng yếu của giáo lý Phật giáo để soi sáng lý do tại sao các nhà văn hóa, triết gia, giáo dục lại đề nghị áp dụng hệ thống tư tưởng này để giải quyết những rối loạn của thế giới đương thời. Như đã đề cập ở trên, với tư tưởng tự tôn, độc tài, áp đặt, khuynh hướng bành trướng và thống trị đang diễn ra khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đây là đầu mối chính của thù hận, phân hóa và chiến tranh, tạo nên sự chao đảo và rối loạn hiện nay. Do vậy, để có thể giải quyết tình trạng đối đầu căng thẳng này, bước đi đầu tiên là con người phải kính trọng lẫn nhau. Khi có thái độ kính trọng, người ta mới có thể đối thoại. Đối thoại là phương cách duy nhất để giải tỏa mọi bế tắc, tạo ra sự cảm thông cho mọi sự dị biệt. Từ đây, sự chấp nhận lẫn nhau mới hy vọng trở thành hiện thực. Đối với vấn đề này, đạo Phật chủ trương rằng một người xứng đáng được gọi là bậc thiện tri thức, biết hộ trì chân lý, tôn trọng sự thật  khi người ấy tôn trọng và bảo vệ niềm tin của mình, nhưng không cho rằng chỉ có niềm tin của mình là chân lý và duy nhất[8]. Rõ ràng, đây có thể là cái nhìn căn bản và thiết yếu để mở tung cánh cửa định kiến, bảo thủ… mà con người đương đại đang phải đối mặt.

Tại sao như thế? Nguyên lý duyên khởi  (Patiyasamuttpada) của đạo Phật- với mẫu thức ngắn gọn: “Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt cái kia diệt. Do cái này có cái kia có. Do cái này không, cái kia không”- sẽ giải thích quy luật tương quan tương duyên của vạn pháp trong vũ trụ. Theo nguyên lý này, không có cái gì tồn tại độc lập trong thế giới sinh diệt này, Sự tồn tại của cái này chính nhờ vào sự tồn tại của một pháp nào đó. Ngược lại, sự hoại diệt của pháp này đưa đến sự tàn lụi của pháp khác. Thử quan sát những bệnh tật, dịch nạn mà nhân loại ngày nay đang đối mặt thì sẽ thấy được tầm quan trọng của  Nguyên Lý Duyên Sinh này. Nếu dịch cúm gia cầm (Bird Flu) của Trung Quốc không ảnh hưởng đến mạng sống và sức khỏe của gia cầm và con người ở Âu Mỹ, chắc chắn chính phủ của những nước phát triển (mà triết lý sống của họ là thực dụng và thực tế) không đời nào viện trợ không cho Trung Quốc và các nước nghèo thuốc men và dụng cụ y khoa để ngăn chặn cơn dịch nguy hiểm này, vì lẽ “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt”. Nếu Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) mà chỉ đem đến lợi nhuận riêng cho quốc gia của mình, chắc hẳn các cường quốc kinh tế sẽ không bao giờ tốn thời gian để thương thuyết, đàm phán, vì “Do cái sinh nên cái kia sinh”, v.v... Rõ ràng, tinh thần duyên khởi của Phật giáo đang được nhân loại cân nhắc và áp dụng trong mọi lãnh vực của cuộc sống để giải quyết quyền lợi, thực hiện trách nhiệm của nhau; đồng thời để giải tỏa những xung đột, bất đồng mà thế giới ngày nay đang đối mặt, như Tổ chức chống buôn lậu người, Cuộc chiến chống khủng bố, Chống buôn bán ma túy, Chống chiến tranh hạt nhân.

Một lãnh vực khác của cuộc sống mà con người dường như cũng đang nghiêm túc ứng dụng nguyên lý này là nhân sinh quan và vũ trụ quan. Trong cái nhìn Phật giáo, con người do năm uẩn hay nhóm, gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức tạo thành. Năm nhóm này được phân thành hai nhóm: sắc pháp và tâm pháp. Tâm pháp gồm thọ, tưởng, hành và thức. Trong khi ấy, sắc pháp bao gồm có nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc gồm bốn yếu tố đất nước lửa gió, và ngoại sắc là thế giới tự nhiên. Như vậy, chúng ta thấy rằng con người và vũ trụ liên quan mật thiết với nhau. Do bởi, sự tồn tại của con người có liên quan đến vũ trụ và ngược lại; cho nên sự suy thoái và hoại diệt của thế giới tự nhiên sẽ tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của đời sống con người. Những thảm họa về môi sinh do con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra như hiện tượng trái đất nóng dần, băng tan ở Nam Cực và Bắc Cực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đó là mực nước biển mỗi ngày mỗi dâng cao, có thể vùi lấp nhiều vùng đất màu mỡ dưới đáy biển. Nhiệt độ quả đất đang nóng dần, đe dọa đến sự sống của nhiều loài. Việc tàn phá rừng một cách ồ ạt đã đưa đến những thiên tai khốc liệt như bảo tố, lũ lụt, khô hạn, đất lở. Nói chính xác hơn, khi con người làm tổn hại đến thế giới tự nhiên, cũng có nghĩa là con người đang xúc phạm đến chính cơ thể của mình, vì thế giới vật lý này chính là phần ngoại sắc của con người. Thử quan sát sự ô nhiễm không khí tại các đất nước đang phát triển và bệnh hô hấp, khí quản mà nhân dân họ đang đối mặt là một minh chứng rõ ràng cho mối tương quan này.

Một vài thập kỷ trước đây, khoa học phát minh ra một số chất hóa học có thể giết chết, triệt tiêu những thực vật, sinh vật mà họ cho là không có ích cho con người trong một lãnh vực nào đó. Khi đem ra ứng dụng, kết quả của chúng đã thực sự đem đến cái lợi trước mắt cho con người nên những phát minh ấy được xem như là chân lý; còn những chủ thuyết  trước đó được xem như là cổ hủ, lạc hậu. Con người tung hô khoa học, xem khoa học như là “Thượng Đế”, có thể giải quyết mọi khát vọng cho con người. Thế nhưng sau một thời gian ứng dụng, chính các nhà khoa học, cha đẻ của những phát minh này, tự xác định rằng những phát minh của họ thực sự đang tàn phá và đang là mối hiểm họa đe dọa sự tồn tại bền vững của hệ sinh thái toàn cầu. Sự hủy diệt những sinh vật, thực vật mà khoa học xem là có hại cho con người và môi trường đã tạo nên sự mất cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên, một yếu tố mang tính duyên sinh mà cho đến nay các nhà khoa học mới nhận chân được. Do vậy, những nỗ lực bảo vệ các loài sinh vật đang có cơ nguy diệt chủng đang được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Như thế, trong ý nghĩa duyên sinh, khi chúng ta đề cập đến sự tồn tại của một cá nhân, nghĩa là đề cập đến sự tồn tại của cả vũ trụ. Khi nói chúng ta đang sống, có nghĩa là toàn bộ thế giới đang sống. Không thể có bất cứ một sinh vật hay thực vật nào có thể tồn tại một cách độc lập giữa thế giới duyên sinh này. Nói cụ thể hơn, nếu chúng ta muốn tồn tại, chúng ta phải tôn trọng sự tồn tại của mọi loài. Nếu không có gia đình, cộng đồng, xã hội thì làm sao chúng ta sống. Nếu không có môi trường, không khí thì con người lấy gì mà hít thở… Vả lại, nếu cuộc sống chỉ có một mình và chỉ sống cho mình thì còn ý nghĩa gì nữa.

Do vậy, người ta có thể thấy rằng không có cái gì gọi là tối ưu, là cực tốt, là hoàn toàn hữu dụng trong cuộc đời này. Cũng không có cái gì là vô ích, độc hại hay vô giá trị trong thế giới tương quan tương duyên này. Tất cả sinh vật, động vật, tất cả các sự sống trong hệ sinh thái này đều có một vai trò và ý nghĩa trong sự tồn tại của nó. Nếu con người nhận thức được như thế, chắc chắn những nỗ lực nhằm củng cố và bành trướng tự ngã, chủ nghĩa v.v.. hy vọng sẽ lắng dịu dần. Những tư tưởng làm hại lẫn nhau, triệt tiêu nhau vì những tà kiến, tham vọng sai lầm sẽ được kiềm chế và loại trừ.

Rõ ràng, Nguyên Lý Duyên Sinh đang được con người đương thời, đặc biệt là giới thượng tầng kiến trúc xã hội đang tận lực để xiển dương. Nguyên Lý Duyên Sinh đang được người ta nói nhiều trong cuộc sống. Nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ, lời kêu gọi khắp nơi trên thế giới, thậm chí ngay cả chủ đề bàn luận của tuần lễ đặc biệt “Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008” cũng không nằm ngoài những vấn đề chủ yếu trên.

Nhưng tại sao nhân sinh vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng. Chiến tranh, hận thù, phân hóa vẫn đang thiêu rụi sự tồn tại của mọi loài! Thế giới tự nhiên vẫn đang bị lạm dụng và tàn phá một cách vô ý thức. Tiếng than của con người mỗi ngày mỗi trầm thống hơn! Giả thuyết có thể thấy ở đây là sự mâu thuẫn trong nội tại của mỗi cá nhân, một tế bào của xã hội và toàn bộ thế giới, vì khi một tế bào trong cơ thể bị ô nhiễm, bệnh tật, sự tác hại không chỉ là tế bào ấy, mà toàn bộ cơ thể. Mâu thuẫn này chính là mâu thuẫn giữa “cái nhận thức và cái muốn (dục vọng)”. Sự thật này đã được đức Phật tuyên bố trong bài pháp đầu tiên tại Vườn Nai “Nguyên nhân của khổ chính là ái dục (Tanha)”[9].

Do vậy, muốn giải quyết tất cả mọi rắc rối của con người, cụ thể là chính mỗi cá nhân, người ta phải xác định mục đích thiết thực của việc làm này. Mỗi chúng ta hãy tự hỏi mình “chúng ta có thật sự muốn tìm giải pháp cho sự khủng hoảng này không?”. “Chúng ta đã thật sự loại trừ sự mâu thuẫn nội tại hay chưa?” “Chúng ta thật sự đã loại trừ cái bản ngã tôi là chưa?”, “cái tư tưởng của tôi, tôn giáo của tôi, hệ phái của tôi, quốc gia của tôi là hay nhất, tốt nhất, đáng tôn trọng nhất… hay chưa?”. Vì thực tế cho thấy rằng những tư tưởng này đang vận hành và phân hóa khắp mọi ngõ ngách của đời sống, ngay cả trong cái thực thể mang màu sắc gọi là “tôn giáo”, “bộ phái”, v.v… cũng khó tránh được. Rõ ràng, gốc rễ của căn bịnh muôn thuở này có nguồn gốc từ “cái tôi”, “cái của tôi”, “tự ngã của tôi’. Chừng nào những câu hỏi này chưa có câu trả lời hợp lý, chừng đó mọi giải pháp cho một xã hội tương lai tốt đẹp, hạnh phúc, bình an đều chỉ là đề án, chỉ là dự kiến, chỉ là ước mơ và hy vọng.

Nói tóm lại, dường như nhân loại đã hình dung được lộ trình- nếu như không muốn nói là đã tìm ra giải pháp- cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Vấn đề còn lại là việc thực hiện con đường này. Nếu con người thật sự mong muốn thế giới này hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, thì người ta phải tuân thủ nguyên lý Duyên Sinh- Vô Ngã  của đạo Phật. Nhân loại phải sống vị tha, thay vì vị kỷ; phải biết lấy tâm của người làm tâm của mình, lấy cái ước muốn của người làm cái ước muốn của mình[10]. Quan trọng hơn hết, để đạt được mục đích này, tất cả chúng ta, cụ thể là những người con Phật phải áp dụng những giáo lý này vào trong cuộc sống của chúng ta ngay tại đây và bây giờ. Có như vậy, chúng ta mới có thể tự xem mình là những Phật tử chân chính, do vì đức Phật dạy “ Hãy tự làm cho mình, Những điều mình dạy người. Khéo tự điều, điều người, Khó thay tự điều phục”.[11]
-------
Chú thích:

(*) Bài thuyết trình tại Hội thảo Phật giáo thế giới nhân Đại lễ Vesak 2009

 

[1] Kinh Trường Bộ, tập I, Kinh Phạm Võng, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
[2] Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, VNCPHVN, tr. 338
[3] A. Toynbee-D.Ikeda, Man Himself Must Choose, Koddansha, I.Lid. Tokyo-USA, 1976. tr. 288-289
[4] Daisuka Ikeda, Man Himself Must Choose,tr. 293
[5] Niezche and Philosophy, Ed. Gilles Deleuze, Tr. Hugh Tomlinson, tr.155-156
[6] Viên Trí, Khái Niệm về Bồ Tát Quán Thế Âm, NXB Tôn Giáo, 2003, tr. 33
[7] Elbert Einstein, Ideas and Opinion, Rupa & Co. Calcutta-Bombay-Delhi, India, tr.38
[8] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trung Bộ Kinh, Kinh Canki, VNCPHVN
[9] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ III, Đế Phân Biệt Tâm Kinh.
[10] Thiền Học Trần Thái Tông, “Dĩ thiên hạ chi dục chi dục, Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”.
[11] Kinh Pháp Cú, Kệ số 159