Chư Tăng Ấn Độ tăng cường vận động để được toàn quyền quản lý Đại tháp Bồ-đề

(Patna, Ấn Độ): Chư Tăng Ấn Độ muốn được quyền quản lý Đại tháp Bồ-đề ở Bodh Gaya, một trong những đại điện linh thiêng nhất của Phật giáo. Chư Tăng đã quyết định tăng cường cuộc vận động vì chính quyền Bihar cố ý tảng lờ những đề nghị của họ.

 

 

Trong một thời gian dài, chư Tăng Ấn Độ đã yêu cầu cho họ được toàn quyền quản lý đại tháp 1500 tuổi tại Bodh Gaya, tọa lạc cách thủ phủ Patna 100 km, nơi đức Phật chứng quả giác ngộ cách đây hơn 2550 năm. Chư Tăng đã không hài lòng với cách mà chính quyền Bihar cố tình trì hoãn tu chính Luật Quản lý Đại tháp Bồ-đề năm 1949 để bảo đảm quyền được quản lý đại tháp này của Phật giáo.

bodhaya.jpg

Sư Bhadant Anand, chủ tịch Ủy ban Hành động toàn Ấn Độ vì Đại tháp Bồ-đề ở Bodh Gaya (Bodhgaya Mahabodhi Vihar All-India Action Committee) phát biểu rằng: “Rõ ràng là chính quyền Bihar đã không có thiện chí giải quyết kiến nghị chính đáng của Phật giáo về việc được toàn quyền quản lý Đại tháp Bồ-đề. Chúng sẽ tiếp tục tranh đấu bằng cách vận động sự ủng hộ cho vấn đề này.”

Trả lời phỏng vấn của hãng tin IANS qua điện thoại hôm thứ sáu 27-11, sư Bhadant Anand nói ủy ban đã quyết định phổ biến mạng lưới của mình trên toàn Ấn Độ để tăng cường sự ủng hộ đối với việc được toàn quyền quản lý Đại tháp Bồ-đề.

“Chúng tôi sẽ phát động phong trào toàn thể hội viên tham gia giới thiệu những người mới có cùng chí hướng với chúng tôi, và chúng tôi sẽ mở các văn phòng của ủy ban tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước để vận động sự ủng hộ cho những yêu cầu của chúng tôi,” sư Anand nói.

 

Chư Tăng cũng như sư Anand đều cho rằng việc trì hoãn tu chính Luật Quản lý Đại tháp Bồ-đề năm 1949 là một “âm mưu” của chính quyền để công tác quản lý đại tháp tiếp tục được đặt dưới quyền quản lý của những người không phải là Phật tử. “Chúng tôi không hiểu nổi tại sao những người không phải là Phật tử lại có quyền quản lý đại điện linh thiêng nhất của Phật giáo? Chúng tôi đã quyết đề cập đến vấn đề này bằng cách vận động sự ủng hộ bên ngoài để đòi hỏi Phật giáo được toàn quyền quản lý đại tháp này,” sư Anand nói tiếp.

“Nếu việc quản lý các đền Ấn giáo, nhà thờ Cơ-đốc giáo, thánh đường Hồi giáo, và điện thờ đạo Sihk không đặt dưới quyền quản lý của các giáo phái khác thì tại sao trường hợp của Đại tháp Bồ-đề lại không giống như vậy? Và Phật tử chỉ được trao một ít vai trò quản lý các công việc của đại tháp kể từ năm 1949,” sư Anand nói thêm.

Theo luật hiện hành, Ban quản lý Đại tháp Bồ-đề gồm: 4 Phật tử và 4 thành viên Ấn giáo trong nhiệm kỳ 3 năm cùng với chánh án huyện Gaya nghiễm nhiên là trưởng ban quản lý.

Thích Minh Trí Theo IANS