BA THẾ HỆ DANH NI TẠI VIỆT NAM

Truyền thống Tỳ-kheo Ni được truyền vào Việt Nam từ rất lâu, bắt dầu từ thế kỷ XII. Tuy nhiên, cơ hội tu học đối với Ni giới rất hiếm hoi cho đến tận những nãm đầu thế kỷ XX, khi các nhà chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia châu Á, ngoài các mục tiêu khác, còn chủ trương giáo dục và hướng dẫn Ni chúng tu tập một cách có hệ thống, khuyến khích họ dạy, viết, và xuất bản sách. Tuy nhiên, từ trước đến tận bây giờ vẫn chưa có đến một cuốn Danh Ni Việt Nam nào được xuất bản nhý cuốn Lược sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX của Thượng tọa Ðồng Bổn (xuất bản và tái bản nãm 1995 và 2002), mặc dù cả Ni giới và nữ cư sĩ đóng vai trò rất trọng yếu đối với Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

Bài tham luận này, dựa trên tư liệu cũ cũng như những tư liệu mới xuất bản là một nỗ lực có tính chất nhỏ bé và sơ bộ. Vị danh Ni đầu tiên mà tôi giới thiệu trong bài tham luận này là Sư bà Diệu Không (1905 – 1997) ở Huế, miền Trung Việt Nam. Tiếp theo là Ni trưởng Trí Hải (1928 – 2003), đệ tử xuất sắc của Sư bà Diệu Không, cũng xuất thân từ Huế, một học giả danh tiếng thường được trích dẫn, một vị giáo thọ, một Giới sư, một dịch giả, và là người tham gia nhiều công tác từ thiện. Bài tham luận này cũng đề cập đến việc ngày nay các đệ tử của Sư bà Diệu Không và Ni trưởng Trí Hải đang tiếp tục các công việc từ thiện của các vị thầy mình như thế nào cũng như những tiến bộ trong các dự án của chính họ.

Một trong những sứ mạng của Hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới Sakyadhita là khuyến khích các công trình nghiên cứu về nữ giới Phật giáo. Trong những năm gần đây, Ni giới Việt Nam đã có những khảo cứu về lịch sử của chính mình và đã trình bày tham luận về đề tài này tại các Hội nghị Sakyadhita và các Hội nghị khác. Thêm vào đó, Lịch sử Phật giáo Huế của Thượng tọa Thích Hải Ấn và giáo sư Hà Xuân Liêm cung cấp tám tiểu sử rất hữu ích về các vị Ni ở Huế vào nãm 2007. Giáo sư Hà có viết vài trang gồm những thông tin về các vị danh Ni Huế trong thế kỷ thứ 19 và 20. Thượng tọa Ðồng Bổn ở chùa Xá Lợi hiện đang hoàn chỉnh tác phẩm Lược sử Danh Ni thế kỷ XX. Ðiều thứ hai là bài tham luận này cũng nói về trường hợp những phụ nữ có liên hệ với hoàng tộc của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam- triều Nguyễn (1802 – 1945), đóng đô ở Huế, cũng như những hoàng tộc khác trong suốt lịch sử dân tộc Việt Nam, vừa là người học Phật vừa là người bảo trợ cho Phật giáo. Một vài vị trong hoàng tộc xuất gia và thành lập tu viện. Thân phụ của Sư bà Diệu Không là quan Thượng thư và Ni sư Trí Hải cũng sinh trưởng trong một gia đình hoàng tộc dù chế độ phong kiến kết thúc khi Ni sư Trí Hải mới bảy tuổi. Hiếm có các nghiên cứu mang tính “khách quan” về triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, một phần do việc thất thóat sử liệu, nhưng phần lớn là do những mối liên hệ phức tạp của triều đại này với chính quyền thực dân Pháp. Vài vị hoàng đế chống Pháp, còn những vị khác, đặc biệt là hai vị hoàng đế cuối cùng, lại hợp tác với người Pháp, và điều này đặt ra những câu hỏi hóc búa về hệ tư tưởng cho các sử gia theo chủ nghĩa dân tộc hay theo trường phái cách mạng.

* Sư bà Thích nữ Diệu Không:

Thời thiếu niên và hoạt động của Sư bà trước khi xuất gia:

Ðầu tiên chúng ta tìm hiểu về Tỳ-kheo Ni Diệu Không, các đệ tử thường gọi là Sư bà. Sư bà thế danh là Hồ Thị Hạnh, sinh ở Huế vào năm 1905 và là con gái út trong gia ðình. Thân phụ Sư bà là Hồ Ðắc Trung (1861 – 1941) và thân mẫu là bà Châu Thị Lương (1865 – 1941). Sư bà có bốn người chị và sáu người anh. Thân phụ Sư bà là một vị đại thần trong các triều vua Duy Tân, Khải Ðịnh và Bảo Ðại. Sư bà sinh ra và lớn lên vào những năm đầu của thế kỷ XX, buổi giao thời giữa hai nền văn hóa cũ và mới, Ðông và Tây. Sư bà đến trường, là một học sinh chăm chỉ và rất có năng khiếu Hán văn và Pháp văn. Khi học xong trung học vào năm 15 tuổi, Sư bà tiếp tục học ở nhà và bắt đầu hoạt động xã hội. Sư bà đọc những cuốn sách viết về Gandhi, về cuộc cách mạng Pháp và cách mạng Nga. Sư bà muốn theo học môn chính trị học, vì Sư bà lúc đó đã đọc sách và truyện ðăng trên tạp chí về Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, hai nhà cách mạng chống thực dân nổi tiếng theo chủ nghĩa dân tộc. Sư bà tham gia các hội từ thiện do bà Ðạm Phương, vị thầy của các công nương hoàng tộc khởi xướng. Năm 1926, Hồ Thị Hạnh (Sư bà) thành lập Hội Nữ công. Trong bài thơ được trích dẫn dưới ðây, chúng ta thấy biểu lộ quan điểm đòi nam nữ bình quyền, trong đó có sự kết hợp giữa tư tưởng phương Tây về quyền phụ nữ và quyền của người lao động, và tư tưởng Nho giáo về phụ nữ. Bài thơ cung nhắc đến những nữ anh hùng dân tộc là Hai Bà Trưng và Bà Triệu đã đứng lên chống giặc ngoại xâm và vào đầu thế kỷ XX hành động của những nữ anh hùng này được diễn dịch như một biểu tượng cho tinh thần kháng chiến chống thực dân:

Tặng Hội Nữ Công Thừa Thiên (1926)

"Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên

Kinh tế nâng cao bước nữ quyền

Gánh vác giang sơn thân gái Việt

Duy trì nòi giống đất Rồng Tiên

Công dung tinh tấn không lười biếng

Ngôn hạnh đoan trang ấy chính chuyên

Tất cả chị em nên gắng bước

Noi gương Trưng Triệu mãi lưu truyền".

Buổi đầu, Hội Nữ công chỉ hoạt động ở Huế, sau phát triển đến các tỉnh khác tại miền Trung. Sư bà thường tổ chức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và mỹ thuật do Hội nữ công chế tác để gây quỹ cho Hội. Bà rất thành công trong những cuộc bán đấu giá này và mở một cửa hàng có tên là Nam Hóa. Cửa hàng trở nên nổi tiếng và có rất nhiều khách nước ngoài đến mua sắm. Sau đó bà thành lập Hội cứu trợ Lạc Thiện, hội viên có cả người Việt và người Pháp. Hội này trợ giúp phụ nữ và người nghèo và cũng hỗ trợ cả những phong trào chống thực dân, ví dụ như Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931. Khi những người tham gia phong trào này bị bắt, Sư bà đến gặp chính quyền Pháp để thương lượng giúp họ được trả tự do.

Sư bà và những bậc Ni tiền bối ở Huế, trước khi chúng ta tiếp tục câu chuyện về thời trẻ của Sư bà và những ảnh hưởng mà từ đó Sư bà hình thành tính cách và thiên hướng của mình, điều quan trọng cần được nhắc đến là Sư bà sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành. Người cô của Sư bà, Sư Bà Diên Trường (1863 – 1925), là vị Ni thọ đại giới đầu tiên ở miền Trung, ít nhất là theo sử liệu. Sư Bà Thích Nữ Diên Trường, thế danh Hồ Thị Nhàn, trước đã kết hôn, nhưng sau chồng và con đều qua đời. Năm 36 tuổi (1898) Sư bà xuất gia với Hòa thượng Hải Thuận - Lương Duyên ở chùa Từ Hiếu, và thọ đại giới nãm 1907 tại chùa Phước Lâm ở Quảng Nam. Sư bà tổ chức các lớp dạy Ni ở Phổ Quang (một chùa Tăng) ở Huế. Bà cất am tranh trên đồi Dương Xuân Thượng và thỉnh Hòa thượng Giác Tiên (1880 – 1936) đến ở. Sau này Ngài đã xây dựng chùa Trúc Lâm ở đó.

Ðệ tử của Sư bà Diên Trường là Sư bà Thích Nữ Diệu Hương (thế danh Nguyễn Thị Kiều, 1884 – 1971). Năm 16 tuổi bà được tuyển chọn làm phi của vua Thành Thái (1889 – 1907), vị vua sau này bị quân Pháp đày ra đảo. Sau khi nhà vua bị đày và con qua đời, Sư bà xuất gia năm 1915 với Hòa thượng Thanh Thái Phước Chí ở chùa Tường Vân. Pháp danh của Sư bà là Trừng Ninh và pháp hiệu của Sư bà là Diệu Hương. Năm 1924, khi 44 tuổi, Sư bà thọ đại giới ở giới đàn Từ Hiếu. Sư bà và huynh ðệ của mình là Sư bà Chơn Hương và Sư bà Giác Huệ đến chùa Trúc Lâm và trở thành đệ tử của Sư bà Thích nữ Diên Trường. Năm 1928, Sư bà Diệu Không và nữ Phật tử Ứng Ðịnh xây chùa Diệu Viên và mời Sư bà Diệu Hương làm trụ trì.

Sức ép gia đình và hôn nhân, giống như trường hợp cô của mình và những vị trưởng lão Ni mà Sư bà biết ở Huế, Sư bà muốn xuất gia nhưng không được sự đồng ý của gia đình. Gia đình ép kết hôn nhưng Sư bà không đồng ý. Sư bà muốn dành tất cả cho công việc từ thiện, nhưng dưới sức ép gia đình, cuối cùng, vào năm 1929, Sư bà chọn lấy ông Cao Xuân Sang, một người lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Năm 1930, bà sinh một người con trai nhưng chồng bà qua đời cùng năm ấy. Khi bà xuất gia, chị của bà chăm sóc đứa bé ấy, Cao Xuân Chuân.

Rời gia đình xuất gia: trước khi xuất gia, Sư bà thường đến chùa Trúc Lâm tham vấn Hòa thượng Giác Tiên. Một lần Hòa thượng hỏi “Bây giờ bà làm gì?” Sư bà trả lời “Con vẫn tiếp tục công việc từ thiện của mình và hướng dẫn Hội nữ công”. Hòa thượng Giác Tiên dạy: “Làm việc ngành ngọn mà quên cội gốc, ví như cây lá sum suê mà gốc cây mục nát, trước sau gì cũng thất bại.” Sư bà rất ngạc nhiên và hỏi “Vậy cội gốc là gì?” Hòa thượng Giác Tiên trả lời “Bà phải cứu lấy rễ trước. Ðiều đó là quan trọng nhất. Người ta thường mất tự chủ vì thanh sắc thế gian nên họ không thể nhìn rõ tâm mình. Cái tâm người không lo trau giồi mà chỉ lo các việc làm, khác gì cành lá sum suê mà gốc mục nát sẽ đổ tất cả.” Ngài dạy thêm, “Nếu bà có tâm, nên lặng lẽ học Phật, tu tâm và dạy người. Có như vậy và nhiều người như vậy mới mong thế hệ sau lo cho nền độc lập nước nhà.” Sau khi nghe những lời này, Sư bà tỏ ngộ và rất ngạc nhiên: “Không ngờ chốn thiền môn lại có những tâm hồn cao đẹp, nhìn xa thấy rộng như vậy.” Trước đó Sư bà luôn nghĩ các nhà sư chỉ gõ mõ tụng kinh và chẳng bao giờ suy nghĩ về cuộc đời, về lợi ích xã hội, hoặc là về an nguy của quốc gia. Sư bà trở về nhà, quyết định xuất gia và đến sống với người chị của mình là bà Hồ Thị Chỉ (1902-1985) ở chùa Khải Ân. Trong suốt ba năm sau đó, ngày nào Sư bà cũng đến chùa Trúc Lâm để học.

Năm 1932, Sư bà quy y Tam bảo với Hòa thượng Giác Tiên tại chùa Trúc Lâm, lúc ấy Sư bà 27 tuổi. Pháp danh của Sư bà là Trung Hạo (dòng Lâm Tế đời thứ 42). Khi thọ giới Sa-di Ni, Sư bà được đặt Pháp danh Diệu Không và hiệu là Nhất Ðiểm Thanh. Thời kỳ đầu bà không xuống tóc để thuận tiện hơn cho các công việc xã hội.

Cùng trong năm này, Sư bà mua đất và xây một ngôi chùa với sự đóng góp tài chánh của các nữ Phật tử. Sư bà mời Sư bà Diệu Hương làm trụ trì và Hòa thượng Phước Huệ đặt tên cho chùa là Diệu Ðức. Sư bà Diệu Hương giữ chức vị quản chúng. Sư bà nổi tiếng là người có đức độ nên có rất nhiều người theo học và chùa Diệu Ðức đã đào tạo những vị Ni xuất cách và nổi tiếng. Diệu Ðức đã mở trường Trung cấp Phật học từ năm 1991 và đến nay trường vẫn hoạt động. Năm 1971, Sư bà Diệu Hương tịch ở tuổi 88 và được nhập tháp ở chùa Diệu Ðức.

Mùa thu năm 1944, Sư bà Diệu Không thọ đại giới ở chùa Thuyền Tôn với Hòa thượng Thích Giác Nhiên.

Sư bà và Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1950, rất nhiều Phật tử ở mọi miền đất nước từ Nam ra Bắc nỗ lực chấn hưng Phật giáo và đem sức sống mới cho các đoàn thể Phật giáo với phong trào “Buddhist Revival Movement” (Phong trào Chấn Hưng Phật giáo) - phong trào này là một phần của phong trào hiện đại hoá Phật giáo vượt phạm vi quốc gia. Phật tử khắp Á châu tiến hành những cải cách trong việc quản lý tu viện, thiết lập hệ thống giáo dục và tu tập cho Tăng Ni, thành lập các Hội liên hiệp Phật giáo, xuất bản các ấn phẩm Phật giáo, đẩy mạnh hoạt động xã hội – nhân đạo, và mở rộng vai trò cũng như trách nhiệm của Phật tử tại gia trong việc quản lý và giảng dạy Phật pháp.

Tuy không được nhắc đến trong sử sách Phật giáo Việt Nam (trừ cuốn sách của Thượng tọa Thích Hải Ấn và giáo sư Hà Xuân Liêm phát hành năm 2006 và trong sách của Hòa thượng Thích Thiện Hoa xuất bản năm 1970, trang 50), Sư bà đã có nhiều đóng góp lớn lao cho phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Trung và cần phải có một vị trí xứng đáng hơn dành cho Sư bà trong các tư liệu lịch sử của Việt Nam về phong trào Chấn hưng Phật giáo. Do thông thạo tiếng Pháp và nhờ ảnh hưởng của cha là một vị quan lớn trong triều đình, Sư bà đóng vai trò trọng yếu trong quá trình thành lập Hội Phật học An Nam (Trung Việt). Năm 1932, Sư bà trực tiếp gửi đơn xin thành lập hội đến Hoàng đế Bảo Ðại và đã được nhà vua chấp nhận. Cùng với Hòa thượng Giác Tiên, Hòa thượng Phước Huệ, bác sĩ Lê Ðình Thám và các vị khác, Sư bà thành lập Hội Phật học An Nam tại Huế và mở các chi nhánh của hội này tại các tỉnh miền Trung. Trong hai năm sau đó, các quận huyện từ Thanh Hoá đến Phan Thiết và những khu vực khác ở miền Trung đều có chi hội với đầy đủ giáo viên và giảng sư giảng dạy Phật pháp.

Sau khi thọ giới Sa-di Ni, Sư bà bán nữ trang của mình và quyên góp thêm để thành lập Ni viện. Ngoài Diệu Ðức, Diệu Viên, và Khải Ấn như đã nói tới ở phần trước, Sư bà còn thành lập các Ni viện Hồng Ân, Kiều Ðàm, Ðịnh Huệ, Ðồng Thuyên, Hồng Ðức, Liên Trì và Liên Hoa ở Huế, Bảo Thắng ở Hội An, Bảo Quang ở Ðà Nẵng, Tịnh Nghiêm ở Quảng Ngãi, Diệu Quang ở Nha Trang, một trường Ni ở chùa Giác Linh tại Sa Ðéc, chùa Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Tràng tại thành phố Hồ Chí Minh, và Diệu Pháp tại Hố Nai, Long Thành.

Sư bà là động lực chính trong phong trào phát triển giáo dục Phật giáo: Sư bà mở các Phật học viện như Phật học viện tại chùa Tây Thiên ở Huế, mở trường trung họcđầu tiên ở chùa Trúc Lâm, một trường Ni ở chùa Từ Ðàm, nơi Sư bà giảng Kinh Hoa Nghiêm và Cảnh sách. Năm 1934, trường Ni này được chuyển về Diệu Ðức.

Một thành công khác của Sư bà là việc xuất bản. Hội Phật học An Nam phát hành một số tạp chí mới như Viên Âm, Tiếng Chuông Sớm, Từ Quang, và Liên Hoa. Sư bà cũng đóng góp cho việc thành lập Nhà Xuất bản Liên Hoa rất hưng thịnh tại miền Trung Việt Nam vào những thập Niên 50 và 60 của thế kỷ trước.

Sư bà còn là một nhà thơ có rất nhiều trước tác và là một học giả Phật giáo. Sư bà dịch rất nhiều tác phẩm Phật giáo từ Hán văn sang quốc ngữ, như Thành Duy thức luận, Du già sư ðịa luận, Lăng già Tâm Ấn, Di Lặc hạ sanh kinh, Ðại trí độ luận, và Trung quán luận lược giải (Bồ tát Long Thọ) và tác phẩm Hiển thật luận của Tạ Xuân, một nhà chấn hưng Phật giáo hiện đại người Hoa. Là Hòa thượng đường đầu, Sư bà giảng cho các vị Ni về triết lý Phật giáo và đặc biệt là yếu chỉ kinh Kim Cang. Sư bà còn thuyết pháp cho các đạo tràng Phật tử tại gia và góp phần thành lập các cô nhi viện khắp miền Trung. Mỗi một đóng góp của Sư bà cho phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung đều xứng đáng được nghiên cứu và miêu tả đầy đủ, không nên để thiếu sót trầm trọng như các tài liệu sử học hiện nay.

Sư bà và Phong trào đấu tranh Phật giáo những năm 1960

Trọn đời mình Sư bà cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Phật giáo và Phật tử, không chỉ trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, mà ngay cả trong “Phong trào đấu tranh Phật giáo”. Một lần nữa, các sử gia đã không ghi nhận hoạt động của Sư bà trong lãnh vực này.

Trong phong trào đấu tranh ở Huế, Sư bà tình nguyện tự thiêu và cùng với một huynh đệ của mình là Diệu Huệ vào Sài Gòn. Ở đó, trong khi các vị Tăng và Ni khác tuyệt thực phản đối, Sư bà đọc kinh Thủy Sám không ngừng và đón đợi cái chết của mình. Nhưng các nhà lãnh đạo Phật giáo từ chối yêu cầu được tự thiêu của Sư bà và nói rằng Tỳ-kheo Thích Quảng Ðức sẽ đảm trách việc này, vì Sư bà còn trẻ và có thể gánh vác nhiều Phật sự nữa.

Hình ảnh Thượng tọa Thích Quảng Ðức chìm trong ngọn lửa tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963 và sau đó là rất nhiều Tăng, Ni, nam và nữ Phật tử cũng tự thiêu, đã làm cả thế giới chấn động và đưa “Phong trào đấu tranh Phật giáo” trở thành một mối quan ngại nằm trong tầm quan sát quốc tế. Sau khi Thượng tọa Thích Quảng Ðức tự thiêu, Sư bà đã viết những dòng thơ:

Khóc ngài Quảng Ðức

"Lửa dậy lưng trời, thân chẳng động,

Dầu loang khắp đất, ý không lay.

Tiêu diêu cõi Tịnh, Thầy theo Phật,

Lận đận trần lao con nhớ Thầy".

Tuy nhiên, mặc dầu bị đàn áp và ở trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Phật tử Việt Nam vẫn có những hoạt động cứu trợ nạn nhân chiến tranh, thành lập các cô nhi viện và hơn 200 trường Bồ Ðề từ cấp tiểu học đến trung học. Cũng trong thập niên 60, Sư bà cùng Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, cư sĩ Ngô Trọng Anh và các vị khác thành lập Viện Ðại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, viện đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.

Việt Nam thống nhất năm 1975 và sau đó…

Sau năm 1975, Sư bà giữ vị trí lãnh đạo Ni giới tại miền Trung và miền Nam, và đóng vai trò rất lớn trong việc thống nhất Phật giáo Việt Nam. Sư bà là một vị Hòa thượng đường đầu, một ủy viên Giáo hội Phật giáo Huế cũng như Giáo hội Phật giáo toàn quốc. Suốt cuộc đời Sư bà chú trọng nhiều nhất đến lãnh vực giáo dục Phật giáo. Năm 1983, Sư bà góp phần thành lập hai trường đại học Phật giáo, một ở thành phố Hồ Chí Minh và một ở Hà Nội. Sư bà đặc biệt quan tâm ủng hộ Báo Phật giáo Giác Ngộ. Bên cạnh đó, Sư bà vẫn tiếp tục công việc dịch thuật và sáng tác thơ. Khi đã 80 tuổi, Sư bà bắt đầu dịch 100 tập Ðại Trí Ðộ Luận (Dazhi du lun) và tập cuối cùng được dịch xong vào năm 1997, năm Sư bà viên tịch. Sư bà đã sống một cuộc đời hết sức thanh đạm, giản dị, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia với tha nhân – mỗi ngày là một ngày sống trọn vẹn trong chánh pháp. Sư bà viên tịch tại chùa Hồng Ân ở Huế vào ngày 23 tháng 9 năm 1997 ở tuổi 93, 53 hạ lạp. Tháp thờ Sư bà hiện ở gần chùa Hồng Ân.

Hai đệ tử của Sư bà là Tịnh Ấn và Tịnh Nhu xem Sư bà như một đại trượng phu, mạnh mẽ trong ý chí, phóng khoáng trong tư tưởng, và độc lập trong mọi tình huống. Khi tôi đến thăm những ngôi chùa có liên quan đến Sư bà và trò chuyện với các đệ tử và học trò của Sư bà, điều dễ dàng nhận thấy là Sư bà đã và vẫn là nguồn cảm hứng đầy sức mạnh ðối với nhiều người trên thế giới. Ðệ tử của Sư bà sống và tu tập khắp nơi trên đất nước Việt Nam, nhiều vị trong số họ hiện là trụ trì các tự viện. Sư bà còn có các đệ tử hiện là trụ trì các tự viện hoặc du học ở nước ngoài như Ðài Loan, Trung Quốc, Anh, Ấn Ðộ, Mỹ, Canada, Úc và Ðức. Ðơn cử một ví dụ, thị giả của Sư bà là Tỳ-kheo Ni Huệ Ấn xây dựng chùa Phước Sơn trên một vùng đồi gần Huế. Trong nhiều nãm, Ni sư Huệ Ấn đã cứu trợ người nghèo vùng này, đặc biệt là học sinh nghèo và nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Mặc dù cuốn tiểu sử Sư bà do hai học giả Lê Ngân và Hồ Ðắc Hoài viết và xuất bản năm 2009 có những chi tiết về cuộc đời và hoạt động của Sư bà mà trước đây chưa được biết đến. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể hiểu về phạm vi thành công và đóng góp cho Phật giáo và cho đất nước của Sư bà trong gần một thế kỷ của lịch sử Việt Nam.

* Ni sư Trí Hải

Một trong những đệ tử xuất cách của Sư bà Diệu Không là Tỳ-kheo Ni Trí Hải (Tâm Hỷ). Tỳ-kheo Ni Trí Hải Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh sinh ngày 9 tháng 3 năm 1938 tại Huế trong một gia đình quý tộc kính mộ đạo Phật và là hậu duệ của Hoàng đế Minh Mạng (trị vì 1820 – 1840). Từ lúc còn nhỏ, Tỳ-kheo Ni Trí Hải đã có ước muốn được xuất gia.

Mặc dầu cả Sư bà và Tỳ-kheo Ni Trí Hải đều có dòng dõi hoàng tộc - khi Ni sư được 7 tuổi thì triều Nguyễn chấm dứt năm 1945 - những tương tác của Ni sư và gia đình hoàng gia nếu có chỉ là gián tiếp.

Ni sư Trí Hải (Phùng Khánh) học rất xuất sắc ở trường. Khi 17 tuổi, cô học xong trung học và dã muốn xuất gia, nhưng rồi cô trở thành giáo sư trung học tại Ðà Nẵng. Trong hai năm 1962 và 1963, cô học Cao học khoa Anh văn tại Ðại học Tổng hợp Indianna ở Bloomington. Cuối năm 1963, cô trở về Việt Nam và năm 1964 cô rời bỏ đời sống thế tục và trở thành một vị Ni; Thầy bổn sư của cô là Tỳ-kheo Ni Diệu Không, trụ trì chùa Hồng Ân ở Huế. Khi còn là một Sa-di Ni, Ni sư được chọn làm trợ lý của Hòa thượng Thích Minh Châu tại Viện Ðại học Vạn Hạnh, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Vào năm 1968, Ni sư thọ giới Thức-xoa-ma-na tại Nha Trang, được chọn làm Quản thủ thư viện Ðại học Vạn Hạnh. Năm 1970, Ni trưởng thọ Ðại giới tại Ðà Nẵng. Ni trưởng giảng dạy và làm công tác dịch thuật tại Viện Ðại học Vạn Hạnh cho cả Tăng Ni lẫn Phật tử và tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện. Ðơn cử một ví dụ, Tổ chức phi lợi nhuận OXFAM có trụ sở tại Anh mời Ni trưởng phụ trách văn phòng OXFAM Việt Nam từ năm 1965 dến 1975. Ni sư còn dạy phần III, IV và V của Trung Bộ Kinh bằng tiếng Anh tại Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Ðại học Vạn Hạnh.

Khi ở Huế, Ni sư giảng Cảnh Sách tại chùa Diệu Hỷ và Hồng Ân. Mỗi năm vào mùa an cư, Tỳ-kheo Ni Trí Hải dều được mời giảng tại chùa Vĩnh Phước ở Hóc Môn và Ðại Giác ở Sóc Trăng. Từ năm 1966 đến 1969, Ni trưởng dạy Luật Tỳ-kheo Ni và Bồ tát Giới tại Trường Trung cấp Ni (chùa Thiên Phước) tỉnh Long An. Tại các giới đàn tại chùa Thiên Phước, Ni sư đều dược thỉnh thuyết giảng về giới Tỳ-kheo Ni, ra đề thi và là người đứng đầu ban chủ khảo. Năm 2003, Ni trưởng là vị Ðệ nhị Giới sư tại giới đàn Từ Nghiêm.

Tỳ-kheo Ni Trí Hải là một pháp sư, một giảng sư, một dịch giả, một nhà thơ, một tổng biên tập và cũng là một chủ bút. Ni trưởng biết tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, biết sơ tiếng Ðức và Pali và đã dịch thuật và trước tác hơn 100 tác phẩm được xuất bản bao gồm các tác phẩm dẫn nhập cho học viên Tăng Ni, một từ điển Pali - Anh - Việt, những tác phẩm giới thiệu Phật giáo Tây Tạng, và những cuốn sách viết về các triết gia đương đại nổi tiếng như Gandhi, Krishnamurti, Tagore, và Erich Fromm. Trong nhiều thập kỷ, Ni trưởng tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội trên khắp đất nýớc Việt Nam. Ni trưởng đã viên tịch sau một tai nạn giao thông rất thương tâm vào ngày 7 tháng 12 năm 2003, khi đang cùng hai thị giả của mình là Tỳ-kheo Ni Tuệ Nhã và Sa-di Ni Phước Tịnh và trở về từ một chuyến đi từ thiện tại Phan Thiết. Ni trưởng Trí Hải hưởng thọ 66 tuổi đời, 33 năm tuổi đạo.

Tại lễ tang và sau đó, thư điếu, thơ và các câu đối được gửi về từ khắp mọi miền đất nước và thế giới và tất cả đều ngợi ca và bày tỏ sự nuối tiếc Tỳ-kheo Ni Trí Hải, một danh Ni của Việt Nam, một ngọn hải đăng của trí tuệ và từ bi. Ni trưởng được an táng tại chùa Diệu Không, huyện Hóc Môn, cách thành phố Hồ Chí Minh không xa. Chùa Diệu Không được Ni trưởng xây dựng vào năm 2003 giờ là nơi tu tập của sáu vị Ni. Hai trong số họ, Tỳ-kheo Ni Tuệ Dung và Tuệ Nguyện, hiện đang xây dựng một khu chùa mới và tiếp tục sự nghiệp từ thiện mà Ni trưởng để lại. Ðó là việc thăm và tặng quà mừng tuổi các bệnh nhân ung thư nằm bệnh viện vào dịp Tết, trợ giúp người già, người bệnh, người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Tỳ-kheo Ni Tuệ Dung xuất gia năm 1980 sau khi nghe Ni sư Trí Hải giảng Kinh Kim Cang năm 1979. Sư cô đã dịch một số tác phẩm từ tiếng Anh và Pháp ra tiếng Việt. Hàng năm vào ngày húy kỵ của Ni sư, Tỳ-kheo Ni Tuệ Dung xuất bản một bản thảo hoặc tái bản một tác phẩm của Ni sư, ví dụ như Trung Bộ Kinh do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali được Ni trưởng rút gọn và chú giải.

Bài tham luận này đã trình bày những đóng góp quan trọng của nữ giới – xuất thân từ hoàng thân và quan lại trong việc duy trì và phát triển Phật giáo Việt Nam dưới triều Nguyễn và thời thực dân Pháp đô hộ trong vai trò là người cúng dường, người bảo trợ, và nữ tu sĩ. Bài tham luận này một lần nữa nhấn mạnh về nhu cầu cấp thiết cần có một nền giáo dục toàn diện và cơ hội thọ Ðại giới cho Ni giới, và làm nổi bật vai trò quan trọng của các giảng sư Ni – những người hoạt động trong vai trò học giả, lãnh đạo, và là tấm gương cho phụ nữ. Cũng như các bậc Ni tiền bối ở Huế đã là tấm gương cho Sư bà Diệu Không, cũng như Sư bà đã là tấm gương cho Ni trưởng Trí Hải, cả hai vị danh Ni này là gương sáng cho mọi người trên thế giới. Tôi kêu gọi Ni giới Việt Nam và tất cả những ai quan tâm cùng sưu tầm tư liệu, gặp gỡ và phỏng vấn các vị Trưởng lão Ni để ghi lại lịch sử các vị Ni tại Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhất là thế kỷ XX./.

Elise Anne DeVido

Người dịch: TN. Viên Ngạn

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Viêt Nam)