Đoản khúc Tết


Bỗng dưng tôi đâm ái ngại cho một số người khấm khá mấy năm gần đây bày chuyện trốn Tết, dắt díu gia đình bỏ nhà cửa đi du lịch lên rừng xuống biển từ ngày mồng Một, không biết để làm gì?
1. Ngày 22 tháng Chạp, tôi lụi hụi soạn bàn thờ cho ngày mai cúng ông Táo về trời. Hai vợ chồng cùng là Phật tử thuần thành, dọn đến cái nhà đang ở này tính ra là cái thứ ba kể từ lúc cưới nhau nhưng vẫn “lờ” đi chuyện làm bàn thờ Táo quân. Trong nhà chỉ có bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà, không còn bàn thờ nào khác “để người ta đánh giá đạo Phật mình là đa thần giáo hoặc người biết đạo thì nói mình quy Phật rồi còn thờ trời, thần, quỷ, vật”.
Hai vợ chồng thống nhất quan điểm như vậy, thấy cũng an tâm. Nhưng cứ đến cuối năm, không cúng ông Táo thấy thiếu thiếu sao đó, lòng lại nhủ lòng cũng là mỹ tục, truyền thống dân tộc, tục lệ của ông bà mà, thôi thì chọn giải pháp làm bàn thờ ông Táo dạng “lâm thời”, nghĩa là từ 23 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng là xong chức năng nhiệm vụ, đương nhiên giải thể. Tuy hơi thực dụng một chút nhưng chắc Táo quân cũng đại xá cho…
2. Ra đường thấy người ta bày bán liễn đối, bao lì xì đỏ hè phố. Ai cũng hối hả ngược xuôi lo cho xong mọi việc trong năm. Nghe đâu đó vọng lời một bài hát cũ “mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh…” mà thấy nao nao trong dạ. Chợt nhớ mấy đứa bạn thân giờ đang rục rịch xe tàu về quê ăn Tết, bỏ lại thành công và thất bại của một năm tha hương lập nghiệp cho cái thành phố ồn ào, náo nhiệt bậc nhất này, về lại với quê mẹ, với ruộng đồng, với làn khói nấu bánh chưng, bánh tét quẩn quanh nhà trong chiều cuối năm, với ngôi chùa quê cũ kỹ mà luôn ấm áp khói hương trầm ba ngày Tết.
Vậy mà như được uống thuốc tăng lực, đủ sức “chiến đấu” tiếp cho một năm mới không biết là may hay rủi nữa đang đến, bọn bạn tôi bảo thế. Cũng là cái Tết mà thật êm ấm, hạnh phúc khi được khi ở bên người thân, nhưng có khi lại là cái Tết thật buồn, khiến mình phải bưng mặt khóc ròng giữa đêm trừ tịch vì quay quắt nỗi nhớ mà khi nhìn người ta bày hương án cúng giao thừa như thằng bạn tôi thời mới ra trường, ở lại Sài Gòn làm thêm kiếm tiền. Mới thấy ngày Tết Việt Nam sẽ không còn nghĩa lý gì khi không được sống trong và sống với gia đình, người thân nữa “… dẫu gì thì con cũng về, chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”.
Bỗng dưng tôi đâm ái ngại cho một số người khấm khá mấy năm gần đây bày chuyện trốn Tết, dắt díu gia đình bỏ nhà cửa đi du lịch lên rừng xuống biển từ ngày mồng Một, không biết để làm gì?
3. Hồi tôi còn nhỏ, thời đất nước còn khó khăn, chú tôi lên rừng ngậm ngải tìm trầm ròng rã mấy tháng trời, Tết về biếu ông tôi được ít vỏ cây dó, còn lõi trầm hương thì bán mất rồi. Chỉ là vỏ cây trầm dó thôi mà khi đốt lên cúng giao thừa, cả xóm khen nức nở vì lâu lắm rồi dường như chưa ai ngửi mùi trầm…
Bây giờ dịp cuối năm, tôi thích lựa loại trầm Huế, phải thơm mà sang, nhẹ nhàng, sâu lắng để dùng trong ba ngày Tết, vừa làm quà cho bạn bè, người thân. Cứ nghĩ đến thời khắc giao mùa thiêng liêng, người ta mở hộp trầm hương mình tặng, thắp lên giữa đất trời, cúng Phật, cúng tổ tiên ông bà là lòng mình thấy vui rồi. Chỉ thắp lên một nén trầm hương, không gian xung quanh sẽ thơm ngát mùi trầm. Nhân gieo vậy thì quả là vậy, gieo hành động thiện lành thì thành quả tốt đẹp phải đến. Còn lời mong ước nào hơn như ẩn dụ trầm hương này mà tôi muốn trao gửi trong thời khắc đầu năm mới?
4. Mấy năm nay, tôi có thói quen sau khi dọn dẹp hương án cúng giao thừa xong, trả lời hết tin nhắn chúc mừng năm mới của bạn bè là lên phòng thờ Phật, thắp một tuần nhang mới và ngồi ngẫm nghĩ. Lúc này tâm trí tôi như mới thật thảnh thơi, bỏ qua mọi sự rộn ràng, tất bật, lo âu, phiền muộn của năm cũ, của nỗi lo cơm áo gạo tiền đeo đuổi thường nhật, của những đua chen, toan tính thiệt hơn, ngồi dưới chân Phật và nghĩ về những người tôi đã thọ ơn, đến những ước mong chưa thực hiện được của mình về đạo, về đời…
Chỉ ngẫm nghĩ trong mùi trầm hương, trong sự tĩnh lặng của buổi khuya đầu năm về đoạn đời mình đã trải qua và những gì đang đến trong năm mới, bỗng thấy tâm bình an lạ khi nhìn lên bàn Phật, bắt gặp nụ cười Đức Như Lai-Bậc không đến không đi giữa cuộc đời. Nụ cười Thế Tôn là như thị, có cái gì là của năm cũ và cái gì là của năm mới đâu để mà lo?

Dường như có nụ mai vàng vừa hé bên hiên nhà, chờ một tia nắng mới…

Nguyễn Thanh Chương

(Theo Văn hóa Phật giáo)