Ẩm thực thể hiện nét văn hóa tâm linh

Chọn lựa hay thưởng thức?

Trong một lần vấn đáp với Thầy, có thiền sinh hỏi: Cách chọn hướng đi đúng cho công việc, tình yêu,...trong tương lai? Câu trả lời của Thầy khiến họ rất hài lòng. Tôi cũng vậy. Và tôi tâm đắc nhất với ý trả lời: "Cách chọn lựa cũng quan trọng. Nhưng cách tiếp tục những chọn lựa đó còn quan trọng hơn". Ta thử nhìn lại những lựa chọn đã qua của chính mình. Có lựa chọn nào khiến ta hài lòng, nhưng kết quả thực hiện lựa chọn thì ngược lại?

Tôi biết, bạn sẽ thắc mắc. Thắc mắc, vì sao đang nói đến chuyện ăn uống mà lại lạm bàn sang chuyện chọn hướng đi cho tương lai. Về nội dung, hai vấn đề này không dính dấp đến nhau. Nhưng về nhận thức thì lại có điểm tương đồng.

Nói đến nghệ thuật ẩm thực cần hội đủ ba yếu tố. Đó là cách chọn lựa thức ăn, cách chế biến thức ăn và cách thưởng thức món ăn. Nghệ thuật ẩm thực nhắm tới mục đích: đem lại sự sống, duy trì sự sống, tăng triển sự sống và làm đẹp sự sống. Tuy nhiên trên thực tế, có thể chúng ta đã làm mất đi tính đầy đủ của ý nghĩa về nghệ thuật ẩm thực. Trong xã hội dư dả vật chất nhưng bận rộn này, một bữa cơm gia đình có thể có nhiều thức ăn thịnh soạn, được chọn lựa và chế biến kỹ càng, nhưng liệu độ yên nơi mỗi thành viên cho một bữa cơm có đủ? Yếu tố thưởng thức quan trọng chẳng kém gì hai yếu tố chọn lựa thức ăn và chế biến thức ăn, thậm chí nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn. Nhưng chúng ta lại ít quan tâm đến chúng.

Nhớ lại bài học đầu tiên

Tôi sẽ chia sẻ với bạn về đạo ăn. Nghe mắc cười quá phải không? Bởi ta quen nghe: trà đạo, ... hoặc đạo vợ chồng, đạo làm con,... mà ít được nghe đạo ăn. Nhưng nó là một biểu hiện quan trọng của đời sống. Nó hàm chứa những ý nghĩa triết lý. Từ xưa, ông cha đã nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều đầu tiên cần học là cách ăn. “Vô lý, ăn mà cũng cần phải học sao?”. Nhiều người đã phản ứng như thế. Bởi, họ chưa thấy được ảnh hưởng quan trọng của việc ăn uống đến sức khoẻ và đời sống.

Kinh Niệm Xứ, Bụt có dạy về đạo ăn: “...khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ ấy...”. Bụt xác nhận, tính quan trọng của nó chẳng khác gì các công phu khác.

Đạo ăn cần thiết với cuộc sống. Nhưng vận dụng nó vào cuộc sống như thế nào?

Ta cần tập thay đổi dần nếp nghĩ cũ - Xem chuyện ăn là phụ, những thứ khác mới là chính. Thời gian ăn phải là quan trọng. Quan trọng như giải quyết công việc hệ trọng. Không thể khinh xuất. Cần tạm gác mọi việc chưa được giải quyết. Cần tạm gác những dự tính. Lắng xuống những lo âu, buồn bực. Có mặt hoàn toàn cho bữa ăn và người thân. Nếu không cho phép mình làm vậy, chỉ có hại mà không lợi. Hại mình, hại người thân, hại luôn công việc. Bạn chọn cách nào?

Khi ăn, ta nhai khoảng 30 lần trước khi nuốt xuống. Điều này có vẻ đơn giản, nhưng mang lại rất nhiều lợi lạc cho sức khoẻ của ta. Bình thường, ta ăn mà gần như không nhai. Ta nhai một vài cái rồi nuốt xuống vội vàng. Ta giao trách nhiệm tiêu hoá thức ăn cho bao tử. Trong khi đó miệng của ta là nơi tiêu hoá thực phẩm trước tiên.

Đông y ví nước miếng như dược liệu quý. Nó giúp tiêu hoá thức ăn. Giúp làm tươi nhuận cơ thể. Nếu nhai kỹ, ta tận dụng được nguồn nước miếng của chính mình. Nhai càng nhiều lần, nước miếng được tiết ra càng nhiều. Và một phần thức ăn đã được tiêu hoá ở chặng đầu tiên. Bao tử được sẻ chia trách nhiệm nặng nề. Không phải lao tác quá mệt nhọc.

Nếu ta quen ăn nhanh, ta tập đếm mỗi khi nhai một miếng thức ăn. Ta đếm 1, và chỉ cho phép ta nuốt thức ăn khi ta đã đếm tới ít nhất 30 lần. Càng nhai, thực phẩm trong miệng càng trở nên ngon hơn. Thức ăn sẽ trở nên ngọt ngào sau khi nhai nhuyễn. Tập một thời gian, ta có thói quen nhai kỹ trong khi ăn.

Tôi biết, nói thì giản đơn, nhưng khi làm thì lúc nhớ lúc quên. Bởi thói quen là của mấy chục năm. Một sớm một chiều khó có thể thay đổi. Nhưng nếu mỗi ngày một ít, kết quả như mong muốn là điều có thể đạt tới.

Bạn thấy đó, bài học đầu tiên tuy đơn giản mà quan trọng phải không?

Khám phá lại những gì bị lãng quên

Ta hay quên những gì sẵn có. Quên nên tưởng là thiếu. Thiếu nên tìm cái bù vào. Nhưng cái tìm được không đủ tự nhiên. Không đủ giá trị bền vững. Điển hình như việc ăn.

Ta cắn một miếng khuôn đậu luộc. Nhai chậm rãi. Nhai nhiều lần. Đừng nuốt vội. Bạn cảm thấy gì? Càng nhai miếng khuôn đậu càng trở nên ngọt ngào. Vị béo, vị ngọt hoà quyện cho ta cảm giác dễ chịu. Rồi ta ăn thêm một miếng bông cải luộc. Ta phát hiện vị thơm thật tuyệt diệu của bông cải. Đó là hương vị tự nhiên của khuôn đậu luộc, bông cải luộc. Mà không cần phải thêm gia vị. Bạn thấy đó, nếu ăn vội vàng, ta sẽ đánh mất cơ hội thưởng thức những hương vị rất lành ấy.

Khi nấu ăn, ta có thói quen nêm nhiều gia vị. Nhất là gia vị mạnh. Ta muốn vị giác được kích thích ngay khi thức ăn được đưa vào miệng. Bởi ta "không đủ thời gian" để nhai, để thưởng thức. Bạn có thấy mình bị thiệt thòi không? Cần nhanh chóng phục hồi khả năng khám phá vị ngon ngọt tự nhiên của thực phẩm quanh ta.

Khi đã nắm được bí quyết thưởng thức, ta không cần làm gì nhiều, nhưng ăn vẫn thấy ngon.
Ăn đúng cách ta cảm thấy ngon. Ngon với bất kỳ thức ăn nào. Niềm vui sẽ đến với ta đều đặn mỗi ngày. Không phải chỉ đến một vài lần. Nếu đạt được sự đẳng trì trong thực tập ăn uống - Đẳng trì là trạng thái không lên xuống - đồng nghĩa với việc chuyển hoá được thói quen "đứng núi này trông núi nọ" trong ăn uống.

Tôi bỗng nhớ tới trích đoạn " Trộm đào" trong phim Tây Du Ký. Có một cảnh rất thú vị. Sau khi trộm đào thành công, Ngộ Không chia đều chiến lợi phẩm cho Ngộ Năng. Mỗi người một quả. Không đợi được, Ngộ Năng chộp lấy quả đào từ tay Ngộ Không, và nuốt chửng. Rồi chìa tay xin thêm. Ngộ Không nói: " Tôi đã chia cho chú". Ngộ Năng phân bua: " Nhưng em chưa biết hương vị của đào tiên". Ngộ Không khoái trá cười. Rồi ăn đào rất ngon lành. Ngộ Năng nhìn sư huynh ăn mà thèm thuồng.

Giả sử, Ngộ Không trao cho Ngộ Năng thêm trái đào nữa. Liệu Ngộ Năng có nhớ thưởng thức?

Chúng ta cùng chiêm nghiệm cho vui.

Yếu tố tâm lý

Tôi có đọc nhiều sách thực dưỡng. Tuy nhiên, phần lớn chỉ hướng dẫn kỹ thuật chọn thức ăn, kỹ thuật chế biến thức ăn. Yếu tố tâm lý chưa thấy đề cập nhiều. Nhưng nó hết sức quan trọng. Nó có thể chiếm 50% sự thành công của một phương pháp. Rõ ràng, khi vui, ta cảm thấy ăn ngon hơn. Còn khi tâm hơi bất an, ta không muốn cầm đũa. Ta thường nói, thức ăn hằng ngày góp phần vào sức sống của cơ thể. Nhưng ta cũng có thể nói, sức sống của những bữa ăn phụ thuộc hết vào năng lượng bình an mỗi ngày của ta. Nếu khéo léo tu tập thì mỗi ngày ta sống rất vui tươi, hứng khởi, đầy nhựa sống. Nếu vụng về, ta sẽ phải nhận lãnh sự uể oải, buồn chán. Và những bữa ăn không thể nằm ngoài ảnh hưởng của những trạng thái tâm lý ấy. Gần đây tôi được nghe người ta mở nhạc giao hưởng để làm nền cho buổi ăn. Mục đích là để giúp cho tâm chúng ta được thư thái, buông xuống những toan tính, bộn bề. Những bản nhạc êm khiến cho những căng thẳng trong thân tâm ta được buông thư, vì vậy vị giác được kích thích, và ta cảm thấy ăn ngon miệng hơn.

Khi ngồi vào bàn ăn, nếu thực sự chưa yên, đừng nên bắt đầu buổi ăn. Cần thực tập hơi thở chánh niệm để lấy lại sự thoải mái, sự bình an.

Thở vào, tôi ý thức về sự có mặt của bữa ăn và những người thương
Thở ra, tôi biết mình cần phải trân trọng những giây phút này.

Nếu được, nên chia sẻ thật với những thành viên trong gia đình là mình chưa đủ yên để bắt đầu bữa ăn. Cần sự hỗ trợ của họ. Nếu mời họ thực tập chung thì rất hay. Như thế, mọi người sẽ ý thức hơn về giá trị của buổi ăn.

Biết thoả mãn

Một nhà thực dưỡng đã nói: "Nếu ăn đúng, ngay miếng cơm thứ hai ta đã cảm thấy đủ". Bạn đã đôi lần có cảm giác đó? Thói quen của ta là ăn hơi nhiều. Và cảm thấy khó chịu, nếu ăn ít lại. Bởi ta chưa nhận ra được sự lợi lạc của việc ăn ít.

Ăn biết ngon, ta thấy thân và tâm nhẹ nhàng, thoải mái. Ta sống có hạnh phúc. Ta không sống như một người thiếu thốn và đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc nằm ngay trong bàn ăn của ta. Ta sẽ ăn trong niềm vui thay vì lo sợ. Ăn như vậy, ta không có nhu cầu ăn nhiều. Tuy ăn ít ta vẫn thấy có sự thoả mãn.

Ăn xong, ta thấy đủ, mà không bị quá no. Ta không có cảm giác tức bụng, khó chịu. Đó là vì ta nhai kỹ, nếm được vị ngon trong thức ăn. Sự thoả mãn đó giúp cho ta biết dừng lại. Ta bớt ăn vặt. Ta không ăn đủ thứ gia vị mạnh để tìm cảm giác thích thú. Ta ăn ít, nhưng nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Ăn ít, ta thấy mình khoẻ hơn, nhẹ hơn. Ta tiết kiệm được thời gian và vật chất. Ta góp phần vào công tác bảo vệ sinh môi. Ta làm được nhiều việc lợi lạc cho mình và cho người. Thay vì dành thời gian ấy cho việc ăn vặt.

Ăn ít, ta dễ dàng theo dõi tình trạng sức khoẻ của chính mình. Bởi ta quản lý được những thực phẩm đã dùng. Nếu có những chuyển biến thất thường trong cơ thể, ta nhận biết được ngay nguyên nhân từ loại thức ăn nào.

Sự sáng suốt

Nếu bạn là nội trợ của gia đình, bạn cần phải biết điều này. Đó là cách chọn lựa thức ăn. Chắc chắn, sự chọn lựa thực phẩm cần dựa trên thực trạng sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến sở thích của họ. Nếu cách chọn lựa dựa trên sự kết hợp cả hai yếu tố trên, bạn sẽ mang lại rất nhiều niềm vui cho những người thương của bạn. Bạn có thấy mình quan trọng đối với sức khoẻ và hạnh phúc của gia đình bạn? Tôi và bạn đều không muốn thấy những bất trắc đến với những người thân của mình. Do vậy, đôi khi ta cần phải hy sinh những sở thích của họ để mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ của họ. Làm như vậy là đang thương họ. Và cũng đang thương mình.

Sự tiêu thụ tác động rất mạnh đến môi sinh. Nếu thấy được vị trí của mình, ta sẽ thay đổi cách chọn lựa thực phẩm. Ta sẽ chọn thực phẩm theo hướng góp phần bảo vệ môi trường, thay vì tàn phá môi trường. Việc làm này không những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính ta mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của thế hệ tương lai.

Đứng trước nhiều món ăn, ta thường bị hấp dẫn. Hấp dẫn bởi hương vị, hấp dẫn bởi màu sắc. Nếu luôn ý thức về tình trạng sức khoẻ của mình, ta biết cần chọn thức ăn nào và bao nhiêu là có lợi cho ta. Nên nhớ, ăn nhiều không phải là giải pháp tốt cho sức khoẻ.

Biết ăn đúng sẽ có lợi nhiều mặt. Nhưng ta quen sống lãng quên. Hay lãng quên nên thường sống buông thả. Buông thả trong cách ăn uống. Ăn nhiều, ăn không chọn lựa, ăn theo thói quen. Bao nhiêu độc tố đã sinh ra từ cách ăn ấy. Cơ thể ta gởi nhiều cảnh báo, nhưng ta không biết. Đến khi bệ rạc, nó phản ứng mạnh, ta mới lo chạy chữa, có thể đã quá muộn. Làm như vậy, mình đâu biết tự thương mình.

Bữa ăn của ngoại tôi không bao giờ được trọn vẹn. Khi đang ăn mà sực nhớ ra việc gì đó chưa làm là bà thường bỏ dở bữa ăn để đi giải quyết. Khi trở lại bàn ăn thì cơm canh đã nguội ngắt. Nhiều lần, mẹ tôi góp ý: "Sao mẹ không đợi ăn xong, rồi hãy làm". Thế nhưng mẹ tôi lại rơi vào tình trạng ăn rất nhanh. Cả gia đình tôi cũng vậy. Đôi lúc, tôi có hỏi lý do. Ba tôi giải thích: "Do tính chất công việc nên phải thế con ạ".

Sống trong môi trường ấy, tôi cũng được huân tập thói quen ấy. Hơn nữa, do quá bận rộn với công việc, tôi chưa bao giờ có sự quan tâm đúng mức đến ăn uống. Mỗi lần đồng nghiệp đến rủ đi làm, tôi đều trả lời: “Mình chưa dùng cơm. Đợi mình ăn đại mấy miếng cơm đã” (ăn đại là ăn vội vã, ăn qua loa, ăn chỉ để cho có cái cho vào bụng). Bạn tôi chứng kiến cái cảnh “ăn đại” ấy mà phát khiếp. Anh ta lắc đầu nói: “Nếu cậu cứ ăn cái kiểu đó thì chẳng mấy chốc là đau bao tử”. Tôi nói: “ Không phải lo, mình còn rất khoẻ”. Chỉ một thời gian sau, tôi bị bệnh bao tử hành hạ. Tôi cảm thấy hối hận vì sự quá hời hợt trong cách sống của mình. Tôi ý thức hơn trong ăn uống. Khi xuất gia, được thực tập cách ăn uống chánh niệm mỗi ngày, bệnh tật của tôi đã thuyên giảm đáng kể.

Qua câu chuyện trên, mỗi chúng ta có tự hỏi: “ Thời gian kéo dài được bao lâu cho câu trả lời: không phải lo, mình còn rất khoẻ ?”

Nuôi dưỡng tình thương

“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Có được hạt gạo để dùng, đâu phải dễ. Phải lao tác một nắng hai sương. Cần được sự đóng góp của rất nhiều công sức. Ấy thế, nhiều khi ta lại quên. Nhiều người còn tuyên bố: " Gạo là do mình mua. Mình có quyền thoải mái sử dụng. Hơi đâu mà nhớ này, nhớ nọ cho thêm mệt xác". Đó là cái thấy phiến diện. Có khi nào, ta tự hỏi: "Nếu đơn độc một mình, ta có tồn tại được không?"

Trong tự viện, các buổi ăn, chúng tôi luôn thực tập chánh niệm khi ăn. Có nghĩa là khi lấy thức ăn, khi ăn, ta đều đặt hết tâm ý vào đó mà không để cho những việc khác lôi kéo. Gắp miếng cà rốt lên, ta ý thức được, nó đến từ đâu. Lòng biết ơn ta có mặt trọn vẹn. Ta biết trân quý những phẩm vật hiện có. Ta sẽ ăn uống như thế nào để xứng đáng với những lao tác để có được những thức ăn ấy.

Sự trân quý và lòng biết ơn trong ta được nuôi lớn, thì tự khắc nó sẽ biến thành hành động bảo vệ. Ta không còn phung phí, mà ý thức nhiều hơn đến những số phận xung quanh ta đang còn khó khăn.

Thực tập ăn uống chánh niệm, không những giúp mình mà còn giúp tổ tiên của mình. Vì thân thể này là do cha mẹ, ông bà mình trao lại. Nếu ta khinh xuất cơ thể để cho cơ thể mang bệnh thì không chỉ ta khổ mà những người thân của ta cũng khổ theo. Vì vậy, chăm sóc mình cũng là đang chăm sóc cho những người thân. Mỗi ngày, mình được hoàn thiện hơn thì tổ tiên cũng được hoàn thiện. Đây là cách thể hiện sự hiếu kính rất có ý nghĩa nhất đối với dòng họ.

Đề phòng con ma thiếu ăn

Người già thường mắc bệnh lú lẫn. Ăn rồi mà cứ ngỡ là chưa ăn. Lại muốn ăn nữa. Mặc dù chưa già, nhưng nhiều người chúng ta cũng mắc bệnh này. Người ta gọi đó là những con ma thiếu ăn. Gọi là ma thiếu ăn không phải vì không đủ thức ăn, mà vì họ cứ ăn hoài nhưng chưa cảm thấy đủ. Bệnh này rất dễ phát ở người thường xuyên cảm thấy trống vắng, bất an. Khi trống vắng, bất an, ta thường có khuynh hướng tìm quên ở những thứ khác. Nhất là chuyện ăn uống. Hai chân ta cứ muốn đi đến tủ lạnh, bàn ăn, nhà bếp hay quán ăn. Ta ăn thật nhiều. Ta ăn liên tục. Ta sợ có kẻ hở, con ma cô đơn sẽ đến bắt ta. Ăn nhiều và thiếu ý thức, lâu dần, ta mắc bệnh phì. Nhưng họ lại sợ phì, họ nhịn ăn. Ăn nhiều đã thành thói, khi nhịn ăn, con ma ấy càng phát điên hơn.

Rõ ràng, ăn uống thiếu ý thức không thể là giải pháp chữa trị bệnh cô đơn. Bệnh này chỉ có thể được điều trị có hiệu quả bằng niềm vui, hạnh phúc chế tác hằng ngày. Và ăn đúng cách là một trong những liều thuốc rất hiệu nghiệm.

Ăn đúng thì ta cảm thấy đủ, cho dù ăn rất ít. Ta cảm thấy vui và được nuôi dưỡng. Sự nuôi dưỡng được liên tục. Nó làm nền tảng xây dựng những niềm vui lớn hơn.

Đầm ấm

Có người nói: "Bên bàn ăn, gia đình có cơ hội đoàn tụ". Tôi thấy lạ. Lẽ nào, những lúc khác, gia đình thiếu đoàn tụ? Âu đó cũng là thực tế của cuộc sống thời nay. Với những cơ hội hiếm hoi đó, ta cần phải trân quý và biết tận dụng.

Bữa ăn sáng có thể nói là cơ hội gặp nhau đầu ngày giữa các thành viên trong gia đình. Nó là bước đệm cho năng lượng của cả ngày. Ta chỉ cần dùng sáng bên nhau trong im lặng khoảng 10-20 phút. Sau đó chia sẻ nhẹ nhàng với nhau một vài điều. Hoặc đơn thuần chỉ cần mỉm cười và ý thức về sự có mặt của nhau. Đừng để năng lượng gia đình bị phân tán. Người thì dùng sáng, người thì không dùng sáng, người thì mang bữa sáng đến trường hay công sở. Đừng viện lý do không đủ thời gian. Nếu mỗi người khéo léo sắp xếp, ta sẽ có một buổi sáng rất vui bên gia đình của mình.

Sau một ngày làm việc, được về nhà là điều hạnh phúc nhất. Rũ hết những bụi bặm bên ngoài, ta thoải mái ngồi vào bàn ăn. Ta đầu tư hết một trăm phần trăm sự có mặt của mình cho bữa ăn và những người thương. Lâu lâu, ta dừng lại để ý thức về sự có mặt của những thành viên khác trong gia đình. Nếu tinh ý, ta có thể phát hiện được những khác thường nơi những người thân của mình để tìm cách giúp đỡ. Kết thúc buổi ăn, đừng vội rời bàn ăn để đọc báo hay xem truyền hình. Hãy nán lại để chia sẻ với nhau, hỏi thăm nhau về công việc, về chuyện học hành. Đó chính là cơ hội để xây dựng truyền thông trong gia đình. Cha mẹ có cơ hội hiểu con cái, con cái có cơ hội hiểu cha mẹ. Và khi hiểu thì mới có thể cảm thông và thương yêu nhau được.

Ăn là thể hiện văn hoá ứng xử

Tôi có đến thăm một người bạn. Tôi thấy anh ta, mắt thì dán vào màn hình vô tuyến, miệng thì ăn khoai tây chiên dòn. Tôi nói: " Hãy ăn xong đi đã, rồi hãy xem". Anh ta bảo: "Ăn cho vui miệng ấy mà". Ăn kiểu vậy, đâu biết mình đang ăn gì.

Ta ít quan tâm đến yếu tố tâm lý trong chuyện ăn uống đã đành, nhưng nhiều khi ta quên luôn phần hình thức. Nó quan trọng chẳng kém gì yếu tố tâm lý. Qua nó, thể hiện được trình độ văn hoá ứng xử của mỗi người.

Nơi tự viện, trong thực tập ăn uống, chúng tôi chú trọng đến cả hai yếu tố: hình thức và nội dung. Hai yếu tố này hỗ trợ lẫn nhau. Nếu bạn đã từng thực tập qua, bạn sẽ đồng ý với tôi điểm này.

Khi ăn, ta ngồi thẳng thoải mái. Không ngồi chồm hổm hay ngả nghiêng. Ngồi mà thoải mái, ăn mới cảm thấy ngon.

Thực tập im lặng trong buổi ăn, ít nhất là 10 - 20 phút. Sự im lặng giúp mình dễ chú tâm hơn vào chuyện thưởng thức đồ ăn và cảm nhận sự có mặt của những người xung quanh. Hơn nữa, khi nhai, khí tập trung nhiều ở phần miệng, nếu nói chuyện, ta bị mất rất nhiều khí. Bạn sẽ thấy cơ thể khó chịu, nhất là bao tử.

Vừa đi vừa ăn, không thể là nét văn hoá đẹp. Nên thực tập đi rồi hãy ăn, hoặc ăn rồi hãy đi. Nó bảo vệ sức khoẻ của bạn, mà còn thể hiện sự văn mình của bạn.

Kết thúc bữa ăn, người Tây Phương có thói quen sắp xếp lại cẩn thận những dụng cụ, mà họ đã sử dụng cho buổi ăn. Đây là một thói quen tốt. Chắc chắn rằng, cả bạn và tôi đều không muốn thấy, kết thúc bữa ăn, bàn ăn giống một bãi chiến trường phải không ?

Có một câu chuyện rất có ý nghĩa xảy ra giữa Tổ thứ hai của Tổ đình Từ Hiếu và vua Thành Thái. Tổ có mời vua đến dùng cơm. Sẵn có lòng mến mộ đạo hạnh của Tổ từ lâu, vua đã nhận lời đến dự. Lần này đến tham dự, vua muốn biết được thực hư về đạo hạnh của Tổ. Trong lúc dùng cơm, vua chú ý rất kỹ đến từng động tác uy nghi của Tổ. Nhất là khi Tổ dùng chuối, ngài ăn rất ngon, rất thong thả. Sau khi dùng xong, ngài xếp vỏ chuối lại ngay ngắn rồi đặt lại vào đĩa như cũ. Phong thái của Tổ đã gây được sự cảm mến nơi vua. Vua đã đảnh lễ Tổ và xin thọ tam quy ngũ giới với Ngài.

Tóm lại, mỗi người chúng ta phải nhìn nhận lại quan niệm của mình về chuyện ăn uống. Nó quan trọng bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, hạnh phúc mà còn phản ánh trình độ văn hoá nơi mỗi người. Ăn uống với đầy đủ hình thức và nội dung sẽ nâng chúng ta lên một tầm mức cao hơn trong đời sống tâm linh.

Thanh Phong