Giáo Dục Nhân Cách trong Phật giáo

I. Khái niệm về nhân cách:

Một cách tổng quát, nhân cách là tính cách đặc biệt của một con người trong suy nghĩ, cảm nhận và thái độ hành xử của người ấy. Nhân cách bao gồm thể cách thái độ, ý kiến, và được thể hiện trong quan hệ với những người khác. So với hành vi, thói quen thì nhân cách có tính cố hữu hơn và có tính chất lọc từ những gì thu đạt được trong quan hệ của một người với môi trường và xã hội.

Dĩ nhiên, như vẫn thường thấy trong triết học, có nhiều định nghĩa về nhân cách. Trong tâm lý học, nhân cách được hiểu theo hai khía cạnh.

1. Do quan sát, nhân cách được giải thích và xếp loại một cách tương đối về những đặc tính tâm lý của con người.

2. Xét những tính chất khiến mọi người giống nhau hay mọi người khác nhau với những người khác về mặt tâm lý. Từ đó, xét về nhân cách là xét con người thể hiện mình như thế nào và xét đâu là nguyên nhân của sự thể hiện ấy.

Khái niệm về nhân cách đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và phát triển cho đến thế kỷ XVI ở Châu Âu, theo đó nhân cách là sự hài hòa của bốn chất lỏng (từ La tinh gọi là humor) là máu, đờm, giận, buồn (giận buồn là biểu hiện của màu mặt) chỉ sự quân bình của tinh thần. Về sau, do yêu cầu chữa trị bệnh kể cả bệnh cơ thể và tâm lý, nhiều lý thuyết về tinh thần và cụ thể là lý thuyết về nhân cách (personality) được đề ra. Đặc biệt yêu cầu về giáo dục nhân cách càng lúc càng trở nên cần thiết khi giáo dục phát triển và những vấn đề con người trong xã hội mới được đặt ra trong những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Theo Sigmund Freud (1856-1930), nhân cách gồm dục tính, ngã, và siêu ngã (ld,ego, superego), trong đó dục tính là quan trọng nhất, dục tính tiếp xúc với thế giới đã tạo nên ngã, và từ ngã, có một siêu ngã để đánh giá nó. Dục tính hay bản năng là nguyên nhân và động lực tạo ra nhân cách. Carl Jung (1875-1962) tiếp tục triển khai cái mà Freud gọi là tiềm thức và chủ trương nhân tính vốn hình thành từ những hồi ức gốc (radical memories) mà ông gọi là tiềm thức tích tập (collective unconscious). Do xếp các hồi ức này, Jung phân biệt nhân cách hướng nội và nhân cách hướng ngoại của một con người.

Alfred Adler (1879-1973) nhấn mạnh ảnh hưởng xã hội vào nhân cách và xem đây là phần chủ yếu của nhân cách; phản khác là cái xu hướng muốn tiến đến quyền lực để cân bằng mặc cảm tự ti.

Erich Formn (1900-....?) xem nhân tính là bản năng (như thú vật) và sự tự ti, lý trí và óc tưởng tượng (như con người), đồng thời nhấn mạnh phần ảnh hưởng của xã hội. Carl Rogéry (1902-1987) chỉ chấp nhận cách cư xử như là biểu hiện của nhân tính của một người trong hiện tại đối với hoàn cảnh chung quanh. Trong chiều hướng đó, Rogers nói đến cái quan niệm về ngã hay cái cơ cấu ngã (self-concept hay self-structure).

Nhân cách còn được bàn đến qua các cơ cấu khác nữa kể từ năm 1930 đến nay: Ross Stognné, Goren W. Aliport, Henri A. Marray, Gardner Murphy ... trong khi Erik Erikson có tham vọng tạp hợp các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội thành một học thuyết trọn vẹn về sự phát triển và thay dổi của nhân cách bao gồm suốt đời người.

Thực tế hơn, những cuộc trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu nhân cách bằng sự thống kê (inventories tests) hay sự bày tỏ (phóng chiếu) của người được trắc nghiệm (projective tests) của các trường đại học Mỹ như Minnesota, California (Minnesota multiphasic personality inventory, thematic Apperception test ...) thu được một số thành quả nhất định trong việc khám phá, giáo dục nhân cách. Nhìn chung, giáo dục nhân cách càng lúc càng được coi trọng và có lịch sử lâu dài kể từ thế kỷ trước, nó tiếp tục được dò dẫm, phát triển mãi cho đến ngày nay.

Mục đích của giáo dục phương Tây là để tìm hiểu con người, tâm hồn con người, tâm lý hay bản chất con người, để xây dựng một nhân cách tốt, cải thiện nhân cách chưa tốt. Mục đích này là của giáo dục học, xã hội học, tâm lý học và tâm lý trị liệu, thậm chí cả sinh lý trị liệu.

Tuy nhiên, hiện nay một định hướng cho con người vẫn chưa cụ thể rõ ràng và những căn bệnh tâm lý, xã hội vẫn có dấu hiệu càng lúc càng trầm trọng. Nếp sống buông thả, phóng đãng, vô định vẫn càng lúc càng nhiều, hiện tượng cuồng tín, sát nhân, tự tử càng lúc càng gia tăng, đó là chưa kể những sa đọa tinh thần, đạo đức trầm trọng khác ... Như thế nghĩa là giáo dục nhân cách của phương Tây và của nhiều nước phương Đông đang bị ảnh hưởng bởi văn minh phương Tây chưa được định hướng đúng đắn, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, của thời đại.

Chúng ta không phủ nhận những nổ lực đáng kể của phương Tây trong việc nghiên cứu nhân cách. Đó là việc càng lúc càng đào sâu vào bản năng trong tâm lý của con người. Ta thấy bàn đến bản năng, dục tính, đến các thái độ tâm lý, đến cách cư xử, đến ngã, đến siêu ngã, đến sự bẩm sinh, đến ảnh hưởng của môi trường, của xã hội với nhân cách của một người và của một nhóm người, của toàn thể loài người.

Nếu xét nhân cách trong Phật Giáo ta sẽ thấy nhân cách được bàn không chỉ khởi từ bản năng, dục tính mà còn được đào sâu hơn, mở rộng hơn khi xét đến con người ngũ uẩn.

II. Nhân cách trong giáo dục Phật Giáo:

Như đã nói, con người theo quan điểm của Phật Giáo là con người ngũ uẩn, tập hợp của 5 thành tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Khi con người có ý thức về mình thì con người đã là một chúng sinh của cõi hữu vi, của thế giới hiện tượng, vô thường, khổ đau, tức là con người được hình thành bằng ngũ uẩn. Vậy, bàn đến nhân cách là bàn đến những nét chung và riêng của những hành vi, của tâm lý, cách cư xử, tính tình của một cá nhân, nghĩa là bàn đến nhân cách hay tính chất của cái tập hợp ngũ uẩn.

1. Con người ngũ uẩn:

Ngũ uẩn gồm sắc (vật chất, hình tướng), thọ (cảm nhận, cảm giác khi tiếp xúc với các sự vật, đối tượng), tưởng (suy nghĩ, so sánh đối chiếu), hành  (vận động, hành động của thân, miệng, ý), thức (cái biết do các quan năng mang lại). Con người theo Phật Giáo là tập hợp của 5 thành tố trên, ngoài ra không có gì khác. Tập hợp là một từ bao hàm trong nó ý nghĩa hữu vi, bị điều kiện hay bị chi phối bởi nhân duyên. Mỗi một thành tố tự nó cũng là do nhân duyên, tức là không có cái sắc nào tự đứng một mình, không có cái thọ nào, tướng nào, hành nào, thức nào tự thành lập mà không có sự hiện diện, hỗ trợ của các thành tố khác. Tóm lại, tất cả các thành tố và tập hợp các thành tố đều do nhân duyên, như vậy lý duyên khởi là yếu tính của sự thành lập ngũ uẩn. Và đã như vậy thì tập hợp ngũ uẩn hay con người, xét cho cùng không thể hàm chứa một ngã tính nào cả. Không có ngã tính, không có ngã, và do đó cái gọi là nhân cách con người chỉ là nói tạm thời, qui ước mà thôi.

2. Nhân cách:

Bản chất của con người là vô ngã, nhưng vì con người là con người của cõi hữu vi, mọi người đều có tâm lý, thái độ, hành xử, tư duy ... giống và khác với những người khác nên chúng ta phân biệt nhân cách người nói chung và nhân cách của một người nói riêng.

Theo quan điểm của đạo Phật, con người là duyên khởi, cụ thể là tập hợp của ngũ uẩn. Con người tự nhận mình có ngã là do thói quen từ vô thỉ, thói quen chấp trước, phân biệt, cho rằng cái tập hợp ngũ uẩn là ngã. Cái thức (A lại da) mang các chủng tử được huân tập từ bao đời bao kiếp được nhận là một ngã-linh-hồn. Cái hoàn cảnh chung của cái sức sống tương tục, hay nói khác đi, là nghiệp hay nghiệp lực của thế giới này (hay cộng nghiệp) khiến người ta có những thái độ, hành xử, tư duy giống nhau, như đau buồn trước sự mất mát, giận dỗi khi bị xúc phạm, vui mừng khi được xứng ý. Như vậy, nghiệp đã tạo ra nhân cách, hay nói khác đi, nhân cách của một người chính là nghiệp của người ấy.

Phật Giáo chấp nhận khá nhiều học thuyết về tâm lý, về nhân cách của các triết gia, các nhà khoa học hiện đại, nhưng điều đặc biệt là Phật Giáo còn đi sâu hơn những học thuyết ấy trong việc xem các bản năng, dục tính, ngã, siêu ngã, tiềm thức có gốc gác trong những đời trước. Trong khi bàn về nguyên nhân của nhân cách trong Phật Giáo, người ta phải đụng chạm đến 12 chi phần duyên khởi, 5 thành tố trong tập hợp ngũ uẩn, 3 tính chất căn bản của con người là: tham, sân, si.

Tham, sân, si là biểu hiện của tự ngã sai lầm, của cái ngã khổ đau nhưng lý duyên khởi cho ta biết rằng ngã vốn không, cho nên cái tính không vẫn là bản chất của nó. Mặt khác, vô tham, vô sân, vô si là biểu hiện của cái vô ngã. Đây là hai mặt của một nhân cách. Do hai mặt này, nhân cách không thiện và nhân cách  thiện đều có mặt trong cùng một cá nhân. Thiên và không thiện là hai đặc tính của nhân cách: có gây trở ngại cho cá nhân và cho người khác hay không. Như vậy, thiện hay ác là tính chất của thái độ, cảm xúc, hành động, tâm lý và tư duy của con người nói chung.

Phật Giáo với lý thuyết về A lai da còn quan niệm về nhân cách thứ ba là vô ký (không thiện không ác). Điều này rất quan trọng đối với giáo dục nhân cách, chúng ta sẽ bàn tiếp sau này.

Nhưng đối với một cá nhân là đối tượng của giáo dục thì nhân cách riêng của cá nhân ấy mới là quan trọng. “Bá dân bá tánh” (trăm người là trăm tánh), hẳn là rất đúng trong ý nghĩa rằng mỗi người có một nhân cách riêng, không có hai nhân cách hoàn toàn giống nhau.

Tại sao như vậy?

Ta hãy trở lại tập hợp ngũ uẩn. Do tập khí từ các đời quá khứ và đặc biệt do hoàn cảnh nhân duyên hiện tại, trong đó yếu tố quan trọng nhất là giáo dục mà chức năng vận hành của từng thành tố và “cấu trúc” của 5 thành tố của mỗi người không giống nhau. Việc không giống nhau của 5 uẩn này khiến cho mỗi người có một nhân cách riêng.

3. Giáo dục nhân cách:

Nhân cách, nói cho đến chỗ tuyệt đối là vô ngã. Giáo dục nhân cách là làm sao chuyển cái giả ngã thành ra vô ngã.

Cái giả ngã, cái ta hay nhân cách mà một người tự ý thức về mình là cái không thật, cái gây đau khổ. Cái gọi là “ta” chỉ là do duyên khởi, do tập hợp 5 uẩn mà tạo thành.

Theo Duy thức học, cái chấp ngã là chức năng của Mạt na, Mạt na nhìn vào A lại da mà cho rằng A lại da là ngã, là ta. Vậy, “ngã” được hình thành do nội dung mà A lại da chứa đựng và sự chấp ngã của Mạt na. Để tiến tới vô ngã, một người phải phá bỏ chấp trước và mặt khác không làm phong phú cái nội dung ngã của A lại da bằng cách điều phục thân, khẩu, ý trong hành động, đồng thời tạo thêm và phát triển các chủng tử thiện, hạn chế sự hiện hành của các chủng tử ác. Để đạt mục tiêu ấy thiền định là phương pháp tốt nhất. Thiền định giúp ta buông bỏ phân biệt chấp trước, phát triển trí tuệ để nhìn rõ nguyên nhân của khổ đau.

Giáo dục giúp con người phát triển trí tuệ để thấy rõ ngũ uẩn là không (có tự thể) là vô ngã. Phật Giáo đề cao 6 Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Bốn đức của Ba la mật là khổ, không, vô thường và vô ngã. Chính việc thực hành lục Ba la mật là một phương pháp rèn luyện nhân cách tuyệt vời, là phương cách trị liệu hữu hiệu nhất đối với những bệnh nhân cách (personality disease) mà các nhà phân tích nhân cách hiện đại đã phân tích và tìm cách chữa trị.

Ngoài ra, nhờ việc phân tích ngũ uẩn và áp dụng giáo lý duyên khởi nền giáo dục nhân cách của Phật Giáo có thể xếp loại nhân cách và phương pháp giáo dục, trị liệu cho từng nhân cách: Người có dục tham nặng thì cần tu tập quán vô thường, vô ngã, và thực hành bố thí. Người nặng sân hận thì cần thực hành từ vô lượng tâm.

III. Kết luận:

Như vậy, cái nhân cách tốt đẹp nhất là cái nhân cách vô ngã. Nhân cách càng gần với tinh thần vô ngã thì càng tạo hạnh phúc cho cá nhân mang nhân cách ấy và góp phần tạo hạnh phúc cho những người chung quanh.

Mọi khổ đau đều là những thể hiện của tham, sân và si. Ngã chấp là động cơ vận hành của tam độc này: càng sống theo tinh thần vô ngã thì càng được giải, tức là càng giảm thiểu khổ đau. Sự thật này là kinh nghiệm sống hằng ngày mà người ta lại không để ý đến. Giáo dục phải nhắc nhở cho người ta, phải khuyến khích người ta thực hiện tinh thần vô ngã. Như thế, nói một cách khác, giáo dục, nhất là giáo dục nhân cách, là phải xem sự hướng đến một đời sống vô ngã là mục đích tối hậu.

Những trường hợp bất thường về nhân cách mà các nhà chuyên môn gọi là bệnh nhân cách chính là bệnh chấp ngã, chấp ngã trong các lĩnh vực khác nhau về ý nghĩ, về tâm lý, về ứng xử, hành động. Giáo dục Phật Giáo có thể điều chỉnh, chữa trị những trường hợp bất thường ấy. Con đường giáo dục theo tinh thần vô ngã chính là con đường của giáo dục Phật Giáo vậy.

 

Trích Kỷ Yêú Khóa 4-Học Viên Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

TT Thích Giác Toàn