Đầu Xuân nói chuyện tiền, vàng mã

Tết, chuyện mua sắm vàng mã đi lễ hội, lễ chùa lại rộ lên. Có những gia đình chi phí hàng triệu đồng cho mua sắm tiền, vàng mã nhưng vẫn lo lắng không biết “người thân” có nhận được không?
Hơn 10 năm nay, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, phạm vi ngày càng lan rộng. Nhiều người còn coi đó là một nghi thức mới không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tiền thật mua tiền giả

Vàng mã năm nay được thiết kế đa dạng, nhiều đủ chủng loại. Phố Hàng mã - Hà Nội luôn đông nghịt người mua buôn, đặt các lọai hàng cao cấp như nhà cao ốc, xe ôtô xịn, tủ lạnh, ti vi...

Giá cả các mặt hàng vàng mã không rẻ. Một món đồ có giá từ 10.000 đồng đến cả chục triệu đồng, tùy theo loại hình, kích thước và chất lượng. Giá một chiếc Mercedes e300 xê dịch từ 1,5 đến 1,7 triệu. Một bộ “ông Công, ông Táo” hay “Quan Thần  linh” giao động từ 15.000 – 50.000 đồng tuỳ từng loại...

Năm nay, ngoài các loại tiền âm phủ, vàng lá, vàng thoi, tiền đô la, tiền “Việt  Nam đồng” của “Ngân hàng Địa phủ” được bán khá chạy. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong nội thành Hà Nội có tới hơn 30 xưởng chuyên in tiền giấy đủ các mệnh giá từ 10, 20, 50, 100, 200, 500.000 đồng.

Tại một xưởng in ven sông Hồng, một ngày, công nhân sản xuất liên tục ba ca máy, cho ra khoảng một tấn thành phẩm mà vẫn không đáp ứng đủ đơn đặt hàng. Ở làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), hiện chỉ còn hai gia đình làm tranh giấy gió, còn lại đều quay sang sản xuất tiền cho “Ngân hàng Địa phủ”.

Theo Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở Hà Nội, những nơi sản xuất vàng mã lớn như làng Cót, Nhân Hòa (Từ Liêm - Hà Nội) và làng Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh) mỗi ngày tiêu thụ từ hai đến ba nghìn ki lô gam giấy.

Trong một năm, cả nước có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng, riêng Hà Nội, tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt tiền, vàng mã.

Không tôn giáo nào khuyến khích đốt vàng mã

Theo sách Trực Ngôn Cảnh Giác của Trung Quốc, năm Khai Nguyên thứ 26 (738 DL), đời Đường Huyền Tông, nhà vua ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đây và phổ biến sang các nước chư hầu.

Tục lệ đốt vàng mã ảnh hưởng sâu đậm vào nước ta. Vụ đốt vàng mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, khi vua Khải Định băng hà vào ngày 25/11/ 1925. Triều đình Huế đã cho làm cả ngôi điện Kiến Trung thật lớn cùng nhiều loại đồ dùng như ngự liễn, long xa, tàn kiệu... bằng giấy để đốt theo vua.

Trước đây, người  ta chỉ đốt vàng mã vào ngày rằm, ngày giỗ. Bây giờ, người ta đốt hầu như quanh năm, đặc biệt là hai đợt tháng bảy Âm lịch - mùa Vu Lan và dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người không chỉ đốt vàng mã ở nhà, mà còn đốt cả ở những nơi vốn là di tích như chùa, đền, miếu, phủ...

Tại thắng cảnh chùa Hương, người ta đã xây hai lò đốt vàng mã cực lớn, đặt tại chùa Thiên Trù, Động Hương Tích. Mặc dù hoạt động liên tục, đốt suốt ngày đêm hai lò này vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của người hành hương khi mùa hội đến.

Tuy nhiên, không phải đình, chùa nào cũng có điều kiện xây lò đốt vàng mã. Ở những nơi không có lò đốt, người đi lễ tiện đâu đốt vàng mã ở đó. Tàn tro theo gió bay tứ tán gây ngột ngạt, khói bụi mù mịt, ảnh hưởng tới sinh hoạt cộng đồng và môi trường di tích...

Thực tế, không có bất kỳ tôn giáo nào khuyến khích đốt vàng mã, cũng không có tôn giáo nào coi đốt nhiều vàng mã là thể hiện tình cảm đối với ông bà, cha mẹ. Với đạo Phật, tôn giáo gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt Nam, lại càng không có quan niệm này.

Viện cớ “trần sao, âm vậy” và càng mua đồ đắt tiền càng có nhiều lộc, nhiều người không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để sắm nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, tivi, xe máy, quần áo, tiền dollars Mỹ... bằng giấy. Họ quên mất, khi còn sống người thân của họ còn chưa từng sử dụng máy vi tính, điện thoại di động... chứ đừng nói đi được xe máy hay lái xe ô tô.

Kinh Phật dạy con cái phải tận hiếu với cha mẹ khi còn sống. Không phải cứ đốt cho cha nhà ba, bốn tầng, xe ô tô xịn, vàng thỏi, tiền đô la... mới là báo hiếu. Đốt vàng mã chỉ tạo nên ảo tưởng, sự khoe khoang về báo hiếu với hàng xóm.

Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho những người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay là âm phủ. Trong Tam Tạng Kinh điển của nhà Phật cũng không hề ghi việc đốt vàng mã. Đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này.

Theo Hoà Thượng Tố Liên, một bậc danh tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đốt vàng mã trong cúng lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ... là việc bày tỏ sự tưởng nhớ, kính trọng là quan niệm nhân văn, thì có thể chấp nhận.

Nhưng nếu vì ước mong được giàu có, phú quý mà đốt vàng mã, phung phí tiền bạc, làm ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới không gian văn hóa thiêng liêng của nơi thờ tự tôn nghiêm thì mọi người cần phải cân nhắc, vì đó cũng là hành vi thể hiện ý thức văn hóa của mỗi người.
 

Trong lĩnh vực văn hóa thông tin, Nghị định 31/2001/NĐ - CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với sản xuất hàng mã, tuyên truyền mê tín dị đoan, mức phạt từ 150.000 ngàn đồng đến 5 triệu đồng, đốt mã nơi công cộng bị phạt từ 150.000 - 500.000 ngàn đồng.

Hải Vân

Theo congthuong


Nhưng nếu vì ước mong được giàu có, phú quý mà đốt vàng mã, phung phí tiền bạc, làm ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới không gian văn hóa thiêng liêng của nơi thờ tự tôn nghiêm thì mọi người cần phải cân nhắc, vì đó cũng là hành vi thể hiện ý thức văn hóa của mỗi người.


Trong lĩnh vực văn hóa thông tin, Nghị định 31/2001/NĐ - CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với sản xuất hàng mã, tuyên truyền mê tín dị đoan, mức phạt từ 150.000 ngàn đồng đến 5 triệu đồng, đốt mã nơi công cộng bị phạt từ 150.000 - 500.000 ngàn đồng.