Tết tha hương

Tết tha hương có một ý nghĩa đặc biệt đối với các du học sinh, nghiên cứu sinh, nói chung là tất cả những ai xa quê hương trong những giờ phút thiêng liêng nhất. Khi còn ở nhà, hồi nhỏ thì cha mẹ lo Tết, lớn lên thì vợ thay thế các đấng sinh thành, già thì đã có các con, các cháu năm nào cũng nhắc lại bấy nhiêu thủ tục truyền thống, khiến ta coi Tết như một thường lệ, chẳng hơn ngày rằm tháng Bảy được bao nhiêu.
Nhưng xa quê hương thì hoàn cảnh khác hẳn. Lamennais (1782-1854) đã than thở:
“Kẻ tha hương ở đâu cũng cô quạnh” (L’exilé partout est seul).
Ngày thường, mê mải học tập, nỗi cô quạnh không thấm thía. Nhưng Tết đến, trong những giờ phút thiêng liêng nhất: “Ngàn sau nối lại với ngàn xưa” (Thế Lữ), văn học Việt Nam đã từng ghi nhiều dấu ấn:
"Từ đáy góc biển, chân trời,
Nắng mưa thui thủi quê người một thân

(Kiều)
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Thôi Hiệu, Hoàng Hạc Lâu - Tản Đà dịch)
"Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
(Huy Cận)
Gần đến cuối năm, du học sinh mới nhận thấy nỗi niềm cô quạnh của mình. Tất cả các du học sinh khác cũng thế. Và họ đã quy tụ các cô quạnh thành một tập hợp đông đúc, cảm động, vui tươi - dù chỉ trong chốc lát… Với tinh thần khoa học mà họ đã tiếp thu được ở đại học nước ngoài, họ phân công nhiệm vụ cho các anh em một cách hợp tình, hợp lý:
- Các anh ở khoa Toán phụ trách vấn đề tài chính, sự đóng góp của các du học sinh hoàn toàn tình nguyện, để trang trải các chi tiêu, nếu không được tòa đại sứ, hay một kiều bào thành đạt ở ngoại quốc, hay chính nhà trường mà họ theo học, tài trợ. Quỹ gồm tiền quan cũ, tiền quan mới, tiền quan Thụy Sĩ, đô la (hồi đó chưa có Euro).
- Các anh ở khoa Vật lý chịu trách nhiệm về đèn, máy sưởi trong phòng họp, cùng nhiệm vụ đi mượn bếp điện vì có anh muốn trổ tài nấu nướng không thua kém các tay đầu bếp lành nghề! Các anh cũng chịu trách nhiệm về dàn nhạc, lấy cớ âm nhạc thuộc… vậy lý! (Acoustique).
- Các anh ở khoa Hóa lo vấn đề ẩm thực sau khi nhận được khuyến cáo của các anh em: không dùng rượu mạnh, chỉ sâm banh, rượu vang trắng hay đỏ, bia các loại, tức là các loại rượu dưới 14 độ.
- Các anh ở khoa Sinh lo việc bếp núc. Hồi đó, nữ du học sinh rất ít, thậm chí ở trường tôi theo học, không có một nữ kiều bào nào.
Thực ra, các lương thực “để ăn liền” trong dịp Tết nhiều lắm rồi, từ nhiều nguồn tới. Ngay tại chỗ, các cửa tiệm của người Hoa có bán đủ cả: yến, vẩy, bóng, hầu sì, bào ngư, long tu, măng tây, nấm hương,… nhập từ Hồng Kông hay Singapore. Các đồng bào năm 1939 đăng lính sang Pháp, sau khi giải ngũ, ở lại mở các quán ăn, đa số ở khu La tinh, quận 5, Paris, nơi có nhiều du học sinh Việt Nam nhất, Tết đến cũng gói bánh chưng (lá chuối thay cho lá dong), giò, chả, muối dưa cải, dưa hành, kiệu. Các gia đình du học sinh từ bên nhà gửi máy bay lạp xưởng, bánh tét, trứng muối,… Đặc biệt trong suốt mấy năm tôi ở ngoại quốc, một học trò cũ đều đều gửi cho tôi ruốc (thịt chà bông); đến khi về nước tôi tìm gặp lại để cảm ơn, nhưng không sao gặp được.
Các anh ở khoa Sinh cho các bạn đồng hương thưởng thức các món cá kho (cá thu thay cho cá trắm) để ăn với bánh chưng, thịt bò hầm, thịt kho tầu,…
Khi ở bên nhà là 12 giờ đêm hôm 30 Tết thì ở Paris hồi đó đồng hồ chậm hơn 7 tiếng, nghĩa là 5 giờ chiều. Vào tháng Hai dương lịch, lúc đó trời đã tối rồi, các nhà đã lên đèn. Theo đúng thuyết tương đối của Einstein, tính đồng thời khiến du học sinh đón Xuân vào lúc 5 giờ chiều!
Anh trưởng ban tổ chức nói mấy câu, chúc Tết các anh em du học sinh, nghiên cứu sinh, các kiều bào đang công tác ngắn hạn ở châu Âu cũng được mời tham dự cho vui.
Rồi thì mọi người vừa thưởng thức các món đặc sản của quê hương, vừa giúp vui bằng khả năng nghiệp dư của mình.
Hồi đó các bài hát gọi là “nhạc cải cách” là các bài của các nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, v.v… Một số du học sinh, đa số quê ở miền Bắc, tình nguyện giúp vui với phụ họa của dàn nhạc. Tiếng vỗ tay vang dội vì cả năm chỉ nghe hát bằng tiếng ngoại quốc, hôm nay mới được nghe hát bằng tiếng hát của quê hương!
Du học sinh quê miền Trung, trong không khí phấn khởi của buổi họp mặt, cũng lên tiếng, hát những bài “hò” của địa phương mình.
Và du học sinh từ miền Nam đất nước tới nơi xa lạ này không ngại mình chỉ là tài tử nghiệp dư cũng cho cử tọa thưởng thức vài câu cải lương vọng cổ!
Hết hát thì đến ngâm thơ, từ thơ cổ của Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, cho đến thơ mới của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính.
Cuối cùng là kể chuyện, truyện cổ tích, có người biết rồi, có người chưa biết, hầu hết lấy trong kho tàng vô tận của văn chương bình dân Việt Nam: Anh Trương Chi, Người thiếu phụ Nam Xương, Nàng Bân,…
Trong vài khoảnh khắc, kẻ tha hương tưởng như đang sống ở quê hương, mặc dù ngoài kia tuyết rơi phủ đầy sân…

GS TS NGUYỄN CHUNG TÚ