Tĩnh lặng sân sau chùa Hà Nội

Tết vừa qua, chị bạn bay về từ nước Mỹ đang ngập tràn trong xứ tuyết, được tôi đưa đi lên làng hoa Nghi Tàm, chọn khúc sông Hồng đoạn Chèm Vẽ, vắng vẻ. Vườn còn sót lại ít cây quất và cây đào không được giá, chủ vườn để lại chơi. Thế mà chị Thuỳ vui tươi hớn hở, xem ra cái tết có giá trị nhất sau nhiều năm trôi dạt bên xứ người.

Xung quanh hồ Tây có ngôi chùa Sái cổ kính, có đình cổ Yên Phụ, vào chùa Tảo Sách, sang chùa Phổ Linh sáng mùng một sư thầy cho ăn xôi vò chè đường, bát bánh chay có hương hoa bưởi. Chao ôi là ngon, chị Thuỳ xuýt xoa, nước mắt rơi lặng lẽ. Nước mắt của người xa xứ có ẩn chứa rất nhiều nhớ nhung, không thể giãi bày.

Khi người ta ngủ thì chỉ còn tôi và chị Thuỳ đi đón xuân. Chùa Trấn Vũ đã tu bổ lại, vườn mới, tháp mới, vôi mới. Con số năm 1939 còn in rõ trên nét vôi ở sân sau chùa. Khổ thay, 71 năm chiếc áo khoác của ngôi chùa lại mới. Tìm lại xưa cũ trong chùa không dễ nữa.

Vì là chùa đã xếp hạng thì phải tu tạo. Nhưng tu tạo mới quá, nên người xưa trở về ngơ ngác. Ngay cả gian tam bảo, tượng thờ đức ông, đức thánh hiền, tượng thì vẫn nguyên nhưng ánh điện chói chang làm mất đi sự ấm áp của ánh đèn dầu, ánh nến lúc dâng hương. Bây giờ còn vắng chứ đến trưa, ngôi chùa đã khác ngay. Người ta thi nhau đặt tiền lên tay Phật, lên cả câu đối, bình phong. Tiền ở phủ Tây Hồ còn rơi lả tả dưới đất, giẫm lên chứ không ai dám lấy. Vì nghe đồn phủ Tây Hồ thiêng lắm, người ta đi trả lễ rất đông.

Tôi bảo chị Thuỳ xin gì ở Mẫu Liễu Hạnh thì xin đi, kẻo sang Mỹ lại tiếc. Ừa – chị Thuỳ ừa, giọng Sài Gòn thứ thiệt, dễ thương lắm. Hèn nào ông anh họ tôi lao đao mãi vì người tình giọng Sài Gòn, không chát chúa như giọng bà vợ sư tử Hà Đông.

Đến chùa Ba Làng ở Tứ Liên, cũng tôn tạo mới quá. Chị Thuỳ bảo tôi, lạy Phật rồi đi. Vì chùa cổ, đẹp thế, mà người ta mặc áo cho chùa, sơn vôi đã không còn như xưa nữa. Dừng chân ở Tảo Sách, nhìn thấy hồ Tây bé nhỏ hẳn. Những ngôi nhà biệt thự đã lấn át không gian hồ. Đố ai tìm thấy ao làng Yên Phụ, chỉ có không gian nuôi cá cảnh và cá vua thì làng vẫn còn lưu danh.

Chùa Sái – vệt chùa cũ nguyên vẹn. Nhưng gian chính đang tôn tạo thì cố gắng giữ lại nét xưa. Trong mắt chị Thuỳ hoan hỉ vì dấu cũ vẫn còn.

Xung quanh hồ Tây có hàng chục ngôi chùa cổ kính. Chùa trong làng Tứ Liên, Yên Phụ, chùa cổ nằm ngay trên đường Thuỵ Khuê, bao bọc quanh hồ những nét ngói ta đen cũ, lớp rêu phong ở sân sau, là do ít dấu chân người.

Đến chùa nào, chị Thuỳ cũng ra sân sau tìm vệt rêu xanh, ngồi thừ rất lâu trong cây lá. Chị tận hưởng sự thanh nhàn của tâm trí, tận hưởng hương hoa mộc, hoa trứng gà tinh khiết. Một nhánh hồng ta rung rinh nơi nhà tổ. Sáng sớm, chùa chỉ có tiếng lá rơi và chim non vỗ cánh.

Chị Thuỳ bảo bên Mỹ, không gian có mênh mông hơn, nhưng cảm nhận hơi thở bị bó lại, bị thắt lại vì cảm giác nhớ nhà da diết. Còn ở những ngôi chùa Hà Nội vào sáng sớm, không gian chùa sân sau bao giờ cũng cho ta khoảng tĩnh lặng tuyệt đối.

Chị Thuỳ bảo, nếu cầu Phật thấu được thì những ngày cuối chị sẽ trở về Hà Nội, để thở hơi thở mùa xuân, và hơi thở cuối cùng cũng thích được trút ra ở quê nhà.

Hoàng Việt Hằng

Theo sgtt