10 niệm vãng sanh và chất liệu nội dung Hoa Nghiêm


alt

Ức hà thủy hiện Di-đà nguyệt
Thiên lộ vô vân Cực Lạc khai
Tùng ư thập niệm đăng bỉ sát
A-di-đà Phật nhập Liên Trì.

(Tâm Tịnh)

 

Dịch:
Trăng Di-đà hiện ngàn sông nước
Vạn nẻo không mây Cực Lạc khai
Nhiếp tâm mười niệm về An Lạc
A-di-đà Phật nhập Liên Trì.

 

Lời nguyện thứ 18 của Pháp Tạng tỳ-kheo

Nói về truyền thống Bổn nguyện, nếu xét toàn bộ 48 lời nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng, thì vấn đề niệm Phật vãng sanh khẳng định là đã được xác minh. Bên cạnh đó, từ trong Tịnh độ Tam Kinh: A-di-đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh, trải qua các thời đại, các nhà Tịnh độ giáo đã phát hiện được một nội dung thực tiễn làm cốt yếu cho quan niệm Vãng sanh cũng là chỗ sở y cho tông Tịnh độ trên lý tưởng giải thoát.

Trong nguyện thứ 18, Tỳ-kheo Pháp Tạng đã phát lên trước đức Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai rằng lúc lâm chung (lâm mạng chung thời), chúng sanh nào niệm được mười niệm, tâm không điên đảo, tâm không tán loạn, an trú trong định, nhất định người nầy được Phật cùng Thánh chúng Bồ-tát của cõi Cực Lạc hiện tiền tiếp dẫn, nếu không như nguyện, Ngài thề không thành Chánh Giác. Rõ ràng, nội dung của lời nguyện nầy đã bao hàm một lòng từ bi vô hạn, bình đẳng, không phân biệt đối với tất cả các loài chúng sinh, nghiệp chướng vốn sâu dày đã liên lũy vun quén trên một quá trình sâu thẳm. Đây quả là một cơ hội vãng sanh có thể nói là bất khả tư nghì dành cho chúng sanh thời mạt pháp, gọi cụ thể, đây là phương cách “Hoành Siêu” (Ngang qua mà siêu, ngang qua mà giải thoát chứ không cần theo phương cách “Tiệm Siêu”, lần qua từng thứ bậc, dài hạn). Đây là phương cách thẳng tắt, trùm hết ba căn. Duy chỉ trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp. Tuy nhiên, qua tâm lượng từ bi vô hạn của Phật A-di-đà, đối với các chúng sinh đã vi phạm, một khi biết phản tỉnh, biết chân thành sám hối, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, chí thiết thành cầu, hết lòng tin vui muốn Vãng sanh Cực Lạc cũng sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh về quốc độ của Ngài. Thuật từ Tịnh tông gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Trong Ban Chu Tam-muội cũng có đề cập tới vấn đề Vãng sanh nầy nhưng không phải là nội dung cốt yếu. Lời nguyện 18 nầy đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Niệm Phật vãng sanh nguyện, xưng danh vãng sanh nguyện, chí tâm tín nhạo nguyện, thập niệm vãng sanh nguyện, văn danh tín nhạo thập niệm định sinh nguyện, chư duyên tín nhạo thập niệm vãng sanh nguyện và nhiếp thủ chí tâm dục sinh nguyện.

Thiện Đạo trong Vãng Sanh Lễ Tán và Không Nguyên trong Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập đã triển khai trên cơ sở của lời nguyện thứ 18 nầy nhằm hướng tới thuyết Vô Quán Xưng Danh cũng như thuyết Thập Niệm Nghiệp Thành dẫn tới chỗ xác định thuyết “Niệm thanh thị nhất” (tức Niệm và Tiếng là một) làm sáng tỏ vấn đề tương hệ nhất quán về nội dung giữa “Thanh” và “Niệm”.

Vấn đề mười niệm

Niệm là gì? Bao lâu mới được gọi là một Niệm? Mỗi sát-na có 101 sinh diệt; 60 sát-na thì gọi là một niệm. Vậy một niệm gồm 6060 sinh diệt. Tuy nhiên chữ Niệm được đề cập trong “10 niệm vãng sanh” ở đây, thì không bị buộc vào một qui định cũng như không rập theo một định lượng thời gian nào mà chỉ giản lược trong ý nghĩa ức niệm Phật A-di-đà hoặc bằng tướng chung hoặc bằng tướng riêng, tùy chỗ quán tưởng miễn là tâm không khởi lên những tưởng khác, mười niệm tương tục, không gián đoạn như thế gọi là mười niệm.

Theo lời nguyện nói trên, người niệm Phật chỉ cần mười niệm. Đây là khía cạnh được chiếu cố và được đặt trọng tâm mạnh nhất, khi được đưa lên bàn nhận định, mổ xẻ trên mô hình của Pháp môn Tịnh Độ. Hỏi rằng về mặt giải thoát cứu cánh, làm sao 10 niệm mà có thể đem so với một quá trình miệt mài, huân tu của ba đại a-tăng-kỳ kiếp? Bởi vì nó (tức mười niệm) quá đơn giản. Một khi ở trên lăng kính chủ quan, phiến diện, có thể người ta bỏ qua, không đếm xỉa gì đến nội dung cũng như sức gia trì của Bổn nguyện. Trong khi “Bổn nguyện” là cơ sở thù thắng nhất cho tiến trình xây dựng Tha lực. Điều kiện thiết yếu khả dĩ bước vào “Bổn nguyện” chính là Tín và Nguyện triệt để phải được nhất quán trong Hạnh. Mô hình nầy, nếu để ý, chính nó đã được minh họa một cách tỉ mỉ ngay trong kinh Hoa Nghiêm (HN40, Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm), đặc biệt là qua cuộc hành bộ hơn 50 năm của Thiện Tài đồng tử, xuyên qua hơn trăm thành, tham vấn qua 53 thiện tri thức, học qua vô số pháp môn làm chỉ nam cho con đường Bồ-tát đạo trên cơ sở của Tri và Hành mà biểu trưng chính là Đại Trí của Bồ-tát Văn Thù và Đại Hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền.

Thực sự mà nói, con người thường phóng cầu, lao tâm khổ tứ, săn tìm không mệt mỏi những thứ cao siêu, những lý tưởng xa vời nào đó, viễn ly thực tế, trong khi bỏ quên đi những thứ chân thật, gần gũi nhất bên mình. Xem như trong Thiền Tông, dạng hoát nhiên đại ngộ của các thiền sư nổi tiếng như tìm Tâm không thấy của Nhị tổ Huệ Khả, tiếng sỏi bất chợt chạm trên thân trúc của thiền sư Hương Nghiêm, cái có lỗi hay không lỗi của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, pha “lạc mi mao” (rụng lông mày) của vị viện trưởng trong khi Thiền sư Đơn Hà thiêu mộc Phật... đã cho thấy sự giác ngộ đều bộc khởi từ những cái tầm thường nhất trong cuộc sống. Điều nầy cũng không khác như khi trực diện với Bát-nhã:

Bát-nhã không phải là một danh từ suông nắm bắt ý nghĩa cao vọi, rỗng tuếch, cũng không phải là cái gì xa vời không dính dáng gì đến đời sống thực tại, mà kỳ thực nó chính là hơi thở, là cái tầm thường nhất trong từng khởi thân động niệm, nghĩa là trong từng ý từng niệm, từng hành vi khi đối người tiếp vật, chính là cánh cửa đi vào cái gọi là “Thực tướng Bát-nhã”, nói theo kiểu tương đối, nó xuyên suốt, tiếp cận vô ngại với cái gọi là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, không phóng ngoại, hướng nội, chiếu soi, liễu liễu phân minh, vô tri nhưng vô sở bất tri, là cái “vô sở đắc”, là “trí tuệ đạt như”... nghĩa là ở ngay trên niệm đầu, lưu lộ nơi sáu căn, lưu xuất từ nơi tự tánh, rõ ràng thường biết, như lý, xứng lý. Nói khác đi, là một thực tại ly ngôn, một thực tại vô tướng.

Nếu thấy rằng luân hồi (saṃsāra hay tăng-sa-lạc), một vòng luân chuyển bất tận từ vô thỉ kiếp của chúng sinh trong cõi Ta-bà nói riêng và chúng sinh trong ba cõi sáu đường nói chung; luân hồi do lực dụng của nghiệp như bánh xe quay cuồng không bao giờ ngừng nghỉ. Nó chính là một năng lực biến dịch sinh khởi từ nghiệp nhân qua nghiệp quả, chính là một hiện hành tương tục ở trên luật tắc nhân quả duyên khởi qua tác động vô thường của vũ trụ, nhân sinh. Cho nên giải thoát là khát vọng nghìn đời của kiếp nhân sinh đồng thời, tại đó, cũng thấy được rằng qua cuộc luân hồi sinh tử miên viễn, khi ngũ uẩn nầy tan rã, qua tác động của trường chiêu cảm và khống chế của nghiệp lực làm phát sinh năm uẩn khác, giống như từng lớp sóng xô nhau trùng điệp trên biển cả, tiếp nối sinh diệt, trong ước muốn vượt qua mọi khổ đau đè nặng trên kiếp người, vượt qua sự thúc động đầy nguy hiểm của tình cảm tục lụy mà con người đang liên tục đối đầu một cách đáng thương giữa cõi tử sinh biến dị, vô thường, như mộng huyễn, bào ảnh, như “cơn chớp bỗng chốc” lòe lên trong bóng đêm kinh hoàng, sợ hãi...

Nếu thấy rằng tự ngã thấp hèn (đã từng cưu mang không rời), ham muốn (từng hiện hành), xấu xa, ô nhiễm, kiến chấp, mâu thuẫn, phiền não, khát ái, xiềng xích... chính là giềng mối của chu trình chuyển lưu sinh tử kinh khiếp, thì sự thức tỉnh của con người trước bóng tối vô minh là sự soi sáng chính mình tức là quay trở về từ thực tại mê lầm, lạc lỏng, vô phương hướng, trở về nương tựa vào lòng bi vô hạn của bổn nguyện. Đồng thời, nếu tri nhận được rằng trên cơ sở con người là hữu hạn giữa sống chết, nó không ngừng bị nô lệ, bị ràng buộc bởi nghiệp lực... thì từ đó cho thấy, sự khẳng định quyết liệt của lời nguyện thứ 18 rằng niệm danh hiệu “A-di-đà Phật” là một tăng thắng vô song cho lý tưởng tự do, giải thoát: Đó là lý tưởng vãng sanh, một thù thắng trong tất cả các thù thắng. Tại sao? Bởi vì “Niệm Phật” là bừng dậy trong ý muốn tha thiết, chân thành để thực hiện viên mãn cứu cánh tự do và giải thoát như lời Tỳ-kheo Pháp Tạng đã dõng mãnh hứa hẹn, nếu không được vậy, Ngài thề sẽ không thủ ngôi Chánh Giác. Đây là lời nói chân thật. Chư Phật không hư dối: “Xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới” tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba ngàn đại thiên thế giới là chất liệu cũng là biểu trưng sống động nhất cho chân lý tuyệt đối đó.

Kết liên của 10 niệm và ba tâm vãng sanh trong quan niệm vãng sanh bất thoái

Trong kinh A-di-đà, đức Phật nói với ngài Xá-lợi-phất: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Nếu ngang đây mà xét, “Quan niệm vãng sanh” đã trở thành lý tưởng cần phải được hiện thực bởi người niệm Phật. Một quan niệm có thể thấy rõ trong ba kinh cơ sở của Tịnh độ giáo: A-di-đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Phật như đã nói, cũng như có thể thấy trong Ngu ngốc sao, Tây phương chỉ nam sao, An tâm quyết định sao, Quần nghi luận và Pháp cổ kinh... Chính Thiện Đạo trong Vãng sinh lễ tán, Thế Thân trong Vãng sinh luận cũng đã làm sáng tỏ quan niệm đặc thù nầy. Điều đáng lưu ý là một mẫu số chung cho tất cả các quan niệm theo sau Tam kinh đều quy chiếu trên 48 nguyện của Pháp Tạng tỳ-kheo. Đồng thời, tại đó, cũng nổi bật được thuật từ vãng sanh trong ý nghĩa đích thực của nó. Vãng sanh là nhờ vào năng lực của đức A-di-đà tức năng lực của Bổn Nguyện. Và vãng sanh cũng không mang ý nghĩa giản lược là bỏ “đây” đi “kia”. Chữ “đi” ở đây, tiếng Phạn là động từ “gam” và chỉ khoác một ý nghĩa đơn thuần, thu hẹp. Nhưng nhà Tịnh độ giáo đã sử dụng với ý nghĩa sâu xa hơn từ gam và nâng lên thành upa-pad tức là vãng sanh. Nguyên ngữ upa-pad, nghĩa chung của nó là sự thọ sanh vào bất cứ một cõi Phật nào hoặc thọ sanh vào ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), sáu đường (Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Địa ngục, Súc sanh). Nhưng trong nỗ lực của Tịnh độ giáo, ý nghĩa của Upa-pad đã được nâng cấp lên đến chỗ tuyệt đỉnh là hóa sanh trong hoa sen bảy báu của cõi Cực Lạc, như cách nói của ngài Tịch Thiên “Quang chiếu bạch liên khải/ Sinh xuất tối thắng thân/ Hỷ thành Phật tiền tử” (Khi hào quang Phật chiếu đến/ hoa sen trắng nở ra một thân thể thù thắng/ tôi sung sướng thành đứa con Phật đứng trước đức Như Lai [tức Vô Lượng Thọ Phật, tức A-di-đà Phật]).

Nếu từ trên cơ sở 10 niệm vãng sanh mà xét, thì hỏi rằng làm sao có thể giải thích thỏa đáng lâm mạng chung thời chỉ cần 10 niệm cũng có thể đắc sanh bỉ quốc? Lập trường của pháp quán 16 của Quán kinh đã hỗ trợ cụ thể cho quan niệm vãng sanh nầy. Ba trong 48 nguyện cơ bản của Tỳ-kheo Pháp Tạng, 18, 11, 22 gọi chung là “Tam nguyện đích chứng”. Thêm vào đó, Cảnh Hưng trong Vô Lượng Thọ kinh liễu nghĩa thuật văn tán lại xếp ba nguyện 18, 19 và 20 thành “Tam nguyện tu nhân vãng sanh”. Nhưng Đàm Loan trong Vô Lượng Thọ kinh U-đề-bà-xá nguyện sinh kệ tán lấy sở y trên tương quan nhân quả xác nhận nguyện 18 là nhân, 11và 22 là quả.

Như trên đã dẫn kinh A-di-đà, không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà có thể vãng sanh Cực Lạc. Chỗ nầy, nếu không liễu triệt, có thể gợi ra ít nhiều ngạc nhiên, bởi vì một đằng thì nhấn mạnh phải nên tích công lũy đức, một đằng thì qui định chỉ cần 10 niệm thậm chí một niệm miễn tâm không điên đảo tán loạn... Như vậy vấn đề trở nên rắc rối, dường như xung đột lẫn nhau. Kỳ thực, nếu nghiêm túc mà nhìn trên tương quan nhân quả và sự bất khả tư nghì của năng lực cảm ứng thì quá trình niệm Phật như Vô Lượng Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh đã khuyến tấn  hành giả phải nên tích lũy công đức. Sự thực hành về mặt nầy chính là một bước tối cần huân tập để hiện thực con đường Bồ-tát đạo. Bởi vì, hạnh Bồ-tát là chất liệu tối thắng để vo tròn 10 niệm cho sát-na tối hậu tức là 10 viên linh đơn vô úy, vô ngại, hân cầu, tín nhạo... thành một năng lực cảm ứng vi diệu cho hành giả khi đối đầu với lúc gọi là lâm mạng chung thời.

Nhìn thấu được chỗ nầy thì “10 niệm vãng sanh” hay “tích công lũy đức” chỉ là một, đồng thời cũng nhất quán với “10 đại nguyện vương” của Phổ Hiền Bồ-tát. Từ đó, người ta có thể phát hiện được cứu cánh và sức gia trì của Bổn nguyện ở ngay trên tha lực mà cũng là tự lực. Và từ đó, người ta cũng tri nhận được một nguồn Đại bi lưu xuất từ lòng một đại dương vô biên vô tận. Một mặt tưới nhuận lên chúng sinh ngay trên câu danh hiệu “A-di-đà Phật” được phát ra một cách chí thiết, chân thành và lão thật; một mặt không ngừng mở rộng, tiếp dẫn và hòa nhập những giọt Đại bi từ muôn sông đổ về. Phải chăng đây chính là một hiện thực tuyệt đỉnh giáo lý “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” của Hoa nghiêm cho quan niệm vãng sanh của giáo lý Tịnh độ?

Sự hòa nhập, tiếp dẫn, nói cách khác là sự tương ưng (cảm ứng đạo giao) phải là một năng lực vô hình trung hỗ tương khắn khít bất khả tư nghì, giữa tự và tha, kinh qua một quá trình nhất quán giữa lý và sự (nơi người niệm Phật) mà tuyệt đỉnh của nó chính là upa-pad tức vãng sanh trên hoa sen nơi ao bảy báu, bất thoái thành Phật theo mô thức của Tịnh độ.

Để có thể viên mãn được một chặng đường vô cùng quan trọng nầy, tuy nói là dễ, chỉ dành cho kẻ ngu phu, ít học. Nhưng kỳ thực nội dung sâu thẳm của nó vời vợi không dễ gì với tới nếu không thực sự chân thành, tinh tấn, buông bỏ, từ bi, tùy duyên và lão thật tiếp cận để đích thực nhập tâm, đích thực thâm nhập danh hiệu “A-di-đà Phật”. Quán Vô Lượng Thọ kinh dạy rằng muốn sinh về nước kia chúng sinh cần phát ba thứ tâm: chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng tâm. Trong Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, Tịnh Ảnh gọi là thuyết tu tâm vãng sanh; Đại thừa khởi tín thì ghi nhận ba tâm là trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm. Ngoài ra Lương Nguyên (trong Tịnh độ cực lạc cửu phẩm vãng sanh) lấy ý của Trí Khải (trong Duy-ma kinh văn sớ) đồng nhất ba tâm nầy chính là trực tâm, bồ-đề tâm và hồi hướng tâm... Thêm nữa, tại đây, còn có thể thấy được một sự phối ngẫu sinh động và xuất sắc của ba tâm với tam tụ tịnh giới của kinh Phạm võng (Bồ-tát giới). Bởi một khi nhiếp luật nghi giới là đoạn ác tức đồng với chí thành tâm; nhiếp thiện pháp giới là tiệm tiến tu thiện tức đồng với thâm tâm; và, nhiếp chúng sinh giới là độ nhất thiết chúng sinh tức đồng với hồi hướng tâm. Tựu trung, dù dưới dạng thức nào, tất cả đều không ra ngoài Chánh nhân vãng sanh quy hướng về thập đại nguyện vương mà nền tảng chính là xưng niệm danh hiệu A-di-đà Phật để tương ưng vào cảnh giới được gợi lên từ nội dung của Tịnh độ tam kinh. Trong khi Thiện Đạo cũng như Nguyên Không vô cùng xuất sắc khi xác quyết ba tâm nầy chính là ba tâm của Bổn Nguyện, cũng chính là sự nhất trí giữa thuyết vãng sanh cơ sở trên ba tâm đã được đề cập và quan niệm mười niệm vãng sanh trong lời nguyện thứ 18. Đồng thời việc quy ba tâm đó vào tam tụ tịnh giới của kinh Phạm võng rõ ràng là một sự phát huy tuyệt vời quan niệm vãng sanh ngay trong cốt tủy của Hoa nghiêm vậy.

Sự hiện thực quan niệm mười niệm vãng sanh và từ đẳng thập niệm

Tâm đại bi vô hạn của Phật A-di-đà đã được hiện thực một cách thực tiễn và khế hợp với căn cơ của chúng sinh, thậm chí ám độn, ương ngạnh thời mạt pháp. Chỉ cần mười niệm thậm chí quy về một. Như Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh tuyên bố chỉ cần thập niệm đối với các chúng sinh thuộc nhóm hạ phẩm hạ sinh cũng đủ giúp người ấy vãng sanh. Quan niệm 10 niệm (thập niệm nghiệp thành, hỗ trợ bởi Thiện Đạo) đã đặt luận cứ trên cơ sở khẳng định của kinh rằng “nói mười niệm là nói rõ sự nghiệp thành tựu, chứ không nhất thiết kể đến số lượng”. Quan niệm nầy cũng được hỗ trợ bởi ý kiến của Hoài Cảm trong Thích tịnh độ quần nghi luận. Một niệm hay mười niệm thực sự Thiện Đạo đề cập tới cũng chỉ là dựa trên sự sai khác về căn cơ của chúng sanh mà thôi.

Nếu thử đưa ra một nhận định quy chiếu trên kinh Hoa nghiêm. MƯỜI: tượng trưng cho số nhiều, tất cả (Hán ngữ gọi là nhất thiết, Phạn ngữ gọi là sarva) còn MỘT: biểu trưng cho bất kỳ một một đơn vị thực tại, một pháp đơn lẻ nào ở trong trường tác động của sinh diệt. Nói chung, cả hai đều bị ràng buộc khắn khít về mặt tướng trong hỗ tương sinh diệt, nhưng với một nội dung được các nhà Tịnh độ giáo, vô hình trung, tưới tẩm chất liệu Hoa nghiêm để viên dung vào “nhất thể”. Nhìn kỹ người ta sẽ phát hiện được đây chỉ là giai trình hỗ tương cần và đủ để chuẩn xác cho nội dung của từng một niệm. Như vậy một niệm nhất định phải có nội dung (chỗ nầy, Tịnh Không Pháp sư nói, một niệm không có nội dung dù có thét đến bể cổ họng cũng chỉ là tiêu không, bạch niệm, công phu luống uổng mà thôi). Do đây có thể thấy 10 niệm (đồng nghĩa với mười câu danh hiệu A-di-đà Phật) phải là một tương tục của 10 niệm có nội dung, không xen tạp, không gián đoạn. Đại Thế Chí trong Niệm Phật viên thông chương gọi là “niệm niệm tương kế” trong đó điều tối thiết là phải “đô nhiếp sáu căn”. Nghĩa là nội dung của niệm phải được từng bước huân tập ở trên “sự” niệm Phật, một tiêu chuẩn cơ sở được phát họa ngay trong mô hình của Tông Tịnh độ. Như vậy, một niệm dung nạp vào mười niệm phải được thăng hoa ngay trên bước thành tựu về “lý”. Theo phương pháp của Quán Thế Âm bồ-tát trong Quán Âm quảng trần dẫn từ kinh Lăng nghiêm là “phản văn văn tự tánh”. Tỉnh động tiền trần, năng niệm sở niệm đều bặt (tức song vong), thành tựu “xoay đảo văn cơ”... cho đến khi rốt ráo trên phương diện “lý” thì một hay mười, đều sáng tỏ, rõ rõ ràng ràng, minh minh liễu liễu ở trong một nhất thể. Đây phải nói chính là chỗ tuyệt đỉnh như đã đề cập qua giáo lý “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” của kinh Hoa nghiêm vậy.

Vấn đề ở đây là một tiến trình gọi là “lão thật huân tập” phải được phối trí như thế nào nhằm thành tựu cho được mười niệm vãng sinh khởi từ trên một niệm, mà một niệm như đã xác định là phải có nội dung? Tất nhiên là quy về ở trên ba tâm như đã nói ở đoạn trước mà hành. Sự kết tục từ một cho đến mười niệm Nguyên Hiểu đã phân tích hai mặt thô tế rất tỉ mỉ trong Du tâm an lạc đạo: mặt rõ (tức mặt thô) của mười niệm là việc niệm danh hiệu A-di-đà Phật cho đến 10 niệm, tương tục, không xen tạp; còn mặt ẩn (hay vi tế), Nguyên Hiểu đã dẫn Di-lặc phát vấn kinh trong Lưỡng quyển vô lượng thọ kinh tôn yếu. mười niệm này gọi là “từ đẳng thập niệm”, bao gồm:

1. Thường dấy lên lòng từ đối với tất cả chúng sinh (mong muốn ban vui cho chúng sanh, không sát hại chúng sinh, không não hại chúng sanh, phóng sanh, tùy duyên thậm chí không dùng lời để làm khổ chúng sinh...).
2. Thường phát khởi bi tâm (phát tâm cứu khổ chúng sanh; bố thí...).
3. Thường có lòng hộ pháp không tiếc thân mạng (luôn quy ngưỡng quy y Tam Bảo, bố thí pháp như in kinh ấn tống, hỗ trợ tăng ni sinh tu học, cúng dường Tam Bảo, cúng dường các trường hạ...).
4. Có quyết định tâm trong nhẫn nhục (tin, vui và nhẫn chịu mọi thiệt thòi và hướng về sự giải thoát cho chúng sinh trên cơ sở tự giác giác tha, hành hạnh hồi hướng, hạnh tùy hỷ và phát khởi tâm chịu khổ thay cho chúng sanh).
5. Thâm tâm trong sạch không vì lợi dưỡng (buông bỏ rốt ráo, không đắm trước của cải tài sản, không chấp thủ mọi thứ kể cả tri kiến của mình).
6. Phát tâm đạt nhất thiết chủng trí, thường nhớ không quên (phải phát tâm Bồ-đề, phải thấy nơi mình có cái nhân thành Phật và có cái Pháp thân thường trụ như chư Phật không khác, lão thật niệm “A-di-đà Phật”, bất biến, bất đoạn).
7. Đối với tất cả chúng sinh thường có lòng tôn trọng không kiêu mạn (coi chúng sinh như người thân của mình, cha mẹ mình, thậm chí hãy quán cho thuần thục chúng sinh đều là những vị Phật tương lai, thậm chí thấy rằng con kiến cũng có thể thành Phật trước mình).
8. Không có lòng say đắm bàn luận việc đời (dứt trừ mọi ác giác, không tiếp cận với ác tri thức, phải nhận ra tất cả đều là nhân duyên.
9. Xa lìa tâm ý tán loạn, trái lại gần gũi với giác ý (không rời câu hiệu Phật và gần gũi với thiện tri thức, tiếp nhận lời giảng dạy chân thật của các bậc thầy chân tu, luôn sách tấn người niệm Phật, trì trai, giữ giới).
10. Quán tưởng đức Phật đúng đắn (quán tưởng tướng hảo quang minh của đức Phật, thường xuyên quán tưởng cảnh giới Cực Lạc bằng sự thâm nhập cảnh giới trong kinh. Tụ điểm của điểm nầy phải là nằm trong hiện thực tự nhiên về “thực tướng bát-nhã”, hãy tâm yếu rằng cái gì bạn tiếp cận cái đó chính là A-di-đà Phật và hãy từ chỗ nầy mà hành).

Thực ra “Từ đẳng thập niệm” phải được thực tập ngay trong lúc còn khỏe mạnh như trong hầu hết các kinh Phật đã dạy. Nếu đầy đủ mười viên niệm như thế thì được vãng sinh về nước Cực Lạc. Cho nên “Từ đẳng thập niệm” phải là khuôn thước cơ bản khế hợp với nội dung chỉ đạo vạch ra trong cương lĩnh của Bồ-tát Đạo mà người niệm Phật nhất nhất đều phải được huân tập đến thuần thục trong suốt quá trình tu dưỡng. “Từ đẳng thập niệm” nầy phải được dung nạp vào trong 10 niệm hồng danh A-di-đà Phật. Thành tựu bước quan trọng nầy là bước tích lũy vô cùng thiết yếu cho tư lương vãng sanh và cũng chính là chỗ mà đoạn trước đã đề cập tới: đó là một niệm có nội dung, dung nhiếp vào 10 niệm có nội dung trên cơ sở kinh Hoa nghiêm.

Vậy thì, con đường hiện thực pháp môn Tịnh độ được soi sáng một cách tuyệt diệu bởi chất liệu Hoa nghiêm. Phải nói đỉnh cao của tiến trình 45 năm tuyên nói của Phật Thích-ca Mâu-ni là một sáng tạo tuyệt vời siêu nhân bản trên nền tảng giác ngộ, mà hai mặt tri và hành vừa là chỉ nam vừa là qui phạm cho con đường kiến Tánh tức vãng sanh thành Phật. Nếu vấn đề tu đạo được gợi ra chỉ để lý luận thì không khó, nhưng kỳ thực, vấn đề không thuộc phạm trù của lý luận mà là một quá trình thuộc lĩnh vực của hành môn được vạch ra từ kinh Hoa nghiêm. Lý tưởng sâu sắc của Bồ-tát Phổ Hiền: “Nguyện khi tôi lâm chung, mọi chướng ngại đều được tiêu trừ, tôi đi về quốc độ Cực Lạc và thấy tận mặt đức Phật A-di-đà”, dẫn trong Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm 40: “Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A-di-đà, tức đắc vãng sinh An Lạc sát” (Kālakriyām ca aham karamāno āravanān vinivartiya sarvān samukha pasyiya tam amitābham tam sukhavatīsetra vrajeyam), cho thấy con đường của hành môn phải là một giai trình cam go mà người niệm Phật phải vượt qua bằng lão thật: “nhìn thấu, buông bỏ” và từ chỗ bố thí mà hạ thủ như lão Pháp sư Tịnh Không đã từng chia sẻ.

Tóm lại, có thể nói vãng sanh tức thành Phật. Chính là nỗ lực của Thân Loan với ba thuyết thành Phật trong Giáo hành tín chứng và Liễu Âm với hai thuyết Chứng đắc vãng sanh và Đương đắc vãng sanh. Nhưng dù với hình thức nào chăng nữa cũng vẫn đi đến chỗ hiện thực một thuyết chung gọi là “vãng sanh thành phật nhất thể” mà nội dung của nó là “một niệm”, “mười niệm hồng danh” hay “từ đẳng thập niệm”, “ba tâm vãng sanh”... cũng đều hợp nhất quy hướng về lời nguyện 18 của Tỳ-kheo Pháp Tạng như là một nguồn đại bi vô tận vốn đầy đủ (cụ túc) chất liệu của Hoa nghiêm, không ngừng rót xuống nỗi đau kịch khổ của tất cả chúng sinh đang trầm kha, lang thang vô phương hướng trong cùng khắp đại dương sinh tử.

Do đó, chỗ dung nhiếp tuyệt vời ở trên chất liệu Hoa nghiêm chính là sự thành tựu tối hậu đối với một người niệm Phật, ở đó một bầu trời xanh mở ra vô biên vô tận, con chim Đại Bi bất thoái tung cánh tuyệt vời trên đỉnh cao luôn nhắm hướng về cái thế giới trầm kha trong nỗi đau kịch khổ năm thiêu, năm thống như Bình đẳng giác kinh đã mô tả, trên cơ sở chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, không chán mỏi, không phân biệt để trên cầu Phật đạo, dưới tiến độ tất cả chúng sinh.

Tâm Tịnh