Pháp Lễ Phật

altTrong dịp đầu xuân, chúng tôi có bổn phận gõ chuông cho quý Phật tử về chùa lễ Phật. Trong đó có người là Phật tử lâu năm đi chùa cũng có người mới đến chùa vài lần. Qua quan sát,chúng tôi nhìn thấy cách họ lễ Phật không có sự thống nhất, người lạy thế này, kẻ lạy thế khác, rất là khó coi. Cảm thấy buồn cho sự giáo dục về lể nghi Phật giáo chưa có sự thống nhất. Hiện nay có nghi thức lễ Phật chùa Hoằng Pháp là khá chuẩn, có hình ảnh minh hoạ và có phần chú trọng về hình thức. Nhưng ít thấy giải thích rõ nhiều về cách giữ tâm như thế nào cho phù hợp trong giây phút thiêng liêng của sự lễ kính. Tự nghĩ sức mình có hạn, sự học kém cỏi nhưng vì lý tưởng trùng hưng Tam bảo của Thầy Tổ mà mạo muội sưu tập tư liệu mà soạn ra bài “Pháp Lễ Phật” để cho quý Phật tử có tâm muốn làm bài tham khảo. Bài viết không sao tránh khỏi những thiếu sót, rất mong sự chỉ giáo của quý liệt vị!

 

Lễ: Tiếng Phạn phiên là Bạn-đệ hay Hòa-Nam, còn gọi là Na Mô Tất Yết La. Trung Hoa dịch là Lễ Bái. Có nghĩa là lòng tôn kính ở bên trong được biểu hiện ra bên ngoài. Việc lễ Kính có nhiều cách khác nhau. Theo sách “Tây Vực Ký” có ghi: Nghi thức bày tỏ chí kính có chín cách như sau:

1. Lời nói thăm hỏi

2. Cúi đầu tỏ sự cung kính.

3. Đưa tay lên cao vái xá.

4. Chắp hai bàn tay ngang ngực khom cúi đầu xá.

5. Co gối quỳ.

6. Quỳ dài.

7. Gối quỳ xổm mà tay chồm chấm đất.

8. Lạy kiểu năm vóc đều co.

9. Lạy kiểu năm vóc gieo nằm sát đất (Ngũ thể đầu địa).(1)

- Theo quyển “Pháp Uyển Châu Lâm” ghi: Pháp Sư Tam Tạng Lặc - Ca đã tóm lược và nêu ra 7 cách lễ lạy như sau:

1.  Ngã mạn kiêu tâm lễ.

2. Xướng họa cầu danh lễ.

3. Thân tâm cung kính lễ.

4. Phát trí thanh tịnh lễ.

5. Biến nhập pháp giới lễ.

6. Chánh quán tu thành lễ.

7. Thật tướng bình đẳng lễ.

- Trên đây, ba pháp lễ đầu thì gọi là thô, từ cách lễ thứ bốn trở lên thì càng thâm sâu vi tế. Tùy theo căn cơ trình độ chúng sanh mà có sự sai biệt về phương cách lễ. Thiết nghĩ càng tìm hiểu thì có nhiều chi tiết chi ly khó nhớ, người trung, hạ căn khó mà thông suốt. Nên theo hạ ý thì lấy cách lễ thứ ba làm cơ sở nền tảng để hành lễ. Tuy nhiên có sự thêm thắt một số ý trong các cách lễ sau và để người muốn tìm hiểu dễ nắm bắt và thực hành vậy.

- Trước khi hành lễ, hành giả phải rửa tay, rửa mặt, đánh răng, súc miệng (nếu tắm trước khi lễ thì càng tốt), cho sạch sẽ thì mới có lợi ích. Rửa tay hay súc miệng đều có phương pháp của nó.

Như khi rửa tay thì đọc bài kệ:

“ Lấy nước rửa tay bẩn

Nên cầu cho chúng sanh

Được bàn tay thanh tịnh

Nhận giữ Như Lai Pháp

Án, Chủ ca ra da sa ha.” (3 lần)

-  Khi súc miệng thì đọc bài kệ:

“Tịnh tâm khi súc miệng

Nước họng thơm trăm hoa

Ba nghiệp hằng thanh tịnh

Tây phương đồng Phật qua”

Án hám, án hãn sa ha. (3 lần) (súc miệng 3 lần nước).

- Điện Phật là nơi tôn thờ kim thân của Đức Thế Tôn, là bậc được tôn xưng Vua Pháp. Vì thế nên khi lên điện đòi hỏi hành giả phải trang nghiêm trang phục v.v… cho gọn gàng, sạch sẽ, không nên để túi xách, giỏ trên vách điện Phật, mới không phạm vào lỗi thất lễ (không cung kính) mà tự làm tổn phước.

- Phép lễ Phật cần phải hội đủ hai điều kiện là khen Phậtlễ Phật. Ngụ ý tỏ lòng kính ngưỡng Trí Đức của Phật vậy.

- Khi vào chánh điện phải chắp tay ngang ngực, đứng trang nghiêm, mắt nhìn thẳng Phật, thầm đọc bài kệ khen Phật:

“ Đấng Pháp Vương vô thượng

Ba cõi chẳng ai bằng

Thầy dạy khắp trời người

Cha lành trong bốn loài

Quy y tròn một niệm

Dứt sạch nghiệp ba kỳ

Xưng dương cùng tán thán

Ức kiếp không cùng tận.

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới Đế châu ví Đạo tràng

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời

Trước Bảo tọa thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.”(2)

- Sau khi đọc kệ xong, hành giả tùy nghi đảnh lễ từng chư Phật hay Bồ tát. Ví dụ xướng thầm: “Chí tâm đảnh lễ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ”, rồi lạy một lạy v.v..

- Khi xướng hiệu Phật xong, hai tay hành giả chắp lại đưa lên trán, rồi đưa từ từ xuống ngực, thân cũng từ từ hạ xuống, hai gối chạm đất (hai gối khép sát lại), rồi hai tay chạm úp sát đất, đầu chạm đất sau cùng, hai tay bắt đầu ngửa ra ( ý là nâng bàn chân Phật). Thầm đọc bài chú Phổ lễ chơn ngôn: “Án, Phạ nhật ra hộc”( Om vjrahum) ba lần. Trong lúc này tâm thành kính quán tưởng như đảnh lễ các Đức Như Lai khắp mười phương thế giới. Rồi đứng lên chắp hai tay ngang ngực, đầu cúi xuống xá một xá. Hoặc lễ tiếp, có thể lễ một lễ, hoặc ba lễ hoặc nhiều hơn.

- Khi lễ Phật xong hành giả đứng chắp tay trang nghiêm trước Phật tự xét: Tánh giác của Phật và ta vốn đồng, Phật thì đã thành trong vô lượng kiếp, còn ta thì mãi chịu sanh tử luân hồi. Công đức của ta như hạt cát nhỏ bé, công đức của Phật như cát trong ngàn sông Hằng, Ta nguyện sớm trở về tánh giác như Phật, đồng cùng một thể, …

Những công đức của người lễ Phật:

- Kinh Phổ Hiền Quán nói: “Nếu có người ngày đêm sáu thời lễ mười phương Phật, tụng Kinh Đại thừa, nghĩ nghĩa Đệ nhất pháp không chừng bằng một khảy móng tay, trừ tội sanh tử trong trăm muôn ức na do tha hằng hà sa kiếp, người làm phép này thật là con Phật”.

- Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói: “Lễ Phật một lạy, từ đầu gối đo xuống đến lớp Kim cang, mỗi hột bụi là một ngôi chuyển luân, được mười việc công đức:

1. Được sắc thân mầu

2. Thốt lời người tin.

3. Ở đông người không sợ.

4. Chư Phật hộ niệm.

5. Đủ uy nghi lớn.

6. Nhiều người nương gần.

7. Chư thiên ái kính.

8. Đủ phước báo lớn.

9. Mạng chung vãng sanh.

10. Mau chứng Niết bàn.” (CHUNG)

 

Tài liệu tham khảo

1) Thích Thiện Nhơn, Tỳ Ni Hương Nhũ, THPG TPHCM ấn hành, PL 2535 - 1991.

2) Ni sư Phật Oánh, Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu giảng giải, Tỳ kheo Phước Nghĩa dịch, NXB Tôn giáo Hà Nội - 2005.

3) Đại sư Hoằng Tán, Nghi Thức Lễ Phật, Thích Đồng Bổn dịch, NXB Tôn giáo - 2009.

4) Tự điển Phật học Hán Việt, Viện nghiên cứu Phật học, NXB Khoa Học Xã Hội- 2004

(1) Năm vóc gồm : 2 tay, 2 chân và trán phải chạm sát đất.

(2) Nên học thuộc lòng phần chữ in đậm.

Thích Hoằng Nhiệm