Thông điệp xanh từ núi Dinh

Xem hình

Mỗi gia đình trong xã hội đều có ông, bà, cha, mẹ. Và, mỗi con người đều có bổn phận hiếu hạnh, biết ơn các bậc sinh thành của mình. Thì hàng tỷ người đủ mọi sắc tộc, màu da, tiếng nói khác nhau đang cùng sống chung trên trái đất cũng phải biết ơn trái đất đã cho chúng ta nguồn sống. 

Nhưng chúng ta đã ứng xử như thế nào với trái đất ? Nhiều người vì mưu sinh đã phá rừng làm rẫy. Nhiều cán bộ vì tham vọng làm giàu bất chính đã cùng lâm tặc phá rừng. Nhiều người vứt tàn thuốc lá khi dạo chơi trong rừng, rừng cháy từ mồi thuốc lá. Những cuộc vui chơi trong rừng xả rác không nương tay. Đó là những nguyên nhân đau lòng làm cho những lá phổi xanh của chúng ta ngày một bị xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống và tính mạng của con người.
Đó là lý do mùa Vu lan năm 2009 vừa qua, Thượng tọa Thích Chân Quang – thầy trụ trì chùa Phật Quang đã nói với trên 10 ngàn Phật tử lên chùa dự lễ rằng: “Lễ Vu lan năm nay, ta không chỉ biết ơn cha mẹ ta mà còn phải biết ơn đức mẹ của nhân loại là…trái đất. Bài thuyết giảng năm nay, thầy nói về Tình yêu và lòng biết ơn trái đất”...

Chùa Phật Quang ẩn mình trong màu xanh ngút ngát của rừng cây do các tăng ni, Phật tử chùa Phật Quang trồng từng cây một nay đã thành rừng bao phủ cả một vùng núi gây bao cảm phục của các thế hệ Phật tử của chùa. Là một trong những lá phổi xanh an toàn nhất của tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu.

Vâng, giá như lá phổi xanh nào ở bất cứ đâu cũng được bảo vệ an toàn như vậy. Thế nhưng, con người vì sự hưởng thụ của mình mà bao năm qua đã đang tay phá hoại nguồn đất mẹ yêu quý. Nếu ai đã từng đi qua những cánh rừng hàng chục cây số qua bàn tay lâm tặc chỉ còn lại cảnh rừng cây bị chết chóc từ những lưỡi cưa tàn bạo sẽ để gây nên cảnh bị báo ứng từ thảm họa thiên tai.

Vì rừng đã hết cây để chắn gió, không còn cây lưu giữ độ ẩm, hơi nước dâng lên trắng như một màu tang. Mất sự sống, rừng khóc, khóc cho rừng cây bị hủy diệt, nền đất nham nhở bất động, không còn gió ngàn, không còn những tia nắng soi qua kẽ lá, không còn mùi ẩm của hương rừng, không còn thảo mộc, không còn tiếng chim hót… Nước mắt của rừng dồn về suối nguồn. Hậu quả là bão, lũ hàng năm ập tới, đau thương mất mát về người và của không thể cân, đo, đong, đếm được. Mất mát và nỗi đau mỗi năm chồng chất.

Chúng ta hãy xem những công dân ở nước Đức đã trân trọng những lá phổi xanh trên đất nước họ như thế nào. Chính quyền mỗi tiểu bang, mỗi thành phố, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều coi màu xanh cây cỏ, sắc màu của muôn hoa như báu vật thiêng liêng bất khả xâm phạm. Người dân không được tùy tiện chặt, phá cây kể cả cây trồng trong vườn nhà mình nếu đường kính của cây đó khoảng 50cm trở lên. Nếu chủ nhà có cây to trước cửa vì lý do nào đó muốn chặt cũng phải xin phép nhà chức trách và lấy chữ ký của những người sống quanh khu nhà. Đó là thủ tục để được chặt một cái cây trước cửa nhà mình chưa nói đến cây trồng ở nơi công cộng và cây rừng do Nhà nước quản lý.

Nếu chính quyền “quyết phá” khu cây xanh ở đâu mà dân chúng không đồng ý thì cũng khó thực hiện được.

Ở những khu rừng già do Nhà nước trồng khi khai thác gỗ, trước khi những thân cây già được đốn ngã đã có một cây con trồng thay thế tức thì. Tất cả công việc khai thác gỗ và trồng cây mới đều được thực hiện bằng máy. Mùa xuân đã giúp cho những cây con mới trồng nhanh chóng vươn cành trổ lá dần trở thành cánh rừng non, sự sống của màu xanh lại tiếp diễn. Khi cây có tuổi, người ta đánh số để quản lý. Con nít dạo chơi ăn kẹo trong rừng tự giác bỏ giấy vào túi.

Nhờ biết bảo vệ môi trường nên dù dạo quanh trong khu phố bằng xe đạp hoặc thả bộ cũng thấy ngợp mắt cây xanh hai bên đường, qua những trảng cỏ có khu di tích hay thắng cảnh, qua vườn cỏ ven lối đi, trong vườn tư gia, trong sân trường, bênh viện, công sở, đều có màu xanh của cỏ, của cây, màu xanh những nơi này tạo cảm giác thư thái giá trị cho tinh thần sống.

Không chỉ ở nước Đức mà hầu hết các nước ở Châu Âu, ở phương Tây, ở một số nước Châu Á nổi tiếng như Singapor, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được người dqân bảo vệ môi trường rất tốt.

Vì con người đã bóc lột trái đất, đã tàn phá những cánh rừng, đã bức tử những động vật hoang dã, đã triệt hạ tài nguyên thiên nhiên, làm xói mòn sự sống, xúc phạm đến tâm linh. Tài nguyên không còn sự sống thì con người cũng không còn sự sống, những quả báo nhỡn tiền từ những trận bão, lũ, sóng thần ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam đã liên tiếp xảy ra.

Gần đây nhất, chỉ trong vòng từ tháng 8 đến tháng 10/2009 đã xẩy ra những trận bão, lụt, động đất, sóng thần ở một số nước trần. Như ở Trung Quốc, vào tuần thứ 2 trong tháng 8/2009 cơn bão Morakot quét qua bờ biển phía đông Trung Quốc, phá huỷ hàng ngàn ngôi nhà, nhấn chìm nhiều làng mạc tại hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến.

alt

Cũng trong thời gian này ở Đài Loan, trận bão Morakot đã tàn phá làng Shiao Lin thuộc huyện Pingtung, mưa nhiều ngày làm cho đất lở vùi toàn bộ ngôi làng ở vùng núi hẻo lánh trên bờ biển tây nam hòn đảo này, mất tích gần 500 người. Ngày 21/9/2009, một trận động đất mạnh 6,3 độ richter tại vương quốc Bhutan, phía đông dãy Himalaya thuộc Trung Á làm bảy người chết.

alt

Cùng ngày, những trận mưa lũ làm nhiều người chết tại nhiều bang ở đông nam nước Mỹ. Vài ngày sau đó, vào cuối tháng 9/2009 cơn bão Ketsana đã tàn phá thủ đô Manila và vùng phụ cận ở Philippines, đã làm chết và mất tích cả trăm người.

Ngày  29/9 cơn tâm chấn nằm ở độ sâu khoảng 32 km dưới đáy đại dương, cách quần đảo Samoa chừng 190 km tạo nên hàng loạt đợt sóng thần ập đến các hòn đảo trên Thái Bình Dương của Mỹ và Tây Samoa.

alt

Đầu tháng 10/2009 một cơn lở đất kinh hoàng ở Messina, bắc Sicily – Italia có 2 chục người chết, hàng chục người khác bị mất tích. Ngày 5/10/2009, mưa lớn trong suốt năm ngày đã gây ngập lụt tại hai bang phía nam của Ấn Độ. Ít nhất 205 người thiệt mạng và 750.000 người mất nhà cửa.

Tại Việt Nam suốt năm qua, nắng, nóng, mưa, giông bất thường, bão, lũ, lụt cũng hoành hành các tỉnh từ miền Bắc, miền Trung tới miền Nam làm hư hại các khu di tích, các khu bảo tồn văn hóa lịch sử.

alt

Phật tử sẽ phải làm gì trước những thảm cảnh như vậy ?

Trong cộng đồng Phật tử, nếu không tham, sân, si, nếu biết ơn trái đất, không bức tử những cánh rừng, không xả rác nơi công cộng, biết bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất thì đất nước ta sẽ bớt đi những trận bão kinh hoàng, bớt đi những trận lũ khủng khiếp là bớt đi sự chết chóc, bớt đi những mất mát tiền của của người bị nạn của Nhà nước và của nhân dân.

Trong mùa Vu lan Phật tử báo hiếu cha mẹ cũng không thể quên biết ơn trái đất là những thông điệp xanh từ chùa Phật Quang gởi tới Phật tử của chùa. Vì vậy, trong bài sám Vu lan của Thượng tọa Thích Chân Quang đã có đoạn:

… “Khi thấy rừng tang tóc hoang tàn
Suối khô cạn giữa đại ngàn
Nắng soi tìm lại màu xanh chẳng còn
Vì hưởng thụ người bòn rút hết
Những tài nguyên cạn kiệt thiên nhiên
Làm cho khí quyển nóng lên
Làm cho người cất tiếng rên đêm trường
Xe nhả khói trên đường mù mịt
Càng đi nhiều càng giết lẫn nhau
Điện đèn phung phí đêm thâu
Biết đâu Trái đất bạc mầu xác xơ
Băng tan chảy hai bờ địa cực
Biển dâng lên xóa mất ruộng vườn
…”

Các Phật tử hưởng ứng bài sám Vu lan này đã tạo nên 8 logo với những họa tiết nói lên ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mọi người hãy ghi nhớ, hãy nâng cao ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình với việc bảo vệ môi trường. Từng logo tay bàn tay truyền bàn tay nhau gắn lên áo từng người để sau lễ Vu lan, mỗi Phật tử ra về đều ghi khắc trong tim một lời nguyện chung tay, chung sức bảo vệ môi trường từ bài Sám Vu lan, hay một lời sám hối trước Phật đài khi trong tâm mình khởi lên những hành động đã vô tình hay cố ý làm ảnh hưởng đến môi sinh, đến môi trường.

Qua hình tượng của logo bảo vệ môi trường sẽ thấy rõ ngôn ngữ trong biểu tượng: “Tình yêu và thiên nhiên” như logo này:

alt

Hoặc ý nghĩa: “Hãy chung tay bảo vệ trái đất: như logo này:

alt

Đây là 2 trong 8 logo của các Phật tử đã sáng tạo nên trong mùa Vu lan, một vạn rưởi Phật tử của chùa Phật Quang tiếp nhận thông điệp này trở về mọi nẻo sẽ chắp cánh bay xa nhân rộng ra những người thân, những bạn bè khắp miền của đất nước. Cho thấy Phật tử đã, đang và sẽ không vô ơn với trái đất, là những tín hiệu xanh, là tâm huyết những Phật tử của chùa Phật Quang nói riêng và của những người con của Đức Phật nói chung phải nối kết vòng tay cùng nâng niu trái đất, dành tâm nguyện bảo vệ môi sinh, môi trường, là một phần báo hiếu công ơn cha, mẹ, tỏ lòng nhân nghĩa với trái đất. Là hai điều hiếu hạnh song song không thể xem nhẹ bên nào. Đó là những ý tưởng dựa trên những điều trong kinh từ bi mà Phật đã dạy “Phật pháp không lìa thế gian pháp”.

alt

Cùng bảo vệ môi trường

Tạo nên những “Thông điệp xanh” thôi chưa đủ mà Phật tử cần thiết có chương trình hành động cụ thể từ những việc nhỏ nhất trong gia đình: Tiết kiệm điện, nước, không xả rác nơi công cộng, trồng cây trước nhà, trong sân, bảo vệ cây xanh, không làm ô nhiễm sông, ngòi, suối, mương, không tàn phá hệ sinh thái.

alt

Em yêu trái đất

Cần thiết đưa thông điệp xanh “Tình yêu và lòng biết ơn trái đất” vào chương trình hành động cụ thể hơn trong các đạo tràng, trong các câu lạc bộ Phật tử là sinh viên để những người con Phật hiểu rõ hơn mình cần phải làm gì gọi là thiết thực trong suy nghĩ, trong ý thức, trong hành động bảo vệ môi trường, giữ gìn một nếp sống không chỉ có hiếu hạnh với thân sinh của mình mà nhất thiết phải có “Tình yêu và lòng biết ơn trái đất”.

alt

Nguyễn Thị Ngọc Trâm