ĐIỀU ĐÁNG TIẾC CHO PHẬT GIÁO THÁI LAN?

Ngày 15 tháng 5 năm 2010, kênh truyền hình Nation, Thái Lan trong chuỗi các bản tin sự kiện bạo lực đang bùng nổ trên đường phố Bangkok, đã chiếu một hình ảnh cảm động. Đó là một nhà sư, tay ôm bình bát, đứng yên lặng giữa làn ranh xung đột giữa hai bên.

Cuộc xung đột gián đoạn vì nhà sư đang đứng ở giữa, giữa sự căm hờn sôi sục, giữa bạo động quá khích, giữa cứng gắn lạnh lùng. Chỉ một nhà sư lặng yên mà hàng trăm con người phải dừng cuộc xô xát máu lửa.

alt

Trong giờ  phút đó, quả là vị sư can đảm và  bi mẫn đó đã khẳng định được vai trò  là đạo từ bi, cứu khổ, hiếu hòa của Phật giáo.

Thế  nhưng, điều đáng tiếc là chỉ có duy nhất một vị sư đứng ra ngăn cản xung đột trong một thời khắc tại một địa điểm. Để rồi sau đó xung đột lại bộc phát.

Chúng ta đều biết trong xã hội Thái Lan có hai khối thế lực được hết sức tôn trọng và có nhiều ảnh hưởng: hoàng gia và các tăng sĩ Phật giáo.

Trong cuộc xung đột áo đỏ/áo vàng, người dân Thái Lan vẫn luôn chờ đợi tiếng nói hòa giải của Hoàng gia Thái Lan, cả trước, trong và sau khi bạo lực diễn ra. Đến giờ, khi bạo lực đã nổ ra, đã nổ  ra lần thứ 2, lần thứ 3, Hoàng gia vẫn im lặng, khác với những lần xung đột chính trị trong thập niên trước.

Thái  độ im lặng của Hoàng gia có nhiều cách lý giải, như tình trạng sức khỏe của nhà vua, vai trò  khó xử của hoàng gia khi phe áo đỏ trưng ra những biểu ngữ nhạy cảm như “President Thaksin”, hay vì Hoàng gia ủng hộ phe áo vàng?

Nhưng điều rõ ràng là đáng tiếc, hoàng gia không có tiếng nói để ngăn chận bạo lực và bạo lực đã xảy ra như một chiếc xe tuột dốc không có phanh hãm.

Thế  thì còn Phật giáo. Đây mới thật là điều  đáng tiếc, vì cả hai bên áo đỏ và  quân đội đang bắn súng, đang chọi gạch, bắn ná vào nhau chắc chắn đều là Phật tử của đất nước Phật giáo Thái Lan. Chỉ có một nhà sư đứng im lặng giữa hai bên lấy thân mình để ngăn chặn xung đột.

Còn bao nhiêu vị sư khác ở đâu?

Truyền thống hòa giải, ngăn chặn xung đột là truyền thống của  các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Kinh tạng cho chúng ta biết Đức Phật dù là bậc thông suốt quá khứ vị lai, đã thấy trước chắc chắn là không thay đổi được nghiệp vận, nhưng ngài cũng ra sức ngăn cản các cuộc chiến tranh, không làm thinh bỏ mặc, ngoảnh mặc đi chỗ khác.

Nay, chỉ  một nhà sư Thái Lan đứng yên lặng trên chiến lũy vỏ xe tua tủa chông tre trên đường phố Bangkok, thì quả thật, vừa xúc động, vừa đáng tiếc.

Chính những lúc mà sân hận, bất đồng, mâu thuẫn giữa những con người lên đến cực điểm, các bên đứng trên bờ vực giết chóc, thì lúc đó tôn giáo, mà ở Thái Lan, đương nhiên là Phật giáo, cần thiết hơn bao giờ hết.

Trong cuộc xung đột mùa thu 1993 giữa quốc hội và Tổng thống Nga, dẫn đến trận đánh tái chiếm Nhà Trắng, thì trước đó, Giáo hội Chính thống Nga đã góp phần hòa giải, nhằm tránh đổ máu cho đến giờ chót. Trong cuộc khủng hoảng con tin ở tòa Đại sứ Nhật ở Pêru do du kích MRTA gây ra,  một vị giám mục đã chủ trì đàm phán cho đến giờ chót. Khi đổ máu xảy ra, vị giám mục đã bật khóc trong một cuộc họp báo sau đó…

Việc hòa giải ngăn chặn xung đột trong các trường hợp nói trên  đều thất bại, nhưng nó đều nói lên vai trò  của tôn giáo.

Ở Thái Lan, một số nhà sư đi biểu tình cùng phe áo đỏ, đến tụng kinh cầu siêu cho những nạn nhân của cuộc xung đột, nhưng chỉ một nhà sư đứng giữa hai bên bất kể tên bay, đạn lạc trong giờ phút gay cấn nhất.

Thực là  đáng tiếc!

Nhưng dẫu sau, chúng ta cũng bái phục vị sư đại hùng đại lực đại từ bi trong im lặng đã nói đến ở trên.

Minh Thạnh
(Phattuvietnam.net)