SỐNG THEO TINH THẦN HIẾU ÐẠO CỦA PHẬT GIÁO

I. Khái niệm

Tinh thần Hiếu đạo theo Phật giáo hầu như được mở đầu bằng tâm hiếu thảo, cái gia tài đầu tiên của văn hóa “tình người” mà mỗi cá thể mặc nhiên đón nhận. Từ đây, “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh giải thoát” đã trở thành khát vọng lớn nhất trong cuộc hành trình hướng về miền đất an lạc, nơi đó thật sưï vắng mặt khổ đau giữa cõi đời này.

II. Mẫu người hiếu đạo

Với khái niệm vừa trình bày trên thì mẫu người hiếu đạo theo Phật giáo được thiết lập trên cơ sở bằng một cái tâm hiếu hạnh của từng cá thể được tuôn vào dòng đời qua nhiều mối quan hệ. Mục đích tận cùng của nó là xây dựng mẫu người hướng đến sự bình an nội tại trong từng tâm thức, và hạnh phúc vĩnh hằng cho tha nhân. Xem ra, mẫu người hiếu đạo là mẫu người luôn luôn chuyển động vận hành chuyển hóa tâm thức đi từ một đời sống chưa thiện hướng đến thiện, dẫn đến sự thăng hoa của thiện, cuối cùng sự giải thoát khổ đau. Hay nói cách khác, cái tâm hiếu ban đầu của mỗi cá thể hiện hữu trên cõi đời này phải được chuyển hóa thành tâm Giới, tâm Ðịnh, tâm Tuệ, tâm Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Tại đây, nhân loại sẽ sống chung trong ngôi nhà Chánh pháp, không còn sợ hãi trước các vấn đề nan giải như khủng hoảng tâm linh, khủng hoảng môi sinh kéo theo sự băng hoại đạo đức và các giá trị truyền thống. Lịch sử Ðức Phật Thích Ca đã minh chứng cho điều này.

Từ khi còn là một Thái tử Tất Ðạt Ða ngày nào, Ngài đã trầm tư về chúng sanh đang còn đau khổ trong dòng thác sanh tử luân hồi thì cha mẹ Ngài cũng còn khổ đau như mọi người. Ngài đã giã từ cung vàng điện ngọc lên đường để phá vỡ gông cùm thực tại đang trói buộc con người: “Cha ta và tất cả rồi đây sẽ già yếu, sẽ khổ đau về thể xác. Ta phải làm gì cho những người thân yêu đó được hưởng quả phước tinh thần như vị Sa môn kia? Ta phải tự giải thoát để giải thoát cho Phụ hoàng, Di mẫu, Da Du và toàn thể chúng sanh. Ta phải đem đến cho tất cả mọi người niềm an lạc vô biên này. Chắc rằng Phụ hoàng sẽ buồn vì nỗi nhớ thương ta, Người sẽ héo úa khổ não vì tình Người dành cho ta sâu rộng biết chừng nào, Người đã bù đắp sự thiếu vắng mẹ hiền từ khi ta còn măng sữa. Và Di mẫu, Da Du nữa, hai người sẽ bỏ ăn, không ngủ, lo cho ta trơ trọi giữa rừng già, chẳng ai săn sóc. Sơn hà xã tắc này đã dành cho ta trong mai hậu, thay cha trị nước lo dân. Nhưng ấm no có phải chăng là mục đích tối thượng của con người hay hạnh phúc tinh thần mới là điều quan yếu ? Phụ hoàng, Di mẫu, Da Du cùng dân chúng rồi sẽ trách ta không lo tròn bổn phận đối với gia đình và đất nước. Nhưng gia đình là cả khối nhân loại kia , đất nước là toàn thể trái đất này, ta phải làm sao để chu toàn bổn phận bao la đó ? Chắc gì khai ngộ sẽ đến với ta, ánh sáng chân lý tối thượng sẽ bừng khai, đó chính là lúc ta báo hiếu Phụ hoàng, cho vong mẫu, cho Di mẫu, đem nguồn hạnh phúc tối thượng cho muôn dân”.

Xem ra, mẫu người hiếu đạo như Ðức Phật là biểu tượng, là cơ sở ngọn nguồn giải thoát khổ đau đang đè nặng lên thân phận con người. Mỗi bước đi của mẫu người hiếu đạo là mỗi bước đi khai ngộ nhập Phật tánh cho chúng sanh để đại bi tâm chuyển hóa vào lòng người không phút ngưng nghỉ. Về sau các Thánh đệ tử của Ngài cũng đã thực thi như vậy để rồi thể nhập chân lý tối hậu này, phát đại bi tâm sống theo lý tưởng Bồ tát hạnh độ đời, cứu đời. Trong ý niệm đó, văn hóa “Vu Lan Báo Hiếu” được phô diễn bằng sự tích Ngài Mục Kiền Liên thỉnh Tăng chú nguyện để cầu cho cha mẹ được giải thoát khổ đau, được chuyển hóa thành “Văn hóa tình người” cho cả nhân loại, mặc nhiên tuôn chảy vào các vùng văn hóa, giáo dục, đạo đức, kinh tế, xã hội và đời sống của từng cá thể con người đi qua từng quốc gia dân tộc.

III. Những đóng góp thiết thực khi sống theo tinh thần hiếu đạo của đạo Phật

1- Con người sinh ra không chỉ để sống mà còn phải chuẩn bị sống, sống như thế nào để thực hiện sự hiểu biết rõ về con người chính mình và con người xã hội nhằm đóng góp cho đời cho đạo ngày mỗi tốt đẹp hơn và cái đích cuối cùng là hướng đến giải thoát khổ đau. Ðây chính là thông điệp của Phật giáo muốn gởi đến cho mọi người hiện hữu trên cõi đời này. Cơ sở thực thi lý tưởng không thể nào khác hơn là phải thực sự sống theo tinh thần hiếu đạo của Phật giáo. Cho nên chất liệu của sự tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân giác ngộ của mỗi cá theå để vận hành giai trình thực nghiệm tâm linh này, chủ yếu được điều động từ tâm hiếu thảo ban đầu để giải hóa các mâu thuẫn về tự thân giữa cá nhân với cá nhân là điều cần thiết. Tại đây tâm ý của từng cá thể đươïc điều phục hóa giải những mâu thuẫn nội tại của lòng tham dục, khát ái chấp thủ những lo âu sợ hãi từng ăn sâu vào tâm thức của con người. Bấy giờ một trật tự mới của tâm thức sẽ định hình khởi đầu bằng tâm hiếu hạnh phát triển, lan tỏa để điều động toàn bộ hoạt động của sự suy nghĩ, định hướng tư tưởng từ bên trong cho đến biểu lộ hành vi bên ngoài của cá thể được hoàn thiện. Từ đó tâm thức của mỗi người sẽ tự thiêu hủy thế giới mộng tưởng đầy áp lực đam mê cuồng nhiệt hay là những cơn lốc xoáy rung động tâm lý của những cảm xúc và tư tưởng miên trường vô tận. Thay vào đó là sự tĩnh lặng và không còn sự phân chia giữa cái điều yêu thích hay không yêu thích của cái tâm phân biệt đối đầu muốn chiếm đoạt hay khóm từ trên đó. Một sự bình an nội tại diễn ra khi tâm thức buông xả mọi ham muốn tràn trề. Hẳn nhiên, cá nhân đó thật sự trở nên con người đaõ thật sự tự biết hóa giải, chuyển hóa các mâu thuẫn nội tại của cá nhân để thẳng chứng trong dòng sống an lạc của nếp sống theo tinh thần hiếu đạo của Phật giáo.

2- Thiết nghĩ trong mọi giá trị có mặt ở đời thì giá trị xây dựng con người là giá trị cao nhất. Ðây chính là cơ sở để xây dựng giá trị đích thực của con người cá thể, hiểu rõ về sự thật con người chính mình và con người xã hội theo sự vận hành duyên khởi. Tại đây mâu thuaãn giữa cá nhân và con người xã hội sẽ được dập tắt. Bởi vì trong mỗi cá nhân, tự thân mỗi người đều vốn có một xu thế nội tại luôn đòi hỏi lớn lên, phát triển, mở rộng để hòa điệu với tất cả. Chính tâm hiếu của tinh thần sống theo hiếu đạo của Phật giáo đã làm thăng hoa các mối quan hệ trong cuộc sống tốt đẹp trở nên thanh bình giữa cuộc đời. Khi tâm hiếu yêu thương này biết chảy vào những con tim cùng nhịp đập thì kết nên tình vơï chồng chung thủy; chảy vào tâm thức anh chị em cốt nhục thì đây là tình huynh đệ thắm thiết như thủ túc; lan tỏa thẩm thấu trong lòng mỗi người, trong đoàn thể xã hội thì đây thật sự là tình tứ hải giai huynh đệ; đến với nhau trong ý niệm tất cả là đồng bào thì đây thật sự là ân tình nghĩa cảm của khúc nhạc lòng ngọt ngào. Khi tâm hiếu đồng tâm chảy vào lòng dân tộc, quốc gia, xứ sở thì hóa hiện thành lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Và tận cùng lòng hiếu hạnh miên man tuôn chảy vào muôn nẻo tình thương của ý chí đại từ bi tâm cứu khổ nạn của chư Bồ tát thương chúng sanh như con đẻ sẽ tràn ngập khắp nơi ngay giữa cõi đời này. Trong dòng mạch sống và khát vọng cao đẹp đó, chúng ta tự hào về truyền thống dân tộc đã xây đắp nên hình ảnh tổ tiên hào hùng với người cha oai phong như Rồng, người mẹ đẹp như Tiên đã kết duyên tơ hồng sinh ra đàn con 100 đứa trong cùng một bào thai với khái niệm đồng bào. Trong khó khăn, để đối phó với thiên nhiên, các đứa con đã phát huy hết tài đức lập lại sự yên bình, có hào khí như truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh. Ca ngợi tình yêu đôi lứa vừa thuûy chung vừa hiếu để rất thi vị của thời xa xưa, có chuyện nàng công chúa Tiên Dung cùng với chàng Chữ Ðồng Tử. Trong lao động, khai phá rừng hoang tô bồi thêm mảnh đất, có truyền thuyết An Tiêm. Trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước, có vó ngựa thần kỳ tiêu diệt quân thù bằng sức mạnh Phù Ðổng Thiên Vương để chống giặc ngoại xâm. Tất cả đã được tiếp nối hóa hiện từ thế hệ này sang thế hệ khác trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng con người đất nước Việt Nam.

3- Cuộc sống của con người thì luôn luôn vận động mới mẻ mọi lúc mọi nơi trong dòng sống biến chuyển liên tục của không gian vô tận, thời gian vô cùng. Chính nếp sống hướng theo tinh thần Hiếu đạo của Phật giáo sẽ dập tắt sự mâu thuẫn giữa cá nhân và môi trường sống. Con người sẽ “sống với” chứ không “nói về” để tận hưởng sự thuần khiết thanh bình tuyệt đối chân thật được phát xuất từ các tâm hiếu, tình người. Mỗi cá thể không chỉ tự sống với chính mình mà còn sống thật có ý nghĩa với cộng đồng xã hội, với mảnh đất quê hương xứ sở trong ngôi nhà chung của nhân loại là trái đất. Khái niệm “tình làng nghĩa xóm”, “tình sâu nghĩa nặng” đã trở thành mảnh đất tâm linh cho những hạt giống nhiệm mầu để cuộc sống ươm chồi nảy lộc. Trong ý nghĩa đó, con người bước ra ngoài vùng tâm lý tham sân si thường xuyên vây bủa tâm thức. Tại đây, con người soáng theo tinh thần tổng hòa các mối quan hệ để tạo ra những môi trường sống an lành. Nếu trước đây con người sử dụng nguồn tri thức có được để chinh phục thiên nhiên, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vuï đời sống vật chất của con người thì ngày nay thiên nhiên trở thành người bạn đồng hành lý tưởng của con người. Con người sẽ chung sống với thiên nhiên, hòa điệu môi trường sinh thái với nhịp đập con tim, biết yêu thương và hiểu biết. Môi trường tâm linh và môi trường sống sẽ trở thành một thực thể thống nhất vận hành trong chiều hướng chuyển hóa, tiến tới giải thoát khổ đau hoàn toàn.

4- Ðiều cuối cùng muốn nói ở đây chính là tinh thần Hiếu đạo theo Phật giáo cho đến hôm nay đã trở thành nếp sống quen thuộc của người Việt Nam. Cái gọi là văn hóa Vu Lan Báo hiếu xuất phát từ văn hóa tình người đã chuyển hóa thành văn hóa vô ngã, đã đang định hình phát triển trong lòng mỗi người. Cho nên lễ Vu Lan Báo hiếu không còn của riêng ai nữa mà đã trở thành lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc, của cộng đồng xã hội. Giá trị lớn nhất của tinh thần Hiếu đạo này là đem một nếp sống hạnh phúc đến cho mọi người, mọi quốc gia dân tộc. Dù bạn là ai, là người phương Tây hay phương Ðông đang theo tín ngưỡng nào đi nữa thì nếp sống theo tinh thần hiếu đạo vẫn đóng góp thiết thực cho con người và xã hội.