Một cái nhìn chung về Chùa Việt Nam

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu công. Trong khoảng thời gian đó các ngôi chùa dần dần mọc lên trong các thời gian khác nhau và trên các không gian khác nhau… Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam.

Trong các kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam, nơi thờ Phật được gọi là chùa phân biệt với đền, miếu hay nhà thờ, chỉ nơi thờ các vị thần trong các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Chùa là một từ Việt Nam mà nguồn gốc của nó chưa được làm sáng tỏ. Rõ ràng từ chùa ít có khả năng có mối liên hệ từ nguyên với từ tự (sì, 寺) Trung Quốc. Có người cho rằng từ chùa bắt nguồn từ từ thupa (tiếng Pali) hay stupa (tiếng Sanskrit) của Ấn Độ, do chỗ chùa Việt Nam ban đầu có dạng tháp. Thupa hay stupa bị người Việt Nam rút ngắn, như theo thói quen của họ khi du nhập các từ nước ngoài đa âm tiết, chỉ còn lại thu hay stu, và từ đó, trở thành chùa. Nhưng đó cũng chỉ là một giả thuyết.

1.Chua_Dau_Bac_Ninh._Anh_Nguyen_Van_Ku_Large

Chùa Dâu, Bắc Ninh. Ảnh Nguyễn Văn Kự

Để chỉ chùa thờ Phật, trong tiếng Việt cổ, còn có từ chiền. Ngày nay, từ này chỉ còn trong từ chùa chiền, chỉ chung các kiến trúc Phật giáo. Nhưng xưa kia, chiền có thể dùng độc lập, như "chiền vắng am thanh" trong bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông (1258-1308) hay "Cành ở tự chiền" trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442)... Một số người cho rằng từ chiền có thể có gốc từ từ cetiya, cetiyan (Pali) hay caitya (Sanskrit), chỉ điện thờ Phật.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu Công nguyên, cũng từ đây, các ngôi chùa dần dần mọc lên, cho đến lúc, gần như mỗi làng có một ngôi chùa. Qua gần 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, kiểu kiến trúc chùa cũng như Phật điện ở bên trong biến đổi cùng với thời gian và không gian. Nhưng dầu sự biến đổi đó đã xảy ra thế nào, chúng ta cũng nhận ra một số đặc điểm chung của chùa Việt Nam.

Việt Nam có câu tục ngữ "Đất vua, chùa làng". Điều này có nghĩa là ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước phương Đông, trong thời trung đại, toàn bộ đất đai trong cả nước là thuộc quyền sở hữu của nhà vua, còn ngôi chùa là thuộc về cộng đồng làng xã. Bên cạnh đền, đình thờ thần, chùa Việt Nam là nơi thờ Phật, và trong nhiều trường hợp, thờ cả thần. Có nhiều ngôi chùa lớn do nhà nước bỏ tiền xây dựng, nhưng tuyệt đại đa số, vẫn là những ngôi chùa làng.

Xây chùa bao giờ cũng là công việc trọng đại đối với dân làng quê Việt Nam. Trước tiên là phải chọn đất xây chùa. Việc chọn đất thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy (geomancy), cho rằng vị trí của chỗ ở, thế đất, có một ảnh hưởng to lớn đối với con người sống trên đó. Quan niệm đó đã biểu hiện trong một câu thơ của Không Lộ (?-1119), nhà sư thời Lý: "Tuyển đắc long xà địa khả cư", nghĩa là "Chọn được thế đất rồng rắn, có thể ở yên". Ta có thể thấy rõ cách chọn đất làm qua một đoạn trong sách chùa theo quan niệm phong thủy An tượng tam muội tập, theo bản in thời Nguyễn cất giữ ở chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, ở bên phải Văn Miếu, Hà Nội.

"Xây dựng chùa, phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, hồ ao ôm bọc. Núi hổ (hay tay hổ) ở bên phải phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướn, lọng báu, hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Đó là đất dương cơ ái hổ (nền dương có tay hổ) vậy. Cũng lại nên cưỡi đảo lại (đảo kỵ), như là người cưỡi ngựa thì đầu ở phía trước. Nước thì nên chảy quanh sang trái. Nếu đảo kỵ, thì mạch nước lại vào ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có minh đường đều được cả. Phía sau không nên có núi áp kề, thế là đất tốt. Còn để chọn ngày tốt, giờ tốt, thì nên dùng các sách Ngọc Hạp, Tu Cát xem cho kỹ lưỡng. Nếu được như thế mới có thể hưng hiển được đạo pháp, người trụ trì nảy sinh trí tuệ, người thí chủ có công đức lớn, phúc ấm đến con cháu. Nếu không làm như thế thì về sau tất mau chóng đổ nát, không có công đức gì. Cho nên hãy cẩn thận!”(1).

---------------------------------

(1) Xem hình vẽ và nguyên văn in lại ở đây, rút từ Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập I. Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1972.

Nhìn chung, chùa Việt Nam thường được dựng ở những nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Tuy nhiên, chùa là thuộc về cộng đồng nên cần có những mối liên hệ cộng đồng. Những mối liên hệ này cũng góp phần quy định nơi dựng chùa. Thiền đạo yếu học, được coi là tác phẩm của nhà sư Pháp Loa (1284-1330), chép trong sách Tam tổ thực lục có đoạn:

"Khi đã liễu ngộ chính tông rồi thì chọn cảnh chùa mà trụ trì, tránh những nơi nước độc non thiêng. Cảnh có bốn điều: một là nước, hai là lửa, ba là lương thực, bốn là rau. Đây là bốn điều cần. Lại cũng nên biết cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ào, mà xa thì không ai giúp đỡ cho. Cảnh có thể trú là chỗ yên nghiệp, dễ dưỡng thần, nuôi tính, tâm linh sáng suốt, trường dưỡng thánh thai, để được chứng đạo, ấy là cứu cánh".

Như vậy là từ lâu đời, người Việt Nam đã có ý thức rõ ràng về môi trường tự nhiên và xã hội của ngôi chùa.

Chùa Việt Nam, trong các làng quê, được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc của xứ sở nhiệt đới này, từ tre, tranh, cho đến gỗ, gạch ngói... Nhưng thường người ta dành cho chùa những vật liệu tốt nhất có thể có được. Vật liệu cũng như tiền bạc dùng cho việc xây dựng chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp cư dân, gọi là của "công đức". Người ta tin là sẽ được hưởng phúc khi đem cúng vật liệu hay tiền bạc cho việc xây dựng chùa. Trên những cột gỗ lim - một loại gỗ tốt ở Việt Nam, không bị mối mọt - ở một số chùa, còn khắc rõ tên người đóng góp. Tên những người đóng góp còn gặp trên các bàn thờ bằng đá hoặc trên các đồ sành sứ như bát hương, bình hoa, chân đèn..., và thường được ghi trong một danh sách dài trên các tấm bia chùa.

Ngày bắt đầu xây dựng chùa cũng như ngày khánh thành, đều là những thời điểm có ý nghĩa trong đời sống nhân dân làng quê Việt Nam. Thường có những nghi lễ đặc biệt trong những ngày này.

Chùa không phải là một ngôi nhà mà bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Tên các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo các chữ Trung Quốc có dạng gần với bình diện kiến trúc chùa.

Kiểu chùa, đơn giản nhất là kiểu chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay nhà thượng điện, tức ngôi nhà đặt các bàn thờ Phật, nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Nhà bái đường đôi khi cũng được gọi là chùa hộ, có lẽ vì ở đây thường có các tượng Hộ Pháp.

Phổ biến hơn là kiến trúc có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi nhà sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Trong trường hợp bái đường và Phật điện được nối với nhau bằng nhà thiêu hương hay ống muống như vậy, ta có kiểu chùa được gọi là kiểu chữ Công (工).

Kiểu chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, như kiểu chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội...

Thực ra, tên những kiểu chùa này chỉ dựa vào cụm kiến trúc chính. Trong các chùa, ngoài cụm kiến trúc này, còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư, và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan...

Tam quan là cổng vào chùa, thường là một ngôi nhà với ba cửa vào. Có chùa có đến hai tam quan, một tam quan ngoại và một tam quan nội.

Một kiểu chùa khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam là kiến trúc có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường (hay nhà bái đường) ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các kiến trúc khác ở giữa. Kiểu chùa này được gọi là nội Công ngoại Quốc, có nghĩa là phía trong có hình chữ Công (工) Còn phía ngoài có cái khung bao quanh như ở chữ Quốc (國).

Trong thực tế, các kiểu chùa nói trên có rất nhiều biến thể khác nhau (xin xem bình diện một số chùa trong sách này). Ở một số chùa, phía sau điện thờ Phật còn có điện thờ Thần, đó là loại chùa tiền Phật hậu Thần phổ biến ở Bắc Bộ. Có chùa gác chuông ở phía trước, có chùa gác chuông ở phía sau, có chùa gác chuông ngay trên cửa tam quan, có chùa gác chuông lại ở trên nhà tổ. Ở một số chùa, có ngôi tháp lớn ở trước mặt, như chùa Dâu ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Phổ Minh ở tỉnh Nam Định, nhưng ở một số chùa khác, các tháp lại ở hai bên chùa hay có vườn tháp riêng.

Để tạo ra một thế giới gần thiên nhiên, tĩnh lặng nhưng tươi đẹp, chùa Việt Nam thường có vườn cây, vườn hoa được chăm chút cẩn thận. Nhiều chùa có cả ao, hồ sen... Giếng chùa trong mát, thường có thành giếng xây đẹp.

Kiến trúc chùa truyền thống Việt Nam khá đa dạng. Có thể các kiểu chùa như hiện thấy đã xuất hiện trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tính đa dạng còn được biểu hiện qua không gian, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Chẳng hạn, chùa kiểu chữ Tam phổ biến ở miền Nam, hơn ở miền Bắc. Ngay cách xây dựng ngôi chùa kiểu chữ Tam ở miền Nam cũng khác với các chùa cùng kiểu ở miền Bắc. Những nếp nhà ở các chùa cổ như Giác Lâm, Giác Viên (thành phố Hồ Chí Minh) có đường nóc ngắn, với bốn mái rộng, mà nhân dân địa phương quen gọi là nhà kiểu bánh ít (một loại bánh làm bằng bột gạo ở miền Nam).

Ngoài người Kinh, một số dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam cũng có chùa. Chùa người Mường làm bằng tranh tre đơn giản. Chùa người Khơme được xây dựng đẹp, có bộ mái biểu hiện ảnh hưởng Campuchia và Thái Lan. Chùa người Hoa cũng có sắc thái kiến trúc riêng...

Tính đa dạng của kiến trúc chùa Việt Nam càng tăng khi xuất hiện những ngôi chùa hiện đại được xây dựng gần đây.

3.Chua_Buu_Long.Tp_Ho_Chi_Minh

Chùa Bửu Long.Tp Ho Chi Minh. Ảnh Nguyễn Văn Kự

Nếu chùa đa dạng thì Phật điện cũng đa dạng không kém. Cách bài trí tượng thờ ở Phật điện Việt Nam cũng biến chuyển qua thời gian và không gian.

Do lịch sử truyền nhập Phật giáo ở đây, phần lớn chùa Việt Nam là chùa Đại Thừa (Mahayana). Do đó, ở nhà chính điện cũng như các tòa nhà khác trong chùa, chúng ta thấy nhiều tượng Phật (Buddha), Bồ Tát (Bodhisattva) cùng với tượng các thiên thần Phật giáo khác. Đó là chưa kể sự có mặt những tượng thần của các tôn giáo khác và của tín ngưỡng dân gian Việt Nam truyền thống. Sự hiểu biết về các tượng trong ngôi chùa Việt Nam giúp chúng ta thấy rõ đặc điểm của Phật giáo Việt Nam.

Chính điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa. Ở đây có nhiều bàn thờ, và bàn thờ chính, ở giữa, thường được làm thành những bậc từ cao xuống thấp. Không có một công thức chung cho sự bài trí tượng ở các chùa Việt Nam. Vị trí của các tượng thay đổi một cách linh hoạt tùy theo từng ngôi chùa. Có nhiều lý do cho tính đa dạng ấy. Như sẽ thấy ở phần sau, các kiểu tượng Phật và Bồ Tát biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Thêm vào đó, mỗi lần trùng tu chùa, người ta thường tạo ra một loạt tượng mới, nhưng các tượng cũ, nếu chưa hư hỏng, cũng không bị bỏ đi. Ngoài ra, các tín đồ cũng thường cúng vào chùa các pho tượng. Do đó, người ta tìm cách để xếp tất cả các tượng có được, cho dù là có sự trùng lặp trên bàn thờ. Vì thế, có những chùa có rất nhiều tượng, như chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự, tỉnh Hà Nội) có tới 287 pho tượng, chùa Trăm Gian (tức Quảng Nghiêm tự, cũng ở tỉnh Hà Nội) có 153 pho tượng... Cũng có khi người ta đưa vào một ngôi chùa nào đó những pho tượng từ những ngôi chùa lân cận bị sụp đổ.

Tuy nhiên, cũng có một số nét chung thường thấy trong cách bài trí tượng trong các chùa Việt Nam. Nhất là các chùa ở Bắc Bộ và một phần Trung Bộ.

Ở tầng cao nhất của bàn thờ giữa ở chính điện, sát vách, thường có ba pho tượng được gọi là "tam thế", tức tượng các vị Phật của ba thời gian: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Ba vị Phật này chỉ là đại biểu cho vô số Phật trong mọi thời gian và không gian, theo quan niệm của Phật giáo Đại Thừa.

Phía dưới ba pho tượng tam thế, thường xếp ba pho tượng gọi là "Di Đà tam tôn",

gồm tượng Phật A Di Đà (Amitabha) ở giữa, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara)

ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta) ở bên phải. Tượng Phật  A Di Đà thường có kích thước lớn hơn các tượng khác.

Sự có mặt ở vị trí đặc biệt tượng Phật A Di Đà cùng với tượng các Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đã nói lên ý nghĩa quan trọng của tín ngưỡng Tịnh Độ trong Phật giáo Việt Nam. Ở Việt Nam, không có một phái Tịnh Dộ riêng biệt, nhưng tín ngưỡng Tịnh Độ phổ biến rộng rãi, làm thành một cơ tầng bình dân cho Phật giáo. Theo tín ngưỡng này, người ta tin có một cõi Tịnh Độ hay Tây Phương cực lạc, nơi có Phật A Di Dà ngự trị, các Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đã tiếp dẫn linh hồn chúng sinh về nơi đó. Người ta chỉ cần niệm tên Phật A Di Đà nhiều lần là có thể vãng sinh ở cõi Tây Phương cực lạc. Tên A Di Dà Phật đã trở thành lời chào nhau của các tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Cần nói thêm là trong chùa Việt Nam, tượng Đại Thế Chí chỉ được bày bên cạnh tượng A Di Đà, còn tượng Quan Thế Âm, hay Quan Âm, thì có nhiều kiểu và có thể được đặt ở nhiều nơi. Đó là vì tín ngưỡng Quan Âm ở Việt Nam có một vị trí độc lập, không phải lúc nào cũng gắn liền với tín ngưỡng Tịnh Độ A Di Đà. Người Việt Nam coi Quan Âm là nữ thần cứu khổ cứu nạn, có thể giúp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, vượt qua các tật bệnh, tai ương. Tín ngưỡng này có thể đã kết hợp với tín ngưỡng các nữ thần có nguồn gốc dân gian. Quan Âm được thờ ở chùa mà cũng có thể được thờ ở nhà.

Trong các chùa Việt Nam, tượng Quan Âm có nhiều kiểu. Tượng "Quan Âm tống tử" thể hiện một người phụ nữ bế một đứa bé, bên cạnh có con vẹt. Tượng này gắn liền với câu chuyện dân gian kể rằng Thị Kính bị chồng là Thiện Sĩ nghi oan, đã cải trang làm trai, lấy tên là Kính Tâm, đi tu ở chùa. Có một cô gái là Thị Mầu say mê Thị Kính nhưng bị cự tuyệt. Về sau, Thị Mầu đã đem đứa con hoang mới sinh của mình vứt vào chùa, đổ oan cho Thị Kính là bố đứa bé. Thị Kính đã nhẫn nhục, nuôi nấng đứa bé, và sau này, bà trở thành Bồ Tát Quan Âm. Con vẹt là hậu thân của Thiện Sĩ.

Tượng "Quan Âm Nam Hải" là tượng Quan Âm ở trên biển. Người Trung Quốc đã coi Potalaka, nơi ở của Avalokitesvara theo truyền thuyết Ấn Độ, là núi Phổ Đà trên quần đảo Chu Sơn gần Hàng Châu. Đến lượt, người Việt Nam lại đồng nhất Nam Hải, nơi ở của Quan Âm với biển Việt Nam:

Xem trong biển nước Nam ta,

Phổ môn có đức Phật Bà Quan Âm.(1)

Trong các chùa Việt Nam còn có loại tượng Quan Âm có nhiều tay, được gọi là "Quan Âm chuẩn đề" (Cundi-Avalokitesvara). Trong loại tượng Quan Âm nhiều tay, có kiểu "Thiên thủ thiên nhãn" (Sahasrabhuja-sahasranetra) với nghìn tay nghìn mắt (ở giữa mỗi bàn tay có hình một con mắt). Pho tượng kiểu này ở chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh) do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656 được coi là niềm tự hào của điêu khắc cổ Việt Nam.

(1)Sự tích Phật Bà Quan Âm Hương Tích (truyện thơ).

2.Tuong_Phat_nghin_tay_nghin_mat_chua_But_Thap_tinh_Bac_Ninh

Tượng Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, chùa Bút tháp, tĩnh Bắc Ninh. Ảnh Nguyễn Văn Kự

Trong chùa, các tượng Quan Âm tống tử, Quan Âm Nam Hải thường được bày trên các bàn thờ ở góc hai bên bàn thờ chính ở nhà thượng điện. Tượng Quan Âm nhiều tay có lúc đặt trên bàn thờ chính, cũng có lúc bày ở bàn thờ riêng. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp đặt ở gian bên cạnh của bàn thờ chính. Ở một số chùa, tượng Quan Âm còn được đặt trong các động đắp bằng vôi vữa.

Trên bàn thờ chính, dưới ba pho tượng Di Đà tam tôn đã nói ở trên, thường là tượng Phật Thích Ca Mầu Ni (Sakyamumi), với tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri) ở bên trái và tượng Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) ở bên phải. Thích Ca ngồi trên tòa sen, còn Văn Thù và Phổ Hiền đứng trên tòa sen. Cũng có tượng Văn Thù ngồi trên lưng con sư tử màu xanh và Phổ Hiền ngồi trên lưng con voi màu trắng. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp. Có khi, thay vào vị trí của Văn Thù và Phổ Hiền, là hai đệ tử của Thích Ca, Ca Diếp (Kasyapa) và  A Nan Đà (Ananda).

Tượng Thích Ca trong chùa Việt Nam thường có một số kiểu khác nhau, diễn tả những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Phật. Tượng Tuyết Sơn biểu hiện thời kỳ Thích Ca tu khổ hạnh trong núi tuyết, tức Himalaya, có thân hình gầy guộc, ngực hiện rõ những chiếc xương sườn. Việt Nam có nhiều pho tượng Tuyết Sơn đẹp, đặc sắc như các tượng ở chùa Tây Phương, chùa Mía...

Tượng Nhập niết bàn (Parinirvana) là tượng Thích Ca nằm nghiêng, cánh tay chống lên đỡ lấy đầu, mắt lim dim. Trong các chùa Việt Nam, kiểu tượng này hiếm, nhưng cũng có một số pho đẹp như ở chùa Mía hay chùa Trấn Quốc...

Kiểu tượng phổ biến là Thích Ca sơ sinh, đó là hình một chú bé với tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Theo truyền thuyết, lúc Thích Ca ra đời, có chín con rồng (ở Ấn Độ là naga) phun nước tắm. Vì thế, tượng Thích Ca sơ sinh ở Việt Nam thường đặt dưới một vòm chạm hình chín con rồng bay xung quanh, giữa những đám mây, với các hình chư thiên, tiên nữ và có khi cả bát bộ Kim Cương. Kiểu tượng này được gọi là tượng Cửu Long (Chín rồng). Tượng Thích Ca sơ sinh và tượng Cửu long thường được bày ở tầng dưới cùng của bàn thờ chính. Hai bên tượng Thích Ca sơ sinh, người ta thường đặt tượng Đế Thích (Indra) và tượng Phạm Vương, còn gọi là Phạm Thiên (Brahma).

Như chúng ta đã biết, ở Ấn Độ, Indra và Brahma được đưa vào thần điện Phật giáo khá sớm. Trên các điêu khắc Phật giáo ở Gandhara và Mathura, đã có hình Indra và Brahma đứng ở hai bên đức Phật. Cùng với sự lan truyền của Phật giáo, tín ngưỡng về Indra và Brahma, như những người bảo vệ của đức Phật cũng được đưa tới các nước Đông Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Indra - Đế Thích và Brahma - Phạm Thiên được coi là các chúa tể của thế giới người và thần, nên khi đức Thích Ca chưa thành đạo, họ phải ở luôn bên cạnh để hộ trì. Vì họ được quan niệm là những ông vua, nên tượng của họ được tạo trong tư thế ngồi ngai báu, đội mũ miện, mặc áo cổn.

Tuy nhiên, như ta thấy, ở một số nước châu Á, Indra có một vị trí quan trọng hơn Brahma trong tín ngưỡng của nhân dân(1). Tín ngưỡng về Indra thường hòa lẫn vào tín ngưỡng dân gian. Ở Việt Nam cũng vậy, từ xưa, Đế Thích không chỉ được thờ phụng bên cạnh Phạm Thiên mà còn có thể được thờ phụng riêng(2). Đã có những ngôi chùa dành riêng cho việc thờ Đế Thích, như chùa Vua ở Hà Nội.

(1) Bernard Frank, Les deva de la tradition bouddhique et la société japonaise: l'exemple d'lndra / Taishaku-ten. In Bouddhismes et Sociétés Asiatiques, Harmattan, Paris, 1990, pp.61-74.

(2) Hà Văn Tấn: Ghi chú thêm về tín ngưỡng Đế Thích (Indra) ở Việt Nam. Nghiên cứu Phật học,

số 5, 1992, tr.48-49.

Trên bàn thờ chính ở nhà thượng điện, ngoài tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, ở một số chùa, còn có tượng Phật Di Lặc (Maitreya). Tượng Di Lặc được tạo với bộ mặt tươi cười, áo phanh, để hở cái bụng to. Người Việt Nam quen gọi Di Lặc là "ông vô lo". Thật tương phản, khi tượng Di Lặc đặt bên cạnh tượng Tuyết Sơn, gày gò khắc khổ! Di Lặc đã có mặt từ lâu trong Phật điện Việt Nam. Nhưng dường như trong Phật giáo Việt Nam, Di Lặc không có một vị trí bằng A Di Đà. Hầu hết các chùa đều có tượng A Di Đà nhưng không phải chùa nào cũng có tượng Di Lặc. Ở Trung Quốc, có tín ngưỡng Tịnh Độ A Di Đà lẫn tín ngưỡng Tịnh Độ Di Lặc, nhưng ở Việt Nam, chỉ có tín ngưỡng Tịnh Độ A Di Đà mà không có tín ngưỡng Tịnh Độ Di Lặc.

Trong nhà tiền đường, thường có hai tượng Hộ Pháp (Dvarapala), những thiên thần bảo vệ Phật Pháp, mặc giáp trụ, cầm vũ khí, đứng hoặc ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Những tượng này thường được đắp bằng đất, phủ sơn, và có kích thước rất lớn, đầu gần chạm mái. Vì vậy mà trong ngôn ngữ Việt Nam, có thành ngữ "to như Hộ Pháp". Trong một số chùa, ở nhà tiền đường, có bày tượng bát bộ Kim Cương (Vajrapani), tức tám vị thần bảo vệ của Phật, cũng mặc giáp trụ và cầm vũ khí. Đôi khi, ở nhà bái đường, còn có các bàn thờ mười vị Diêm Vương (Yama), được gọi là thập điện Diêm Vương, tức mười vị vua cai quản mười tầng địa ngục. Bàn thờ mười Diêm Vương cũng có lúc được đặt sát tường ở hai bên nhà chính điện. Cảnh mười tầng địa ngục đôi khi được chạm trong những bức phù điêu hay đắp thành động, diễn tả cảnh những người có tội bị các quỷ Dạ Xoa (Yakasas) hành hình bằng nhiều cách, trước mặt các Diêm Vương. Trong nhà bái đường, có thể có một số bàn thờ khác, thờ Thổ Địa (Thần Đất), Long Vương, hay Đức Ông, người bảo vệ tài sản của chùa. Có người cho rằng người bảo vệ tài sản chùa này chính là Cấp Cô Độc (Anathapindika), người đã cúng nhiều tài sản cho Phật, nhưng nhiều người khác không nghĩ như vậy.

Ở nhà tổ, ngoài tượng các vị sư từng trụ trì ở chùa, còn có bàn thờ đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ VI, được coi là người sáng lập Thiền Tông ở đây. Vì Phật giáo Việt Nam thường tự coi là thuộc các phái Thiền nên đều thờ vị tổ thứ nhất này. Tượng Bồ Đề Đạt Ma thường có mũi cao, tóc quăn, râu quai nón.

Ở các chùa có hai dãy hành lang, người ta thường bày tượng 18 vị La Hán (Arhat), mỗi bên 9 tượng. Có chùa, như chùa Keo (tỉnh Thái Bình), các tượng La Hán được bày ngay ở nhà tiền đường. Riêng ở chùa Tây Phương (Hà Nội), có những pho tượng đẹp bày ở hậu đường được coi là các tượng La Hán, nhưng căn cứ vào tên các vị này, như Gia Na Hòa Tu (Sanakavasa), Ba Tu Mật (Vasumitra), Phật Đà Nan Đề (Buddhanandi), Ca Tỳ Ma La (Kapimala), La Hầu La Đa (Rahulata), Tăng Già Nan Đề (Sanghanandi), Cưu Ma La Đa (Kumarata), Chà Dạ Đa (Jayata)... Chúng ta thấy đó là tên của các vị tổ (trong 28 vị) người Ấn Độ mà Thiền Tông Trung Quốc truy nguyên và thừa nhận. Nếu vậy, đây là tượng Tổ chứ không phải tượng La Hán.

Do tính chất pha tạp của Phật giáo Việt Nam, trong các chùa, ngoài tượng các Phật, các Bồ Tát, La Hán hay các thiên thần Phật giáo, ta còn có thể gặp tượng các vị thần Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân hay Nam Tào, Bắc Đẩu.

Đặc biệt là trong các chùa Việt Nam thường có các bàn thờ Mẫu, tức nữ thần Mẹ. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng Việt Nam có nguồn gốc dân gian. Có nhiều Mẫu, như Mẫu Thượng Ngàn (nữ thần Núi), Mẫu Thoải (nữ thần Nước), Mẫu Địa Phủ (nữ thần Đất)... Một vị Mẫu có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng Việt Nam là Mẫu Liễu, tức công chúa Liễu Hạnh, được coi là một trong "tứ bất tử" (Bốn vị thánh bất tử)(1). Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong nhiều đền nổi tiếng nhưng cũng được thờ trong nhiều chùa. Chẳng hạn, ở chùa Mía (Hà Nội), bàn thờ Liễu Hạnh được đặt ngay ở nhà tiền đường.

Liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần, còn có hệ thống các chùa gọi là Tứ Pháp, hiện chỉ thấy trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi hệ thống như thế thường có bốn chùa, có tên là Pháp Vân (Mây Pháp), Pháp Vũ (Mưa Pháp), Pháp Lôi (Sấm Pháp) và Pháp Điện (Chớp Pháp). Đó cũng là tên các nữ thần được thờ trong các chùa này. Những cái tên Mây, Mưa, Sấm, Chớp khiến chúng ta nghĩ rằng đây là các nữ thần biểu hiện các sức mạnh thiên nhiên của cư dân nông nghiệp. Các nữ thần này còn có những cái tên Nôm dân dã hơn là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn và Bà Tướng. Trong các chùa này, tượng của các Bà nữ thần này được tạc với kích thước lớn, to hơn rất nhiều so với các tượng Phật. Hệ thống chùa Tứ Pháp điển hình nhất, và cũng có thể là cổ nhất, là ở vùng Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) mà trung tâm là chùa Dâu (còn gọi là Pháp Vân tự hay Diên Ứng tự). Chùa Đậu (Pháp Vũ tự) ở Thường Tín (tỉnh Hà Tây) và chùa Thái Lạc (Pháp Vân tự) ở Mỹ Văn (tỉnh Hưng Yên) đều thuộc hệ thống Tứ Pháp. Hiện nay, do một số chùa bị hư hại, người ta đem tượng các nữ thần về đặt ngồi chung trên một bàn thờ của một ngôi chùa như chùa Dâu, chùa Thái Lạc... Hệ thống chùa Tứ Pháp là chứng tích cho sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thủy ở Việt Nam.

Sự hòa nhập Phật giáo với các tín ngưỡng truyền thống Việt Nam còn được thấy qua một loại chùa khác, loại chùa "tiền Phật hậu Thần", cũng gọi là "tiền Phật hậu Thánh". Trong các chùa loại này, đằng sau điện thờ Phật là hậu cung thờ một vị thần. Nếu ở điện Phật, người ta có thể đến cúng lễ bất kỳ lúc nào, thì khám thờ thần đóng kín suốt năm, không ai được vào và chỉ được mở trong một số ngày lễ hội nhất định. Có những chùa lớn, như chùa Keo (tỉnh Thái Bình), nơi thờ thần, gồm đến mấy nếp nhà tách rời khỏi khu vực thờ Phật.

Các vị thần được thờ đều là những "nhân thần", có nghĩa là những con người được coi là có thực, nhưng về sau, nhờ học tập, tu luyện, đã có tài thần thông biến hóa, nghĩa là có những khả năng của một vị thần. Nhờ những khả năng đó, họ cứu dân giúp nước, và vì vậy, họ được nhân dân một vùng hay nhiều vùng thờ phụng.

Chẳng hạn, ở chùa Bối Khê và chùa Trăm Gian (Hà Nội), đều thờ "Đức thánh Bối" tên là Nguyễn Bình An. Gọi là Đức thánh Bối vì ông sinh ra ở làng Bối Khê. Theo sự tích của ông được kể trong tấm bia năm 1453 (khắc lại năm 1895) đặt ở chùa Bối Khê thì ông sinh vào thời Trần, từ bé đã thích phóng sinh, sáu bảy tuổi gặp năm trời đại hạn, đã cùng trẻ chăn trâu đem tôm cá ở đồng thả cho sống trong dòng sông Nhuệ. Đến năm 15 tuổi, ông đã gặp một cụ già 80 tuổi ở chùa Tiên Lữ (tức chùa Trăm Gian), ở đây khoảng mười năm, ông đã học được từ cụ già các phép thần thông. Sau khi ông "hóa", không những nhân dân cầu gì được nấy, mà ông còn bằng một trận mưa máu, giết chết quân xâm lược Minh. Vì vậy, chùa Bối Khê, quê ông, và chùa Trăm Gian, nơi ông đắc đạo, đều thờ ông. Có ba nhân vật khác cũng được thờ trong nhiều chùa, đó là Từ Đạo Hạnh (?-1117), Dương Không Lộ (?-1119) và Nguyễn Minh Không (1066-1141). Đây là ba nhà sư thời Lý mà tiểu sử của họ đã được chép trong Thiền uyển tập anh, một tác phẩm thời Trần. Đạo Hạnh và Minh Không thuộc phái Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci),

Không Lộ thuộc phái Thiền Vô Ngôn Thông. Nhưng theo tiểu sử, cũng như truyền thuyết, ba người này

đều có pháp thuật cao cường, thần thông biến hóa. Từ Đạo Hạnh đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Các nơi thờ Đạo Hạnh như chùa Láng, chùa Thầy (Hà Nội), đều thờ Lý Thần Tông, được coi là hóa thân của ông. Còn Nguyễn Minh Không thì được coi là người đã chữa được bệnh điên hóa thành hổ của vua Lý Thần Tông. Truyền thuyết về Minh Không và Không Lộ có nhiều điểm lẫn lộn với nhau, đến nỗi ở nhiều nơi, người ta đã đồng nhất hai người này làm một. Minh Không và Không Lộ được thờ trong rất nhiều chùa ở đồng bằng Bắc Bộ, như chùa Keo (tỉnh Thái Bình), chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Định), chùa Quán Sứ (Hà Nội)... Trong các chùa này, họ được thờ không phải với tư cách là thiền sư hay vị tổ nữa, mà như những "đức thánh", tức các vị thần thực sự.

Ngoài những vị thần, hay đúng hơn là "bán thần", được thờ trong loại chùa "tiền Phật hậu Thần", chúng ta có thể gặp trong các chùa Việt Nam những nhân vật lịch sử thực sự được thờ. Họ là những ông quan, những danh sĩ hay những vị tướng đã có công với nước hay với nhân dân một vùng. Đó là Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), trạng nguyên thời Trần, được thờ ở chùa Dâu (tỉnh Bắc Ninh), đó là Đặng Tiến Đông, vị tướng thời Tây Sơn, được thờ ở chùa Trăm Gian (Hà Nội)...

Trong các chùa này, thường có tượng chân dung của các nhân vật lịch sử được thờ.

 ------------------------------------

(1) Ba vị khác trong "tứ bất tử" là thần núi Tản Viên, Chử Đồng Tử và Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương).

Một loại nhân vật khác cũng được thờ trong các chùa là những người góp tiền của và đứng ra chủ trì việc xây dựng hay trùng tu chùa. Đáng chú ý là trong nhiều chùa ở miền Bắc, phần lớn các nhân vật này là nữ, họ thường là cung phi của vua Lê, chúa Trịnh hay phu nhân của đại thần, quý tộc. Chẳng hạn, ở chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), có cả phủ thờ với tượng của thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ là những người đã góp công của xây dựng chùa vào thế kỷ XVII. Ở chùa Mía (Hà Nội), Bà Chúa Mía, một cung tần ở phủ chúa Trịnh, cũng được thờ trong một khám riêng bên trái Phật điện.

Một hình thức thờ tự khác gắn với các chùa Việt Nam là thờ "hậu". Hình thức này có mối liên hệ với tập tục thờ cúng tổ tiên đã hình thành lâu đời ở người Việt Nam. Con cháu phải thờ cúng tổ tiên, và những người chết phải được con cháu đang sống thờ cúng. Thật đau khổ và bất hạnh cho những ai không có con cháu để thờ cúng mình sau khi chết. Vì thế, nhiều người không có con muốn được thờ cúng sau khi chết, đã tìm đến nhà chùa. Họ đóng góp cho chùa một số tiền hay ruộng đất và xin nhà chùa cúng lễ họ sau khi chết. Sự thờ cúng đó gọi là thờ "hậu" ("hậu" có nghĩa là sau, tức thờ cúng sau khi chết, thay cho những người hậu tự, tức con cháu nối dõi). Ruộng đất của những người này cúng vào chùa được gọi là ruộng "hậu". Trong nhiều chùa, có bàn thờ "hậu", thường là một hành lang với những bát hương, đặt trước những tấm bia đá, gọi là bia "hậu", trên đó khắc rõ tên tuổi, quê quán của những người không có con cháu nối dõi, thường là cả vợ và chồng, cùng với số tiền hoặc ruộng họ đóng vào chùa và yêu cầu được thờ ở chùa. Những bài văn bia này mang tính chất những bản "hợp đồng". Có nhiều chùa có rất nhiều bia hậu. Ở chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Định), các bia hậu được gắn dày đặc trên tường hành lang bao quanh chính điện.

Trên đây là vài nét khái quát về chùa Việt Nam qua cái nhìn đương đại. Nhưng xem xét như vậy, sẽ không thấy rõ được những yếu tố lịch đại đã quy tụ lại trong thời gian hiện tại. Những dạng chùa tồn tại như hiện nay là kết quả của lịch sử. Có những ngôi chùa mà bản thân chúng đã trở thành những bảo tàng thực sự, bảo tồn những di tích của các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhưng không phải chỉ có những di tích "chết". Quá khứ, với nhiều lớp khác nhau, vẫn hiện ra trong các hội chùa, sống động, đậm đà bản sắc dân tộc. Và như vậy, không thể không xem xét vị trí của ngôi chùa trong đời sống văn hóa Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục khảo sát các vấn đề đó trong các phần sau.

Giáo sư Hà Văn Tấn

-------

Theo Sách Chùa Việt Nam. Tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long.

Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Nxb Thế giới tái bản lần thứ tư – 2010. Có chỉnh lý bổ sung. Khổ sách 22x26cm, Dày 236 trang, với trên 1000 ảnh. Giá sách: 496.000đ/ cuốn. Chuyển đến tận nhà (trong nước).

Địa chỉ Ban biên tập: 8A/17/378 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội. Email: [email protected]