Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 1, tháng 12 năm 2010)

Các khu vực bắc Pakistan nổi tiếng với một số di tích Phật giáo cổ xưa nhất vùng - Photo: The Express Tribune
Các khu vực bắc Pakistan nổi tiếng với một số di tích Phật giáo cổ xưa nhất vùng - Photo: The Express Tribune

 

 

PAKISTAN: Bảo tồn di sản Gandhara 

 

 

Islamabad, Pakistan - Ngày 01-12-2010 tại trường Đại học Quaid-e-Azam (QAU) bắt đầu diễn ra 3 ngày hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa Gandhara. Hội thảo được tổ chức bởi Viện Văn minh Á châu Taxila (TIAC) phối hợp với Trung tâm Tài liệu và Bảo tồn thuộc trường Đại học Aachen, Viện Khoa học và Nhân văn Heidelberg (Đức).

 

 

Giáo sư Tiến sĩ M Ashraf Khan, Viện trưởng của TIAC, cho biết rằng trong cuộc thăm dò khảo cổ của vùng Rawalpindi và Islamabad, các đội đã ghi nhận 300 địa điểm và di tích khảo cổ. Ông nói, "Tôi hy vọng sau hội thảo này, một thông điệp tích cực sẽ được gửi đi khắp thế giới rằng Pakistan là một đất nước mà mọi người đang làm việc để quảng bá và bảo tồn các di sản văn hóa".

 

 

Bộ trưởng Bộ văn hóa Liên bang là Pir Aftab Hussain Shah Jilani khai mạc hội thảo và cho biết: Chính phủ đã cam kết quảng bá di sản văn hóa trong nước, và nhiều dự án đang được lên kế hoạch cho động lực này, bao gồm điểm du lịch Gandhara.

 

 

Giáo sư Tiến sĩ Masoom Yasinzai, Phó Viện trưởng Danh dự của QAU, nói  rằng các thánh địa thuộc Phật giáo được phát hiện trong nước là những minh chứng của di sản Phật giáo phong phú từ khởi thủy thuộc thời A Dục Vương.

 

 

(The Express Tribune - December 2, 2010)  

 

 

 

 

NHẬT BẢN: Khóa lễ "Bando-bushi" tại chùa Higashi Honganji 

 

 

"Bando-bushi" là khóa lễ tại chùa, theo đó các nhà sư tụng niệm bằng giọng trầm, đồng thời lắc lư mạnh thân mình của họ .

 

 

Hiện nay chỉ còn phái Shinshu Otani duy trì khóa lễ Bando-bushi này, và người ta không biết rõ lịch sử của nó.

 

 

Từ ngày 28-11 đến 03-12-2010, tại trụ sở của phái Shinshu Otani ở chùa Higashi Honganji (tọa lạc tại  khu Shimogyo ở Kyoto), khóa lễ Bando-bushi đã được tổ chức để kỷ niệm ngày sư tổ Shinran của giáo phái Phật giáo Shinshu viên tịch vào thời Kamakura.

 

 

Lúc 10 giờ sáng, khoảng 60 nhà sư ngồi xếp bằng ở phần trước của Tiền sảnh Goeido. Khi vị sư trưởng tụng niệm khai lễ , họ bắt đầu các động tác được lập đi lập lại: cúi đầu xuống gần thảm, lắc lư thân mình rồi ngồi thẳng người lên trông thật mạnh mẽ.

 

 

Vào ngày cuối của khóa lễ tưởng niệm (ngày 03-12) để vinh danh sư tổ Shinran, có khoảng 4.500 tín đồ của chùa đã tập trung về Tiền sảnh Goeido để dự lễ.

 

 

(Kyoto Shimbun - December 3, 2010)

 

 

1

 

Các nhà sư trong khóa lễ Bando-bushi - Photo: Kyoto Shimbun 

 

 

 

 

ẤN ĐỘ: Chư tăng cầu nguyện cho hòa bình thế giới trong lễ hội Tam Tạng 

 

 

Ngày 03-12-2010, chư tăng từ 54 nước đã tập trung tại Tu viện Đại Bồ đề ở huyện Bodhgaya (bang Bihar) để cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào dịp lễ hội Tam Tạng.

 

 

Thống đốc bang Bihar là Davanand Konwar đã khai mạc lễ hội bằng việc cầu nguyện trong ngôi đền.

 

 

Là một phần của các hoạt động lễ hội, chư tăng sẽ tụng bộ kinh Phật giáo Tam Tạng.

 

 

Nhà sư Bhante Ashokvansh nói, "Chư tăng từ khoảng 54 nước đã đến đây để cầu nguyện. Kinh Phật giáo Tam Tạng bao gồm trên 18.000 bài giảng và khoảng 84.000 câu chuyện về Đức Phật. Chúng tôi tụng những bài kinh này tại đây và ứng dụng những lời dạy này trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi cũng truyền bá những giáo lý này cho những người khác để đem hoà bình và hạnh phúc đến với mọi người."

 

 

Lễ hội sẽ tiếp tục trong 10 ngày, cho đến ngày 12-12-2010.

 

 

(ANI - December 4, 2010) 

 

 

 

 

HOA KỲ: Tín đồ Ấn giáo chúc mừng Phật tử vào Ngày Giác ngộ (Giác nhựt) 

 

 

Nevada, Hoa Kỳ - Những người Ấn Độ giáo đã gửi lời chúc mừng sớm đến các cộng đồng Phật tử trên khắp thế giới nhân Ngày Giác ngộ - năm nay nhằm ngày 08-12 Dương lịch - kỷ niệm sự giác ngộ của Đức Phật.

 

 

Ngày 05-12, chính khách Ấn Độ giáo nổi tiếng là Rajan Zed đã có thông điệp bày tỏ lời chúc nồng nhiệt nhất nhân Ngày Giác ngộ, chúc cho hòa bình và niềm vui đến với tất cả Phật tử.

 

 

Là chủ tịch của Hội Ấn Độ giáo Thế giới, ông Rajan Zed nhấn mạnh rằng tất cả các tôn giáo cần làm việc với nhau vì một thế giới công bằng và hòa bình. Ông nói thêm rằng đối thoại sẽ mang lại cho chúng ta sự giàu mạnh chung.

 

 

Phật giáo là tôn giáo lớn thứ tư thế giới, còn Ấn Độ giáo là tôn giáo cổ xưa nhất và lớn thứ ba trên thế giới.

 

 

(India Vision - December 5, 2010)  

 

 

 

 

ẤN ĐỘ: Dòng Truyền thừa Karmapa mừng lễ kỷ niệm 900 năm 

 

 

Ngày 07-12-2010, sân khấu đã dựng xong và các vị khách mời đã đến Bồ đề Đạo tràng ở bang Biharr, nơi Đức Phật giác ngộ, để mừng lễ kỷ niệm 900 năm của Dòng Truyền thừa Karmapa.

 

 

Năm nay đánh dấu 900 năm ngày sinh của Karmapa thứ Nhất là Dusum Khyenpa (1110-1193). Ngài là người khởi đầu truyền thống luân hồi độc đáo trong Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền Ngài sinh vào năm 1110 tại Dresho, một khu của Dreho ở tỉnh Kham của Tây Tạng.

 

 

Lễ mừng diễn ra trong 2 ngày tại Tu viện Tergar ở Bồ đề Đạo tràng, đánh dấu kỷ niệm 900 năm của Dòng Truyền thừa Karmapa.

 

 

Lễ khai mạc vào ngày 08-12 sẽ có 3 giờ trình diễn các hoạt cảnh và ca, kịch để bày tỏ lòng biết ơn đối với Ngài Karmapa Dusum Khyenpa.

 

 

(Phayul - December 8, 2010) 

 

 

2

 

Các tu sĩ Phật giáo đang dạo quanh Tu viện Tergar, nơi tổ chức lễ mừng năm thứ 900 của Dòng Truyền thừa Karmapa - Photo: Phayul 

 

Diệu Âm lược dịch

(haitrieuam.com)