Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 4, tháng 3.2011)

 

Di tích lịch sử Phật giáo Takht Bhai (Pakistan) - Photo: google.com
Di tích lịch sử Phật giáo Takht Bhai (Pakistan) - Photo: google.com

PAKISTAN: Phái đoàn của Hội Các Nền Văn Minh Châu Á viếng di tích Phật giáo Takht Bhai

Mardan, Pakistan - Một phái đoàn của Hội Các Nền Văn minh Châu Á đã tham quan các di tích tôn giáo và lịch sử Phật giáo tại Takht Bhai và Trung tâm Nghiên cứu Gandhara của trường Đại học Abdul Wali Khan ở Mardan vào ngày 21-3-2011.

 

Phái đoàn gồm 2 tăng sĩ và 7 học giả Phật giáo đến từ Thái Lan. Họ được chào đón nồng nhiệt bởi Phó Viện trưởng danh dự là Giáo sư Ihsan Ali và các viên chức khác của trường đại học.

 

Phái đoàn cùng các viên chức của trường đã thám quan các di tích lịch sử và tôn giáo của Phật giáo tại Takht Bhai, nơi nổi tiếng với tên gọi Takht Bhai Kandarat.

 

Các nhà sư và đồng sự của họ đã cầu nguyện tại Takht Bhai Kandarat và sau đó viếng những khu vực khác nhau của di tích lịch sử Phật giáo này.

(Buddhist Channel - March 23, 2011)

 

TRUNG QUỐC: Lau sạch bụi các tượng La hán tại chùa Bạch Mã

Ngày 23-3-2011, lần đầu tiên trong 30 năm, 18 tượng La hán tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung quốc) được lau sạch bụi. Các tượng Thập bát La hán này là bảo vật quốc gia, có niên đại từ thời nhà Nguyên (1271-1368 sau Công nguyên). Theo Phật giáo, La hán là người đã đạt được niết bàn qua tu tập tinh thần.

(China Daily - March 24, 2011) Photos: CFP

1

Ảnh 1: Các nhà sư đạt một tương La hán về lại vị trí sau khi lau bụi

2

Ảnh 2: Một tượng La hán tôn trí tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, Hà Nam (Trung quốc)

3

Ảnh 3: Các nhà sư và tín đồ nhìn các tượng La hán vừa được lau bụi tại chùa Bạch Mã ở Lạc Dương

HÀN QUỐC: Khánh thành trường Phật giáo Hàn quốc

Seoul, Hàn quốc - Trường Phật giáo Giáo phái Tào Khê (Jogye) về Nghiên cứu Quốc tế, trường đầu tiên thuộc loại này ở Hàn quốc, đã khánh thành vào ngày 25-3-2011 tại chùa Hwaunsa ở tỉnh Gyeonggi.

 

Trường đào tạo 2 năm đặc biệt này nhằm mục đích truyền bá Phật giáo truyền thống Hàn quốc đến với thế giới bằng việc bồi dưỡng các kỹ năng song ngữ cho các tu sĩ chuyên ngành. Đây là điều cần thiết khi thuyết giảng giáo lý Phật giáo Hàn quốc cho người ngoại quốc.

 

Nhà trường tổ chức một loạt các khóa học, từ giáo lý và thực hành Phật giáo căn bản đến tiếng Anh kỹ thuật.

 

Có 9 tì kheo ni theo học tại ngôi trường mới mở này. Họ khác nhau về tuổi tác và kinh nghiệm, nhưng có cùng một mục đích là giải thoát mọi người trên toàn cầu khỏi đau khổ bằng việc giác ngộ họ thông qua Phật giáo Hàn quốc.

(Arirang - March 25, 2011)

 

ẤN ĐỘ: Di tích Phật giáo tại thị trấn Midnapore ở bang Tây Bengal


Các nhà khảo cổ học từ trường Đại học Calcutta đã khai quật các di tích tại Moghalmari ở vùng tây Midnapore, cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của Phật giáo tại bang Tây Bengal từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12.

 

Trong các cuộc khai quật tại làng Moghalmari của khu Dantan, cách Koltaka 180 km, đội khảo cổ đã phát hiện các chi tiết cấu trúc của một tu viện, một đầu người bằng vữa (có thể là của Đức Phâtj) và một dấu khắc. Chữ Phạn trên dấu khắc có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 8, đã được xác định là bài Dharmaparyay, một bài đạo ca giới thiệu sơ lược những lời dạy của Đức Phật về triết học.

 

Các nhà khảo cổ, do khoa trưởng Khảo cổ học của trường Đại học Calcutta là Asok Datta dẫn đầu, cũng tìm được những bảng tạ lễ bằng đất nung có minh họa hình ảnh chư Phật.

(Indiaexpress.com - March 28)

NEPAL: Hội thảo về Thực hành Phật giáo và Đổi mới Đa nguyên


Kathmandu, Nepal - 50 đại biểu gồm chư tăng, các học giả và các nhà nghiên cứu từ Nepal, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Hàn, Miến Điện, Nhật Bản, Tích Lan và Bhutan đã tham dự cuộc hội thảo 3 ngày (bắt đầu từ 27-3-2011) tại Kathmandu. Hội thảo có chủ đề "Thực hành Phật giáo và Đổi mới Đa nguyên".

 

Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav phát biểu vào ngày khai mạc rằng lời Phật dạy rất thích ứng trong thế giới ngày nay. Ông đề xuất rằng đất nước ông cần hướng về các giáo lý này để đạt được hòa bình bền vững và hiến pháp dân chủ.

 

Ông nói Nepal có thể học được nhiều điều tốt đẹp từ những lời dạy của Đức Phật Tổ.

 

Các diễn giả tại hội thảo công nhận rằng thông điệp của tình thương yêu, thiện chí, hòa bình và bất bạo động do Đức Phật thuyết giảng vẫn thich ứng cho nền hòa bình tại Nepal và trên thế giới.

(PTI - March 27, 2011)

 

Diệu Âm lược dịch

Theo haitrieuam.com