Phẩm 13: Bà-la-môn (I)

PHẨM 13: BÀ-LA-MÔN (I)

TỤNG NGÀY THỨ BA

Niệm tụng

雨勢歌羅數  

瞿默象跡喻

聞德何苦欲  

鬱瘦阿攝和

Kệ tóm tắt:

Vũ thế, Ca-la, Số,

Cù-mặc, Tượng tích dụ,

Văn đức, Hà khổ, Dục,

Uất-sấu, A-nhiếp-hòa

142. KINH VŨ THẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham [1].

Bấy giờ vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế [2] cùng với nước Bạt-kỳ [3] thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc nhiều lần nói rằng:

“Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ [648b] gặp vô số tai ách.”

Khi ấy, A-xà-thế, vua nước Ma-kiệt-đà, nghe Đức Thế Tôn trú thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham, nên nói với đại thần Vũ Thế [4]:

“Ta nghe Sa-môn Cù-đàm trú thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham. Này Vũ Thế, ngươi hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, nhân danh ta mà thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường hay không? Rồi hãy nói như vầy, ‘Bạch Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: ‘Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách’. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?’ Này Vũ Thế, nếu Sa-môn Cù-đàm có dạy những gì thì ngươi hãy cố gắng ghi nhớ, thọ trì. Vì sao? Bởi lẽ những người như vậy nhất định không khi nào nói sai.”

Đại thần Vũ Thế vâng lời vua dạy xong, lên một cỗ xe rất đẹp và cùng năm trăm cỗ xe khác đồng ra khỏi thành Vương xá, đi đến trong núi Thứu nham và leo lên núi Thứu nham, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Phật.

Đại thần Vũ Thế cùng với Đức Thế Tôn nói lời chào hỏi rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: ‘Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách’. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?”

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo rằng [5]:

“Này Vũ Thế, xưa kia Ta đã từng đi đến nước Bạt-kỳ. Nước đó có ngôi chùa tên là Giá-hòa-la [6]. Lúc ấy, này Vũ Thế, Ta giảng nói pháp bất thối [7] cho người nước Bạt-kỳ nghe. Người nước Bạt-kỳ có thể vâng thọ và thực hành bảy pháp bất thối đó. Này Vũ Thế, nếu người dân nước Bạt-kỳ thực hành được bảy pháp bất thối mà không trái phạm thì nước Bạt-kỳ chắc chắn hùng mạnh, không thể suy vi được.”

Đại thần Vũ Thế bạch Đức Thế Tôn:

“Sa-môn Cù-đàm, về việc này chỉ nói một cách tóm tắt, chứ không phân biệt rộng rãi. Chúng con [648c] không thể hiểu được nghĩa này. Kính xin Sa-môn Cù-đàm phân biệt rộng rãi để chúng con được biết ý nghĩa này.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Vũ Thế, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ giảng nói rộng rãi ý nghĩa này cho ông nghe [8].”

Đại thần Vũ Thế vâng lời, lắng nghe.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, Đức Thế Tôn quay lại hỏi A-nan rằng:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo chăng?

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo.”

Đức Thế Tôn liền bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm, những điều đã thi thiết thì không cải đổi, những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành chăng?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe ở nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường chăng? Và họ có nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe ở nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn kính thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe theo lời dạy của những bậc ấy mà làm theo.”

Đức Thế Tôn lại [649a] bảo đại thần Vũ Thế:

“Này Vũ Thế, nếu người nước Bạt-kỳ có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào [9] thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu nước Bạt-kỳ có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng, cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:

“Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang chăng?”

“Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang.”

Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:

“Nếu người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.

“Này Vũ Thế, người nước Bạt-kỳ đã thực hành bảy pháp bất thối này. Nếu vâng giữ bảy pháp bất thối này thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.”

Khi ấy, đại thần Vũ Thế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, dù cho nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp bất thối thì nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế, con bà Tì-đà-đề, cũng không thể khuất phục họ được, huống chi họ đầy đủ cả bảy pháp bất thối. Bạch Cù-đàm, con nhiều việc nước, xin được từ giã lui về.”

Đức Thế Tôn nói:

“Muốn lui về xin cứ tùy ý.”

Đại thần Vũ Thế sau khi nghe những điều Phật [649b] dạy, khéo léo ghi nhớ, đi quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi ra về.

Sau khi Đại thần Vũ Thế ra về chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn quay lại bảo Tôn giả A-nan:

“A-nan, những Tỳ-kheo hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, ngươi hãy truyền cho tất cả tập họp tại giảng đường. Sau khi tất cả đã tụ họp xong, hãy đến cho Ta hay.”

Tôn giả A-nan liền vâng lời Phật dạy:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn!”

Ngay khi đó, Tôn giả A-nan đi truyền lệnh:

“Những Tỳ-kheo hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, truyền cho tất cả hãy tập họp tại giảng đường.”

Sau khi tất cả tập họp xong, Tôn giả trở lại chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằêng:

“Bạch Thế Tôn, con đã truyền lệnh: những Tỳ-kheo nào hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham, tất cả hãy tập họp tại giảng đường. Giờ đây đã tập họp xong, kính mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo rồi nói với các thầy Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu chúng Tỳ-kheo thường xuyên hội họp, tụ tập đông đảo thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo cùng chung hội, cùng chung làm việc chung và cùng giải tán thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo đối với những việc chưa thi thiết thì không thêm; những việc đã thi thiết thì không thay đổi; những giới luật do Ta nói ra được phụng hành nghiêm chỉnh; thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo không bị chi phối [10] bởi hữu ái đưa đến vị lai [11], hiện hành với hỷ dục, ái lạc đời sống như vầy như kia [12], thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo có bậc Trưởng lão Thượng tôn đồng học phạm hạnh, các Tỳ-kheo thảy đều tôn kính, cung phụng, cúng dường và nghe theo lời dạy của các vị ấy, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo đối với rừng vắng, sườn núi cao, chỗ thanh tịnh nhàn cư, vắng bặt không có tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoan lạc an trụ không rời, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thảy đều ủng hộ các đồng phạm hạnh, hết sức tôn trọng, ái kính, thường mong muốn các đồng phạm hạnh chưa đến thì đến, đã đến rồi thì hằng mong an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn những nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì, không trái phạm, [649c] thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo đối với Tôn sư mà hết sức cung kính, cúng dường, phụng sự, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo đối với Pháp, với Tăng, với Giới, với sự không phóng dật, với sự cung cấp và đối với định [13] mà hết sức cung kính thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi thế nghiệp [14], không hoan lạc nơi thế nghiệp, không tập quán thế nghiệp, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi phiếm luận [15], không hoan lạc nơi phiếm luận, không tập quán nơi phiếm luận; không hành nơi tụ hội, không hoan lạc nơi tụ hội, không thân cận nơi tụ hội; không hành nơi sự kết hợp hỗn tạp [16], không hoan lạc nơi sự kết hợp hỗn tạp, không tập quán sự kết hợp hỗn tạp; không hành ngủ nghỉ, không hoan lạc ngủ nghỉ, không tập quán ngủ nghỉ; không vì lợi, không vì tiếng khen, không vì người khác mà tu hành phạm hạnh; đối với quả thấp, đối với quả cao không nửa chừng gián đoạn nỗ lực hướng thượng, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu tài sản tín, tài sản giới, tài sản tàm, tài sản quý, tài sản bác văn, tài sản thí và thành tựu tài sản tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu năng lực tín, năng lực tinh tấn, năng lực tàm, năng lực quý, năng lực niệm, năng lực định, và thành tựu năng lực tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, [650a] không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y xả ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng xuất yếu. Cũng vậy, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định; tu xả giác chi, y xả ly, y vô dục, y diệt tận, thú hướng xuất yếu; Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp bất thối khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là bảy?

“Nếu Tỳ-kheo cần cho luật hiện tiền thì cho luật hiện tiền. Cần cho luật ức niệm thì cho luật ức niệm. Cần cho luật bất si thì cho luật bất si. Cần cho luật tự phát lồ thì cho luật tự phát lồ. Cần cho luật quân thì cho luật quân. Cần cho luật triển chuyển thì cho luật triển chuyển. Nếu trong chúng khởi lên sự tranh tụng thì đúng theo pháp diệt tránh như liệng bỏ giẻ rách để chấm dứt [17].

“Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp bất thối này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.”

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về sáu pháp ủy lạo [18]. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

“Kính vâng.”

Phật nói:

“Những gì là sáu?

“Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh. Pháp ấy gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Cũng vậy, khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa.

“Lợi lộc nào đúng theo pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị uế tạp, không bị đen, vững vàng như mặt đất [19], được Thánh khen ngợi, đầy đủ, cẩn thận thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, [650b] dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có kiến giải của Thánh, có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ; với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, dẫn đến thân ái, dẫn đến tôn trọng, dẫn đến tương trợ, dẫn đến tương kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nhân đây nên Ta nói sáu pháp ủy lạo.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

143. KINH THƯƠNG-CA-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ma-nạp Thương-ca-la [20] sau giữa trưa, thong dong tản bộ, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày”.

Thế Tôn nói:

“Ma-nạp, muốn hỏi gì cứ hỏi”.

Ma-nạp Thương-ca-la bèn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn đúng như pháp mà hành khất tài vật, tự mình trai tự, hoặc dạy người khác trai tự. [21] Bạch Cù-đàm, nếu tự mình trai tự hay dạy người khác trai tự, những người ấy đều hành trên vô lượng phước tích [22], vì do nơi trai tự vậy. Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, với các dòng tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, tự chế ngự bản thân, tự tịch tịnh bản thân, tự cứu cánh tịch diệt bản thân. [23] Như vậy, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, với các dòng tộc lhác nhau, chỉ hành trên một phước tích chứ không hành trên vô lượng phước tích, do bởi sự học đạo vậy.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, rồi Tôn giả A-nan hỏi: [24]

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la nói:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Tôn giả A-nan đến ba lần hỏi Ma-nạp Thương-ca-la rằng:

“Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Thương-ca-la cũng đến ba lần nói rằng:

“A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm [650c] và A-nan, tôi đều cung kính, tôn trọng, phụng thờ.”

Tôn giả A-nan cũng nói lại:

“Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma-nạp Thương-ca-la này đã bị A-nan khuất phục. Ta hãy cứu nó!”

Thế Tôn biết vậy rồi, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, hôm qua, khi vua và các quần thần triệu tập đại hội, thảo luận những gì? Vì những duyên cớ nào mà cùng tập hội?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này, là ‘Do nhân gì, duyên gì mà xưa kia Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới ít, nhưng các Tỳ-kheo đắc đạo nhiều; và do nhân gì, duyên gì mà ngày nay khi Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới nhiều thì các Tỳ-kheo đắc đạo lại ít [25]?’ Bạch Cù-đàm, ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này. Do sự kiện này mà triệu tập đại hội.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, bây giờ Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một Sa-môn, Bà-la-môn tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy; và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Vị ấy sau đó thuyết giảng cho người khác rằng: ‘Ta tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các người hãy đến đây và cũng hãy tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác. tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Rồi người này cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy. Sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Rồi người này lại cũng thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, [651a] ý ngươi nghĩ sao? Đệ tử của Ta, với các dòng tộc khác nhau, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, có phải là do bởi sự học đạo đó mà chỉ hành trên một phước tích, không hành trên vô lượng phước tích chăng?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, theo sự hiểu biết của con đối với điều mà Sa-môn Cù-đàm nói, thì đệ tử Sa-môn Cù-đàm ấy, với các dòng tộc khác nhau cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, do bởi sự học đạo ấy mà thật sự hành trên vô lượng phước tích, chứ không chỉ hành trên một phước tích.”

Thế Tôn lại nói với Thương-ca-la:

“Có ba thị hiện là, như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện. [26]

“Ở đây, nếu có một Sa-môn, Bà-la-môn có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, hành vô lượng công đức của như ý túc như vầy; nghĩa là phân một thân làm thành nhiều thân, hợp nhiều thân làm thành một thân, một thì trụ trên một, được biết, được thấy [27]; đi xuyên vách đá mà không bị trở ngại, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm; thân cao đến trời Phạm thiên. Này Ma-nạp, đó là thị hiện bằng như ý túc.

“Này Ma-nạp, thế nào là chiêm niệm thị hiện? Hoặc có một hạng Sa-môn, Bà-la-môn do nơi tướng trạng của người khác mà chiêm đoán được ý tưởng của họ, rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, nó thật sự có ý nghĩ’; họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, [28] nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc giả không do nơi tướng trạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, nhưng do nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân mà đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, thật sự nó có ý nghĩ như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và các loài phi nhân, nhưng do tâm niệm của người khác, tâm tư của người khác, ngôn thuyết của người khác. Sau khi nghe tiếng rồi đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do nơi tâm niệm, nơi tư duy, nơi ngôn thuyết của người khác [29] để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’, họ chiêm đoán nhiều vô lượng chứ không chiêm đoán ít, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không do nơi tâm niệm, nơi tư duy, nơi ngôn thuyết của người khác để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do thấy người khác nhập vào định không tầm không tứ [30], sau khi thấy bèn nghĩ rằng ‘Như Hiền giả này thì không có tâm niệm, [651b] không có tư duy, sở nguyện như ý. Hiền giả kia ra khỏi định này với tâm niệm như vậy. Vị ấy ra khỏi định này sẽ có tâm niệm như vậy, như vậy’. [31] Người này cũng đoán biết việc quá khứ, cũng đoán biết việc tương lai, cũng đoán biết việc hiện tại, những điều được làm từ lâu, những điều được nói từ lâu, cũng đoán biết những nơi yên tĩnh, sống nơi yên tĩnh, cũng đoán biết tất cả pháp tâm và tâm sở hữu. Đó gọi là thị hiện bằng sự chiêm niệm.

“Này Ma-nạp, thế nào là giáo huấn thị hiện? Ở đây có một Sa-môn, Bà-la-môn tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành theo đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy giảng thuyết lại cho người khác rằng ‘Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi người đó cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Rồi người đó cũng lại thuyết giảng cho người khác. Cứ như vậy... lần lượt truyền đi cho đến vô lượng trăm ngàn. Này Ma-nạp, đó gọi là sự thị hiện bằng giáo huấn.

“Trong ba thị hiện này, thị hiện nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Thương-ca-la Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao đến trời Phạm thiên, thưa Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là pháp đại huyễn [32].

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào do nơi tướng dạng mà đoán biết ý tưởng của người khác, cho đến các pháp tâm và tâm sở hữu; bạch Cù-đàm, cái đó cũng chỉ là tự mình làm tự mình có, [651c] tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là pháp đại huyễn.

“Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào tự mình hành theo đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng, thì bạch Cù-đàm, trong ba thị hiện, sự thị hiện này là tối thượng, tối diệu, tối thắng.”

Thế Tôn lại hỏi Thương-ca-la Ma-nạp:

“Trong ba thị hiện, ngươi tán thán sự thị hiện nào?”

Ma-nạp Thương-ca-la đáp:

“Trong ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, cho đến thân cao ngang Phạm thiên. Sa-môn Cù-đàm do nơi tướng dạng của người khác mà biết ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết các tâm và tâm sở hữu pháp. Sa-môn Cù-đàm thị đạo với đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo này, tích này, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Sa-môn Cù-đàm thuyết giảng cho người khác, rồi người khác thuyết giảng cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng. Bạch Cù-đàm, cho nên, đối với ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm.”

Rồi Thế Tôn nói rằng:

“Ma-nạp, người khéo thấu suốt vấn đề này. Vì sao? Thật sự Ta có đại như ý túc, đại oai thần, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao ngang Phạm thiên. Này Ma-nạp, Ta do tướng dạng người khác mà biết được ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết tâm và tâm sở hữu pháp.

“Này Ma-nạp, Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi Ta giảng thuyết cho người khác, người khác cũng giảng thuyết cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.

“Này Ma-nạp, cho nên ngươi khéo thấu suốt vấn đề này. Ngươi hãy biết như vậy, hãy khéo thọ trì như vậy. Vì sao? Bởi vì ý nghĩa được nói này phải [652a] như vậy.”

Lúc bấy giờ, Thương-ca-la Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Thương-ca-la Ma-nạp, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

144. KINH TOÁN SỐ MỤC-KIỀN-LIÊN

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở Đông viên, giảng đường Lộc Tử Mẫu. [33]

Bấy giờ, Toán số Mục-kiền-liên [34] sau bữa trưa, thong dong tản bộ đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho mới dám trình bày”. Thế Tôn nói:

“Mục-kiền-liên, ông muốn hỏi gì cứ tự tiện, đừng tự nghi ngại.”

Toán số Mục-kiền-liên bèn bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, giảng đường Lộc tử mẫu này được xây dựng dần dần cho đến cuối cùng được thành tựu. Thưa Cù-đàm, cầu thang trong Lộc tử mẫu giảng đường này, bắt đầu lên một nấc, rồi đến hai, ba, bốn. Thưa Cù-đàm, như vậy giảng đường Lộc tử mẫu lần lượt theo thứ tự đi lên. Thưa Cù-đàm, sự điều phục voi này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi móc câu vậy. Thưa Cù-đàm, sự điều phục ngựa này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi hàm vậy. Thưa Cù-đàm, Sát-đế-lị này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi cung và tên vậy. Thưa Cù-đàm, các Bà-la-môn này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi kinh thư vậy.

“Thưa Cù-đàm, chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu. Nếu có đệ tử nam hoặc nữ bắt đầu được dạy từng con số một, rồi hai, ba, mười, trăm, ngàn, vạn..., thứ tự mà đếm lên. Thưa Cù-đàm, như vậy chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, lần lượt theo thứ tự cho đến thành tựu. Sa-môn Cù-đàm, trong pháp luật này, lần lượt thứ tự như thế nào cho đến thành tựu?”

Thế Tôn nói:

“Này Kiền-liên, nếu có sự lần lượt thứ tự thực hiện cho đến thành tựu nào được nói đến một cách chân chánh, thì này Mục-kiền-liên, ở trong pháp luật của Ta, đây là điều được nói đến một cách chân chánh. Vì sao vậy? Này Mục-kiền-liên, Ta đối với pháp luật này lần lượt thứ tự thực hiện cho đến đạt thành cứu cánh.

“Này Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới đến [652b] học đạo, mới vào trong pháp luật này, Như Lai trước hết dạy rằng ‘Ngươi hãy đến đây. Với thân, hãy thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý, hãy thủ hộ mạng thanh tịnh’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo với thân, thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý thủ hộ mạng thanh tịnh rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm rằng ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ [35], tâm và pháp như pháp’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán thân như thân, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục; cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, Như Lai dạy tiến thêm ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín [36], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [37] của sắc. Do nguyên nhân gì [38] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn.

“Này Mục-kiền-liên, sau khi Tỳ-kheo thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng muốn khởi ý, khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; do nguyên nhân gì mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt; cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp; nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn, bấy giờ, này Mục-kiền-liên, Như Lai lại dạy tiến thêm: ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt, co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc, khéo mang tăng-già-lê và các [652c] y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, im lặng, thảy đều biết rõ’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo mang tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng, im lặng thảy đều biết rõ, Như Lai lại dạy tiến thêm: ‘Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy sống cô độc tại nơi xa vắng, trong rừng, trong núi hoặc dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc ở ngoài bãi tha ma. Sau khi ngươi đã sống trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, hãy trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện [39], nhiếp niệm nội tâm, đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác không muốn được về mình. Ngươi đối với tham lam, hãy tịnh trừ tâm ấy. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, đoạn nghi độ hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Ngươi đối với nghi hoặc hãy tịnh trừ tâm ấy. Ngươi đoạn trừ năm triền cái [40] này, chúng làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ’.

“Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Mục-kiền-liên, Như Lai đã đem lại nhiều lợi ích cho Tỳ-kheo niên thiếu, nghĩa là khéo khuyên răn, dạy dỗ, khiển trách.

“Này Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo Thượng tôn trưởng lão, phạm hạnh kỳ cựu, Như Lai lại dạy tiến thêm để thành tựu cứu cánh diệt tận hết thảy lậu.”

Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm, đối với tất cả đệ tử răn dạy như vậy, khiển trách như vậy, tất cả đều đạt đến cứu cánh trí, nhất định đến Niết-bàn chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Mục-kiền-liên, không phải nhất định đạt đến. Hoặc có người đạt được, hoặc có người không “.

Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:

“Cù-đàm, trong đó nhân duyên gì khi có Niết-bàn, có Niết-bàn đạo và Sa-môn Cù-đàm hiện tại là người chỉ đường [41] đó, mà có Tỳ-kheo được răn dạy như vậy, được khiển trách như vậy, thì đạt đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng một số khác lại không đạt đến?”

Thế Tôn nói:

“Này Mục-kiền-liên, Ta muốn hỏi lại ông, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Này Mục-kiền-liên, ý ông nghĩ sao? Ông biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các con đường đến đó chăng?”

Toán số Mục-kiền-liên đáp:

“Thật vậy, tôi biết rõ thành Vương xá ở đâu và cũng am tường các con đường đến đó.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Mục-kiền-liên, nếu có một người muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua, người ấy hỏi rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?’ Ông nói với người ấy rằng ‘Từ đây đi về phía Đông, đến [653a] thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’. Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn rồi, đi chưa bao lâu bèn bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại. Những gì ngoại thành Vương xá, rừng cây xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại cây cối, bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, người ấy hoàn toàn không thấy, không biết gì hết.

“Lại có một người khác muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua. Người ấy hỏi ông rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?’

“Ông nói với người ấy rằng: ‘Từ đây đi về phía Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’.

“Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn, bèn từ đây đi về hướng Đông, đến thôn kia, từ thôn ấy đi đến ấp kia, lần lượt như vậy cho đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong đều được thấy hết, biết hết.

“Này Mục-kiền-liên, trong đó do nhân gì duyên gì, trong khi có thành Vương xá, có con đường đến thành Vương xá và có ông hiện tại là người chỉ đường đó, nhưng người thứ nhất nghe lời ông chỉ dẫn, chẳng bao lâu đã bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn trở lui lại, rồi những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết? Còn người thứ hai khi nghe theo lời ông chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết?”

Toán số Mục-kiền-liên đáp:

“Này Cù-đàm, tôi hoàn toàn vô sự. Có thành Vương xá đó, có con đường dẫn đến thành Vương xá đó, tôi chỉ làm người chỉ đường. Người thứ nhất không tùy theo sự chỉ dẫn của tôi, bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để [653b] trở lui lại. Những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết. Người thứ hai khi nghe theo lời tôi chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết.”

Thế Tôn nói rằng:

“Cũng vậy, này Mục-kiền-liên, Ta cũng vô sự. Có Niết-bàn đó, có con đường dẫn đến Niết-bàn đó, Ta chỉ là người chỉ đường, giáo huấn các Tỳ-kheo như vậy, khiển trách các Tỳ-kheo như vậy, nhưng có người đạt đến cứu cánh Niết-bàn, có người lại không. Này Mục-kiền-liên, nhưng tùy theo sở hành của mỗi Tỳ-kheo mà Thế Tôn ghi nhận sở hành ấy, tức là cứu cánh lậu tận vậy.”

Toán số Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, tôi đã hiểu. Bạch Cù-đàm, tôi đã rõ.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trên mảnh đất tốt, có khu rừng sa-la, trong đó có người giữ rừng sa-la, sáng suốt, không lười biếng, đối với gốc rễ của các cây sa-la, tùy theo thời mà cuốc xới, san chỗ cao, lấp chỗ thấp, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Nếu bên cạnh có mọc cỏ tạp ô uế thì nhổ sạch hết. Nếu có những cây đâm ngang, cong queo thì uốn lại cho thẳng hay tỉa đi. Nếu có những cây mọc rất ngay thẳng thì chăm sóc, giữ gìn, hằng cuốc xới, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Như vậy, trên mảnh đất tốt, rừng cây sa-la càng ngày càng sum suê.

“Bạch Cù-đàm, cũng vậy, có người dua nịnh, dối trá, không biết thi ân, vô tín, giải đãi, không niệm, không định, ác tuệ, tâm cuồng, các căn rối loạn, trì giới lơ là, không tu trì phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy không thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh ô uế.

“Bạch Cù-đàm, nếu có những người không dua nịnh, cũng không dối trá, biết thi ân, có tín, tinh tấn, không giải đãi, có niệm, có định và cũng có trí tuệ, rất mực cung kính, tu tập phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy có thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh thanh tịnh.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại căn hương [42], trầm hương là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trầm hương đối với các loại căn hương, nó là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại hương lõi [43], xích chiên đàn là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các thứ hương lõi, [653c] chiên đàn là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại hoa nước, hoa sen xanh là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại hoa nước hoa sen xanh đ là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong các thứ hoa trên đất, hoa tu-ma-na là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trong các loại lục hoa, tu-ma-na hoa  là tối thượng.

“Bạch Cù-đàm, cũng như trong thế gian, giữa các luận sĩ, Sa-môn Cù-đàm là bậc nhất. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm như một luận sĩ có thể khuất phục tất cả các ngoại đạo dị học vậy.

“Bạch Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay, trọn đời đều tự quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Toán số Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [44]

145. KINH CÙ-MẶC MỤC-KIỀN-LIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn chưa bao lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương xá.

Lúc bấy giờ Vũ Thế [45], đại thần nước Ma-kiệt-đà, đang chỉnh trị thành Vương xá để phòng ngừa dân Bạt-kỳ [46]. Rồi đại thần Vũ Thế sai Cù-mặc Mục-kiền-liên, một người làm ruộng [47], đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà. [48]

Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc sáng sớm khoác y ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, rồi Tôn giả A-nan nghĩ rằng: “Hãy gác việc khất thực trong thành Vương xá lại đã. Ta hãy đến chỗ người làm ruộng Cù-mặc Mục-kiền-liên.”

Rồi Tôn giả A-nan đi chỗ Cù-mặc Mục-kiền-liên, [654a] người làm ruộng.

Bà-la-môn Cù-măc Mục-kiền-liên [49] từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Tôn giả A-nan, bạch rằng:

“Kính chào A-nan, lâu nay không thấy đến. Xin mời ngồi trên chỗ này.”

Tôn giả A-nan liền ngồi trên chỗ ngồi đó.

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi chào hỏi Tôn giả A-nan, rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan trả lời rằng:

“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi đi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ .”

Bèn hỏi rằng:

“Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Trong khi Tôn giả A-nan và Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên đang thảo luận vấn đề này thì Vũ Thế, đại thần nước Ma-kiệt-đà, đang đi ủy lạo những người làm ruộng [50], đến chỗ của Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng. Đại thần Vũ Thế từ xa trông thấy Tôn giả A-nan ở trong chỗ Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng, bèn đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, hỏi rằng:

“Bạch A-nan, vừa rồi ngài cùng với Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên thảo luận vấn đề gì vậy? Vì việc gì mà cùng hội họp ở đây?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Vũ Thế, Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên hỏi tôi rằng ‘A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?’ ”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“A-nan, ngài trả lời ông ấy như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được. Nhưng có Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập nên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến [51], được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay là nơi nương tựa cho các người. Nhưng có Tỳ-kheo nào [654b] được chúng Tăng hòa hiệp và bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay đang là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Cũng không Tỳ-kheo nào được Tăng chúng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Này A-nan, nếu vậy các người hiện tại không có ai để nương tựa, nhưng cùng sống hòa hiệp, không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, sống an lạc như trong lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, ông đừng nói rằng chúng tôi không có ai để nương tựa. Vì sao vậy? Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đáp rằng:

“Bạch A-nan, những điều được nói trước và sau sao lại không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay là nơi nương tựa cho chúng tôi’. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì, nay lại nói rằng ‘Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa’?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày thuyết Biệt giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên dạy làm điều này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, không phải các ngài khuyên dạy làm điều này, nhưng chính là pháp khuyên dạy [654c] làm điều này. Như vậy, A-nan, một ít pháp hay có nhiều pháp thảy đều có thể được tồn tại lâu dài, và như vậy A-nan, các ngài sống hòa hiệp không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, sống an lạc như lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“Này A-nan, có vị nào đáng tôn kính chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, có vị xứng đáng được tôn kính.”

Vũ Thế bạch rằng:

“Bạch A-nan, những điều được nói sao lại trước sau không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo” để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có một Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để nay vị ấy đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì nay lại nói rằng ‘Có vị xứng đáng được tôn kính’?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Vũ Thế, Thế Tôn, bậc Tri kiến, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã có dạy về mười pháp đáng tôn kính [52]. Nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào có mười pháp này, chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”

“Những gì là mười?

“Này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát, lại khéo thu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực hành trì tăng thượng giới thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự bác văn, đối với những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, đối với các pháp như vậy, vị ấy học rộng nghe nhiều, tụng thuộc cho đến hằng nghìn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, hiểu sâu. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực đa văn thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ấy xứng đáng là thiện tri thức, xứng đáng là thiện bằng hữu, xứng đáng là người bạn đồng hành tốt. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự xứng đáng là thiện tri thức, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích đời sống viễn ly, thành tựu cả hai sự viễn ly là thân và tâm. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy [655a] Tỳ-kheo nào thật sự rất ưa thích đời sống viễn ly thì chúng tôi ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích sự tĩnh tọa, nội tâm thực hành tu chỉ [53], cũng không rời thiền tọa [54], thành tựu quán hạnh, [55] tăng ích đời sống nhàn cư [56]. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất ưa thích sự tĩnh tọa, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng trong hư không; cũng vậy, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tri túc thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành chuyên niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã tập hành từ lâu, những gì đã từng nghe từ lâu, hằng ghi nhớ không quên. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất chánh niệm thì chúng tôi thường ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu tập các thiện pháp, hằng tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố, đối với các gốc rễ thiện pháp không từ bỏ phương tiện. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tinh cần thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy, được như thật trí, bằng Thánh tuệ minh đạt, phân biệt thông suốt mà chân chánh diệt tận sự khổ. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực tu hành trí tuệ thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo các lậu đã diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào các lậu đã diệt tận, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

 “Lại nữa, này Vũ Thế, Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng thuyết mười pháp xứng đáng được tôn kính này. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào hành mười pháp này thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”

Lúc bấy giờ, [655b] đám đông ở đây cất cao tiếng lớn nói [57]:

“Có thể tu tập con đường chánh trực chứ không phải không thể tu. Bất cứ ai tu tập con đường chánh trực, chứ không phải không thể tu, thì vị ấy là A-la-hán ở trong đời, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự. Nếu các ngài có thể tu tập theo con đường chánh trực cần tu tập, thế thì trong đời các ngài là A-la-hán, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự.” [58]

Rồi Vũ Thế, Đại thần nước Ma-kiệt-đà cùng với đám tùy tùng hỏi:

“A-nan, nay ngài đang trú tại đâu?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Tôi đang trú tại Vương xá này, ở trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.”

“A-nan, Ca-lan-đà trong vườn Trúc thật là khả ái, đáng ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích. Ban ngày không ồn ào, ban đêm vắng lặng, không có muỗi mòng, ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. A-nan, ngài thích sống ở Ca-lan-đà trong Trúc lâm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thật vậy, Vũ Thế, Ca-lan-đà trong Trúc lâm rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Này Vũ Thế, tôi thích trú Ca-lan-đà trong Trúc lâm ấy. Vì sao? Vì được Tôn giả ủng hộ [59].”

Lúc ấy, đại tướng Bà-nan [60] cũng ở giữa đám đông ấy. Đại tướng Bà-nan thưa:

“Thật vậy, Vũ Thế, Ca-lan-đà trong Trúc lâm rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Tôn giả ấy thích trú tại Trúc lâm Ca-lan-đà. Vì sao vậy? –Vì Tôn giả này hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ [61].”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà nghe xong bèn nói:

“Này đại tướng Bà-nan, trước đây, khi Sa-môn Cù-đàm trú tại lạc viên Kim-tì-la [62], này đại tướng Bà-nan, lúc bấy giờ tôi nhiều lần đến thăm Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ, tán thán tất cả thiền tứ.”

Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:

“Vũ Thế, chớ nói rằng Sa-môn Cù-đàm tán thán tất cả thiền tứ. Vì sao vậy? Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ, nhưng có khi không tán thán.”

Vũ Thế, Đại thần nước Ma-kiệt, lại hỏi:

“A-nan, Sa-môn Cù-đàm không tán thán thiền tứ; nhưng không tán thán loại thiền tứ nào?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Vũ Thế, hoặc có người bị trói buộc bởi tham dục mà phát khởi tham dục, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi tham dục cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ [655c] mà trầm trọng thiền tứ [63]. Đó là loại thiền tứ thứ nhất mà Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, Vũ Thế, hoặc có người bị triền phược bởi sân nhuế mà móng khởi sân nhuế, không biết như thật sự xuất yếu, người ấy vì bị chướng ngại bởi sân nhuế cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ hai Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi thùy miên mà móng khởi thùy miên, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi thùy miên cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ ba mà Thế Tôn không tán thán.

“Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi nghi hoặc mà móng khởi nghi hoặc, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi nghi hoặc cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ tư Thế Tôn không tán thán.

“Này Vũ Thế, Thế Tôn không tán thán bốn loại thiền tứ này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng ghét, là những trường hợp đáng ghét, Sa-môn Cù-đàm không tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:

“A-nan, những loại thiền tứ nào được Sa-môn Cù-đàm tán thán?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Vũ Thế, tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Vũ Thế, Thế Tôn tán thán bốn loại thiền tứ này.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:

“Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng tán thán, là những trường hợp đáng tán thán, được Sa-môn Cù-đàm tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy. A-nan, tôi nhiều việc ứ đọng, xin phép cáo từ.”

Tôn giả A-nan nói:

“Xin cứ tùy ý.”

Rồi đại thần nước Ma-kiệt-đà Vũ Thế sau khi nghe Tôn giả A-nan nói, cẩn thận ghi nhớ, rời chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ba vòng rồi trở lui.

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đi không bao lâu, bạch rằng:

“Bạch A-nan, phải chăng những điều tôi hỏi đã không được trả lời?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:

“A-nan, tôi lại có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bèn hỏi rằng:

“A-nan, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, hai [64] giải thoát này có sự sai biệt nào và có sự thắng liệt nào chăng?”

 [656a]Tôn giả A-nan đáp:

“Này Mục-kiền-liên, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, hai giải thoát này không có sai biệt, cũng không có sự thắng liệt.”

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:

“Bạch A-nan, mong ngài ở lại đây dùng cơm.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.

Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên biết Tôn giả A-nan im lặng nhận lời bèn rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, tự tay lấy nước, rửa dọn các thức ăn rất tịnh diệu với các loại mềm và cứng rất thịnh soạn, tự tay châm chước cho đến no đủ. Ăn xong, dọn dẹp chén bát, dùng nước rửa xong, lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên nghe pháp. Tôn giả A-nan thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, [Tôn giả A-nan đứng dậy ra về] [65].

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà và Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

146. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Dị học Ti-lô [66] vào lúc sáng sớm ra khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi ngồi xuống một bên. Phật thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong rồi Phật ngồi im lặng.

Dị học Ti-lô sau khi được Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [67] ngồi trên cỗ xe trắng rất đẹp, cùng với năm trăm đệ tử, vào lúc sáng sớm, khi ra khỏi Xá-vệ, đi đến một khu rừng để dạy đệ tử tụng đọc kinh thơ. Bà-la-môn Sanh Văn từ xa trông thấy Dị học Ti-lô đi đến, bèn hỏi:

“Này Bà-ta [68], mới sáng sớm ông đã từ đâu về vậy?”

Dị học Ti-lô đáp:

“Này Bà-la-môn, tôi đi thăm Đức Thế Tôn, lễ sự, cúng dường rồi về đây.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Ông có biết Sa-môn Cù-đàm ở nơi trống vắng yên tĩnh học trí tuệ chăng [69]?”

Dị học Ti-lô đáp:

“Bà-la-môn, hạng người nào mà có thể biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh [656b] học trí tuệ? Này Bà-la-môn, nếu biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh, học trí tuệ thì cũng phải bằng Thế Tôn. Nhưng, này Bà-la-môn, kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa [70] và do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin tưởng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng.

“Này Bà-la-môn, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi rảo trong một khu rừng, ở giữa rừng cây nhìn thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, người ấy nhất định tin tưởng con voi này phải là rất lớn mới có dấu chân như vậy. Này Bà-la-môn, tôi cũng như vậy. Trong kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa, do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Bốn cú nghĩa ấy là thế nào?

“Này Bà-la-môn, các luận sĩ Sát-lị có trí tuệ, học rộng, quyết định [71], có thể khuất phục người đời, không thứ gì là không biết, rồi đem những điều được thấy mà tạo tác văn chương, lưu hành trong thế gian. Họ nghĩ như vầy, ‘Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Bà-la-môn, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ nhất này. Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện. Thánh Chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Cũng vậy, những Bà-la-môn có trí tuệ, những Cư sĩ có trí tuệ, những luận sĩ Sa-môn có trí tuệ, đa văn, quyết định, có khả năng khuất phục người đời, không điều gì là không biết, rồi đem những điều được thấy tạo tác văn chương lưu hành thế gian. Họ nghĩ như vầy, ‘Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Bà-la-môn, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ tư này. [72] Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.

“Này Bà-la-môn, kinh thơ mà tôi được đọc có bốn cú nghĩa này. Tôi do bốn cú nghĩa này mà nhất định tin tưởng rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng.”

Bà-la-môn Sanh Văn nói rằng:

“Này Bà-ta, ông thật hết sức cúng dường Sa-môn Cù-đàm. [656c] Do sở nhân, sở duyên này mà hoan hỷ phụng hành.”

Dị học Ti-lô đáp:

“Này Bà-la-môn, thật vậy, thật vậy, tôi hết sức cúng dường Đức Thế Tôn ấy và cũng hết sức tán thán. Tất cả thế gian cũng nên cúng dường.”

Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sanh Văn trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ:

“Nam mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Ba lần như vậy xong, trở lên cỗ xe trắng rất đẹp, đi đến rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Đến chỗ xe có thể đi được, rồi xuống xe đi bộ, tiến về chỗ Phật, chào hỏi xong ngồi xuống một bên, đem câu chuyện mà Bà-la-môn Sanh Văn vừa thảo luận với dị học Ti-lô, kể lại hết cho Phật nghe.

Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Bà-la-môn, Dị học Ti-lô nói thí dụ về dấu chân voi chưa được hoàn hảo, chưa được trọn vẹn. Thí dụ về dấu chân voi mà được nói một cách hoàn hảo, trọn vẹn để Ta nói cho ông nghe. Hãy khéo nghe kỹ.

“Này Bà-la-môn, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi vào trong một khu rừng, ở giữa đám cây rừng, nhìn thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, ông có thể tin rằng con voi kia phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“ [73]Này Bà-la-môn, thợ săn voi rành nghề ấy, hoặc giả không tin, vì rằng trong khu rừng ấy còn có một loại voi cái được gọi là Gia-lê-nậu [74], thân thể rất cao lớn hơn, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân. Lại thấy dấu chân voi rất lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“Này Bà-la-môn, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong khu rừng ấy lại còn có loại voi cái được gọi là Gia-la-lê [75], thân thể rất cao lớn hơn nữa, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân này, lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.

“Này Bà-la-môn, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong rừng này còn có loại voi cái được gọi là Bà-hòa-nậu [76], thân thể rất cao lớn hơn nữa, nó có dấu chân này. Bèn đi tìm dấu chân này. Lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân này. Thợ săn sau khi tìm theo dấu chân, thấy dấu chân voi rất lớn. Dấu chân voi rất lớn, vuông vức, rất dài, rất rộng, toàn thể chu vi bàn chân lún sâu xuống đất, và thấy con voi ấy hoặc đi lui, hoặc đi tới, hoặc dừng lại, hoặc chạy, hoặc đứng, hoặc nằm. Thấy con voi ấy rồi bèn nghĩ ‘Nếu có dấu chân lớn ấy tất phải con voi lớn này’.

“Này Bà-la-môn, cũng vậy, nếu trong đời xuất hiện Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn; vị ấy đối với thế gian này, gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến người, [657a] mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, trọn đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, pháp được vị áy thuyết giảng, hoặc Cư sĩ, hoặc con nhà Cư sĩ, nghe xong được tín tâm. Sau khi ở trong chánh pháp luật của Như Lai mà được tín tâm rồi, bèn nghĩ rằng ‘Tại gia chật hẹp, đầy những nhọc nhằn bụi bặm. Đời xuất gia học đạo rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị những phiền lớn khóa chặt, không được trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo’.

“Người ấy về sau hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo. Vị ấy sau khi xuất gia, từ giã thân thuộc, thọ yếu pháp Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ Biệt giải thoát; lại khéo thu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy những lỗi nhỏ nhặt cũng thường đem lòng lo sợ, thọ trì học giới.

“Người ấy lìa bỏ sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy của được cho, vui trong sự lấy của được cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không trông chờ báo đáp. Người ấy đối với sự lấy của không cho, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh cần diệu hạnh thanh tịnh vô uế, ly dục, đoạn dâm. Người ấy đối với sự phi phạm hạnh tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói láo, đoạn trừ nói láo, nói lời chắc thật, an trụ trên sự thật không di động, nói tất cả những lời đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Người ấy đối với sự nói láo, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, sống không hai lưỡi, không phá hoại người khác. Không nghe người này nói lại người kia để phá hoại người này. Không nghe từ người kia nói lại người này để phá hoại người kia. Chia rẽ thì làm cho hòa hợp, đã hòa hợp thì làm cho hoan hỷ. Không kết bè đảng, không vui theo bè đảng, không ca ngợi việc kết bè đảng. Người ấy đối với hai lưỡi, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa lời nói cộc cằn, đoạn trừ nói cộc cằn. Nếu có lời nói nào mà lời lẽ thô lỗ, tiếng dữ chói tai, mọi người không vui, mọi người không thích, khiến người khác khổ não, [657b] khiến không được định, vị ấy đoạn trừ những lời như vậy. Nếu có những lời nào mà ôn hòa, mềm mỏng, nghe lọt tai, thấm vào lòng, đáng ưa, đáng thích, khiến người khác an ổn, lời tiếng rõ ràng đầy đủ, không khiến người sợ, khiến người được định. Vị ấy nói những lời như vậy. Người ấy đối với sự nói cộc cằn, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa nói phù phiếm, đoạn trừ nói phù phiếm; nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói tịch tịnh, nói sự ưa thích tịch tịnh, hợp sự việc, hợp thời cơ, khéo khuyến giáo, khéo khiển trách. Người ấy đối với sự nói phù phiếm, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa việc buôn bán, dẹp bỏ cân đong và đấu hộc; cũng không nhận hàng hóa, không buộc trói người, không mong đong lừa, cân thiếu, không vì lợi nhỏ mà xâm hại, gạt gẫm người. Người ấy đối với sự buôn bán, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ. Đối với sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, người ấy tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận nô tỳ, đoạn trừ sự thâu nhận nô tỳ. Người ấy đối với sự thâu nhận nô tỳ, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, đoạn trừ sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê. Người ấy đối với sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận gà, heo, đoạn trừ sự thâu gà, heo. Người ấy đối với sự thâu nhận gà, heo, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, đoạn trừ sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá. Người ấy đối với sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, đoạn trừ sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống. Người ấy đối với sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Người ấy đối với sự uống rượu, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa giường cao rộng lớn, đoạn trừ giường cao rộng lớn. Người ấy đối với giường cao rộng lớn, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp. Người ấy đối với tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe; đoạn trừ ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Người ấy đối với ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự thâu nhận tiền bạc, đoạn trừ sự thâu nhận tiền bạc. Người ấy đối với sự thâu nhận tiền bạc, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy xa lìa sự ăn quá giữa trưa, đoạn trừ sự ăn quá giữa trưa. Người ấy đối với sự ăn quá giữa trưa, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này rồi, lại sống hết sức tri túc, áo chỉ cốt che thân, ăn chỉ cốt nuôi thân, du hành đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc, cũng như con nhạn mang theo đôi cánh [657c] bay liệng trong không.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc rồi, lại thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín [77], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị [78] của sắc. Do nguyên nhân gì [79] mà khi nhãn căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, vị ấy hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Do nguyên nhân gì mà khi ý căn không được thủ hộ thì trong tâm sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, hãy hướng đến kia mà thủ hộ ý căn.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn rồi, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.

“Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn, biết rõ chân chánh sự ra vào rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Người ấy sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm [80], đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Người ấy đối với tham lam, tâm được tịnh trừ.

“Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Người ấy đoạn trừ năm triền cái này, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, thân cảm lạc thọ, điều mà Thánh nói là Thánh sở xả niệm lạc trụ thất, đạt đến Tam thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, [81] nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là [658a] toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Rồi người ấy lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, đạt đến Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Người ấy sau khi đạt đến định tâm như vậy, thanh tịnh, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, thú hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Người ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo, biết như thật đây là lậu, biết như thật đây là lậu tận, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo.

“Người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi thì biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, Người ấy lấy đây làm cứu cánh để nói rằng ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh Chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng’.

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Thí dụ về dấu chân voi như vậy là khéo trình bày, được trọn vẹn chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay tự quy y cho đến mạng tận [82].”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn và Dị học Ti-lô sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

147. KINH VĂN ĐỨC [83]

 [658b2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [84], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, muốn hỏi gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn bèn hỏi:

“Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, hoặc có người tại gia, hoặc có người xuất gia học đạo, nhưng vì mục đích gì mà bác văn, tụng tập?”

Thế Tôn đáp:

“Đệ tử của Ta, hoặc tại gia hay xuất gia học đạo mà bác văn, tụng tập là muốn tự điều phục, muốn tự tịch tịnh, tự tìm cầu cứu cánh tịch diệt. Này Bà-la-môn, đệ tử của Ta tại gia hay xuất gia học đạo vì mục đích này mà bác văn tụng tập.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Này Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt chăng? Bác văn tụng tập có công đức chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, bác văn tụng tập có sự sai biệt, bác văn tụng tập cũng có công đức.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt gì? Có công đức gì?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp cốt để mưu cầu lợi ích, nhưng công nghiệp của họ thất bại, không thành. Khi những công nghiệp của họ thất bại không thành, họ không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình, áo não; cũng không phát cuồng. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp mà những công nghiệp ấy thất bại không thành; dù những công nghiệp ấy đã thất bại không thành, họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não; cũng không phát si phát cuồng, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có những gì yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có những gì yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt, chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử biết rằng [658c] những tài vật sở hữu này thảy đều vô thường, nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu thảy đều vô thường nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng tài vật sở hữu thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng những sở hữu tài vật thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình sống không gia đình học đạo, này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có thể nhẫn nại đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các thứ bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có thể kham nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc. Khi những điều không hoan lạc đã sanh, trong lòng không hề bị vướng bận. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc; những điều không hoan lạc đã sanh, trong tâm không hề bị vướng bận, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi. [85] Khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề bị vướng bận. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi, khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề vướng bận, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử khi sanh khởi ba niệm ác bất thiện là: [86] niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này, trong tâm không hề bị dính trước. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử phát sanh ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này mà trong tâm không hề bị dính trước, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, [659a]cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử mà ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian thiên thượng rồi đoạn tận khổ biên. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian và thiên thượng rồi đoạn tận khổ biên, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, nộ và si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, và nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà [87] thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Này Bà-la-môn, nếu đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.

“Lại nữa, đa văn Thánh đệ tử với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này Bà-la-môn, đa văn Thánh đệ tử này với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, [659b] túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’, thì này Bà-la-môn, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bác văn tụng tập có sự sai biệt này, có công đức này. Còn có sự sai biệt nào, còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa chăng?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, bác văn tụng tập này có sự sai biệt này và với công đức này không còn có sự sai biệt, không còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa.”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời quy y cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

148. KINH HÀ KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn [88], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn bèn hỏi:

“Cù-đàm, người tại gia có những sự khổ nào? [89] Và người xuất gia có những khổ nào?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Người tại gia vì không được tự do mà khổ. Người xuất gia vì tự do mà khổ.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao người tại gia vì không được tự do mà khổ? Và tại sao người xuất gia vì tự do mà khổ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu người tại gia mà tiền tài không tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh thảy đều không tăng trưởng; súc mục, lúa, gạo cùng nô tỳ, sai dịch cũng không tăng trưởng; lúc bấy giờ người tại gia ưu sầu, khổ não. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng mang nhiều sầu bi.

“Này Bà-la-môn, nếu người xuất gia học đạo [659c] mà sống theo dục vọng, theo sân nhuế, ngu si, lúc bấy giờ xuất gia học đạo có nhiều ưu sầu khổ não. Do sự kiện này mà có người xuất gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng chất nhiều sầu bi.

“Này Bà-la-môn, như vậy người tại gia vì không được tự do mà khổ, và người xuất gia học đạo vì tự do mà khổ.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại gia có những gì là hoan lạc? Và xuất gia học đạo có những gì là hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Tại gia vì tự do mà được hoan lạc, xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc”.

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao tại gia vì tự do mà được hoan lạc? Và tại sao xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu người tại gia mà được tiền tài tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh đều được tăng trưởng; súc mục, lúa gạo và nô tỳ, sai dịch cũng đều được tăng trưởng. Lúc bấy giờ tại gia là khoái lạc, hoan hỷ. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, người xuất gia học đạo sống không tùy theo dục vọng, không tùy theo sân nhuế, lúc bấy giờ xuất gia học đạo là khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này mà người xuất gia học đạo có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, như vậy người tại gia vì tự do mà được hoan lạc, người xuất gia vì không tự do mà được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại nhất định không có lợi nghĩa? Do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại tất có lợi nghĩa?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, tại sao nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa? Và tại sao chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, lúc nào Chư Thiên, nhân loại đấu tranh thù nghịch, lúc bấy giờ chư Thiên, nhân loại có ưu tư, khổ nhọc, sầu bi. Do sự kiện này mà chư Thiên và Nhân loại có nhiều ưu tư khổ nhọc, sầu bi. Nếu lúc nào chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh thù nghịch, bấy giờ chư Thiên và Nhân loại được khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này, chư Thiên và Nhân loại có nhiều khoái lạc hoan hỷ.

“Này Bà-la-môn, như vậy chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên, nhân loại nhất định không được lợi ích, phải [660a] gặp khổ nhọc? Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên và Nhân loại tất được lợi ích, tất được hoan lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp, làm điều dữ, tất không được lợi ích, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại hay sống đúng như pháp, không làm dữ, tất được lợi ích, tất được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp và làm điều dữ để nhất định không được lợi ích, nhất định phải khổ nhọc? Thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp và không làm điều dữ để nhất định đượclợi ích, được hoan lạc?”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, chư Thiên và Nhân loại thân làm điều phi pháp và làm điều dữ, miệng và ý làm điều phi pháp và làm điều dữ, lúc bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ tổn giảm, A-tu-la tất sẽ hưng thạnh. Này Bà-la-môn, nếu chư Thiên và Nhân loại mà thân làm đúng như pháp, thủ hộ thân và ý làm đúng như pháp, thủ hộ miệng và ý, thì bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ hưng thạnh, A-tu-la tất sẽ tổn giảm.

Này Bà-la-môn, như vậy chư Thiên và Nhân loại nếu sống bằng phi pháp và làm điều dữ, tất không được ích lợi, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp, không làm điều dữ, tất được ích lợi, tất được hoan lạc.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, nên quán sát ác tri thức như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Thế nào là quán sát ác tri thức như mặt trăng?”

Thế Tôn đáp:

“Như mặt trăng dần đến biến mất, càng ngày càng giảm, vành trăng cũng giảm, ánh sáng cũng giảm, hình sắc cũng giảm, càng lúc càng khuyết dần.

Này Bà-la-môn, rồi đến một lúc mặt trăng biến mất hẳn, không còn thấy nữa. Này Bà-la-môn, người ác tri thức đối với chánh pháp luật của Như Lai cũng có được tín tâm, nhưng người ấy được tín tâm rồi, về sau lại không hiếu thuận, cũng không cung kính, hành vi trái ngược, không vững chánh trí, không hướng đến pháp tùy pháp; người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn.

Này Bà-la-môn, cho đến lúc thiện pháp nơi ác tri thức ấy hoàn toàn tiêu diệt, cũng như mặt trăng mất hút. Này Bà-la-môn, như vậy hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, nên quán sát thiện tri thức như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.”

Bà-la-môn Sanh Văn lại hỏi:

“Cù-đàm, [660b] thế nào là quán sát thiện tri thức như mặt trăng?”

 Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, cũng như mặt trăng trong thời mới mọc, còn non, trong vắt, càng ngày càng tăng trưởng. Này Bà-la-môn, cho đến một lúc, vào ngày mười lăm trong tháng, vành trăng tròn đầy. Này Bà-la-môn, cũng vậy, thiện tri thức đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm, người ấy được tín tâm rồi, sau đó lại có hiếu thuận, cung kính, hành vi tùy thuận, vững vàng trên chánh trí, hướng đến pháp tùy pháp. Người ấy lúc bấy giờ tăng trưởng tín, trì giới, bác văn, thí xả, trí tuệ cũng tăng trưởng. Này Bà-la-môn, cho đến một lúc, thiện pháp nơi thiện tri thức ấy được trọn đủ như mặt trăng ngày rằm vậy. Này Bà-la-môn, như vậy hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng này: [90]

Như thể trăng tròn không bợn,

Du hành trong khoảng hư không;

Sáng lấp muôn ngàn tinh đẩu,

Rạng ngời một cõi mênh mông.

Cũng vậy, tín tâm, bác văn,

Thi ân, độ lượng, bao dung;

Sáng lấp trần gian bỏn sẻn,

Rạng ngời thí xả mênh mông.

Như thể đại long thần lực,

Kéo mây, nổi sóng, điện giăng,

Mưa đổ nước trào lai láng,

Tràn đầy mặt đất mênh mông.

Cũng vậy, tín tâm, bác văn,

Thi ân, độ lượng, bao dung,

Ẩm thực cho người no đủ,

Hằng khuyên thí xả gia tăng.

Như thể sấm truyền vang dội,

Như trời hắt trận mưa rào;

Phước thí như mưa quảng đại,

Cơn mưa thí chủ dâng cao.

Đời này tiền tài, danh dự,

Đời sau cõi thiện sanh lên,

Phước báo người này lãnh thọ,

Chết rồi tất sẽ sanh thiên.

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. [91]

149. KINH HÀ DỤC

 [660c2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.”

Đức Thế Tôn nói:

“Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi rằng:

“Cù-đàm, người Sát-lị ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập bằng cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì [92]?”

Thế Tôn đáp:

“Người Sát-lị ước muốn được tài vật, thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng gươm dao [93], y cứ trên nhân dân [94], lấy tự do làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Người Cư sĩ ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Người Cư sĩ ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kỹ thuật. Y cứ trên nghề nghiệp. Lấy sự cứu cánh của nghề nghiệp làm mục đích”.

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, đàn bà ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Đàn bà ước muốn được đàn ông. Thực hành sự trang điểm. Thiết lập bằng con cái. Y cứ trên sự không đối thủ [95]. Lấy tự do làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, trộm cướp ước muốn cái gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?

Thế Tôn đáp:

“Trộm cướp ước muốn lấy của không cho. Thực hành nơi chỗ lén lút. Thiết lập bằng gươm dao. Y cứ nơi bóng tối. Lấy sự không bị khám phá làm mục đích “.

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Cù-đàm, người Bà-la-môn ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Người Bà-la-môn ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kinh thơ [96]. Y cứ trên trai giới [97]. Lấy Phạm thiên làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn hỏi:

“Sa-môn ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?”

Thế Tôn đáp:

“Sa-môn ước muốn được chân lý [98], thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng giới, y cứ trên vô xứ [99], lấy Niết-bàn làm mục đích.”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay con trọn đời tự quy y cho đến lúc mạng tận.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

150. KINH UẤT-SẤU-CA-LA

 [661a2] Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la [100], sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Thế Tôn nói:

“Hãy cứ tùy ý mà hỏi.”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bèn hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập bốn loại phụng sự [101] cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ [102], cho Công sư [103].

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, tức là Bà-la-môn phải phụng sự Bà-la-môn; Sát-lị, Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự Bà-la-môn. Này Cù-đàm, bốn chủng tánh này phải phụng sự Bà-la-môn.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị tức là Sát-lị phải phụng sự cho Sát-lị; Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự cho Sát-lị. Này Cù-đàm, ba chủng tánh này phải phụng sự Sát-lị.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Cư sĩ, tức là Cư sĩ phải phụng sự Cư sĩ, Công sư cũng phải phụng sự Cư sĩ. Này Cù-đàm, hai chủng tánh này phải phụng sự cho Cư sĩ.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại phụng sự cho Công sư, tức là Công sư phải phụng sự Công sư. Ai thấp hèn hơn nữa để được chủ trương phải phụng sự Công sư? Duy chỉ có Công sư phụng sự Công sư.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bà-la-môn, các Bà-la-môn có được nhận biết [104] khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh này; thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Không biết rõ, Cù-đàm. Nhưng các Bà-la-môn tự nói như vầy, ‘Ta ở trong đời này, bao gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, là Bà-la-môn thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, thiết lập loại phụng sự cho Cư sĩ, thiết lập loại phụng sự cho Công sư, nhưng không được nhận biết.’ ”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, cũng như một người đưa cho người khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn, hãy ăn đi và hãy trả tiền cho tôi’. Này Bà-la-môn, ngươi nói cho các Bà-la-môn ấy cũng giống như vậy. Vì sao? Vì Bà-la-môn không được nhận biết khi thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại phụng sự cho Bà-la-môn, thiết lập loại phụng sự cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, [661b] phụng sự như thế nào? Có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà chỉ có hạ liệt, chứ không có sự ưu thắng; ông nói loại phụng sự này chăng? Có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng, chứ không có sự hạ liệt; ông nói loại phụng sự này chăng?

“Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng?

“Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?”

Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Nếu tôi phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên theo loại phụng sự này.

“Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.”

Thế Tôn nói:

“Này Bà-la-môn, nếu lại có một Bà-la-môn đến đây, người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, rồi Ta hỏi Bà-la-môn ấy rằng: ‘Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự, do loại phụng sự ấy mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự, do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn, do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng. Loại phụng sự này chăng? Nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt. Loại phụng sự này chăng?’

“Này Bà-la-môn, nếu người Bà-la-môn ấy không phải ngu, không phải si, không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, người ấy sẽ trả lời Ta rằng: ‘Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự hạ liệt chứ không có sự ưu thắng, tôi không nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà có sự ưu thắng chứ không có sự hạ liệt, tôi nên phụng sự như vậy.’ ”

Rồi Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, văn, thí xả và tuệ. Loại phụng sự này chăng? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả [105] và trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Này Bà-la-môn, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ. Loại phụng sự này chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy.

“Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi không nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy. Nếu phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ, tôi nên phụng sự như vậy.”

Thế Tôn [662a] nói:

“Này Bà-la-môn, nếu có một Bà-la-môn đến đây, người ấy không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại và Ta hỏi Bà-la-môn ấy rằng, ‘Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao? Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? ‘Nếu có loại phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng?

“Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? Nếu phụng sự Bà-la-môn và sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng? Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; loại phụng sự này chăng?’

“Này Bà-la-môn, nếu Bà-la-môn này không phải ngu, không phải si, cũng không phải điên đảo, tâm không điên đảo, tự do tự tại, tất cũng sẽ trả lời Ta như vậy, rằng: ‘Này Cù-đàm, nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Nếu tôi phụng sự và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà mất tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi không nên phụng sự như vậy. Này Cù-đàm, nếu phụng sự Bà-la-môn và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy. Phụng sự Sát-lị, Cư sĩ, Công sư và do sự phụng sự này mà gia tăng tín, giới, bác văn, thí xả, trí tuệ; tôi nên phụng sự như vậy.’ ”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bạch rằng:

“Bà-la-môn thiết lập bốn loại tài vật tự hữu [106] cho bốn chủng tánh, tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, Cư sĩ, Công sư.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương rằng, tài vật tự hữu của Bà-la-môn do khất cầu [107]. Nếu Bà-la-môn khinh mạn sự khất cầu, tức là khinh mạn [662b] tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò không thể trông chừng bò, tức là thất lợi. Cũng vậy, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Bà-la-môn là do khất cầu. Nếu Bà-la-môn khinh mạn sự khất cầu tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Sát-lị là cung tên. Nếu Sát-lị khinh mạn cung tên tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Nếu khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng được bò, tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật của Sát-lị là cung tên, nếu Sát-lị khinh mạn cung tên tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Cư sĩ là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Cư sĩ là nông nghiệp [108]. Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng được bò tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Cư sĩ là nông nghiệp. Nếu Cư sĩ khinh mạn nông nghiệp tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.

“Này Cù-đàm, Bà-la-môn thiết lập loại tài vật tự hữu cho Công sư là, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Công sư là gai [109]. Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi. Cũng như người chăn bò mà không thể trông chừng bò được, tức là thất lợi. Cũng vậy, này Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương tài vật tự hữu của Công sư là gai. Nếu Công sư khinh mạn gai tức là khinh mạn tài vật tự hữu. Khinh mạn tài vật tự hữu tức là thất lợi.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bà-la-môn, các Bà-la-môn có tự nhận biết [110] khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh, nghĩa là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Không tựnhận biết, bạch Cù-đàm, nhưng các Bà-la-môn tự nói rằng ‘Ta ở trong đời này, bao gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời, Bà-la-môn, không được nhận biết khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh tức là thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bà-la-môn, cũng như một người đưa cho một người khác một miếng thịt, bắt ép và nói rằng ‘Này ông bạn, hãy ăn và hãy trả tiền cho tôi. Này Bà-la-môn, ngươi nói cho các Bà-la-môn cũng giống như vậy’. Vì sao? Vì các Bà-la-môn không được nhận biết khi thiết lập bốn loại tài vật tự hữu cho bốn chủng tánh tức thiết lập loại tài vật tự hữu cho Bà-la-môn, thiết lập loại tài vật tự hữu cho Sát-lị, cho Cư sĩ, cho Công sư.

“Nhưng, này Bà-la-môn, Ta được nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.” [111]

Rồi Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp nào mà hư không này chỉ là sự không dính trước, không trói buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Bà-la-môn mà thôi, chứ không đối với Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Này Cù-đàm, hư không này vốn không dính trước, không trói buộc, không xúc chạm, không ngăn ngại đối với Bà-la-môn, đối với Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Có trường hợp nào chỉ riêng Bà-la-môn mới có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tranh; còn Sát-lị, Cư sĩ và Công sư thì không thể chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, Bà-la-môn có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tranh. Sát-lị, Cư sĩ, Công sư cũng vậy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, nếu những người thuộc trong chủng tánh khác nhau cùng đến đây và giả sử có một người nói với những người ấy rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây, nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì chỉ những người ấy mới có thể mang bột tắm [112] đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ’. Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có những người thuộc chủng tộc Sát-lị hay Bà-la-môn mới có thể mang bột tắm đi tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho sạch sẽ và những người thuộc chủng tộc Cư sĩ hay không Công sư không thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ chăng? Hay tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đi đến nước để tắm rửa, trừ khử dơ bẩn cho thật sạch sẽ.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biết, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người, đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giác đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những người trong trăm chủng tộc khác nhau cùng đến đây và giả sử có một người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, thì những người ấy mới có thể dùng cây chiên đàn và sa-la thật khô làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy’. Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, những người này mới có thể dùng cây chiên đàn và sa-la thật khô làm mồi lửa, lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy? Còn những người thuộc chủng tộc Cư sĩ hay Công sư phải lấy ván máng heo, máng chó khô, cây Y-lan-đàn và các thứ gỗ xấu khác để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy? Hay tất cả những người trong chủng tộc khác đều có thể dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Cù-đàm, tất cả những người trong chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự nhận biêt, thấu triệt khi thiết lập loại tài vật tự hữu cho mọi người. Đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, những người trong chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào công việc lửa. Có trường hợp nào chỉ độc nhất loại này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào công việc lửa? Hay chỉ độc nhất loại lửa kia không có ngọn, không có màu sắc, không có sức nóng, không có ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa? Hay tất cả thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng, có thể dùng vào việc lửa?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp rằng:

“Cù-đàm, những người trong trăm chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy. Tất cả những thứ lửa ấy đều có [663b] ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào việc lửa. Nếu nói độc nhất chỉ có loại lửa này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng và có thể dùng vào việc lửa, trường hợp này không thể có.Và nếu nói rằng độc nhất loại lửa kia không có ngọn, không có màu sắc, không có sức nóng, không có ánh sáng, không thể dùng vào việc lửa, trường hợp này cũng không thể có. Nhưng tất cả thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng và đều có thể dùng vào việc lửa.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, Ta tự mình biết rõ, thấu triệt khi thiết lập tài vật tự hữu cho mọi người. Đó là pháp tịch tịnh, pháp tịch diệt, pháp giáo đạo, pháp thiện thú.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Bà-la-môn, ý ngươi nghĩ sao? Nếu những người trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy, và giả sử có người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào trong lửa, bốc cháy thành ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng, thành khói. Có trường hợp nào mà ngọn, màu sắc, sức nóng và khói của lửa này khác với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói của lửa kia khác nhau chăng?”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la đáp:

“Cù-đàm, nếu những người trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể dùng bất cứ loại cây gỗ nào để làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát lửa và bùng cháy, và giả sử có người mang cỏ khô hay cây khô bỏ vào trong lửa, bốc cháy thành ngọn, thành màu sắc, thành sức nóng, thành khói, thì tôi đối với ngọn, với màu sắc, sức nóng và khói của kửa kia không cho rằng có sự khác nhau.”

Thế Tôn nói:

“Cũng vậy, lửa mà Ta đạt được, sự không phóng dật mà Ta đạt được có khả năng đốt cháy sự phóng dật và mạn cống cao. Ta đối với lửa này hay lửa kia, không hề chủ trương có sự sai biệt.”

Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến mạng tận.”

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Uất-sấu-ca-la sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

151. KINH PHẠM CHÍ A-NHIẾP-HÒA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ có một số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này:

“Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, [663c] ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói, bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh. Ông tuyên bố như vậy, hiển thị như vậy.”

Những vị ấy nghĩ như thế này:

“Này Chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?”

Họ lại nghĩ như thế này:

“A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp [113] có cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh [114] thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, [115] nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển [116], thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm và cú thuyết [117]. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn. Này Chư Hiền, hãy đến A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp để nói sự kiện này. Tùy theo những gì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói, chúng ta sẽ ghi nhận.”

Rồi số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la đi đến chỗ A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói rằng:

“Này Ma-nạp, chúng tôi một số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói: bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh. Ông tuyên bố như vậy, hiển thị như vậy’. Những vị ấy nghĩ như thế này, ‘Này Chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?’ Họ lại nghĩ như thế này, ‘A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp được cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện ngũ, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn.’ ”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với các Bà-la-môn rằng:

“Này Chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Nếu đúng như pháp mà thuyết pháp thì không thể cật vấn.”

Số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la [664a] nói rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi chưa bị khuất phục thì chưa thể tự mình chịu khuất phục trước. Vì sao? Vì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp do cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn bộ kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bèn im lặng nhận lời số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la.

Rồi A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng với số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la đến chỗ Phật, cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho chăng?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, hãy tùy ý mà hỏi.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, các Bà-la-môn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Nhưng chưa biết Sa-môn Cù-đàm sẽ nói như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Này Ma-nạp, ngươi có nghe nói ở nước Dư-ni [118] và Kiếm-phù [119] chỉ có hai chủng tánh là chủ nhân và tôi tớ; sau khi làm chủ nhân, lại trở thành tôi tớ; sau khi làm tôi tớ lại trở thành chủ nhân chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe tại hai nước Dư-ni và Kiếm-phù có hai chủng tánh, chủ nhân và tôi tớ; chủ nhân làm tôi tớ, tôi tớ làm chủ nhân.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ độc nhất có [664b] Bà-la-môn đối với hư không này mà không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; còn Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy sao? [120]”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn đối với hư không này không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có Bà-la-môn mới có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh? Còn Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư cũng như vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước mà tắm, tắm rửa thật sạch cấu bẩn’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chúng tộc Công sư, những người này không thể mang bột tắm đến nước mà tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn? Hay tất cả mọi người trong một trăm chủng tộc khác nhau vẫn có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na [664c] Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn.

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các người hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lị hay chủng tộc Bà-la-môn, chỉ những người ấy mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lị và chủng tộc Bà-la-môn, những người này mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chủng tộc Công sư, những người này cũng sẽ dùng nhánh sa-la rất khô, hay gỗ chiên đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên? Hay những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại gì mà làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồ lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ông nghĩ sao? Nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào [665a] làm mồi lửa rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên, phải chăng tất cả lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay chỉ độc nhất thứ lửa này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay độc nhất thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng, không thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay tất cả thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau ấy đều dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên. Tất cả những thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại. Nếu độc nhất chỉ thứ lửa kia có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào công việc của lửa, trường hợp này không thể có. Nếu độc nhất chỉ có thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng và không thể dùng vào các công việc của lửa, cũng không có trường hợp đó. Bạch Cù-đàm, nhưng tất cả những thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Bà-la-môn có thú hướng chân chánh thì Bà-la-môn ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Bà-la-môn vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu thân này được thọ sanh vào đâu, thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn, nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư, nó được kể là chủng tộc Công sư.

“Này Ma-nạp, cũng như tùy theo lửa được phát sanh như thế nào thì được kể thuộc loại đó, tức đó là tên gọi của lửa. Nếu nhân nơi cây mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cây. Nếu nhân nơi cỏ rác hay củi mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cỏ, lửa rác, lửa củi.

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn, nó được gọi là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được gọi là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu con gái của Sát-lị cùng con trai của Bà-la-môn hiệp hội với nhau, họ do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không [665b] giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Sát-lị chăng? Là Bà-la-môn chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Sát-lị cùng con trai của Bà-la-môn hiệp hội với nhau, do sự hiệp ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói là Sát-lị, cũng không nói là Bà-la-môn. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói là thân khác”. [121]

“Này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu con gái của Bà-la-môn cùng con trai của Sát-lị hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Bà-la-môn chăng? Là Sát-lị chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Bà-la-môn cùng con trai của Sát-lị hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói nó là Bà-la-môn, cũng không nói nó là Sát-lị. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là thân khác.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu một người có nhiều ngựa cái, người ấy thả một con lừa đực vào trong đám ngựa cái ấy, chúng cùng con lừa đực hiệp hội, do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con ngựa câu. Ý ngươi nghĩ sao? Nó là con lừa chăng? Là con ngựa chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu ngựa và lừa hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh ngựa câu. Con không nói nó là lừa, cũng không nói nó là ngựa. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là con la.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Bà-la-môn thì nó được kể là chủng tộc Bà-la-môn. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lị, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại nói rằng:

“Này Ma-nạp, thuở xưa có nhiều vị Tiên nhân [122] sống trên một chỗ cao của rừng vắng. Họ sinh ra ác kiến như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không có ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, [665c] sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Khi ấy, A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la [123] nghe có nhiều Tiên nhân sống trên một chỗ cao của rừng vắng đã sinh ra ác kiến như thế này rồi, ông khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng [124], không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất.

“Rồi trên chỗ cao của khu rừng vắng, nói có nhiều Tiên nhân sống chung này, có một Tiên nhân thấy A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất. Thấy vậy rồi, ông này bèn đến chỗ những Tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng này và nói như thế này, ‘Này Chư Hiền, nay có một người khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của Tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất chúng ta nên đến mà chú thuật nó rằng, ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’

“Rồi số đông các Tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng vắng bèn đến chỗ A-tư-la Tiên nhân Đề-bệ-la. Đến rồi, dùng thần chú: ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, như vậy, như vậy... rồi, nhưng vị ấy sắc mặt càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi.

“Chúng Tiên nhân kia liền nghĩ như thế này, ‘Trước kia chúng ta dùng thần chú ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, mà hễ chú đến người nào thì người ấy trở thành tro. Nay chúng ta chú người này ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, chúng ta dùng đúng theo thần chú ấy để chú người này, mà sao sắc mặt y càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi? Ta nên hỏi xem’.

“Họ bèn hỏi:

“–Ông là ai?

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la đáp rằng:

“–Này Chư Hiền, các ngươi có nghe đến A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la chăng?

Đáp rằng:

“–Chúng tôi có nghe đến A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la.

“Lại nói rằng:

“–Chính là ta đó.

“Các vị Tiên nhân kia liền cùng nhau xin lỗi A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la rằng:

“–Mong tha thứ cho. Vì chúng tôi không biết Tôn giả là A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la.

“Khi ấy, A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la nói với các vị Tiên nhân kia:

“–Ta đã tha thứ rồi. Có thật các người sinh ác kiến này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn rắng, ngoài ra đều là đen. Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, [666a] được hóa sanh bởi Phạm thiên’ không?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Quả như vậy.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ cha mình chăng?

“Các Tiên nhân đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Bà-la-môn ấy lấy vợ là người Bà-la-môn, chứ không lấy người không phải Bà-la-môn. Cha của cha ấy, cho đến bảy đời đều lấy vợ là người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân kia rằng:

“–Các ông có biết rõ mẹ mình chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Bà-la-môn ấy lấy chồng là người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn. Mẹ của mẹ ấy, cho đến bảy đời mẹ, những vị Bà-la-môn ấy đều lấy chồng người Bà-la-môn, không lấy người không phải Bà-la-môn.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ sự thọ thai chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Do ba sự hiệp hội mà thọ thai, là sự hiệp hội của cha mẹ, thời gian người mẹ có thể thọ thai [125] và hương ấm đã đến [126]. Này A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la, phải hội đủ ba sự này mà có sự nhập thai mẹ.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại hỏi các Tiên nhân:

“–Nhưng có thể biết sự thọ sanh này là trai hay gái? Biết nó từ đâu đến? Từ chủng tộc Sát-lị, từ Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư đến chăng? Từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc mà đến chăng?

“Các Tiên nhân kia đáp rằng:

“–Không biết.

“A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la lại nói với các Tiên nhân kia rằng:

“–Này Chư Hiền, các người không thấy nó, không biết nó. Các người không biết thọ thai ai, nó từ đâu đến, nó là trai hay gái; nó từ Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sĩ hay Công sư; nó từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, nhưng các người lại nói như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Bà-la-môn trắng, ngoài ra đều là đen, Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh. Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên’.

“Này Ma-nạp, các Tiên nhân cùng sống chung với nhau trên chỗ cao của rừng vắng kia bị A-tư-la Tiên nhân Đề-tì-la khéo dạy, khéo quở trách nên không thể chủ trương Bà-la-môn là thanh tịnh, huống nữa là các thầy trò ngươi, những người luống mặc áo da, áo cỏ.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bị Thế Tôn chỉ trích ngay mặt, trong lòng sầu não, cúi đầu im lặng, không biện bạch được một lời.

Đức Thế Tôn sau khi chỉ trích A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, Ngài lại muốn khuyên cho Ma-nạp được vui vẻ, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, có Bà-la-môn trai tự, bố thí; người này có bốn người con, hai đứa ham học hỏi, hai đứa không học hỏi. [666b] Ý Ma-nạp nghĩ sao? Người Bà-la-môn này sẽ dành cho ai trước tiên chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, người Bà-la-môn ấy tất dành cho hai người con ham học hỏi của mình trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, lại có một Bà-la-môn trai tự, bố thí; Bà-la-môn này có bốn người con; hai đứa ham học hỏi nhưng không tinh tấn, thích làm việc ác; còn hai đứa kia tuy không học hỏi, nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện. Ý Ma-nạp nghĩ sao? Bà-la-môn này trước tiên dành cho ai về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn ấy tất dành cho hai người con tuy không học vấn nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, trước kia ngươi khen ngợi sự học hỏi, sau đó ngươi khen ngợi sự trì giới. Này Ma-nạp, như vậy Ta nói bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, Ta tuyên bố và hiển thị, ngươi cũng nói bốn chủng tánh này đều thanh tịnh, tuyên bố và hiển thị.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật.

Bấy giờ đại chúng càng cao giọng mà nói rằng:

“Sa-môn Cù-đàm thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Bởi vì Sa-môn Cù-đàm nói ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, tuyên bố và hiển thị’ khiến cho A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cũng nói theo rằng ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị.’ ”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm đại chúng ấy [127], liền bảo:

“Như vậy đủ rồi, này A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, chỉ cần trong lòng thấy thỏa mãn là được. Hãy trở về ngồi lại chỗ cũ.

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn bèn thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hơn hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ số đông các Bà-la-môn ở Câu-tát-la trở về chưa bao xa, dùng đủ thứ ngôn ngữ khiển trách [666c] A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp:

“Ngươi muốn làm gì? Muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người đi vào rừng để tìm con mắt, nhưng ngươi lại bị mất con mắt mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người vì muốn uống nước nên xuống ao, nhưng ngược lại bị khát nước mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng như vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi muốn làm gì?”

Bấy giờ, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với số đông Bà-la-môn ở Câu-tát-la rằng:

“Này Chư Hiền, tôi đã nói trước rồi, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Ai thuyết pháp đúng như pháp, người ấy không thể cật vấn.”

Phật thuyết như vậy. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nghe Phâït thuyết, hoan hỷ phụng hành. [128]

 


 [1] Thứu nham 鷲巖. Pāli: Gijjakūta-pabbata: Kỳ-xà-quật; đỉnh Kên kên.

 [2] Trong bản: Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử 未生怨鞞陀提子: A-xà-thế Vi-đề-hy Tử. Pāli: Ajātasattu Vedehiputta.

 [3] Bạt-kỳ 跋 耆. Pāli: Vajjī.

 [4] Vũ Thế 雨 勢. No 1(2): Vũ-xá. Pāli: Vassakāra.

 [5] No 1(2):Các bản khác đều không có đoạn này.

 [6] Giá-hòa-la tự 遮惒羅寺. No 5: Cấp tật thần xá 急疾神舍. No 6: Chánh tháo 正躁神舍D 16 (ii. 77): Sārandada-cetiya. Chùa này theo bản Hán có lẽ là Cāpala, chỗ Phật thông báo quyết định nhập Niết-bàn.

 [7] Bất suy pháp 不衰法. Pāli: aparihāniyadhamma.

 [8] Các bản khác, Phật chỉ nói gián tiếp, chứ không nói thắng với ông Đại thần.

 [9] Cựu tự 舊寺. No.1(2): tông miếu. Pāli: vajjīnaṃ vajjicetiyāni, các linh miếu của người Bạt-kỳ.

 [10] Khởi bất tùy 起不隨. Pāli: na vasaṃ gacchanti.

 [11] Pāli: uppannāya taṇhāya ponobhavikāya na vasaṃ gacchanti, không bị chi phối bởi khát ái hiện hành, khát ái ấy dẫn đến đời sau.

 [12] Ái lạc bỉ bỉ hữu 愛樂彼彼有. Pl.: tatra tatrābhibabdinī, mong muốn (sẽ tái sinh) ở chỗ này,ở chỗ kia.

 [13] Pháp, chúng, giới, bất phóng dật, cung cấp, định, cùng với tôn sư nói trước, là bảy đề mục bất thối. So sánh bảùy pháp kể trong No.1(2): 1. Kính Phật; 2. Kính Pháp; 3. Kính Tăng; 4. Kính giới luật; 5. Kính thiền định; 6. Kính thuận cha mẹ; 7. Kính pháp không buông lung.

 [14] Bất hành ư nghiệp 不行於業. Nghiệp ở đây được hiểu là chuyện đời. Pāli: na kammārāmā, na kammaratā, na kammārāmataṃ anuyuttā, không thích thế nghiệp, không hoan hỷ thế nghiệp, không đam mê thế nghiệp.

 [15] Bất hành hoa thuyết 不行譁說. Pāli: na bhassārāmā.

 [16] Tạp hiệp 雜 合, được hiểu là “kết hợp với ác hữu”.

 [17] Bảy pháp chỉ tránh, hay diệt tránh. Xem kinh số 196 ở sau.

 [18] Sáu pháp hòa kỉnh, hay lục hòa, xem kinh 196.

 [19] Hán: như địa bất tùy tha 如地不隨他. Pl: bhujissāni, tự do, không còn làm nô lệ.

 [20] Thương-ca-la Ma-nạp 傷歌邏摩納. Pāli: Saṅgārava, một Bà-la-môn trẻ, hình như là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia.

 [21] Hán: trai 齋; Pāli (A. i. 168): yaññaṃ yajāmapi yajāpemapi, tự mình cử hành tế đàn, cũng bào người cử hành tế đàn..

 [22] Phước tích 福 跡. Pāli:anekasārīrikaṃ puññappaṭipadaṃ paṭipannā honti, họ thực hành dẫn đến phước đức cho nhiều người.

 [23] Pl.: ekam attānaṃ dameti, ekamattānaṃ sameti  ekamattānaṃ parinibbāpeti, chỉ chế ngự một tư ngã, an tịnh một tự ngã, niết-ban cho một tự ngã.

 [24] Bản Hán thiếu một đoạn trong Pāli: Phật hỏi Saṇgārava về ích lợi của tế đàn và ích lợi của người tu tập để cọng trú với Phạm thiên, do đó dẫn đến câu hỏi cua A-nan.

 [25] Cũng như kinh số 194 ở sau.

 [26] Tam thị hiện: như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện 三示現 如意足示現 占念示現 教訓示現. Xem No 1(24): kinh Kiên cố; Tập Dị 6 (No.1536, tr.389 b), ba thị đạo: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Pāli: tini pātihāriyānā: iddhi, ādesanā, anusāsanā.

 [27] Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一 則 住 一 有 知 有 見. Nghĩa không rõ. Tập Dị (nt): hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.

 [28] Pl.: so bahuṃ cepi ādisati tatheva taṃ hoti no aññathā, họ nói ra nhiều điều và điều ấy là như vậy, không khác.

 [29] Tha niệm tha tư tha thuyết 他念他思他說. Pl.: vatakkayato vicārayato vitakka-vipphārasaddaṃ sutvā, sau khi nghe tiếng nói được khuếch đại bởi tầm tứ, được kiếm soát bởi tầm tứ.

 [30] Chỉ các bậc từ nhị thiền trở lên, trong đó không có tâm sở tầm (Pāli: vitakka) và tứ (Pāli: vicara). Pl.: avitakkaṃ avicāraṃ samādhiṃ samāpannassa cetasā ceto paricca pajānati, ngưới ấy nhập vào đinh không tầm không tứ, y nơi tâm của mình mà biết tâm của người khác.

 [31] Pl.: yathā imassa bho manosaṅkhārā paṇihitā imassa cittassa anantarā amuṃ nāma vitakkaṃ vitakkessati, “tôn giả kia có ý hành được hướng đến chỗ nào, lập tức tâm của vị này hướng tầm đến đó.

 [32] Nguyên Hán: đại pháp 大法. Bản Việt thêm từ huyễn cho đủ nghĩa.  Pāli: māyāsaha-dhammarūpam; pháp huyễn hoặc; bản Hán đọc là mahā-dhamma, có lẽ bị sót mất nhiều âm tiết.

 [33] No 70: Đông viên trung Lộc giảng đường 東園中鹿講堂. Pl.: Pubbārāme Migāramātupāsāde.

 [34] Toán số Mục-kiền-liên 算數目犍連. No 70: Số Bà-la-môn 數婆羅門. Pāli: Gaṇaka-Moggallāna, có thể là một nhà toán học.

 [35] Trong bản Hán: quán giác 觀覺.

 [36] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [37] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [38] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [39] Chánh thân chánh nguyện 正身正願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Trong bản Hán, paṇidhāya (sau khi đặt xuống), được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.

 [40] Ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.

 [41] Hán: đạo sư 導師. Dioch lag nfười chỉ đường cho phù hợp với đoạnmạch tiếp theo. Pl.: samādapetā, người chỉ đường, người hướng dẫn.

 [42] Căn hương 根香, hương liệu từ rễ cây; xem kinh 141 trên. Pāli: mūlagandhā.

 [43] Sa-la thọ hương 娑羅樹, loại hương trầm bằng lõi cây; xem kinh 141 trên. Pāli: sāragandhā. Trong bản Hán, đọc là sāla (cây sa-la) thay vì sāra (lõi cây).

 [44] Bản Hán, hết quyển 35.

 [45] Ma-kiệt-đà đại thần Vũ Thế 摩竭陀大臣雨勢. Pl.: Vassakāro brāmaṇo Magadhamahāmatto. Xem kinh 142.

 [46] Xem kinh 142. Pāli, M. 108: chuẩn bị đánh nhau với Pajjota (Caṇḍappajjota), vua nước Avanti, chứ không phải với Vajji (Bạt-kỳ).

 [47] Cù-mặc Mục-kiền-liên điền tác nhân 瞿默目犍連田作人. Pāli (M. iii. 37): gopakamogallānassa brāhmaṇassa kammanto, (A-nan đi đến) chỗ làm việc của Bà-la-môn Gopaka-Moggallāna. Trong bản Hán, kammanta, chỗ đang làm việc, được hiểu là kassaka: nông phu?

 [48] Chi tiết này không phù hợp với chi tiết tiếp theo.

 [49] Đoạn trên nói ông là người làm ruộng. Xem cht. trên.

 [50] Hán: ủy lạo điền tác nhân 慰勞田作人. Pāli: kammante anusaññāyamāno, đang đi thị sát chỗ đang làm việc (công trường).

 [51] Hán: vị Thế Tôn sở tri kiến 為世尊所知見; có lẽ dư chữ sở, vì những nơi khác trong bản Hán đều cho thấy như vậy. Pāli: tena bhagavatā janatā passatā arahatā…, bởi Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Bậc Kiến Giả, là A-la-hán…

 [52] Thập pháp nhi khả tôn kính 十法而可尊敬. Pāli: dasa pasādanīyā dhammā, mười pháp khả hỷ, khiến cho tin tưởng.

 [53] Nội hành chánh chỉ 內行正止. Cf. M. i. 216: ajjhattaṃ cetosamatham anuyutto. Xem kinh 184 ở sau (Ngưu giác sa-la-lâm): nội hành chỉ 內行 [12]止.

 [54] Hán: diệc bất ly tứ 亦不離伺. Xem kinh 184: bất phế tọa thiền 不廢坐禪. Cf. M.i. ibid.: anirākatajjhāno.

 [55] Thành tựu quán hành ; tu quán, đối với tu chỉ nói trên. Pl. ibid.: vipassanāya samannāgato.

 [56] Tăng trưởng không hành 增長空行: thường xuyên sống nơi vắng vẻ. Xem kinh 184: thường hiếu nhàn cư 常好閑居. Pl.ibid.: brūhetā suññāgārānaṃ.

 [57] Vì các chi tiết không được mạch lạc, không rõ đám đông này là những ai.

 [58] Đoạn Pāli tương đương: evaṃ vutte vassakāro brāhmaṇo magadhamahāmatto upanandaṃ senāpatiṃ āmantesi – taṃ kiṃ maññati bhavaṃ senāpati yad ime bhonto skkātabbaṃ sakkaronti … imañca hi te bhonto na sakkeyyuṃ …atha kiñcarahi te bhonto sakkareyyuṃ. “khi nghe điều này, Đại thần Vassakara nói với Tướng quân Upananda: Tướng quân nghĩ sao, những tôn giả này tôn kính người đáng tôn kính? (…) Nếu họ không tôn kính người đáng tôn kính… thì họ tôn kính ai?” Không rõ do sự nhầm lẫn nào mà Hán dịch thành đoạn văn thiếu mạch lạc như vậy.

 [59] Trong bản Hán: dĩ thế tôn ủng hộ cố 以 世 尊 擁 護 故; có lẽ dư chữ thế. Pāli: yathā taṃ tumhādisehi rakkhakehi gopakehi, nhờ những người ủng hộ, bảo vệ như ngài.

 [60] Bà-nan 婆 難, Pāli: Upananda senāpati.

 [61] Hành tứ lạc tứ 行伺樂伺; hành tứ ở đây được hiểu là hành thiền. Pāli: jhāyino ca jhānasīlino ca, là những người hành thiền, có xu hướng (tập quán) hành thiền.

 [62] Kim-tì-la lạc viên 金鞞羅樂園; không rõ địa danh này. Có thể Pāli là Kimbilā, một thị trấn bên bờ sông Hằng, trong một khu rừng tre. Nhưng trong bản tương đương: Vesāliyaṃ Mahāvane Kūṭāgārasālāyaṃ, ở giảng đường Trùng các (ngôi nhà lầu) trong rừng Đại lâm thành Vesāli.

 [63] Tứ, tăng tứ, nhi trọng tứ 伺增伺而重伺, có thể hiểu là “dò xét, tăng gia dò xét, trầm trọng dò xét”. Xem các thí dụ trong kinh số 131 trên. Pāli: jhāyati pajjhāyati nijjhāyati apajjhāyati: thiền tứ (trầm ngâm suy nghĩ), mãi miết thiền tứ (= bị dày vò), chìm đắm thiền tứ (= bị thiêu đốt), chuyên chú thiền tứ. Trong Pāli, động từ jhāyati (Skt. dhyāyati, danh từ phái sinh: jhāna, Skt. dhyāna, âm: thiền), có nghĩa là tư duy hay trầm tư; nhưng cũng có nghĩa là thiêu đốt hay hỏa táng (Hán âm: xà-duy hay trà-tì, hỏa táng; Skt. kṣāyati).

 [64] Trong bản: tam 三. Có thể chép dư một nét.

 [65] Đoạn trong ngoặc, bản chữ Hán có thể sót; ở đây, theo những nơi khác, thêm vào cho đủ nghĩa.

 [66] Ti-lô dị học 卑盧異學; Pāli: Pilotika-paribbājaka, một du sĩ trẻ, thuộc bộ tộc Vacchāyma.

 [67] Sanh Văn 生 聞, Jāṇussonī, các kinh tiếp theo sau. Ông được kể trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông thường ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Phật để thảo luận.

 [68] Bà-ta 婆磋, họ của Ti-lô. Pāli: Vacchāyana, xem chú thích ở trên.

 [69] Trong bản Pāli (M. i. 175): taṃ kiṃ maññati (…) samaṇanassa Gotamasasa paññāveyyattiyaṃ, paṇḍito…, ông có nghĩ rằng Sa-môn Cù- đàm có trí tuệ đặc sắc, …, là người thông bác chăng?

 [70] Tứ cú nghĩa 四句義. Pāli: samaṇne gotame cattāri padāni, bốn dấu chân nơi Sa-môn Gatama. Trong Pāli, pada, có nghĩa dấu chân, cũng có nghĩa là câun.

 [71] Hán: quyết định 決 定; bản Pāli: nipuṇe: tinh tế.

 [72] Bản Hán này nhảy hai dấu chân giữa. Nhưng dấu thứ tư ở đây lại trùng lặp với dấu thứ nhất. Ở đay, có thể sắp lại thứ tự lần lượt như sau, 1. các luận sỹ bị khuất phục; 2. các luận sỹ trở thành đệ tử; 3. các luận sỹ này xuất gia; 4. mọt số đạt cứu cánh trong đời này.

 [73] Không tin là voi lớn nhất. Sẽ còn có con lớn hơn nữa.

 [74] Gia-lê-nậu 加梨 [少/兔] Pāli: Kaṇerukā, tên một loại voi cái.

 [75] Gia-la-lê 加羅梨; Pāli: Kaḷārikā, cũng tên một loại voi cái.

 [76] Bà-hòa-nậu 婆惒 [少/兔] ; Pāli: Vāmanikā, loại voi cái rất lớn và lùn.

 [77] Thường niệm bế tắc 常念閉 塞. Có lẽ tương đương Pāli: indriyesu guttadvāro, canh chứng cửa nơi các căn.  

 [78] Hán: bất vị sắc 不味色. Pl.: mā’ nuvyañjanaggahāhī, chớ nắm bắt tuy tướng (các chi tiết nhỏ khi nhìn thấy sắc). Pl. anuvyañjana: tùy tướng, tùy hình hảo;nhưng bản Hán hiểu từ vyañjana là vị để nếm, gia vị hương vị.

 [79] Vị phẫn tránh cố 謂忿諍故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi; Hán dịch có thể nhầm vì vô nghĩa trong đoạn mach này. Pāli: yatvādhikaraṇam enam cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāsutvā tassa saṃvarāya paṭipajjhāhi, do nguyên nhân gì mà khi sống với nhãn căn không được phồng hộ khi ấy tham và ưu cũng các pháp ác bất thiện chảy lọt vào, ngơi hãy tu tập để ngăn chặn nguyên nhân ấy. Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.

 [80] Chánh thân chánh nguyện phản niệm bất hướng 正身正願反念不向. Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, giữ thân ngay thẳng; dựng chánh niệm để trước mặt.

 [81] Như Lai sở khuất, sở hàn, sở phục 如來所屈 所行 所服. Pl.: tathāgatapadaṃ, tathāgatanisevitaṃ, tathāgatarāñjitaṃ, dấu chân của Như Lai, dấu cọ sát của Như Lai,  dấu cắt (bởi ngà voi) chém của Như Lai.

 [82] Đối chiếu kinh số 149 ở sau.

 [83] Không thấy các bản tương đương.

 [84] Xem kinh số 146 trên.

 [85] Hán: khủng bố 恐怖; đây chỉ tai họa nguy hiểm.

 [86] Ba ác bất thiện niệm: ba bất thiện tầm.

 [87] Như kỳ tượng định.

 [88] Xem các kinh 146, 147 trên.

 [89] Hà khổ 欲苦; nhân đó đặt tên kinh.

 [90] Cf. A. 5. 31 Sumanā (iii. 35).

 [91] Bản Hán, hết quyển 36.

 [92] Hán: hà dục hà hành hà lập hà y hà ngật 何欲何行何立何依何訖. Pāli (A. iii. 363): kim-adhippayā kim-upavicārā kim-adhiṭṭhānā kim-abhinivesā kim-pariyosanā, ham muốn gì, tâm niệm gì (cận hành), y cứ gì, tham vọng gì, cứu cánh gì?

 [93] Sở lập dĩ đao 所立以刀. Pāli: balādhiṭṭhānā, chấp cứ sức mạnh. Có lẽ bản Hán chép nhầm đao 刀 thay vì lực 力.

 [94] Y ư nhân dân 依 於 人 民. Pāli: pathavībhinivesā, tham vọng cõi đất (chinh phục).

 [95] Vô đối 無對. Pāli: asapatī, không vợ nhỏ của chồng.

 [96] Pāli: mantadhiṭṭhānā, chấp cứ chú thuật.

 [97] Hán: trai giới  齋 戒, cần hiểu là trai tự hay tế tự. Pāli: yaññābhinivesā.

 [98] Hán: chân đế  真 諦. Pāli: khantisoraccādhippayā, nhẫn nhục và nhu hòa.

 [99] Pāli: ākiñcanābhinivesā, vô sở hữu, không có gì.

 [100] Uất-sấu-ca-la 鬱瘦歌邏; Pāli: Esukārī.

 [101] Pl. (M. i. 177): catasso pāricariyā, bốn cấp phục vụ.

 [102] Cư sĩ 居 士; Pāli: Vessa (Phệ-xá), giai cấp thứ dân. Nơi khác, từ Cư sĩ đồng nhất với Pāli: gahapati, gia chủ, hay trưởng giả.

 [103] Công sư 一 師; Pāli: Sudda (Thủ-đà-la), cùng đinh hay nô lệ.

 [104] Hán: tự tri 自知, ở đây nên hiểu là “được đồng ý” theo nghĩa được thí dụ dưới. Pāli: kiṃ pana… sabbo loko… etad abbhanujānāti, có phải tất cả thế gian đều đồng ý điều này?

 [105] Nguyên Hán: thứ cơ 庶 幾, chỉ sự rộng lượng, hay cho người khác.

 [106] Pāli: sandhana, tài sản, hay tư hữu.

 [107] Pāli: bhikkhacāriya, sự khất thực.

 [108] Hán: điền tác 田作. Pāli: kasigorakkha, cày ruộng và nuôi bò.

 [109] Hán: ma 麻. Bản Pāli: asitabyābhaṅgī, lưỡi liềm và đòn gánh.

 [110] Xem cht.5 trên.

 [111] Pl.: ariyaṃ kho ahaṃ lokuttaraṃ dhammaṃ purissa sandhanaṃ paññapemi, Ta chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp xuất thế gian.

 [112] Nguyên Hán: tháo đậu 澡 豆.

 [113] A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp 阿攝惒邏延那摩納. No 71: An-ba-la-diên Đại thánh (?) 頞波羅延大聖, khoảng 15 hay 16 tuổi. Pāli: Āssalāyana- mānava, mới 16 tuổi thôi.

 [114] Thọ sanh thanh tịnh受生清淨; đây nên hiểu là huyết thống thuần chủng, không lai tạp. Pl.: sujāto.

 [115] Không bị hiềm nghi về huyết thống.

 [116] Tứ điển kinh, chỉ bốn bộ Vệ-đà.

 [117] Nhân duyên, chánh văn, hí ngũ, cú thuyết 因緣正文戲五句說. Theo Pāli: sanighaṇḍu (từ vựng), keṭubha (lễ nghi), ākkharappabheda (ngữ nguyên), itihāsa (hí truyện), padako (cú thuyết), veyyakaraṇo (văn phạm).

 [118] Dư-ni 餘 尼; Pāli: Yoni, tên một nước ở Tây bắc Ấn-độ.

 [119] Kiếm-phù 劍 浮; Pāli: Kamboja, tên nước, thuộc địa phương A-phú-hãn ngày nay.

 [120] Xem kinh số 150 trên.

 [121] No 71: cũng không biết gọi nó là chủng tánh gì. Pl. (M. ii.153): khattiyo’ti pi vattabbo brāhmaṇo’ti pi vattabbo, nó được gọi là sát-lị, cũng đượcgọi là bà-la-môn.

 [122] No 71: bảy Bà-la-môn.

 [123] A-tư-la tiên nhân Đề-tì-la 阿私羅仙人提鞞邏.  No 71: Đạo nhân A-hức 道人阿洫.Pāli: Asita-Devala-Isi.

 [124] Bạch y tiệp 白衣屧. Ở trên, nói: “mặc áo ca-sa” nên đây không thể là “áo trắng”. Tiệp, bản Cao-li chép là biến 變. Trong bản Pāli: upāhanā ārohitvā, mang dép cỏ.

 [125] Dịch thoát ý; nguyên Hán: vô mãn kham nại 無滿堪奈. Pāli: mātā ca tunī hoti, người mẹ trong thời có kinh.

 [126] Pāli: gandhabbo ca paccupaṭṭhito, hương ấm hiện diện.

 [127] Ngài biết họ cố ý cản trở thanh niên này theo Phật.

 [128] Bản Hán, hết quyển 37.